Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc
I. Hoàn cảnh ra đời của Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc
Năm 1859, thực dân Pháp tấn công Gia Định, nhân dân Nam Bộ một lòng đứng lên chống giặc. Đêm 14 – 12 – 1861, nghĩa quân tấn công đồn Cần Giuộc trên đất Gia Định, gây được tốn thất đáng kể cho quân giặc. Nhưng đây là một cuộc chiến đấu không cân sức nên nghĩa quân bị thiệt hại nặng nề và thất bại. Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang yêu cầu Nguyễn Đình Chiểu viết bài văn tế này đế tưởng niệm công đức những nghĩa sĩ đã hi sinh trong cuộc tập kích đồn Cần Giuộc.
II. Thể loại - nội dung - nghệ thuật - giá trị
1. Thể loại
Đây là tác phẩm được viết theo thể văn tế, là một thể văn thường gắn với phong tục lễ tang, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất.
Một bài văn tê thường có hai nội dung cơ bản: Kể lại cuộc đời, công đức, phẩm hạnh của người đã khuất và bày tỏ nỗi tiếc thương cùa người sống đối với người chết trong giờ phút vĩnh biệt.
Bố cục một bài tế thường có bốn đoạn:
Lung khởi: Luận chung về lẽ sống chết, thường khởi xướng bằng những từ “Thương ôi! Hỡi ôi!…”
Thích thực: Kể công đức, phẩm hạnh, cuộc đời của người đã khuất.
Ai văn: Nói lên niềm thương tiếc đối với người đã khuất.
Kết: Bày tỏ lòng thương tiếc và lời cầu nguyện của người đứng tế.
2. Nội dung
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm tiêu biểu cho bộ phận thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu. Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc được xem là bức tượng đài hào hùng và khúc ai ca bi tráng.
Trước hết, tác giả ca ngợi, đề cao phẩm chất của người nông dân nghĩa sĩ. Họ vốn là những con người hiền lành, cần cù, giản dị và chất phác. Cuộc đời họ gắn bó với mảnh ruộng, làng quê, yêu cuộc sông hòa bình, không hề biết đến chuyện súng gươm, giáo mác. Thế nhưng khi quân giặc đến giày xéo quê cha đất tổ thì tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc đã trỗi dậy mãnh liệt nơi họ. Và họ đã tự nguyện tham gia chiến đấu với mục đích và động cơ rất trong sáng, đúng với đạo lí của người Việt Nam: chiến đấu là để bảo vệ tấc đất, ngọn rau, vùa hương, bàn độc của quê hương, gia đinh. Họ đi chiến đấu với ý thức rất cụ thể, thiết thực của người nông dân Việt Nam.
Mặc dù chỉ quen với công việc đồng ruộng nhưng khi trở thành nghĩa quân giữ nước thì họ đã thể hiện một tinh thần và lòng quyết tâm cao độ. Họ đem tất cả sức lực, ý chí và khả năng của mình cho cuộc chiến đấu vì nền độc lập của đất nước. Với động cơ và mục đích trong sáng đó, họ đã đứng lên chống Pháp với một tinh thần và khí thế mạnh mẽ, bất chấp hiểm nguy. Họ đã hành động theo tiếng gọi của lòng yêu nước, của tinh thần mến nghĩa.
Nguyễn Đình Chiểu đã hết lòng ca ngợi nghĩa khí, đề cao tinh thần tự nguyện của những người nông dân yêu nước. Và trước sự hi sinh của các nghĩa sĩ, tác giả vô cùng đau đớn, xót xa. Không những vậy, tác giả còn thấu hiểu và hết sức thông cảm với nỗi đau của người thân của họ. Đó là những người mẹ, những người vợ và những người con của các nghĩa sĩ.
Đau thương là thế, xót xa là thế nhưng bài văn tế là khúc ca bi tráng chứ không lụy. Bởi vì sự hi sinh của các nghĩa sĩ là một sự hi sinh vì nghĩa lớn, vì quan điểm sống chết đúng đắn, cao quý của các nghĩa sĩ: “thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.
Tiếc thương và ngưỡng mộ tinh thần, nghĩa khí của nghĩa quân, Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định sự bất tử của người nghĩa sĩ trong lòng nhân dân bằng cách xây dựng tượng đài nghệ thuật bi tráng về người nông dân yêu nước chống ngoại xâm với một tầm vóc, tư thế hiên ngang, quả cảm.
Tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu dành cho các nghĩa sĩ đã thể hiện lòng yêu nước và quan điểm chống Pháp đến cùng của tác giả. Khóc cho các nghĩa sĩ nhưng nhân danh lịch sử, Nguyễn Đình Chiểu đã khóc cho một thời kì tăm tối của đất nước.
3. Nghệ thuật
Ngôn ngữ của bài văn tế hết sức giản dị nhưng giàu sức gợi tả.
Các thủ pháp nghệ thuật so sánh, liệt kê, đối lập dược sử dụng rất dộc đáo.
Cách miêu tả rất cụ thể và chính xác.
Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó đã làm cho bài văn tế trở nên bất tử. Vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyên Đình Chiểu đã xây dựng được bức tượng đài về những người nông dân yêu nước, những anh hùng vô danh “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”. Bức tượng đài được đắp xây bằng nghệ thuật ngôn từ nhưng lại có những đường nét về ngoại hình rất nổi, rất đặc thù cùa người nông dân nghèo mà giàu nghĩa khí không trộn lẫn vào ai khác được: “Ngoài cật một manh áo vải”. Vũ khí mà họ mang theo khi ra trận chỉ là những nông cụ thô sơ, lạc hậu: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, “gươm đeo dùng bàng lưỡi dao phay”, có khi chỉ là “một ngọn tầm vông”. Thế nhưng tinh thần chiến đấu của họ đã toả sáng lẽn bức tượng đài: “Đạp rào lướt tới coi giặc củng như không”, “xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”.
Những đường nét đó ghi lại hành động chiến đấu của họ thật đẹp,thật khỏe thật hào hùng.
4. Giá trị
Trước hết là giá trị nghệ thuật:
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã trở thành bức tượng đài hào hùng và khúc ai ca bi tráng. Với bức tượng đài đó, Nguyễn Đình Chiểu đã làm cho nhừng con người vô danh trở thành bất tử, làm cho họ sống mãi trong lâu đài văn chương, văn hóa của dân tộc.
Một giá trị nghệ thuật đặc sắc khác là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thực sự trở thành khúc ai ca bi tráng biểu hiện tấm lòng ngưỡng mộ và tiếc thương của cả một dân tộc đối với những người nông dân yêu nước, những nghĩa sĩ, những anh hùng vô danh này. Chính điều đó đã làm cho Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành tác phẩm bất hủ, trường tồn với lịch sử Việt Nam.
Nhưng bao trùm lên toàn bài văn tế là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc:
Trước hết, Nguyễn Đình Chiểu cho người đọc thấy được hiện thực đầy đau thương của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX.
Giá trị nhân đạo được thể hiện ở chỗ tác giả đã phát hiện ra vẻ đẹp của những người nông dân bình thường sau lũy tre làng, thấy được phẩm chất cao đẹp, thấy được nghĩa khí cũng như sức mạnh của lòng yêu nước tiềm ẩn trong con người họ. Ông thấy được sự hi sinh lớn lao và đau đớn xót xa trước những hi sinh, mất mát đó. Và Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên đưa hình ảnh của người nông dân vào trong văn học. Chính tấm lòng nhân đạo cùa nhà thơ đối với người nông dân yêu nước đã làm nên sức sống trường tồn cùa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.