• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Duyên Phận So Le

Nguyễn Ngọc Tư

Một bữa gió dầm dề, khách vắng teo, 13 nhân viên khu du lịch văn hóa So Le tổ chức nhậu nhẹt, xong rồi thi coi ai có cuộc đời buồn nhất. Mới biết, dì Chín nấu bếp hồi nào giờ chưa từng biết yêu ai, con Mỵ nghèo, toàn mặc đồ cũ của chị Hai, 18 tuổi mới vung vinh được bộ quần áo của chính mình.


Hường thì yêu thầm nhớ trộm ông thầy dạy toán... Xuyến kể sau cùng, bằng cái giọng hết sức điềm nhiên, cô nói 17 tuổi có yêu một người, yêu đến nỗi bỏ cha mẹ theo tình. 18 tuổi thằng nọ phụ phàng, bỏ cù bơ cù bất giữa chợ. Lúc ấy đã không còn đường về nhà nữa...


Mọi người rưng rưng bảo thôi, khỏi kể thêm khúc sau mày cũng xứng đáng là người có cuộc đời buồn nhất ở So Le này rồi. Rồi cả bọn lặng lẽ ngồi nghe gió thốc qua lòng, rúm ró nỗi cô đơn. Trời ơi, thêm một mùa gió đông nữa mà chưa người nào lấy được chồng. Tuyệt vọng như dì Chín nấu bếp đã đành, còn Mỵ, còn Lam, còn Hường... và cả Xuyến kia nữa, cô sắp qua khỏi thời con gái mất rồi.
Mà ngộ, chỉ Xuyến là không xao động gì hết, lúc gió về. Kể chuyện mình xong, cô đứng dậy, đóng hết các cửa sổ, lau sàn nhà, trải khăn lên bàn, xếp ghế cho ngay ngắn. Ngang qua phòng anh Năm, Xuyến vào coi có quần áo dơ không rồi gom ra sàn nước ngồi giặt, cằn nhằn anh sao để cổ áo thâm kim. Dửng dưng, bởi không còn gì để trông đợi, bởi Khởi đã thật sự không quay lại nữa rồi?


Hay bởi những mùa gió chẳng còn gì để lạ, Xuyến tới đây lúc khu du lịch mới hình thành, giám đốc Thụy hay bảo, Xuyến là bậc “khai quốc công thần” của So Le. Chân bước lên bờ, thấy vợ Thụy đang ẵm con ngơ ngác trước mênh mông hoang vắng, không sợ đã đành, đằng này, Xuyến mừng húm. Cụm nhà nghỉ lọt thỏm cuối bìa rừng. Biển đằng trước. Và gió lộng lồng trên đầu. Ở đây là cuối đất, xóm làng gần nhất cũng cách hai vạt rừng, sau lưng So Le chừng nửa giờ đồng hồ là trung tâm xã, thêm ba giờ để đến huyện, ra tỉnh mất nửa ngày. Tàu đò thường quăng lên khu du lịch những người khách xốc xếch, lử lả đường xa, họ cuống quýt ngắm rừng xanh ngời ngợi trên đầu, luýnh quýnh ngó những con thuyền dập dềnh thăm thẳm đằng phía biển. Nôn nả chạy ra mốc tọa độ chụp hình, hối nhà hàng dọn cơm ra. Vừa ăn vừa coi đồng hồ, tính xem thêm chén nữa thì có kịp chuyến đò trưa không. Vội vậy, nhưng vẻ thỏa mãn hiện lên trên nét mặt, vì chụp được cái hình ngay chỗ panô vẽ chữ mũi So Le tổ bố để về khoe với bạn bè, vì được móc cục đất khóc ồ ồ, ôi giời ơi, đất thiêng của ta ơi, đất thương đất nhớ ơi, sau đấy thì làm thơ.


Bọn Xuyến cố nín cười, thấy lòng vui, dù biết với những du khách này, chẳng thu lợi nhuận gì nhiều. Nhưng có họ cũng đỡ thèm ngươi, đỡ thấy mình giống khỉ. Rồi khu du lịch được vực dậy, bắt đầu từ một nhà hàng thủy tạ ngoài bãi bồi, cụm panô tiểu cảnh, những con đường xi măng giả gỗ ngoằn ngoèo luồn sâu vào rừng... Mũi So Le ngỡ ngàng giụi mắt đón những du khách cười nói bạo liệt, đạp mũi canô lên bến. Họ ở lại lâu, ca hát tưng bừng...


Nhưng đời đám nhân viên phục vụ bỗng buồn thiu. Khách đến, khách say, tán tỉnh, hôn hít họ rồi về (thì ca hay, phục vụ chu đáo, nên khách thưởng chơi vậy mà). Người ở lại chua chát nghĩ, điệu này rồi sẽ khó lấy chồng, đáng ra đôi má này đôi tay này phải để cho người mình thương yêu ấp. Có ai yêu mình, tin mình, chịu cưới mình khi suốt ngày mình đưa mặt cho người ta hôn hít (và cả đáp lại người ta, nếu có yêu cầu). Bà con ở đây cười cợt, dè bỉu đã đành, tệ như mấy anh chàng thợ xây nhà thủy tạ ốm tong teo, đen nhẻm, vậy mà không thèm chọc ghẹo một lời. Không biết đã đành, thấu hiểu, yêu thương như Khởi một bữa còn đập đàn bỏ Xuyến mà đi.


Chuyện đó cũng đã lâu, nhắc lại, Xuyến cười, quên mất tiêu rồi (giọng như quên cái nón, cái khăn, cây bàn chải đánh răng...). Chiều chiều, nó hay ra cái bến trước quán cà phê nhỏ của vợ chồng giám đốc Thụy, ngó xa theo con rạch loằn ngoằn, vắng ngắt. Như chờ đợi, như mong ngóng, như hy vọng... Nhưng có chờ đến tối chỉ chiếc đò máy chở bé Bi, con gái Thụy, tan trường về ghé lại. Xuyến lên nhà chơi với Bi (hú vía, may mà có con bé nhỏ teo xinh xẻo này). Xuyến nướng tôm cho Bi ăn, thắt mớ tóc xoăn mềm mại của Bi thành bím, Xuyến hỏi con bé bữa nay cô giáo dạy bài gì, rồi lớn nhỏ hai người vỗ tay hát nghêu ngao. Ai, nhìn thấy cảnh ấy cũng thương, Xuyến leo lẻo nói cười, thấy vậy mà không phải vậy.
Mọi người bảo nhau, lòng con nhỏ Xuyến vẫn còn đau. Một bữa thấy Xuyến vào phòng Khởi, thụp xuống vùi mặt vào chiếc áo anh bỏ lại. Một bữa nhìn trời mây nước mênh mông mà đôi mắt ráo hoảnh, trống trơ, nhìn mà không thấy gì hết. Một bữa thấy Xuyến tết tóc cho bé Bi, Xuyến rơi nước mắt.


Một bữa Xuyến bảo anh Năm Già đừng hát cái bài “Lòng dạ đàn bà”, “hồi đó anh Khởi hát hoài, em nghe mắc chán rồi”. Anh Năm vậy a, vậy à, mà trách mình vô ý dữ. 39 tuổi, sớm lấm láp bụi đời nên mặt anh Năm khằn, đen đúa, lưng hơi khom. Hôm tới đây anh vẫn còn là nhân viên hậu đài của đoàn ca múa nhạc. Hết mùa lưu diễn, bữa đó cả đoàn được thưởng một bữa nhậu tại mũi So Le. Ai cũng vui nên say quá chừng, say vùi dẫn cho đến khi một nhân viên của nhà hàng đập cây đàn vào bức tường trước mặt. Những sợi dây đứt bặt buốt nhức giữa tiếng gãy giòn, và trong những sững sờ, cồn cào một tiếng thở thảng thốt. Mắt mở trợn trạo, mặt đỏ bừng, Khởi lia tay vào bàn tiệc (như đang đếm gà, vịt), gằn giọng: “Cô nắm níu ở đây là vì thèm khát thứ người này sao, Xuyến?", xong quay lưng đi một nước.
Xuyến tuyệt vọng ngó theo, rồi cô run rẩy mỉm cười, lẩy bẩy rót rượu cho khách, bảo uống đi mấy anh, không có chuyện gì đâu... Nhưng cuộc vui tới đó đã tàn mất. Khách xuống tàu, anh Năm Già còn đứng trên bến, anh bảo sau này chắc nhà hàng mình thiếu người, tôi ở lại để đàn cho cô hát nghen, cô Hai. Xuyến lắc đầu cười thê thiết: “Anh tính đền cho tôi à... có phải tại anh đâu mà..." nhưng anh Năm đã quả quyết xô mũi tàu ra.


Anh ở lại mũi So Le, làm con khỉ thứ 13, những con khỉ khác cứ hỏi nhau sao chuyện đi ở thằng cha này coi nhẹ hều vậy cà. Anh được phân cho một căn phòng ngó ra hành lang phía sau có nhiều dây phơi, một bữa đang lui cui dọn giường nghe Xuyến mừng rỡ, ngỡ ngàng kêu “Anh Khởi”. Anh quay lại, Xuyến thất vọng bưng mớ quần áo quay đi. Năm "Già" xin được chuyển phòng.
Mỗi chiều Xuyến ra bến chơi, anh cũng xách dao dọn cỏ, tỉa cây gần đó, anh nói láp giáp đủ chuyện dưới đất trên trời (như thể mình mà im lặng Xuyến sẽ khóc mất). Anh nhằn gió trên trời, thổi chi cho tội, nhằn ai phơi khô cá thòi lòi không đặng nắng để bốc mùi thúi ủm. Nhằn cả chuyện độ rày gạo cá lên giá quá chừng... (ủa, chuyện này mắc mớ gì đàn ông lo).


Có khi Xuyến hụ hợ vài câu, có khi cô chỉ mỉm cười. Ngoài chỗ nói nhiều ra (mà toàn nói chuyện khơi khơi), sao mà anh Năm “Già” giống Khởi kỳ lạ. Giống cả cái yêu lặng lẽ, lầm lì (như ông trời trả lại y chang). Đóng cái móc áo trong phòng Xuyến, thay bóng đèn, sửa chốt cửa, nấu tô cháo nóng để đầu giương lúc Xuyến say. Ngày ngày, anh Năm bắc một cái ghế ngoài bàn tiệc, phục vụ việc hát hò cho khách, uống đỡ giùm Xuyến vài ly rượu khi khách mời. Anh còn lấy xuồng chở Xuyến với bé Bi chơi dài trong rạch, hái trái ô rô. Nhiễu khi Bi ngọng nghịu nói cười, thấy thương không chịu được, Xuyến ôm ghì nó, bảo sao mà em mê con nít quá chừng à, anh Năm. Anh cười hỏi sao Xuyến không đi làm cô nuôi trẻ. Xuyến lặng người đi, vì vết thương cũ trong lòng nghe rịn máu.


Khởi cũng có lần hỏi Xuyến câu ấy. Đâu chỉ vậy, nhiều bữa nhìn Xuyến quằn quại vì bị mời rượu say mèm, anh lẳng lặng ra thị xã xin sẵn một chỗ làm rồi hỏi Xuyến có đi với anh không, Xuyến cười, trời đất, đi đâu anh. Khởi bảo, đi làm cô nuôi trẻ, bỏ mũi So Le. Xuyến bần thần một thoáng (nhìn đứa trẻ ấy có một mụn thịt trong vành tay, có một nốt ruồi son đỏ sau gáy, có cái rón to nhăn nhúm buồn cười như cái mặt người, cái rốn 21 ngày mới rụng... như Bi không?). Tần ngần, Xuyến bảo: “Mai mốt nghen anh, bây giờ công chuyện đang rối... Mấy đứa Nga, Hường mới vô làm, công việc chưa rành, khờ ịt, chỗ mình còn xây dựng tùm lum, chẳng ai coi sóc... Đó, bé Bi con anh Thụy bệnh đang nằm ngoài trạm xá hỏng biết chừng nào về...".


Nhớ lại, nhiều lúc Xuyến cười, mấy lý do đó trớt quớt, chẳng ăn nhập gì với mình, hèn chi Khởi cười gằn, bỏ đi. Đáng lẽ phải nói như vầy, em thấy yêu mến, gắn bó mảnh đất này quá đi, anh à (nói theo kiểu thanh niên tình nguyện trả lời phỏng vấn trên truyền hình). Ở đây 3 năm rồi, bây giờ bỏ rừng, bỏ biển, bỏ cả những cơn gió đông cồn cào mắc dịch này thiệt không đành... Còn nữa nghen, bạn bè ở đây ai nấy đều tốt, vợ chồng giám đốc Thụy cũng thấy thương quá chừng, tóc sắp bạc màu mới kiếm được đứa con, chắc là hiếm muộn, chắc là chờ đợi, chắc là chữa trị rất tốn tiền. Em biết họ từ hồi họ còn ở chợ, trước nhà có một hàng điệp đỏ, mùa nắng lá rụng tả tơi, lá xếp dày, nằm lên đấy không sợ bụi đất...


Những lời hay ho đó, Xuyến học thuộc lòng, định nói vào cái ngày anh Năm mở lời biểu Xuyến theo anh. Một bữa hai người chơi thả tàu giấy dưới bãi với Bi, anh Năm nhìn Xuyến thật lâu, trìu mến nhìn chị em vung vinh thách nhau thuyền nào đi trước, cắn môi mấy cái; nhìn trước nhìn sau (như sắp truyền tin cho nhau giống trong phim Biệt động Sài Gòn), anh bảo: "Cô Xuyến mê con nít vậy, sinh cho tôi một đứa nghen". Hôm đó trời đứng gió, Xuyến nghe con ong o e trên ngọn đước, nghe mình rỗng không, nghe tim nín thít (và bần thần tự hỏi, đứa trẻ mình sẽ sinh với anh có cái ngón chân út quẹo đơ, có những sợi lông măng dày mịt che cả bớt đen sau cổ như con bé Bi xinh xẻo này không). Xuyến cười lạt nhách, lấy tay phát nước đẩy chiếc tàu giấy đi, Xuyến bảo, em chưa tính tới anh à. Anh Năm cũng cười, nhìn con tàu trắng trôi xa, từ từ mù mịt, bẽ bàng nghĩ, dường như Xuyến không quên được một người.


Sáng sau, anh Năm từ giã mũi So Le. Mọi người kêu trời, sao cha nội này đi ở đơn giản vậy kìa. Tiễn anh vòng vèo qua những con đường nhỏ trong rừng, ai cũng nghe tiếc, nghe đau, nói gièm với nhau (cốt để anh Năm nghe thấy), khu du lịch mình bộ khai trương ngay ngày xấu, hồi đó tới giờ không tổ chức được một đám cưới nào. Xuyến đi sau cuối, chân bời rời bước, anh Năm tần ngần hỏi: “Cô Xuyến có chuyện gì nói với tôi không?". Xuyến ngơ ngác một lát rồi cười, dạ, anh đi mạnh giỏi.
Và tàu mang người đi, thăm thẳm như thể nó đã nuốt chửng anh rồi. Mọi người hỏi Xuyến có sao không, Xuyến bảo, mai mốt cũng quên (như quên đôi dép, đôi giày... Và như quên Khởi). Rồi Xuyến đi gom khăn trải bàn, cuốn tất cả các bức màn, đem giặt. Nhưng vừa rảnh tay, Xuyến đã nghe buồn anh cõng buồn em đi lê thê trong dạ, cô dựa lưng vào tường, những vuông vải phơi trên đầu cồn cào, oằn oại, tơi tả gió. Xuyến ngồi ở đó, ngó nắng, bỗng thèm có con bé Bi ở cạnh, để khóc với nó chơi, để đi qua niềm đau đang như bão bời.


Để thấy đời có buồn thêm chút đỉnh, cũng không sao. Như thế này thì nhằm nhò gì cái hồi Xuyến xin làm bồi bàn cho một quán ăn trong thị xã, để được đi lại (chầm chậm) trên khúc đường gần đó, nhìn Bi bò lúm cúm trong nhà. Bi biết đi, mẹ dắt ra sân, Xuyến giả đò lại gần khen, em bé dễ thương quá hen, mà không dám xiết chặt Bi vào lòng, áp mặt mình lên đôi má phúng phính lông tơ, vì sợ mình sẽ khóc. Bữa kia mới buồn ác, thấy Bi lon ton chơi mình ngoài sân, bỗng không kềm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên hai tiếng trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy... Xuyến đưa Bi quay lai. Nhưng khuya, ngủ không được, Xuyến lọ mọ lại khoảng sân đầy lá trước nhà Bi, rờ rẫm chỗ đất cạnh góc điệp già (chỗ đó, có một sáng đôi vợ chồng nọ mở cửa ra, thấy một đứa bé đang nằm say ngủ).


Mấy chuyện này may mà Xuyến giấu chặt trong lòng, phải kể ra chắc là buồn vô địch cấp huyện chứ sá gì cái mũi So Le nhỏ nhoi này.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Nhớ sông

Nguyễn Ngọc Tư


Mỗi lần qua sông Cái Lớn, Giang lại nghĩ chắc tới già, tới chết, mình sẽ chẳng bao giờ rời chiếc ghe nhỏ này đâu. Cũng khúc sông nầy, năm Giang mười tuổi, má Giang chết. Hôm đó, trời mưa nhỏ những gió nhiều, gió bạt tay chèo liêu xiêu. Nước từ vàm sông cuồn cuộn đổ ra. Chiếc ghe bạt nước tấp vô sà lan chở cát. Ông Chín, ba Giang, chống đằng mũi; má Giang chống đằng lái. Giang ngồi trong mui ghe, ôm con Thủy vào lòng. Giang thấy rõ ràng lúc cây sào trong tay má đang chỏi vào thành sà lan trượt huớt lên, má ngã xuống, đôi chân còn bíu vào ghe. Rồi má cong lại như chiếc võng, hụp vào sông. Giang khóc điếng, bồng con Thủy lồm cồm bò về đằng sau lái, Giang còn kịp nhìn thấy mái tóc trôi lòa xòa phiêu phiêu trong là nước rồi mất hút.


Giang không hiểu sao mình nhớ hoài, nhớ ràng ràng cái ngày đó. Cho nên qua vàm lần nào Giang đều kéo con Thủy ra, Giang chỉ: má chết chỗ này nè. Con Thủy ừ hử như không, Giang hỏi: không nhớ à? Thủy lắc đầu.


Cũng phải, lúc đó con Thủy còn mềm xèo, nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mui ghe. Con Thủy bò chán bò chê rồi nằm ngửa ra, ngó những trái cà, trái khóm, trái bí, bầu ông Chín treo lúc lỉu trên nhánh chà đằng mũi ghe. Có lẽ nó biết thân mình mồ côi mẹ nên dễ chịu, dễ tính.


Gia đình ông Chín sống hẳn trên ghe. Cảnh của ông cũng buồn lắm. Nhà nghèo, ra riêng, gia đình chỉ cho hai công đất. Năm Giang ba tuổi, Giang lên sởi. Ông Chín bán đất cứu con. Số tiền còn dư lại, ông mua chiếc ghe nhỏ đi bán hàng bông. Cả nhà dắt díu nhau linh đinh sông nước. Có lúc vừa ghé lại bờ, chưa kịp buộc dây ghe vô gốc mắm, do quần chân lâu ngày Giang đã chạy lên bờ, chạy cuống chạy cuồng như điên trên đất. Má Giang rớt nước mắt. " Con nó thiệt thòi... ". Ông Chín an ủi:" Vì miếng ăn mà, mình ơi".


Sau này khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín trôi dạt hết dòng sông này đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó còn là nơi gởi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số - má Giang. Những buổi tối, buộc ghe vô gốc tra bông nở vàng cặp mé bờ, ông Chín dạy chị em Giang học. Có được chút vốn học hành nhỏ nhoi, ông dạy bằng hết. Giang lanh lợi hơn con Thủy, học ít mà tính rợ cực kỳ giỏi. Buôn bán lu bù mà mà nó tỉnh như không. Nó tính toán hết, mua rau trái, đường đậu tạp phẩm cho chuyến đi, chở than, chở củi chuyến về. Nhiều chuyến bốc than còn nóng chất dưới sạp ghe, chị em Giang nằm trên đó mà ngủ sáng ra lưng phồng rộp. Ông Chín ứa nước mắt, cắn răng biểu:" Lần sau thôi ghen, con Hai".


Bây giờ hỏi lại Giang nói không có con kinh, con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước rong... Không ai nói với ai, nhưng cả nhà ông đều nghĩ chắc là sống như vầy hoài, như vầy mãi mà thôi. Chị em Giang đùa nhau sau nầy lấy chồng, ra riêng, ba cho mỗi đứa một chiếc ghe. Con Thủy nói nó không lấy chồng, nó ở vậy đi bán với ba, nó nói mà giọng hơi buồn. Ông Chín nghe rồi như gió ùa về, lòng tự dưng đau xót. Rồi khi hai đứa con gái ông sinh ra những đứa con, chúng lại phải sống cuộc đời lênh đênh như má chúng, ông nghĩ, vậy đâu có được. Những buổi chiều ghe đi qua thị trấn, qua phố huyện, giờ tan học nhìn đám học trò túa ra cổng trường, đám học trò túa ra cổng trường, đám học trò áo lem mực , tay kẹp nách cái cặp , tay mang bình nước, con Thủy lón lén đắm đuối nhìn lên, mắt ông Chín cháy âm âm một nỗi gì đau đáu.


Giang gặp hoài đôi mắt đó, Giang thương ông quá đi thôi. Giang lấy chồng. Chồng Giang tên Thuấn ở Đập Sậy. Những lần đậu ghe lại buôn bán, Thuấn đều mời ông Chín lên nhà uống rượu. Nhà Thuấn không giàu nhưng cũng đủ mặc đủ ăn, có đất làm ruộng, gần trường xã. Ông Chín chọn Thuấn trước, ông hỏi Giang có ưng không. Giang ngồi chải tóc, chải tới rát da đầu, vuốt ra từ cây lược mớ tóc rối (như lòng mình rối). Giang gật. Giang lấy chồng hôm mười chín tháng hai, khi dọc triền sông, trên những đám chùm gọng, những rặng ráng... loại chùm gửi tơ hồng phủ lên một màu vàng óng, rồi chi chít những bông hoa trắng con con như hột tấm mẳn. Mấy chiếc ghe bạn kè lại thành bè, đậu phía ngoài đập. Đám đàn bà con gái bê những cái cà ràng nhóm củi nấu ăn lên bờ. Hiện - bên ghe bạn - cũng bày đặt đi đốn lá dừa về bẻ vòng nguyệt trên mũi ghe nhà Giang. Ngày vui của Giang mà Hiện lầm lì, có cười cười cũng héo xèo. Nửa đêm nhóm họ, rượu uống sương sương. Hiện ca Tình anh bán chiếu mà nước mắt ròng ròng. Hiện lấy mu bàn tay quệt nước mắt, trợn trạo biểu:" Rượu xứ này cay dễ sợ". Rồi dòm trong ghe thấy Giang ngồi xếp quần áo với con Thủy, Hiện kêu:"Chắc sau này mình hổng gặp được nữa, cô Hai hen ". Giang ngước lên cười buồn. Con Thủy thày lay:"Ảnh thương chế đó". Giang vỗ đầu em:"Thương khỉ khô gì mà không chịu nói, hả?". Con Thủy cười:" Chế hỏi cái bộ như em là ảnh vậy". Sáng sau, Giang mặc áo dài từ ghe bước lên, ông thợ chụp ảnh chụp được một pô đẹp ơi là đẹp, đẹp nhất là giang Giang mớ bông tra vàng rụng tơi bời lừng lững như hàng trăm cái chuông.
Giang ở lại nhà chồng rồi, con Thủy nó buồn lắm. Nó thay Giang buôn bán cho ông Chín nghỉ ngơi sau bao ngày lèo lái. Nó lanh lợi, mau mắn không bằng Giang nhưng được nước siêng. Ngày nào nó cũng lật lịch coi, tới con nước ba mươi đi bán vùng xóm rẫy về, ghe ghé Đập Sậy thăm chị nó. Có bữa dọn cơm nó vô thức dọn thừa đôi đũa, cái chén. Ông Chín rầy:" Mai mốt bây lớn bây cũng lấy chồng, chị bây đâu ở được với bây hoài". Nói vậy mà sao lòng ông cũng cồn cào nhớ.
Ghé Đập Sậy, Giang đòi ông Chín ở lại một đêm, cho Giang xuống ghe ngủ với con Thủy. Giang than nức nở:"Trời ơi, con nhớ ghe quá trời đất đi". Xuống ghe, Giang đưa tay rờ rẫm từng món hàng, từng miếng sạp. Trên nhà, ông Chín ngồi uống rượu với Thuấn, Thuấn uống dữ, anh toàn tợp nguyên ly. Uống xong rồi lè nhè than:"Con nuôi con Giang như nuôi con sáo, hổng biết giờ nào nó xổ lồng nó bay. Con Giang là vợ con, nó ở đây mà lòng dạ nó ở đâu á...". Ông Chín lặng người.


Thường thì cơm nước, quét dọng xong hễ ra giờ nào Giang lấy xuồng chèo đi giờ ấy. Trời đất, nó đi đâu? Thuấn cười chua chát:"Hổng biết, nó chèo khơi khơi vậy đó ba à, con cũng nghi bậy trong bụng, có bữa con rình đi theo, vợ con chèo đã đời rồi nó buông chèo lụi vô đám lá, lấy tay vịn, ngồi ở đó. Rồi chèo về, vậy à". Ông Chín thở dài.


Đêm đó, Giang nằm dưới ghe. Giang hỏi con Thủy: vậy chớ ghe mình bán có đắt không, bây giờ ghe mình thường về đậu ở bến nào, ba còn buồn, còn uống rượu ban đêm không... Thủy trả lời muốn mệt. Con Thủy nói :


- Anh Hiện gởi lời thăm chế. Ảnh hỏi em hoài hà, hỏi vậy chớ chế lúc này hông?

Em nói em hổng biết. Sao mà em thấy ảnh tội nghiệp thiệt. Phải chi..

.- Con Thủy lúng búng dừng lại rồi thẹn thò nói tiếp - Phải chi có cái gì thường được, mình thường cho ảnh.


Mắc mớ gì mà phải bồi thường - Giang cười rồi giật mình. Con Thủy năm nay mười tám tuổi, nó lớn thiệt, nó lớn mau quá. Giang nhớ cái ngày con Thủy có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, nó lụi đầu giấu vô mớ cốm gạo treo lủng lẳng khóc mướt. Giang bảo không sao đâu, không sao đâu, mà chực rơi nước mắt. Giang nghĩ phải chi còn má. Thủy còn có chị nó, chớ ngày đó của Giang, Giang cũng khóc mà không thể hỏi ai. Ông Chín tinh ý biết, ông lặng lẽ qua bên ghe nhà Hiện, nhờ má Hiện. Ngồi hút thuốc như ống khói tàu, lần đầu tiên ông thấy mình bất lực vô dụng và bối rối trước đứa con gái đáng thương.


Nhớ lại nhiều chuyện quá, Giang không ngủ được. Con Thủy bày ra chuyện lắc ghe, lắc như là ghe đang bị sóng vậy, nó biểu " chắc là chế quen ngủ vậy rồi, êm êm hổng chịu". Giang thiếp đi, thấy mình đang ở trong một cơn mơ mà giấc mơ cũng tròng trành.


Khi ra về, nhìn bóng Giang xơ rơ đứng tiễn bên hàng me, ông Chín dặn lòng, thôi, sau này có nhờ thì lâu lắm mình mới ghé thăm. Rồi nó sẽ quen, sẽ quên đi. Nó phải biết cách sống với đất để nghĩ về tương lai những đứa con nó.


Nhưng chưa đầy con trăng đã thấy Giang khăn gói về bến Xã Xiêu. Giang lần theo mấy chiếc ghe bạn hỏi thăm rồi quá giang họ về. Ông Chín thấy Giang lòng đau lằm. Ông gằn gằn hỏi:"Con Hai! Bây đi đâu?" Giang cúi mặt:"Con nhớ ghe quá hà, con nước rồi ba không thèm ghé thăm con". Giang nói thêm, nói Thuấn cho Giang đi, chừng nào muốn về thì về," ảnh dể ghê vậy đó, ba à". Ông Chín đâm sầm ra ngồi đằng lái, vấn thuốc rồi bập bập trên môi mà không buồn đốt. Con Thủy sợ ông giận Giang, nó men ra nói khơi:"lâu lâu có con gái về thăm, sướng thấy mồ, ba đừng giận ba ha". Ông không trả lời, lúc đó ông đang nghĩ về một người đã khuất, lòng ông chua chát:"Tui biết tính sao bây giờ, bà ơi. Tui tính lầm một lần này rồi". Nghe con Thủy cười với Giang rộn rã:" Chế ngủ trên nhà riết rồi cũng quen mà, ngủ ghe vừa chật vừa cực thí mồ" - Con Thủy nói hoài, nó thích có đất có vường như bên chồng Giang - Có đất để làm gì hả? Để trồng cây, ừ trồng cây ăn trái, trồng mít và trồng rau, thiệt nhiều rau". Giang nhắc:"Ờ phải em ham đất lắm, hồi nhỏ ghe đậu bến nào chế cũng coi em bắt mệt, cứ xoay lưng đi là em chổng mông cạp đất ăn ngon lành. Ăn đất hoài bụng ỏng bụng eo luôn, nhớ chưa?"
Ông Chín lần vào trong, vẹt mớ bánh kẹo, giở hủ gạo ra, moi dưới đáy một chiếc hộp sắt sơn đen. Ông gọi chị em Giang lại, ông mở hộp ra, trong hộp một túi vải dây gút miệng. Ông ngồi xếp bằng, trịnh trọng, trang nghiêm như thể ông sắp đánh đổi cái gì thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Ông từ tốn lấy trong túi ra từng chiếc khâu vàng óng ánh, nói:"Ngày mai ba đưa con Hai về, thằng chồng bay chắc đang trông...". Giang ngước nhìn trân ông rồi cụp mắt, cúi đầu. Dốc ngược cái túi, ông Chín bảo:


- Dành dụm cả đời ba chỉ có bao nhiêu đây thôi. Ba sẽ bán chiếc ghe này, về quê nội mua một miếng đất, rồi ba với con Thủy cuốc đất trồng rau, có gì ăn nấy. Ba đi cả đời, ba cũng mệt...


Con Thủy ngỡ ngàng nhìn vào mớ vàng rồi nó lặng lẽ bò ra ngoài mũi ghe. Nó sợ còn ngồi trong đó, chút nữa thôi nó sẽ bật khóc vì thương mình, thương ba. Con Thủy biết khi bỏ lại sau lưng hơn nữa đời sông nước, ông Chín hẳn sẽ buồn lắm, đau lòng lắm. Trong này ông Chín biểu Giang:"Ngủ đi, rồi ngày mai...". Ông chờ Giang quây đi rồi mới đốt nén nhang cắm lên cái trang thờ treo trên vách:"Còn bà, bà đã thành nước thành đất, thành cỏ thành cây, cha con tui ở đâu, xin bà theo đó. Đám cháu chắt chít của mình rồi sẽ chẳng phải chịu lênh đênh".
Giang ngồi ở đầu vòm mui nhìn ra đằng trước. Con Thủy không biết mình đang vui hay đang buồn, nó thẫn thờ buông chân xuống nước, khỏa bì bỏm, mắt hướng về chiếc ghe của Hiện đang đậu sát bờ lá. Hiện biết Giang về nên Hiện nằm ca sang sảng.


Con Thủy lầm bầm," chắc là sau này em không gặp được anh đâu".
Đêm nay cũng có gió nhiều, cà bắp trong đám lá dậy hương, cái mùi cà dân dã không chịu được. Gió làm sóng chao ghe mà sao khó ngủ quá vậy nè.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Dòng Nhớ

Nguyễn Ngọc Tư


Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín, nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổị Chợ rao bán rau trái dậy động cả một khúc sông, má tôi thấy ghe nào cũng lần xuồng lại, dòm mặt chủ rồi đị Con nhỏ chèo đò chắc là chèo mối, nó biết bà già định đi đâu, định làm cái gì nên nó biểu:


- Hỏng hỏi thăm thì vô phương kiếm ra, ngoại ơi!


Má tôi ngẩn ngơ. Hỏi chớ, chú ơi, thím ơi, tôi muốn hỏi thăm một người quen. Tên gì? Ghe bán gì? Hai Giang. Ghe bán hàng bông. Trời đất, ở xứ này có tỷ tỷ ghe bán hàng bông, cũng có biết bao nhiêu người tên Giang, vậy tướng tá người đó ra làm saỏ Bây giờ đâu có biết ra làm sao, gặp được một lần mười sáu năm trước, nhớ sao tả vậy nghen. Ðàn bà, chừng sáu mươi, trạc tuổi tôi, tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấụ Mới đầu đi với chồng, sau chồng bỏ lên bờ vì cơ cực quá trời, hồi trẻ có đứa con gái đầu lòng chừng bảy tháng tuổi thì rớt xuống sông chết.
- Vậy thì đông lắm, người sống trên chợ này hễ mười thì có năm người y chang hoàn cảnh vậy, dân Ba Bảy Chín mà, "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh", chị hổng nghe sao:


Má tôi chẩng hẩng:


- Vậỷ


- Ừ, người đó quen sao mà tìm coi bộ cực dữ?


- Quen. Chà, hỏng biết nói sao bây giờ, dài dòng lắm, vợ của chồng tôị
Nếu vậy thì dài dòng thiệt, chuyện tình tay ba mà phim dính vô chuyện nầy cũng năm bảy tập trở lên, còn cải lương lâm ly không biết bao nhiêu là nước mắt.
Má tôi cũng khóc nhiều rồi!


Má tôi nói hoài, ba mươi tám năm bà về làm dâu nhà chồng, cực có, sướng có, chưa bao giờ nội tôi khắt khe, nhỏ nhặt, khó chịu với dâu, nhưng má tôi vẫn hận nội tới chết mới thôị Hỏi sao kỳ vậy, má tôi kéo chéo khăn lên chậm chậm vô đôi mắt, "Bộ hết người rồi sao mà nội bây cưới tao cho ổng, đó - bà chỉ tay ra bến

- gần hết đời rồi tao có được vui đâu".


Ðó là lúc "ổng", tức ba tôi chống cây gậy khật khừng lang thang xuống bến. Ông dừng lại chỗ mấy cây tra, lấy tay rờ rẫm, săm soi từng cái lá, cái bông như tay bắt mặt mừng thằng bạn lâu năm mới gặp. Rồi ông lần ra tới đầu bến, đứng dưới hàng mấm già ngày xưa ông trồng để giữ đất cho khỏi lở, để mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng của mình, ông già tha thiết nhìn ra sông. Chỉ vậy thôi rồi khật khừng quay lên, cái chân trái yếu ớt như tựa hẳn vô cây gậy, cứ mỗi lần chân bước, đầu gậy lại xoáy sâu vô đất một lỗ tròn tròn.
Cảnh thì quen lắm, thì ngày nào, buổi nào ba tôi chẳng làm vậy nhưng cứ tụm cả nhà lại, rồi ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng nghe đau đau xót xót như ai lấy cật tre cứa tới cứa lui trong lòng. Bởi cái lúc này là lúc sum họp đây, vậy mà sao vẫn thấy thiếu một người, mà thiếu đúng cái người đang lững thững đi dưới nắng kia mới chết.
Sau đợt tai biến mạch máu não lần thứ nhất, nửa người bên trái ba tôi yếu hẳn đi, tưởng chỉ vậy thôi, đến lần thứ hai bỗng dưng tâm trí ông già nhớ quên, ít nói, lẩn tha lẩn thẩn. Nhưng còn sống, còn tự mình đi đứng được là may lắm rồi, ai cũng nói vậỵ Lúc đó cả nhà đang ở chợ, ba tôi càng lúc càng buồn, hay chống gậy đi, mấy lần cả nhà bỏ tiệm may đi kiếm ông. Sau này chỉ cần một mình tôi, vắng ông, tôi chạy xe dọc theo con đường về vườn cũ là gặp. Thấy tôi, ông già khựng lại, không nói gì, nhưng cặp mắt khẩn cầu, da diết, tôi làm như không biết, cầm gậy, đỡ ông lên xe chở về, có lần ba tôi khóc, ông khóc rưng rức, nước mắt nước mũi nhễu nhão, lòng thòng.


Sau lần ấy, cả nhà quyết định đưa ông về sống trong vườn nhà nộị Vườn bỏ lâu nay, nhưng nhờ cô dượng Ba ở kế bên nhà trồng trọt, trông coi nên chỉ cần dựng căn nhà lên là ở được. Chuyện cắt cử người ở lại với ba tôi thì khỏi phải bàn bởi chừng nào mà má tôi bỏ ông được, "làm gì má cũng phải giữ ba", tôi đùạ má tôi xua tay:


- Ổng còn nguyên đó chớ có đi đâu, trước không mất giờ còn sợ mất mát gì nữa, giọng má chợt cay đắng, hồi đó giờ ổng có phải của tao đâu mà giữ.
Nói rồi má tôi trùm cái khăn lên đầu bước xuống xuồng, đưa tôi qua sông, tới bờ bên kia, ngó lại, ba tôi đứng chênh vênh trên bến, đôi mắt như đang nhìn da diết mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mông mênh vậy thôị Chơ vơ, cô độc. Má biểu tôi đi đường cẩn thận rồi bơi xuồng trở về, còn nói với theo:


- Sao má lo quá, má sợ ba mầy, ổng mà chết ổng cũng xuống sông để chết.
Lo cũng phải, không phải ba tôi nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, cặp mắt như ngó mong, như hờn giận. Ba tôi vốn là người của sông mà. Ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi!


Và cũng y như má tôi, ba cũng không sống được mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩạ Hồi tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối, đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi không đổị Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu tiụ Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông . Sông cách nhà một cái bến dài chẻ ngang đám dừa nước, đám ô rô mọc lởm chởm chồm từ mé lá lên. Những đêm trăng sáng, nếu không vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng, lồng lộng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đềụ Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơị Lâu lâu, có chiếc ghe hàng bông lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh con, mỗi nhánh lủng lẳng trái khóm, trái bầu dầm nắng mưa đã teo héọ Không thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác. Hừng đông chạy xuống bến thì ghe đã đi rồị Những đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kiạ Ba tôi thở dàị Má tôi thở dài, chạy qua buồng bên khóc với bà nội tôi, không biết nói cái gì, chỉ nghe lõm bõm, tiếng nội làu bàu: "Vậy ra má đã làm sai cái gì?" và má tôi tuyệt vọng: "Kiểu này biết chừng nào ảnh mới quên chuyện xưa hả má?".


Ngày xưa ba tôi cũng yêu thương một ngườị Nội tôi dứt khoát không chịu (nội có tỷ tỷ lý do để không chịu), ba tôi mới dắt díu người ta bỏ nhà đi, sống kiếp thương hồ. Hai người trải qua biết bao nhiêu cơ cực, nào là gặt mướn, làm cỏ lúa, đắp bờ... mới có được một ít vốn, ba tôi sắm cái máy Koler xuống rẫy bán hàng bông. Họ sống nghèo lắm. Mỗi lần đi ghe đi ngang qua nhà, ba tôi khắc khoải ngó lên, vừa nhớ, vừa đau vì cãi nộị Rồi hai người có với nhau đứa con, nhưng chị bạc mệnh chết đuối, tận cùng đau khổ, ba tôi bỏ về nhà, được về, ba tôi cũng phải đáp ứng vài điều kiện của nội, vậy là ba tôi bỏ người ta giữa dòng bơ vơ. Tôi biết được có bao nhiêu đó thôi, kể ra cũng mấy dòng vậy thôị Mà, cũng phải đợi tới năm mười lăm tuổi, cả nhà mới cho tôi biết. Tôi bật ngửa, chuyện xảy ra lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ, vẫn còn cắm sào trước bến nhớ ba tôi, vậy mà biểu ba tôi quên cái rụp thì làm sao quên được.


Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn lên, biết yêu thương rồi, tôi mới ngộ rạ Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nàọ Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồị Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gởi gắm tình thương yêu đến cả người vắng mặt.


Ở cái xóm quê, mười người đàn ông thì nhậu nhẹt hết chín, trong chín người hết năm nhậu về chửi vợ, đánh vợ như đánh bịch muối, ba tôi là người duy nhất còn lạị Ông ít nói, hiền lành, từ tốn với má tôi, những lần má tôi bệnh, ba chèo một hơi mười mấy cây số vừa đi vừa về đưa má tôi ra trạm xá, không than mệt, không thở ra, tận tụỵ Lúc nào cũng mình mình tôi tôi, mấy bà hàng xóm nghe tủi cho mình mà khóc, má tôi cũng òa khóc theo, cảnh mỗi người tự người đó biết, người ta hay đứng núi này trông núi nọ vậy mà.


Mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, cả nhà tôi lúc nào cũng cảm thấy không vui, dù hạnh phúc (hai thứ này sao lại không thể đi chung). Không thấy ai đòi nhưng nợ vẫn cứ là nợ, nó rờn rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ con con, trong hai bữa ăn mỗi ngàỵ Ngồi quây quần như vầy trong bụng cứ nghĩ, có một người nào đó cô độc, bơ vơ. Mà tội nhất là nội tôi, vốn mê cải lương, nhưng bữa nào ti-vi chiếu mấy tuồng có bà mẹ chồng ác nghiệt chia rẽ duyên của con, dâu là thấy nội tôi rầụ Cho tới lúc cuối đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn trong lòng câu hỏi: "Vậy ra, mình giống mấy bà già trong đó thiệt saỏ".
Má tôi thấy nội bứt rứt cũng không tỏ ra phiền muộn nữa, cốt để an ủi nội tôi lúc cuối đờị Khi nội tôi vừa khuất, má quyết định gặp đối thủ một lần, chỉ định nhìn vậy thôi, chưa biết làm gì mà cũng không biết làm gì người ta, nhưng chắc chắn phải biểu người ta buông tha ba tôi ra, còn gì nữa đâu mà neo ghe trước nhà ngó mong hoài.


Chờ đợi, rình rập hụp hửi mấy lần, chiếc ghe nhỏ với ngọn đèn đo đỏ lại về đậu trước bến nhà tôi, như mong đợi của má. Bữa đó, má nói với ba tôi chèo xuồng về chơi bên ngoại một đêm. Gà gáy chập đầu, bà trở lại, trên xuồng chất đầy mấy thứ rau đồng, bà giả đò làm người đi chợ sớm.


Ngang qua, má tôi tấp xuồng lại kế bên chiếc ghe, than:


- Tính đi chợ cho sớm mà gió quá, chèo không lên, bậy thiệt.


Má tôi tin rằng, người đàn bà kia, cũng như ba tôi, những đêm như vầy không bao giờ ngủ. Mà thật, dì đang chong đèn ngồi thêu áo gối, nghe tiếng má tôi, dì quay lại, dường như sững sờ, bất ngờ một chút dì cười:


- Dà, đêm nay nhiều gió thiệt - Dì vẹt mớ quần áo, kim chỉ trên cái sạp tre - Chị vô mui ngồi cho ấm, chờ bớt gió rồi đi, ngồi ngoài đó cảm sương chết.


Má tôi không từ chối, bà buộc dây xuồng lại, bước qua ghẹ Bà cao người nên ngồi trong cái mui lợp bằng lá chầm đóp phải khom một chút. Họ ngồi đối mặt với nhaụ Má tôi thấy lòng mình bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng là phải làm một cái gì ghê gớm lắm. Có thể vì người đàn bà của ba tôi hiện lên rất hiền, dì mặc chiếc áo cộc tay mầu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ vài cọng rủ xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheọ Má tôi nghĩ thầm trong bụng: "Xấu hơn mình nhiều". Má tôi sợ cứ nhìn chằm chằm người ta hoài cũng không phải nên má ngó lơ chỗ khác. Ðồ vật trên ghe món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng. Ngay sau lưng chỗ má tôi ngồi, bỏ khoang tát nước có một cây ớt hiểm, một cây sống đời đang trổ bông trồng chung trên miệng cái khạp bể. Dì lúi húi dẹp miếng vải đang thêu dở, với lấy bình thủy, châm nước vô cái bình trà sứt vòi, ho khúc khắc. Má tôi chép miệng: "Cha có trà uống thì còn gì bằng, mà chị bịnh hả, mấy lá sống đời nầy ngậm với muối cũng đỡ ho lắm". Dì ngước lên cười: "Dà, lúc nầy trở gió, cũng nhờ nó...". Má tôi hỏi:


- Chị đi ghe một mình à, một mình cũng được sao ?


- Dà, cũng được, chị.


- Ủa, chồng chị đâu ?


- Dà, dì bối rối, ảnh... đi xa lắm.


- Còn chồng tôi thì theo vợ bé mất rồi, má tôi nói luôn.


Dì nhìn sững má, dường như để xem xem nỗi đau mất chồng của má với dì có giống nhaụ Hồi lâu, dì chợt cúi mặt:


- Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó chị, đa số đàn ông đều tốt.


Tốt saỏ Người ta bỏ cô để cưới tôi mà là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự hỏi, mà không biết nói gì nữa, cái câu quan trọng nhất chắc không phải nói lúc nầỵ Má tôi ngồi ngó quanh, một ánh đèn nhỏ nhoi thôi cũng đủ hắt sáng vài xâu cốm gạo treo trên vách, mấy hũ kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi để bên này, trái cây như khóm, bí rợ, khoai lang thì chất thành hàng bên kiạ Sát bên hông dì, dưới tấm vải trắng thêu dở là hai xấp quần áo cũ, người lớn có, trẻ con có được xấp ngay ngắn, nhưng hết thảy đều cũ kỹ, bạc mầụ Má tôi vọt miệng:


- Ủa, chị có cháu nhỏ à?


Sau nầy, má tôi nói, đó là cái câu tàn độc nhất mà má lỡ miệng đánh ngay vào nỗi đau của dì. Dì nhìn trân trân vào ngọn đèn, cái nhìn đau nặng. "Con bé Phước nhà tôi vô phước lắm chị à, tại tôi không cẩn thận nên cháu vừa mới biết bò đã té sông, trôi mất. Cũng mười mấy năm rồi, bây giờ nó còn sống, chắc tôi thêu gối cưới cho nó cũng vừạ Tôi... tôi chiêm bao thấy cháu nó hoài, chiêm bao lãng nhách hà, tự nhiên tôi thấy con tôi biết nói, nó biểu má đừng bỏ con, trời ơi, tiếng nó thấy cưng lắm kìa, vía tôi trả lời, mẹ sẽ sống trên sông hoài với con, vía tôi thấy nó cườị..". Dì nói một hơi dài, giọng dì hơi nghẹn lại: "Trời ơi, chị có chuyện buồn lòng mà tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc chị phiền tôi lắm. Mớ đồ nầy tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy tháng là tôi đem ra giặt lại, của con bé con tôi có, của chồng tôi có. Chồng tôi... tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôị Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồị..".
Dì cười quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật khóc, bà cố nén nghẹn ngào:
- Ðàn bà mình sao khổ vậy


Tiếng gà gáy xa xa, con nước đêm nay mau lớn quá, mới đây thôi đã ngập nửa cây sào neo ghe rồị Lúc nầy, nước lớn không nghe bìm bịp kêu, mà nhờ không có, chứ nghe bìm bịp kêu càng buồn nữạ Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữạ Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đấu mặt lại ngủ... Còn người ta, nhớ thương đứt ruột, có thể chạy ào lại để gặp nhau nhưng vì lương tâm không làm được, đành ngồi đây ngó lên, ngồi ở trên ngó xuống. Ðau lắm chớ. Má tôi nhìn ra ngoài trời, vẫn còn khuya lắm, nhưng đã thấy mấy chiếc xuồng đi chợ sớm lướt qua, tiếng mái chèo quẫy chũm trên mặt sông ngọt, nhẹ, cứ tưởng từng lát nước xếp lên nhau như những lát đất càỵ Dường như trời bớt gió nhiều rồị Dì nghiêng đầu ra ngó trời, chừng như nuối tiếc, thảng thốt:


- Trời đất, đêm qua lẹ thiệt. Chắc tôi phải đi bây giờ.


- Sớm vậy sao?


- Dạ, tôi thường đi... trước lúc người ta thức...


- Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong...


- Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi... tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc... khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à.


Vậy rồi hai người chia nhau đị Ghe nổ máy rồi, khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại: "Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi". Má tôi không nói, quay đi và khóc.


Tháng sau, má tôi quyết định gom mớ của cải cả nhà có được ra chợ, mua cái nhà. Ba tôi biết chút ít nghề mộc nên nhận đóng tủ, bàn ghế ở nhà, má tôi chiên đậu hũ bỏ mối, chị tôi mở tiệm may, tôi vào đại học. Mọi thứ được sắp đặt lại, mới mẻ, gọn gẽ. Má tôi bắt ba phải xa sông, nhưng chính bà cũng biết, những dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi trong hồn ông. Má tôi cũng không kể với ba cái đêm gặp "tình địch" ấy, nhưng mãi mãi, mỗi khi cả nhà ngồi ăn cơm, tim má lại hiện lên hình ảnh cái rổ úp chén đan bằng nan tre đã xỉn mầu, trên đó có cái dĩa, cái tô và ba cái chén, ba đôi đũa như thuở người đàn bà trên ghe còn nguyên một gia đình.
... Bây giờ má tôi muốn gặp dì, nhưng lâu quá, chờ hoài không thấy dì ghé lại đậu ngoài bến như ngày xưa, đã mười mấy năm rồi, không biết có biến cố gì không. Chỉ tội má tôi tảo tần kiếm cho kỳ được. Tôi hỏi má tìm làm gì, má tôi nói để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mầy có đỡ hơn không. Rồi thì ba tôi cũng mỏi mòn nằm xuống trên mảnh vườn của nội tôi, bình yên. Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôị
Ðó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Ngổn Ngang
Nguyễn Ngọc Tư

Cái sân trước không có ai, lá bạch đàn khô se sẽ đậu trên băng đá. Nhà trên cũng không có ai, cây chổi lông gà nằm chéo trên cái bàn chữ U, nửa ngoài đã sạch bong, nửa trong bụi còn đóng một lớp dày. Con Phèn chắc cũng đi cua gái, không thấy nhẩy xổ ra, tí tởn. Có tiếng nước chảy tồ tồ ở đằng sau, chắc má tôi ở trong ấy.
Tôi ngồi bệt xuống ngạch cửa nhìn má tôi. Lâu quá không nhìn má, sao vai má gầy đi vậy không biết. Lưng còng xuống. Vai và lưng khẽ rung. Sao nhìn giống như khóc. Thiệt tình là rất giống như khóc và thiệt tình là má khóc. Ai làm gì? Chuyện gì? Sao má khóc?
- Viên, má không ngờ, chuyện thằng Bảo với con...
Cuối cùng thì má cũng biết chuyện này. Má biểu tôi kể tường tận chuyện gì xảy ra giữa hai đứa. Má vừa lau nước mắt vừa nghiêm mặt:
- Ðâu con kể rành má nghe coi.
Có những chuyện không thể rành rọt ừ thì một cộng một được đâu má à. Tôi lại gần, cọ mớ tóc bụi bặm vào bên vai má, ngó những giọt nước rỉ rả từ cái vòi nước đầy rêu xuống mớ cải xanh. Nên bắt đầu từ đâu hở má?
... Hồi đó mỗi khi có dịp, tôi cũng ôm vai má như vầy an ủi: Lo chi má, Bảo vẫn còn ở đó, mai mốt con rảnh con lấy chồng mà". Má tôi hỏi chừng nào rảnh. Con đâu biết má ơi. Tôi đâu biết. Ngày của phóng viên trẻ là một ngày vô định. Má tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần khi buổi sớm còn thấy tôi vùi đầu vào đống gối chăn rối bù như tổ nhện và nói được một câu: "Viên ở nhà, má đi chợ" rồi thì đau khổ phát chai đi khi đón tôi ở cửa, nhìn vũng đêm đen đặc sau lưng đứa con gái. Khổ như nhìn nồi chè khoai môn má cố công nấu hâm đi hâm lại cả tuần đứa con không về được để ăn. Ba tìm cách san phẳng quả núi trong lòng má: "Kệ nó, nó đi theo cái nghề của ba Hậu nó ngày xưa, chắc ảnh cũng hài lòng". Ba Hậu là ba trước tôi, ông đã hy sinh ở chiến trường khi tôi còn phiêu diêu ở đâu đó làm thủ tục đầu thai thành con gái kiếp này. Vốn là một phóng viên chiến trường, khi chết, trên tay ông vẫn còn cầm cái máy ảnh. Tôi yêu ông vì thường nằm mơ thấy ông với nụ cười hồn hậu như trong bức ảnh thờ. Ông không nói gì hết, không đi gì hết, chỉ cười, muôn thuở chỉ cười.
Ông tổng biên tập già nua hay ngắm tôi, than: "Chú thèm cái nhiệt tình xông xáo của cháu, mà sợ, sợ một ngày tim cháu cũng lạnh ngắt, thờ ơ nhìn đời chạy maratông qua cũng như chú". Nhưng chú vẫn còn thương, còn ghét đấy thôi . Ừ, nhưng không dám nói ra. Còn tôi thì dám, người ta gọi tôi là phóng viên số phận. Từ nghiệt ngã, đau đớn cho đến thăng hoa nhất, tôi quan tâm đến từng ngõ ngách của đời người. Nguyên, bạn đồng nghiệp của tôi nhận xét: "Rồi có một ngày Viên sẽ viết về số phận mình". Chắc không đâu, cho tới ngày tôi hai mươi bốn tuổi, tôi chưa làm được việc gì coi được một chút, một chuyện mang hơi hướng vĩ đại như nhặt của rơi trả lại người bị mất chẳng hạn. Ðời tôi cũng được cấu thành nhiều việc vụn vặt bình thường. Ngay cả trong tình yêu, tôi cũng hết sức bình thường. Tôi yêu mà không mộng mị mơ tưởng. Tôi chỉ có một nỗi tự hào rằng mình có hai người ba, họ đều thương yêu tôi. Dù đã có người nằm xuống.
Cái hồi tôi với Bảo yêu nhau (cho tới bây giờ vẫn chưa xa lắm), tôi hay lại đằng nhà Bảo chơi. Nhà Bảo nằm trong dãy đường bán thuốc đông và mỹ phẩm, trước nhà có bà dì ép bìa kiếng cho học sinh bằng bàn ủi. Bà dì vui tính thấy tôi lại trêu: "Lúc này cô đi đâu ít thấy, thấy tướng thằng Bảo nhớ cô quá trời". Tôi cười. Tôi giậm giày trèo lên những bậc thang. Phòng Bảo, cái ban công nhà Bảo, với tôi có cái gì đó vương vấn thiêng liêng. Nơi ngày xưa ba Hậu tôi từng hoạt động khi còn được gài ở trong thành. Mẹ Bảo là người Việt gốc Hoa, ngày ấy đóng vai vợ của ba Hậu tôi. Khi chúng tôi lớn lên, hai nhà khuyên chúng tôi yêu nhau, tôi nhận thấy mẹ Bảo với ba Hậu tôi ngày xưa hẳn có tình. Họ mong chúng tôi trả món nợ ân tình đó. Và chúng tôi hồn nhiên đến với nhau, vậy thôi. Tôi hời hợt, Bảo chu đáo. Tôi bay nhảy như chim trời, Bảo là kiến trúc sư vẽ chằng chịt những khu quy hoạch thành phố mới. ở bên Bảo, chúng tôi thường hôn nhau không quá mười giây, lúc đó tôi nghe tiếng xe chạy xuôi ngược ngoài đường dưới cái ban công lùng nhùng như những đường dây điện thoại. Tôi nghĩ, đáng lý ra mình cũng phải chạy như vậy, phải guồng chân với dòng đời như thếnày. Vậy là tôi lại quẩy túi đi. Cuộc đời mỗi giây là một sự tươi mới, một tin tức nóng.
Thật tình thì hồi đó hai đứa yêu nhau, thỉnh thoảng tôi nghĩ ra một chuyện gì đó làm tăng thêm gia vị tình yêu. Tôi gọi điện kêu Bảo hớt tóc đi, để tóc dài giống du côn quá. Bảo hỏi: "Cái lần mà hai đứa mình gặp nhau là bữa ăn bánh xèo phải không?". Không đợi tôi nhớ lại và trả lời, anh nói luôn "Anh hớt tóc đúng tuần rồi, tuần rồi em ở đâu?". Một lần, tôi làm đợc một việc vĩ đại là nhớ được ngày sinh nhật của anh. Thế là đang làm phóng sự ở Sông Ðốc, hết đò tôi quá giang tàu dầu về thành phố. Chiếc tàu ậm ì chạy về đã đến nửa khuya. Ðến nhà Bảo thì từ đằng xa thấy Bảo ôm hôn một người ngay ở cái chỗ ban ngày bà dì ép kiếng ngồi. Lạ lùng là người con gái ấy không phải là tôi. Từ lâu tôi không biết là Bảo thích một người con gái tóc dài, trắng trẻo chứ không bụi bậm mạnh mẽ như tôi, thích một người con gái dám đứng ở hè đường hôn nhau chứ tôi thì tôi mắc cỡ cái khoản này kinh lắm. Tôi lặng lẽ về, cái ông xe ôm khi nãy chở tôi đã đi mất tiêu. Tôi phải về bằng chính đôi chân của mình. Lúc đó mấy ông dân phòng đeo băng đỏ đi tuần thấy tôi mấy ông dò xét: "Chừng này còn lang thang ở đây, băng nhóm "Phố đêm" hả? Tự dưng tôi thưa với mấy ông đó mà muốn về trụ sở dân phòng uống nước trà. Tự dưng thèm trà quá, mà phải là trà pha thật đậm. Tôi muốn thức thử coi đêm nay dài bao nhiêu...
Cái chuyện mà má tôi muốn biết chỉ có bao nhiêu đó thôi. Tôi kể cũng nhẹ nhàng bao nhiêu đó thôi. Bà thì thấy rằng tôi dường như mất mát nhiều quá, má nghĩ mất Bảo rồi, 6 tỷ người trên hành tinh này đối với tôi không là cái đinh gì cả. Bà mong tôi có một biểu hiện gì đó, chỉ cần nhếch nhẹ một chút đau khổ thôi, má tôi sẽ ôm tôi vào lòng mà an ủi. Tôi cũng thấy buồn kinh khủng lắm, sao Bảo làm vậy mà tôi không đau đớn, vật vã gì hết. Sao tôi không ghét Bảo mà thấy thương anh hơn. Ngay cả làm một việc tương đương vĩ đại là thụi vào người anh, vào ngực anh nơi có trái tim đỏ tươi nhảy nhót để cho nó đau mà cũng là không được. Thiệt, tệ hết sức.
Tôi lại ăn trứng cút luộc trừ cơm mỗi lần đi tàu tới một địa phương xa, lại ngoi ngóp lội bùn ra tận bãi bồi xóm Mũi coi người dân sạt sò huyết, lại đóng vai bồi bàn, bán vé số, nghiện xì ke... để thực hiện phóng sự của mình. Má kinh lắm, tưởng tôi vì thất tình mà vùi đầu vào công việc. Tôi nghĩ ra một cách an ủi má: "Con có người yêu khác rồi má à", má tôi hỏi ai, tôi chỉ Nguyên. Nguyên với tôi cùng nghề, cùng chuyên trách trang xã hội. Lần nào đi công tác chung, ăn cơm chiều ở một chỗ heo hút nào đó, chưa uống nước cho qua khỏi cơn nghẹn đã hỏi nhau, tối nay mình ngủ ở đâu. Có lần chúng tôi rủ nhau ngủ chợ, ngủ thớt thịt cho ấn tượng chơi. Thành phố về đêm như một cái lẩu thập cẩm để ớt quá tay. Hỗn độn, nóng bức. Nguyên nói với tôi "Ở đây có thể xảy ra mọi thứ, kể cả giết người". Tôi dựng tóc gáy nhưng không chịu về. Nguyên bảo: "Bên Sông ngủ đi, Nguyên canh cho" nghe chân thành như một hòn đất. Nguyên yêu tôi. Tôi trả lời tôi yêu Bảo rồi. Mà tôi có phải là đứa con gái tốt đâu". "Chưa biết tôi tốt hay không là đã thương rồi". Nguyên thấy thương thì thôi đi. Tôi bảo: "Nói theo ngôn ngữ nghề mình, hai đứa mình giống như đứng bên hai bờ sông, nhìn thấy nhau, nghe nhau nói nhưng không đến được với nhau đâu". Nguyên cãi bướng: "Nguyên có đò". Tôi cáu sườn: "Viên bắn bể xuồng".Từ lúc đó Nguyên gọi tôi là Bên Sông. Mà tôi nghi quá, nghi Nguyên là hậu duệ của nàng công chúa xưa nên lù mù yêu tôi không tương lai như nàng Mỵ Châu yêu Trọng Thuỷ. Nguyên này toàn làm những chuyện cho tôi cảm động không thôi. Ði làm phóng sự về. Ðêm. Mưa thâm trầm dai dẳng. Tôi lái chiếc xe máy màu đỏ kêu xùng xèng chở Nguyên, Nguyên rướn người cao vánh, kéo cái cổ áo sơ mi che mưa tạt cho tôi. Tôi chạy xe trong mưa bồng bềnh cảm giác, cái cảm giác lạ lùng thấy mình không chống chọi, xù xì chiến đấu với ai. Tôi thấy mình giống như hòn đất mềm, hòn đất không suy tư, hồn nhiên vỡ ra, ngửa mặt giữa trời. Một ngày nọ, Nguyên tặng tôi một cái nguyệt cầu. Nguyên cũng chẳng xấu như thằng Cuội, tôi đẹp không bằng một ly của chị Hằng nên mới thoáng qua chẳng hiểu Nguyên tặng tôi vậy có ý gì mà tôi cũng không hỏi có ý gì.
Công việc vẫn nhiều như trước. Mới đây tôi lao vào vụ việc tai nạn lao động ở một công trường xây dựng. Nhiều người bị những mảnh gạch từ trên toa đổ xuống. Có một chị tôi quen. Chị ấy đã từng đứng đường bán thân nuôi miệng. Chị bỏ nghề đi làm phụ hồ vừa mới hơn một tháng nay. Ngón chân sơn đỏ như màu máu của chị chưa kịp tróc, chưa kịp phai thì chị đã chết. Tôi bước chân vào cái hẻm, nơi tôi đã từng cùng chị về những lúc tàn đêm, "Ði, đi cho biết nhà tao, cho biết hai đứa con tao, coi tao sống làm sao mà làm cái nghề ngóc đầu không nổi này". Bảo cũng đến đó, đến để chia tiền cho thân nhân chị gọi là "đền bù". Tôi biết nhiều chuyện hơn Bảo tưởng, hỏi Bảo tại sao hồ trộn không đủ chất lượng, toàn là cát làm sao đủ kết dính để đến nỗi tường đổ? Số xi măng lẽ ra được ngào hồ đã đi đâu? Bảo không trả lời. Bảo im lặng. Tôi nghĩ, với cương vị giám sát công trình, lẽ ra anh phải biết và đã biết. Hồi lâu, Bảo lên tiếng: "Dù sao, anh đền cho bà 10 triệu là xứng đáng rồi, bà đâu có bảo hiểm gì...". Tôi tát Bảo thật mạnh. Ðể sau đó cắn môi nhừ. Da Bảo trắng quá nên in rành rạnh năm ngón tay tôi. Bảo bỏ đi. Tôi ôm hai đứa trẻ con chị, hai đứa trẻ mũi dãi tèm lem, tôi kéo vạt ao lau cho chúng. Và bật khóc. Khóc vì yêu, Bảo đi vào con đường tội lỗi ấy khi nào, tôi vô tâm quá nên không biết.
Má tá hoả khi hay tin Bảo bị thanh tra và Nguyên mà tôi nói đã không còn ở đây nữa. Nguyên đã định cư vĩnh viễn ở nước ngoài sau khi tặng tôi quả nguyệt cầu. Nguyệt cầu của chia xa, của thằng Cuội, chị Hằng chưa bao giờ được trông thấy nhau, được nhìn về một hướng.
Tôi về ngồi ngay chỗ ngạch cửa nhổ tóc bạc cho má tôi. Tôi không kể chuyện xảy ra vừa rồi giữa tôi và Bảo vì sợ mình để rớt nước mắt trên đỉnh đầu đã bắt đầu trống huơ vì quá nhiều tóc bạc bị nhổ của má. Má dạy tôi, tóc suôn suôn đừng có nhổ, má tóc bạc nhiều như vậy, nhổ là trọc luôn đó. Mấy cọng xoăn mới là tóc ngứa. Rồi má kể hồi sáng nay dì Hai có lên, tôi hỏi dì Hai đi đâu. Má nói bữa nay mười sáu, ngày tốt, dì Hai đi trồng răng lại, mấy cái răng cũ chờ ăn kẹo cưới của con cháu gái, chờ tới rụng hết trơn rồi. Má bất thần hỏi:
- Thằng Bảo lầm lạc rồi, không ra gì rồi, sao con không giữ thằng kia lại hở con?
Ui chao, má hỏi tôi ngay lúc tôi không bình thường nhất. Tự dưng tôi thèm được yêu thương ai đó để chia sẻ, dìu dắt nhau đi trên con đường đời ngổn ngang mà vì một nỗi đam mê nào đó tôi đã đánh mất rất nhiều.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Người Xưa
Nguyễn Ngọc Tư
Khi Hiên thôi học ở thành phố về, mướn căn nhà, treo cái bảng kẻ bằng bút lông lên giấy các tông "Viết hồi ký thuê" thì Hiên gặp lại người thương của má.
Bảy năm rồi, Hiên mới gặp ông. Ông ốm, xanh, ông không già đi bao nhiêu nhưng tóc đã rụng nhiều để lại cái trán rộng như sân bay Trà Nóc. Hiên luôn luôn thấy ông gần gụi và thân thuộc, cái cảm giác ông luôn luôn có mặt trong đời của Hiên mặc dầu chẳng thân tình gì nhaụ Cứ nói với một đứa bé mười, mười hai tuổi rằng cái ông đang nói trên ti-vi hồi đó thương má mầy, nó sẽ dõi theo ông ta bằng một sự quan tâm nào đó không lý giải được. Ngay từ khi ông còn tại chức, ông luôn xuất hiện trên mặt báo, trên ti-vi với sự chân thật toát ra từ đôi mắt, một vẻ mặt trăn trở, đấu tranh. Hiên cho rằng đôi mắt thể hiện được con ngườị Ông từ chức chủ tịch trước nhiệm kỳ hồi cuối năm rồi với lý do sức khỏe kém, không đủ năng lực để làm việc. Hiên cố làm như mình chẳng bao giờ quen ông. Bảy năm, đủ để ông già đi và Hiên bỏ bộ dạng đứa học trò quê mùa cũ. Hiên hỏi ông muốn viết hồi ký ở dạng nàọ Hẳn nhiên là có nhiều cách viết khác nhau, để lại cho con cháu thì đào sâu về đạo đức, lối sống, về buổi đầu lập thân cực nhọc ra làm sao để lại cho đời sau cơ ngơi, sự nghiệp nầỵ Nếu xuất bản hàng loạt thì chú trọng những công việc, thành tích trong đời... hoặc chỉ viết riêng cho một mình ông thôi, sống giấu kín, chết mang theọ Ông cười rất đẹp (đôi lúc có những nụ cười như thế làm cho tim Hiên thót lên một tiếng hít hà):
- Tôi muốn cháu viết cho người tôi yêụ Và viết thật.
Hiên thưa rằng Hiên sẽ viết thật nếu như ông nói thật. Ông lại cườị Má ơi!
Hiên thèm được viết thật dữ lắm chớ. Hiên vừa học vừa làm thêm việc viết hồi ký non hai năm. Hiên đã gặp nhiều khách hàng nghe họ kể về cuộc đời của họ. Ai cũng làm tỉ mỉ điều tốt, điều cao thượng hơi giống nhau, bày tỏ lòng nhân ái với thế giới, lòng thương mến với tất cả mọi ngườị Hiên nhận ra một quỹ đạo nhàm chán là không ai kể về những lỗi lầm của mình dù là từ thuở ấu thơ đã ngắt đuôi con chuồn chuồn đỏ nhét vào cọng cỏ hay về chú dế lửa bị mình nhốt trong cái lồng đất đã chết vì chật và buồn. Mà, Hiên cho rằng, hồi ký là phải thật, ai đời người ta lại gian dối với cả chính mình. Đôi khi cầm quyển hồi ký do chính tay mình viết ra, trình bày sạch sẽ, bìa đẹp, lật từ trang đầu tới trang cuối thấy người ta sống sao mà tốt quá, tốt thiệt, tốt đến không ngờ. Bạn bè cười vào cái ý nghĩ ngớ ngẩn của Hiên: "Thì tật con người ta vậy mà... ". Hiên biểu tin Hiên đi, thấy cuộc đời kiểu nầy không ham, không thấy vui đâu.
Ông không vậy, ông thủ thỉ với Hiên như một người bạn bên một người bạn thân thiết. Hiên cảm thấy cái quý giá nhất của hợp đồng nầy là được ông tin cậỵ Ông nói với Hiên về tuổi thơ, về quê hương, về tất cả những chiến công và những lỗi lầm. Những nơi ông đến rồi đi và ấn tượng những người ông gặp... Buổi tối, trở về căn nhà vuông vức như cái bánh chưng, Hiên mở máy ghi âm để ghi lại giọng nói điềm đạm như thể dè dặt của ông và chợt nhận ra mình viết cái hồi ký không phải cho riêng ông. Hiên viết cho những đồng đội đã hy sinh xương máu để giúp ông lập nhiều chiến công. Hiên viết cho những người cộng sự cùng ông đưa cái địa phương nầy đi lên, được biểu dương thành tích. Và Hiên hạnh phúc viết về một bóng hình mơ hồ nào đó mà ông đã chia tay trong quá khứ nhưng luôn hiển hiện bên ông. Hiên không chắc chắn đó có phải là má Hiên không. Thường thì đàn ông không nhớ sâu sắc và yêu sâu sắc như người đàn bà.

*

Ông sống một mình trong một căn nhà rộng, mặt ngó ra một con đường nhỏ chạy vòng vèo quanh một hồ rộng nhân tạọ Vợ Ông qua đời gần tròn bốn năm. Họ không có những đứa con trai, con gáị Ông bảo bà yếu ớt, hay đau hay bệnh lắm. Ông cũng đang bệnh, mỗi sáng, mỗi trưa và tối, Hiên thấy ông uống một vốc thuốc. Hơi thở của ông cũng phảng phất mùi kháng sinh. Hiên hỏi thăm ông bệnh gì, ông cười, bệnh nhỏ thôi, mai mốt hết. Hiên hơi bần thần. Cô vẫn cần mẫn đến nhà ông như mọi ngàỵ Sáng nào ông cũng rang cơm và chừa cho Hiên một chén. Ông rang cơm rất ngon. Hột cơm se lại, giòn tan. Mùi tỏi vàng trong dầu nóng xộc vào mũị
Hiên thường bưng chén cơm ra ăn ngoài khoảng sân hẹp rụng đầy bông điệp đỏ và ngồi xuống cái băng đá đặt dưới bệ cửa sổ. Mầu của buổi sáng trong ngôi nhà nầy mới trong trẻo làm saọ Hiên bảo:
- Sống một mình khổ thiệt. Cháu sẽ làm mai cho chú một cộ Thím cũng mất lâu rồi, phải không, chú?
Ông lấy tay vỗ vỗ đầu gối Hiên, tay ông to, nhưng mềm và lạnh lẽo:
- Thôi, cháụ Trễ quá rồị
Hiên cười, chú vẫn còn trẻ chán. Ông chắc lưỡi, "tự nhiên thèm gặp một người" rồi quay sang hỏi Hiên có muốn nghe chuyện tình của ông không. Hiên còn chờ đợi gì mà không gật đầụ Hiên nhận thấy con người nầy luôn luôn vắt kiệt mình trong đám bùng nhùng thiện - ác, đúng - sai, giả - chân... Cả trong tình yêu cũng vậỵ Hai người ngồi trong cảnh buổi sớm đang vãi nắng lên caọ
Hiên tưởng như mình đang đi trên con tàu cuộc đời ông và đã qua bao ngoặc trái ngoặc phải, leo bao đồi dốc, băng qua những cây cầu sang sông rồi một ngày, Hiên nhìn thấy má mình như một ga xép hiện rõ dần lên trong đêm tốị Một ga xép với đầy đủ vẻ đẹp của nó: thầm lặng, đìu hiu, nhưng rất trân trọng đón đưa những con tàu xuôi ngược.
- Đó là thời đạn bom ác liệt, nhưng sáng nào cổ cũng chèo xuồng ra chi khu Rạch Ráng bán trầụ Tôi thương cổ từ ốp trầu cổ bó. Ốp trầu chắc nụi, hai đầu cong cong như mái đình làng. Những lá trầu xanh đằm lên nhau khăng khít không chèn lẫn một lá úa nàọ Tôi thương cổ từ ngón tay cái bấm trầu đã mòn khuyết như trăng mùng tám. Tôi hoạt động trong vai một thầy giáo, "con" út của một bà má tiến bộ. Con trai má đi lính cho Ngô Đình Diệm đã bị tử trận, bà má đó quả quyết là con trai bà bị chính lực lượng cộng hòa dập pháo và bà muốn trả thù. Sáng nào tôi cũng ra bến chợ, xuống xuồng của cổ mua một ốp trầu cho "má". Cổ không đẹp lắm, ừ giống như cháu vậy, ở cổ luôn luôn lộ ra một nét duyên ngầm, càng nhìn càng thấy lạ, thấy thương. Cổ cũng thương tôi thiệt lòng. Ngặt cái cổ là con gái xã trưởng Ba Chi khét tiếng ác. Gia thế cổ là vậỵ Cổ chấp nhận thương tôi mặc dầu cũng đoán được tôi ở phía nào trong cuộc chiến tranh nầỵ Cháu cũng biết thân phận của tôi mà, ông nội tôi, ba tôi, các chú bác đều thoát ly đi làm cách mạng. Gia đình tôi phản đối dữ lắm. Tổ chức cũng không đồng ý. Nhưng lúc đó tôi còn trẻ, trẻ như cháu bây giờ, tôi nghĩ, tình yêu sẽ vượt lên tất cả.
- Cháu cũng nghĩ vậy, chú à. - Hiên gật đầụ
- Nhưng cháu còn trẻ, cháu có hiểu không? Chiến tranh vốn đầy bất trắc. Nó để lại cho tôi một niềm đau, lâu quá rồi mà còn đau hoàị
Hiên cũng vậỵ Hiên biết buồn nỗi buồn chiến tranh từ ngày thơ bé. Tụi bạn chơi trò đánh trận giả, bao giờ cũng đẩy Hiên về phía giặc. Thằng Đen lớn nhất, nó chống nạnh cười khì khịt: "Mày phải ở "bên nó". Má tao nói hồi đó ba mầy đi lính quốc gia". "Bên mình" bắn "bên nó" phằng phằng, Hiên cũng bắn lại phằng phằng nhưng Hiên thì phải chết. Có khi nằm trên ổ kiến lửa để chết, Hiên giật nảy lên, giãy giụa, thằng Đen đứng vỗ tay cười chưa xong đã khóc mướt: "Con nhỏ nầy chết y hệt ba tao"". Hiên cũng khóc. Những đứa trẻ như thằng Đen, như Hiên mới tí tuổi đầu đã bị súng bập dừa bắn vào trái tim thơ ngâỵ Đen thôi hồn nhiên và Hiên thì ngơ ngác chết.
- Người ta mong hòa bình một, tôi mong tới chín, mười, cháu à. Sau Mậu Thân, cơ sở bị lộ, tôi rút vô cứ. Địch ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Tề ngụy gom dân vô ấp chiến lược, trong đó, nhà cổ đi đầụ Người xuôi kẻ ngược, cổ chỉ kịp đầm đìa nước mắt và hẹn nhau hai tiếng "hòa bình". Coi lại, cả đời chúng tôi rượt đuổi nhaụ Cổ bỏ nhà ra ấp chiến lược mới chín tháng thì chúng tôi mở rộng căn cứ về xóm quê ở. Tôi dọn dẹp căn nhà đầy mạng nhện và bồ hóng của cổ để làm nơi làm việc. Hôm một bà má đi chợ về ghé báo con út Xuyến nó lấy một thằng lính ngụy, đêm đó bom bỏ vụn căn nhà. Tới bây giờ, tôi cũng không hiểu làm sao mình còn sống được, nhưng hôm đó, trong cái hầm, nước lỏng bỏng, tôi tìm được trong hốc đất một cái khăn trắng thêu hai con chim đậu trên cành mận trổ đầy hoa, và một dòng thêu dở: "Đường dài ngựa chạy biệt tăm... "
-... " Người thương có nghĩa trăm năm cũng về". - Hiên buột miệng, rồi giật mình, cô quấy quá thêm - Cháu đã đọc câu ca dao nầy ở đâu rồi, chắc là trong trường học.
Ông gật đầu, dường như chớm bàng hoàng, ông nhẩm lại "Người thương có nghĩa trăm năm cũng về". Mặt ông hơi tái đị
- Vậy tôi không phải là người thương có nghĩa rồi, cháu à. Tôi đã có thật nhiều cơ hội nhưng rồi đã bỏ quạ Năm tám hai, tôi chuẩn bị làm Bí thư huyện thì nghe tin chồng cổ vượt biên.
- Và chú phải lựa chọn, hoặc làm bí thư hoặc phải từ bỏ tất cả, không ai chấp nhận chú lập gia đình với một người đàn bà đã có một đời chồng là lính ngụỷ
Ông nhìn Hiên kinh ngạc, trong mắt ông ánh lên một niềm đau xót:
- Cháu biết nhiều như vậy để làm gì, cháu gáỉ
Hiên có muốn biết nhiều đâu, đời dạy cô vậy mà. Cô không trả lời câu hỏi, chỉ thốt lên:
- Trời đất ơi, sao chú lại có thể đem tình yêu ra mà bì với mấy cái đó. Cháu mà yêu ai, cháu sẽ vượt qua mọi trở ngại để tới với người tạ
- Cháu đã làm thử chưả
- Rồị - Hiên quả quyết.
- Tôi cũng có lần làm như vậỵ Có một lần, tôi về thăm căn cứ. Chiếc tàu hì hụi về tới xóm đã chạng vạng. Tôi lúc đó không nghĩ tới chuyện gì khác ngoài chuyện tôi sắp gặp lại cổ. Khi tàu ghé dưới bật kinh nhà Tám Muốt, tôi thấy cổ bơi xuồng đi đặt đó. Xuồng nhỏ, bóng cổ nhỏ, một mình. Tôi nhìn cổ và nghĩ rằng mình có thể bỏ hết tất cả để về đây để che chở cho cái bóng nhỏ nhoi đó suốt đờị Nhìn tôi, cổ mừng xuống nước mắt. Tối đó, sau khi ăn đã đời bữa cơm bông súng nấu canh chua cá nâu, mắm sống, tôi chống xuồng qua sông. Hôm đó, tôi hơi saỵ Chắc tôi ngộ lắm nên đứa con gái nhỏ của cổ cứ nhìn tôi hoàị Tôi ngã mình trên võng mà khói cứ bay nồng mũị Tôi còn nhớ mình nói rằng không chấp chuyện đã qua, tôi không ngại đứa con gái lên ba tuổi của cộ Tôi nói rằng cơn mưa xưa đã đem nguồn nước cũ về đầm. Cổ nằm trên một cái võng khác, giăng xéo qua hai cây cột, đứa con gái ngủ. Cô chỉ khóc, khóc thật nhiều mà có nói được gì đâụ Vậy mà hai đứa thức, thở vắn thở dài tới sáng. Bữa sau, tôi đi thăm những bà con trong xóm căn cứ cũ. Vườn sau sân trước hố bom chằng chịt hố bom. Bảy năm sau giải phóng mà xóm rất nghèọ Những gia đình cách mạng ngày xưa hết mình nuôi nấng, che giấu chúng tôi, cuộc sống rất khó khăn, mặc dầu bông súng đã nở trắng hố bom, bầy vịt ta lội ngủng ngẳng. Cạnh nhà tường đạn bom cháy xém, bà con dựng lại căn nhà lá. Tôi về than, bà con mình nghèo quá. Cổ nói với tôi rằng dù có chính tay họ làm hay không nhưng cha cổ, chồng cổ đã gây biết bao nhiêu tội ác, làm cho cái quê nhỏ nầy trở nên như vậỵ Mà, có còn ai để giúp cổ trả món nợ nầy cho bà con, cho làng xóm, để cho cổ được ngẩng đầu lên nhìn cuộc đời mà không thấy mình có tội, ngoài tôị Tôi thương cổ lắm, tôi quay lại, tự hâm nóng mình. Thời đó tôi sống tràn đầy hoài bão, tràn đầy yêu thương như cháu bây giờ, cháu gái à. Tôi chưa biết ham mê tước vị, quyền lợị Rồi từ từ tôi mới biết cân nặng nhẹ, biết so đọ Tôi lấy vợ, mà tội nghiệp tôi lắm, lấy vợ mà cũng so đọ Ông già vợ tôi là cán bộ tổ chức của tỉnh. Tới một ngày chợt nhận ra, quyền lực đối với tôi càng giống như cục mỡ rệu trong veo trong nồi thịt kho tàu ngày Tết, nhìn thì thèm, ăn lại quá ngán mà bỏ thì tiếc.
Ông cười sùng sục. Tiếng cười nghe xao động như quầy dừa rụng xuống vườn ranh giữa buổi trưa vắng. Nhưng Hiên giật mình vì ánh mắt không hề có một niềm vui, nó sâu hun hút. Hiên thấy lòng mình tạnh hẳn. Cái nhìn ông lạnh như cái ao sâu phủ kín lục bình.
- Chú à, bây giờ cô ấy ở đâủ
- Cháu có biết xóm Trầủ Một cái xóm đẹp. Căn cứ cũ của chúng tôị Tôi nhớ hoài, trước mặt xóm là một cái đầm nước gió ơi là gió...
Và một hàng dừa nước bên sông nghiêng mình soi đáỵ Những ngày gió chướng về, nước trong vằng vặc như thấy rành rạnh từng xớ lá. Trên bờ kinh, dây choại mọc đầy, đọt choại xanh non nhuốt líu ra líu ríu níu bước chân ngườị Hàng bông bụp trước sân nhà nở đỏ. Con heo cỏ bụng bự đầy đất sục mũi vào đám rau diệu, rau chaỵ Sau vườn, dây trầu già leo cây cau ốm. Bầy kiến vàng liêu xiêu bò ra bò vào trên nhánh chanh giấy de ra mé aọ Và ở đó có má Hiên, một đời thầm lặng, hiền lành... Sớm sớm, ngồi xắt chuối quết nát trộn với cám cho bầy vịt Xiêm ăn. Xẩm tối, má đốt nhang lên bàn thờ ông bà ngoại, đóng cửa, sập rèm. Má Hiên bị bức phải lấy ba Hiên tháng chín, tháng ba năm sau giải phóng miền nam. Cái khoảnh khắc đó so với cuộc đời nó ngắn ngủi biết bao nhiêu nhưng đã trì níu cuộc đời má Hiên xuống. Mấy mươi năm, cuộc đời má như hũ sành bể nát, không mảnh nào ráp được với mảnh nào, phải làm hai, làm ba còn lấy keo chắp vá. Niềm vui chỉ những ngày cuối tuần, má Hiên trông từng chuyến tàu trưa, coi Hiên có về không? Một người quen cũ có về không? Khi ba Hiên đi học tập cải tạo ba năm, Hiên lớn lên không hề có ba mà không thấy tủị Ba Hiên về, ba năm sau xuống tàu vượt biên. Hiên đã là một con bé lạ lùng. Hiên có thể rạch ròi từng chuyện một. Hiên nghĩ rằng ba ra đi là lỗi của ông vì ông nghĩ rằng đất nầy không cưu mang, không liên quan tới chuyện mối tình xưa gì gì đó của má. Hồi đó, mối tình đó chỉ là một ngọn lửa nhỏ le lói cháy trong mắt má Hiên. Lạ sao, đến bây giờ, ngọn lửa vẫn không tắt và chưa bao giờ tắt. Hiên vẫn không tin được, chỉ những lời hứa hẹn và một đôi lần nắm tay nhau (Hiên tưởng tượng cùng lắm thì hôn lên má nhau thôi, nếu có thể) lại làm cho người ta nhớ lâu, nhớ sâu đến vậỵ Một lần xem ti-vi, nhìn ông thoáng qua, trên màn hình, má Hiên luôn cười rất nhẹ, kín đáo âm thầm. Cái cười nhỏ nhưng tràn đầy tình. Hiên có lần bảo: "Con mà thương ai thể nào con cũng lặn lội lại nói với người ta liền". Má Hiên cười: "Con còn trẻ, má già rồị Mà, má có xứng gì đâu... ". Hiên chợt nhận ra, thế hệ của mình đã khác, thế hệ mình sống nhẹ nhàng hơn thời của má nhiềụ
- Không biết bây giờ xóm cũ có còn như trước, cũng ba năm rồi tôi không về...
Ông trầm ngâm. Hiên nói với lòng mình: Không, cái xóm đó không bao giờ thay đổi được. Người ở xóm đó vẫn vậỵ Chắc nó không khác được đâu, lúc nào nó cũng soi mình xuống Đầm. Thấy mình khác một chút đã sửa lạị
- Lẽ ra bây giờ chú phải về xóm Trầụ Cháu chắc chắn là có người vẫn chờ đợi chú, chờ đợi tới trăm năm.
Ông bồn chồn ngước lên nhìn Hiên:
... Hai hôm sau, khi Hiên quay lại nhà ông, nhà đã khóa cửa ngoàị Hiên quay về chỗ trọ thì nhận được lá thư nhỏ. Thư của ông, Hiên cứ cầm thư mà xuống nước mắt. Ông viết: "Cuộc đời đã tằn tiện chia sớt lại cái cơ hội cuối cùng của chú, cũng bởi vì chú đã hoài phí nhiềụ Chú đã nhận ra cháu rồi, cháu gái à. Chú chuyển lời xin lỗi đến má cháụ Chú bệnh, bệnh nặng. Không còn ham hố, vướng bận gì nữa, chú cũng không thể trở về, bởi vì chú không muốn làm một gánh nặng cho má con cháu lúc cuối đời... Chú thương cháu nhiều, con gái nhỏ... ".
Chỉ vậy mà họ có thể bứt khỏi nhau ra được sao, trời đất quỷ thần ơi, những người lớn. Đường đời gang tấc mà vì nỗi gì đi vòng cho xa hoài, xa mãị Hiên lặng người, tới bây giờ Hiên cũng không biết ông bệnh gì, nghiêm trọng ra làm sao Hiên không biết. Má ơi!
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên

Cha trải quần tây màu cứt ngựa ra giường, xén bớt hai cái lai. Kéo lụt, đường cắt răng cưa tưa tướp. Mẹ cắn chỉ đến chục lần mà đầu chỉ trầy trật không chịu chui qua lỗ kim. Cha nhếch cười, nói cô bới lông tìm vết giỏi lắm mà.

Họ vừa cãi nhau xong, chung quanh việc cắt lai quần đến đâu thì vừa. Thằng Phước đâu có cao dữ vậy, mẹ nói. Cha vặt vẹo, tôi gặp nó bảy tháng trước, còn cô? Rồi cả cha cũng ngập ngừng, cứ nhích cây kéo lên xuống để áng chừng chỗ cắt. Dài quá thì trong lúc nhảy thằng nhỏ sẽ vướng quần té ngửa, ngắn quá lại quê mùa khó coi. Cắt nhát kéo đầu, cha hơi chờn chợn, như thể vừa phạm phải một sai lầm không thể chỉnh sửa.
- Cỡ này là vừa, đừng có cãi tôi.
Giọng như căn dặn chính mình. Mẹ không có vẻ muốn hơn thua nữa, khi ánh nhìn vướng lại trên móc áo. Bà sực nhớ nút trên đó cũng đứt. Vạt áo bên phải dính hai đốm cà phê, chúng khiến họ băn khoăn suốt buổi sáng, rồi cũng nghĩ ra bỏ áo vô quần thì ổn, ai mà thấy. Cha nghĩ áo đỏ sẽ bắt đèn hơn, nhưng không tìm thấy áo nào khác, ngoài cái bị rách toạc lưng. Mẹ nói có thể lấy mảnh vải của cái áo học trò cũ, xong đắp lên chỗ rách, cũng lạ. Lên tivi cũng không ai biết đó là áo vá.

Họ đứng ngó cái áo, cố hình dung nếu cắt một ngôi sao trắng nằm chình ình trên áo đỏ thì có khó coi lắm không.

Cảnh này thì đúng là chiêm bao rồi. Hoang đường một cách day dứt. Cái lần thấy vía ngồi trên cầu vồng ăn những đám mây cũng không day dứt như vầy.

Lâu rồi cha mẹ không nhìn nhau, ngay cả cùng nhìn vào một điểm cũng hiếm. Cái ảnh chụp chung duy nhất của hai người, cha ngó cụp xuống còn mẹ đảo tròng trắng sang phải. Mặt mũi cặp đôi hớt hải. Lúc đó mình vừa lẫm chẫm biết đi, thích tọng vào miệng những thứ mềm mượt, bất kể là đuôi chó, góc cái gối gòn hay tóc mẹ. Thời khắc máy ảnh loé đèn, mẹ phát hiện ra mình đang mút chổi lông gà. Nhưng không còn thời gian chụp lại cái ảnh khác, cha quáng quàng chạy vào ca đêm.

Mẹ thì làm ca ngày. Họ chỉ có thể ôm nhau lúc trời vừa rạng sáng. Trong khoảng thời gian chóng mặt đó, nếu cha thích mẹ từ phía sau thì cũng có thể nhìn về một hướng, nhưng mẹ phải ngó cái đồng hồ treo trên vách, miệng kêu ối ứ ư sao lâu vậy. Gương mặt của gã quản đốc xưởng xốn trong đầu mẹ, trong lúc cha héo rũ trên người. Mẹ không thể thích đến quên trời đất, vì bị ám ảnh bởi thằng cha chấm công re rắt từng giây, vì mình hay thức dậy bất ngờ, dụi mắt buông ra một câu khó đỡ “lêu lêu, cha mẹ ở truồng”. Vụ đó là dì Hoà lỡ thời ở trọ chung vách kể mỗi khi mình qua xin cơm cháy, dì nói hồi đó tao nghe, khổ sở vì thèm.

Mình thì không nhớ được những việc xảy ra hồi vài ba tuổi. Chuyện quãng sáu, bảy tuổi thì không muốn nhớ. Nhưng có khi mang máng chuyện mẹ bứng cây khế từ dưới quê lên trồng trên khoảng sân trước nhà trọ. Thằng nhỏ Phước vô lớp một là khế có trái, mẹ mơ màng. Lấy cây dao cùn phát quang một chòm cỏ, mẹ đào lỗ trồng cây. Cha nằm khẩy trên giường càu cạu nói vói ra, “chưa ăn được thì đã dọn đi chỗ khác, rảnh vậy?” Nhưng chiều đó giông lớn, cha đi tìm một thanh gỗ cũ, xóc chéo vô thân cây khế héo để gió khỏi quật ngã. Sự sống còn của cây khế là nỗi lo chung cuối cùng của hai người họ trước khi cha dọn tới ở cùng một cô cùng làm ca ngày, để tỉ tê nuốt hơi thở của nhau kệ cha cái kim đồng hồ nhúc nhích. Và mẹ thì lấy gã quản đốc mắt hí rị người Đài Loan, thoát khỏi nỗi ám ảnh mười lăm phần trăm giây xén bớt miếng ăn.

Mười sáu năm bảy tháng mười ba ngày sau cái hôm thổn thức ứ hự ừ hư cùng nhau tạo ra hòn máu con con, cha mẹ mới lại cùng chuẩn bị bộ trang phục cho mình đến buổi biểu diễn tối nay.
Chiêm bao sao mà hoang đường hơn cả giấc mơ đứng dưới cái cây thân bằng sữa bò, mỗi lá là một miếng thịt nướng, hồi nhỏ.

Thằng Phước mà lấy được nửa tỉ tiền thưởng, tụi mình sẽ ra ngoại thành mua miếng đất cất nhà. Khoảnh sân trồng cây ăn trái cho cháu nội mình ăn. Ổi, xoài, nhưng đừng trồng mít, dễ bị sâu đục thân. “Thôi không trồng cây”, cha gạt ngang, “trồng rau ăn, khỏi phải mua”. Họ cãi cọ một cách hững hờ trong lúc mẹ may lại cái lai quần, đơm nút áo. Màu chỉ không hợp lắm, trắng trên nền vải đỏ. Cha nói không sao đâu, lúc đó đèn chớp đủ màu, người ta mắc coi từng điệu nhảy thần sầu của thằng nhỏ con mình, ai thèm để ý chuyện chỉ trắng chỉ đen.

Nhưng khi đứng trên sân khấu, mình sợ đến tê dại đi, thật thà kể tham gia cuộc thi “Khoả bụi tìm sao” lần này là mặc cái quần của cha, phải cắt đi một gang tay vì người mình thấp. Mình bán kẹo kéo với thằng bạn tên Giàu, hai thằng có niềm vui chung là lấy tên chính mình ra xỉa xói. Mấy bữa trời mưa bán ế nên mới được coi lỏm bỏm chương trình này trên tivi của quán cà phê. Giàu xúi mình đi thi bằng cái giọng đầy thù hận: “Phải để cho họ nhìn thấy tụi mình”. Giàu hát nhạc Trúc Phương buồn chảy nước. Hồi hai thằng mới gặp, nó nói tao hát để được lên truyền hình quốc gia. Một năm sau nó nói tao cất giọng lên để âm thanh chạm cốc một hai ba dzô bốn năm sáu dzô bảy tám chín dzô trong những cái quán nhậu sẽ lặng đi.

Năm sau nữa, nó nói tao hát cho một người nghe tri âm nào đó, nếu có. Giờ thì nó hát chỉ để bán một vài cây kẹo kéo.
- Điệu nhảy này em tả lại hình ảnh cây khế mới trồng trong một bữa mưa giông.
Một cây khế non oặt đi, rạp mình trong cái thứ gió liên tục đảo chiều. Rễ chưa đủ bám sâu vào đất. Cành chưa đủ cứng cáp. Thằng Giàu hát nhạc nền cho mình, bài Thói đời, nó còn đọc rap, “thằn lằn cụt đuôi, dè, ai nuôi mày lớn, dè dè/ dạ thưa thầy dè, em lớn mình ên dè dè”. Mắt chị ca sĩ kiêm giám khảo nữ duy nhất của cuộc thi tràn trụa nước. Họ đã nhìn thấy mình. Thằng Giàu đứng trong cánh gà quệt má bằng cùi tay, chúng ta đã từng khóc, kêu gào và hát, nhưng không ai nghe hết, giờ thì họ biết chúng ta đang ở đây. Hả hê quá, trong đám đông ngồi tại khán phòng này, chắc nhiều người đã từng đi qua xe kẹo kéo của bọn mình nhưng họ không hề thấy nhận ra mấy thân phận bọt bèo lêu bêu bên đường.

Anh giám khảo bảo mình bước đến gần xem mình có xương không. Anh phát hiện ra cả thịt mình cũng chẳng có. Mình cười, nói dân nhậu ở quận Mười Hai ai cũng biết mà. “Tôi cho em qua”, ba vị giám khảo đồng loạt nói, và mở cánh cửa thứ hai cho mình bước vào.

Cha mẹ ôm xiết nhau nhảy cà tưng trong tiếng vỗ tay rào rào. Miếng vá trên áo làm lưng mình nhồn nhột.

Cái áo này mình đã mặc nhảy múa bán kẹo suốt một mùa mưa ế ẩm. Thằng Giàu nói ăn mặc bắt mắt thì người ta mới liếc qua tụi mình. Nó làm mọi cách để được thiên hạ dòm ngó như đã từng làm mọi cách để thiên hạ nghe thấy. Một lần nhảy điệu dạo bước trên trăng trên đường Hiệu Oanh, thì bỗng nghe giọng Giàu vỡ ra. Khoảnh khắc thanh chắn trước một chiếc xe hơi nào đó hất mình té sấp xuống đường, mình còn kịp nghĩ Giàu không ca bài của Trúc Phương, ông đó không bao giờ viết nốt nhạc nào cao chới với vậy. Sau đó thì xương sống mình vỡ bục ra, tách lưng làm hai phần, gãy gọn như một lời thề. Như cây khế mẹ chặt ngang thân lúc rời khỏi khu nhà trọ. Mình ngủ rất nhanh và nằm mơ thấy mình sõng soài trên đường trong lúc mọi người vẫn đang nhốn nháo, sao thằng nhỏ mặc cái áo đỏ chói mà ông lái xe không nhìn thấy.

Câu hỏi đó làm mình tư lự lâu lắm. Ngẩng lên thấy cha mẹ lục lọi cái hòm gỗ, hỏi có thấy cái quần tây màu cứt ngựa của tôi đâu không? Biết đâu thằng Phước mặc vừa. Không thấy mẹ, chỉ nghe vẳng tiếng lại, “người còn không giữ được, giữ chi cái quần ông…”

Biết là đang chiêm bao. Biết là khi thức dậy sẽ thấy trần nhà dày mạng nhện, vài con thằn lằn nhơ nhởn, chúng hay bậy nhằm chân mình. Chỉ cần chờ phân chúng khô, mình sẽ vói lấy chổi lông gà quét lên đôi chân đã từ lâu ngủ im lìm, bất động như quét mặt chiếu và chẳng thấy buồn phiền đám bạn có đuôi. Sáng qua con thằn lằn còn rơi phịch xuống bụng mình, chắc do nhỏ bồ nó thì thầm “nằm ngửa ra đi cưng”, nghĩ vậy nên nằm cười tủm tỉm hoài. Để mà vui hết một ngày thăm thẳm…
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên

Khi bước qua cái cửa xiêu của căn nhà xiêu, khi mắt chị còn chưa quen với cái không gian tối tăm bên trong nhà, cái mà chị nhìn rõ nhất là ánh mắt sáng quắc của thằng bé. Nó nằm cong queo trên giường, héo như một đứa trẻ lên năm. Xương nó nhô ra mẩu nào cũng bén ngót. Miệng liên tục đớp không khí, nước dãi ri rỉ chảy ra bên khóe môi sần sùi, thằng bé nối một sợi nhìn bền dai vào chị, hút chị đến ngồi với nó. Và từ đó, nó không buông tay chị ra nữa. Cứ níu lấy, cứ ghì chặt, mắt ầng ậc nước, cổ họng phát ra những âm thanh gru gru vô nghĩa… thằng bé tỏ ra quyến luyến không rời.

Bà mẹ xoắn quần ống cao ống thấp, chân rơi ra những mảng bùn khô, nói thằng nhỏ đã hai mươi mấy tuổi rồi, bà không nhớ rõ vì có nghĩa gì đâu, nó bao nhiêu tuổi thì mãi mãi như đứa trẻ như vầy thôi. Chị bỗng có cảm giác cách nắm tay này, cách nhìn da diết này là của một chàng trai. Máu mơ mộng trỗi dậy.

Nên chị nán thêm chút nữa trong khi những tình nguyện viên khác trong nhóm công tác xã hội đã lên xe ngồi chờ. Chị muốn biết thằng bé sẽ nói gì với chị. Cái sự chị sắp đi khiến nó kích động dữ dội, cơ thể co giật, mặt méo xệch, miệng há to và nước dãi chảy ra ròng ròng. Nó đang cố nói. Chị cố đợi một âm thanh khác với những tiếng gru gru tuyệt vọng. Chị ghé tai vào gần, rồi gần hơn nữa, đến nỗi tai chị gần như chạm môi nó.

Và nó nói bật thành tiếng. Bằng tất cả tinh lực.

Chị ra xe, quệt nước mắt chị gượng đùa, trời đất, tưởng đâu nó mê mình. Đùa, vì chị không mơ mộng đến vậy, chị mong nó nói “Ở chơi!”, nhưng suốt buổi ngồi với thằng bé, thấy nó nhìn mình khi dịu dàng khi rát bỏng, làm những cử chỉ khi trìu mến khi riết róng, chị không bao giờ tưởng tượng là nó nói “TIỀN!”.

Có người nghe chuyện nói đáng đời, ai biểu lãng mạn chi.

Nhớ hồi mới lấy chồng, chị mua tặng mẹ chồng ở quê cái nồi cơm điện. Mẹ đem cất vì “nấu cái này không có cơm cháy với nước cơm cho tụi nhỏ chan…”. Tặng mẹ mấy bộ đồ bà cũng khổ sở phân trần, “màu sáng quá má ra vườn sợ dính mủ chuối…”. Chị mua truyện tranh đem về cho bầy em, tụi nó háo hức cầm lên rồi hỏi bằng giọng háo hức hơn nữa, “chị hai có mua bánh mì không?”. Cứ trớt quớt vậy. Mỗi lần nhìn bình hoa vải chị mang về mẹ lấy túi ni lông bọc lại cho khỏi bụi, cho nó đỡ chói lên đơn độc giữa căn nhà vách lá, chị có chút mắc cỡ. Giờ thì chị chỉ mua đường, nước mắm… và chắc chắn chúng được hồ hởi đón nhận. Đôi lần chị thấy hơi cay đắng, đời người sao chỉ quẩn quanh với những thứ tầm thường bột ngọt, xà bông…

Trước hôm mẹ chồng qua đời, bà viết cái thư. Chị vừa đọc vừa khóc. Thư chỉ dặn chuyện tiền nong, đất đai. Lời cuối cùng, như chị vẫn thường quen đọc ở đâu đó, rằng “mẹ để lại muôn vàn tình yêu thương cho các con”, thì mẹ chồng chị viết “bỏ lỗi cho má, vì má mót được có nhiêu đó, chia cho tụi con hơi khó…”. Chị biết là mẹ thương con theo kiểu của mẹ, biết đâu còn nhiều hơn những bà mẹ kia, nhưng vẫn hơi bẽ bàng.

Biết là đời giờ ô trọc, nhưng chị thích mua vé đi tàu mơ mộng, không hay giờ tàu đó cũng chở vịt, gà… mất rồi. Lảo đảo xuống tàu mới biết tại mình hay tưởng mà ra nông nỗi. Có lần chồng chị dúi tiền vào túi kêu vợ đi mua kem dưỡng da tay. Chị sướng suốt buổi chiều, miệng tủm tỉm cười bâng quơ không đừng được. Sau đó anh còn khiến chị ràn rụa nước mắt khi bảo “nhìn cái tay nhăn nheo đi nhào trộn thức ăn là thấy hết ham, thấy mất ngon rồi…”

Chị ngồi ngắm mãi bàn tay, nghĩ, người ta nói yêu nó một câu thì có mất gì đâu. “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi…”, câu hát đã có thời chị ghét, sao giờ thấy đúng ý mình.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên

Khó lời

Lúc khóa cổng thấy trời kéo mây, hơi nước rười rượi. Lên xe mà gặp mưa thì may, bốn bề nước bôi trắng. Rèm mưa che đi cái cảnh nhà mình nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hút, như đoạn kết thường nghe từ những bài hát bolero.

Sào phơi đã gom hết quần áo, nhưng mưa qua biết đâu nhà nảy ra vài chỗ dột. Năm nào tắm mưa đầu mùa xong, cái mái nhà đã khô cong suốt một mùa nắng cũng hớ hênh để nước chảy xuống nhà. Lấy xô chậu đón nước, phân vân không biết có nên nói chồng hay.

Anh ơi nhà dột. Bốn chữ gọn đeo. Mà ngập ngừng đến hết bảy cơn mưa tương đương với bảy lần rải xô chậu đầy nhà, chồng muốn vào nhà tắm phải lượn hình số chín để tránh. Anh đảo chân cũng khéo, không vấp lần nào. Bữa mượn cái thang bên xóm để trèo lên mái trét mấy chỗ thủng, tôn gỉ cào rách gối, nghĩ bụng thôi thì lần sau sẽ nói. Cũng đã nuốt hết nhụy của chữ ‘dột”. Cổ họng còn nhân nhẩn.

Nhưng không phải chuyện gì cũng có lần sau. Hôm cưới, lúc ông chủ lễ kêu trao nhẫn trước bàn thờ, tự dưng muốn nói hay là thôi, anh ! Ý nghĩ xuất hiện đột ngột, nên tay bất giác níu chặt bó hoa vải đỏ, anh không thấy chìa ra nên tự kéo lấy, lồng nhẫn vào cái rụp. Người lớn hai bên bồi hồi vỗ tay mừng chuyện gia thất tụi nhỏ cũng xong. Tấm ảnh chụp giây phút đó, mặt cô dâu chú rễ hơi bàng hoàng.

Mười tuổi đã biết gặm nhấm lời của chính mình. Tưởng dứt được khi bắt đầu yêu anh. Hồi hai đứa đang chờ việc, hình như đã từng nói chuyện vô cùng dễ, kiểu như em vừa dầm mưa nên bị cảm rồi. Đôi giày mua ở chợ đêm không ngờ đi ba bữa đã sứt quai. Hôm qua em run quá, đến nỗi không còn biết mùi vị ra làm sao, thấy ân hận vì nụ hôn đầu là thứ không thể làm lại… Líu lo lúc ở cạnh nhau, qua điện thoại, tin nhắn.

Chuyện mình, chuyện hàng xóm và cả những chuyện tào lao trên báo. Sau này chạy vạy được một chỗ làm, anh chỉ có thời gian nói “ừ”, “vậy hả ?”, “rồi sao ?”. Hoặc gom ba món đó thành một câu năm chữ cùng một dấu câu mà âm thanh của nó khó phân biệt là chấm than hay chấm hỏi. Có lần nửa đêm gọi điện để kể mẹ - người chưa từng bật ra câu nào kiểu mọi người mẹ thường nói với con, chỉ những lời mà xe ôm cũng lên tiếng được, thí dụ như “Dậy, tới giờ đi học rồi”, “thi không đậu thì đừng về nhà nữa”, “đầu óc để đâu mà không khóa cửa, hay hẹn trước với thằng ăn trộm nào ?” – người mẹ ấy vừa vào phòng và bảo thương ai thì kêu người ta cưới cho rồi, đừng để lỡ lầm như mẹ. Cái vuốt tóc kèm theo làm em muốn khóc. Anh nói, “ừ, vậy hả, cưới thì cưới !”. Giọng anh chìm nhanh trong tiếng gõ bàn phím lách tách. Chắc phải ngoẹo cổ giữ điện thoại. Lại một công trình gấp gáp nào đó phải làm xuyên đêm. Có thể hình dung căn phòng bị rách bởi ánh sáng từ hành lang len qua khe vách cắt vào, quần áo rối nùi đầu giường, khăn ướt ròng nhỏ nước xuống kệ ti vi. Những bàn phím trước mặt anh tróc lở mặt chữ, khe phím đầy những tàn thuốc lá, màn hình chờ là một cái mê cung trình chiếu bằng hình ảnh ba chiều một người bạn anh cài cho hôm chủ nhật, ngày mười ba tháng sáu. Một ngày chẳng có ý nghĩ gì trong cuộc tình nhưng không quên được, đúng trưa ấy nói nhớ anh quá, giọng bên kia rạo rực lạ lùng, “Ờ, đang ở trong cái mê cung mà không muốn ra chút nào. Đẹp quá, tụi công nghệ giỏi thiệt !”

Sau đó chắc là không nói nhớ anh lần nào nữa, vì đám cưới chấm hết sự xa xôi. Chung nhà thì nảy ra nhiều chuyện khác cần nói hơn. Áo em lại bị tàn thuốc anh làm cháy. Chắc phải đóng lại hàng rào, tụi con nít quỷ bẻ mấy chùm khế trong sân đã làm sập bẹp. Em không thích kiểu cừu hay nhện gì đó, lần nào cũng thấy không thoải mái với ý nghĩ hai đứa giống hệt những đôi chó rên ư ử ngoài đường. Một bữa quờ quạng tìm áo để mặc lại, phát hiện ra mớ lời ấy vẫn đang trong miệng mình. Ngậm lâu nên chúng bợt bạt, tả tơi. Hèn gì cứ muốn hứ hư hứ hự cùng anh cho vui mà răng nghiến sít.

Hèn gì bữa sửa rào búa đóng đinh nhằm tay, nghe miệng mặn và tanh mùi máu. Anh về hơi ngà say, hỏi mướn ai làm mà hàng rào xấu vậy ? Bệnh cũ trở lại, lời nói vừa chực trào ra lưỡi giữ rịt, liếm láp, mút mát đến sạch bách. Hương vị chúng bao giờ cũng xộc vào thật gắt, rồi bả lả dần cho đến khi mòn đến lỏi. Chữ ơ của “bơ vơ” với chữ g của “nguội” vị khá giống nhau : giữa ngọt là chua, cạn đến hạt thì chát, sau chót lại bùi. Nhưng không phải lời lẽ nào cũng dễ tách bạch mùi vị, chúng râm ran thoắt hiện thoắt tan, dắt ta đi vào những ngõ ngách xa lạ.

Một bữa chóng mặt không mở mắt được vì lỡ ngậm từ “chia tay”, nghĩ chắc phải nói với chồng về chứng bệnh có từ hồi nhỏ. Áo rách không kêu mẹ, tự vá chằng đụp vụng về. Bụng đói không kêu mẹ, trèo nóc tủ lấy mì tôm ăn sống. Chưa từng kể anh nghe vì hình dung anh sẽ phá lên cười khi biết vợ (trước đây là người yêu) bị cái tật nhai lời, lúc chúng chưa thành tiếng nói, chưa thấy mặt trời. Hoặc anh sẽ bảo ừ, rồi sao? Cơm trưa giữa chừng, quyết định nói “anh ơi, em đang bị bệnh kỳ lắm, như con mối gặm sách”, bỗng mớ từ đó vỡ ra giữa hai hàng răng ê ẩm. Mùi vị của cà pháo quá lứa đem muối xổi, thừa ớt thiếu chua.

Thỉnh thoảng cũng trông anh hỏi em dạo này sao mà mặt mũi cứ vơ vất đâu đâu, chỉ cần vậy chắc câu nọ ríu câu kia ngay lập tức sẽ tuôn ra hàng thúng. Hoặc anh chỉ việc nhìn thẳng vào vợ bằng ánh mắt ân cần. Đơn giản hơn, chẳng phải hỏi han hay nghiêng ngắm, anh cứ về nhà đúng giờ đúng lúc câu nói nào đó tanh tách búng mình. Nhưng những gì muốn nói y hệt mâm cơm, dọn nửa giờ đã mỏi mòn nguội lạnh. Giờ thì thôi hy vọng, nghĩ chẳng ai chết vì ngậm lời, sợ khỉ quéo gì. Coi kiếng thấy xương quai xanh cao sắp chạm cằm. Không có cảm giác đói cồn cào nữa. Bạn cùng cơ quan dần ít rủ ra ngoài ăn vặt, vì cái mặt mình coi bộ lạc lõng, họ tưởng đối phương tách bầy. Tự dưng nhận ra những cuốn gỏi chấm tương hay xoài ngâm nhấm nháp không mê hoặc bằng lời. Chúng bảng lảng và chậm rãi len vào từng kẻ răng, cạnh lưỡi, đắng nhẹ kiểu như khói. Thơm ngọt thì không, nhưng bùi ngùi khó tả.

Mẹ hỏi có thèm chua không, tưởng con gái ốm nghén. Qua nhà mẹ, chưa kịp nói “mẹ ở lại mạnh giỏi”, thì thấy một người thanh niên từ trong buồng trễ nãi bước ra. Nói vói theo tấm lưng dài thượt, giọng mẹ ướp đường phèn “dọn cơm sẵn rồi đó, ngủ gì mà quên trời đất, đói vậy mà không chịu dậy, bụng dạ nào chịu nổi ?!”. Không biết lúc nhà vắng khách mẹ xưng hô sao với Lưng Dài. Nghĩ tới đó bỗng miệng tê mê một vị ngọt tội lỗi. Ngập ngừng muốn kể mẹ nghe chuyện nhỏ sinh viên ở trọ trong hộp diêm gần nhà mình có bồ. Hai đứa hay rúc rích ôm nẹo ngoài băng đá vào những ngày hộp diêm bốc khói vì nắng nóng. Thằng đó tay chân lanh lợi sờ soạng khắp người con bồ, chứ không uể oải như ở với mẹ, mỗi lưng dài là không thay đổi. Giữa đường lấy điện thoại ra nhắn cái tin, lúc gửi đi rồi mới kịp nghĩ những chữ chạy đi chỉ là dư vị, xác chúng mình đã nhấm nháp sạch rồi. Người ta có từ bỏ những cái cầm nắm được, vuốt ve rạo rực được vì một vài dư vị không ?

Câu hỏi đó lại vo ve trong đầu khi thả chìa khóa nhà vào túi rác. Ngó căn nhà lần nữa, ngập ngừng không biết có nên gởi anh cái tin. “Cổ áo anh thường vướng mấy sợi tóc, em đo hoài mà chúng vẫn dài hơn tóc của em. Kể cả khi em để tóc dài thì tóc ấy vẫn dài hơn”. Ngậm hai câu cứng đanh ấy không biết bao nhiêu lần, rồi nuốt trộng, lần nào cũng mắc nghẹn muốn nín thở. Tối qua cắn nhằm chữ “tóc”, mẻ luôn miếng răng cùng.

Lên xe rồi, cái tin nháp nằm nán trong điện thoại. Hay là xóa chúng để viết ba chữ “em đi đây”. Có khi chẳng cần viết gì, chẳng cần nói gì. Căn nhà vắng cất lên tiếng nói, bằng khói của lời. Cả xóm chắc sẽ kéo lại coi, vì náo động.
 
Sửa lần cuối:

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Giao Thừa

Đã thấy mấy vạt hoa vàng lòe xòe, đã thấy những trái dưa hấu bóng mẫy thẫm xanh chất tầng tầng trên chợ. Thế là Tết thật rồi. Tết cứ làm người ta nao lên nôn nóng ngóng chờ, rồi lại nuối tiếc cho tuổi xuân quạ Chợ Tết chạy dọc theo các vỉa hè quanh ngã năm, bán toàn dưa với hoa. Vô tình chỗ Đậm bán đối diện với khu nhà đẹp nhất, cao nhất và sầm uất nhất thị xã. Sau lưng, cách một lớp chì gai oặt quẹo là một bãi cát trống, cỏ xanh theo gió chạy líu ríu từng triền, từng triền mải miết. Cánh bán dưa ra chợ từ 20 tháng chạp, chở từ sáng tới khuya, hịch hụi. Lúc nghỉ mệt tay chống hông ngó quạ Những ngôi nhà cao. Những bảng hiệu sặc sỡ. Đèn đủ thứ mầu. Sang quá. Người ta đợi tết để trang hoàng cho thật đẹp, mà càng đẹp thì cánh bán dưa trong ruộng ra càng buồn. " Biết chừng nào mình xây được cái nhà cỡ đó hen?" . " Bán dưa, làm ruộng cỡ 40 năm" . " Giỡn hoài, cỡ đó thì xuống lỗ rồi còn gì" . " ừ" ...

Chỗ Đậm ngồi dưới tán cây còng bị tỉa nhánh chỏng chơ như bàn tay cụt. Bên trái là vạt bông của ông Chín từ miệt Sa Đéc xuống. Và chỉ Đậm là ngồi bán một mình chứ người ta chồng vợ đùm đề, xoong nồi lủ khủ. Ngày đầu cô chất dưa chưa khéo, dưa cứ ỷ mình tròn, lăn long lóc ra đường. Dưa lăn, người hì hục đuổi theo. Xe cộ giáp Tết đông nghẹt, người ta cười, người ta cằn nhằn. Tủi cực trào lên như người ta nhận cái thùng vô lu nước đầy. Đậm lầm lũi khóc nghẹn. Đậm 29 tuổi, hơi đen, trên khuôn mặt lam lũ còn sót lại chút duyên ngầm. Chưa thấy chanh chua như đã từng quen chợ. Lúc chở dưa ra, có anh chàng trẻ tuổi cao lỏng khỏng, nước da đen lùi, lúc cười chỉ thấy hơi hới hàm răng, chạy tới làm giúp. Kéo tấm ni-lông che nắng, chặt mấy cây chuối đem ra bao lại cho dưa khỏi lăn, anh chàng cũng giúp. Đậm nằng nặc bảo thôi đi, anh chàng cãi cố: " Tôi tiếp cho, có sao đâu" . Quần anh chàng lấm nhớt, tóc bù xù đỏ quạch như rễ vú sữa. Già Chín bán bông thắc mắc:

- Con gái ơi! Bác thấy thằng đó hiền khô hà, ai vậy?
Đậm bảo:
- Tên Quí, chạy xe lam, ở xóm thôi, bác à.
- Chà, giỏi, tốt thiệt. Làm hăng vậy tính kiếm tiền để cưới vợ hả?
Anh chàng nghe lóm, cười chéo mắt:
- Có ai đâu mà cưới, bác.
Ông Chín cười khà khà, vuốt chòm râu cụt ngủn.

Cái nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như mầu bông sao nhái. Bấc lồng lộng lẫy qua từng ngọn cỏ sau chợ, mang theo mù mịt cát. Mặt mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát. Người ta quần là áo lượt kìn kìn chạy qua mà chợ dưa với hoa vẫn chưa sôi động. Năm nay dưa trúng mùa cả núi vầy ăn gì cho hết. Người ta nán đợi tới ngày rước ông bà, lúc đó coi dưa có rẻ hơn bây giờ không. Những người bán ngồi chéo queo, buồn teo. Bông vạn thọ, bông cúc trái nết nở bung từng khóm, lái bông than như bọng: " Năm nay chắc thua rồi" .

Đậm bắt chước cánh lái dưa xóm Vàm Xáng, đi chợ mua xấp liễn dán dưa cho bắt mắt khách, tiện thể mua cho bé Lý bộ đồ. Mứt gừng, mứt dừa ở nhà má làm rồi để coi mua gì thêm. Má thì thích bánh ngọt. Con út thích cắn hột dưa, Đậm mua mỗi thứ vài trăm gam. Về khui ra thấy bộ đồ bé Lý hơi lớn, nhưng không sao, lớn thì mặc tới năm sau. Già Chín hỏi: " Đồ ai mà bây ôm ấp vậy?" . Đậm bảo của con gái con. Hỏi thêm một chút về ba của đứa nhỏ, Đậm cúi mặt thưa: " Không có" . Nghĩa là không có. Ông Chín không phăng tới nữa. Ông già rồi, lăn lộn trên đời, ông biết chắc có chi lầm lỡ. " Con lầm lỡ tới mức phải bỏ nhà đi luôn đó, bác Chín à. Tới lúc ba con buồn rồi chết, má mới rước con về. Bây giờ, có cực khổ thế nào con cũng ráng chịu, miễn sao năm tháng cuối đời má con vui. Mà, chắc bù bi nhiêu cũng không đủ" . Sau này, Đậm mở lời. Giọng Đậm khao khao. Cô thấy mình giống như cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn.

Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi. Đàn ông con trai coi được một chút mới lòng vòng ở ngoài đã nghe thiên hạ rần lên: " Thứ gái hư đâm đầu vô làm gì" . Ai mà muốn, chỉ tại còn nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy hoa yêu hoa, đam mê bồng bột. Nghĩ mình học chưa tới đâu nhưng là học những bài học bự nhất, đắt nhất. Đếm đi đếm lại chỉ còn Quí, khi biết được còn mỗi Qúi thì Đậm đã sắp 30. Nhà Qúi ở Lung Giữa, Qúi gửi xe sân nhà cộ Làm một vài chuyện nhỏ như chở Đậm đi chợ không lấy tiền, tiếp Đậm cất cái nhà củi... thì cho là có qua có lại đi. Nhưng ánh mắt Qúi ngày càng nồng nàn trói buộc, bắt Đậm phải day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ. Qúi trai tơ, chưa vợ, lại nhỏ hơn Đậm gần 4 tuổi. Nhưng Qúi tốt quá, rất tốt. Má Qúi già rồi, than với Đậm hoài, có một mối trong Nhà Phấn Ngọn, coi được lắm, vậy mà biểu thằng Qúi cưới vợ mà nó hổng nghe, làm như nó còn chờ ai đâu.

Thời gian bị người ta chở kĩu kịt đi. Khiếp, mới đó đã 29 Tết. Bánh mứt, dưa hành, quần mới, áo mới như nước tràn lên phố. Đây là một thời điểm rộn rịp nhất, phơi phới nhất trong năm. Tết này không có 30, 29 rồi tới mùng một, như người ta bước hụt, thấy thiếu một ngày. Những khóm vàng hoa của ông Chín nở sớm từ 24, 25 đã ngả mầu vàng sậm. 4 giờ sáng, ông đi qua bên kia đường gánh nước về tưới, than: " Thời tiết năm nay kỳ cục quá" ông vấn điếu thuốc, phà khói bảo: " Con biết không, nghề bán bông tết cũng như bán lồng đèn Trung thu, qua rằm tháng 8 có cho người ta cũng không thèm lấy. Buôn bán kiểu vậy như con gái có thì, qua rồi, khó lắm... " Ông nói tới đây, thấy Đậm ngẩng đầu ngó sao muộn, ông thôi không nói nữa. Đậm nhớ con gái quá. Nghe Qúi đem đồ về lại đem tin ra bảo: " Bộ đồ bé Lý mặc vừa lắm, nó đòi ra với Đậm. Buôn bán như vầy cực quá, chở nó ra đây, tội nghiệp... " . Rồi Qúi bảo mớ bông mồng gà Đậm gieo sao mà khéo quá, bông đỏ bông vàng trổ ngay Tết.

Đó là lúc chờ sáng, còn rỗi rãi xẻ dưa mời nhau, chứ ngày 29 là một ngày tất bật, nói theo dân đá banh là thắng với thuạ Người mua xúm xa xúm xít. Mới một buổi đã lử lả, Đậm một mình phải coi trước coi sau. Tưởng dưa hấu đắp đập ngăn sông mà đã vợi đi quá nửa. Nhưng chắc phải đợi cho tới giao thừa. Người ta chờ tới đó sẽ rẻ nữa. Chạy xong mấy chuyến xe buổi sáng, chiều Qúi lại giúp. Từ bến xe lam lại đằng chợ chừng 100 m. Qúi kêu: " Có ai mua nhiều, Đậm hứa đi, tôi chở tới nhà cho" . Đậm thấy vui, phần thì bớt lo dưa ế, phần thấy nao nao trong lòng. Cái không khí đẹp thế này, ấm thế này, không vui sao được. Qúi hỏi: " Nhà Đậm có gói bánh tét không?" . Đậm hỏi lại: " Có, mà chỉ" . " Tôi cho, má tôi gói nhiều lắm" . Qúi mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực ráp nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời.

Lúc ngẩng lên được đã năm mới mất rồi. Nghe được tiếng trống giao thừa vọng về từ trung tâm thị xã. Ở đó có một lễ hội thật tưng bừng. Ông Chín đốt 6 nén nhang, chia cho Đậm nửa, biểu: " Con cúng giao thừa đi. Cầu an khang, sức khỏe, cầu năm tới giàu hơn năm nay" . Mùi nhang thơm trong gió sực lên mũi Đậm một nỗi nhớ nhà. Dù đây về đấy chưa tới một tiếng đi xe. Ở chợ, người muốn về trước giao thừa thì đã bán thốc tháo để về. Những người còn lại cũng cố dọn dẹp làm sao mùng một có mặt ở nhà, pha bình trà cúng tổ tiên. Ông Chín đứng chỉ huy cho con trai ông bưng mươi chậu hoa còn lại lên xe hàng, quyến luyến: " Hồi nãy con tặng bác dưa ăn, giờ bác tặng lại cho con với cậu nhỏ hai chậu cúc đại đóa này. Năm tới, bác có xuống không biết được ngồi gần cháu như vầy không. Cha, đây về Sa Đéc chắc phải nhâm nhi dài dài cho đỡ buồn quá" .
- Dạ, bác về mạnh giỏi, ăn Tết cho thiệt vui.
Đậm vén tóc, cười, thấy thương ông quá. Ông Chín leo lên xe còn ngoắc Qúi lại nói thì thào: " Ê cậu nhỏ, tôi nói cậu nghe, ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy, cũ người mới tạ Mạnh dạn lên, cậu thương con gái người ta mà cà lơ phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm, thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ đỏ lòng" . Nói rồi xe vọt đi, mấy người nữa lên xe vỗ vào thùng xe thùm thùm như gửi lại lời chào tạm biệt. Khói xe xoắn ra từng ngọn tròn tròn như con cúi. Đậm lui cui quét dọn chỗ của mình, hỏi:
- Ông Chín nói gì vậy?
- Đâu có gì - Qúi cười bối rối.
- Về nghen, chạy xe chất đồ chở về. Biểu Qúi đứng chờ mà không nghe, vì tôi mà ngày nay Qúi bỏ mấy mối xe, uổng quá.
- Đâu có gì còn 31 trái dưa...
- Tôi tặng Qúi chục trái ăn dài dài.
Qúi cười :
- Nhà tôi đơn chiếc, có mấy người đâu, ăn gì nhiều vậy.
Những chiếc xe vẫn nối đuôi nhau chạy về phía đại lộ. Lễ hội giao thừa vẫn chưa tan, chưa muốn tan. Người ta vẫn muốn cùng nhau đi hết Tết này. Một vài anh bạn trẻ chạy xe qua, gọi Đậm: " Nhanh lên chế ơi, trễ rồi. Tết đâu có đợi" . Lúc Đậm lên xe thì đã qua lâu giao thừa, Đậm ngồi đằng trước ngang với Quí. Xe ra khỏi thị xã, con đường nhỏ lại, vắng hoẹ Đậm ngoái lại nơi cô từng nếm sương, nếm nắng, nghe gió. Những đóa cúc sau sàn xe rung rinh những sắc mầu rực rỡ. Qúi bảo:
- Đậm biết cúc đẹp gì không?
Đậm lắc đầu. Qúi cười:
- Lòng chung thủy. " Diệp bất ly chi, hoa bất ly đài" .
- Ai nói với Qúi vậy?
- Bác Chín. Năm tới, tôi trồng cúc đi bán với Đậm nghen.
Đậm muốn cười, rất muốn cười mà sao nghẹn lại. Làm sao vượt qua những trở ngại trong lòng người. Hai bên đường rập rờn hoa dại. Những đống lửa rơm còn nghi ngút khói, bọn trẻ cơi lên khoe áo mới rồi mỏi mòn đi ngủ.

Qúi cho xe chạy thật chậm, nghe gió thổi qua lỗ tai lạnh quánh. Lạnh như khoảng chiếu nửa đêm Qúi chạm tay vào, tượng lên một nỗi nhớ rờn rờn lúc mờ lúc tỏ. Những nỗi nhớ phơ phất mái tóc một người, đôi mắt một người, dáng dấp một người. Đến tỉnh dậy vẫn còn bồng bềnh như khói. Qúi nhìn Đậm, ánh nhìn rất lạ. Anh không biết vì một nỗi gì mà tới bây giờ anh chưa nói lời thương với người tạ Anh không ngại đứa con, anh không ngại chuyện lỡ lầm xưa cũ, tuổi tác cũng không thèm nghĩ đến. Cô luống cuống khi thấy chiếc xe chạy chậm dần:
- à... Ờ... Tết này nữa, Qúi bao nhiều tuổi rồi ha?
Qúi im lặng, dừng xe hẳn. Lúc này anh thấy cần nắm lấy bàn tay lạnh tái của Đậm, rất cần. Khi ấy giao thừa đã đi qua lâu, lâu lắm rồi nhưng rõ ràng vẫn chưa hết Tết. Mai là mùng một.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top