Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao

hoangphuong

New member
VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA CA DAO


“ Ca dao chính là tiếng nói của đồng nội, là âm vang của làng quê tổ truyền, phản ảnh sinh hoạt nông thôn, chứa chan tình cảm dân tộc và màu sắc xứ sở” (Phạm1960, p.159). Cái đẹp của ca dao giống như cái đẹp của cô thôn nữ, ẩn tàng sức sống. Hình ảnh trong ca dao rất sắc nét, mạnh mẽ, có khí lực, trong trẻo như không khí đồng quê buổi sáng. Một trong những hình ảnh mà ca dao thường đề cập đến là hình tượng của người phụ nữ. Muốn biết phụ nữ thời xưa như thế nào, thử đi tìm trong ca dao.


Người phụ nữ trong ca dao rất đẹp, về ngoại hình cũng như về tâm hồn. Phụ nữ được xưng tụng là phái đẹp, mà đẹp thì thường là đề tài của văn chương.


Ngoại hình đẹp, hấp dẫn


Ca dao phác họa những người đẹp đồng quê có dáng đứng không phải liễu rũ, mềm mại, yếu đuối như tiểu thư khuê các mà là:


Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.​


Thân trúc thẳng, suông, mảnh mai, láng, dùng để so sánh với dáng thon cao, mạnh khỏe của cô gái nông thôn, thật thích hợp. Có dáng thon thả của thân trúc cộng thêm mái tóc dài thì tuyệt hảo.


Tóc em dài em cài hoa lý
Miệng em cười có ý anh thương.

Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây dợn sóng tợ tiên non Bồng.​


Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đôi mắt đẹp “lúng liếng”(liếc qua liếc lại) đó ở dưới đôi lông mày lá liễu thanh tú thì các chàng trai không uống rượu cũng “say lừ đừ”.


Hoa thơm hoa ở trên cây
Đôi mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ.

Những người con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.​



Nhan sắc, nét đẹp trên người cô gái được các chàng trai cụ thể hóa qua hình ảnh các vật dụng hằng ngày như dao, hoặc bông hoa:


Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.


Hay:

Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp càng nhìn càng ưa

Ba thương má lún đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.

Vừa có khuôn mặt đẹp, vừa có thân mình “ngực nở eo thon”, đẹp cả phương diện thẩm mỹ lẫn phương diện tướng số.

Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.

Cách ăn mặc, trang phục của cô gái nông thôn cũng được miêu tả tỉ mỉ, gợi hình và rất hấp dẫn:


Đàn ông đóng khố đuôi lương
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.​


Còn gì thích mắt cho bằng nhìn cô con gái tuổi xuân hơ hớ mặc yếm đào để lộ hông, eo và lưng trông thật nõn nà bắt mắt, cho nên nhiều anh chàng chịu hết nỗi mới:


Vì cam cho quít đèo bồng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.​


Vì vậy, chàng xin kết hôn cùng người đẹp:


Vào vườn trẩy quả cau non,
Thấy em đẹp dòm muốn kết nhân duyên.​



Tâm hồn đẹp, đáng kính


Từ khi cô gái lấy chồng, tôi không còn thấy hình ảnh xinh đẹp của cô trước khi kết hôn mà chỉ thấy đức tính của người phụ nữ theo quan niệm Nho giáo đan kết lại thành hình ảnh của cô. Hình ảnh này bị bao phủ dày đặc bởi trách nhiệm và bổn phận với chồng, con, gia đình chồng. Còn quyền lợi của cô thì …chẳng thấy đâu cả. Quyền lợi chẳng có, bổn phận và đức tính thì nhiều vô kể, lấp lánh như những vì sao…


• Tòng phu.
Một khi đã chọn được ý trung nhân rồi, phận gái chữ tòng. Bổn phận của người phụ nữ là “xuất giá tòng phu”, sau khi dâng ly rượu tiễn biệt, từ giã cha mẹ đi theo chồng:

Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.​


Chữ Tòng được tôn trọng triệt để, không chỉ người phụ nữ bình dân, ngay cả gia cấp quý tộc, con gái vua lấy chồng cũng phải giữ phận chữ tòng:


Con vua lấy thằng bán than
Nó dắt lên ngàn cũng phải đi theo.

Hay:

Ghe bầu trở lái về đông
Làm thân con gái thờ chồng nuôi con.​


Nho giáo dạy người phụ nữ có bổn phận phải nghe lời chồng:


Con quốc kêu khắc khoải mùa hè
Làm thân con gái phải nghe lời chồng
Sách có chữ rằng: phu xướng phụ tòng
……………..​


• Chấp nhận và chung thủy.
Người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận những thiếu xót của người đàn ông được cô gọi là chồng. Không vì người đó xấu mà buồn. Không vì người đó nghèo mà xấu hổ. Cho dù có xấu, có nghèo hơn những người khác nhưng người đàn ông đó là của riêng cô. Chồng là người cô nương tựa suốt đời. Không so sánh chồng mình với chồng người khác. Thật đáng khen. Thời nay, số phụ nữ bỏ chồng vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp không phải là ít. Hiếm có người thốt lên câu:

Xấu xa cũng thể chồng ta,
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người.

Hay:

Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.​


• Đồng cam cộng khổ.
Hình ảnh cô gái xinh đẹp độc thân biến thành hình ảnh người vợ hiền, theo lang quân đi tới góc biển, chân trời, dù cực khổ cũng không sờn lòng.

Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.​


Chữ “thiếp” thật khiêm tốn, có một chút cổ điển, một chút e ấp, nũng nịu. Chữ “cùng”, “cam” và “chịu”, nhỏ nhẹ, ngọt lịm…nói lên sự tình nguyện chia sẻ nỗi khó khăn gian khổ với người chồng trong cuộc đời. Hết lòng, hết dạ. Nghe rất thương, rất mát ruột!


• Nhường nhịn.
“ Một sự nhịn, chín sự lành”. Đức tính nhường nhịn chồng cho êm nhà êm cửa của phụ nữ thời xưa thật đáng quí. Thời nay ít có phụ nữ nào được như vậy, dù biết rằng nhịn là điều nên làm nhưng chưa chắc đã thực hiện được. Đàn ông thường nóng tính. Đàn bà cũng… tính nóng. Khi tranh cãi, chồng giận thì vợ bực mình cãi lại nhưng phụ nữ thời xưa thì khác, đã không nổi cáu mà lại cười mơn. Xoa dịu cơn giận của lang quân bằng cách “dụ khị” cưới vợ bé cho chàng! Anh chồng nghe xong nhất định sẽ phì cười và …hết giận. Gia đình sẽ đầm ấm như cũ.

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi,
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.​


Thái độ tự kềm chế, trầm tĩnh của người vợ để giữ hòa khí trong gia đình rất đáng cho phụ nữ các thời đại học tập:


Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi, nhỏ lửa một đời không khê.​


Hình ảnh “cơm sôi” đối với hình ảnh “chồng giận”. Thấy ngay cơn giận của chồng đang bùng lên giống nồi cơm đang sôi sùng sục trên bếp. Và “nhỏ lửa” đối với “bớt lời” rất chỉnh. Khi lửa bị giảm đi, lập tức cơm bớt sôi (giống như cơn giận của anh chồng đang hạ xuống ) và từ từ chín để cho ra nồi cơm ngon (vợ chồng hòa thuận trở lại), thật tuyệt!


Thật hay. Hình ảnh thí dụ thật đơn giản, ngay trong đời sống. Cơm “khê” có nghĩa là cơm khét ăn không được, coi như nấu hư nồi cơm. Từ “khê” chỉ sự tan rã, mất hòa khí ở trong gia đình. Nếu không “bớt lửa” thì nồi cơm sẽ khét mất còn gì.


• Cột trụ kinh tế của gia đình.
Người phụ nữ là lao động chính trong nhà, một “bread-winner” chủ lực. Làm việc quần quật. Đảm đang. Trồng trọt. Canh cửi. Buôn tảo, bán tần. Nuôi chồng đi học để mai sau tên đề bảng vàng, rỡ ràng tổ tiên. Anh chồng chỉ có mỗi một việc ăn xong rồi học và chờ khoa thi. Người vợ đặt hết hy vọng vào người chồng. Mong chồng thi đậu thì công lao của chị hy vọng được đền bù. Nếu gặp anh chàng nào lận đận mãi vì thi cử thì thật đáng buồn, chị phải chịu cảnh lam lũ xuống đời.

Em thời canh cửi trong nhà
Nuôi anh đi học đăng khoa bảng vàng

Trước là vinh hiển tổ đường
Bõ công đèn sách lưu phương đời đời.​


Hay:

Em là con gái Phụng Tiên
Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng
Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,
Bỏ công tẩm tưới vun trồng cho rau.

• Cung kính, chu đáo.
Cô vợ chăm sóc, lo lắng cho chồng đi trọ học trong trường không thiếu thứ gì, lại rất ngoan, lúc nào cũng lễ phép chào thưa chồng, thật dễ thương.

Đôi bên bác mẹ cùng già
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi
Hết gạo thiếp lại gánh đi
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao
Hỏi thăm đến ngõ thì vào
Tay đặt gánh xuống miệng chào: thưa anh.​


Cô vui vẻ cung cấp “mồi” cho chồng “nhậu”. Có một người vợ như thế hẳn là thích thú vô cùng:


Đốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.​



• Hiếu khách.
Nhất là khách lại là bạn của chồng, dù cực nhọc đến mấy, người phụ nữ lúc nào cũng đơn độc, lủi thủi, cố gắng cơm nước phục vụ khách đầy đủ, tươm tất, cho vui lòng lang quân.

Cái bống là cái bống bình,
Thổi cơm nấu nước một mình mồ côi.
Rạng ngày có khách đến chơi
Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chồng.​


• Hy sinh.
Đối tượng cũng lại là chồng, con cùng gia đình chồng. Không quản nắng mưa, cực khổ, trèo đèo, lặn suối. Chữ “khổ” (có vị đắng, lo lắng), “gánh”(cho cảm giác nặng nề), “lụy”(trói buộc, sự gì phiền đến thân), ‘đắng cay”, “mặn nồng”, “gắng công” (cố sức) dồn dập tuôn ra. Toàn là những từ chỉ sự khổ sở, nhọc nhằn. Không thấy có vị ngọt.

Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Có chồng phải lụy cùng chồng
Đắng cay phải chịu mặn nồng phải theo.

Hoặc:

Thương chồng nên phải gắng công
Nào ai xương sắt da đồng chi đây​


Xem gia đình chồng là gia đình mình. Chu toàn bổn phận làm dâu, giữ gìn danh tiếng cho gia đình chồng. Nuôi mẹ chồng và con cái khi người chồng đi xa.


Anh về hái đậu chày cà
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên,
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của,
Miệng tiếng người cười rõ sao nên,
Lấy chồng phải gánh giang sơn,
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì.

Hay:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng​


• Quên thân mình.
Bản thân và nhan sắc không còn gì cả. Úa tàn. Ủ rũ. Cực khổ. Thật là tội nghiệp. Còn đâu “yếm thắm hở lườn”, hấp dẫn như lúc chưa chồng. Người vợ trèo đèo, lặn suối, mò cua bắt ốc suốt ngày để mưu sinh. Cụm từ “vú xếch lưng eo” dễ cho người ta liên tưởng đến hình ảnh “vú thỏng dưa gang”. Chữ “vì” được lập đi lập lại nhiều lần nhấn mạnh “thủ phạm” làm nhan sắc tàn phai chính là người chồng.

Một ngày ba bận trèo đèo
Vì ai vú xếch lưng eo hỡi chàng.

Vì chàng thiếp phải mò cua,
Những như thân thiếp thì mua mấy đồng.
Vì chàng thiếp phải long đong
Những như thân thiếp cũng xong một bề.​


• Chịu đựng bất hạnh.
Nếu vô phước gặp một người chồng không ra gì, bài bạc, ăn chơi phá của, công nợ ngập đầu, người vợ âm thầm gánh chịu, trang trải nợ nần, “ngậm bồ hòn” không dám than van vì sợ xấu hổ.

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc dĩa nó thì chơi hoang.
Nói ra xấu thiếp hổ chàng,
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà.
Nói đây thời có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông
Em bán đi trả nợ cho chồng.
Còn ăn hết nhịn cho hả lòng chồng con.
Đắng cay ngậm quả bồ hòn…​



• Yêu nước.
Khuyến khích chồng lên đường đánh giặc, bảo vệ đất nước, giúp chồng yên tâm lên đường bằng cách chăm sóc gia đình chu đáo.

Chàng ơi phải lính thì đi,
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi.

Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.​



Hình tượng phụ nữ Việt Nam ngày xưa thật tuyệt vời. Vừa đẹp người , vừa đẹp nết. Họ là những người vợ đảm, mẹ hiền, lại có tinh thần yêu nước. Hoàn hảo quá! Không chỗ nào chê được.Và cũng thật đáng thương. Không được học hành vì “phụ nhân nan hóa”, “con gái không cần học nhiều”. Không được ngang hàng với nam giới vì phụ nữ chỉ là thành phần phụ thuộc, “ăn theo”, suốt đời phải mang ba chữ Tòng. Khoảng không gian của người phụ nữ chỉ giới hạn trong gia đình. “Gái thì giữ việc trong nhà. Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa”. Thời xưa chưa có phong trào nữ quyền, phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi. Trong một gia đình, đạo đức cũ luôn khuyên nhủ người đàn bà phải phục tùng, không đòi hỏi, phải tận tụy hy sinh, hết cho chồng lại cho con. Ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm. Tam tòng, tứ đức đè nặng lên tư tưởng của những phụ nữ có giáo dục, con nhà nề nếp.


Tôi rất khâm phục phụ nữ thời xưa, sức chịu đựng, đức hy sinh của họ thật vô cùng. Gặp nghịch cảnh gì cũng âm thầm chịu đựng. Có lỗi là bị chồng bỏ. Ít thấy ai bỏ chồng cho dù chồng thuộc loại “tổ tôm xóc dĩa” vì trọng danh giá “Nói ra xấu thiếp hổ chàng”. Phụ nữ ngày nay không hoàn toàn giống như phụ nữ ngày xưa. Một số quan niệm lỗi thời đã bị đào thải, nhưng một số đức tính căn bản vẫn còn. Có lẽ, do ảnh hưởng Nho giáo lưu truyền trong thơ văn. Giá trị đạo đức vẫn còn được phụ nữ trong nhiều gia đình Việt Nam ở hải ngoại duy trì , nhưng uyển chuyển cho phù hợp với thời đại. Căn bản, phụ nữ đã thực hiện được quyền bình đẳng trong gia đình, quân bình giữa “cho” và “nhận”. Phụ nữ không đóng vai trò phục tùng mãi mà là nhẹ nhàng, thuyết phục, vừa giữ được hạnh phúc gia đình, vừa không phải chịu đựng quá nhiều. Có thể nói qua ca dao – bộ phận rực rỡ nhất của nền văn học dân gian – phụ nữ có dịp nhìn lại bóng dáng của chính mình trong “cổ kính” mà rút kinh nghiệm, có cách xử sự trong gia đình cho thích hợp hơn.


(Sưu tầm)
 
VẺ ĐẸP VÀ THÂN PHẬN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG CÁC BÀI CA DAO MỞ ĐẦU BẰNG THÂN EM



Ca dao diễn tả đời sống tư tưởng, tình cảm muôn màu muôn vẻ của người lao động. Sống dưới xã hội cũ, người lao động Việt Nam chịu nhiều nỗi đắng cay, tủi cực. Vì vậy xuất hiện không ít những bài ca dao than thân. Trong những bài thuộc loại này, có một số bài được mở đầu bằng từ Thân em, một lối diễn đạt công thức mang đậm sắc thái dân gian.


Những bài ca dao mở đầu bằng từ Thân em, trước hết, đều là lời than thân của người phụ nữ.


Than vì sự cực khổ trong lao động :


Thân em tội nghiệp vì đâu,
Ngày ngày em chổng phao câu lên trời.​


Than cho số kiếp của một kẻ lẽ mọn :


Thân em làm lẽ chẳng hề,
Có như chính thất mà lê giữa giường.​


Hay vì một nỗi oan uổng :


Thân em như giấy lụa tờ
Chớ nghi mà tội, chớ ngờ mà oan.​


Nhưng phổ biến nhất trong những lời than thân đó là lời than vì duyên phận bị phụ thuộc, không được chủ động trong tình yêu :


Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?​


Xin được dẫn ra đây 5 bài ca dao khác thuộc loại này để thấy được những nét chung và riêng so với bài ca dao vừa nêu ở trên :


- Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.​


- Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.

- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

- Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?

- Thân em như quả xoài trên cây
Gió đông gió tây, gió nam gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành
Một mai rụng xuống biết vào tay ai ?​


Tất cả các bài ca dao đều bắt đầu bằng từ Thân em diễn tả thân phận, cuộc đời bị phụ thuộc, không được quyền quyết định, chịu cảnh hôn nhân không có tình yêu. Từ đó, gợi cho người nghe sự chia sẻ và đồng cảm sâu sắc. Đó là lời chung của người phụ nữ về thân phận nhỏ bé, yếu ớt, đắng cay, tội nghiệp của họ dưới chế độ xưa.


Sau từ thân em là từ như dùng để so sánh và đối tượng đem ra so sánh : tấm lụa đào, hạt mưa, miếng cau khô, giếng giữa đàng, quả bần trôi trên sông, quả xoài trên cây.


Các vật đem ra so sánh đều là những vật gần gũi, quen thuộc và có những nét tương đồng độc đáo với thân phận của người con gái trong xã hội cũ. Cách đem các sự vật ấy ra so sánh khiến cho đối tượng được so sánh (người phụ nữ) hiện lên một cách rõ ràng, đồng thời cũng làm nổi bật được thân phận không ra gì của họ. Miếng cau khô, hạt mưa rơi, quả xoài... vốn có giá trị gì nhiều lắm đâu, thậm chí nó chỉ là đồ bỏ đi : quả bần trôi trên sông. Trong các vật nêu trên, nếu quả bần trôi trên sông kém giá trị hơn cả, tội nghiệp hơn cả thì tấm lụa đào không chỉ có giá trị hơn mà còn gợi được vẻ đẹp duyên dáng, tươi mát. Như vậy, ở bài ca dao Thân em như tấm lụa đào... người con gái không chỉ than thân mà còn ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình. Chính vì vậy, nỗi đau thân phận của nhân vật trữ tình trong bài ca dao đã được nhân lên. Đã đau lại càng đau hơn !


Trong các vật được đem ra so sánh, các vật giếng, trái bần, quả xoài đều có thêm các định ngữ lâm thời (tức là những định ngữ không chỉ bản chất của sự vật) giếng - giữa đàng, trái bần - trôi, quả xoài - trên cây. Việc dùng thêm các định ngữ này phần nào đã làm nổi bật được thân phận không ra gì của người phụ nữ dưới chế độ cũ.

Ở các câu thơ đầu tiên, tác giả dân gian chủ yếu đưa ra các sự vật để so sánh, còn câu tiếp theo là những câu miêu tả bổ sung, khắc hoạ rõ nét thân phận, cuộc đời bị phụ thuộc, không được quyền quyết định, phải chịu cảnh hôn nhân không có tình yêu, may nhờ rủi chịu. Tuy nhiên, những bài ca dao kết thức bằng các câu hỏi :

- Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?

- Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu ?

- Một mai rụng xuống biết vào tay ai ?​


Làm cho lời than thêm não nuột. Đó là tiếng kêu đầy ai oán, khắc sâu vào lòng người nghe một nỗi đau thân phận.


Nguồn: ST

 
Phụ Nữ Việt Nam Qua Ca Dao

Khi đề cập đến phụ nữ Việt Nam, ai ai cũng đều thừa nhận rằng từ ngàn xưa cho đến nay họ là những người đàn bà dịu hiền, thùy mị, đoan trang, đảm đang, trung trinh tiết hạnh, giàu lòng hy sinh. Trong gia đình thì hiếu thảo với cha mẹ, tảo tần lo cho chồng con, ra ngoài là những bậc anh thư liệt nữ. Chính những đức tính đẹp nầy đã nâng cao phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam:

Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,
Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.
Ra ngoài giúp nước, giúp non,
Về nhà tận tụy chồng con một lòng.


Trong suốt chiều dài của dòng lịch sử và chiều sâu của lòng dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã liệt oanh viết nên những trang sử vàng son làm vẻ vang giống nòi như Bà Trưng, Bà Triệu; nữ tướng Bùi Thị Xuân của Quang Trung; Cô Giang, Cô Bắc của Việt Nam Quốc Dân Đảng... Còn về thi văn, ta có Bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Bà Hồ Xuân Hương, Bà Sương Nguyệt Ánh... đều là những nữ sĩ tài hoa, nức tiếng trên văn đàn, là những cánh hồng tươi thắm trong vườn hoa văn học. Ngoài ra, còn có biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác sống một cuộc sống bình thường, thầm lặng nơi thôn trang, xóm làng mà những nét đẹp về tâm hồn của họ được dân gian ca tụng bằng những áng văn, những vần thơ, điệu hát, câu hò hay qua những vần ca dao phong phú.

Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc và lạc vào rừng ca dao của kho tàng văn học, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam qua những đức tính cao quý của họ:
Nói đến phụ nữ Việt Nam, trước hết phải nói đến lòng hiếu thảo đối với mẹ cha và tiết hạnh đối với bản thân. Không phải chỉ có một nàng Kiều của cụ Nguyễn Du mới biết báo hiếu mà bất cứ người con gái Việt Nam nào cũng đều nhớ đến ơn sinh thành, công lao nuôi dưỡng bao la của đấng song thân:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đó là đối với cha mẹ, còn đối với bản thân thì:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình.


Người phụ nữ Việt Nam, ngay từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi biết lật, biết bò lớn dần trong nhịp võng đưa qua tiếng hát của bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em:


Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Hay qua điệu hát ầu ơ:
Ầu ơ... Bao giờ Chợ Quán hết vôi,
Thủ Thiêm hết giặc, em thôi đưa đò.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Hoặc qua điệu ru ạ ờ:
Ạ ờ... Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con cá rô, trê,
Tròng cổ lôi về cho cái ngủ ăn...


Những vần ca dao mộc mạc, bình dị đã đưa em bé gái Việt Nam vào giấc ngủ an bình và từ ngày nầy qua ngày khác, tiếng ru lắng đọng, thẩm thấu vào tiềm thức của em bé nên sau nầy lớn lên thành chị, thành mẹ, thành bà lại hát để ru em, ru con, ru cháu theo nhip võng đưa kẽo kẹt đều đều.

Hát ru em, hát ầu ơ, ạ ờ là một điệu hát thông dụng được phổ biến từ thôn xóm, làng mạc cho đến thị thành. Hát ru em là một bản trường ca bất tận của kho tàng văn chương Việt Nam. Vào những buổi trưa vắng lặng hay những đêm khuya yên tĩnh, cùng với tiếng võng đưa, giọng hát ầu ơ, ạ ờ dịu dàng, trìu mến của bà, của mẹ, của chị vang mãi trong lòng đứa trẻ ấu thơ. Tiếng võng đưa kẽo kẹt đều đều cùng với tiếng hát đã văng vẳng từ bao thề hệ trên đất nước Việt Nam theo dòng sinh mệnh của dân tộc. Trải qua bao nhiêu thế hệ, trong mọi gia đình, nghèo cũng như giàu, cái nhịp đều đều của tiếng võng đưa không bao gời dứt. Không có người Việt
Nam nào không từng hơn một lần nằm võng và tiếng võng đưa hòa cùng tiếng trẻ khóc, tiếng hát ru đã trở thành điệu nhạc muôn đời của dân tộc ta.

Thấm thóat, em bé gái Việt Nam nho nhỏ ngày nào nay đã lớn dần và có thể giúp đỡ mẹ những công việc lặt vặt. Một đôi khi lầm lỗi trong công việc bị mẹ quở mắng hay đánh đòn, em không bao giờ dám oán trách mẹ. Nếu bị quở mắng thì nhỏ nhẹ rằng:

Mẹ ơi đừng mắng con hoài,
Để con bẻ lựu, hái xoài mẹ ăn.

Còn nếu bị đánh đòn, nàng chỉ thỏ thẻ:
Mẹ ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.


Theo thời gian, cô bé Việt Nam bây giờ đã trở thành thiếu nữ dậy thì, trước khi lấy chồng, một đôi lúc ngồi nhìn những hạt mưa rơi, nàng nghĩ vẩn vơ:


Thân em như hạt mưa rào,
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Hay bâng khuâng tự hỏi:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Ngồi cành trúc, tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?


Đến tuổi dậy thì, phụ nữ Việt Nam trổ mã, đẹp dần lên. Mỗi nàng một vẻ đẹp riêng, người thì đẹp qua đôi mắt, người khác đẹp ở mái tóc, có cô đẹp qua nụ cười, cô khác đẹp bằng hai má lúm đồng tiền, có người đẹp với chiếc eo thon thon, dáng đi yểu điệu, có người đẹp trừu tượng qua tâm hồn... Tóm lại, mỗi người một vẻ để làm rung động hay làm xao xuyến con tim của người khác phái.

Những phụ nữ có đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu được ca dao khen rằng:

Những người con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Hay những người có làn da trắng nõn, má lại hồng hồng, môi đỏ thắm:
Ai xui má đỏ, môi hồng,
Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu.


Đã đẹp mặt mà còn đẹp về vóc dáng nữa thì “chim phải sa, cà phải lặn” cho nên những phụ nữ có chiếc eo thon thon:


Những người thắt đáy lưng ong,
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Mái tóc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trang điểm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam:
Tóc em dài em cài bông hoa lý,
Miệng em cười anh để ý anh thương.

Mái tóc dài, đẹp còn làm xao xuyến lòng người:
Tóc đến lưng vừa chừng em bới,
Để chi dài bối rối dạ anh.


Nụ cười là nét duyên dáng, nét quyến rũ của người phụ nữ. Từ xưa cho đến nay có rất nhiều đàn ông đã chết vì nụ cười của phái đẹp:

Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng,
Thương em chúm chím cười duyên một mình.

Cũng thế, ta thường nghe ai đó ngâm hai câu ca dao:
Nàng về nàng nhớ ta chăng,
Nàng về ta nhớ hàm răng nàng cười.

Và ca dao cũng không quên ca tụng nét đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt Nam:
Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Người khôn ăn nói dịu dàng dễ thương.


Phụ nữ Việt Nam vốn cháu con Quốc Mẫu Âu Cơ, dòng dõi tiên nên nhu mì, thùy mị được tiếng là đẹp, rất đẹp, nhất là trong chiếc áo dài tha thướt với vành nón lá che nghiêng nghiêng mái tóc xõa bờ vai. Có biết bao nhiêu chàng trai đã trồng cây si ở cổng trường Trưng Vương, Gia Long, Đồng Khánh, Sương Nguyệt Ánh, Bùi Thị Xuân... vì những tà áo dài thướt tha nầy và mái trường đã từng là chứng nhân của những mối tình đẹp tựa bài thơ, đẹp như đêm trăng huyền ảo. Trước cái đẹp của phụ nữ Việt Nam, mấy ai thuộc phái nam đã không từng cất giấu trong tim một bóng hồng của thời yêu thương ướt át:


Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt đưa tình với anh.


Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam còn làm cho trái tim nhà vua đập sai nhịp vì bị “tiếng sét ái tình”:

Kim Luông có gái mỹ miều,
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi..


Dân tộc Việt Nam là dân tộc hiền hậu, hiếu hòa, cần cù nhẫn nại lại trọng đạo lý cho nên khi con cái vừa lớn khôn thì được gia đình, nhà trường, xã hội dạy những bài học luân lý về cung cách ở đời, ăn ở có nhân có nghĩa theo đạo lý làm người và phụ nữ Việt Nam cũng được giáo huấn:

Con ơi mẹ bảo con này,
Học buôn, học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói điêu ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.


Nhờ được giáo huấn cho nên phụ nữ Việt Nam đoan trang, thùy mị, nết na:

Sáng nay tôi đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn.
Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Và xa hơn nữa:
Ở nhà còn mẹ, còn cha,
Lẽ đâu tôi dám nguyệt hoa cùng người.


Phụ nữ Việt Nam khi đến tuổi bước vào con đường yêu đương thì yêu nhẹ nhàng, kín đáo. Nhẹ nhàng đến nỗi tình yêu của nàng len lén len lỏi vào tim hồi nào mà chàng trai không hay:

Vói tay ngắt lấy cọng ngò,
Thương anh muốn chết giả đò ngó lơ.

E thẹn, giả đò ngó lơ, len lén ngó mà không dám ngó lâu là những cử chỉ yêu đương nhẹ nhàng, kín đáo rất dễ thương của người phụ nữ Việt Nam:
Ngó anh không dám ngó lâu,
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.


Nhưng khi đã yêu thì phụ nữ Việt Nam yêu một cách đứng đắn, yêu đậm đà, tha thiết với tất cả con tim mình:

Qua đình ghé nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Tình yêu của nàng còn sâu đậm hơn nữa:
Yêu chàng lắm lắm chàng ôi,
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.


Khi yêu, ngoài tình yêu đậm đà, tha thiết, phụ nữ Việt Nam lại còn chung tình:

Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Và chung tình cho đến chết vẫn còn chung tình:
Hồng Hà nước đỏ như son,
Chết thì chịu chết, sống còn yêu anh.


Trước khi lấy chồng, phụ nữ Việt Nam cũng có thừa thông minh để lựa chọn ý trung nhân:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng lâu nay.

Hay mượn những vần ca dao nhắn nhủ với giới mày râu rằng muốn kết duyên vợ chồng, gá nghĩa trăm năm với phụ nữ Việt Nam thì:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ
.


Đến ngày bước lên xe hoa về nhà chồng, phụ nữ Việt Nam không quên lạy tạ ơn sinh thành của cha mẹ:

Lạy cha ba lạy, một quì,
Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.

Khi cất bước ra đi về làm dâu nhà chồng, một lần cuối nàng cố ghi lại những kỷ niệm của thời thơ ấu vào tâm khảm:
Ra đi ngó trước, ngó sau,
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.

Rồi lúc đã có chồng, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn tâm niệm:
Chưa chồng đi dọc, đi ngang,
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.


Hay:

Đã thành gia thất thì thôi,
Đèo bòng chi lắm tội Trời ai mang.

Lấy chồng, người phụ nữ Việt Nam đẹp duyên cùng chồng:
Trầu vàng ăn với cau xanh,
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.

Và có hình ảnh nào đẹp hơn vợ chồng hạnh phúc trong cảnh thanh bần:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.

Dù nghèo, thanh bần nhưng phụ nữ Việt Nam học theo triết lý an phận, vẫn chung tình với chồng, không đứng núi nầy trông núi nọ:
Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.


Tinh thần chịu khó, chịu cực và khuyến khích chồng ăn học cho thành tài được diễn đạt qua những vần cao dao làm nổi bật đức tính hy sinh của phụ nữ Việt Nam:

Canh một dọn cửa, dọn nhà.
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Anh ơi dậy học chớ nằm làm chi.
Mốt mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.


Đã có chồng con, người phụ nữ Việt Nam lại càng đảm đang, vừa lo cho con vừa lo toan mọi công việc nhà chồng:

Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.


Hoặc:

Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.

Có con, người phụ nữ Việt Nam lại gánh thêm trách nhiệm làm mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy thức đủ năm canh.


Tình mẫu tử của những bà mẹ Việt Nam bao la như trời bể, luôn luôn bảo bọc, che chở cho con:

Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.


Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam còn phải đối diện với cảnh làm dâu nhà chồng. Trước đây, xã hội ta đã quan niệm sai lầm rằng người con dâu phải phục vụ gia đình nhà chồng gần như một người đầy tớ và một số bà mẹ chồng rất khắc nghiệt với nàng dâu gây nên nhiều cảnh thương tâm cho người phụ nữ Việt Nam. Tự Lực Văn Đoàn đã đưa ra nhiều cuốn tiểu thuyết luận đề để đả phá quan niệm sai lầm nầy và ca dao ta cũng lên tiếng thở than dùm cho các nàng dâu Việt Nam:

Làm dâu khổ lắm ai ơi,
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.


Còn nếu đất nước gặp thời chinh chiến, người phụ nữ Việt Nam không bịn rịn mà hăng hái khuyến khích chồng hành trang lên đường trả nợ núi sông:

Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.

Phụ nữ Việt Nam, ngoài những đức tính đảm đang, giàu lòng hy sinh, nết na, thùy mị còn là người con rất mực hiếu thảo:
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang,


Lòng nhớ công ơn cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng của người phụ nữ Việt Nam còn đươc diễn đạt qua mấy câu:

Ân cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi.
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta.


Những món quà nho nhỏ như buồng cau, đôi giày nhưng nói lên lòng hiếu thảo, lòng nhớ ơn công cha nghĩa mẹ của người phụ nữ Việt Nam:

Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy


Hay là:

Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.


Khi phải đi xa hay lấy chồng xa, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn tưởng nhớ về mẹ cha:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.


Phụ nữ Việt Nam còn gắn liền với dân tộc và lịch sử vì thế khi tổ quốc lâm nguy, khi sơn hà nguy biến người phụ nữ Việt Nam hăng hái đưa vai gánh vác giang sơn như trường hợp Bà Trưng, Bà Triệu và những vị anh hùng liệt nữ khác.

Hai chị em Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, quê quán làng Cổ Lai, đất Mê Linh. Lúc ấy nước nhà đang bị người Tàu cai trị bằng chính sách hà khắc khiến dân ta vô cùng khốn khổ. Rồi vào năm 40, sau Tây Lịch, Thái Thú Tô Định lại bắt giết ông Thi Sách, chồng Bà Trưng Trắc làm cho nợ nước chồng chất thêm thù nhà cho nên Bà Trưng Trắc cùng em là Bà Trưng Nhị đứng lên chiêu tập binh mã, anh hùng hào kiệt khắp nơi để đánh đuổi quân xâm lăng bạo tàn. Quân binh của Hai Bà chiến đấu rất dũng mãnh, chiếm được 65 thành, đánh đuổi quân Tô Định chạy về Tàu. Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dân chúng tôn Bà Trưng Trắc lên làm Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Đến năm 42, vua Tàu là Quang Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện kéo quân qua phục thù. Trước địch quân hùng hậu, quân ta chống cự không lại nên Hai Bà đã gieo mình xuống giòng Hát Giang tuẫn tiết.
Không có hình ảnh nào vừa hào hùng, vừa lãng mạn cho bằng hình ảnh của hai vị liệt nữ anh hùng gieo mình xuống giòng nước trả nợ núi sông và để lại gương “Thiên thu thanh sử hữu anh thư”. Hai Bà Trưng làm vua được 3 năm, từ năm 40 đến năm 43. Khi vua Tự Đức đọc đoạn sử Hai Bà Trưng, ngài đã ngự phê: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách”. Và Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã ghi lại công nghiệp của Hai Bà bằng những vần ca dao lịch sử:

Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên,
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.


Còn Bà Triệu, tên thật là Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa vào năm 248, sau Tây Lịch để chống lại quân xâm lăng Đông Ngô của Tàu. Bà còn trẻ nhưng rất can đảm, Bà thường nói: “Tôi muốn cỡi gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém kình ngư ở biển đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân cứu nước chứ không thèm bắt chước người đời còng lưng làm tì thiếp người ta”. Ra trận Bà cỡi voi mặc giáp vàng trông rất oai phong làm quân Ngô khiếp sợ. Nghĩa binh tôn Bà là Nhụy Kiều Tướng Quân. Bà Triệu đã anh dũng đền nợ nước khi Bà mới có 23 tuổi:

Ru con, con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Có Bà Triệu Tướng cỡi voi bành vàng.


Bà Trưng, Bà Triệu là những bậc nữ lưu anh hùng đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Rất lâu về sau nầy nước Pháp mới có nữ anh hùng Jeanne D' Arc nhưng sự nghiệp của Bà Jeanne D' Arc cũng không lẫm liệt bằng công nghiệp to lớn, lẫy lừng của Bà Trưng, Bà Triệu.

Thật xứng đáng:


Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho tỏ mặt đàn bà Việt Nam!

ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top