• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đừng cho rằng học Sử khô khan vì thầy dạy chưa sinh động

Hide Nguyễn

Du mục số
Tôi cũng đã qua thời học sinh, một học sinh bình thường, không có gì nổi trội. Tôi thích học nhiều môn, trong đó có Văn và Lịch sử, dù tôi thi khối D. Nhưng tôi thích học Sử dù rằng cô giáo tôi thời đó chẳng có máy chiếu trận đánh, địa hình, tranh ảnh về thời xưa đó. (Van Anh)


Tôi tuy thuộc thế hệ 8X nhưng có lẽ suy nghĩ hơi cổ hủ. Từ khi là giáo viên, tôi cũng đã có rất nhiều suy nghĩ, chưa dám nói là trăn trở. Tôi đọc rất nhiều những bài viết nói về giáo dục, ca ngợi và không ca ngợi, phê phán và không phê phán. Tôi cũng chẳng biện bạch cho bản thân, cho các thầy cô giáo về những hành vi mà báo chí gần đây vẫn nói về họ. Nhưng tôi biết tôi sống trách nhiệm hơn và trách nhiệm đúng hơn từ khi trở thành cô giáo.

Tôi cũng đã qua thời học sinh, một học sinh bình thường, không có gì nổi trội. Tôi thích học nhiều môn, trong đó có Văn và Lịch sử, dù tôi thi khối D. Tôi đang tiếp cận với một số phương pháp dạy đổi mới nhưng vẫn là người tiếp thu nền giáo dục cũ. Tuy không cũ đến mức gọi là "ngày xưa" như bố mẹ tôi vẫn kể nhưng phần lớn nội dung tôi tiếp thu được là từ phương pháp giảng dạy truyền thống, đúng nghĩa của từ giảng bài, có tranh ảnh nhưng chắc chắn là không có máy chiếu, vi tính...

Tất cả môn học đều vậy. Nhưng tôi thích học Sử dù rằng cô giáo tôi thời đó chẳng có máy chiếu trận đánh, địa hình, tranh ảnh về thời xưa đó. Tôi còn nhớ tôi đã ngạc nhiên và hết sức khâm phục nhân dân Liên Xô như thế nào khi nghe cô giảng đến các kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai. Tôi cũng rơi nước mắt khi nghe cô giảng đến nạn đói năm 1945 mà đến khi đọc truyện Vợ nhặt của Kim Lân hay Lão Hạc của Nam Cao tôi vẫn xúc động.

Tôi nhớ không nhiều chi tiết, sự kiện lịch sử nhưng những sự kiện lịch sử chính của nước nhà thì không quên, không lẫn sang sử Trung Quốc được. Tôi cũng rất thích đọc, xem phim tư liệu về chiến tranh. Tôi không sống trong chiến tranh để hiểu hết nhưng khi nghe nhắc về điều đó tôi cũng cảm thấy đau.

Tôi không hiểu tại sao các em học sinh bây giờ lại có suy nghĩ: Học sử khó, khô khan bởi giáo viên chỉ giảng chay, bài giảng chưa sinh động. Các em đổ lỗi cho thầy, cho sách... Tại sao không phải là từ chính các em. Các em đã tự học, tự tìm hiểu chưa? Bài giảng cần phải thêm nhiều tranh ảnh, các nội dung được trình chiếu để dễ xem, dễ nhìn mới nhớ lâu hơn ư?

Các em đâu có phải là học sinh mẫu giáo nữa. Đã lên cấp 2, 3 là giai đoạn tư duy trừu tượng phát triển rồi. Tự bản thân các em đã bắt tay vào học Sử chưa hay đợi có bài giảng của cô hay kênh hình của sách nhiều hơn thì mới thích học? Tìm hiểu về quá khứ để nhìn về cuộc sống hiện tại thật hay biết bao đâu cần phải ai nhắc nhở, mà tự mình khám phá thì hay biết bao?

Hồi đi học, cũng một lần, nhiều lớp tôi đòi đổi giáo viên vì thầy dạy không hay. Nhưng hôm đó đã có bốn bạn trong lớp nói rằng: Hãy nghĩ xem mình đã xứng đáng là học trò chưa, ý thức học của mình thế nào rồi hãy đòi đổi. Sau đó, lớp tôi không đòi đổi thầy nữa. Tôi luôn nghĩ đến câu nói đó khi thấy một số hiện tượng học sinh phê phán, chê bai thầy cô, phụ huynh đòi đổi cô giáo cho con.

Thế hệ cha anh đi trước tôi, trước các bạn học sinh bây giờ vẫn học trong những điều kiện vật chất còn khó khăn và hiện vẫn đang góp phần xây dựng đất nước từ những hiểu biết họ đã học trên ghế nhà trường trong nền giáo dục cũ và tiếp nhận sự đổi mới. Tôi nhớ đến câu hát nào đó: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".


Nguồn : VnEpress.
------------------------
Ý kiến bạn đọc :




Học sinh than môn Sử là đúng

Qua bài viết của bạn Vân Anh, tôi chưa hoàn toàn đồng ý với những điều bạn nói. Tôi xin trình bày thực tế...
Môn Lịch sử tôi đã học cách đây 12 năm, cho đến bây giờ bước ra xã hội, kiến thức môn Sử đã giúp tôi những gì? Đó là vào những ngày lễ lớn 30/4, 2/9... nếu đối tác nước ngoài hỏi thì tôi trả lời, họa chăng có dịp đến những khu du lịch, đền thờ các anh hùng dân tộc tôi còn biết những người đó đã từng làm gì, riêng về mốc thời gian là đành chịu...

Tôi nói như vậy có nghĩa là theo quan điểm cá nhân nhận thấy, học sinh bây giờ than môn Sử là quá đúng. Học thì rất vất vả, phải thuộc lòng nhiều thứ không tác dụng về sau, như nhớ chi tiết mốc thời gian của một trận đánh nào đó, ngày sinh... hoàn toàn không cần thiết và rất không khoa học

Tôi nhận thấy chỉ nên dạy những điểm chính, không bắt học sinh học thuộc lòng, nên bỏ diễn biến chi tiết. Tốt nhất là để học sinh nhớ tên các danh nhân, anh hùng, đóng góp chính của các vị đó là gì cho đất nước, cũng như các mốc trọng đại trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc là đã tốt lắm rồi.

(Lam Thanh Phuong)

Đừng tạo nên trào lưu đòi hỏi thái quá với thầy cô giáo

Tôi là một nhà báo. Dù không được phân công viết về giáo dục nhưng tôi thường xem thông tin về lĩnh vực này trên báo chí. Tôi thấy hiện nay đang có quá nhiều những bài viết cổ xuý cho trào lưu phê phán cách dạy học trong nhà trường, nhất là chê trách phương pháp dạy môn Lịch sử.

Tôi không được đi nước ngoài, không có điều kiện xem họ dạy môn Lịch sử ra sao, nhưng tôi đã được học ở nước mình, từ những thầy cô giáo trường huyện vùng nông thôn nghèo tỉnh Bắc Giang những bài học lịch sử đầu tiên. Cho đến giờ, ở tuổi 30, tôi không thể nhớ hết những gì đã học nhưng không quên những mốc dấu lịch sử quan trọng của dân tộc.

Các em học sinh bây giờ có điều kiện học tập tốt hơn, ví dụ như muốn tìm hiểu kỹ về nhân vật nào, triều đại nào đều có thể lên thư viện trường tìm kiếm hoặc dễ dàng mua sách đọc. Tại nhiều vùng nông thôn, quán Internet đã về sát trường học, chỉ cần một thao tác đơn giản qua google là có thể tìm thấy vô số tư liệu hữu ích.

Vậy nhưng bạn thử dạo qua quán Internet một vài lần xem, hầu như chỉ thấy học sinh chơi games, chat, rất ít em có ý thức coi Internet là một công cụ hữu ích phục vụ học tập.

Ý thức học tập không tốt, không chịu đào sâu suy nghĩ, khi không nhớ được bài giảng thì lên tiếng chê thầy cô dạy theo phương pháp cũ, không đổi mới nên học sinh mới không nhớ được. Cách tư duy như vậy không bao giờ có thể giúp học sinh học khá hơn cho dù thày cô có tâm huyết đến đâu.

Nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh phải xác định, học sinh đến trường "phải học" và nâng cao ý thức tự học chứ không phải đến trường thích môn nào thì học môn ấy. Trường học khác với các câu lạc bộ hình thành theo sở thích.

Với đa số học sinh, người không có đầu óc thần đồng nổi trội thì chẳng có môn học nào dễ dàng, môn học nào cũng cần phải dành lượng thời gian phù hợp, có một phương pháp tự học thích hợp thì mới tiếp thu được kiến thức.


(Nguyễn Thị Lan)
 
có khi nào bạn tự hỏi là bạn yêu sử chưa?đố với tôi tôi có thể học cả ngày với môn sử!khi bạn có niềm đam mê với sử thì theo tôi những khó khăn nêu trên sẽ ko thở thành vấn đề quá khó khăn.
 
Học Sử niềm tự hào của mỗi con người, trách nhiệm của mỗi Công dân Việt Nam.

Theo tôi, tôi đồng ý với ý kiến của bạn Vân Anh, nhưng không đồng ý Phương, bởi lẻ:
Trong xã hội ngày nay khi khoa học càng phát triển thì có nhiều vấn đề đặt ra, trước hết là những vấn đề về tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc... rất nhiều và rất nhiều nữa. Nếu cứ chạy theo thời đại học môn Tự Nhiên mà không cần quan tam đến môn học xã hội trong nhà trường cũng như trong cuộc sống thì liệu ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước còn đâu nữa?
Chúng ta phải biết, xã hội phát triển thì việc hội nhập, hoc hỏi thì càng được chú trọng, nhưng căn bản " HÒA NHẬP" chứ không phải "HÒA TAN". Liệu cứ như chú trọng Tự Nhiên- môn học mà các bạn cho là chính ấy mà bỏ quên bao chiến công oanh liệt của các bậc anh tài của đất nước thì có được hay không?
Mọi chuyện điều bắt đầu từ nguồn gốc của nó.Nếu không có Vua Hùng, không có Trần Hưng Đạo, không có Bác, không có những người anh hùng " chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" thì liệu có chúng ta có được cuộc sống Hạnh phúc này khong?
Vậy mà có nhiều ban lại có ý kiến học Sử mệt lắm, khó lắm bởi những con số những sự kiện. Đơn giản chỉ là vì các bạn từ lâu xem Sử như 1 môn phụ không cần thiết, có học hay không cũng không quan trọng, nhưng các ban có biết 4000 Văn Hiến chỉ gói gọn qua vài trang giấy vài quyển sách thì đã là rất gọn rồi. Cả 4000 năm đầy máu thì nước mắt ấy mà chỉ gói gọn qua chương trình học, vậy mà có bạn còn không học thì liệu có đúng không. Tôi tin chắc nếu như các bạn có hóa thân vào các vi anh hùng thì các bạn mới thấy còn gì đau đớn hơn khi máu và nước mắt của mình đã đỗ xuống mà thế hệ sau chẳng coi ra gì.....
Bạn không thấy môn Sử quan trọng cũng bởi vì ban đâu có hi sinh đâu có ngã xuống để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, mà các bạn ra đời khi ĐN đã được tự do, từ những điều ấy mà các bạn xem Sử kho khan khó học đấy.
Bạn có biết thật tự hào thật vui sướng khi được học được nhắc dến tên những con người đã hi sinh máu xương của chính bản thân cho ĐN đấy. Bởi vậy thì lâu ông bà ta đã day: "Uống nước nhớ Nguồn"
Như vậy, ngay từ giờ bạn hãy suy nghĩ lại, đừng xem Sử là môn học phụ môn học khó nữa mà hãy xem nó như trách nhiệm và niềm tự hào của con người Việt Nam. Muốn làm bất cứ việc gì thành công thì cũng phải có cái "Tâm", Cái "Cảm" với nó. Nếu đươc như vạy thì Sử sẽ trở thành một Trong những động lực giúp bạn Thành công đó. Hi vong các bạn sau khi đọc xong vài lời nhắn của Tôi các bạn sẽ Hiểu và yêu Sử Hơn. Bởi lẽ:
Dân ta phải biết Sử ta
Cho từng gốc tích nước nhà Việt Nam
( Phong 12a1, Trường THPT TX Sa Đéc, ĐỒng Tháp, có vài lời góp ý mong các bạn tham khảo.)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top