Vài nét khái quát về các nước đông nam á từ sau 1945

Trang Dimple

New member
Xu
38
VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á TỪ SAU 1945

Từ xa xưa Đông Nam Á vốn là một chỉnh thể với những nét đặc trưng riêng của nó. Đây là một khu vực khá rộng trải ra từ khoảng 92[SUP]0 [/SUP]kinh Đông đến 104[SUP]0[/SUP] kinh Đông và từ khoảng 28[SUP]0[/SUP] vĩ Bắc, chạy qua xích đạo đến 15[SUP]0[/SUP] vĩ Nam. Vị trí này tạo cho Đông Nam Á có những điều kiện tự nhiên độc đáo (là khu vực nhiệt đới gió mùa duy nhất trên thế giới), thích hợp với sự sinh trưởng của cây cỏ, muông thú và sự giàu có về sản vật, tài nguyên. Tuy nhiên, mãi đến cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai người ta mới xem xét Đông Nam Á như một thực thể địa - chính trị, văn hoá, lịch sử.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Nam Á bước vào một thời kỳ phát triển mới với những nội dung lớn như: đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội đồng thời với quá trình xây dựng, thiết lập các mối quan hệ khu vực để phát triển. Về tổng thể, những nội dung này diễn ra đan xen với nhau trong sự phát triển của các nước Đông Nam Á.
- Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, về cơ bản các nước Đông Nam Á đã giành được độc lập từ năm 1975, trừ Brunây đến 1984 mới tuyên bố độc lập.
Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đông Nam Á trở thành khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản với các nước đế quốc thực dân đang thống trị ở đây. “Chính sách Muy-ních phương Đông” của phương Tây đã tạo điều kiện cho phát xít Nhật nhanh chóng chiếm Đông Nam Á. Tiếp đó là sự phản công của Đồng minh phương Tây. Thực tế này đã tạo ra một thời kỳ “hỗn mang” để các lực lượng dân tộc ở Đông Nam Á phát triển nhanh chóng, các khu căn cứ cách mạng ra đời ở nhiều nước, các lực lượng chính trị tích cực hoạt động (Việt Nam, Inđônêxia, Miến Điện, Lào, Philippin, Malaixia...), chuẩn bị cho một giai đoạn đấu tranh mới. Sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, Inđônêxia, Việt Nam, Lào đã kiên quyết đứng lên tuyên bố nền độc lập của mình.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, được sự hẫu thuẫn của các cường quốc, nhằm đè bẹp làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và không muốn mất vùng đất giàu có phì nhiêu này, các đế quốc thống trị cũ đã sử dụng “chính sách pháo hạm” để quay lại thống trị Đông Nam Á. Thực dân Pháp trở lại Đông Dương, Hà Lan trở lại Inđônêxia, Mĩ trở lại Philippin, Anh trở lại Miến Điện, Malaixia. Sự ngoan cố của các đế quốc thực dân, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân Đông Nam Á cùng với sự chi phối của mối quan hệ quốc tế lưỡng cực, làm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Đông Dương, trở nên hết sức quyết liệt, đẫm máu.
Những ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Liên Xô từ sau Chiến thế giới thứ hai và thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949, làm cho các nước đế quốc Đông Nam Á hết sức lo ngại về “sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản” ở khu vực này. Do vậy chúng tìm cách thay đổi chính sách thực dân, đặc biệt là từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Nam. Chủ nghĩa thực dân cũ chuyển dần sang chủ nghĩa thực dân mới, các quốc gia Đông Nam Á lần lượt tuyên bố độc lập: Philippin (4-7-1946), Miến Điện (4-1-1948), Inđônêxia (27-12-1949), Mãlaixia (31-8-1957), Singapo (1963). ở Đông Dương cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra hết sức quyết liệt và mang tính chất của cuộc chiến tranh cách mạng, đến năm 1975 mới kết thúc thắng lợi, ở Brunây đến năm 1984 mới tuyên bố độc lập.
- Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở các nước Đông Nam Á được bắt đầu từ những thời điểm khác nhau, do các nước trong khu vực giành độc lập ở những thời điểm khác nhau. Giữa các nước cũng có sự khác nhau về con đường phát triển. Các nước Đông Dương xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội, trong lúc đó các nước khác tìm cách dựa vào phương Tây, phát triển nền kinh tế thị trường. Trong thế giới “lưỡng cực”, sự khác nhau giữa hai nhóm nước Đông Nam Á đã được sử dụng để tạo ra sự đối đầu trong khu vực. Khi Liên Xô tan rã, xu thế đối thoại trong khu vực cũng diễn ra với việc giải quyết vấn đề Campuchia (1991) . Con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á vẫn được Việt Nam lựa chọn và xu thế hoà nhập khu vực vẫn diễn ra. Điều này cho thấy những xung đột giữa hai nhóm nước trong suốt hàng thập kỷ qua là biểu hiện của xung đột ý thức hệ trong quan hệ quốc tế.
Sau những thất bại của chiến lược “thay thế nhập khẩu” ở những năm 60 của thế kỷ XX, các nước trong khu vực thuộc tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã chuyển sang chiến lược “hướng vào xuất khẩu” và thu được những kết quả to lớn. Singapo trở thành một trong “bốn con rồng châu Á”, Inđônêxia, Thái Lan... cũng đã tích cực chuẩn bị để “cất cánh”. Thực tế đó cùng với sự thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch hoá ở Liên Xô buộc các nước theo xu hướng xã hội chủ nghĩa phải tiến hành cải cách. Thực chất của công cuộc cải cách này là thiết lập nền kinh tế thị trường, mở cửa thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật. Đến nay, công cuộc cải cách đã thu được những kết quả to lớn ở Việt Nam.
Xem xét sự phát triển của các nước Đông Nam Á người ta có thể thấy khu vực này có những nét riêng, dường như là trái ngược, trong sự phát triển chung của thế giới. Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã trở thành một trào lưu thống nhất, các nước đang phát triển đoàn kết chặt chẽ với nhau về mục tiêu chung. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á lúc bấy giờ bị phân hoá thành hai nhóm nước đối địch nhau. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương người ta còn thấy cả quân lính một số nước trong khu vực tham gia vào đạo quân xâm lược Mĩ, chống phá cách mạng Đông Dương. Khi “chiến tranh lạnh” tan rã, ở nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra những xáo trộn, biến động to lớn bởi sự bùng nổ của vấn đề dân tộc, sắc tộc và xu hướng li khai. ở Đông Nam Á tình hình có vẻ như ngược lại. Những tác động từ bên ngoài đã không gây ra một sự đảo lộn nào về chính trị trong khu vực, công cuộc đổi mới của Việt Nam được tiến hành thận trọng và có kết quả, ngay cả vấn đề Campuchia được xem là tiêu điểm số 1 của quốc tế lúc bấy giờ, cũng diễn ra trong hoà bình, ổn định. Trên bình diện toàn khu vực, quá trình hoà nhập giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ. Sự kiện tháng 1 - 1992, khi Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali, trở thành quan sát viên của ASEAN đã mở đầu cho quá trình đi đến sự hoà hợp giữa hai nhóm nước trong khu vực, tiến tới xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực thống nhất, ổn định và phát triển.
Sự ổn định về chính trị là tiền đề cho sự phát triển. Chính tổ chức ASEAN đã góp phần tạo ra sự ổn định để các nước thành viên phát triển mạnh mẽ. Do vậy sự hoà hợp giữa các quốc gia trong khu vực càng tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Đông Nam Á đang trở thành điểm thu hút đầu tư của thế giới.
Năm 1997, Đông Nam Á lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ trước lớn nay. “Cơn bão tài chính tiền tệ” này đã lan khắp châu Á mà trung tâm tàn phá của nó vẫn là Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nước này phải mất 5 năm mới có thể khôi phục. Tuy nhiên, với những nỗ lực phi thường, các nước Đông Nam Á đã nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng, bước đầu phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trong khu vực tính đến tháng 11 - 1999 là 2,6% đến 3%. Nếu so với tốc độ tăng trưởng -7,5% năm 1998 thì đây quả là sự phục hồi đầy ấn tượng của các nước Đông Nam Á.


- Cùng với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau khi giành được độc lập dân tộc, các nước Đông Nam Á cũng từng bước tạo lập và phát triển mối quan hệ giữa mình với các nước láng giềng trong khu vực cũng như với cả khu vực. Quá trình xây dựng và phát triển các mối quan hệ trong khu vực chịu tác động mạnh mẽ của các mối quan hệ quốc tế.
Nhìn chung, trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” các nước Đông Nam Á phân chia thành hai trận tuyến đối địch nhau. Sự phân hoá này đã xuất hiện trong tiến trình của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Phong trào đấu tranh giành độc lập ở Đông Nam Á thực ra là tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tuy nhiên cuộc cách mạng này được tiến hành không giống nhau giữa hai nhóm nước Đông Nam Á, sự khác nhau này, các nước đế quốc đã lợi dụng để tạo nên mâu thuẫn giữa cách mạng Đông Dương với các nước trong khu vực. Do vậy, trong thời gian này người ta thấy sự hiện diện của quân đội Thái Lan, Philippin ... ở Miền Nam Việt Nam. Đây là biểu hiện của sự đối đầu về ý thức hệ trong xu hướng phát triển của các nước Đông Nam Á. Chống lại cách mạng Đông Dương, nhóm nước Đông Nam Á phát triển theo xu hướng tư sản tìm cách dựa hẳn vào Mĩ và Tây Âu, Nhật Bản, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật để phát triển đất nước.
Sau thắng lợi của cách mạng Đông Dương năm 1975, những bất đồng giữa hai nhóm nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các nước trong khu vực lo ngại trước tiềm lực quân sự của Việt Nam, họ cho rằng Việt Nam có thể can thiệp vào tình hình đất nước của họ. Chính vì thế sự căng thẳng giữa hai nhóm nước càng trở nên gay gắt xoay quanh “vấn đề Campuchia”, khi Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ nhân dân Cămpuchia chống lại họa diệt chủng năm 1979.
Sau khi Hiệp định Pari về vấn đề Cămpuchia được ký kết ngày 23 -10 - 1991 xu thế hoà giải, hoà nhập ở Đông Nam Á đã diễn ra mạnh mẽ. Quá trình hoà nhập ở khu vực Đông Nam Á diễn ra với tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là trung tâm.








Ra đời năm 1967, tổ chức ASEAN đáp ứng cho những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực, đồng thời nó cũng là tiếng nói thể hiện sự trưởng thành của ý thức khu vực. Từ chỗ là một tổ chức lỏng lẻo về cơ cấu và non yếu về hoạt động, ASEAN đã dần dần khẳng định được vị trí của mình trên các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt từ năm 1976, được đánh giá là một tổ chức khu vực hoạt động thành công nhất trên thế giới. Từ 5 nước thành viên ban đầu, năm 1984 Brunây trở thành thành viên thứ 6, năm 1995 Việt Nam trở thành thành viên thứ 7. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của quá trình chia rẽ giữa các nước Đông Nam Á. Đến nay ASEAN đã đại diện cho 10 thành viên trong khu vực.

VĂN NGỌC THÀNH
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top