Tuyển giáo viên: Chọn bằng cấp hay năng lực?

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Tuyển giáo viên: Chọn bằng cấp hay năng lực?

Trung bình mỗi năm ngành GD-ĐT TP.HCM tuyển khoảng 3.500 giáo viên (GV). Mặc dù GV nào cũng đạt chuẩn về bằng cấp, tuy nhiên khi đứng trên bục giảng lại tỏ ra lúng túng trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Xung quanh vấn đề này, ngày 31-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện phân cấp tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT…

Có thể nói, chất lượng giáo dục (GD) phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV. Tại nhiều hội thảo về đổi mới GD, các chuyên gia đều khẳng định muốn nâng cao chất lượng GD thì phải nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Vậy chất lượng đội ngũ GV có phải là bằng cấp, là tốt nghiệp ĐH, sau ĐH?

ĐH “thua”… CĐ

Nhu cầu tuyển dụng hàng năm của ngành GD-ĐT TP.HCM là rất lớn, từ 4-5 ngàn GV. Theo đó, “nếu chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm thì không thể đủ”, ông Văn Công Sang - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.

Từ nhiều năm nay, để đáp ứng nhu cầu GV cho các trường, ngành GD-ĐT TP đã phải tuyển cả sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài sư phạm, ngoài hệ chính quy. Và việc tuyển dụng được căn cứ vào điểm số. Cụ thể, những sinh viên học các trường sư phạm tại TP.HCM, tốt nghiệp loại giỏi, hệ chính quy, trình độ ĐH thì được 90 điểm, nếu là hệ chuyên tu - tại chức - mở rộng (CT-TC-MR) là 88 điểm, từ xa là 86 điểm. Còn trình độ CĐ - loại giỏi, hệ chính quy: 75 điểm, CT-TC-MR: 73 điểm, từ xa: 71 điểm. Theo quy trình, đơn vị tuyển dụng sẽ chọn những ứng viên có điểm từ cao xuống thấp. Điều đó cũng có nghĩa, ứng viên có trình độ ĐH dù là hệ CT-TC-MR hay từ xa vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn các ứng viên học CĐ hệ chính quy.

“Cách chấm điểm tuyển dụng như hiện nay dẫn đến kết quả tuyển dụng không có chất lượng phù hợp. Hiệu trưởng nhiều trường cho biết muốn nhận GV đào tạo hệ chính quy, dù chỉ là CĐ chứ không muốn nhận GV trình độ ĐH nhưng học hệ CT-TC-MR, từ xa”, bà Lâm Ngọc Dung - Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú tâm tư.

Việc phải nhận GV tỉnh (có KT3 tại TP.HCM), nhất là các tỉnh miền Trung cũng là một bất lợi đối với ngành GD-ĐT TP.HCM. Ông Nguyễn Minh Châu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết: “Một số GV miền Trung có giọng nói khó nghe, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh”.

Về vấn đề này, ông Sang cho rằng: Trong thời gian thử việc, nếu GV có giọng nói khó nghe không khắc phục được thì cắt hợp đồng để tuyển người khác. GV nói mà học sinh không nghe, không hiểu thì làm sao mà học…

Việc tuyển GV ngoài tỉnh còn gây nên tình trạng thiếu ổn định trong đội ngũ. Năm học 2010-2011, Bình Chánh tuyển được 150 GV, trong đó có 65 GV từ nơi khác đến như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình… Dạy hết học kỳ I có 2 GV xin nghỉ về quê.

Các địa phương phải chủ động nguồn GV

Năm 2010, thực hiện Quyết định 50 của UBND TP, Sở GD-ĐT đã tổ chức phân cấp tuyển dụng GV. Theo đó, GV mầm non, tiểu học, THCS giao các quận, huyện tuyển dụng, GV chuyên nghiệp giao các trường CĐ tuyển dụng, sở chỉ tuyển GV cho các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Dự kiến trong thời gian tới, sở cũng giao việc tuyển dụng GV cho những đơn vị này.

Cách làm trên đã hạn chế được tình trạng GV bỏ nhiệm sở. Trước đây, Sở GD-ĐT tuyển GV, sau đó phân công về các quận, huyện nên khá nhiều GV không tới nhận nhiệm sở. Cụ thể, năm 2008, tuyển được 3.342 GV thì có 226 GV không nhận nhiệm sở (chiếm 6,76%); năm 2009, tuyển 3.667 GV, có 294 GV không nhận nhiệm sở (chiếm 8,02%). Tỷ lệ này giảm còn 6,58% vào năm 2010 (tuyển 3.737 GV, bỏ nhiệm sở 248 GV). Riêng Q.Tân Phú, năm 2008 có 16/197 GV bỏ nhiệm sở, năm 2009 là 26/191 và năm 2010 là 9/170.

“Với cách tuyển dụng này, không còn tình trạng xem đơn vị tuyển dụng là “trạm dừng chân” vì ứng viên trúng tuyển đã chọn được đơn vị theo đúng nguyện vọng, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Điều này làm giảm tình trạng thuyên chuyển đi nơi khác sau vài năm công tác”, ông Sang nhận xét.

Bình Chánh là một ví dụ cụ thể. “Đội ngũ GV thường không ổn định, hàng năm đều có GV xin chuyển về nội thành, gần nơi cư trú. Năm học 2008-2009 chuyển đi 18 GV, năm học 2009-2010 tăng lên 20 GV và năm học 2010-2011 là 37 GV”, ông Châu cho biết.

Để khắc phục những nhược điểm nêu trên cũng như đảm bảo số lượng và chất lượng GV cho địa phương, TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng: “Các quận, huyện phải tự tạo nguồn GV. Trước hết phải hướng nghiệp cho học sinh thi vào các trường sư phạm. Đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ rằng học sinh bây giờ không thích ngành sư phạm mà không tổ chức hướng nghiệp cho các em. Mới đây, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhiều trường THPT đã tổ chức cho học sinh tới các trường mầm non, tiểu học tham quan, qua đó hướng các em theo học ngành sư phạm. Rất nhiều học sinh đã tham gia, có trường lên tới 300 em. Điều đó cho thấy, học sinh không “chê” ngành sư phạm…”.


Bài, ảnh: Hòa Triều - Báo GD TPHCM

 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top