Tùy bút Băng Sơn.

Hide Nguyễn

Du mục số
ĐỌC TUỲ BÚT BĂNG SƠN

Ba mươi năm về trước, tình cờ tôi gặp rồi quen Băng Sơn khi anh đưa con về sơ tán nơi tôi đang dạy học, đó còn là quê vợ anh: làng Thứa, thuộc phủ Đường Hào nay là huyện Mỹ Văn tỉnh Hưng Yên. Biết anh làm thơ nên tôi cứ xoắn lấy để trò chuyện. Nghe anh kể về thơ, tâm hồn tôi cứ ào lên con sóng thèm khát nghề cầm bút. Đêm ấy tôi ngồi lì bên ngọn đèn hoa kỳ tù mù, phải che kín, chỉ sợ lọt một tí ánh sáng là thành mục tiêu oanh kích của không lực Hoa Kỳ. Sáng hôm sau, tôi vừa mừng vừa thấp thỏm đưa cho Băng Sơn đọc bài thơ đầu tay của mình. Nghe anh nhận xét bài thơ, tôi ngây ngất rồi ngộ nhận: Ta cũng thi nhân lắm chứ! Nhưng rồi một phần ba thế kỷ, ngẫm lại thì ra mình tự xui dại mình dấn thân bỡn cợt nàng thơ đấy thôi! Tiền oan thì chưa biết nhưng cái "nghiệp chướng" cầm bút thì nhỡn tiền đấy rồi.

Cũng một phần ba thế kỷ ấy, không phải không có những thăng trầm, nhưng Băng Sơn vẫn viết, vẫn suy ngẫm, vẫn thả hồn bay vi vút để rồi mười năm trở lại đây, anh đã đóng đinh vào năm tháng, vào niềm yêu thương, nể trọng của bao người về một tuỳ bút Băng Sơn!

310799229_0e2e62b2c1.jpg

Chúng ta đã từng vui, từng hãnh diện về một Tuỳ bút Nguyễn Tuân. Cái tuỳ bút bậc thầy này không chỉ sừng sững trong lịch sử văn học nước ta mà ngay nước Pháp, một trong những cái nôi văn học nhân loại, còn có cả một trường phái tuỳ bút Nguyễn Tuân!

Gần đây, tôi sững sờ và mê mải đọc Tuỳ bút Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hơn mười năm trước, có lần tâm sự với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi biết anh đang ấp ủ một tập Tuỳ bút về Tổ quốc. Đó là Cồn Cỏ, Đồng Đăng, cầu Hồ Kiều, mũi Cà Mau.... Hiềm là tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện chưa nhiều và ít thường xuyên như Băng Sơn.

Băng Sơn là nhà thơ, anh từng là diễn viên kịch thơ, anh còn viết trường ca và cả kịch thơ. Năm 1984, anh in chung với Lữ Giang, Nguyễn Xuân Thâm tập thơ Nắng bên sông. Tám năm sau, anh mới lại in chung với Nguyễn Hà tập thơ tứ tuyệt: Thơ hai người. Sắp tới anh cho in tập thơ tứ tuyệt Bóng xa.

Dầu là in chung nhưng thơ Băng Sơn rất riêng: ngọt ngào và nhân hậu... với thơ, Băng Sơn là thi sĩ tài hoa đích thực! Người ta cho rằng thơ chỉ là gương mặt của một nền văn học, còn tầm vóc của nền văn học phải trông vào văn xuôi! thơ Băng Sơn là gương mặt đẹp hiền lành, đoan trang, còn chiều sâu và bề rộng văn chương Băng Sơn là ở văn xuôi, ở đoản văn và nhất là tuỳ bút. Anh không viết tiểu thuyết, không viết bút ký, kịch bản sân khấu.... Băng Sơn chuyên về tuỳ bút. Khó mà phân định rạch ròi thời gian anh viết văn xuôi từ bao giờ. Đoản văn Băng Sơn xuất hiện từ hơn hai chục năm, còn tuỳ bút Băng Sơn thì xuất hiện thường xuyên khoảng mười năm trở lại đây. Trong khoảng mười năm, Băng Sơn ấn hành ngót hai chục đầu sách với ngót bẩy ngàn trang sách, không kể hàng trăm bài thơ, hàng ngàn bài báo. Mười năm Băng Sơn xuất hiện thường xuyên trên 40 tờ báo, tạp chí ở Hà Nội và các thành phố lớn. Anh cũng thường viết cho các báo, các tạp chí văn nghệ ở các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam.... Ba bốn năm gần đây, ở các Hội Báo xuân, Băng Sơn xuất hiện với khoảng ba bốn chục tuỳ bút xuân! Thường ngày, Băng Sơn có thói quen buổi sáng dạo qua mấy quầy báo, gặp bạn bè, lang thang tìm cảm xúc. Buổi chiều cặm cụi trên chiếc máy chữ cũ kỹ với tay nghề đánh máy không chuyên, anh đánh máy bản thảo: Băng Sơn rất thích tự đánh máy bản thảo của mình mặc dù tốn nhiều công và thời gian. Tối tối, anh ngồi vào bàn viết, lúc này, tâm hồn trí uệ anh là của riêng tuỳ bút. Cũng may là vợ anh, chị Mai Phương lại rất "đáng mặt" phu nhân "kẻ" lâm vào cái nghiệp văn chương. Chị Phương không ghen với tuỳ bút, nằm đọ sách chờ chồng, thi thoảng lại bưng cho anh li sữa nóng hoặc cốc trà pha đường. Băng Sơn rất thích uống trà pha đường.

Ở khoảng tuổi từ ngót sáu mươi đến ngót bảy mươi, Băng Sơn trình làng với lượng đầu sách, lượng trang in như vậy, cuộc sống lại rất đạm bạc, thanh khiết! Con người ấy với lao động nghệ thuật sáng tạo kỳ diệu ấy biết tặng phần thưởng nào cho vừa.

hanoi4.jpg


Ảnh minh họa.( Sưu tầm)

Băng Sơn là nhà thơ nên tuỳ bút của anh mang đậm chất thơ. Ngàn thiên tuỳ bút của anh là ngàn bài thơ văn xuôi! Đọc tuỳ bút của Băng Sơn thấy nhạc điệu thi ở từng câu, từng dòng, hoà quyện lắng trong hồn người, âm hưởng trầm bổng, nhẹ lâng. Xin được trích đoạn tuỳ bút về một điều ngỡ là khô khốc, thời sự, vậy mà đọc lên vẫn xúc động nhạc điệu thi ca: "Hồ Tây vẫn lao xao sóng nước, Hồ Gươm vẫn liễu rủ thanh tân. Nhưng đã có một nước Việt Nam mới đang vươn vai để trở thành con rồng châu Á, mà một thành phố hồ Chí Minh tấp nập suốt ngày đêm đã xuất phát, đang tăng tốc độ, đang táo bạo trong cuộc hành trình thế kỷ" (Sức lửa mùa thu - Thấp thoáng hồn xưa - trang 254). Một đoạn khác trong tuỳ bút Trinh nữ: "Lạ thật. Cây cỏ hoang, chẳng ai đoái hoài, đếm xỉa, mọc ven đường, cạnh bãi, chỗ bờ rào, lưng đồi khô.... vậy mà biết cử động, biết mở khép nỗi riêng tây như có chứa đựng một tâm hồn đầy cảm hứng của thi nhân. Hay kiếp trước của cây cũng là một trinh nữ băng ngần, tinh khiết, chẳng may bị bàn tay phàm tục làm nát một đời hoa nên kiếp này còn sợ sệt, bẽ bàng, run rẩy, sợ từ một cái càng châu chấu, bẽ bàng với cả một tiếng rùng rùng nhịp bánh xe xa và run rẩy khi mùi tục bụi trần gian sà xuống". (Cái thú lang thang - trang 122). Viết về một loài cây mà Băng Sơn thổi vào đó một linh hồn để rồi tấu lên âm điệu giàu trữ tình. Nhà thơ Ngô Quân Miện gọi văn xuôi Băng Sơn là văn xuôi có cánh thì đó là nhận xét chân thực và xúc động! Bởi lẽ ở tuỳ bút nào của Băng Sơn cũng giàu nhạc điệu như thi ca và đều "có cánh" như vậy. Băng Sơn rất chân thực lại rất tài hoa khi anh "ém" những rung động của mình về thiên nhiên, về đất nước, về con người và cuộc sống trong từng trang viết khiến câu chữ của anh có sức lay động, truyền cảm khiến người đọc cũng đồng cảm với tác giả, rung động những rung động của tác giả. Tuỳ bút Băng Sơn mang đến cho người đọc ngọn gió mát lành giữa trưa hè oi ả, chút lửa ấm trong những ngày đông tháng giá... Giá trị mỹ cảm mà tuỳ bút Băng Sơn đem đến cho người đọc là từ ở cách nhìn và tấm lòng yêu thương của anh với thiên nhiên, cảnh vật, với quê hương đất nước, với con người và cuộc đời. Đọc tuỳ bút Băng Sơn không gặp những tình huống éo le, những âu lo thẳng thốt mà chỉ thấy những niềm cảm khái, những bâng khuâng thổn thức. Tuỳ bút Băng Sơn thật giàu chất nhân văn.

Lang thang là việc của kẻ nhàn cư đi tìm lạc thú hay của người bần hàn đi tìm sự tồn tại trong cuộc sống lắt lay, còn cái sự chu du gọi là "lang thang" của tao nhân mặc khách thì không nhàn cư chút nào. Họ đi ngỡ như vô định mà trong lòng chất đầy nhã ý, tưởng là vô lo mà tâm hồn họ "thi tứ tung hoành". Băng Sơn đã nhận xét mọi tinh tế của cái thú lang thang. Hà Nội ba mươi sáu phố phường với năm cửa ô đến thời nay, Hà Nội có trên bốn trăm phố. Băng Sơn đã ghi cảm nhận của mình về một trăm có lẻ đường phố Hà Nội. Chỉ riêng đọc tập tuỳ bút Những nẻo đường Hà Nội cũng thật công bằng khi gọi Băng Sơn là nhà Hà Nội học!

Không biết bà cụ thân sinh tác giả tập tuỳ bút Thấp thoáng hồn xưa đã mấy lần quấy bánh đúc cho con mình ăn mà người con hầu hết cuộc đời sống ở thành phố lại viết về thứ bánh quê mùa dân dã khiến người đọc cứ như đang được thưởng thức hương vị loại bánh chân quê ngon kỳ lạ gợi lên cảm nhận về hồn quê hương dung dị vĩnh hằng. Với tập tuỳ bút Thấp thoảng hồn xưa, Băng Sơn thực sự chiếm lĩnh thiện cảm của cả những bạn đọc khó tính. Hơn mười năm, đất nước trong cuộc đổi đời, Băng Sơn đã góp một gương mặt tuỳ bút đĩnh đạc trong nền văn học nước nhà!

Có người cho tuỳ bút Băng Sơn không mới. Tôi lại cho rằng viết những điều nhiều người chưa cảm nhận là mới, viết về nội dung nhân văn thì ngàn năm sau vẫn còn là mới. Nói vậy không phải Băng Sơn không có những tuỳ bút thiếu cô đọng súc tích, có tuỳ bút lấn sang địa hạt của phóng sự bút ký. Viết tuỳ bút thì sự liên tưởng là đôi cánh. Sự liên tưởng của Băng Sơn thì phong phú khoáng đạt đến vô cùng. Đó cũng là sự liên tưởng của thi ca nên trong tuỳ bút Băng Sơn nhiều đoạn trong nhiều tuỳ bút của anh rất thơ. Tuy thảng hoặc có những liên tưởng chưa hợp lý như anh liên tưởng lá chuối lót mẹt bánh đúc sạch bóng thứ "sa tanh thiên nhiên" (Bánh đúc hồn quê - Thấp thoáng hồn xưa, trang 137). Năm áp chót của thiên nhiên thứ hai, Băng Sơn đã bước nửa chân sang tuổi xưa nay hiếm, anh bưng tách nước đã run run nhưng ngồi vào bàn viết thì gân cốt còn bền lăm lắm.



Bản quyền bài viết của tác giả Lê Minh Hợi - Báo Diễn Đàn văn Nghệ tết Kỷ Mão.
 
ĐƯỜNG HOA

Băng Sơn.



Mùa xuân cũng là mùa hoa. Đất nước ta không bao giờ có tuyết rơi (trừ Sa Pa lâu lâu có một lần) mà may hay không may? Bốn mùa xanh tươi, bốn mùa hoa trái, chắc không ai muốn đổi cảnh vật này lấy mỗi năm mấy tháng trời trứng xoá mùa đông băng tuyết, hoa không có, chỉ có đôi ba cành thông mang lại chút màu xanh cho ngày lễ trọng, ngày Tết đầu năm.

50c448a2-6e83-4029-8897-0ea862b637e7.Jpeg

Tháng Một tháng Chạp, nhà ai chuẩn bị vại dưa hành, cắt riêng cái ngồng đầy nụ cải đem luộc làm món rau nhờ nhợ đắng chấm với nước mắm trứng, mỗi năm chỉ có một dịp này, còn lại bao nhiêu cây cải trong những khung vườn gần xa được sương đông và nắng hanh tưới tắm, cứ tỏ mở khoe những vạt nắng vàng trong màu hoa, làm từng đàn bướm phải ngỡ ngàng, không biết nắng hay hoa, cái nào là thực.


Hình như trong những làng quê ấy, ven sông hay đồng bãi, sau luỹ tre hay cánh đồng màu.....quanh năm không có ai có thì giờ để thưởng thức những màu hoa, thì màu vàng hoa cải ấy là niềm vui rực rỡ cho ấm áp tâm hồn.


Cuối vườn gần như hoang vu kia. Cây hải đường lưu liên đã bắt đầu đơm ra những mẩu nến màu cánh sen từ nách lá xanh to bản, sẽ nở ra những bông hoa đón giao thừa trên những ban thờ chỉ ngát khói hương vào dịp tết. Hải đường không phải hoa chơi trong bình trên chiếc bàn nhỏ đượm hương trà của những ai lấy trà làm tri âm tri kỷ. Có lẽ thành phố mới có nhiều tấm lòng cảm ứng cùng mùa hoa, nào sen hạ, cúc thu, đào tết.... còn trên bạt ngàn từ đồng bằng đến trung du, từ ven biển đến bờ sông... màu ngô sắc lúa mới là nơi con mắt và tấm lòng luôn chiêm ngưỡng.


Nhưng cũng có khi không phải thế. Mùa hè, những bờ rào xương rồng nở ra những bông hoa vàng li ti như những chấm sao mùi hoa ngai ngái, tuổi học trò tinh nghịch cũng chỉ dám ngắm mà không dám chạm vào sợ nhựa xương rồng độc. Nhưng cũng lạ, xương rồng ông thì như thế, còn xương rồng bà thì cũng có lúc vươn vai, toả ra, ngời lên những bông hoa rực rỡ, đỏm dáng, tưởng như những bông hoa quỳnh quý phái lạc vào ngọn xương rồng cho bờ rào đỡ khô khan hưu quạnh, làm lời rủ rê những con ong bầu, ong đất đến rong chơi....


Quả ổi ngon thế, nhưng hoa ổi chẳng đẹp, không duyên không thể sánh được những cành rong riềng đỏ ối vàng tươi, cứ mơn mởn lọc lấy khí trời vào củ nằm sâu trong đất.....


Có lẽ chỉ mới có một nhà thơ là Hữu Loan là có bài thơ hay ngợi ca Hoa Lúa. Chưa thấy ai cắm bông hoa lúa vào bình dù là bình gốm Bát Tràng, bình đồng đen hay bình pha lê Tiệp Khắc Bô Hêm.... Trẻ em có thể tò mò tinh nghịch đi tuốt lấy nhánh đòng đòng mà nhai ngấu nghiến cho cái ngọt thấm vào cổ họng, nhưng cũng không để dành mang về cắm trong góc học tập mà chơi như một nhánh hoa dứa dại nức thơm, một nhánh lục bình trôi giạt màu tím ven sông hay bông bìm như chiếc chuông reo trên hàng rào gió nắng....


co%20phai%20em%20mua%20thu%20ha%20noi.JPG


Hoa là ở trong lòng ta....

Dọc những con đường quê hay dọc thời gian mênh mông, đi đâu ta chẳng gặp những loài hoa không trồng mà cứ mọc. Hoa để an ủi con người lúc nào cũng vội vàng khó nhọc. Ban ngày thì hoa ngâu, ban đêm thay bằng hoa cau xông hương cho giấc ngủ râm rấp mồ hôi mùa hè, xột xoạt ổ rơm mùa đông.....


Giữa bầu trời trong sáng, tiếng hoa rơi trong lời sơn ca hay tiếng cu cườm gọi bạn trong lùm cây, tiếng con chim tu hú gọi bầy gọi mùa quả chín. Lời hoa dấy chăng cho con người tìm ra niềm vui sống hết đời này sang đời khác. Ấy là ta đoán vậy.


Cây đa bên đình, cây đề đầu thôn, luỹ tre ken dầy, chẳng cây nào chịu ra hoa cả, sao cây vẫn um tùm che chở nắng sương, vẫn ám bụi cho măng làm tổ. Thì ra màu hoa đó là sắc xanh bất tử, xanh từ tre Thánh Gióng, xanh từ đa trong am Mỵ Châu, xanh từ gốc để có từ khi sinh ra đức Phật....


Vậy thì các mùa thay đổi, có lúc không hoa chăng? Không thể chỉ một lời có hoặc không, mà ta phải tha thân ta vào những dặm đường gần xa muôn nẻo, mới mong tự mình tìm thấy trả lời.


2961095356_9677e227db.jpg

Trước hết tục ngữ nói: "Người ta là hoa của đất" chắc chắn không sai. Ở đâu chẳng có người tức những bông hoa tươi rói ấy. Đó là nàng quan họ, là cô vừa quay tơ vừa ví dặm, cô lái đò vắt vẻo tiếng ca trên sóng nước, người con gái Mèo xoè ô và xoè tung vạt váy, người con gái Tây Nguyên bốc tung lên ngọn lửa trong từng bước chân thon khi rượu cần chếch choáng, tà áo dài như cánh bướm hồ tinh trên đường phố...


Hoa ấy nở đủ bốn mùa, nở đủ trăm năm, nở đủ ngàn đời. Hoa ấy đủ để tạo thành Dân tộc và Đất nước.


Mùa xuân, ta đi dọc đường hoa. Thì cứ vội vàng. Thì cứ la cà cho thoả, thì cứ dùng dằng vương vấn bước chân....


Chàng Từ Thức là người Thanh Hoá hay Bắc Ninh, đi dọc đường hoa mà quên lối về suốt bấy nhiêu năm, cúi xuống nhìn cán rìu thì thời gian đã làm mọt ruỗng chất gỗ chắc bền. Hoa Đào hay tiên nữ có sức mạnh làm cùm xích giam chặt đôi chân và đôi tay người tài hoa đó. Bao trăm năm, nay hoa đào vẫn nguyên vẹn nụ cười chúm chím những làn môi. Có ai lại tự bảo rằng mình chưa một lần được ngắm hoa đào? Chắc không bao giờ có người như thế.


Dù ta là người quen thuộc dinh đào Nhật Tân của Hà Nội mỗi năm toả sắc triệu cành hay ta miền núi, lội trên sườn non của Cao Bằng, Sa Pa, của Hang Kia, Pà Cò, Hoà Bình, hoặc chỉ là làng quê êm ả, một gốc đào cô đơn nơi góc chùa lặng lẽ... hoa đào cứ tươi như linh hồn của mùa xuân, sức bừng lên của tuổi dậy thì....


Mùa xuân là thế, một sức mạnh phi thường từ trời cao rót xuống, từ đất sâu bật lên, từ lòng cây toát ra, từ lòng ta trỗi dậy.... bắt trời cao hoa phải nở, cánh tay phải hành động, tâm trí phải vươn lên, tình yêu phải nồng đượm....


Mùa xuân không chỉ ẩn trong sắc hoa đào. Nó là hồn ta, là mầu đỏ trên cành hoa gạo. Tiếp đến là hoa vông, và khi hè sang, nó thành hoa phượng... trên mọi nẻo đường.


Sẽ có những ngày hoa xoan tím trong mưa bay, làm mưa cũng thành màu tím, tiếng trống hội làng lại nở hoa , hương thơm ấy chính là hoa bưởi, hoa chanh, hoa lan, hoa sói.... Ai người con gái cài hoa lên tóc, giắt bông hoa vào túi áo, để một bông hoa bí mật trong làn yếm.... đi đến nơi tình tự hẹn hò.... đó chính là đoạn đường khởi đầu của tình yêu, của đường hoa mỗi đời người phải cất bước trăm năm.....


Không ai có thể dửng dưng với mùa xuân, cũng không có ai có thể dửng dưng với những đường hoa, những màu hoa, những hương hoa cuộc đời mang lại cho mình. Mà mùa xuân đang đến kia là con đường hoa đó.
 
ĐỜI MỘT PHỐ

Băng Sơn.


Phố Lê nơi tôi gắn bó gần suốt cuộc đời mình mới có số tuổi gần trăm hay hơn trăm gì đó, so với nghìn năm thành phố thì nó còn trẻ lắm, nhưng nó cũng đã mang bao dấu tích thời gian mệt nhọc và đổi thay dầm dề như mưa thu rả rích, có khi thay đổi ào ào như vũ bão cơn giông tan tác lá vàng. Đã có mấy thế hệ đến rồi đi, đi có về và đi không bao giờ trở lại. Người thì bán ngôi nhà cha mẹ mua từ ngày xửa ngày xưa để anh chị em chia nhau, mỗi người cũng giắt lưng ít cây vàng ra ngoại thành tậu lấy căn nhà to rộng hơn.

la8.jpg


Còn bao người yêu đời một phố...

Cũng có người chuyển dịch đi xa hàng ngàn cây số vào tít phương Nam hay Tây Nguyên nắng gió, có thể tiệc tùng liên miên mà cũng có thể đổ mồ hôi sôi nước mắt chăm bón nương cà phê trên đất đỏ...

Người khác nữa ra đi trong kèn trống thì thùng, trong câu kinh trước bàn thờ chúa để đến với quê xa một đời ly biệt, nơi đó là làng quê còn cái giếng đá ong, luỹ tre phơ phất, con đò ngang chầm chậm, cây đa um tùm nghe nói có đôi rắn thần quấn quýt, hoặc ra đi để đến Văn Điển ô nhiễm, nằm tạm ba năm rồi lên Yên Kỳ có nhiều trẻ em làm phiền lòng mỗi người, khi người sống đến thăm, cũng có người vào đài hoá thân Hoàn Vũ, chiếc máy ghi hình tắt đi là ngọn lửa trong đó bùng lên một cách bí mật đau lòng kẻ ở. Nắm tro (hay bình tro) di hài tung lên ngọn sóng sông Hồng hay được ký thác bốn năm tầng hay nghĩa địa? Nắm tro có bao giờ than thở hay nhớ tiếc một đời từng sống giữa người yêu dấu và xóm giềng dăm bảy chục năm, nay một đi là vĩnh viễn chia lìa.

Người khác nữa bỏ phố mà đi, không ai biết từ lúc nào và lang bạt đến phương nao. Đi không một lời chào, không một chia tay cứ như giận hờn, cứ như dằn dỗi. Phố Lê có tội tình gì đâu nhỉ mà nỗi lòng bạc nỗi cách chia....

Đâu rồi những con người từng gắn bó bên nhau từ thời hè phố chưa lát gạch, bùn lội và bụi mù bốn mùa quen thuộc, từ thuở phải treo lá cờ Pháp cờ Nhật ra cửa mỗi ngày lễ tết đến tưng bừng cờ đỏ sao vàng đón chào cách mạng khởi nghĩa thành công. Đâu rồi những đêm họp tổ dân phố, rải chiếu ra ở nhà một ai đó mà ngồi bó gối bên nhau, vì phố tôi là phố mới, đất và nhà là của nhà thờ bán cho con chiên, nên không có đình chùa. không có nhà hội họp, không có hội quán, trụ sở.... Đâu rồi những cụ giáo Hinh từng dạy nhiều thế hệ học trò, đâu rồi bà Chắt nấu cao khỉ, ông bà Tự Lập làm nghề thợ may từ chiếc áo cánh có nắp túi hình báng súng hơi chéo đến chiếc sơ mi thường bị dúm ngực cùng chiếc quần Tây rộng thùng thình mang dáng thời đại từng khoảng thời gian, đâu rồi ông chủ nhà in, từng có ôtô riêng, khi vào công tư hợp doanh chỉ còn cái bậc dốc cho xe lên xuống như nhắc nhở nét xưa mờ xoá. Đâu rồi cụ Thọ công chức lưu dụng có cả một đàn con đông đúc nhưng vẫn có thể ăn trắng mặc trơn vì lương cao gấp mấy chục lần anh cán bộ "thoát ly" từ kháng chiến trở về thành phố. Đâu rồi vợ chồng ông tài xế lái xe tải rồi chuyển sang lái xe khách, sống ung dung ngay cả thời bao cấp nhọc nhằn, mọi người phải ăn bo bo, phải xếp hàng bốn lít dầu hoả mỗi tháng để đun bếp..... Đâu rồi nghệ sĩ sân khấu Huỳnh Chinh từng làm phó trưởng đoàn Kịch nói trung ương vẫn mặc áo đại cán vá vai đi làm, từ phố Lê này đến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm có trụ sở Đoàn kịch.....

Thoắt đã mấy chục mùa lá cây long não đơm lộc màu lá mạ non, màu rau xà lách tươi gần, có đàn sâu cước về làm tổ. Chỉ có hàng long não cổ thụ ấy còn đứng vững trước bao nhiêu bước đi vùn vụt của thăng trầm. Trầm trong bao cấp, thăng trong đổi mới. Cái vòng lõi lão trong thân gỗ nứt nẻ kia ghi lại được hay không ghi lại được. Chẳng ai ngả cây xuống mà cưa ra phân tích. Mùa bão đến, đội bóng mát đi sử cành, xén lá vẫn cứ làm cho phố xá tơi bời một cách quang đãng, cho cây đứng vững, và có lẽ chỉ loài cây này đứng vững, cứ hiên ngang trong nắng sớm mưa chiều, không hề có cây nào gục ngã, dù rằng cũng đã dặm thêm ít loài cây mới xen kẽ như cây nhội, cây đa, cây bàng, cây xà cừ, cây dâu da dại....

Chẳng lẽ đời con người không bền bằng một đời cây? Chẳng lẽ con người không giá trị bằng gỗ lá? Tôi không biết.

Từ một phố có nhiều người cao tuổi, khăn vuông, khăn vấn, áo "ba đờ suy" chống ba toong đi dạo phố, có nhiều người bé đến lớp mẫu giáo thản nhiên mặc quần đùi... Có thể gọi phố Lê là phố tịch mịch êm đềm, phố công chức, phố dân ở, phố trầm buồn, phố đóng cửa then cài, phố trung lưu, nhà ai biết nhà nấy, xâm xẩm tối, đóng cửa là mỗi nhà thành một thế giới riêng biệt, đầy bí mật, nét chung của nhiều phố phường thành thị nay phố Lê đã thay đổi hình hài.

75228426-m12.jpg

Hình như nhiều chục năm trôi đi, không nhà ai có chiếc giường lò so đủ nệm rải, hoặc bộ sa lông gụ chạm khắc cành nho con sóc, đàn vịt hoa sen hay con dơi đồng tiền.... Cũng không nhà nào có gian thờ riêng, có lộ bộ, hoành phi, câu đối hay đỉnh đồng, chân nến, ta gọi là bộ Ngũ Sự sáng choang. May ra một ít nhà có bàn thờ chúa, có ảnh bà Maria bế Chúa Hài Đồng, đó là bàn thờ treo thành chiếc xích đông trên đường, có viền bằng tua vải như cạnh của lá cờ hội quen thuộc.

Bừng mắt một cái đã một thập kỷ trôi qua. Phố Lê của tôi giống như bao phố khác. Bao người cũ không còn, bao ngôi nhà cũ đổi thay, những miếng đất chiều ngang ba mét, chiều dài na ná bằng nhau khoảng hai chục mét, được biến hoá từ nhà cấp bốn hay cấp mấy, thành nhà ba tầng, năm tầng, bẩy tầng có tum nhọn, có nhôm kính, có cửa sắt kéo xoàn xoạt, có cả gara ôtô là tầng trệt, có đèn nhấp nháy đủ màu, báo hiệu đây là hàng ăn, là khách sạn, là nhà hát Karaoke như tiểu thuyết Tàu ngày xưa, treo cái chổi ra cổng để cho người biết đó là tửu quán, là quán rượu bình dân.....

aodai.jpg

Từ một ven nội u trầm, phố Lê đã biến thành phố trung tâm với gương mặt khá đầy đủ của một thời làm ăn sôi nổi. Người cũ còn ai cũng đang ra đi nốt, vì mỗi thước vuông đất có thể có giá đến mười lạng vàng (mà người theo thời thượng gọi là cây vàng). Nhà cấp bốn, lợp ngói ta, cửa ra vào hẹp tí hin, đã lặn vào không gian mở rộng. Giếng đã lấp đi hết cho máy bơm ngày đêm hoạt động ngày đêm bơm nước lên bình nhôm sáng loáng chảy thông xuống những cai gọi là toa lét (mà chữ toa lét đã bị biến nghĩa hoàn toàn, không phải nguyên nghĩa cũ).

Phố Lê có hàng phở gà nổi tiếng, khách đóng cả ôtô đánh rầm, vào ăn xỉa tiền ra không tiếc, chỉ mấy năm, hàng phở đã thừa sức lên tầng chót vót. Phố Lê cũng có vài ba ngõ nhỏ. Đó là tàn dư của thời mở phố, phải tránh cái lôi đi, cái bãi cỏ, cái ngõ làng, cái nhà có sân vườn ai đó.... khi nó thành phố thì cũng thành luôn ngõ, mang theo tên phố, ngõ Một, ngõ Hai, ngõ Ba của phố Lê. Có con ngõ rộng, trước chỉ có ông thợ giầy ngồi vá giầy, khâu chỗ vải rách, có thể làm chỗ cho bé em đá bóng không sợ đá vào nhà ai vỡ cửa kính không hề có chiếc cửa kính nào. Nay ngõ ấy thành ngõ Chân có hấp thuốc bắc, cùng chân gà nướng, bê thui, cháo ngan, bánh rán, bánh chuối, món lẩu tôm, lẩu cá. Qua đây buổi tối, mùi mắm tôm thơm lựng (hay nồng gắt đến hắt xì hơi). Rượu thuốc la đà, ngả nghiêng, có nhà thơ, nhà báo, có ông đạp xích lô, có giám đốc công ty hữu hạn, có các cô váy ngắn cũng khề khà, cả người tỉnh xa về muốn biết món ăn Hà Nội.....

Một con phố ngắn mà đủ các khuôn mặt giàu nghèo lẫn lộn. Hiệu ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tòng nổi tiếng được công nhận là nghệ sĩ nhiếp ảnh thế giới, ở ngay bên cạnh những hiệu làm biển quảng cáo, tự quảng cáo là "cắt chữ bằng vi tính", có hàng ốc hấp rượu thuốc, có món phở xào "cải tiến" khó ăn.

bo%20cap%20nuoc.jpg

Tôi là một người dân phố Lê. Nhà tôi có long não xà vào tận cửa, chiếc lá thơm thơm, tươi cũng thơm mà khô lại càng thơm, kề với một cán bộ thành phố phải làm nghề phơi mơ thành ô mai để đủ sống, nay ông có nhà bốn tầng,có cả nhà ở phố khác nữa, nhà cũ cho thuê bán đồ mỹ phẩm những soi môi Hàn Quốc, phấn Thái Lan, nước hoa Pháp, áo nịt, thuốc cai nghiện thuốc lá, cả hoa khô, gôc lũa... mà mỗi lần tôi đi qua, tôi lại nhớ cách đây nửa thế kỷ đây là nhà bán thực phẩm của một Hoa kiều, lụp xụp trăm thứ bà rằn, có người đàn bà Tầu bó chân đi lại khó khăn vì bàn chân chỉ bằng chân bé lên 5 tuổi.

Một phố thôi, cái phố nhỏ bé đã thành nơi chôn rau cắt rốn của các con tôi, đã và đang thanh một phố khác có hình ảnh khác. Những con người xưa cũ có bao giờ một lần lại thăm phố xưa, có thấy linh hồn mình đổi khác? Và bao nhiêu phố khác, có giống phố Lê tôi? Tôi không biết.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top