Vẻ đẹp của Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Nguyễn Dữ đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Nương tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến: vừa có phẩm chất cao đẹp, đáng trân trọng nhưng phải chịu số phận bất hạnh.

Chúng mình cùng nhau đi tìm vẻ đẹp của Vũ Nương qua tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” nhé!


Vẻ đẹp của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương - vnkienthuc.png


Vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”

Bài viết​

Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XVI, sự nghiệp văn chương của ông không thật sự đồ sộ nhưng có những tác phẩm lay động trái tim bao bạn đọc. Chuyện người con gái Nam Xương rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Tác phẩm đã thể hiện thành công nhân vật Vũ Nương- một người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp nhưng lại phải chịu số phận bất hạnh.

Mở đầu trang truyện, tác giả đã giới thiệu Vũ Nương là người phụ nữ "thuỳ mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp". Mặc dù là con nhà nghèo lấy chồng nhà giàu lại đa nghi, ít học nhưng do hiền dịu, nết na, khéo cư xử nàng đã san bằng được khoảng cách về môn đăng hộ đối, một quan niệm nặng nề của lễ giáo phong kiến và giữ được không khí trong gia đình luôn yên ấm, hạnh phúc thế nhưng hạnh phúc êm ấm tưởng bền lâu, không ngờ đất nước xảy ra binh biến, Trương Sinh phải đầu quân ra trận ở biên ải xa xôi trong buổi tiễn đưa nàng rót chén rượu đầy tiễn chồng bằng những lời lẽ dịu dàng, tha thiết và cảm động: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ mong ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Ước mong của nàng thật bình dị, lời lẽ dịu dàng ấy, chứng tỏ nàng luôn coi trọng hạnh phúc gia đình mà xem thường mọi công danh phù phiếm. Đằng sau niềm khao khát, ước mơ ấy là cả một tấm lòng yêu thương chân thành, đằm thắm vượt ra ngoài cả sự cám dỗ của vật chất đời thường và vinh hoa phú quý. Vinh hoa phú quý cõ lẽ là niềm khao khát của nhiều người nhưng với Vũ Nương, hạnh phúc gia đình mới là trên hết. Chưa hết, trong câu nói của nàng còn thể hiện sự cảm thông trước những nỗi vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng: “chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường…nhìn trăng soi thành cũ lại sửa soạn áo rét…trong liễu rũ bãi hoang lại thổn thức tâm tình…’. Qua lời nói dịu dàng, nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ chồng của mình: “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Đúng là lời nói, cách nói của một người vợ hết mực thùy mị, dịu dàng. Trái tim ấy giàu lòng yêu thương, biết chịu đựng những thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa, thật đáng trân trọng biết bao. Tất cả đã diễn tả tinh tế, chân thực nỗi niềm nhớ nhung, mong mỏi kín đáo, âm thầm mà da diết của nàng. Nếu không phải là người vợ hết mực yêu thương chồng làm sao nàng có thể có được những tình cảm ấy, cảm xúc ấy? Mỗi khi đêm đến, để với đi bớt nỗi buồn và để đứa con không phải thiếu hình bóng người cha, nàng trỏ bóng mình trên vách nói là cha Đản. Việc làm ấy của nàng đâu phải đơn thuần là nói với con, mà còn là nói với chính lòng mình. Nàng luôn tưởng tượng trong căn nhà nhỏ bé của hai mẹ con lúc nào cũng có hình bóng của Trương Sinh, phải chăng nàng đã nguyện gắn bó cuộc đời mình với Trường Sinh như hình với bóng. ý nghĩ ấy đã làm vơi bớt nỗi cô đơn, trống vắng trong lòng. Trong suốt 3 năm Trương Sinh đi vắng, nàng đã: "Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót", một dạ thuỷ chung, chờ đợi. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ trong mọi thời loạn lạc xưa nay:

"… Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong…"
(Chinh phụ ngâm)​

Trong thời gian Trương Sinh đi vắng, nàng đã một mình thay chồng phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi dạy con thơ không một lời kêu ca, phàn nàn. Khi mẹ ốm, nàng thuốc thang và dùng lời lẽ ngọt ngào, khéo léo để động viên. Khi mẹ mất, nàng hết lời thương xót và lo ma chay, tế lễ chu đáo. Nguyễn Dữ đã khéo léo đặt những lời ca ngợi đẹp đẽ nhất về Vũ Nương vào miệng của chính mẹ chồng khiến nó trở nên vô cùng ý nghĩa "Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, con cháu đông đàn, xanh kia ắt chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Lời trối trăng của bà mẹ chồng trước khi mất chính là một sự ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng. Rõ ràng, cách cư xử của nàng với mẹ chồng không chỉ xuất phát từ ý thức trách nhiệm mà còn từ tình cảm yêu thương chân thành của người con dâu hiếu thảo. Trong thâm tâm, Vũ Nương không hề phân biệt mẹ chồng hay mẹ đẻ. Tiếc thay, tình cảm tốt đẹp đó TS- một con người thiếu học lại đa nghi không thể nhận ra.

Ngày Trương Sinh trở về tưởng chừng như hạnh phúc đã mỉm cười với nàng, tưởng chừng như ông trời đã xót thương, cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa, thủy chung của nàng, tưởng rằng mong ước năm xưa của nàng đã thành hiện thực…nhưng ai ngờ cái ngày Trương Sinh về cũng là khởi đầu cho những khổ đau bất hạnh và dẫn đến cái chết oan khiêm, tức tưởi của Vũ Nương. Tất cả chỉ vì câu nói ngây ngô, hồn nhiên của đứa trẻ khi nói với cha: “có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” đã khiến lòng ghen tuông, sự đa nghi vốn có sẵn trong lòng Trương Sinh trỗi dậy. Từ đó TS mắng nhiếc, chửi bới, đánh đập và đuổi nàng đi. Dẫu biết mình bị oan nhưng Vũ Nương đã cư xử thật khéo léo, tế nhị và nhẹ nhàng. Nàng đã tha thiết thanh minh, thề nguyền nhưng không được, nhân phẩm bị xúc phạm nặng nề, nàng đã tìm đến cái chết để minh chứng cho tấm lòng trong sáng, thuỷ chung của mình. Dù khao khát được sống nhưng với nàng nhân phẩm và danh dự con người vẫn lớn hơn tất cả. Nàng thà chết chứ quyết không chịu mang tiếc nhuốc nhơ, người đời phỉ nhổ. Hành động tự vẫn là sự phản kháng quyết liệt cuối cùng của nàng bởi VN đâu cò có sự lựa chọn nào khác, bởi nàng đã tuyệt vọng “nay đã bình rơi trâm gãy, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió…”

Ở dưới thuỷ cung, dù được sống đầy đủ, sung sướng, quan hệ giữa người với người tốt đẹp nhưng lúc nào nàng cũng đau đáu nhớ về quê hương, gia đình, chồng con. Khi nhắc đến quê hương, mộ phần nàng đã rưng rưng nước mắt. Câu nói của nàng với Phan Lang khiến người đọc nghẹn ngào xúc động: "ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam, tôi tất phải tìm về có ngày". Lẽ ra, nàng có quyền căm thù nơi trần thế, căm thù cái xã hội đã đẩy nàng đến cái chết oan khuất, nhưng trái tim nàng vẫn không vẩn một chút oán hờn mà vẫn sáng trong như ngọc Mị Nương, tươi tốt như cỏ Ngu mĩ, nàng thật nhân hậu, thật bao dung. Có thể nói Vũ Nương là người phụ nữ lí tưởng theo quan niệm của lễ giáo phong kiến ngày xưa và càng tuyệt với hơn trong xã hội hiện đại. Ở cương vị nào nàng cũng thể hiện vẻ đẹp cao quý.

Người phụ nữ dịu dàng, hiếu nghĩa, tận tuỵ và chung tình đó đáng ra phải được đền bù xứng đáng bằng một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Bao nhiêu năm tháng chờ chồng, khi Trương Sinh trở về tưởng chừng như hạnh phúc đang mỉm cười với nàng, tưởng chừng như từ nay mẹ con nàng không phải sống trong cảnh cô đơn, buồn tủi....nhưng khi Trương Sinh trở về cũng là lúc tai hoạ ập xuống đầu nàng, nỗi oan khuất và bất hạnh bắt đầu vây bủa và khiến Vũ Nương phải tìm đến cái chết. Một lần vô tình bé Đản đã nói là: “thế ông cũng là cha tôi ư?...trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” lời nói thơ ngây đó của con trẻ đã khiến Trương Sinh đinh ninh là vợ hư rồi mắng nhiếc, đánh đập và đuổi nàng đi bất chấp sự can ngăn của xóm giềng và lời than rớm máu của người vợ trẻ. Không có cơ hội để thanh minh, trái tim tan nát, tuyệt vọng bởi “bình rơi, trâm gãy, mây tạnh, mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió ”. Những câu văn ước lệ tượng trưng như thể hiện tình cảm hạnh phúc gia đình không thể giữ, phẩm hạnh của nàng cũng mất. Với nàng ,cái chết là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự và nhân phẩm. Nhịp văn dồn dập,lời văn thống thiết như cực tả nỗi niềm đồng cảm, xót thương của tác giả đối với người thiếu phụ chung tình mà bạc mệnh! Sau khi VN chết, Nguyễn Dữ đã sáng tạo ra một thế giới thần tiên êm đềm trong chốn làng mây cung nước để Vũ Nương được sống như một nàng tiên. Phải chăng đó cũng chính là dụng ý của tác giả:người tốt sẽ được được đền bù xứng đáng, ở hiền ắt sẽ gặp lành?

Điều gì đã khiến người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đó phải tìm đến cái chết bi thảm? Đó chính là do chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã làm cho gia đình phải li tán. Đó là thói đa nghi, hồ đồ của người chồng ít học Trương Sinh...và có lẽ nguyên nhân sâu xa của nó vẫn là là lễ giáo phong kiến hà khắc với tư tưởng nam quyền độc đoán đã biến Trương Sinh thành một bạo chúa gia đình… Để ngàn đời trên bến Hoàng Giang khắc khoải niềm thương và nỗi ám ảnh dai dẳng về một người thiếu phụ trẻ trung, xinh đẹp, hiếu nghĩa, chung tình mà bạc mệnh ! Số phận của nàng là một tấn bi kịch đau thương. Cái chết oan khuất, tức tưởi của nàng đã là lời tố cáo đanh thép chế độ phong kiến bất công, vô lí đã cướp đi mất quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc chính đáng của con người. Đó cũng là số phận chung cho người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Cho nên trong bài thơ “Lại bài viếng Vũ Thị” nhà vua Lê Thánh Tông có viết:

“Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.”​

Bằng cách kể chuyện đầy sức li kì, hấp dẫn, cách miêu tả tâm lí nhân vật độc đáo, tạo tình huống thắt nút căng thẳng, đan xen yếu tố kì ảo…Nguyễn Dữ đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Nương tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến: vừa có phẩm chất cao đẹp, đáng trân trọng nhưng phải chịu số phận bất hạnh. Đúng như Nguyễn Du đã từng khái quát.

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”…​

Câu chuyện về nàng Vũ Nương khép lại nhưng dư âm về sự bất bình, căm ghét xã hội phong kiến bất lương, vô nhân đạo thì còn mãi. Có lẽ vì thế mà em càng yêu mến, trân trọng xã hội tốt đẹp mà em đang sống hôm nay. Câu chuyện còn cho thấy tấm lòng thương cảm của nhà văn với người phụ nữ cũng như tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến.

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Hi vọng bài viết này sẽ đem lại nhiều giá trị hữu ích cho bạn đọc. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.
 
"Chuyện người con gái Nam Xương" vượt lên tư cách một bản thể của văn học dân gian bởi sự tái tạo đầy tính nghệ thuật của Nguyễn Dữ. Tác giả xây dựng được nhiều tình huống để nhân vật Vũ Nương bộc lộ trọn vẹn tính cách, phẩm hạnh của nàng, đặc biệt là tình huống bất ngờ với những lời nói ngây thơ của bé Đản dẫn tới sự hiểu lầm của Trương Sinh.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top