Vài suy nghĩ (chủ quan) về Văn trong trường THPT

binhminh_xulang

New member
Xu
0
Ngữ văn là một bộ môn có vị trí quan trọng trong chương trình Giáo dục nói chung và trong trường THPT nói riêng, đó là một trong hai môn chính phải thi tốt nghiệp và tính điểm hệ số nhân đôi đối với các khối chuyên ban. Chính vì vậy nó có vai trò quan trọng quyết định tới kết quả của học sinh. Tuy nhiên dường như môn Văn đã và đang mất dần vị trí của nó.

Một thực tế đáng buồn rằng đa số các em học sinh bây giờ không thích và yêu môn Văn nữa vì sao lại như vậy?

Trong trường THPT có hẳn một ban C dành cho các em yêu thích các môn Khoa học xã hội nhưng đa số các em học ban C không phải vì yêu thích mà vì không theo được ban A, B nên đành học ban C theo kiểu “Chuột chạy cùng sào mới vào ban C”; còn các em yêu thích học Văn thì lại không chọn Văn, cho dù có chọn học ban C thì khi thi Đại học các em cũng ít hoặc không theo ban C. Bởi lẽ học và thi ban C làm sao có thể học Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Đại học Bách Khoa… những trường đang được coi mà “mốt” và thời thượng, học ban C làm sao có thể có đầu ra tốt và kiếm ra nhiều tiền? Vì thế đa phần học sinh vì mải mê theo ban A, B mà vô tình “bỏ rơi” ban C. Các em học Văn theo kiểu “chống đối” chỉ học đủ điểm để đỗ lên lớp và đỗ tốt nghiệp. Thời gian học các ban A, B không có thì lấy đâu ra thời gian học và yêu ban C.

Giáo dục là sự tương tác của cả hai bên, không chỉ có người học Văn mà người dạy Văn cùng cần có cách nhìn nhận và dạy Văn làm sao cho phù hợp. Những phương pháp dạy học truyền thống kiểu đọc chép; áp đặt lối phân tích, bình giảng của giáo viên cho học sinh theo kiểu “văn thầy giả thầy” kết quả là khi giả bài cho giáo viên bài văn bào cũng hao hao giống nhau, bài nào cũng dẫn chứng ấy, kết luận ấy. Điều đó vô tình “giết” chết sự cảm thụ và tự do sáng tạo của học sinh. Điều đó thật khủng khiếp. Dạy và học Văn không thể áp dụng 1 + 1 = 2 như Toán mà người dạy và học Văn cần linh hoạt 1 + 1 = 3 thậm chí có thể hơn, miễn sao là có cơ sở khoa học, có chứng kiến để bảo vệ ý kiến của mình. Học sinh cũng là một độc giả của văn chương, chính vì vậy việc tôn trọng, kích thích sự sáng tạo, tìm tòi, đổi mới của học sinh là cần thiết. Tuy nhiên sự sáng tạo ấy cũng cần có chuẩn mực và định hướng. Ví dụ: Một tác phẩm đã được cả nhân loại thừa nhận là hay thì không thể có một cách cảm thụ rằng tác phẩm ấy chẳng có giá trị gì? Sự sáng tạo ở đây phải được hình thành trên cơ sở định hướng, chỉ đường của giáo viên.

Người giáo viên dạy Văn vừa cần có một tâm hồn nghệ sĩ để cảm thụ văn chương nhưng đồng thời cũng cần là một nhà sư phạm tài năng.

Hiện nay đa phần học sinh “chống chọi” với môn Văn “nhiêu khê” bằng cách sắm cho mình một quyển “Để học tốt” cất sẵn trong cặp, học sinh soạn bài cũng chỉ mang tính chất đối phó với thầy cô…Học sinh không cần đọc văn bản, không cần cảm thụ và chỉ cần “tự vệ” bằng cách đó.

Một bộ phận học sinh thích học Văn thì lại lắc đầu vì cách dạy Văn của cô giáo khiến cho các em không còn thích và yêu Văn nữa. Chính vì vậy người giáo viên dạy văn cần linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học mới vào trong quá trình giảng dạy.

Hiện nay có rất nhiều giáo viên ứng dụng công nghệ vào trong quá trình giảng dạy, đây là một hình thức mới gây sự chú ý và tò mò của học sinh đối với bài giảng của giáo viên. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào cho phù hợp và hiệu quả nhất cũng là một vấn đề khó. Vì nếu giáo viên sử dụng không khéo học sinh sẽ chú ý nhiều đến hiệu ứng, phong nền, hình ảnh mà cô giáo sử dụng nhiều hơn là nội dung bài giảng; đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề: Nên hay không nên ứng dụng công nghệ trong giảng dạy?

Và để soạn thảo một bài dạy bằng PP giáo viên sẽ mất rất nhiều công chuẩn bị và soạn giảng, chính vì vậy mà đa số giáo viên “ngại” soạn giáo án điện tử, đa phần giáo viên thường chọn cách giảng truyền thống. Mỗi kì học, giáo viên phải soạn giảng ít nhất hai giáo án bằng PP, đa phần các thầy cô chỉ cố gắng soạn đủ chỉ tiêu… Ngoài việc ứng dụng công nghệ, một số giáo viên cũng đổi mới phương pháp dạy học của mình, thay vì việc đọc chép các thầy cô để để cho học sinh chủ động tiếp cận với văn bản tác phẩm qua các hình thức như: Đóng kịch (đối với các vở kịch), đọc phân vai đối với các tác phẩm tự sự…Học sinh được tiếp cận tác phẩm theo cách cảm nhận của mình, học sinh trao đổi, tranh luận về các vấn đề xoay quanh các tác phẩm. Cuối cùng giáo viên là người chốt lại vấn đề, định hướng cho học sinh cách hiểu đúng tác phẩm…

Người giáo viên dạy Văn phải là một người thực sự yêu nghề, một người nhạy cảm, tinh tế để cảm thụ cái hay, cái đẹp của tác phẩm đồng thời cũng là một người dẫn đường để đưa học sinh đến với văn chương. Môn Văn là một môn học quan trọng nó không chỉ cung cấp tri thức cho học sinh như các môn học khác mà môn Văn còn góp phần định hướng, hình thành nhân cách cho học sinh. Học văn giúp chúng ta biết yêu cái đẹp, ghét cái xấu, giúp chúng ta hiểu được giá trị của cuộc sống. Có ý kiến của một thầy giáo cho rằng: Cần trả lại đúng vị trí của môn Văn bằng cách đưa môn Văn và môn Toán là hai môn thi bắt buộc trong kì thi Đại học, cách đó chắc chắn sẽ ít nhiều đem lại hiệu quả, sẽ giúp học sinh học Văn nhiều hơn nhưng chưa hẳn đã khiến học sinh thêm yêu Văn.

Hiện nay môn Văn tuy đang mất dần vị trí của mình trong trường THPT là do rất nhiều tác động của xã hội nhưng với tình yêu và nhiệt huyết của mình các thầy cô giáo dạy văn đã đang và sẽ luôn “Đánh thức tiềm lực” còn đang ngủ yên và đang lạc lối của học trò. Hy vọng trong một tương lại không xa Văn học sẽ trở về vị trí vốn có của nó.

ĐÂY LÀ BÀI TẬP NHỎ ĐỒNG THỜI CŨNG LÀ NHỮNG SUY NGHĨ CỦA BM VỀ VĂN TRONG TRƯỜNG THPT. BM KHÔNG BIẾT POST BÀI NÀY Ở BOX NÀO CHO PHÙ HỢP, AI ĐÓ BIẾT CHUYỂN GIÚP MÌNH NA!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thực ra, để sáng tao trong văn học không phải việc đơn giản, các em học sinh trung bình, yếu, thậm chí khá cũng chưa chắc sáng tạo được. Trước đây khi thi ĐH, mình cũng thi thêm một trường CĐ để "phòng thân" ở trường CĐ đó, việc đạt 5 điểm văn là chuyện hy hữu, thường thì chỉ 3, hoặc 4 (mình cũng không hiểu vì sao, mặc dù rất nhiều HSG văn thi vào đây). Trong kỳ thi đó, không hiểu sao mình đã viết một bài văn do mình sáng tạo hoàn toàn, không hề áp dụng kiến thức nào trong sách vở, sau khi viết xong mình thấy toát mồ hôi vì nó lan man quá, ý phải "vặn", phải "lái" cho nó hợp lý...tính làm lại mà không kịp giờ, nên đành phải nộp đại. Nhưng không ngờ trong kỳ thi đó mình đạt 6,5 điểm văn (bạn học giỏi văn nhất trường mình lúc đó cũng chỉ được 3,5). Điều đó cho thấy các thầy cô rất khao khát những bài văn sáng tạo, có cách cảm nhận riêng của mình. Tuy văn mình không hay nhưng nó toát lên được cảm xúc thật của mình. Phải chăng chúng ta cần một cuộc cách mạng về dạy văn và học văn trong nhà trường trước khi bộ môn này "tuyệt chủng" (về mặt nhận thức)?
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top