Về một xu hướng mới của từ điển giải thích (trên tư liệu từ điển giải thích tiếng Việt và một số từ điển tiếng Anh)
1. Giới thiệu
Từ điển học Việt Nam có một truyền thống dày dặn. Ðã có những công trình tổng kết khá đầy đủ cả về lí thuyết và thực hành [xin xem 5]. Trong bài viết này chúng tôi xin không thuật lại những vấn đề đã được nêu trong các công trình đã có mà chỉ muốn đi tiếp thêm một bước nhỏ: rút ra đôi điều chưa được đề cập đến trong các công trình có trước. Tuy nhiên, để dễ theo dõi, cũng không tránh khỏi phải nhắc lại một số điều đã nói.
Từ năm 1996, một số người tham gia biên soạn Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) đã tổng kết một số vấn đề lí luận về từ điển trong tập "Một số vấn đề từ điển học"[xem 15]. Ở cuốn sách này, các tác giả tổng kết một số vấn đề về chuẩn ngôn ngữ trong Từ điển tiếng Việt, về cấu trúc vĩ mô của từ điển giải thích: các đơn vị trong bảng từ của từ điển giải thích, đặc biệt là việc xử lí các từ vay mượn gốc Âu – Mĩ, các thuật ngữ khoa học; về cấu trúc vi mô (gồm một mô hình cấu trúc vi mô tối đa cho từ điển một thứ tiếng với các yếu tố và cách tổ chức, cách liên kết các yếu tố), về các kiểu chú như phong cách, phạm vi sử dụng, chú từ loại; về lớp từ ngữ văn chương. Ðây là những vấn đề muôn thuở của từ điển, nhưng các tác giả đã nhìn nhận nó dưới ánh sáng của lí thuyết từ điển học và ngữ nghĩa học hiện đại.
Một số luận điểm chính được các tác giả rút ra là:
a) Nghĩa từ được giải thích trên cơ sở phân tích ngữ nghĩa, mà "... một sự phân tích ngữ nghĩa toàn diện không thể dừng lại ở bình diện hệ thống-cấu trúc, bình diện ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa hẹp, đối lập với lời nói), tuy rằng sự phân tích này là một bước cực kì quan trọng, mà phải được tiến hành cả ở bình diện chức năng, bình diện sử dụng, lời nói" [x.10]. Trên cấp độ lời nói, cấu trúc ngữ nghĩa của lời là một cấu trúc nhiều tầng, gồm có tiền giả định, hiển ngôn, hàm ngôn; trong hàm ngôn có hàm ý và ngụ ý. Một cuốn từ điển tích cực phải giúp người dùng không những hiểu được từ ngữ mà còn vận dụng được chúng trong giao tiếp, thông báo, nhất là đối với người học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Vì vậy, một cuốn từ điển tiếng Việt tốt cần phản ánh được những cấu trúc nhiều tầng của ngữ lưu trong bản thân các từ ngữ, như khả năng tổ hợp từ vựng, tiền giả định, hàm ý... Từ đó đi đến một cách miêu tả các đơn vị từ vựng theo kiểu động hơn. Từ điển học truyền thống coi các đơn vị từ điển là các đơn vị tách rời khỏi ngữ cảnh và "khô cứng", miêu tả nghĩa từ dưới dạng tĩnh và tách biệt. Vì vậy người dùng có thể đọc và hiểu được từng từ một cách thụ động. Ðiều này thể hiện ở chỗ các từ điển biên soạn theo lối cũ chỉ ra nghĩa từ nhưng không chỉ dẫn được cách sử dụng chúng trong ngữ lưu. Ngữ nghĩa học hiện đại miêu tả nghĩa từ ở trạng thái hành chức, tức là chú ý đến hoạt động của từ trong ngữ lưu. Vì vậy, khi miêu tả nghĩa từ, ngoài ý nghĩa, họ còn chú ý đến từ loại (phản ánh chức năng của từ trong câu), đến phạm vi sử dụng, sắc thái lịch sử, phong cách,... (phản ánh chức năng giao tiếp trong xã hội của từ ngữ),... Tức là từ điển giải thích không chỉ giải thích ý nghĩa từ vựng của từ mà còn phải tích hợp được các thông tin đa dạng về đơn vị đó. Có lẽ đây là một sự khác nhau về bản chất giữa cách giải nghĩa theo kinh nghiệm và cách giải nghĩa một cách khoa học và khách quan.
b) Phương pháp biên soạn từ điển mới thông qua việc giải thích nghĩa và cách dùng của từng từ ngữ để miêu tả được toàn bộ tính hệ thống của một ngôn ngữ. Nghĩa từ vựng được phân tích thành một cấu trúc bao gồm những nét nghĩa có quan hệ cấp bậc với nhau, và có khả năng hiện thực hoá trong những ngữ cảnh cụ thể. Từ đó có thể rút ra những mô hình khái quát về các loại cấu trúc nghĩa từ vựng trong tiếng Việt. Và các từ ngữ có cùng cấu trúc ngữ nghĩa được định nghĩa theo cùng một kiểu. Theo phương pháp này, người biên soạn từ điển làm việc trên cơ sở áp dụng các phương pháp ngôn ngữ học kết hợp với kiến thức chung về từ ngữ và hệ thống từ vựng của ngôn ngữ. Ðiều này đòi hỏi người biên soạn từ điển, ngoài tri thức bách khoa còn phải có tri thức ngôn ngữ học lí thuyết và thực hành về ngôn ngữ mà mình định miêu tả. Thực chất đây là cách tiếp cận các đơn vị từ vựng theo quan điểm hệ thống - một cách tiếp cận cơ bản của từ điển học hệ thống [x.15].
Theo Juri Apresjan, tức theo quan điểm của Từ điển học hệ thống, th× chỉ có thể có được cuốn từ điển tốt khi nó được biên soạn trên cơ sở một lí thuyết ngôn ngữ học tốt. Thực tế cho thấy, những phát triển về mặt lí thuyết gần đây đóng vai trò quan träng trong việc biên soạn từ điển. Theo ông, cho đến nay có bốn khuynh hướng trong lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại có liên quan trực tiếp tới từ điển học hệ thống. Đó là:
- Việc tìm kiếm bức tranh (ngôn ngữ) ngây thơ về thế giới, hay là các khuôn khái niệm hoá nằm trong nghĩa từ vựng và ngữ pháp của từng ngôn ngữ nhất định.
- Bước đột phá vào đại phức hệ ngôn ngữ (linguistic macrocosm) được phản ánh vào việc chuyển hướng từ nghiên cứu các từ rời sang việc nghiên cứu các kiểu loại trong từ điển học cơ bản, chẳng hạn, một nhóm các từ vị có chung một hay nhiều thuộc tính, không nhất thiết là thuộc tính ngữ nghĩa, cùng chịu sự chi phối của các quy tắc ngôn ngữ nào đó thì chúng phải được miêu tả một cách nhất quán trong từ điển.
- Bước đột phá vào đại phức hệ ngôn ngữ được phản ánh vào việc chuyển sang 'chân dung từ điển học' - những nghiên cứu tỉ mỉ về tất cả các khía cạnh ngôn ngữ học có liên quan tới nghĩa của từ rời.
- Sự đồng quy (convergence) trong các nghiên cứu ngữ pháp học và từ vựng học đã dẫn tới lí thuyết miêu tả ngôn ngữ theo hướng thống nhất và tích hợp [x.17].
Những vấn đề này, đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có lí thuyết nào phủ nhận và thay thế. Tuy nhiên sau gần hai thập kỉ, về lí thuyết và thực tiễn từ điển học ở Việt Nam đã có những thay đổi, những bước tiến đáng kể.
Ở thời điểm trước năm 2000(1), chúng tôi đã nêu mấy đặc điểm cơ bản của sự phát triển của từ điển học qua từ điển giải thích trong thế kỉ XX là:
Theo thời gian, tri thức ngôn ngữ học ngày càng được phản ánh vào từ điển. Nói cách khác, từ điển giải thích phản ánh sự phát triển của ngành ngôn ngữ học, các từ điển đã được biên soạn theo phương pháp ngôn ngữ học:
a) Từ điển đã vận dụng những vấn đề của lí thuyết ngôn ngữ học nói chung và từ điển học hiện đại nói riêng vào việc biên soạn từ điển. Ðó là cách phân tích nghĩa từ dưới góc độ dụng học, văn hoá học, là cách lập bảng từ và định nghĩa phản ánh được tính hệ thống của từ vựng, là việc ghi chú từ loại, các kiểu chú phong cách, phạm vi sử dụng cũng như sự phát triển của nghĩa từ, là cách xử lí từ đa nghĩa, cách phân biệt từ đồng âm và từ đa nghĩa. Và nhờ vậy, cấu trúc vi mô của từ điển giải thích ngày càng phong phú, đa dạng hơn.
b) Ngôn ngữ dùng để giải nghĩa trong các TÐ giải thích ngày càng khắc phục được những nhược điểm trước đây như: chưa được chuẩn hoá, còn dùng quá nhiều từ ngữ địa phương, từ ngữ khẩu ngữ, từ ngữ Hán,... Xu hướng ngày càng coi trọng vai trò của tư liệu thực tế trong việc lựa chọn, giải thích từ ngữ, đưa ví dụ [x. Lời nói đầu của 17]. Chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) được biên soạn trên khoảng 3 triệu phiếu tư liệu lựa chọn trích dẫn từ sách báo của các thời kì lịch sử khác nhau, được thu thập trong hơn 20 năm; việc sửa chữa và bổ sung (năm 2000) được tiến hành trên cơ sở hơn 32 nghìn phiếu trích dẫn từ sách báo trong khoảng mươi năm trở lại đây. Cuốn từ điển từ mới tiếng Việt [x.13] được biên soạn dựa trên khoảng hơn 40.000 ngữ cảnh phản ánh sự xuất hiện và hoạt dộng của các từ ngữ được coi là mới trong giai đoạn 1986–2000. Bởi vì càng có số lượng dữ liệu lớn, đa dạng, phong phú, từ điển càng khắc phục được nhược điểm "kinh niên" của mình là thường lạc hậu hơn đời sống thực có của vốn từ vựng của một ngôn ngữ.
Dù do cá nhân hay tập thể tác giả biên soạn, được xuất bản ở vùng phương ngữ nào, các từ điển giải thích tiếng Việt giai đoạn những năm cuối thế kỉ XX đều phản ánh được vốn từ ngữ văn hoá chung, cơ bản của tiếng Việt. Sự chênh lệch vốn từ của các từ điển giải thích cùng cỡ là tất yếu, nhưng vốn từ chung vẫn chiếm số lượng lớn.
Có thể thấy qua bảng so sánh số lượng mục từ chung (không tính đến các từ đồng âm):
---|32.324|29.538|22.739|31.072
Ðến nay, những đặc điểm nói trên vẫn đúng nhưng chưa đủ.
_______________
(1) Thời điểm mà chúng tôi thu thập và xử lí tư liệu cho bài viết Giới thiệu sơ lược về lịch sử từ điển và từ điển học Việt Nam [x.4].