Vai trò và mục đích của Luật Đầu tư

Hide Nguyễn

Du mục số
Vai trò và mục đích của Luật Đầu tư

Xét theo cội nguồn thì Luật Đầu tư là con đường được đắp ra để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 1987.
Nếu chúng ta coi nó như thế thì Luật Đầu tư đầu tiên đã đặt ra ba loại xe (hợp tác kinh doanh, liên doanh, 100% vốn nước ngoài) để chạy trên con đường đó; rồi làm ba việc:

(i) xem xét mục đích đem tiền vào của nhà đầu tư nước ngoài và tính chất ích quốc lợi dân của việc ấy; (ii) bảo hộ vốn liếng của họ khi bỏ vào Việt Nam và đem về sau này; và (iii) dành cho họ các ưu đãi nhất định. Phương tiện để làm ba việc kia là dự án đầu tư. Chính quyền chấp thuận dự án thì nhà đầu tư sẽ lập ra cỗ xe để đi kiếm tiền. Đó là đầu tư dự án hay là đầu tư trực tiếp.

Nhà đầu tư nước ngoài có xe, thì doanh nhân trong nước cũng phải có. Do vậy, có Luật Công ty năm 1990.

Nhà đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi, còn doanh nhân trong nước thì không ư? Vậy có Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994. Luật này chỉ làm công việc thứ ba của Luật Đầu tư thôi, nhưng nó cũng phải có phương tiện. Ấy là dự án đầu tư.

Đầu tư dự án buộc doanh nhân phải ngồi trong cỗ xe từ đầu cho đến khi giải thể. Tuy nhiên, có người nhiều tiền lại không muốn chôn chân, mà muốn lên hay xuống tùy tình trạng làm ra tiền của cỗ xe. Đó là đầu tư tài chính (foreign portfolio investment). Ta thuận miệng gọi đó là đầu tư gián tiếp. Bằng cách đầu tư tài chính, nhà đầu tư nước ngoài thoạt đầu mua của các doanh nghiệp trái phiếu chuyển đổi, sau đó mua chứng khoán của các công ty niêm yết và cổ phần của các công ty chưa niêm yết.
bds6.jpg

Luật Đầu tư được chỉnh sửa hai lần vào năm 1996 và 2000. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp được mở rộng với bốn loại xe vào năm 2000 (công ty hợp danh, trách nhiệm hữu hạn một và hai thành viên cùng công ty cổ phần). Cùng với các sự thay đổi này, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Đất đai cũng được sửa đổi nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng và các mức ưu đãi của Luật Đầu tư và Luật Khuyến khích được đưa chung vào. Trong khung cảnh ấy, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời.

Luật Đầu tư 2005 vẫn làm các công việc gốc rễ của luật 1987; nhưng vì hoàn cảnh đổi thay nên nó (i) không ấn định các cỗ xe nữa mà bảo làm theo Luật Doanh nghiệp 2005; (ii) không liệt kê các đặc khoản đầu tư mà bảo làm theo các luật chung; mặt khác, nó (i) gộp chung các hình thức bỏ tiền lại (trực tiếp, gián tiếp, vào Việt Nam, ra ngoài Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nhân trong nước) và (ii) tiếp tục làm hai việc đầu nhưng chi tiết hóa rõ hơn (danh mục lĩnh vực khuyến khích, cấm, có điều kiện). Nó vẫn sử dụng phương tiện là dự án đầu tư; do dó có việc cấp giấy chứng nhận đầu tư với thủ tục đi kèm.

Về giấy chứng nhận đầu tư, Luật Đầu tư 2005 tách biệt doanh nhân trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Sự phân chia này cần thiết vì người trước không đem tiền ra khỏi nước; trong khi người sau sẽ đem. Vậy phải kiểm soát bây giờ để biết số tiền họ đem về sau này thế nào.

Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư giữa hai người kia khác nhau:

- Doanh nhân trong nước. Nếu có dự án trên 300 tỉ đồng thì mới phải xin giấy chứng nhận đầu tư, còn các dự án dưới con số này thì chỉ nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận đầu tư nếu muốn hưởng ưu đãi đầu tư, không thì thôi. Tương tự như vậy khi họ điều chỉnh dự án.

- Nhà đầu tư nước ngoài. Họ đều phải xin giấy chứng nhận đầu tư, dù dự án có giá trị bao nhiêu, khi bắt đầu và khi điều chỉnh.

Vậy Luật Đầu tư cần thiết vì ngoài mục đích kiểm soát tiền đem ra, nó còn (i) đắp nên con đường; mà con đường có chỗ sâu, chỗ cao; nên các cỗ xe đi trên đó phải được hưởng những sự ưu đãi khác nhau; còn (ii) Chính phủ có thể đắp đường ở những nơi mình muốn doanh nhân đầu tư. Luật Đầu tư có dính đến các cỗ xe mà cái sau do Luật Doanh nghiệp điều chỉnh. Rắc rối, nếu có, là do quy định của Luật Doanh nghiệp; chứ không phải do Luật Đầu tư!

Thí dụ, khi công ty của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động mà muốn mở chi nhánh ở nơi khác thì bị phân biệt. Nếu đã chuyển đổi hình thức sang Luật Doanh nghiệp 2005 thì họ chỉ đăng ký tại các cơ quan liên quan; nếu chưa, thì phải điều chỉnh giấy phép đầu tư! Đó là suy luận từ Nghị định 139/2007 vì nó không quy định trường hợp sau; tức là phải truy về luật gốc.

Nguồn "Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online"
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top