Về chuyến đi của tôi sang Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô, từ ngày 8/3 đến 15/7/1982-GS TRẦ

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
--- o0o ---
Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1982

BÁO CÁO
Về chuyến đi của tôi sang Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô, từ ngày 8/3 đến 15/7/1982
Ngày 8/3/1982 tôi đã đi Bá Linh theo lời mời của Viện Triết Học thuộc Hàn Lâm Viện Cộng Hòa Dân Chủ Đức.

Chuyến đi rất mệt nhọc, nên đến nơi tôi đã nằm liệt 2 tuần ở nhà khách của Viện Hàn Lâm, tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của giáo sư Vincent von Wroblewsky.

Đến tuần thứ ba, tôi mới dậy được và đến nói chuyện ở Viện Triết về đề tài “Bản tính của con người là lao động sản xuất xã hội.” Trong bài này, tôi đã dựa vào nhiều văn kiện kinh điển để đề cao quan điểm lao động và quan điểm xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sau đấy thì tôi vào bệnh viện. Giáo sư chủ nhiệm khoa Nội đã chẩn đoán rằng tôi có bệnh xơ gan không chuyển động (cirrhose inactive). Trong 3 tuần nằm ở bệnh viện tôi đã được điều trị tận tình.

Phần thứ hai trong tháng 4, tôi ra khỏi bệnh viện và được đồng chí viện trưởng Viện Triết cấp cho một trợ lý để giúp tôi dịch sang tiếng Đức bài in của tôi trong tạp chí La Pensée tháng 5 /1981: “Le mouvement de l’indication comme constitution de la certitude sensible” [“Động tác chỉ dẫn như là hình thức gốc của xác thực cảm quan”]. Việc dịch như thế đã tiến hành đến giữa tháng 5 thì xong. Trong cùng thời gian ấy, tôi đã có một buổi thảo luận về vấn đề lao động sáng tạo con người với một giáo sư Nhân loại học của Viện khảo cổ học thuộc Hàn Lâm Viện. Cuộc thảo luận đã được chuẩn bị chu đáo, có trao đổi tài liệu 1 tháng trước. Sau đó thì tôi lại thảo luận một buổi về cùng đề tài ấy với giáo sư chủ nhiệm khoa Triết lý của các khoa học (philosophie des sciences ) của Viện Triết. Tôi cũng có một buổi trao đổi về vấn đề lao động sản xuất với một giáo sư trường đại học Iena, nhân giáo sư này đi qua Bá Linh.

Ngoài ra tôi có nhiều dịp trao đổi rộng rãi với giáo sư Wroblewsky chủ nhiệm khoa Phê phán triết học tư sản.

Đến giữa tháng 5, tôi nhận được thư của Viện Ngôn ngữ học thuộc Hàn LâmViện Hungari mời sang thăm. Tôi đã ở Budapest từ ngày 17 đến 25/5. Tôi đã nói chuyện về “Tiếng nói của trẻ em” trong buổi họp của Viện Ngôn ngữ học. Tôi cũng đã có một buổi gặp những đồng chí đã dịch và giới thiệu với công chúng Hungari cuốn sách cũ của tôi Recherches sur l’origine du langage et de la conscience” [Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức].

Nhà xuất bản Gondolat có đề nghị tôi ký hợp đồng giao cho họ in cuốn sách mới mà tôi đang viết. Nhưng tôi không đồng ý vì họ đòi lấy bản dịch sang tiếng Hung làm văn kiện cơ bản.

Trong mấy ngày ở Budapest tôi vẫn liên hệ bằng điện thoại với giáo sư Wroblewsky ở Bá Linh.

Tôi trở về Bá Linh ngày 26 tháng 5.



Ngày 26/5 khi tôi mới ở Budapest về, Hàn Lâm Viện đã cấp cho tôi vé tầu về nước qua Moskva, và cho giấy giới thiệu đến Ban đối ngoại của Hàn Lâm Viện Liên Xô. Chiều thứ sáu 28/5 khi tới Moskva tôi đến ngay Ban đối ngoại của Hàn Lâm Viện Liên Xô và đề nghị cho tôi trao đổi với Viện triết học. Đồng chí phụ trách rất niềm nở và bảo rằng thứ hai tôi sẽ gặp tất cả...

Cuối tháng 6, tôi gặp một giáo sư Sử học, một giáo sư Nhân loại học, một giáo sư Ngôn ngữ học ở Viện Á Phi. Ở đây tôi đã tranh thủ dược sự thông cảm của mọi người.

Sau đấy thì tôi đến Viện Ngôn ngữ học. Ở đây chẳng may một giáo sư mới chết, mà chính giáo sư đó lại là người có xu hướng giống như tôi trong vấn đề Nguồn gốc của tiếng nói. Như thế tôi chỉ gặp được một giáo sư có xu hướng khác hẳn với tôi. Thực ra thì điều này cũng không quan trọng vì trong công tác nghiên cứu khoa học, có thể có nhiều ý kiến khác nhau.

Hết tháng 6, tôi báo cáo với Đại sứ quán rằng tôi đã hoàn tất mọi công việc và mong được về nước. Vì đông người đang chờ máy bay, nên tôi cũng đã phải chờ đến 14/7 mới được về.

Trong chuyến đi nầy, tôi đã tranh thủ được tối đa số các giáo sư tiếp xúc ở nước bạn, và tôi đã hiểu rõ thêm tình hình hiện nay về vấn đề “nguồn gốc của con người, lao động, tiếng nói và ý thức.”



Tôi về Hà Nội từ hôm 15 tháng 7….

Tôi muốn viết xong chương thứ hai của cuốn sách mới (chương đầu là bài in trong La Pensée năm ngoái)…

Trong công tác nghiên cứu khoa học tôi kiên quyết bảo vệ những nguyên lý cơ bản của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đặc biệt là Luận Văn 6 của Mác về Phơ-bách:

“Bản chất con người không phải là một thứ trừu tượng cố định trong cá nhân riêng lẻ. Trong sự thực tế của nó thì nó là toàn diện các quan hệ xã hội”

Điều đó có nghĩa là cá nhân không thể nào có trước xã hội. Trái lại chính “toàn diện các quan hệ xã hội” là cái bản chất quy định mỗi người thành một cá nhân, tức là một thành viên có nhiệm vụ và quyền lợi, trách nhiệm trong xã hội. Tức là xã hội có trước, cá nhân có sau, đấy là một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội …

Từ năm 1974, chẳng may lại có những người khẳng định nguyên lý đối lập là: “Cá nhân có trước, xã hội có sau”. Xuất phát từ đấy họ đưa ra cả một hệ thống “học thuyết mới” bao gồm triết lý mới, kinh tế học mới, tâm lý học mới, sinh học mới... Tất cả đều chống chủ nghĩa Mác, chống chủ nghĩa xã hội đến tận gốc.

Để biện hộ cho quan điểm “cá nhân có truớc, xã hội có sau”, họ vin vào một câu của Mác trong thư gửi Annenkov ngày 28 tháng 12 năm 1846:

“Qu’est ce que la societé, quelle que soit sa forme? Le produit de l’action reciproque des hommes”[1]

Ở đây họ đã hiểu khái niệm “những con người” theo nghĩa là những cá nhân riêng lẻ, coi như tách rời xã hội rồi tự mình tạo ra xã hội.

Trên thực tế thì trong văn kiện của Mác “con người” có nghĩa là con người sản xuất với những sức sản xuất kỹ thuật lao động, trạng thái chính trị…vv… do xã hội cũ để lại. Và những con người ấy xuất phát từ xã hội cũ thì lại tác động lẫn nhau trong sự sản xuất, do đấy mà xây dựng xã hội hiện hành theo quy luật của sự biện chứng lịch sử:

“Posez un certain etat des facultes productives des hommes et vous aurez une telle forme de commerce et de consommation. Posez de certains degres de developpement de la consommation, du commerce, de la consommation, et vous aurez telle forme de constitution sociale, telle organisation de la famille, des ordres ou des classes, en un mot, telle société civile. Posez telle société civile et vous aurez tel etat politique, qui n’est que l’expression officielle de la société civile ….”

“Il n’est pas necessaire d’ajouter que les hommes ne sont pas libres arbitres de leurs forces productives - qui sont la base de toute leur histoire ,- car toute force productive est une force acquise, le resultat d’une force anterieure”[2] (Thư gửi Annenkov, 28-12-1846)

Theo đấy thì con người cá nhân, với tư cách cá nhân, là kết quả của sự biện chứng xã hội. Chính sự phát triển xã hội từ sức sản xuất lên quan hệ sản xuất và quan hệ ý thức hệ được thực hiện trong mỗi người sản xuất, làm cho người ấy có trách nhiệm và tư thế của mình, tức là một cá nhân, có tính chất tương đối độc lập, vai trò riêng ít nhiều tự chủ của mình, một phần có ý thức, một phần vô thức, trong sự sản xuất xã hội.

Theo nghĩa ấy mà Mác nói: “L’histoire sociale des hommes n’est jamais que l’histoire de leur developpement individuel, soit qu’ils en aient la conscience, soit qu’ils ne l’aient pas”[3] (cũng trong thư đó)

Vì sự phát triển cá nhân của mỗi người chính là cái quá trình người ấy thực hiện vai trò của mình trong sự sản xuất và phát triển xã hội, dù anh có ý thức hay không: Rõ ràng xã hội là căn bản, cá nhân là một đoạn của xã hội hiện tại, một đoạn của xã hội hiện hành. Xã hội có trước, cá nhân có sau. Luận điểm đối lập: “Cá nhân có trước, xã hội có sau” là hoàn toàn phản khoa học. Nó trực tiếp chống đối với Luận văn 6 của Mác về Phơ-Bach: Bản chất con người không phải là một thứ “trừu tượng” có nghĩa là đứng ngoài xã hội, có trước xã hội.

Dĩ nhiên, cá thể động vật thì có trước xã hội. Nhưng đã nói cá nhân mà lại bảo “có trước xã hội” thì chính như thế là gán ghép cho con người cá nhân cái thứ trừu tượng mà Mác đã bác bỏ, khi sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận điệu “cá nhân có trước, xã hội có sau” là cơ sở lý luận phản khoa học của “chủ nghĩa cá nhân”, nó hoàn toàn đối lập với toàn thể thành tựu khoa học hiện đại, đối lập với chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đã từ hai chục năm nay tôi kiên quyết bảo vệ toàn bộ chủ nghĩa Mác –Lênin, bảo vệ triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, mà trung tâm là Luận văn 6 của Mác về Phơ-Bách. Do đấy mà đến 1974, khi những người theo chủ nghĩa cá nhân mở đầu cuộc chiến tranh trường kỳ của họ chống chủ nghĩa xã hội, họ đã chĩa mũi dùi đả kích tôi …

Trần Đức Thảo

(Nguồn: https://viet-studies.info)



[1]
“Xã hội – dưới bất cứ hình thái nào – là gì? Nó là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người với người.” Bản dịch của Nxb. Sự thật (xem C. Mác và Ăng-ghen. Tuyển tập. Tập 1, tr. 788). – chú thích của triethoc.edu.vn

[2] “Hãy giả dụ một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất của con người, chúng ta sẽ có một hình thức trao đổi và tiêu dùng nhất định. Hãy giả dụ một trình độ phát triển nhất định của sản xuất, trao đổi và tiêu thụ, chúng ta sẽ có một chế độ xã hội nhất định, một tổ chức nhất định của gia đình của các đẳng cấp hay giai cấp, nói tóm lại là có một xã hội công dân nhất định. Hãy giả dụ một xã hội công dân nhất định như thế, chúng ta sẽ có một chế độ chính trị nhất định, chế độ chính trị này chỉ là biểu hiện chính thức của xã hội công dân mà thôi”
“Cũng chẳng cần phải nói thêm rằng người ta không được tự do lựa chọn những lực lượng sản xuất của mình – những lực lượng sản xuất hợp thành cơ sở của toàn bộ lịch sử của họ - vì mỗi lực lượng sản xuất là một lực lượng đã đạt được, tức là sản phẩm của hoạt động đã qua.” – Bản dịch của Nxb. Sự thật (xem xem C. Mác và Ăng-ghen. Tuyển tập. Tập 1, tr. 788). – chú thích của triethoc.edu.vn

[3] “Lịch sử xã hội của con người bao giờ cũng chỉ là lịch sử phát triển cá nhân của họ, dù họ có nhận thức được điều đó hay không cũng vậy.” Bản dịch của Nxb. Sự thật (xem xem C. Mác và Ăng-ghen. Tuyển tập. Tập 1, tr. 788). – chú thích của triethoc.edu.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top