Từ vựng học .

Hide Nguyễn

Du mục số
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Khái niệm từ vựng học


1. Nói cho đơn giản thì từ vựng học (lexicology) là một bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu từ vựng của ngôn ngữ.

Vậy, đối tượng nghiên cứu của từ vựng học là từ vựng.

Từ vựng được hiểu là tập hợp tất cả các từ và đơn vị tương đương với từ trong ngôn ngữ.

Đơn vị tương đương với từ là những cụm từ cố định, cái mà người ta vẫn hay gọi là các thành ngữ, quán ngữ. Ví dụ: ngã vào võng đào, múa tay trong bị, con gái rượu, tóc rễ tre, của đáng tội,… trong tiếng Việt; hoặc wolf in sheep's clothing (sói đội lốt cừu), like a bat out of hell (ba chân bốn cẳng)… trong tiếng Anh.

2. Nhiệm vụ và mục đích cơ bản của từ vựng học là phải giải đáp được những vấn đề chính như:

Từ là gì? Nó được tạo nên bằng cái gì và như thế nào?
Nghĩa của từ là gì? Muốn phân tích cho ra được cái nghĩa đó thì phải làm như thế nào?
Thực chất các kiểu tập hợp từ vựng như: đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, các trường từ vựng,… là gì và nghiên cứu nó như thế nào?
Phân chia các lớp từ vựng bằng cách nào? Và những con đường phát trỉển của từ vựng ra sao?…
Trong thực tế, nghiên cứu từ vựng có thể xuất phát từ những bình diện khác nhau và dùng những phương pháp khác nhau. Nếu khảo sát những vấn đề chung cho mọi (hoặc nhiều) từ vựng của nhiều ngôn ngữ, là ta nhìn ở bình diện của từ vựng học đại cương. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến những vấn đề của một từ vựng trong một ngôn ngữ nào đó, là ta đứng trên bình diện nghiên cứu cụ thể. Ví dụ: từ vựng học tiếng Việt, từ vựng học tiếng Hán, từ vựng học tiếng Anh,…

Khi nghiên cứu một từ vựng đương đại (hiện đại) nào đó, người ta phân tích, miêu tả theo cách nhìn đồng đại, và thường gọi tên như: Từ vựng học (tiếng Việt/tiếng Nga/…) hiện đại.

Ngược lại, nghiên cứu từ vựng với cách nhìn lịch đại sẽ xây dựng nên bộ môn từ vựng học lịch sử, khảo sát sự diễn biến của từ vựng trong quá trình phát triển-lịch sử của nó. Ở đây, phương pháp so sánh lịch sử, và các nhân tố ngoài ngôn ngữ, sẽ rất được chú ý khai thác, sử dụng.

3. Như đã nói từ đầu, các bộ môn từ vựng học, ngữ âm học, và ngữ pháp học là những bộ môn tương đối độc lập. Tuy vậy, chúng không tách biệt nhau hoàn toàn mà vẫn có liên quan đến nhau.

Ngữ pháp học và từ vựng học đều có đối tượng nghiên cứu là từ; đặc biệt, vấn đề cấu tạo từ như là một phần giao giữa hai bộ môn này, khiến cho cả hai đều phải cùng thảo luận. Đối tượng nghiên cứu của ngữ âm học thì riêng hẳn: chỉ chú ý đến mặt âm thanh của từ. Thế nhưng, ba bộ môn này nhiều khi đã phải sử dụng kết quả nghiên cứu của nhau. Việc phân tích nghĩa của từ bằng phương pháp sử dụng ngữ cảnh, việc phân tích ranh giới từ,… chẳng hạn, không thể bỏ qua việc dựa vào các dấu hiệu và quy tắc ngữ pháp, ngữ âm như: nguyên tắc kết hợp từ, chức năng và trật tự ngữ pháp, hiện tượng chuyển đổi từ loại, các hiện tượng trọng âm (nhất là trọng âm lực – dynamic accent), hiện tượng mất tính thanh của âm cuối… Mặt khác, nghiên cứu các biến thể, biến dạng của từ, nhất là nghiên cứu từ vựng lịch sử và từ nguyên, chắc chắn phải sử dụng những hiểu biết về ngữ âm học, âm vị học. Ngược lại, không hiếm những hiểu biết về ngữ pháp và ngữ âm (nhất là ngữ âm lịch sử) chỉ có thể giải quyết qua những phân tích "một cách từ vựng học" như phân tích về từ cổ, từ lịch sử, từ ngữ địa phương…

Ngoài ra, các bộ môn khác, kể cả trong và ngoài ngôn ngữ học như: phong cách học, từ điển học, lịch sử văn hoá văn minh,… cũng đều ít nhiều liên quan đến từ vựng học.

4. Có những bộ môn hình thành trên cơ sở nghiên cứu những mặt, những bộ phận khác nhau của từ vựng. Nếu không đòi hỏi thật nghiêm ngặt về cách hiểu thì có thể xem như chúng được tách ra từ từ vựng học vậy.

4.a. Trước hết là từ nguyên học. Bộ môn này có mục đích tìm hiểu, giải thích và xác định những hình thức, những ý nghĩa có tính chất cội nguồn của từ. Nó tiếp cận đối tượng nghiên cứu bằng cách nhìn lịch đại là chủ yếu; và nhiều khi còn phải vận dụng cả cứ liệu của những ngành khoa học lân cận như: sử học, dân tộc học, văn hoá và chính trị,…

Một ví dụ: Miền Trung Việt Nam có con sông gọi là "sông Mã". Trong dân gian, người ta giải thích rằng gọi nó là "sông Mã" vì nó chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi, và sông Mã nghĩa là "sông Ngựa".

Cách giải thích cảm tính, chủ quan, không chứng cứ như vậy, gọi là từ nguyên học dân gian.

Từ nguyên học khoa học phải tìm những chứng cứ khoa học để giải thích. Thật ra, "sông Mã" là lối nói "trại" đi của cái tên đích thực: sông Mạ, được ghi bằng một chứ Hán, đọc là "mã" (ngựa).

MẠ trong tiếng Việt xưa (nay còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung) vốn có nghĩa là MẸ. Những con sông lớn ở vùng Đông Nam Á thường được gọi bằng cái tên có nghĩa MẸ (với ngụ ý là lớn, lớn nhất) như vậy. Chẳng hạn:

Tiếng Việt có sông CÁI, rào CÁI = sông mẹ
Tiếng Thái Lan có Menam = sông mẹ
Tiếng Môn cổ có Meklong = sông mẹ
(Mô hình tên gọi này còn thể hiện qua cách đặt tên một số sự vật "lớn" khác trong tiếng Việt: ngón tay CÁI, cột CÁI, máy CÁI, ngón chân CÁI, đũa CÁI,…).

Vậy tên gọi "sông Mã" không ngoài quy luật đặt địa danh nêu trên trong toàn vùng, và cần thiết hiểu "sông MÃ" = "sông MẠ" = "sông CÁI" (nghĩa là "sông mẹ, sông lớn") chứ không phải là "sông Ngựa".

Nghiên cứu từ nguyên là công việc đầy khó nhọc, nhưng hết sức thú vị.

4.b. Bộ môn danh học nghiên cứu các quy luật đặt tên: tên người, tên sông, tên núi non, tên vùng đất,… Vì vậy, ở đây có hai phần: nhân danh học và địa danh học.

Ví dụ 1: Nhân danh học có thẻ nghiên cứu các quy luật đặt tên riêng của người Việt, Hán, Khmer, Mường,… và phải gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như:

– Tên gọi riêng của từng người trong các dân tộc đó có những yếu tố gì, dùng để biểu thị cái gì?

– Giới tính có được biểu thị trên tên gọi không?

– Tên họ của vợ và chồng có ảnh hưởng gì sau khi lấy nhau không? Các yếu tố tâm lí, thẩm mĩ, kiêng kị,… có ảnh hưởng đến việc đặt tên không, và nếu có thì gây tác động theo xu hướng nào?…

Nhìn lướt qua tên riêng của người Việt trong gần một thế kỉ nay, ta có thể thấy:

Tên nữ giới, trước đây bắt buộc phải là:

Họ + Thị (thể hiện giới tính) + Tên riêng (lúc chưa lấy chồng)
Họ chồng + Thị + Tên chồng (từ khi lấy chồng)
Tên nam giới thường là:

Họ + tên đệm (tuỳ thích, không nhất thiết phải có) + tên riêng
Hiện nay, tên gọi của nữ giới không bắt buộc phải dùng yếu tố THỊ. Ví dụ: Trần Phượng Li, Ngô Việt Hà,… Phụ nữ ngày nay lấy chồng vẫn dùng họ tên mình, không phải gọi theo chồng nữa.

Mặt khác, rất nhiều tên kép đã xuất hiện, dùng cho cả nam lẫn nữ: Kiều Oanh, Hoàng Lan, Tuấn Anh, Diễm Mi,… và thậm chí có cả những tên riêng ít nhiều đặc biệt như: Thanh Thanh, Nôen, Diễm Diễm, Li Li,…

Tên riêng người Việt đang có những biến động rất đa dạng tuỳ theo giới tính, trình độ giáo dục, nghề nghiệp, môi trường sống và sở thích cá nhân. Xu hướng chung là đẹp hoá tên riêng và đa dạng hoá tên riêng. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì người Việt cũng không dùng tên riêng của bố, mẹ, ông, bà, cụ, kị, tên của những người khả kính trong quan hệ với mình để đặt tên cho con cái. Trong quan niệm của học, đó là điều kiêng kị đến mức có thể được xếp vào phạm vi của đạo đức ứng xử.

Ví dụ 2: Nghiên cứu quy luật đặt tên sông ở Đông Nam Á, người ta thấy nét nổi bật là chúng thường mang yếu tố chỉ khái niệm NƯỚC hoặc SÔNG. Vùng ngôn ngữ Tày, Thái dùng yếu tố "nặm/nậm": Nậm Tà (sông Hồng), Nặm Tè (sông Đà), Nặm Má (sông Mã), Nặm Khoóng (sông Mê Kông) và các con sông khác như: Nặm Le, Nậm Na, Nậm Rốm,…

Ở Thái Lan có con sông Mê Nam (Mê: mẹ; Nam = nặm), vùng ngôn ngữ thuộc nhóm Mon-Khmer (tiếng Ba Na, Hrê, Xê Đăng,…) người ta dùng yếu tố "đak" (nước): sông Đak Rong, sông Đak Min, hồ Đaklak,…

4.c. Ngữ nghĩa học là bộ môn nghiên cứu các vấn đề về nghĩa của từ. Nó liên quan trực tiếp nhất đến từ điển học là một bộ môn nghiên cứu những vấn đề lí thuyết và kĩ thuật xây dựng các loại từ điển. Từ điển học liên quan rất chặt chẽ với từ vựng học và ngữ nghĩa học. Có thể phân chi từ điển thành hai loại lớn.

4.c.1. Từ điển bách khoa. Đây là loại từ điển không nhằm xây dựng các từ trong ngôn ngữ nói chung, mà chủ yếu đưa ra và giải thích các khái niệm; trình bày từ lai lịch của nó đến các quan điểm khác nhau, cùng với những thay đổi của nó (nếu có) về mặt nội dung,…

Loại từ điển bách khoa cho tất cả các lĩnh vực được gọi là bách khoa toàn thư, còn loại cho từng lĩnh vực một thì được gọi là từ điển bách khao chuyên ngành. Ví dụ: Từ điển bách khoa nông nghiệp, Từ điển bách khoa y học,…

4.c.2. Từ điển ngôn ngữ. Đây là loại từ điển được xây dựng bằng những con đường "ngôn ngữ học". Chúng được phân ra như sau:

Từ điển một ngôn ngữ: Được biên soạn cho một ngôn ngữ cụ thể nào đó ở từng mặt, từng lĩnh vực. Ví dụ: Từ điển giải thích, Từ điển đồng nghĩa, Từ điển chính tả, Từ điển từ nguyên, Từ điển tần số (chung hoặc cho từng lĩnh vực), Từ điển ngược (Inversal Dictionary),…

Từ điển nhiều ngôn ngữ: Được biên soạn trên cơ sở đối chiếu hai hay nhiều ngôn ngữ. Ở đây cũng có thể gồm từ điển đối chiếu phổ thông như: Từ điển Anh – Việt, Từ điển Nga – Việt, Từ điển Việt – Pháp,…; từ điển đối chiếu chuyên ngành như: Từ điển toán học Anh – Việt, Từ điển y học Nga – Việt, Từ điển hoá học Anh – Việt,…

5. Ở Việt Nam, nếu xét một cách nghiêm ngặt thì từ giữa thế kỉ 20 trở về trước, chúng ta chưa hề có bộ môn từ vựng học nói riêng và ngôn ngữ học nói chung.

Có chăng, chỉ có thể nói, do yêu cầu cụ thể, với những mục đích khác nhau, một số từ điển đã được làm ra ở nước ta nhờ một số người vốn không phải là chuyên nghiên cứu ngôn ngữ học (tiếng Việt và không phải tiếng Việt). Chẳng hạn:

– "Dictionarium Annamiticum – Lasitanum en Latinum" của A. de Rhodes (Roma, 1651).

– "Dictionarie Annamite – Français" của M. Genibrel (Tân Định, 1898).

– "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" của Túc Tăng Pháp Tính (khoảng thế kỉ 16–17), bản dịch của Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985).

– "Đại nam quấc âm tự vị" của Paul Huình Tịnh Của (Sài Gòn, 1825).

Tuy vậy, qua vài thập kỉ gần đây, bộ môn từ vựng học ở nước tra đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp công sức đáng kể vào công việc nghiên cứu tiếng Việt nói chung.
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Từ và cấu tạo từ

(phần đầu)

1. Vấn đề định nghĩa từ


1.a. Mỗi chúng ta, đã tiếp thu và nhận ra cái gọi là từ thông qua thực tiễn học tập và sử dụng ngôn ngữ.

Cái khó là ở chỗ phải nên ra một định nghĩa có tính lí thuyết về từ. Cho đến nay, trong ngôn ngữ học, các định nghĩa về từ đã được đưa ra không ít. Các định nghĩa ấy, ở mặt này hay mặt kia đều đúng, nhưng đều không đủ và không bao gồm hết được tất cả các sự kiện được coi là từ trong ngôn ngữ và n_ cả trong một ngôn ngữ cũng vậy. Chẳng hạn:

Từ là một tổ hợp âm có nghĩa chăng? Từ là một tổ hợp các âm phản ánh khái niệm chăng? Từ là một đơn vị tiềm tàng khả năng trở thành câu chăng? Từ là một kí hiệu ngôn ngữ ứng với một khái niệm chăng?…

Tình trạng phức tạp của việc định nghĩa từ, do chính bản thân từ trong các ngôn ngữ, không phải trường hợp nào cũng như nhau. Chúng có thể khác về:

- Kích thước vật chất
- Loại nội dung được biểu thị và các biểu thị
- Cách thức tổ chức trong nội bộ cấu trúc
- Mối quan hệ với các đơn vị khác trong hệ thống ngôn ngữ như hình vị, câu…
- Năng lực và chức phận khi hoạt động trong câu nói
Xét hai từ hợp tác xã và nếu trong tiếng Việt làm ví dụ, ta sẽ thấy:

Từ thứ nhất có kích thước vật chất lớn hơn nhiều so với từ thứ hai; và cấu trúc nội tại của nói cũng phức tạp hơn nhiều.

Từ thứ nhất biểu thị một khái niệm, có khả năng hoạt động độc lập trong câu, làm được chủ ngữ, bổ ngữ, định ngữ… trong câu; còn từ thứ hai lại không biểu thị khái niệm, không có được năng lực để thể hiện những chức phận như từ thứ nhất…

1.b. Vì những lẽ đó, không hiếm nhà ngôn ngữ học (kể cả F. de Saussure, S. Bally, G. Glison…) đã chối bỏ khái niệm từ, hoặc nếu thừa nhận khái niệm này thì họ cũng lảng tránh việc đưa ra một khái niệm chính thức.

Lại có nhà nghiên cứu xuất phát từ một lĩnh vực cụ thể nào đó, đã đưa ra những định nghĩa từng mặt một như từ âm vị học, từ ngữ pháp học, từ chính tả, từ từ điển…

Dù sao, từ vẫn là đơn vị tồn tại tự nhiên trong ngôn ngữ; và chính nó là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ; bởi vì, đối với mỗi chúng ta, nói như ý của E.Sapir thì việc nhận thức từ như là cái gì đấy hiện thực về mặt tâm lí, chẳng có khó khăn gì đáng kể.

1.c. Mong muốn của các nhà ngôn ngữ học đưa ra một định nghĩa chung, khái quát, đầy đủ về từ cho tất cả mọi ngôn ngữ, tiếc thay, cho đến nay vẫn chưa đạt được và có lẽ sẽ không thể đạt được. Chúng ta có thể đồng tình với L.Serba khi ông cho rằng từ trong ngôn ngữ khác nhau, sẽ khác nhau…, và không thể có được một khái niệm về từ nói chung.

Tuy thế, để có cơ sở tiện lợi cho việc nghiên cứu, người ta vẫn thường chấp nhận một khái niệm nào đó về từ tuy không có sức bao quát toàn thể nhưng cũng chỉ để lọt ra ngoài phạm vi của nó một số lượng không nhiều những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn:

Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu. Quan niệm này gần với quan niệm của B.Golovin trong cuốn sách "Dẫn luận ngôn ngữ học" của ông. Nó cũng có nhiều nét gần với quan niệm của L.Bloomfield, coi từ là một “hình thái tự do nhỏ nhất”. Có nghĩa rằng từ là một hình thái nhỏ nhất có thể xuất hiện độc lập được.

1.d. N_ cả những quan điểm như thế, sự thực cũng không phải là áp dụng được cho tất cả mọi ngôn ngữ và tất cả mọi kiểu từ. Chẳng hạn từ nếu vừa nói bên trên cũng như từ và, với, thì, ư… trong tiếng Việt; từ and, up, in, of… của tiếng Anh không thoả mãn được điều kiện "tái hiện tự do" trình bày trong quan niệm này.

Gặp những trường hợp như vậy (trường hợp của những cái mà ta vẫn gọi là từ hư) người ta phải có những biện luận riêng.

- Trước hết, tất cả chúng đề có nghĩa của mình ở dạng này hay dạng khác, thể hiện bằng cách này hay cách khác.

- Thứ hai, khả năng "tái hiện tự do" của chúng được thể hiện "một cách không tích cực". Cần nhớ là trong ngôn ngữ, chỉ có những đơn vị cùng cấp độ thì mới trực tiếp kết hợp với nhau. Xét hai câu bình thường trong tiếng Việt và tiếng Anh.

- Em sống với bố và mẹ
- He will leave here after lunch at two o'clock
Ở đây, em, bố, mẹ, sống, he, leave, here, lunch, two, c'clock chắc chắn là các các từ. Vậy thì với, và, will, after, at cũng phải là từ.

- Thứ ba, không hiếm từ hư trong một số ngôn ngữ đã được chứng minh là có nguồn gốc từ từ thực. Sự hao mòn ngữ nghĩa cùng với sự biến đối về chức năng của chúng đã xẩy ra. Tuy vậy, không vì thế mà tư cách từ của chúng bị xoá đi. Ví dụ: trong tiếng Hindu: me (trong) < madhya (khoảng giữa); ke arth (để, vì) < artha (mục đích) của Sanskrit… trong tiếng Hausa: bisan (trên) < bisa (đỉnh, chóp); gaban (trước) < gaba (ngực)… trong tiếng Việt: của < của (danh từ); phải < phải (động từ); bị < bị (động từ)…

Việc xét tư cách từ cho những trường hợp như: nhà lá, áo len, đêm trắng, chó mực, cao hổ cốt… trong tiếng Việt còn phức tạp hơn nhiều. Trong các ngôn ngữ khác cũng không phải là không có tình hình tương tự.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm tòi những tiêu chí cơ bản, phổ biến để nhận diện từ (như: tính định hình hoàn chỉnh, tính thành ngữ, do A.Smirnitskij đưa ra chẳng hạn) nhưng khi đi vào từng ngôn ngữ cụ thể, người ta vẫn phải đưa ra hàng loạt tiêu chí khác nữa, có thể cụ thể hơn, khả dĩ sát hợp với thực tế từng ngôn ngữ hơn, và thậm chí có cả những biện luận riêng.

[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Từ trong tiếng Việt

(phần hai)

• Đơn vị cấu tạo • Phương thức cấu tạo: Từ đơn tiết và từ ghép • Phương thức cấu tạo: Từ láy và từ ngẫu hợp • Biến thể của từ
2. Phương thức cấu tạo
Từ tiếng Việt được cấu tạo hoặc là bằng các dùng một tiếng, hoặc là tổ hợp các tiếng lại theo lối nào đó.

2.1. Phương thức dùng một tiếng làm một từ sẽ cho ta các từ đơn (còn gọi là từ đơn tiết). Vậy từ đơn ở đây được hiểu là những từ cấu tạo bằng một tiếng.

Ví dụ: tôi, bác, người, nhà, cây, hoa, trâu, ngựa...
đi, chạy, cười, đùa, vui, buồn, hay, đẹp...
vì, nếu, đã, đang, à, ư, nhỉ, nhé...
2.2. Phương thức tổ hợp (ghép) các tiếng lại, mà giữa các tiếng (thành tố cấu tạo) đó có quan hệ về nghĩa với nhau, sẽ cho ta những từ gọi là từ ghép. Dựa vào tính chất của mối quan hệ về nghĩa giữa các thành tố cấu tạo, có thể phân loại từ ghép tiếng Việt như sau:

Từ ghép đẳng lập. Đây là những từ mà các thành tố cấu tạo có quan hệ bình đẳng với nhau về nghĩa. Ở đây, có thể lưu ý tới hai khả năng.

Thứ nhất, các thành tố cấu tạo trong từ đều rõ nghĩa. Khi dùng mỗi thành tố như vậy để cấu tạo từ đơn thì nghĩa của từ đơn và nghĩa của các thành tố này không trùng nhau.
So sánh: ăn ≠ ăn ở ≠ ăn nói ≠ ở ≠ nói...
Thứ hai, một thành tố rõ nghĩa tổ hợp với thành tố không rõ nghĩa. Trong hầu hết các trường hợp, những yếu tố không rõ nghĩa này vốn rõ nghĩa nhưng bị bào mòn dần đi ở các mức độ khác nhau. Bằng con đường tìm tòi từ nguyên và lịch sử, người ta thường xác định được nghĩa của chúng. Ví dụ: chợ búa, bếp núc, đường sá, tre pheo, cỏ rả, sầu muộn, chó má, gà qué, cá mú, xe cộ, áo xống...
Từ ghép đẳng lập biểu thị ý nghĩa khái quát và tổng hợp. Đây là một trong những điểm làm cho nó khác với từ ghép chính phụ.
Từ ghép chính phụ. Những từ ghép mà có thành tố cấu tạo này phụ thuộc vào thành tố cấu tạo kia, đều được gọi là từ ghép chính phụ. Thành tố phụ có vai trò phân loại, chuyên biệt hoá và sắc thái hoá cho thành tố chính. Ví dụ: tàu hoả, đường sắt, sân bay, hàng không, nông sản, cà chua, máy cái, dưa hấu, cỏ gà... xấu bụng, tốt mã, lão hoá... xanh lè, đỏ rực, n_ đơ, thằng tắp, sưng vù...


[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Từ trong tiếng Việt

(phần ba)

• Đơn vị cấu tạo • Phương thức cấu tạo: Từ đơn tiết và từ ghép • Phương thức cấu tạo: Từ láy và từ ngẫu hợp • Biến thể của từ
2. Phương thức cấu tạo (tiếp theo)
2.3. Phương thức tổ hợp các tiếng trên cơ sở hoà phối ngữ âm cho ta các từ láy (còn gọi là từ lấp láy, từ láy âm).

Từ láy tiếng Việt có độ dài tối thiểu là hai tiếng, tối đa là bốn tiếng và còn có loại ba tiếng. Tuy nhiên, loại đầu tiên là loại tiêu biểu nhất cho từ láy và phương thức láy của tiếng Việt.

Một từ sẽ được coi là từ láy khi các yếu tố cấu tạo nên chúng có thành phần ngữ âm được lặp lại; nhưng vừa có lặp (còn gọi là điệp) vừa có biến đổi (còn gọi là đối). Ví dụ: đỏ đắn: điệp ở âm đầu, đối ở phần vần. Vì thế, nếu chỉ có điệp mà không có đối (chẳng hạn như: người người, nhà nhà, ngành ngành... thì ta có dạng láy của từ chứ không phải là từ láy. Kết hợp tiêu chí về số lượng tiếng với cách láy, có thể phân loại từ láy như sau:

Từ láy gồm hai tiếng (cũng gọi là từ láy đôi) có các dạng cấu tạo sau:

Láy hoàn toàn. Gọi là láy hoàn toàn nhưng thực ra bộ mặt ngữ âm của hai thành tố (hai tiếng) không hoàn toàn trùng khít nhau, chỉ có điều là phần đối của chúng rất nhỏ khiến người ta vẫn nhận ra được hình dạng của yếu tố gốc trong yếu tố được gọi là yếu tố láy. Có thể chia các từ láy hoàn toàn thành ba lớp nhỏ hơn:

a. Lớp những từ láy hoàn toàn, chỉ đối nhau ở trọng âm (một trong hai yếu tố được nói nhấn mạnh hoặc kéo dài). Ví dụ: cào cào, ba ba, rề rề, lăm lăm, khăng khăng, kìn kìn, lù lù, lâng lâng, đùng đùng, hây hây, gườm gườm, đăm đăm...
b. Lớp từ láy hoàn toàn đối nhau ở thanh điệu. Nguyên tắc đối thanh điệu ở đây là: thanh bằng đối với thanh trắc trong mỗi nhóm cùng âm vực; và bằng đứng trước, trắc đứng sau.
BẰNG TRẮC
Ngang (1) Hỏi (4) Sắc (5)
Huyền (2) Ngã (3) Nặng (6)

Ví dụ: đo đỏ, ra rả, hây hẩy, hau háu, hơ hớ, n_ ngáy, phơi phới, sừng sững, chồm chỗm, vành vạnh, lừng lững, hơn hớn, càu cạu, thoang thoảng...
Tuy nhiên, ở đây vẫn còn một số ngoại lệ như: cỏn con, dửng dưng, mảy may, cuống cuồng...
c. Lớp từ láy hoàn toàn, đối ở phần vần nhờ sự chuyển đổi âm cuối theo quy luật dị hoá:
m – p ng – c
n – t nh – ch

Ví dụ: ăm ắp, chiêm chiếp, cầm cập, lôm lốp, hèm hẹp...
chan chát, khin khít, sồn sột, thon thót, ngùn ngụt...
khang khác, vằng vặc, rừng rực, phưng phức, phăng phắc...
anh ách, chênh chếch, đành đạch, phành phạch, rinh rích...
Thanh điệu của các yếu tố trong mỗi từ vẫn tuân theo quy luật của lớp b.
Láy bộ phận. Những từ láy nào chỉ có điệp ở phần âm đầu, hoặc điệp ở phần vần thì được gọi là láy bộ phận. Căn cứ vào đó, có thể chia từ láy bộ phận thành hai lớp.

a. Lớp từ láy (điệp) âm đầu, đối ở phần vần. Ví dụ như:bập bềnh, cò kè, ho he, thơ thẩn, đẹp đẽ, làm lụng, ngơ ngác, say sưa, xoắn xuýt, vồ vập, hấp háy...
Trong lớp này, có những từ xét về mặt lịch sử vốn không phải là từ láy, nhưng vì quan hệ về nghĩa giữa các yếu tố của chúng mất dần đi, làm cho quan hệ ngữ âm ngẫu nhiên giữa các yếu tố đó nổi lên hàng đầu, và hiện giờ người Việt nhất loạt coi chúng là từ láy. Ví dụ: chùa chiền, tuổi tác, giữ gìn, sân sướng... Nghĩa của những từ như vậy được tổ chức theo kiểu của các từ tre pheo, chó má, đường sá, xe cộ, áo xống...
Trong khi xét sự đối vần ở đây, cũng cần lưu ý tới hiện tượng đối ứng ở âm chính. Hiện tượng này không phải là quy luật toàn thể, nhưng đều đặn ở một số nhóm từ.

u đối với i: cũ kĩ, hú hí, xù xì, tủm tỉm, mũm mĩm...
ô – ê: ngô nghê, xồ xề, hổn hển, thỗn thện...
o – e: ho he, vo ve, khò khè, võ vẽ, nhỏ nhẻ...
i – a: hỉ hả, rỉ rả, xí xoá, hí hoáy...
u – ă: tung tăng, hung hăng, vùng vằng, thủng thẳng...
u – ơ: ngu ngơ, rù rờ, khù khờ, cũn cỡn...
ô – a: bỗ bã, hốc hác, mộc mạc, ngột ngạt...
ê – a: nghê nga, khề khà, rề rà, xuề xoà, hể hả...

b. Lớp từ láy (điệp) phần vần, đối ở âm đầu. Ví dụ như: bâng khuâng, bơ vơ, lừng chừng, lù đù, lã chã, càu nhàu, lỗ mỗ, thao láo, hấp tấp, tủn mủn, lụp xụp, lảng vảng, lúng túng, co ro, lan man, làng nhàng...
Gần nửa số lượng từ láy vần có âm đầu của tiếng thứ nhất là âm /l-/ và phần lớn chúng có chứa một tiếng còn rõ nghĩa. Tuy vậy, vẫn có không ít từ mà cả hai tiếng đều không rõ nghĩa, ví dụ: bải hoải, hấp tấp, lập cập, bầy hầy, thình lình, liểng xiểng, xớ rớ, lấc cấc...
Từ láy ba và bốn tiếng được cấu tạo thông qua cơ chế cấu tạo từ láy hai tiếng. Tuy vậy, từ láy ba tiếng dựa trên cơ chế láy hoàn toàn, còn từ láy bốn lại dựa trên cơ chế láy bộ phận là chủ yếu. Ví dụ: khít khìn khịt, sát sàn sạt, dửng dừng dưng, trơ trờ trờ... đủng đà đủng đỉnh, lếch tha lếch thếch, linh tinh lang tang, vội vội vàng vàng...

Trên thực tế, số lượng từ láy ba tiếng và bốn tiếng không nhiều. Mặt khác, có thể coi chúng chỉ là hệ quả, là bước "tiếp theo" trên cơ chế láy của từ láy hai tiếng mà thôi. Từ láy ba là láy toàn bộ kèm theo sự biến thanh và biến vần (ví dụ: nhũn – nhũn nhùn nhùn; xốp – xốp xồm xộp...). Nhiều khi ta gặp những "cặp bài trùng" giữa từ láy hai tiếng và ba tiếng như: sát sạt – sát sàn sạt; trụi lủi – trụi thui lủi; nhũn nhùn – nhũn nhùn nhùn; khét lẹt – khét lèn lẹt... Từ láy bốn tiếng thì tình hình cấu tạo có đa tạp hơn. Có thể là:

- "Nhân đôi" từ láy hai tiếng nhưng biến vần của tiếng thứ hai thành e, a, ơ, à cho phù hợp, hài hoà về âm vực giữa các vần, các thanh:
vớ vẩn → vớ va vớ vẩn
lề mề → lề mà lề mề...

- "Nhân đôi" từ láy hai tiếng nhưng biến đổi sao cho hai tiếng đầu có thanh điệu thuộc âm vực cao, hai tiếng sau mang thanh điệu âm vực thấp: bồi hồi – bổi hổi bồi hồi.
- "Nhân đôi" từng tiếng của từ láy hai tiếng:
hùng hổ → hùng hùng hổ hổ
vội vàng → vội vội vàng vàng...

- Thực hiện cách thứ ba vừa nêu, nhưng biến âm đầu của tiếng thứ nhất và thứ ba thành /l-/:
nhồm nhoàm → lồm nhồm loàm nhoàm
thơ thẩn → lơ thơ lẩn thẩn...

Ngoài ra, còn có một số từ khác không cấu tạo theo các cách nêu trên; hoặc từ một từ gốc có thể cấu tạo hai từ láy bốn tiếng chứ không phải chỉ có một. Chẳng hạn: bù lu bù loa; bông lông ba la... hoặc bắng nhắng – bắng nha bắng nhắng; bắng nhắng bặng bặng nhặng...

Sự biểu đạt ý nghĩa của từ láy rất phức tạp và rất thú vị, nhất là ở nhiều nhóm từ cùng có khuôn cấu tạo lại có thể có những điểm giống nhau nào đó về nghĩa. Điều này cần được khảo sát riêng tỉ mỉ hơn.

2.4. Từ các kiểu từ đã trình bày trên đây, tiếng Việt còn có một lớp từ mà người bản ngữ hiện nay không thấy giữa các thành tố cấu tạo (các tiếng) của chúng có quan hệ gì về ngữ âm hoặc ngữ nghĩa. Vì vậy, từ góc độ phân loại, cần tách chúng ra và gọi là các từ ngẫu hợp với ngụ ý: các tiếng tổ hợp với nhau ở đây một cách ngẫu nhiên. Lớp từ này có thể bao gồm:

- Những từ gốc thuần Việt: bồ câu, bồ hòn, bồ nông, mồ hóng, mồ hôi, kì nhông, cà nhắc, mặc cả...
- Những từ vay mượn gốc Hán (hoặc phiên âm qua âm Hán Việt) thông qua con đường sách vở hoặc khẩu ngữ (trong số này có những từ mà từng thành tố của chúng trước đây vốn rõ nghĩa, nhưng nay không được người Việt nhận thức nữa).
Ví dụ: mâu thuẫn, hi sinh, trường hợp, kinh tế, kinh tế, câu lạc bộ, mì chính, tài xế, vằn thắn, lục tàu xá...
- Những từ vay mượn gốc Ấn-Âu qua con đường sách vở hoặc khẩu ngữ như: a-xít, mit tinh, sơ mi, tùng bê, mùi xoa, xà phòng, cao su, ca cao, hắc ín, sô-cô-la...
Bộ phận từ này trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng do các mối quan hệ quốc tế mở rộng, tạo điều kiện cho sự tiếp xúc, vay mượn và du nhập từ ngữ, nhất là trong lĩnh vực thông tin, khoa học và kĩ thuật.

[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Từ trong tiếng Việt

(phần cuối)


• Đơn vị cấu tạo • Phương thức cấu tạo: Từ đơn tiết và từ ghép • Phương thức cấu tạo: Từ láy và từ ngẫu hợp • Biến thể của từ
3. Biến thể của từ
Trong hoạt động của mình, một số từ tiếng Việt có thể có biến động về cấu trúc. Tuy nhiên, cần nói rằng đó không phải là những biến dạng theo nguyên tắc hình thái học như các dạng thức khác nhau của từ trong ngôn ngữ biến hình. Ở đây chúng thường chỉ được coi là dạng lâm thời biến động hoặc dạng "lời nói" của từ. Có nghĩa rằng, những biến động ấy không đều đặn, không thường xuyên ở tất cả mọi từ. Chúng chỉ lâm thời xảy ra ở một số từ trong một số trường hợp sử dụng mà thôi. Đại thể có những dạng biến động như sau:

3.1. Biến một từ có cấu trúc lớn, phức tạp hơn sang cấu trúc nhỏ, đơn giản hơn. Thực chất đây là sự rút gọn một từ dài thành từ ngắn hơn. Ví dụ:

ki-lô-gam → ki lô/ kí lô
(ông) cử nhân → (ông) cử
(ông) tú tài → (ông) tú

Xu hướng biến đổi này không có tính bắt buộc, không đều đặn ở mọi từ, và nhiều khi chỉ vì lí do tiết kiệm trong ngôn ngữ. Không phải ngày nay tiếng Việt mới có hiện tượng rút gọn như vậy, mà những cặp từ song song tồn tại giữa một bên là từ đa tiết với một bên là từ đơn tiết chứng tỏ rằng hiện tượng này đã có từ lâu. Chẳng hạn:

ve ve → ve
bươm bướm → bướm
đom đóm → đóm (1)

Rất nhiều tên gọi các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo, các danh nhân, địa danh... trong tiếng Việt ngày nay đã được rút gọn lại như vậy

Đảng Cộng sản Việt Nam → Đảng
hợp tác xã → hợp

Xu hướng biến đổi một từ đơn giản thành một từ có cấu trúc phức tạp hơn, trong tiếng Việt hiện nay không thấy có. Rất có thể vì nó trái với nguyên tắc tiết kiệm mà người sử dụng ngôn ngữ thường xuyên phải tính đến.

3.2. Lâm thời phá vỡ cấu trúc của từ, phân bố lại yếu tố tạo từ với những yếu tố khác ngoài từ chen vào. Ví dụ:

khổ sở → lo khổ lo sở
ngặt nghẽo → cười ngặt cười nghẽo
danh lợi
+ ham chuộng → ham danh chuộng lợi

Sự biến đổi theo kiểu này rất đa dạng, nhằm nhiều mục đích. Cũng có khi người nói, với dụng ý ít nhiều mang tính chơi chữ, đã phá vỡ cấu trúc từ để dùng yếu tố tạo từ với tư cách như một từ. Ví dụ:

tìm hiểu → tìm mà không hiểu
đánh đổ → đánh mãi mà không đổ...


______________

Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 142–152.

(1) Đồng không con đóm lập loè (Tản Đà)
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Cụm từ cố định

Khái niệm


1. Đơn vị dùng làm chất liệu cơ sở để tạo ra câu – đơn vị giao tiếp – không phải chỉ có từ. Ngoài từ ra, còn có một loại đơn vị gọi là cụm từ cố định. Có thể nêu một khái niệm giản dị cho cụm từ cố định điển hình như sau:

Cụm từ cố định là đơn vị do một số từ hợp lại, tồn tại với tư cách một đơn vị có sẵn như từ, có thành tố cấu tạo và ngữ nghĩa cũng ổn định như từ.

Chính vì thế cụm từ cố định được gọi là đơn vị tương đương với từ. Chúng tương đương với nhau về tư cách của những đơn vị được làm sẵn trong ngôn ngữ, và tương đương với nhau về chức năng định danh, chức năng tham gia tạo câu. Chẳng hạn, các cụm từ: to hold the balance even between two paties, to speak by the book,… của tiếng Anh; ruộng cả ao liền, qua cầu rút ván, tóc rễ tre, con gái rượu,… của tiếng Việt,… đều là những cụm từ cố định. Chúng được tái hiện và tái lập cũng như các từ vậy.

2. Cụm từ cố định cần được phân biệt với những đơn vị lân cận, dễ lầm lẫn với chúng, là từ ghép và cụm từ tự do.

Trước hết, nếu so sánh một từ ghép điển hình với một cụm từ cố định điển hình ta thấy chúng đều giống nhau ở chỗ:

– Cùng có hình thức chặt chẽ, cấu trúc cố định;

– Cùng có tính thành ngữ;

– Cùng là những đơn vị làm sẵn trong ngôn ngữ.

Ví dụ: sinh viên, học tập, đỏ rực, ngon lành, hoa hồng,… ăn ốc nói mò, mặt trái xoan, vênh váo như bố vợ phải đấm,…

Ở đây, cần nói thêm về cái gọi là tính thành ngữ. Thực ra, khái niệm này chưa phải là đã tuyệt đối rõ ràng. Nói chung, thường gặp nhất là cách hiểu như nhau: Giả sử có một kết cấu X gồm các yếu tố a, b, c,… hợp thành X = a + b + c +… Nếu ý nghĩa của X mà không thể giải thích được bằng ý nghĩa của từng yếu tố a, b, c,… thì người ta bảo kết cấu X (hoặc tổ hợp X) có tính thành ngữ.

Vậy chứng tỏ rằng tính thành ngữ có các mức độ cao, thấp khác nhau trong các tổ hợp, kết cấu khác nhau, bởi vì cách tổ chức nội dung và hình thức của chúng theo những con đường, những phương sách rất khác nhau. Đối chiếu với các ví dụ nêu trên, ta sẽ thấy điều đó.

Từ ghép với cụm từ cố định phân biệt, khác nhau ở chỗ:

– Về thành tố cấu tạo: Thành tố cấu tạo của từ ghép là hình vị, còn thành tố cấu tạo của cụm từ cố định là từ. So sánh:

news + paper – newspaper
ễnh + ương – ễnh ương
speak + by + the + book – speak by the book
bán + bò + tậu + ễnh + ương – bán bò tậu ễnh ương
– Về ý nghĩa: Nghĩa của cụm từ cố định được xây dựng và tổ chức theo lối tổ chức nghĩa của cụm từ, và nói chung là mang tính hình tượng. Chính vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào bề mặt, vào nghĩa của từng thành tố cấu tạo thì nói chung là không thể hiểu được đích thực của toàn cụm từ. Ví dụ: anh hùng rơm, đồng không mông quạnh, tiếng bấc tiếng chì,…

Trong khi đó, đối với từ ghép, thì nghĩa định danh (trực tiếp hoặc gián tiếp) theo kiểu tổ chức nghĩa của từ lại là cái cốt lõi và nổi lên hàng đầu.

Ví dụ: mắt cá (chân), đầu ruồi, chân vịt, đen nhánh, xanh lè, tre pheo, thuyền trưởng,…

3. Đối với cụm từ tự do, cụm từ cố định cũng có những nét giống nhau và khác nhau.

Chúng giống nhau bởi lẽ đương nhiên thứ nhất: cả hai đều là cụm từ, được tạo lập bằng sự tổ hợp của các từ.

Nét giống nhau thứ hai là giống nhau về hình thức ngữ pháp. Điều này dẫn đến hệ quả là quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố cấu tạo cũng giống nhau. Ví dụ:

nhà ngói cây mít; nhà tranh vách đất;… (cụm từ cố định)

cháo gà cháo vịt; phở bò miến lươn;… (cụm từ tự do)

Tuy vậy, quan sát kĩ thì thấy chúng khác nhau ở những mặt quan trọng.

– Cụm từ cố định hiện diện với tư cách là đơn vị của hệ thống ngôn ngữ, ổn định và tồn tại dưới dạng làm sẵn. Trong khi đó, cụm từ tự do được đặt ra trong lời nói, trong diễn từ (discourse). Nó hợp thành đấy, rồi tan đấy, vì nó không tồn tại dưới dạng một đơn vị làm sẵn. Cụm từ tự do chỉ là một sự lấp đầu từ vào một mô hình ngữ pháp cho trước mà thôi.

– Vì tồn tại dưới dạng làm sẵn nên thành tố cấu tạo cụm từ cố định có số lượng ổn định, không thay đổi. Ngược lại, số thành tố cấu tạo cụm từ tự do có thể thay đổi tuỳ ý. Ví dụ: mẹ tròn con vuông, mồm năm miệng mười,… số thành tố cấu tạo luôn luôn ổn định. Thế nhưng, một cụm từ tự do "những người cười" chẳng hạn, có thể thêm bớt các thành tố một cách tuỳ ý để cho ta những cụm từ có kích thước khác nhau: những người này – những người chưa nói đã cười này – những người vừa mới đến mà chưa nói đã cười này,…

– Về ý nghĩa, cụm từ cố định có ý nghĩa như một chỉnh thể tương ứng với một chỉnh thể cấu trúc vật chất của nó. Có nghĩa là nó có tính thành ngữ rất cao, còn cụm từ tự do thì không như vậy. Ví dụ, chỉnh thể ý nghĩa của cụm từ cố định: rán sành ra mỡ, méo miệng đòi ăn xôi vò, say như điếu đổ,… có tính thành ngữ cao đến mức tối đa, còn những cụm từ tự do như rán mỡ, miệng cười, say thuốc lào,… thì tính thành ngữ của chúng chỉ là zero.
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Cụm từ cố định

Phân loại



Mặc dù có nhiều điểm giống nhau về nguyên tắc, nhưng cách xây dựng, tạo lập cụm từ cố định trong các ngôn ngữ khác nhau không hoàn toàn như nhau. Vì thế, cụm từ cố định trong các ngôn ngữ khác nhau có thể được phân loại khác nhau. Chẳng hạn, N.M. Shanskij (1985) đã phân loại các cụm từ cố định trong tiếng Nga hiện đại như sau:

Phân loại theo mức độ tính chất về ngữ nghĩa: tách ra 5 loại;
Phân loại theo đặc điểm các từ trong thành phần của cụm từ cố định: tác ra 4 loại;
Phân loại theo mô hình cấu trúc: tách ra 16 loại;
Phân loại theo nguồn gốc: tách ra 6 loại.
Việc nghiên cứu cụm từ cố định của tiếng Việt tuy chưa thật sâu sắc và toàn diện nhưng đã có không ít kết quả công bố trong một số giáo trình giảng dạy trong nhà trường đại học và tạp chí chuyên ngành.

Nếu tạm thời chấp nhận tên gọi mà chưa xác định n_ nội dung khái niệm của chúng, thì có thể tóm tắt một trong những bức tranh phân loại cụm từ cố định tiếng Việt như sau:


Dưới đây là một số miêu tả cụ thể:

1. Thành ngữ
1.1. Định nghĩa
Thành ngữ là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc và ý nghĩa. Nghĩa của chúng có tính hình tượng hoặc/và gợi cảm.

Ví dụ: Ba cọc ba đồng, Chó cắn áo rách, Nhà ngói cây mít, Bán bò tậu ễnh ương, Méo miệng đòi ăn xôi vò, Ông mất của kia bà chìa của nọ, Đủng đỉnh như chĩnh trôi sông,...

Các cụm từ cố định (thành ngữ) như thế đều thoả mãn định nghĩa nêu trên. Chúng là những thành ngữ điển hình.

1.2. Phân loại
Có nhiều cách phân loại thành ngữ. Trước hết, có thể dựa vào cơ chế cấu tạo (cả nội dung lẫn hình thức) để chia thành ngữ tiếng Việt ra hai loại: thành ngữ so sánh và thành ngữ miêu tả ẩn dụ.

1.2.1. Thành ngữ so sánh
Loại này bao gồm những thành ngữ có cấu trúc là một cấu trúc so sánh. Ví dụ: Lạnh như tiền, Rách như tổ đỉa, Cưới không bằng lại mặt,...

Mô hình tổng quát của thành ngữ so sánh giống như cấu trúc so sánh thông thường khác:

A ss B: Ở đây A là vế được so sánh, B là vế đưa ra để so sánh, còn ss là từ so sánh: như, bằng, tựa, hệt,...

Tuy vậy, sự hiện diện của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt khá đa dạng, không phải lúc nào ba thành phần trong cấu trúc cũng đầy đủ. Chúng có thể có các kiểu:

A.ss.B: Đây là dạng đầy đủ của thành ngữ so sánh. Ví dụ: Đắt như tôm tươi, Nhẹ tựa lông hồng, Lạnh như tiền, Dai như đỉa đói, Đủng đỉnh như chĩnh trôi sông, Lừ đừ như ông từ vào đền,...

(A).ss.B: Ở kiểu này, thành phần A của thành ngữ không nhất thiết phải có mặt. Nó thể xuất hiện hoặc không, nhưng người ta vẫn lĩnh hội ý nghĩa của thành ngữ ở dạng toàn vẹn. Ví dụ: (Rẻ) như bèo, (Chắc) như đinh đóng cột, (Vui) như mở cờ trong bụng, (To) như bồ tuột cạp, (Khinh) như rác, (Khinh) như mẻ, (Chậm) như rùa,...

ss.B: Trường hợp này, thành phần A không phải của thành ngữ. Khi đi vào hoạt động trong câu nói, thành ngữ kiểu này sẽ được nối thêm với A một cách tuỳ nghi, nhưng nhất thiết phải có. A là của câu nói và nằm ngoài thành ngữ. Ví dụ:

Ăn ở với nhau
Xử sự với nhau
Giữ ý giữ tứ với nhau
... như mẹ chồng với nàng dâu

Có thể kể ra một số thành ngữ kiểu này như: Như tằm ăn rỗi, Như vịt nghe sấm, Như con chó ba tiền, Như gà mắc tóc, Như đỉa phải vôi, Như ngậm hột thị,...

Đối với thành ngữ so sánh tiếng Việt, có thể nêu một vài nhận xét về cấu trúc của chúng như sau:

Vế A (vế được so sánh) không phải bao giờ cũng buộc phải hiện diện trên cấu trúc hình thức, nhưng nội dung của nó thì vẫn luôn luôn là cái được "nhận ra". A thường là những từ ngữ biểu thị thuộc tính, đặc trưng hoặc trạng thái hành động,... nào đó. Rất ít khi chúng ta gặp những khả năng khác.
Từ so sánh trong thành ngữ so sánh tiếng Việt phổ biến là từ như; còn những từ so sánh khác, chẳng hạn như tựa, tựa như, như thể, bằng, tày,... (Gương tày liếp, Tội tày đình, Cưới không bằng lại mặt,...) chỉ xuất hiện hết sức ít ỏi.
Vế B (vế để so sánh) luôn luôn hiện diện, một mặt để thuyết minh, làm rõ cho A, mặt khác, nhiều khi nó lại chỉ bộ lộ ý nghĩa của mình trong khi kết hợp với A, thong qua A. Ví dụ: Ý nghĩa "lạnh" của tiền chỉ bộ lộ trong Lạnh như tiền mà thôi. Các thành ngữ Nợ như chúa Chổm, Rách như tổ đỉa, Say như điếu đổ, Say khướt cò bợ,... cũng tương tự như vậy.
Mặt khác, các sự vật, hiện tượng, trạng thái,... được nêu ở B phản ánh khá rõ nét những dấu ấn về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc Việt. Đối chiếu với thành ngữ so sánh của các ngôn ngữ khác, ta dễ thấy sắc thái dân tộc của mỗi ngôn ngữ được thể hiện một phần ở đó.
Vế B có cấu trúc không thuần nhất:
B có thể là một từ. Ví dụ: Lạnh như tiền, Rách như tổ đỉa, Nợ như chúa Chổm, Đắng như bồ hòn, Rẻ như bèo, Khinh như mẻ,...
B có thể là một kết cấu chủ-vị (một mệnh đề). Ví dụ: Như đỉa phải vôi, Như chó nhai giẻ rách, Lừ đừ như ông từ vào đền, Như thầy bói xem voi, Như xầm sờ vợ,...
Ngoài những điều nói trên, khi đối chiếu các thành ngữ so sánh với cấu trúc so sánh thông thường của tiếng Việt, ta thấy:

Các cấu trúc so sánh thông thường có thể có so sánh bậc ngang hoặc so sánh bậc hơn. Ví dụ: Anh yêu em như yêu đất nước (so sánh bậc ngang), Dung biết mình đẹp hơn Mai (so sánh bậc hơn),...
Từ so sánh và các phương tiện so sánh khác (chỗ ngừng, các cặp từ phiếm định hô ứng,...) được sử dụng trong các cấu trúc so sánh thông thường, rất đa dạng: như, bằng, tựa, hệt, giống, chẳng khác gì, y như là, hơn, hơn là,...
Một vế A trong cấu trúc so sánh thông thường có thể kết hợp với một hoặc hai, thậm chí một chuỗi nhiều hơn các vế B qua sự nối kết với từ so sánh. Ví dụ:
Kết hợp với một B: Cổ tay em trắng như ngà /Đôi mắt em liếc như là dao cau.
Kết hợp với một chuỗi B: Những chị cào cào (...) khuôn mặt trái xoan như e thẹn, như làm dáng, như ngượng ngùng.
Cấu trúc so sánh thông thường rất đa dạng, trong khi đó thành ngữ so sánh ít biến dạng hơn và nếu có thì cũng biến dạng một cách giản dị như đã nêu trên. Lí do chính là ở chỗ thành ngữ so sánh là cụm từ cố định, chúng phải chặt chẽ và bền vững về mặt cấu trúc và ý nghĩa.
1.2.2. Thành ngữ miêu tả ẩn dụ
Thành ngữ miêu tả ẩn dụ là thành ngữ được xây dựng trên cơ sở miêu tả một sự kiện, một hiện tượng bằng cụm từ, nhưng biểu hiện ý nghĩa một cách ẩn dụ.

Xét về bản chất, ẩn dụ cũng là so sánh, nhưng đây là so sánh ngầm, từ so sánh không hề hiện diện. Cấu trúc bề mặt của thành ngữ loại này không phản ánh cái nghĩa đích thực của chúng. Cấu trúc đó, có chăng chỉ là cơ sở để nhận ra một nghĩa "sơ khởi", "cấp một" nào đó, rồi trên nền tảng của "nghĩa cấp một" này người ta mới rút ra, nhận ra và hiểu lấy ý nghĩa đích thức của thành ngữ.

Ví dụ: Xét thành ngữ "Ngã vào võng đào". Cấu trúc của thành ngữ này cho thấy:

– (Có người nào đó) bị ngã – tức là gặp nạn, không may;

– Ngã, nhưng rơi vào võng đào (một loại võng được coi là sang trọng, tốt và quý) tức là vẫn được đỡ bằng cái võng, êm, quý, sang, không mấy ai và không mấy lúc được ngồi, nằm ở đó.

Từ các hiểu cái nghĩa cơ sở của cấu trúc bề mặt nayf, người ta rút ra và nhận lấy ý nghĩa thực của thành ngữ như sau: Gặp tình huống tưởng như không may nhưng thực ra lại là rất may (và thích gặp tình huống đó hơn là không gặp bởi vì có lợi hơn là không gặp).

Căn cứ vào nội dung của thành ngữ miêu tả ẩn dụ kết hợp cùng với cấu trúc của chúng, có thể phân loại nhỏ hơn như sau:

Những thành ngữ miêu tả ẩn dụ nêu một sự kiện. Trong các thành ngữ này, chỉ có một sự kiện, một hiện tượng nào đó được nêu. Chính vì vậy, cũng chỉ một hình ảnh được xây dựng và phản ánh. Ví dụ: Ngã vào võng đào, Nuôi ong tay áo, Nước đổ đầu vịt, Chó có váy lĩnh, Hàng thịt nguýt hàng cá, Vải thưa che mắt thánh, Múa rìu qua mắt thợ,...

Những thành ngữ miêu tả ẩn dụ nêu hai sự kiện tương đồng. Ở đây, trong mỗi thành ngữ sẽ có hai sự kiện, hai hiện tượng được nêu, được phản ánh. Chúng tương đồng hoặc tương hợp với nhau (hiểu một cách tương đối). Ví dụ: Ba đầu sáu tay, Nói có sách mách có chứng, Ăn trên ngồi trốc, Mẹ tròn con vuông, Hòn đất ném đi hòn chì ném lại,...

Những thành ngữ miêu tả ẩn dụ nêu hai sự kiện tương phản. Ngược lại với loại trên, mỗi thành ngữ loại này cũng nêu ra hai sự kiện, hai hiện tượng tương phản nhau hoặc chí ít cũng không tương hợp nhau. Ví dụ: Các thành ngữ Một vốn bốn lời, Méo miệng đòi ăn xôi vò, Miệng thơn thớt dạ ớt ngâm, Bán bò tậu ễnh ương, Xấu máu đòi ăn của độc,...

Bên cạnh việc phân loại thành ngữ tiếng Việt theo cơ chế cấu tạo và cấu trúc, còn có thể phân loại chúng theo số tiếng. Một nét nổi bật đáng chú ý ở đây là các thành ngữ có số tiếng chẵn (bốn tiếng, sáu tiếng, tám tiếng) chiếm ưu thế áp đảo về số lượng (xấp xỉ 85%). Điều này có cơ sở của nó. Người Việt rất ưu lối nói cân đối nhịp nhàng và hài hoà về âm điệu. N_ ở bậc từ ta cũng thấy rằng hiện nay các từ song tiết (hai tiếng) chiếm tỉ lệ hơn hẳn các loại khác.

Và đến lượt mình, tỉ lệ 85% thành ngữ đó gây nên một áp lực về số lượng, khiến cho những cụm từ như: Trăng tủi hoa sầu, Tan cửa nát nhà, Tháng đợi năm chờ, Ăn gió nằm mưa, Lót đó luồn đây, Gìn vàng giữ ngọc,... nhanh chóng mang dáng dấp của các thành ngữ và rất hay được sử dụng.

2. Quán ngữ
Quán ngữ là những cụm từ được dùng lặp đi lặp lại trong các loại diễn từ (discourse) thuộc phong cách khác nhau. Chức năng của chúng là để đưa đẩy, rào đón, để nhấn mạnh hoặc để liên kết trong diễn từ.

Ví dụ: Của đáng tội, (Nói) bỏ ngoài tai, Nói tóm lại, Kết cục là, Nói cách khác,...

Thật ra, tính thành ngữ và tính ổn định cấu trúc của quán ngữ không được như thành ngữ. Dạng vẻ của cụm từ tự do còn in đậm trong các cụm từ cố định thuộc loại này. Chỉ có điều, do nội dung biểu thị của chúng được người ta thường xuyên nhắc đến cho nên hình thức và cấu trúc của chúng cũng tự nhiên ổn định dần lại và rồi người ta quen dùng như một đơn vị có sẵn.

Có thể phân loại các quán ngữ của tiếng Việt dựa vào phạm vi và tính chất phong cách của chúng, như sau:

Những quán ngữ hay dùng trong phong cách hội thoại, khẩu ngữ: Của đáng tội, Khí vô phép, Khổ một nỗi là, (Nói) bỏ ngoài tai, Nói dại đổ đi, Còn mồ ma, Nó chết (một) cái là, Nói (...) bỏ quá cho, Cắn rơm cắn cỏ, Chẳng nước non gì, Đùng một cái, Chẳng ra chó gì, Nói trộm bóng vía,...

Những quán ngữ hay dùng trong phong cách viết (khoa học, chính luận,...) hoặc diễn giảng như: Nói tóm lại, Có thể nghĩ rằng, Ngược lại, Một mặt thì, Mặt khác thì, Có nghĩa là, Như trên đã nói, Có thể cho rằng, Như sau, Như dưới đây, Như đã nêu trên, Sự thực là, Vấn đề là ở chỗ,...

Khó lòng có thể phân tích, phân loại quán ngữ theo cơ chế cấu tạo hoặc cấu trúc nội tại của chúng. Tuy nhiên, sự tồn tại của những đơn vị gọi là quán ngữ không thể bỏ qua được, và chức năng của chúng có thể chứng minh được không khó khăn gì. Tình trạng đa tạp và đầy biến động của các quán ngữ cũng như những đặc trưng bản tính của chúng, khiến cho ta nếu nghiêm ngặt thì phải nghĩ rằng: chúng đứng ở vị trí trung gian giữa cụm từ tự do với cụm từ cố định chứ không hoàn toàn nghiêng hẳn về một bên nào, mặc dù ở từng quán ngữ cụ thể, có thể nặng về bên này mà nhẹ về bên kia một chút hay ngược lại.

3. Ngữ cố định định danh
3.1. Tên gọi này chúng ta tạm dùng (vì nó chưa thật chặt về nội dung) để chỉ những đơn vị vốn ổn định về cấu trúc và ý nghĩa hơn các quán ngữ rất nhiều, nhưng lại chưa có được ý nghĩa mang tính hình tượng như thành ngữ.

Chúng thực sự là các cụm từ cố định, nhưng được tạo dựng theo cách gần như cách tạo những từ ghép mà người ta vẫn hay gọi là từ ghép chính phụ. Chẳng hạn: Quân sư quạt mo, Anh hùng rơm, Kỉ luật sắt, Tuần trăng mật, Con gái rượu, Giọng ông kễnh, Tóc rễ tre, Mắt ốc nhồi, Má bánh đúc, Mũi dọc dừa,...

3.2. Thực chất đó là những cụm từ cố định, định danh, gọi tên sự vật. Trong mỗi cụm từ như vậy thường có một thành tố chính và một vài thành tố phụ miêu tả sự vật được nêu ở thành tố chính. Nó miêu tả chủ yếu bằng con đường so sánh nhưng không hề có từ so sánh. Thành tố chính thường bao giờ cũng là thành tố gọi tên.

Con đường tạo dựng những cụm từ như: Lông mày lá liễu, Lông mày sâu róm, Mắt lá răm, Mắt ốc nhồi, Mắt lợn luộc, Mắt bồ câu, Mắt lươn,... gần như đồng hình với con đường tạo dựng các từ ghép: đen xì, đen sẫm, đen trũi, đen láy, đen nhánh, đen xỉn,...

Chính bởi vậy, ở đây có hai xu hướng chuyển di ngược chiều nhau và thâm nhập vào nhau. Một số thành ngữ so sánh bị khử từ so sánh dễ được nhập vào số những cụm từ kiểu này: Ngang cành bứa, Cay xé, Dẻo kẹo, Đen thui, Trẻ măng,... Ngược lại, một số cụm từ vốn được tạo ra theo kiểu này, nhưng vì tính thành ngữ, tính hình tượng đạt tới mức độ gần tương đương với các thành ngữ thực sự, lai rất có thể dễ được nhận vào hàng ngũ của các thành ngữ: Ví dụ: Tuần trăng mật, Kỉ luật sắt, Con gái rượu, Sách gối đầu giường, Hòn đá thử vàng, Bạn nối khố, Thẳng ruột ngựa, Toạc móng héo,...

3.3. Các ngữ cố định định danh thường tập trung với mật độ khá đậm ở khu vực tên gọi các bộ phận cơ thể con người như: Tóc rễ tre, Lông mày lá liễu, Lông mày sâu róm, Mắt lá răm, Mắt bồ câu, Mắt ốc nhồi, Râu ngạnh trê, Má bánh đúc, Mặt trái xoan, Mũi dọc dừa, Mồm cá ngão, Răng cải mả, Chân vòng kiềng, Chân chữ bát, Mặt lưỡi cày, Bụng cóc, Mình trắm,...

Một số ít hơn là tên gọi của các sự vật khác hoặc tên gọi của một trạng thái, thuộc tính. Chẳng hạn: Giọng ông kễnh, Đá tai mèo, Kỉ luật sắt, Gót sắt, Con gái rượu, Bạn áo ngắn, Sách gối đầu giường, Hòn đá thử vàng, Bạn nối khố, Cười cầu tài, Tấm lòng vàng, Bạn vàng, Toạc móng heo, Thẳng ruột ngựa,...

Rõ ràng là cơ chế cấu tạo những cụm từ trên đây không khác những cụm từ làm tên gọi cho một số sự vật, hiện tượng như: Than quả bàng, Bánh ca vát, Máy bay chuồn chuồn, Chuối tay bụt,... Chỉ có điều, tính thành ngữ của những cụm từ như thế thấp đến tận cùng mà thôi.

3.4. Cũng như tình trạng của quán ngữ, các cụm từ là ngữ cố định định danh có những biểu hiện không đồng đều nhau ở điểm này hoặc điểm khác. Rõ ràng là, nhìn chung, chúng ổn định cả cấu trúc lẫn ngữ nghĩa. Nhưng tính thành ngữ thì lại kém, thậm chí kém xa hoặc rất xa so với những thành ngữ chân chính. Tuy nhiên, chúng cũng không phải là từ ghép, nếu xét về bậc được cấu tạo. Chỉ có điều, việc cơ chế cấu tạo của chúng có phần giống với các từ ghép chính phục thì chúng ta phải thừa nhận.

Ở những mức độ khác nhau, chúng hiện diện như là đơn vị đứng giữa cụm từ cố định-thành ngữ với từ ghép.

4. Những hiện tượng trung gian
Việc phân loại các cụm từ cố định tiếng Việt như vừa trình bày trên đây không phải là đã vạch ra những ranh giới tuyệt đối giữa các loại, và không phải các đơn vị trong mỗi loại đều thể hiện những thuộc tính thuần khiết của loại. Chúng ta đã thấy là quán ngữ ít nhiều mang tính chất trung gian giữa cụm từ cố định với cụm từ tự do, còn ngữ cố định định danh thì có tính trung gian giữa cụm từ cố định với từ ghép.

Mặc dầu vậy, chúng vẫn là những cụm từ có tính cố định. Chỉ có điều tính cố định đó cao hay thấp, nhiều hay ít mà thôi.

Có thể coi các cụm từ cố định tiếng Việt có vùng tâm và vùng biên, có đơn vị điển hình và đơn vị không điển hình. Thành ngữ chắc chắn thuộc vùng trung tâm.

Thế nhưng, n_ ở khu vực thành ngữ cũng có những đơn vị trung gian được cấu tạo theo lối thành ngữ nhưng tính tự do, kém ổn định vẫn còn rõ nét.

Có những đơn vị đã đạt được tính thành ngữ khá cao nhưng tính bền chắc, tính chỉnh thể về cấu trúc lại còn kém ổn định. Nghĩa là số thành tố cấu tạo nên chúng có thể còn tăng hay giảm được một cách tuỳ nghi.

Rất nhiều cụm từ cấu tạo theo kiểu thành ngữ so sánh, là như thế: Nhức như búa bổ, Đắt như vàng, Gầy như gọng vó, Buồn như cha chết, Hôi như chuột chù, Bẩn như hủi, Lôi thôi như ổ chó,...

Ngược lại, có những đơn vị khác, tính ổ định về cấu trúc khá bảo đảm, tức là không thể thêm bớt các thành tố cấu tạo một cách tuỳ nghi, nhưng tính thành ngữ, tính nhất thể về nghĩa vẫn chưa cao. Nghĩa của cả cụm từ vẫn là nghĩa được hiểu nhờ từng thành tố cộng lại. Ví dụ: Bàn mưu tính kế, Đi ra đi vào, Buôn gian bán lận, Suy đi tính lại, Nghĩ tới nghĩ lui, Gìn vàng giữ ngọc, Trăng tủi hoa sầu, Chân mây cuối trời, Than thân trách phận, Ăn thô nói tục, Yêu trẻ kính già,...

Những đơn vị như thế, đã, đang và chắc sẽ còn được tạo lập trong tiếng Việt. Đó là những sản phẩm được tạo ra trong đời sống hoạt động ngôn ngữ. Trả lời cho câu hỏi "Chúng có trở thành thành ngữ hay không?" thật là khó. Hẳn rằng còn phải qua thời gian, qua thực tế sử dụng, qua rất nhiều tác động của các nhân tố trong và ngoài ngôn ngữ nữa,... mới có thể kết luận được.

[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Khái niệm về nghĩa của từ


Lưỡng phân ngôn ngữ, ta nhận ra hai mặt của nó: mặt biểu hiện (âm thanh) và mặt được biểu hiện (nội dung). Nghĩa của từ thuộc về mặt thứ hai.

Vì dụ: Từ CÂY trong tiếng Việt có vỏ ngữ âm như đã đọc lên ([kej1]), và từ này có nội dung, có nghĩa của nó.

1. Khái niệm nghĩa (sense) của từ đã được nêu ra từ lâu và cũng đã có nhiều cách hiểu, nhiều định nghĩa khác nhau. Tuy vậy, việc nêu lại và bình luận các quan niệm về nghĩa, chúng ta đành tạm gác sang một bên và cho cách trình bày ở đây đỡ cồng kềnh, phức tạp.

2. Để trả lời câu hỏi chính "Nghĩa của từ là gì?", trước hết ta phải trở lại với bản chất tín hiệu của từ. Từ là tín hiệu, nó phải "nói lên", phải đại diện cho, phải được người sử dụng quy chiếu về một cái gì đó.

2.1. Khi một người nghe hoặc nói một từ nào đó, mà anh ta quy chiếu, gắn vào đúng sự vật có tên gọi là từ đó như cả cộng đồng xã hội vẫn gọi; đồng thời, ít nhiều anh ta cũng biết được những đặc trưng cơ bản nhất của sự vật đó, và anh ta sử dụng từ đó trong giao tiếp đúng với các mẹo luật mà ngôn ngữ có từ đó cho phép; ta nói rằng anh ta đã hiểu nghĩa của từ đó.

Ví dụ: Một người Việt hoặc không phải là người Việt, nói hoặc nghe một từ, như CÂY chẳng hạn, mà anh ta có thể:

Quy chiếu, gắn được từ "cây"vào mọi cái cây bất kì trong thực tại đời sống;
Ít nhiều cũng biết được đại khái như: cây là loài thực vật mà phần thân, lá đã phân biệt rõ, ví dụ như: cây mía, cây tre,...
Dùng từ "cây" trong giao tiếp, phát ngôn,... đúng với quy tắc ngữ pháp tiếng Việt.
Ta nói được rằng: Anh ta hiểu nghĩa của từ CÂY trong tiếng Việt.

Cho tới nay, đa số các nhà nghiên cứu đều quan niệm nghĩa của từ là những liên hệ. Tuy nhiên, đó không phải là những liên hệ logic tất yếu, mà là những liên hệ phản ánh, mang tính quy ước, được xây dựng bởi những cộng đồng người bản ngữ.

Mỗi khi học nghĩa của một từ, cúng ta đều học bằng cách liên hội từ với những cái mà nó chỉ ra (trước hết là sự vật, hiện tượng, hành động, hoặc thuộc tính,... mà từ đó làm tên gọi cho nó). Mặt khác, nghĩa của từ cùng được học thông qua hoặc liên quan với vô vàn tình huống giao tiếp ngôn ngữ mà từ đó được sử dụng.

Thuở nhỏ, ta thấy một cái cây bất kì chẳng hạn, ta hỏi đó là cái gì và được trả lời đó là là cái cây. Dần dần, nay với cây này, mai với cây khác, ta liên hội được từ CÂY của tiếng Việt với chúng. Thế rồi, bước tiếp theo nữa, ta dùng được từ "cây" trong các phát ngôn như trồng cây, chặt cây, tưới cây, cây đổ, cây cau, cây hoa,... và tiến tới hiểu cây là loài thực vật, có thân, rễ, lá, hoặc hoa, quả,... Vậy là ta đã hiểu được nghĩa của từ CÂY.

Đến đây, có thể phát biểu vắn tắt lại như sau: Nói chung, nghĩa của từ là những liên hệ được xác lập trong nhận thức của chúng ta giữa những cái mà nó (từ) chỉ ra (những cái mà nó làm tín hiệu cho).

2.2. Câu hỏi tiếp theo là: Nghĩa của từ tồn tại ở đâu?

Ta đã thừa nhận và chứng minh bản chất tín hiệu của từ, rằng nó có hai mặt: mặt hình thức vật chất âm thanh và mặt nội dung ý nghĩa. Hai mặt này gắn bó với nhau như hai mặt của một tờ giấy, nếu không có mặt này thì cũng không có mặt kia. Vậy nghĩa của từ tồn tại trong từ, nói rộng ra là trong hệ thống ngôn ngữ. Nó là cái phần nửa làm cho ngôn ngữ nói chung và từ nói riêng, trở thành những thực thể vật chất-tính thần.

Nghĩa của từ không tồn tại trong ý thức, trong bộ óc của con người. Trong ý thức, trong tư duy của con người chỉ có những hoạt động nhận thức, hoạt động tư duy,... mà thôi. Điều này ngụ ý rằng: Trong ý thức, trong bộ óc trí tuệ của con người chỉ tồn tại sự hiểu biết về nghĩa của từ chứ không phải là nghĩa của từ.

Từ những điều trên đây, suy tiếp ra rằng những lời trình bày, giải thích trong từ điển, cái mà ta vẫn quen gọi là của từ trong từ điển, thực chất là những lời trình bày tương đối đồng hình với sự hiểu biết của ta về nghĩa của từ mà thôi.

3. Từ có liên hệ với nhiều nhân tố, nhiều hiện tượng. Bởi thế nghĩa của từ cũng không phải chỉ có một thành phần, một kiểu loại. Khi nói về nghĩa của từ, người ta thường phân biệt các thành phần nghĩa sau đây:

3.1. Nghĩa biểu vật (denotative meaning): Là liên hệ giữa từ với sự vật (hoặc hiện tượng, thuộc tính, hành động,...) mà nó chỉ ra. Bản thân sự vật, hiện tượng, thuộc tính, hành động,... đó, người ta gọi là biểu vật hay cái biểu vật (denotat). Biểu vật có thể hiện thực hoặc phi hiện thực, hữu hình hay vô hình, có bản chất vật chất hoặc phi vật chất. Ví dụ: đất, trời, mưa, nắng, nóng, lạnh, ma, quỷ, thánh, thàn, thiên đường, địa ngục,...

3.2. Nghĩa biểu niệm (significative meaning): Là liên hệ giữa từ với ý (hoặc ý nghĩa, ý niệm – signification – nếu chúng ta không cần phân biệt nghiêm ngặt mấy tên gọi này). Cái ý đó người ta gọi là cái biểu niệm hoặc biểu niệm (sự phản ánh các thuộc tính của biểu vật vào trong ý thức của con người).

3.3. Ngoài hai thành phần nghĩa trên đây, khi xác định nghĩa của từ, người ta còn phân biệt hai thành phần nghĩa nữa. Đó là nghĩa ngữ dụng và nghĩa cấu trúc.

Nghĩa ngữ dụng (pragmatical meaning), còn được gọi là nghĩa biểu thái, nghĩa hàm chỉ (connotative meaning), là mối liên hệ giữa từ với thái độ chủ quan, cảm xúc của người nói.

Nghĩa cấu trúc (structural meaning) là mối quan hệ giữa từ với các từ khác trong hệ thống từ vựng. Quan hệ giữa từ này với từ khác thể hiện trên hai trục: trục đối vị (paradigmatical axis) và trục ngữ đoạn (syntagmatical axis). Quan hệ trên trục đối vị cho ta xác định được giá trị của từ, khu biệt từ này với từ khác, còn quan hệ trên trục ngữ đoạn cho ta xác định được ngữ trị (valence) – khả năng kết hợp – của từ.

Thật ra, những phân biệt như trên là cần thiết và hợp lí, nhưng không phải các thành phần đó hiện diện trong mỗi từ bao giờ cũng đồng đều và rõ ràng như nhau. Vì thế, trong từ vựng-ngữ nghĩa học, nhiều khi người ta chỉ nhắc đến nghĩa ngữ dụng, nghĩa cấu trúc, thậm chí cả nghĩa biểu vật nữa, nhưng những xác nhận về sự tồn tại của chúng hơn là phân tích, chứng minh cho thật minh bạch.

4. Đối với từ vựng-ngữ nghĩa học, cái quan trọng nổi lên hàng đầu là nghĩa biểu niệm. Cần phải hiểu mối liên hệ mà chúng ta nói tới trong quan niệm về nghĩa của từ ở đây chính là mối liên hệ chỉ xuất, mối liên hệ phản ánh, cho nên nghĩa biểu hiện cũng có thể hiểu là sự phản ánh sự vật-biểu vật (đúng hơn là phản ánh các thuộc tính, các đặc trưng của chúng) trong ý thức con người, được tiến hành bằng từ.

Trọng tâm chú ý phân tích, miêu tả của từ vựng-ngữ nghĩa học là nghĩa biểu niệm chứ không phải là các thành phần khác (Chúng chỉ được lưu ý trong những trường hợp cần thiết mà thôi). Vì vậy, ở đây khi không thật bắt buộc phải xác định rành mạch về mặt thuật ngữ, thì chúng ta sẽ nói đến nghĩa với nội dung được hiểu là nghĩa biểu niệm cho giản tiện.

5. Cần phân biệt nghĩa của từ với khái niệm. Nghĩa và khái niệm gắn bó với nhau rất mật thiết, nưhng nói chung là chúng không trùng nhau.

Khái niệm là một kết quả của quá trình nhận thức, phản ánh những đặc trưng chung nhất, khái quát nhất và bản chất nhất của sự vật, hiện tượng. Người ta có được khái niệm chủ yếu là nhờ những khám phá, tìm tòi khoa học. Nội dung của một khái niệm có thể rất rộng, rất sâu, tiệm cận tới chân lí khoa học, và có thể được diễn đạt bằng hàng loạt những ý kiến nhận xét. Mặt khác, rõ ràng là không phải khái niệm nào cũng được phản ánh bằng từ mà nó có thể được biểu hiện bằng hơn một từ. Ví dụ: nước cứng, tổ hợp quỹ đạo, mặt gặt đập liên hợp, công nghệ sinh học[1],...

Nghĩa của từ cũng phản ánh những đặc trưng chung, khái quát của sự vật, hiện tượng do con người nhận thức được trong đời sống thực tiễn tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, nó có thể chưa phải là kết quả của nhận thức đã tiệm cận đến chân lí khoa học. Vì thế, sự vật, hiện tượng nào mà càng ít được nghiênc cứu, phám phá thì nhận thức về nó được phản ánh trong nghĩa của từ gọi tên nó càng xa với khái niệm khoa học.

Bên cạnh đó, ta thấy rằng, không phải từ nào cũng phản ánh khái niệm (các thán từ và các từ công cụ ngữ pháp chẳng hạn) và trong nghĩa của từ còn có thể hàm chứa cả sự đánh giá về mặt này hay mặt khác, có thể chứa cả cảm xúc và thái độ của con người,...

Để tiện so sánh, chúng ta phân tích từ nước của tiếng Việt. Khái niệm khoa học về nước là: Hợp chất của ôxi và hiđrô mà trong thành phần của mỗi phân tử nước có hai nguyên tử hiđrô và mọt nguyên tử ôxi.

Nghĩa "nôm" của từ nước có thể được miêu tả dưới dạng từ điển ngắn gọn là: Chất lỏng không màu, không mùi và hầu như không vị, có sẵn trong ao hồ, sông suối,...

Miêu tả như thế thật ra là chưa đủ. Rất nhiều thứ, loại (biểu vật) được người Việt quy về loại nước mà chả cần chúng đảm bảo thuộc tính lỏng, còn có nước nhiều hay ít, mùi vị thế nào, thậm chí có nước hay không,... điều đó không quan trọng. Chẳng hạn: nước biển, nước mắm, nước xốt, nước dứa, nước ép hoa quả,...

phở nước (đối lập với phở xào)
mỡ nước (đối lập với mỡ khổ)
nước gang (gang lỏng – Ví dụ: Đổ nước gang vào khuôn đúc)

nước dãi, nước bọt, nước mắt, nước giải, nước ối…

Phân tích như trên đây chứng tỏ rằng nghĩa và khái niệm không đồng nhất. Đó là nói về các từ nói chung. Đối với nhiều thuật ngữ khoa học, sự phân biệt giữa nghĩa và khái niệm không cần đặt ra nữa: chúng đã tiệm cận đến giới hạn của nhau.
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Cơ cấu nghĩa của từ


1. Một từ có thể có một hoặc nhiều nghĩa, nhưng đó không phải là những tổ chức lộn xộn.

Nếu là một từ nhiều nghĩa (đa nghĩa) thì các nghĩa đó của từ có quan hệ với nhau, được sắp xếp theo những cơ cấu tổ chức nhất định.

Trong từng nghĩa của mỗi từ cũng vậy, chúng gốm những thành tố nhỏ hơn, có thể phân tích ra được (dưới đây sẽ gọi là các nghĩa tố – seme) và cũng được sắp xếp theo một tổ chức nào đó.

Như vậy, xét cơ cấu nghĩa của từ là ta xác định xem từ đó có bao nhiêu nghĩa, mỗi nghĩa có bao nhiêu thành tố nhỏ hơn, và tất cả chúng được sắp xếp trong quan hệ với nhau như thế nào.

2. Mỗi một nghĩa thường gồm một số nghĩa tố được tổ chức lại.

Nghĩa tố được hiểu là một dấu hiệu logic ứng với một thuộc tính chung của sự vật, hiện tượng (biểu vật) được đưa vào nghĩa biểu niệm...

Đó cũng chính là "yếu tố ngữ nghĩa chung của các từ thuộc cũng một nhóm từ hoặc riêng cho nghĩa của một từ đối lập với nghĩa của những từ khác trong cùng một nhóm"(1).

Ví dụ, một nghĩa của từ chân trong tiếng Việt được phân tích là: bộ phận thân thể động vật (ở phía dưới cùng) để đỡ thân thể đứng yên hoặc vận động dời chỗ.

Trong nghĩa này, có ba dấu hiệu logic của sự vật ứng với ba thuộc tính chung của nó, đã được đưa vào. Đó là ba nghĩa tố của một nghĩa trong từ chân.

Ba nghĩa tố trên đây được phát hiện thông qua sự tập hợp và so sánh với các từ khác: tay, đầu, vai, ngực, bụng, lưng,...

Nghĩa tố "bộ phận thân thể động vật" chung cho mọi từ trong nhóm.

Hai nghĩa tố còn lại được phát hiện thông qua so sánh với các từ trong nhóm để thấy những khác biệt trong dấu hiệu logic về vị trí, chức năng của sự vật được gọi tên (biểu vật).

Ta có thể hình dung một tập hợp các nghĩa tố của nghĩa nghĩa cũng tương tự như một tập hợp các nét khu biệt của một âm vị vậy. Chỉ có điều ở đây, các nghĩa tố nằm trong tương quan giả định lẫn nhau và thuyết minh cho nhau. Chúng quan hệ thứ tự, tôn tri trong tổ chức nghĩa. Ví dụ: Trong nghĩa của từ "chân" vừa phân tích, ta có ba nghĩa tố gọi theo thứ tự là a. b. c.

Tuy nhiên, đó không phải là thứ tự thời gian, tuyến tính, mà thứ tự từ cái lớn đến cái nhỏ, từ cái cần yếu nhất đến cái ít cần yếu hơn... Điều này được miêu tả lại trong từ điển như một "phổ" của những lời giải nghĩa vậy.

Việc phân tích nghĩa của từ cho đến những thành tố cuối cùng không còn có thể phân tích tiếp tục nữa (tức là phân tích cho hết được các nghĩa tố cần yếu) là một yêu cầu bắt buộc về mặt nguyên tắc. Thế nhưng, trên thực tế, cho tới nay vẫn chưa có được một phương pháp tổng quát đủ mạnh để cho pháp xác định trong số các "dấu hiệu logic" cái nào được coi là nghĩa tố, còn cái nào thì không. Bởi thế, khi phân tích nghĩa tư, có lúc chúng ta buộc phải có những biện luận riêng cho từng nhóm, thậm chí từng từ.

3. Ở điểm 1, chúng ta đã nói rằng một từ có thể đơn nghĩa hoặc đa nghĩa. Tính đa nghĩa của ngôn ngữ ở cấp độ từ thể hiện qua từ đa nghĩa. Quan hệ đa nghĩa là một trong những dạng quan trọng nhất thuộc các kiểu quan hệ ngữ nghĩa trong từ.

3.1. Có thể định nghĩa về từ đa nghĩa như sau: Từ đa nghĩa là những từ có một số nghĩa biểu thị những đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hoặc biểu thị những đối tượng khác nhau của thực tại.

Ví dụ: Động từ che trong tiếng Việt có hai nghĩa. Động từ ăn có 12 nghĩa... (Từ điển tiếng Việt. Hà Nội, 1988). Chúng là các từ đa nghĩa.

Với tư cách là đơn vị định danh, từ đa nghĩa cho ta thấy rằng: Từ có thể di chuyển từ chỗ gọi tên cho đối tượng này sang gọi tên cho đối tượng khác, từ chỗ có nghĩa này, có thể có thêm nghĩa khác:

Từ → → Đối tượng 1
→ Đối tượng 2
(...)
→ Đối tượng n —


— Nghĩa 1
Nghĩa 2

Nghĩa n

Sự "di chuyển" đó có nguyên nhân ở nhận thức của người bản ngữ và tính chất tiết kiệm trong ngôn ngữ. Hai nhân tố này tác động và ảnh hưởng lẫn nhau đã dẫn đến việc tạo lập từ đa nghĩa của từ vựng.

3.2. Các nghĩa của từ đa nghĩa được xây dựng và tổ chức theo những cách thức, trật tự nhất định. Vì vậy, người ta cũng có thể phân loại chúng. Có nhiều cách phân loại, nhưng thường gặp nhất là những lưỡng phân quan trọng như sau:

3.2.1. Nghĩa gốc – Nghĩa phái sinh

Lưỡng phân này dựa vào tiêu chí nguồn gốc của nghĩa. Nghĩa gốc được hiểu là nghĩa đầu tiên hoặc nghĩa có trước, trên cơ sở nghĩa đó mà người ta xây dựng nên nghĩa khác. Ví dụ với từ chân:

(1) Bộ phận thân thể động vật ở phía dưới cùng, để đỡ thân thể đứng yên hoặc vận động rời chỗ;

(2) Cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức (có chân trong ban quản trị).

(...)

Nghĩa 1 của từ chân ở đây là nghĩa gốc. Từ nghĩa 1 người ta xây dựng nên các nghĩa khác của từ này bằng những con đường, cách thức khác nhau.

Nghĩa gốc thường là nghĩa không giải thích được lí do, và có thể được nhận ra một cách độc lập không cần thông qua nghĩa khác.

Nghĩa phái sinh là nghĩa được hình thành dựa trên cơ sở nghĩa gốc, và vì vậy chúng thường là nghĩa có lí do, và được nhận ra qua nghĩa gốc của từ.

Nghĩa 2 của từ chân vừa nêu là một ví dụ về nghĩa phái sinh.

3.2.2. Nghĩa tự do – Nghĩa hạn chế

Lưỡng phân này một mặt dựa vào mối liên hệ giữa từ (với tư cách là tên gọi) với đối tượng, mặt khác, là khả năng bộc lộ của nghĩa trong những hoàn cảnh khác nhau mà từ xuất hiện.

Nếu một nghĩa được bộc lộ trong mọi hoàn cảnh, không lệ thuộc vào một hoàn cảnh bắt buộc nào, thì nghĩa đó được gọi là nghĩa tự do.

Xét từ SẮT trong tiếng Việt, nó có nghĩa: Kim loại – rắn, cứng – màu sáng – tỉ khối 7,88 – nóng chảy ở nhiệt độ 15350C.

Nghĩa này là nghĩa tự do vì được bộ lộ trong mọi hoàn cảnh: Giường sắt, Mua sắt, Có công mài sắt có ngày nên kim,...

Ngược lại, nếu một nghĩa chỉ được bộc lộ trong một (hoặc vài) hoàn cảnh bắt buộc thì nghĩa đó được gọi là nghĩa hạn chế. Ví dụ: Ngoài nghĩa vừa nêu, từ SẮT còn bộc lộ nghĩa "Nghiêm ngặt, cứng rắn, và buộc phải làm theo" trong hoàn cảnh hạn chế: kỉ luật sắt hoặc bàn tay sắt.

Từ mùi với nghĩa "hơi ngửi thấy nói chung" và nghĩa "mùi thiu, ôi, khó chịu (thịt có mùi)" cũng là trường hợp như vậy.

3.2.3. Nghĩa trực tiếp – Nghĩa gián tiếp

Hai loại nghĩa này được phân biệt dựa vào mối liên hệ định danh giữa từ với đối tượng.

Nếu một nghĩa trực tiếp phản ánh đối tượng, làm cho từ gọi tên sự vật một cách trực tiếp, thì người ta gọi đó là nghĩa trực tiếp (hay còn gọi là nghĩa đen).

Ví dụ: Nghĩa thứ nhất của từ chân và từ sắt, như vừa nói ở trên, là những nghĩa trực tiếp.

Nếu một nghĩa gián tiếp phản ánh đối tượng, làm cho từ gọi tên sự vật một cách gián tiếp (thường thông qua hình tượng hoặc nét đặc thù của nó), thì người ta bảo nghĩa đó là nghĩa chuyển tiếp (hay còn gọi là nghĩa bóng).

Chẳng hạn, xét từ bụng trong tiếng Việt. Từ này có một nghĩa là ý nghĩ, tình cảm, tâm lí, ý chí của con người. Nghĩa này là nghĩa chuyển tiếp (nghĩa bóng). Người Việt thường nói: Bụng bảo dạ, Suy bụng ta ra bụng người, Con người tốt bụng,...

Trong khi đó, nghĩa trực tiếp của từ bụng phải là "Bộ phận cơ thể người, động vật, trong đó chứa ruột, dạ dày...". Ví dụ: Người ta vẫn nói: Mổ bụng moi gan, Bụng mang dạ chửa, No bụng đói con mắt,...

3.2.4. Nghĩa thường trực – Nghĩa không thường trực

Lưỡng phân này dựa vào tiêu chí: Nghĩa đang xét đã nằm trong cơ cấu chung ổn định của nghĩa từ hay chưa.

Một nghĩa được coi là nghĩa thường trực, nếu nó đã đi vào cơ cấu chung ổn định của nghĩa từ và được nhận thức một cách ổn định, như nhau trong các hoàn cảnh khác nhau.

Ví dụ: Các nghĩa đưa ra xét của các từ chân, bụng, sắt đã nêu bên trên, đều là nghĩa thường trực. Chúng đã nằm trong cơ cấu nghĩa của các từ đó một cách rất ổn định, thường trực.

Ngược lại, nếu có một nghĩa bất chợt nảy sinh tại một hoàn cảnh nào đó trong quá trình sử dụng, sáng tạo ngôn ngữ, nó chưa hề đi vào cơ cấu ổn định, vững chắc của nghĩa từ, thì nghĩa đó được gọi là nghĩa không thường trực của từ. Loại nghĩa này cũng còn được gọi là nghĩa ngữ cảnh.

Ví dụ: Tên gọi áo trắng chỉ có nghĩa là thầy thuốc hoặc nhân viên y tế nói chung trong những hoàn cảnh nói như sau:

Đây tôi sống những tháng ngày nhân hậu nhất
Mỗi mai hồng áo trắng đến thăm tôi.
(Chế Lan Viên)

Trong khi đó, áo trắng trong hoàn cảnh nói sau đây lại không phải vậy:

Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu
(Nguyễn Duy)

Những lưỡng phân trên đây chưa phải là toàn bộ sự phân loại nghĩa của từ, nhưng đó là những lưỡng phân quan trọng. Chúng sẽ được vận dụng như những tiêu chí cần thiết trong khi phân tích để nhận diện, chia tách nghĩa của từ đa nghĩa cho hợp lí.

3.3. Để xây dựng, phát triển thêm nghĩa của các từ, trong ngôn ngữ có nhiều cách. Tuy nhiên, có hai cách quan trọng nhất thường gặp trong các ngôn ngữ là: chuyển nghĩa ẩn dụ (metaphor) và chuyển nghĩa hoán dụ (metonymy).

3.3.1. Ẩn dụ

Ẩn dụ là một phương thức chuyển tên gọi dựa trên sự liên tưởng, so sánh những mặt, những thuộc tính,... giống nhau giữa các đối tượng được gọi tên.

Có thể diễn giải định nghĩa này như sau:

Giả sử ta co từ T với tên gọi cho đối tượng Đ1 (và lẽ đương nhiên, T có nghĩa S1).

Khi cần gọi tên cho một đối tượng Đ2 nào đó, mà người ta thấy giữa Đ1 và Đ2 có những đường nét, những mặt nào đó giống nhau, người ta có thể dùng T để gọi tên luôn cho cả Đ2. Lúc này, một nghĩa S2 tương ứng được xác lập trong T.

Chúng ta nói rằng ở đây đã diễn ra một phép ẩn dụ.

andu_mohinh.png


Ví dụ: Từ CÁNH trong tiếng Việt có nhiều nghĩa. Khi định danh cho cánh chim, cánh chuồn chuồn, cánh bướm,... nó có nghĩa là: Bộ phận dùng để bay của chim, dơi, côn trùng; có hình tấm, rộng bản, tạo thành đôi đối xứng ở hai bên thân và có thể khép vào, mở ra.

Trên cơ sở so sánh nhiều sự vật khác có hình dạng tương tự (hoặc người Việt liên tưởng và cho là chúng tương tự nhau), người ta đã đã chuyển CÁNH sang gọi tên cho những bộ phận giống hình cánh chim ở một vật: cánh máy bay, cánh quạt, cánh hoa; cánh chong chóng, cánh cửa, ngôi sao năm cánh; kề vai sát cánh đấu tranh, cánh tay, cánh buồn; cánh rừng, cánh đồng, cánh quân,... (những tên gọi về sau này đã khác rất xa so với cánh chim).

3.3.2. Hoán dụ

Hoán dụ là một phương thức chuyển tên gọi dựa trên mối liên hệ logic giữa các đối tượng được gọi tên.

Định nghĩa này có thể được thuyết minh lại như sau: Giả sử ta có từ T là tên gọi của đối tượng Đ1 và từ này có nghĩa S1. Khi cần gọi tên cho một đối tượng Đ2 mà giữa Đ2 và Đ1 có mối liên hệ logic nào đó (như liên hệ giữa bộ phận với toàn thể, giữa nguyên liệu với sản phẩm tạo thành chẳng hạn) thì người ta có thể dùng T để gọi tên luôn cho cả Đ2. Lúc này từ T được xây dựng thêm, được cấp thêm một nghĩa S2. Người ta bảo như thế là đã có một phép chuyển nghĩa hoán dụ.

Ví dụ: Vụng vá vai (áo) tài vá nách (áo)

Ở đây, tiếng Việt đã lấy bộ phận thân thể để gọi tên bộ phận trang phục có vị trí tương ứng.

3.3.3. Cơ sở để thực hiện các phương thức chuyển nghĩa trong các ngôn ngữ rất đa dạng. Mặc dù vậy, đây cũng chính là điểm gặp nhau nhiều nhất giữa các ngôn ngữ (so sánh từ wing (cái cánh) trong tiếng Anh với từ cánh trong tiếng Việt, hoặc từ kbal (cái đầu) trong tiếng Khmer với từ đầu trong tiếng Việt,... chẳng hạn).

Việc miêu tả đầy đủ và tỉ mỉ các cơ sở chuyển nghĩa ấy cần phải được dành cho những khảo sát riêng.

____________

(1) Hoàng Phê. Phân tích ngữ nghĩa. Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/1975.
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Phân tích nghĩa của từ



1. Giới thiệu

Phân tích, miêu tả cho được cấu trúc nghĩa của từ là một trong những nhiệm vụ và mục đích hàng đầu của việc nghiên cứu từ vựng ngữ nghĩa.

Trong lĩnh vực này, người ta đã đề xướng nhiều phương pháp phân tích nghĩa của từ, nhưng thường gặp và dễ dùng nhất là phương pháp sử dụng ngữ cảnh.

2. Ngữ cảnh là gì?
2.1. Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: Tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó).

Ví dụ, khi ta nghe thấy chỉ một từ "chắc" trong tiếng Việt thôi, thì không thể biết được người nói muốn nói gì tới nghĩa nào đó của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ "chắc" sẽ xuất hiện rất rõ ràng, nếu ta nghe thấy nó trong các phát ngôn, những chuỗi từ đại loại như sau:

Lúa đã chắc hạt; Nhà xây rất chắc; Lời nói chắc như đinh đóng cột; Ông này chắc đã có con lớn; Anh làm thế, dễ người ta không biết đấy chắc;...
Định nghĩa về ngữ cảnh được phát biểu như sau:

Ngữ cảnh của một từ là chuỗi từ kết hợp với nó hoặc bao xung quanh nó, đủ để làm cho nó được cụ thể hoá và hoàn toàn xác định về nghĩa.

(Định nghĩa này cho thấy rằng ngữ cảnh có thể tối thiểu là một từ, tối đã là một chuỗi lớn hơn, có khả năng ứng với một câu, một phát ngôn,...)

2.2. Sở dĩ từ bộc lộ một nghĩa xác định nào đó trong ngữ cảnh chứa nó là vì trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp từ vựng và khả năng kết hợp ngữ pháp của mình.

Khả năng kết hợp ngữ pháp của từ là khả năng nó có thể đứng vào một vị trí nhất định trong những cấu trúc nhất định nào đó. Nói khác đi, đó là khả năng từ có thể tham gia vào những cấu trúc ngữ pháp nào đó.

Ví dụ, trong tiếng Việt, động từ có khả năng kết hợp với các từ: đã, đang, sẽ, sắp, lại, vừa,... ở đằng trước; và: xong, rồi, mãi,... ở đằng sau (ví dụ: đang đi, làm mãi,...).

Nếu từ thuộc lớp ngữ pháp nào, thuộc từ loại nào,... thì sẽ được quy định cho những khả năng tương ứng, những vị trí tương ứng trong các mô hình cấu trúc ngữ pháp.

Ngược lại, khả năng kết hợp từ vựng của từ lại là khả năng kết hợp giữa một nghĩa của từ này với một nghĩa của từ khác, sao cho tổ hợp được tạo thành phải đúng với thực tại, phù hợp với logic và thói quen sử dụng ngôn ngữ của nguời bản ngữ.

Ví dụ, người Việt vẫn nói: ăn cơm, học bài, nhắm mắt,... và cũng nói: bây giờ đang mùa thu, trông vẫn còn con gái như ai, nhà này cũng năm tầng;... mà không thể nói: ăn bài, học cơm, nhắm miệng, bây giờ đang nhà,...

Có những từ có khả năng kết hợp từ vựng rất rộng, nhưng có những từ thì khả năng đó lại hẹp hoặc vô cùng hẹp. Chẳng hạn, các động từ: nhắm, nháy, nghển, kiễng, phưỡn, mấp máy,... có khả năng kết hợp với từ vựng rất hẹp. Mỗi động từ đó chỉ kết hợp được với một hoặc vài danh từ khác mà thôi.

Có thể diễn giải khả năng kết hợp từ vựng của từ như sau:

– Khi có hai từ A và B kết hợp với nhau chẳng hạn, thì không phải lúc đó tất cả các nghĩa của A đều hiện lên và kết hợp với tất cả các nghĩa của B.

– Nếu ta hình dung mỗi từ có một "phổ" nghĩa:

A = a, b, c,... B = x, y, z,...

thì sự kết hợp AB về mặt từ vựng có thể là kết hợp nghĩa ax, by, bz, bx, ay, az,... tuỳ trường hợp cụ thể mà AB phản ánh.

Ví dụ: Xét kết hợp "che đầu" trong câu Trời mưa một mảnh áo bông che đầu, ta thấy:

Từ "che" có hai nghĩa:

(...)
Ngăn cho khỏi bị một tác động nào đó từ bên ngoài.
Từ "đầu" có 4 nghĩa:

Bộ phận thân thể người, động vật nằm ở vị trí trên cùng hoặc trước nhất.
(...)
(...)
(...)
Khả năng kết hợp từ vựng của "che" với "đầu" trong trường hợp này là kết hợp của nghĩa che (2) với nghĩa đầu (1).

Những phân tích vừa nêu trên chứng tỏ rằng: Khả năng kết hợp từ vựng của các từ quy định và cho phép chúng có kết hợp với nhau được hay không. Ngược lại, thông qua các kết hợp cụ thể từ này với các từ khác, ta có thể phát hiện dần từng nghĩa riêng của từ, tiến tới xác định được cả một "phổ", cả một cơ cấu của nghĩa từ. Điều này cũng tương tự như hình thái học phát hiện tất cả các từ hình của từ trong hoạt động lời nói để rồi quy chúng về cái gọi là từ vị vậy.

3. Cách dùng phương pháp phân tích theo ngữ cảnh
Khi áp dụng phương pháp phân tích nghĩa qua ngữ cảnh cho từ tiếng Việt, chúng ta phải làm những việc cụ thể (tất nhiên đây mới chỉ là cái cơ bản chứ chưa phải là những thao tác chi tiêt), như sau:

3.1. Phân tích ngữ cảnh
Đây là bước đầu tiên, bắt buộc phải thực hiện vì đó là tư liệu làm việc. Trước hết phải xác định được các ngữ cảnh (có chứa từ mà ta cần phân tích) trong các loại văn bản thành văn thuộc các loại hình phong cách chức năng khác nhau. Sau đó trích các ngữ cảnh đó ra và tập hợp lại.

3.2. Phân loại ngữ cảnh
Khi đã thu được số lượng ngữ cảnh đủ nhiều, đáng tin cậy, phản ánh đủ hết các nghĩa của từ, chúng ta sẽ phân loại. Những ngữ cảnh nào cùng làm hiện thực hoá một nghĩa của từ (tức là trong những ngữ cảnh đó, từ xuất hiện với cùng một nghĩa), thì được xếp vào một nhóm gọi là nhóm ngữ cảnh cùng loại.

Nếu việc phân loại ngữ cảnh làm càng chuẩn xác thì sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tách nghĩa của từ đa nghĩa, bởi vì, từ càng đa nghĩa thì càng phức tạp, càng khó xử lí.

Xét các ngữ cảnh chứa từ "say" như sau đây làm ví dụ:

Má hồng không thuốc mà say.
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say trời cũng đỏ _ ai cười.
Say thuốc lào.
Say xe.
Say sóng.
Da anh đen cho má em hồng
Cho duyên em thắm, cho lòng anh say.
Các cụ ông say thuốc.
Các cụ bà say trầu.
Còn con trai con gái, chỉ nhìn mà say nhau.
Các ngữ cảnh trên đây được phân tích thành hai nhóm:

Nhóm 1 gồm ngữ cảnh 1, 6, 9.
Nhóm 2 gồm ngữ cảnh 2, 3, 4, 5, 7, 8.
3.3. Phân tích nghĩa
Đối với từ đơn nghĩa, nhiệm vụ ở bước này là so sánh với các từ khác cùng nhóm (tương đồng, tương cận hoặc tương phản với nó) để phát hiện các nghĩa tố cần yếu trong cấu trúc nghĩa của từ.

Riêng từ đa nghĩa, vấn đề phức tạp hơn. Cùng với việc so sánh, phát hiện các nghĩa tố cần yế của từng nghĩa, thì việc tách ra bao nhiêu nghĩa trong toàn bộ cơ cấu nghĩa từ phải được tiến hành trước một bước. Ta cần phải làm những bước sau đây:

Xác định nghĩa gốc của từ (trong thế tương quan lưỡng phân nghĩa gốc – nghĩa phái sinh). Nghĩa gốc của từ có thể là một nghĩa từ nguyên, nhưng cũng có thể chỉ là một nghĩa phái sinh rồi phái sinh tiếp tục ra nghĩa khác. Ví dụ tính từ "bạc" có 3 nghĩa:
Mỏng manh, ít ỏi, không trọn vẹn: Mệnh bạc,...
Ít ỏi, sơ sài (trái với hậu): Lễ bạc lòng thành,...
Không nhớ ơn nghĩa, không giữ được tình nghĩa trọn vẹn trước sau như một: Ăn ở bạc với bố mẹ,...
Nghĩa (1) của tính từ "bạc" là nghĩa từ nguyên, vốn từ gốc Hán.
Nghĩa (2) và (3) của nó đều được phái sinh từ nghĩa (1).
Thế nhưng trong tiếng Việt hiện đại, nghĩa (3) mới là nghĩa phổ biến nhất. Dựa vào nghĩa gốc, ta phát hiện các nghĩa phái sinh và các quy tắc chuyển nghĩa của chúng.
Xác định nghĩa không thường trực (nghĩa ngữ cảnh) nếu có, để loại trừ khỏi phạm vi mà chúng ta đang quan tâm. Như vậy, chỉ những nghĩa thường trực mới được đưa vào phân tích xử lí.
N_ trong khi phân loại ngữ cảnh, thực chất là đã bao hàm việc tách nghĩa từ trong đó rồi. Vì vậy, nếu phân loại ngữ cảnh mà chuẩn xác thì số nhóm ngữ cảnh cùng loại nói chung là ứng với số nghĩa khác nhau của từ.
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Nghĩa của từ trong hoạt động ngôn ngữ



Khi phân tích nghĩa của từ, chúng ta đã tạm thời cô lập hoá hai bình diện ngôn ngữ và lời nói để xem xét nghĩa của từ trong ngôn ngữ như một hệ thống tĩnh. Còn một vấn đề nữa là trong hoạt động ngôn ngữ thì về phương diện nghĩa, từ sẽ như thế nào?

Tuy ngôn ngữ và lời nói không tách biệt nhau, nhưng về nguyên tắc nghiên cứu, nhiều khi sự cô lập hoá tạm thời như vậy vẫn là cần thiết và hữu ích.

1. Khi từ đi vào hoạt động ngôn ngữ, nghĩa của nó được hiện thực hoá, cụ thể hoá và được xác định. Lúc đó, các thành phần nghĩa trong cơ cấu nghĩa của từ sẽ giảm dần tính trừu tượng và khái quát đến mức tổi thiểu để đạt tới tính xác định, tính cụ thể ở mức tối đa.

Ví dụ, từ "chân" trong tiếng Việt, với tư cách là đơn vị của ngôn ngữ có 6 nghĩa khác nhau (theo Từ điển tiếng Việt. H., 1988). Cơ cấu đó đã được xây dựng nên một cách khái quát, và khi nhận thức từ này dưới dạng một từ của ngôn ngữ, từ từ điển, thì người ta hướng đến nó như một cái nhìn tổng thể chung. Chỉ khi nào đi vào những phát ngôn cụ thể như:

– Mong cho chân cứng đá mềm.
– Chân đi chữ bát, mắt thì hướng thiên.
– ...
thì một trong 6 nghĩa của từ này mới được bộc lộ, được cụ thể hoá và được xác định. Chính vì không bị ràng buộc cố định vào một hoặc một phạm vi sự vật nào đó nên các đơn vị từ ngữ mới có được khả năng hoạt động rộng rãi và trở nên có tính khái quát cao, để rồi, khi đi vào hoạt động trong văn bản mới trở thành cụ thể và xác định.

2. Mặt khác, cũng trong hoạt động ngôn ngữ, đồng thời với sự giảm thiểu tính khái quát thì từ lại có thể được gia tăng những sắc thái mới, nội dung mới do chính sự vật mà nó biểu thị đem lại. Chẳng hạn, xét các từ máu, lửa, rũ, bùn trong câu:

"Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà". (Nguyễn Đình Thi)
Ở đây, các từ nêu trên không chỉ đơn thuần mang các nội dung ngữ nghĩa vốn có của chúng nữa. Chúng đã mang những sắc thái mới, sắc thái bổ sung mà chỉ trong những bối cảnh sử dụng như ở diễn từ (discourse) này mới có được. Các biểu vật máu, lửa, bùn,... không phải chỉ là máu, lửa và bùn như trong từ điển chỉ ra, giải thích nữa.

Cái gọi là các nghĩa ngữ cảnh của từ đã được xây dựng và nảy sinh trong những điều kiện như vậy. Và cái gọi là các phép ẩn dụ, hoán dụ tu từ học cũng được thực hiện trên cơ sở đó. Ví dụ:

Ông đã ngủ một giấc 30 năm, rồi đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng ông mới bừng tỉnh.
Trong giao tiếp, nhiều khi nghĩa ngữ cảnh, nghĩa lâm thời, nghĩa được hiểu ngầm, hiểu lại,... nhờ các thủ pháp tu từ, mới chính là cái quan trọng hàng đầu, nhất là trong khi xây dựng, tiếp nhận và phân tích các diễn từ, các văn bản nghệ thuật.

Ví dụ 1. Số từ 100 trong câu ca dao:

Yêu nhau vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
không còn là số đếm đúng 100 nữa. Nó đã mang nghĩa nhiều và chỉ được nhận thức với ý nghĩa đó mà thôi.

Ví dụ 2. Các từ ngày mai, nhen, lửa, tia, hồng trong đoạn văn sau đây cũng vậy. Chúng không còn chỉ biểu thị nghĩa trực tiêp như trong từ điển nữa. Đó chỉ là các nghĩa cơ sở, làm nền tảng cho người ta nhận thức các nghĩa chuyển tiếp xa hơn:

"Tôi muốn nói với các em một điều: các em ngày mai lớn lên, ai chẳng có một sự nghiệp? Và trong số các em sao lại chẳng có những anh hùng? Khi ấy, hãy nhìn lại mà xem, trong sự nghiệp mà chúng ta đã làm, đừng bao giờ quên một tia lửa hồng mà người thầy giáo thân yêu của chúng ta đã nhen lên trong lòng chúng ta n_ từ những ngày thơ ấu" (Xuân Trình).
3. Các từ kết hợp vớ nhau theo quy tắc ngữ pháp và ngữ nghĩa, bộc lộ khả năng kết hợp từ vựng và kết hợp ngữ pháp của mình, nhưng hai loại quy tắc này không phải bao giờ cũng song hành với nhau.

a – Có những câu hoàn toàn đúng về mặt ngữ pháp, nhưng lại không chấp nhận được về mặt ngữ nghĩa hoặc logic (trong điều kiện thông thường). Ví dụ:

– "Những tư tưởng xanh lục không màu đang ngủ một cách giận dữ" (N. Chomsky)
– "Thóc giống cắn chuột trong bồ
Hàng trăm lá mạ đuổi vồ con trâu". (ca dao)
b – Ngược lại, có những câu lại chứa những kết hợp từ được chấp nhận, được hiểu về mặt ngữ nghĩa, nhưng rõ ràng là có cái gì đó bất thường về ngữ pháp. Ở đây, từ dã có những biến động, thậm chí biến động rất quan trọng về bản chất từ vựng ngữ nghĩa cũng như bản chất ngữ pháp của mình. Hiện tượng vẫn quen gọi là lâm thời chuyển nghĩa từ loại, cũng như việc sử dụng từ vốn thuộc phạm trù này trong ý nghĩa, chức năng của từ thuộc phạm trù khác,... là những ví dụ chứng minh cho tính linh động như thế.

Chẳng hạn:

– "Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá" (Nam Cao).
– "Tôi ra con xe. Tôi nhảy con mã sang bên này. Tôi vào tướng thì bên kia hết chiếu."
c – Khi kết hợp với nhau, các từ chẳng những phải tuân theo quy tắc ngữ pháp mà còn phải tuân theo quy tắc ngữ nghĩa. Chung phải tương hợp với nhau về nghĩa.

Người ta coi hai từ A và B là tương hợp với nhau về nghĩa khi A đòi hỏi ở B một nghĩa tố s thì B không được chứa và cho xuất hiện nghĩa tố đối lập -s, và ngược lại.

Vậy một kết hợp từ sẽ được coi là đúng hay sai tuỳ theo nó có thoả mãn điều kiện nêu trên hay không. Ví dụ:

– "Một con chó ốm". Câu đúng, vì:
"chó": động vật...
"ốm": trạng thái... động vật

– "Một con chó chết đang thở gấp". Câu sai vì:
"chó": động vật...
"chết": mất khả năng trao đổi chất
"thở": hoạt động trao đổi chất
Vậy chứng tỏ rằng khi hai từ A và B kết hợp với nhau thì chúng phải cùng chứa một nghĩa tố giống nhau.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những kết hợp bất thường mà lại chấp nhận được và được coi là hay, bởi đó là những câu, những kết hợp đòi hỏi phải có sự hiểu lại, hoặc chúng được tạo dựng nhờ các thủ pháp tu từ như: nhân hoá, vật hoá hoặc cố tình vi phạm nguyên tắc tương hợp về nghĩa để gây hiệu quả tu từ.

Ví dụ 1. "Thầy lí vội sủa lên mấy tiếng. Anh chồng bèn lấy thước phang cho một trận." (Văn học dân gian)

Từ "sủa" chỉ kết hợp với "chó", nhưng ở đây, "thầy lí" đã được vật hoá, và câu trên được chấp nhận.

Ví dụ 2. Trong các câu sau đây, những thuộc tính của người đã được gán cho chó và cào cào theo lối nhân hoá để trong kết hợp từ, sự tương hợp về nghĩa vẫn được bảo đảm.

– "Nhưng kẻ lên tiếng trước nhất là con Mực (...) Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhèm ươn ướt nhìn đất như tủi phận." (Nam Cao)
– "Những chị cào cào trong làng ra, mĩ miều áo đỏ áo xanh mớ ba mớ bảy, từng bước chân chầm chậm, khoan thai, khuôn mặt trái xoan như e thẹn, như làm dáng, như ngượng ngùng." (Tô Hoài)
Ví dụ 3. Xét các câu sau:

"Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê (...) Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống! (...) Chết là thường, Chết n_ lúc sống mới thật là nhục nhã." (Nam Cao)
Ở đây, để hiểu được người nói (tác giả) muốn nói gì, cần có sự "hiểu lại" biểu vật và biểu niệm của từ: sống và chết. Chúng đã có sự xê dịch. Cần phải hiểu sống trong kết hợp chết mà chưa sống có nghĩa là sống mà như chưa sống hoặc không phải là sống; chết trong kết hợp chết n_ trong lúc sống có nghĩa là chưa chết mà như đã chết rồi.

Biểu niệm trong các từ đó, ở trường hợp cụ thể này là quan niệm về ý nghĩa của cái chết và cái sống trong cuộc đời con người chứ không còn là biểu niệm hay biểu vật thông thường vốn có của chúng nữa. Chính tác giả Nam Cao đã trình bày: "Làm để có ăn, ăn để sống, sống để đợi chết,... cả cuộc đời chỉ thu gọn vào mấy việc đó thôi ư? (...) Sống để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổi vào cái dạ dày" (Xem Hoàng Phê. Ngôn ngữ, số 3–4/1981).

Ví dụ 4. Những câu như sau đây đã được tạo dựng bằng sự vi phạm nguyên tắc tương hợp nghĩa để gây hiệu quả tu từ.

"Nhiều anh con trai làng thấy cố có sắc lại có vốn, muốn hỏi cô làm vợ để được cưới cả cô lẫn cái vốn của cô." (Nam Cao)
Ở đây, từ "cưới" có nghĩa tố "động vật" đòi hỏi bộ ngữ của nó phải đáp ứng nghĩa tố. Thế nhưng từ "vốn" lại bộc lộ nghĩa tố "bất động vật". Nguyên tắc tương hợp nghĩa đã được vi phạm một cách cố ý để gây hiệu quả tu từ là sự mỉa mai.

Như đã nói, khi đến với ngữ nghĩa là chúng ta bước sang một phạm vi dường như không bờ bến của những ý kiến và những vấn đề. Những điều trình bày trên đây hoàn toàn không phải là đã đủ cho nó, dù mới chỉ nói về nghĩa của từ, chưa kể đến nghĩa của câu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của từ vựng ngữ nghĩa, việc làm quen với những vấn đề như vậy, vẫn là cần thiết để chuẩn bị cho việc tiếp xúc với những giáo trình về ngữ nghĩa sâu hơn sau này.

[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Sự biến đổi trong từ vựng



1. Các biến đổi trong từ vựng được quy về những xu hướng dưới đây, thật ra chỉ là sự phân loại cho tiện việc phân tích. Thực tế các sự kiện biến đổi trong từ vựng nhiều khi đa dạng và phong phú, phức tạp hơn.

2. Các biến đổi này không phải lúc nào cũng diễn ra trong tình trạng tách rời nhau. Chúng có thể cùng diễn ra ở một từ ngữ nào đó và chồng chéo lên nhau, tác động đến nhau. Xét các ví dụ sau đây:

Tiếng Việt vay mượn của tiếng Hán từ long nhãn. Từ này vốn có nghĩa "quả nhãn". Người Việt đã dùng nó ở ai dạng (a) Long nhãn và (b) Nhãn với hai nghĩa khác nhau:

long nhãn = cùi nhãn phơi, sấy khô
nhãn = quả (hoặc cây) nhãn

Như vậy ở đây, người Việt đã vay mượn từ, rút ngắn từ để cho một từ mới, vì họ cấp cho nó nghĩa mới; còn từ nguyên dạng thì lại cung cấp cho nó một nghĩa khác với nghĩa vốn có ban đầu. Rõ ràng, đã có một số biến đổi cùng diễn ra ở một đơn vị từ vựng. Dưới đây là kết quả phân loại các kiểu biến đổi trong từ vựng:

Những biến đổi ở bề mặt từ vựng
Hiện tượng rơi rụng bớt từ ngữ
Sự xuất hiện các từ ngữ mới
Những biến đổi trong chiều sâu của từ vựng
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Những biến đổi ở bề mặt từ vựng

Hiện tượng rơi rụng bớt từ ngữ (phần 1)
1. Trong ngôn ngữ vốn có một nguyên tắc chung là chỉ lưu giữ những yếu tố, những đối lập hữu ích; những yếu tố, những đối lập nào thừa (chứ không phải là yếu tố dư – hiểu theo cách của lí thuyết thông tin) không phù hợp với như cầu sử dụng của con người, thì đều bị loại bỏ.

Ví dụ: Trước đây, tiếng Việt có những từ như: mựa (chớ), sá (nên), nữa (hơn), tác (tuổi), chiền (chùa)... hoặc những từ như: thái y, thái giám,... quả thực, nông hội, khổ chủ... thế nhưng ngày nay, trong đời sống giao tiếp thường nhật, chúng gần như vắng bóng hẳn, hoặc hoàn toàn không còn nữa.

2. Nguyên nhân làm cho một từ rơi rụng đi, có thể trong ngôn ngữ; nhưng cũng có thể là những nguyên nhân ngoài ngôn ngữ.

2.a. Nguyên nhân trong ngôn ngữ cơ bản là do sự tranh chấp về giá trị và vị trí sử dụng. Sự va chạm bởi quan hệ đồng âm hoặc đồng nghĩa đã dẫn tới tình trạng tranh chấp đó.

Sự va chạm trong quan hệ đồng âm giữa hai từ A và B không phải bao giờ cũng làm cho một từ phải "ra đi". Chỉ trong một số ít trường hợp, khi cả hai cùng hiện diện được trong ngữ cảnh và gây nên tình trạng lộn xộn, gây mơ hồ hoặc hiểu lầm thì lúc đó một trong hai từ mới bị triệt thoái. Ví dụ: Trong tiếng Anh có từ leten (cho phép) và letten (cản trở, vướng). Cả hai từ này đều biến đổi thành let và đồng âm với nhau. Trong một số hoàn cảnh, chúng gây nên những hiểu lầm. Từ let (cản trở, vướng) nay đã biến mất khỏi đời sống giao tiếp thông thường và chỉ còn để lại bóng dáng của mình trong một số lối nói chuyên môn hoá của môn thể thao quần vợt và môn luật học mà thôi.

Va chạm về đồng nghĩa là khả năng thường gặp trong rất nhiều trường hợp. Nếu A và B đồng nghĩa với nhau và mỗi từ không có một giá trị, phẩm chất riêng, khác biệt nhau thì một trong hai từ đó sẽ dần dần bị rơi rụng. Ngoài ra, nếu A và B như nhau về mọi mặt nhưng một trong hai từ đó lại có những khó khăn trong sử dụng chẳng hạn, thì nó cũng dần dà bị lãng quên. Tình trạng của các cặp từ tiếng Việt: tác = tuổi, chác = đổi, chiền = chùa, han = hỏi; gìn = giữ... đều là những từ như vậy.

Khi có tranh chấp và một từ bị rơi rụng thì có thể nó “một đi không trở lại”. Đó là những trường hợp như các từ của tiếng Việt xưa: mựa (chớ); bui (chỉ); nhẫn (tới); phen (so bì); tua (nên); khứng (chịu); khóng khảy (vui mừng); thửa ([giới từ])... Ngược lại, cũng có khi nó còn để lại tàn dư của mình trong từ vựng hiện đại mà ngày nay ta khó hoặc rất khó nhận ra. Chẳng hạn tiếng Việt xưa có các từ như: đòi (theo), chiền (chùa), tác (tuổi), han (hỏi), nữa (hơn), âu (lo), chác (đổi), ngặt (nghèo),... Trong từ vựng tiếng Việt ngày nay, chúng không còn tư cách là từ nữa, mà chỉ còn để lại dấu vết của mình trong các từ theo đòi, chùa chiền, tuổi tác, hỏi han, hơn nữa, lo âu, đổi chác, ngặt nghèo,... mà thôi.

2.b. Nguyên nhân trong ngôn ngữ thứ hai là sự biến đổi ngữ âm. Trong quá trình diễn biến của ngôn ngữ nói chung và từ vựng nói riêng, bộ mặt ngữ âm của một từ có thể biến đổi đến nối khác lạ hẳn với dạng vốn có ban đầu. Kết cục là dạng cũ của từ bị mất đi bởi vì dạng mới hình thành về sau đã thay thế vào chỗ của nó. Các từ: mấy > với; hoà > và; liễn > lẫn; phen > sánh; mlời > lời... của tiếng Việt đã bị rụng đi bởi nguyên do biến đổi ngữ âm như thế.

2.c. Một nguyên nhân trong ngôn ngữ nữa là sự rút gọn từ. Nếu một từ nào đó lại có dạng rút gọn của mình thì thông thường, dạng nguyên ban đầu dần dần nhường chỗ cho dạng rút gọn. Điều này được định luật Zipf ủng hộ. Zipf đã chứng minh rằng trong ngôn ngữ, những từ thông dụng thường có xu hướng ngắn hơn những từ không thông dụng. Ví dụ: Tiếng Anh hiện nay đã rút ngắn các từ refrigerator, televison, aeroplane thành fridge, TV, plane và chúng được dùng phổ biến hơn.

Trong tiếng Việt, ta cũng có thể thấy hàng loạt trường hợp tương tự như vậy: Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết → Liên Xô; Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội → Việt Minh; vô tuyến truyền hình → vô tuyến...

Tuy nhiên, dù có kích thước dài nhưng không phải từ nào cũng rút gọn được, nhất là đối với những từ phổ biến, được dùng với tần số cao. Khi đó ta thường không gặp dạng rút gọn của nó thay thế cho nó, mà có thể gặp một từ khác ngắn hơn thay thế cho nó. Chẳng hạn, tiếng Anh đã dùng pram (cái xe nôi – dạng rút gọn của từ perambulator) thay thế cho baby carriage và đang ưa dùng car hơn là automobile.

[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Những biến đổi ở bề mặt từ vựng


Hiện tượng rơi rụng bớt từ ngữ (phần 2)



2.d. Đối với các nguyên nhân ngoài ngôn ngữ làm cho một từ bị triệt thoái thì trước hết phải tính đến nguyên nhân lịch sử và xã hội.

Khi những sự vật, hiện tượng, chức vị, quan hệ... trong đời sống xã hội mà bị mất đi bởi những lí do lịch sử, thì tên gọi của chúng cũng giảm dần vị trí tích cực, rồi mất đi theo. Chúng, hoặc là bị rơi rụng hẳn khỏi đời sống giao tiếp hàng ngày hiện tại, hoặc là vẫn cong để lại hình bóng của mình đâu đó mà rất ít được đề cập, sử dụng. Chẳng hạn, các từ: bẩm, lạy, cấm thành, tử cấm thành, long cổn, hốt, hài, mộc, giáo, hoả hổ, thần công, thượng hoàng,... đã rút lui khỏi tiếng Việt ngày nay bằng con đường như thế.

Các nguyên nhân xã hội so với nguyên nhân lịch sử, đa dạng và phức tạp hơn. Có thể do thói quen sử dụng, sự ưa thích hoặc tiện lợi, thậm chí kể cả "mốt" nói năng cũng đủ làm cho một từ nào đó chiếm ưu thế hơn hẳn so với từ hoặc ngữ đang tranh chấp với nó. Tình hình này có thể được minh hoạ bằng những cặp từ như: ra-đi-ô — đài... của tiếng Việt, hoặc table napkin — serviette; radio — wireless... trong tiếng Anh. Trong mỗi cặp như thế, nếu một từ được xã hội chấp nhận và ưa dùng hơn thì từ kia sẽ phải thoái lui khỏi vị trí vốn có của nó.

Sự kiêng kị, nói tránh tên là một lí do về mặt xã hội khiến cho một từ (tên gọi) nào đó rất dễ bị mất đi. Trên thế giới, hầu như nơi nào cũng có hiện tượng kiêng kị, tránh gọi tên một vài sự vật, hiện tượng, hành động... nào đó. Ngư dân Việt Nam phần nhiều không gọi cá voi mà gọi cá ông hoặc (cá) ông voi. Khi gặp cá voi chết, người ta bảo rằng: (ông) luỵ. Trong rất nhiều ngôn ngữ dòng Baltic, Slave, German, không thấy có một cái "tên cúng cơm" của con gấu. Người ta đã gọi chệch đi bằng những tên khác nhau: медбедв – người ăn mật (tiếng Nga), bär – màu nâu, màu hung (tiếng Đức), lokys – kẻ liếm láp (tiếng Latvia)... Nhiều ngôn ngữ Slave khác cũng gọi giống tên gọi trong tiếng Nga. Trong khi đó, cái "tên cúng cơm" nguyên thuỷ của con vật này từ thời ngôn ngữ Ấn-Âu chung, vẫn được bảo lưu trong các ngôn ngữ khác như: ursus (tiếng Latin), ours (tiếng Pháp), orso (tiếng Italia), oso (tiếng Tây Ban Nha), arktos (tiếng Hi Lạp), rksah (tiếng Ấn Độ cổ), arša (tiếng Ba Tư cổ), aji (tiếng Armenia), ari (tiếng Albania), art (tiếng Ireland). Sự quên lãng trong các ngôn ngữ nêu trên chỉ có thể giải thích hợp lí bằng lí do là sự kiêng kị.

Trong cuộc sống của thế giới văn minh bây giờ, sự kiêng kị cũng vẫn còn chưa hết. Người ta kiêng, tránh một từ nào đó, thay thế nào bằng một từ khác, có thể vì nó động chạm đến một niềm sùng tín, dị đoan; hoặc cũng có thể chỉ vì một sự xấu hổ, ngại ngùng nào đó mà từ có thể gây nên. Ví dụ:

Ở nước Anh, nhiều người hay dùng passing way hơn là dying (đang sắp chết, hấp hối) và dùng maligmant growth hơn là dùng từ cancer (bệnh ung thư). Còn người Mĩ, người ta lại muốn tránh dùng từ lavatory (vốn ban đầu chỉ có nghĩa là nơi tắm rửa). Họ muốn thay thế nó bằng comfort station hoặc powder room; hoặc littler girl's room. Một người Việt nếu muốn tỏ ra mình không phải là kẻ thô lỗ, thì anh ta nói nước tiểu, nước giải thay cho nước đái; nói đi tiểu, đi giải thay cho đi đái...
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Những biến đổi ở bề mặt từ vựng


Sự xuất hiện các từ ngữ mới



Các từ ngữ mới thường xuất hiện để bù đắp những thiếu hụt, không thoả mãn, không phù hợp với nhu cầu định danh các sự vật, hiện tượng trong đời sống và trong thế giới của con người. Đôi khi, chúng cũng xuất hiện một phần bởi mốt trong cách định danh, muốn dành cho sự vật một tên gọi mới hơn dù nó đã có tên gọi rồi. Tuy nhiên, lí do thứ nhất vẫn là lí do chủ yếu. Có hai con đường cơ bản làm xuất hiện một từ ngữ mới.

1. Con đường đầu tiên và quan trọng hơn cả là dùng những yếu tố, những chất liệu và quy tắc sẵn có trong ngôn ngữ dân tộc "của mình" để cấu tạo từ mới. Ngoài các phương sách cấu tạo từ thường gặp như đã biết, còn có thể kể thêm như sau:

1.a. Phương thức loại suy. Có thể hiểu đây là cách tạo từ bằng con đường noi theo cấu tạo của từ có trước. Ví dụ:

Tiếng Việt vay mượn từ bidon và cresson của tiếng Pháp nhưng rồi đã tân trang cấu trúc của chúng theo mẫu của một dãy từ mà người Việt tưởng rằng chúng thuộc cùng một dãy cấu tạo như nhau:
bidon — bình tông (cùng dãy sau bình tích, bình trà...)
cresson — cải xoong (cùng dãy sau cải xanh, cải bẹ...)
Tiếng Anh đã cấu tạo motoway (xa lộ) theo railway; và laundromat (hiệu giặt là tự động) theo automat.
1.b. Hoà đúc hai từ có sẵn tạo thành từ mới. Ví dụ:

Tiếng Anh: smog = smoke + fog
brunch = breakfast + lunch
motei = motor + _el

Tiếng Nga: рабкор = рабоуий + корреспондент
зарплата = заработная + плата

1.c. Rút ngắn một cụm từ, hoặc từ dài hơn, tạo thành một từ mới. Ví dụ:

Tiếng Việt: khiếu tố ← khiếu nại + tố cáo
giao liên ← giao thông + liên lạc

Tiếng Anh: public house → pub (quán rượu, quán ăn)
perambulator → pram (xe nôi)
omnibus → bus (xe buýt)

1.d. Hình thành từ mới do cách ghép các con chữ (âm) ở đầu hoặc cuối từ trong một nhóm từ với nhau. Ví dụ: Ở tiếng Anh, RADAR, AIDS, LASER... và một số tên gọi của các tổ chức như FAO, UNICEF, UNESCO... đều đã hình thành bằng con đường như vậy.

1.e. Hình thành từ mới bằng cách chuyển đổi từ loại của từ có sẵn. Ví dụ:

Tiếng Anh: garage → to garage (cho ô tô ra vào)
do one's hair → hair-do (kiểu tóc; việc làm đầu)

Trường hợp đầu: Chuyển danh từ sang động từ. Trường hợp hai: Chuyển động từ sang danh từ.
2. Con đường thứ hai làm xuất hiện từ ngữ mới là vay mượn

2.a. Trong ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng vay mượn từ ngữ hoặc yếu tố cấu tạo từ từ một ngôn ngữ khác.

+ Người ta có thể vay mượn các từ, ví dụ như:

Trong tiếng Việt: mít tinh, bốc, ten nít... (nguồn gốc Anh); ga, xăng, sơ mi, xà phòng... (nguồn gốc Pháp); bôn sê vich, côm xô môn... (nguồn gốc Nga); câu lạc bộ, ngân phiếu, mậu dịch... (nguồn gốc Hán); shi, lượn, bản... (gốc Tày Nùng).
Trong tiếng Anh: telephone, thermodynamic... (gốc Hi Lạp cổ); cliche, boutique... (nguồn gốc Pháp).
+ Cũng có khi người ta vay mượn yếu tố cấu tạo từ hoặc lấy từ của một ngôn ngữ khác làm yếu tố cấu tạo từ trong ngôn ngữ của mình. Chẳng hạn: các phụ tố -able, -ible, -ent của tiếng Latin; các phụ tố -ism, -ist, -ite của tiếng Hi Lạp; các phụ tố -age, -ance, -ate của tiếng Pháp... đã được vay mượn vào trong tiếng Anh. Trong khi đó, tiếng Việt mượn các yếu tố: -hoá, -sinh, -viên... (nguồn gốc Hán) hoặc mượn hẳn một từ trong ngôn ngữ khác, đem kết hợp với một yếu tố có sẵn của mình để tạo ra từ mới.

canh + gác (garde – gốc Pháp) → canh gác
khăn + piêu (gốc Thái) → khăn piêu
làng + bản (gốc Tày Nùng) → làng bản

+ Căn ke lại từ ngữ của ngôn ngữ khác cũng là một hiện tượng vay mượn ngoài ngôn ngữ. Kết quả của hiện tượng này là người ta có một từ mới, được tạo nên bằng cách trực dịch từng yếu tố cấu tạo trong từ của ngôn ngữ khác. Ví dụ: Tiếng Việt có các từ vườn trẻ, nhà văn hoá... là căn ke từ các tên gọi детский сад, дом кулвтуры... trong tiếng Nga. Tiếng Tày Nùng có từ đin nựa là căn ke từ đất thịt trong tiếng Việt. Người Pháp vay mượn từ skyscrapter của tiếng Anh và đã "đồ" lại thành gratte-ceil.

2.b. Đối với các từ ngữ vay mượn, mỗi ngôn ngữ đều có cách xử lí khác nhau bên cạnh những đường nét chung. Người Việt khi vay mượn từ ngữ và đưa vào sử dụng trong ngôn ngữ của mình, thường có những điều chỉnh như sau:

+ Cải tổ cấu trúc ngữ âm của từ cho phù hợp với ngữ âm tiếng Việt và đồng thời có thể rút ngắn từ lại. Nói chung, từ nào có dị biệt với ngữ âm tiếng Việt cũng được cải tạo ít nhiều. Ví dụ: beton – bê tông; garde – gác; boulon – bu lông, bù loong; essence – xăng; enveloppe – lốp... meeting – mít tinh; cowboy – cao bồi; tennis – ten nít... thục địa – thục (củ thục); tiểu tiện – tiểu (đi tiểu);tri huyện – huyện (ông huyện)...

+ Cải tổ nghĩa của từ. Vay mượn từ nhưng lại cấp cho nó một nghĩa khác với nghĩa vốn có của nó. Ví dụ: tử tế là từ gốc Hán vốn có nghĩa là cặn kẽ, chu đáo, nhưng vào tiếng Việt, nó được cấp cho nghĩa tốt bụng. Tương tự như vậy, các nghĩa: lên mặt, hợm hĩnh, tỏ thái độ kiêu ngạo đã được cấp cho hai từ hãnh diện, sĩ diện mà từng yếu tố một vốn có những ý nghĩa hoàn toàn khác: hãnh = may mắn; sĩ = học trò; kẻ có có học thức...

Đọc thêm: Ông nói gà bà tưởng vịt

+ Vay mượn từ ngữ, nhưng không sử dụng tất cả các nghĩa của chúng mà chỉ dùng một số trong các nghĩa đó. Các từ: nhất, hạ, hủ hoá... của tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán là những ví dụ chứng minh cho trường hợp này.
[/FONT]
 
[FONT=Verdana, Arial, Helvetica] Những biến đổi trong chiều sâu của từ vựng

Thực chất, nói cho giản dị hơn thì đây là những biến đổi về phương diện ngữ nghĩa của từ trong từ vựng. Những biến đổi này rất phức tạp và tinh tế, nhiều khi chồng chéo lên và cùng diễn ra với những biến đổi ở bề mặt. Có hai trường hợp chính trong biến đổi nghĩa của từ cần được kể tới sau đây.

1. Thu hẹp nghĩa của từ

Đúng ra, phải hiểu đây là sự thu hẹp phạm vi biểu hiện (định danh) của từ. Xu hướng này có thể tìm thấy trong những từ như: thầy... của tiếng Việt; meat, deer... của tiếng Anh...

- thầy: Từ chỗ gọi tên cho các đối tượng như: thầy giáo, thầy đồ, thầy khoá, thầy lang, thầy cai, thầy lí, thầy kí, thầy thông... hiện nay từ này chỉ còn dùng chủ yếu với nghĩa thầy giáo và thầy thuốc.
- meat vốn có nghĩa là "thực phẩm" nói chung; deer vốn chỉ "con vật" nói chung, nhưng nay tiếng Anh đã thu hẹp bớt dung lượng nghĩa của các từ này lại: meat = thịt; còn từ deer chỉ có nghĩa là "con hươu"
Hiện tượng thu hẹp nghĩa rất hay gặp trong khi xây dựng thuật ngữ cho các ngành khoa học: Người ta thu hẹp nghĩa của từ thông thường lại và chỉ dùng với một nghĩa thuật ngữ, nghĩa chuyên môn hoá đó. Trong tiếng Việt, xu hướng thu hẹp nghĩa nói chung là không mạnh bằng mở rộng nghĩa.

2. Mở rộng nghĩa của từ

Xét các ví dụ:

- Động từ land trong tiếng Anh có nghĩa là tiếp đất, hạ cánh (xuống mặt đất). Hiện nay động từ này mở rộng nghĩa ra, bao gồm cả việc hạ cánh xuống mặt nước (The swan landed on the lake – Con thiên nga hạ cánh xuống mặt hồ).
- Đồng từ cắt trong tiếng Việt vốn có nghĩa là: làm đứt bằng vật sắc. Hiện nay nghĩa của từ này mở rộng ra gồm cả việc chấm dứt hành động, việc làm nào đó (cắt viện trợ, cắt quan hệ, cắt đường chuyền bóng...) hoặc phân công làm việc gì đó theo luân phiên hoặc thứ tự lần lượt: cắt trực nhật, cắt người canh đê, cắt lượt đi tuần...
Cơ sở của việc mở rộng nghĩa của từ chính là sự chuyển di tên gọi đẫn đến việc chuyển nghĩa theo xu hướng mở rộng. Đồng thời với mở rộng nghĩa tất yếu là mở rộng phạm vi định danh của từ. Ví dụ: Trước đây tiếng Việt có từ đồng hồ vốn có nghĩa là "cái hồ làm bằng đồng, trong đó chứa nước để cho chảy dần đi, căn cứ vào lượng nước đã chảy đi nhiều hay ít để tính thời gian". Ngày nay, từ này đã chuyển sang gọi vật dùng để đo thời gian nói chung mà bất kể nó được làm bằng gì, hoạt động theo nguyên tắc nào: đồng hồ quả lắc, đồng hồ điện tử...

Tương tự như trên, ta có thế thấy từ fee (tiền công, tiền thù lao), pen (bút) trong tiếng Anh cũng vậy. fee vốn có nghĩa là "gia súc", thời xưa gia súc đã từng được dùng làm vật thanh toán giá trị. Còn pen vốn có nghĩa là "lông ống, lông vũ" – loại lông mà thời xưa được dùng làm bút viết.
[/FONT]


*****************

Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.

Nguồn :cadaotucngu.
 
Các khái niệm cơ bản về Từ vựng học và từ vựng tiếng Việt

  1. Từ vựng học và từ
  2. Cụm từ cố định
  3. Nghĩa của từ
  4. Quan hệ đồng âm, đồng nghĩa và trái nghĩa trong từ vựng
  5. Biến đổi trong từ vựng
  6. Các lớp từ trong từ vựng

Nguồn :Ngônngữ.net
 
Khái niệm từ vựng học

1. Nói cho đơn giản thì từ vựng học (lexicology) là một bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu từ vựng của ngôn ngữ.


Vậy, đối tượng nghiên cứu của từ vựng học là từ vựng.


Từ vựng được hiểu là tập hợp tất cả các từ và đơn vị tương đương với từ trong ngôn ngữ.


Đơn vị tương đương với từ là những cụm từ cố định, cái mà người ta vẫn hay gọi là các thành ngữ, quán ngữ. Ví dụ: ngã vào võng đào, múa tay trong bị, con gái rượu, tóc rễ tre, của đáng tội,… trong tiếng Việt; hoặc wolf in sheep's clothing (sói đội lốt cừu), like a bat out of hell (ba chân bốn cẳng)… trong tiếng Anh.


2. Nhiệm vụ và mục đích cơ bản của từ vựng học là phải giải đáp được những vấn đề chính như:
  • Từ là gì? Nó được tạo nên bằng cái gì và như thế nào?
  • Nghĩa của từ là gì? Muốn phân tích cho ra được cái nghĩa đó thì phải làm như thế nào?
  • Thực chất các kiểu tập hợp từ vựng như: đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, các trường từ vựng,… là gì và nghiên cứu nó như thế nào?
  • Phân chia các lớp từ vựng bằng cách nào? Và những con đường phát trỉển của từ vựng ra sao?…
Trong thực tế, nghiên cứu từ vựng có thể xuất phát từ những bình diện khác nhau và dùng những phương pháp khác nhau. Nếu khảo sát những vấn đề chung cho mọi (hoặc nhiều) từ vựng của nhiều ngôn ngữ, là ta nhìn ở bình diện của từ vựng học đại cương. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến những vấn đề của một từ vựng trong một ngôn ngữ nào đó, là ta đứng trên bình diện nghiên cứu cụ thể. Ví dụ: từ vựng học tiếng Việt, từ vựng học tiếng Hán, từ vựng học tiếng Anh,…


Khi nghiên cứu một từ vựng đương đại (hiện đại) nào đó, người ta phân tích, miêu tả theo cách nhìn đồng đại, và thường gọi tên như: Từ vựng học (tiếng Việt/tiếng Nga/…) hiện đại.


Ngược lại, nghiên cứu từ vựng với cách nhìn lịch đại sẽ xây dựng nên bộ môn từ vựng học lịch sử, khảo sát sự diễn biến của từ vựng trong quá trình phát triển-lịch sử của nó. Ở đây, phương pháp so sánh lịch sử, và các nhân tố ngoài ngôn ngữ, sẽ rất được chú ý khai thác, sử dụng.


3. Như đã nói từ đầu, các bộ môn từ vựng học, ngữ âm học, và ngữ pháp học là những bộ môn tương đối độc lập. Tuy vậy, chúng không tách biệt nhau hoàn toàn mà vẫn có liên quan đến nhau.


Ngữ pháp học và từ vựng học đều có đối tượng nghiên cứu là từ; đặc biệt, vấn đề cấu tạo từ như là một phần giao giữa hai bộ môn này, khiến cho cả hai đều phải cùng thảo luận. Đối tượng nghiên cứu của ngữ âm học thì riêng hẳn: chỉ chú ý đến mặt âm thanh của từ. Thế nhưng, ba bộ môn này nhiều khi đã phải sử dụng kết quả nghiên cứu của nhau. Việc phân tích nghĩa của từ bằng phương pháp sử dụng ngữ cảnh, việc phân tích ranh giới từ,… chẳng hạn, không thể bỏ qua việc dựa vào các dấu hiệu và quy tắc ngữ pháp, ngữ âm như: nguyên tắc kết hợp từ, chức năng và trật tự ngữ pháp, hiện tượng chuyển đổi từ loại, các hiện tượng trọng âm (nhất là trọng âm lực – dynamic accent), hiện tượng mất tính thanh của âm cuối… Mặt khác, nghiên cứu các biến thể, biến dạng của từ, nhất là nghiên cứu từ vựng lịch sử và từ nguyên, chắc chắn phải sử dụng những hiểu biết về ngữ âm học, âm vị học. Ngược lại, không hiếm những hiểu biết về ngữ pháp và ngữ âm (nhất là ngữ âm lịch sử) chỉ có thể giải quyết qua những phân tích "một cách từ vựng học" như phân tích về từ cổ, từ lịch sử, từ ngữ địa phương…


Ngoài ra, các bộ môn khác, kể cả trong và ngoài ngôn ngữ học như: phong cách học, từ điển học, lịch sử văn hoá văn minh,… cũng đều ít nhiều liên quan đến từ vựng học.


4. Có những bộ môn hình thành trên cơ sở nghiên cứu những mặt, những bộ phận khác nhau của từ vựng. Nếu không đòi hỏi thật nghiêm ngặt về cách hiểu thì có thể xem như chúng được tách ra từ từ vựng học vậy.


4.a. Trước hết là từ nguyên học. Bộ môn này có mục đích tìm hiểu, giải thích và xác định những hình thức, những ý nghĩa có tính chất cội nguồn của từ. Nó tiếp cận đối tượng nghiên cứu bằng cách nhìn lịch đại là chủ yếu; và nhiều khi còn phải vận dụng cả cứ liệu của những ngành khoa học lân cận như: sử học, dân tộc học, văn hoá và chính trị,…


Một ví dụ: Miền Trung Việt Nam có con sông gọi là "sông Mã". Trong dân gian, người ta giải thích rằng gọi nó là "sông Mã" vì nó chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi, và sông Mã nghĩa là "sông Ngựa".


Cách giải thích cảm tính, chủ quan, không chứng cứ như vậy, gọi là từ nguyên học dân gian.
Từ nguyên học khoa học phải tìm những chứng cứ khoa học để giải thích. Thật ra, "sông Mã" là lối nói "trại" đi của cái tên đích thực: sông Mạ, được ghi bằng một chứ Hán, đọc là "mã" (ngựa).
MẠ trong tiếng Việt xưa (nay còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung) vốn có nghĩa là MẸ. Những con sông lớn ở vùng Đông Nam Á thường được gọi bằng cái tên có nghĩa MẸ (với ngụ ý là lớn, lớn nhất) như vậy. Chẳng hạn:
Tiếng Việt có sông CÁI, rào CÁI = sông mẹ
Tiếng Thái Lan có Menam = sông mẹ
Tiếng Môn cổ có Meklong = sông mẹ (Mô hình tên gọi này còn thể hiện qua cách đặt tên một số sự vật "lớn" khác trong tiếng Việt: ngón tay CÁI, cột CÁI, máy CÁI, ngón chân CÁI, đũa CÁI,…).


Vậy tên gọi "sông Mã" không ngoài quy luật đặt địa danh nêu trên trong toàn vùng, và cần thiết hiểu "sông MÃ" = "sông MẠ" = "sông CÁI" (nghĩa là "sông mẹ, sông lớn") chứ không phải là "sông Ngựa".


Nghiên cứu từ nguyên là công việc đầy khó nhọc, nhưng hết sức thú vị.


4.b. Bộ môn danh học nghiên cứu các quy luật đặt tên: tên người, tên sông, tên núi non, tên vùng đất,… Vì vậy, ở đây có hai phần: nhân danh họcđịa danh học.


Ví dụ 1: Nhân danh học có thẻ nghiên cứu các quy luật đặt tên riêng của người Việt, Hán, Khmer, Mường,… và phải gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như:


– Tên gọi riêng của từng người trong các dân tộc đó có những yếu tố gì, dùng để biểu thị cái gì?
– Giới tính có được biểu thị trên tên gọi không?


– Tên họ của vợ và chồng có ảnh hưởng gì sau khi lấy nhau không? Các yếu tố tâm lí, thẩm mĩ, kiêng kị,… có ảnh hưởng đến việc đặt tên không, và nếu có thì gây tác động theo xu hướng nào?…


Nhìn lướt qua tên riêng của người Việt trong gần một thế kỉ nay, ta có thể thấy:
Tên nữ giới, trước đây bắt buộc phải là:
Họ + Thị (thể hiện giới tính) + Tên riêng (lúc chưa lấy chồng)
Họ chồng + Thị + Tên chồng (từ khi lấy chồng) Tên nam giới thường là:
Họ + tên đệm (tuỳ thích, không nhất thiết phải có) + tên riêng Hiện nay, tên gọi của nữ giới không bắt buộc phải dùng yếu tố THỊ. Ví dụ: Trần Phượng Li, Ngô Việt Hà,… Phụ nữ ngày nay lấy chồng vẫn dùng họ tên mình, không phải gọi theo chồng nữa.
Mặt khác, rất nhiều tên kép đã xuất hiện, dùng cho cả nam lẫn nữ: Kiều Oanh, Hoàng Lan, Tuấn Anh, Diễm Mi,… và thậm chí có cả những tên riêng ít nhiều đặc biệt như: Thanh Thanh, Nôen, Diễm Diễm, Li Li,…


Tên riêng người Việt đang có những biến động rất đa dạng tuỳ theo giới tính, trình độ giáo dục, nghề nghiệp, môi trường sống và sở thích cá nhân. Xu hướng chung là đẹp hoá tên riêng và đa dạng hoá tên riêng. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì người Việt cũng không dùng tên riêng của bố, mẹ, ông, bà, cụ, kị, tên của những người khả kính trong quan hệ với mình để đặt tên cho con cái. Trong quan niệm của học, đó là điều kiêng kị đến mức có thể được xếp vào phạm vi của đạo đức ứng xử.


Ví dụ 2: Nghiên cứu quy luật đặt tên sông ở Đông Nam Á, người ta thấy nét nổi bật là chúng thường mang yếu tố chỉ khái niệm NƯỚC hoặc SÔNG. Vùng ngôn ngữ Tày, Thái dùng yếu tố "nặm/nậm": Nậm Tà (sông Hồng), Nặm Tè (sông Đà), Nặm Má (sông Mã), Nặm Khoóng (sông Mê Kông) và các con sông khác như: Nặm Le, Nậm Na, Nậm Rốm,…
Ở Thái Lan có con sông Mê Nam (Mê: mẹ; Nam = nặm), vùng ngôn ngữ thuộc nhóm Mon-Khmer (tiếng Ba Na, Hrê, Xê Đăng,…) người ta dùng yếu tố "đak" (nước): sông Đak Rong, sông Đak Min, hồ Đaklak,…


4.c. Ngữ nghĩa học là bộ môn nghiên cứu các vấn đề về nghĩa của từ. Nó liên quan trực tiếp nhất đến từ điển học là một bộ môn nghiên cứu những vấn đề lí thuyết và kĩ thuật xây dựng các loại từ điển. Từ điển học liên quan rất chặt chẽ với từ vựng học và ngữ nghĩa học. Có thể phân chi từ điển thành hai loại lớn.


4.c.1. Từ điển bách khoa. Đây là loại từ điển không nhằm xây dựng các từ trong ngôn ngữ nói chung, mà chủ yếu đưa ra và giải thích các khái niệm; trình bày từ lai lịch của nó đến các quan điểm khác nhau, cùng với những thay đổi của nó (nếu có) về mặt nội dung,…


Loại từ điển bách khoa cho tất cả các lĩnh vực được gọi là bách khoa toàn thư, còn loại cho từng lĩnh vực một thì được gọi là từ điển bách khao chuyên ngành. Ví dụ: Từ điển bách khoa nông nghiệp, Từ điển bách khoa y học,…


4.c.2. Từ điển ngôn ngữ. Đây là loại từ điển được xây dựng bằng những con đường "ngôn ngữ học". Chúng được phân ra như sau:


Từ điển một ngôn ngữ: Được biên soạn cho một ngôn ngữ cụ thể nào đó ở từng mặt, từng lĩnh vực. Ví dụ: Từ điển giải thích, Từ điển đồng nghĩa, Từ điển chính tả, Từ điển từ nguyên, Từ điển tần số (chung hoặc cho từng lĩnh vực), Từ điển ngược (Inversal Dictionary),…


Từ điển nhiều ngôn ngữ: Được biên soạn trên cơ sở đối chiếu hai hay nhiều ngôn ngữ. Ở đây cũng có thể gồm từ điển đối chiếu phổ thông như: Từ điển Anh – Việt, Từ điển Nga – Việt, Từ điển Việt – Pháp,…; từ điển đối chiếu chuyên ngành như: Từ điển toán học Anh – Việt, Từ điển y học Nga – Việt, Từ điển hoá học Anh – Việt,…


5. Ở Việt Nam, nếu xét một cách nghiêm ngặt thì từ giữa thế kỉ 20 trở về trước, chúng ta chưa hề có bộ môn từ vựng học nói riêng và ngôn ngữ học nói chung.


Có chăng, chỉ có thể nói, do yêu cầu cụ thể, với những mục đích khác nhau, một số từ điển đã được làm ra ở nước ta nhờ một số người vốn không phải là chuyên nghiên cứu ngôn ngữ học (tiếng Việt và không phải tiếng Việt). Chẳng hạn:


– "Dictionarium Annamiticum – Lasitanum en Latinum" của A. de Rhodes (Roma, 1651).


– "Dictionarie Annamite – Français" của M. Genibrel (Tân Định, 1898).


– "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" của Túc Tăng Pháp Tính (khoảng thế kỉ 16–17), bản dịch của Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985).


– "Đại nam quấc âm tự vị" của Paul Huình Tịnh Của (Sài Gòn, 1825).
Tuy vậy, qua vài thập kỉ gần đây, bộ môn từ vựng học ở nước tra đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp công sức đáng kể vào công việc nghiên cứu tiếng Việt nói chung.


Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 130–135.


Nguồn : ngonngu.net
 
Từ và cấu tạo từ
(phần đầu)


1. Vấn đề định nghĩa từ

1.a. Mỗi chúng ta, đã tiếp thu và nhận ra cái gọi là từ thông qua thực tiễn học tập và sử dụng ngôn ngữ.


Cái khó là ở chỗ phải nên ra một định nghĩa có tính lí thuyết về từ. Cho đến nay, trong ngôn ngữ học, các định nghĩa về từ đã được đưa ra không ít. Các định nghĩa ấy, ở mặt này hay mặt kia đều đúng, nhưng đều không đủ và không bao gồm hết được tất cả các sự kiện được coi là từ trong ngôn ngữ và ngay cả trong một ngôn ngữ cũng vậy. Chẳng hạn:


Từ là một tổ hợp âm có nghĩa chăng? Từ là một tổ hợp các âm phản ánh khái niệm chăng? Từ là một đơn vị tiềm tàng khả năng trở thành câu chăng? Từ là một kí hiệu ngôn ngữ ứng với một khái niệm chăng?…


Tình trạng phức tạp của việc định nghĩa từ, do chính bản thân từ trong các ngôn ngữ, không phải trường hợp nào cũng như nhau. Chúng có thể khác về:
- Kích thước vật chất
- Loại nội dung được biểu thị và các biểu thị
- Cách thức tổ chức trong nội bộ cấu trúc
- Mối quan hệ với các đơn vị khác trong hệ thống ngôn ngữ như hình vị, câu…
- Năng lực và chức phận khi hoạt động trong câu nói Xét hai từ hợp tác xãnếu trong tiếng Việt làm ví dụ, ta sẽ thấy:


Từ thứ nhất có kích thước vật chất lớn hơn nhiều so với từ thứ hai; và cấu trúc nội tại của nói cũng phức tạp hơn nhiều.


Từ thứ nhất biểu thị một khái niệm, có khả năng hoạt động độc lập trong câu, làm được chủ ngữ, bổ ngữ, định ngữ… trong câu; còn từ thứ hai lại không biểu thị khái niệm, không có được năng lực để thể hiện những chức phận như từ thứ nhất…


1.b. Vì những lẽ đó, không hiếm nhà ngôn ngữ học (kể cả F. de Saussure, S. Bally, G. Glison…) đã chối bỏ khái niệm từ, hoặc nếu thừa nhận khái niệm này thì họ cũng lảng tránh việc đưa ra một khái niệm chính thức.


Lại có nhà nghiên cứu xuất phát từ một lĩnh vực cụ thể nào đó, đã đưa ra những định nghĩa từng mặt một như từ âm vị học, từ ngữ pháp học, từ chính tả, từ từ điển
Dù sao, từ vẫn là đơn vị tồn tại tự nhiên trong ngôn ngữ; và chính nó là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ; bởi vì, đối với mỗi chúng ta, nói như ý của E.Sapir thì việc nhận thức từ như là cái gì đấy hiện thực về mặt tâm lí, chẳng có khó khăn gì đáng kể.


1.c. Mong muốn của các nhà ngôn ngữ học đưa ra một định nghĩa chung, khái quát, đầy đủ về từ cho tất cả mọi ngôn ngữ, tiếc thay, cho đến nay vẫn chưa đạt được và có lẽ sẽ không thể đạt được. Chúng ta có thể đồng tình với L.Serba khi ông cho rằng từ trong ngôn ngữ khác nhau, sẽ khác nhau…, và không thể có được một khái niệm về từ nói chung.


Tuy thế, để có cơ sở tiện lợi cho việc nghiên cứu, người ta vẫn thường chấp nhận một khái niệm nào đó về từ tuy không có sức bao quát toàn thể nhưng cũng chỉ để lọt ra ngoài phạm vi của nó một số lượng không nhiều những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn:


Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu. Quan niệm này gần với quan niệm của B.Golovin trong cuốn sách "Dẫn luận ngôn ngữ học" của ông. Nó cũng có nhiều nét gần với quan niệm của L.Bloomfield, coi từ là một “hình thái tự do nhỏ nhất”. Có nghĩa rằng từ là một hình thái nhỏ nhất có thể xuất hiện độc lập được.


1.d. Ngay cả những quan điểm như thế, sự thực cũng không phải là áp dụng được cho tất cả mọi ngôn ngữ và tất cả mọi kiểu từ. Chẳng hạn từ nếu vừa nói bên trên cũng như từ và, với, thì, ư… trong tiếng Việt; từ and, up, in, of… của tiếng Anh không thoả mãn được điều kiện "tái hiện tự do" trình bày trong quan niệm này.


Gặp những trường hợp như vậy (trường hợp của những cái mà ta vẫn gọi là từ hư) người ta phải có những biện luận riêng.


- Trước hết, tất cả chúng đề có nghĩa của mình ở dạng này hay dạng khác, thể hiện bằng cách này hay cách khác.


- Thứ hai, khả năng "tái hiện tự do" của chúng được thể hiện "một cách không tích cực". Cần nhớ là trong ngôn ngữ, chỉ có những đơn vị cùng cấp độ thì mới trực tiếp kết hợp với nhau. Xét hai câu bình thường trong tiếng Việt và tiếng Anh.
- Em sống với bố và mẹ
- He will leave here after lunch at two o'clock Ở đây, em, bố, mẹ, sống, he, leave, here, lunch, two, c'clock chắc chắn là các các từ. Vậy thì với, và, will, after, at cũng phải là từ.


- Thứ ba, không hiếm từ hư trong một số ngôn ngữ đã được chứng minh là có nguồn gốc từ từ thực. Sự hao mòn ngữ nghĩa cùng với sự biến đối về chức năng của chúng đã xẩy ra. Tuy vậy, không vì thế mà tư cách từ của chúng bị xoá đi. Ví dụ: trong tiếng Hindu: me (trong) < madhya (khoảng giữa); ke arth (để, vì) < artha (mục đích) của Sanskrit… trong tiếng Hausa: bisan (trên) < bisa (đỉnh, chóp); gaban (trước) < gaba (ngực)… trong tiếng Việt: của < của (danh từ); phải < phải (động từ); bị < bị (động từ)…


Việc xét tư cách từ cho những trường hợp như: nhà lá, áo len, đêm trắng, chó mực, cao hổ cốt… trong tiếng Việt còn phức tạp hơn nhiều. Trong các ngôn ngữ khác cũng không phải là không có tình hình tương tự.


Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm tòi những tiêu chí cơ bản, phổ biến để nhận diện từ (như: tính định hình hoàn chỉnh, tính thành ngữ, do A.Smirnitskij đưa ra chẳng hạn) nhưng khi đi vào từng ngôn ngữ cụ thể, người ta vẫn phải đưa ra hàng loạt tiêu chí khác nữa, có thể cụ thể hơn, khả dĩ sát hợp với thực tế từng ngôn ngữ hơn, và thậm chí có cả những biện luận riêng.


Đọc tiếp: 2. Cấu tạo từ
Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 136–138.


Nguồn :ngonngu.net
 
Từ và cấu tạo từ
(phần cuối)


2. Cấu tạo từ

2.a. Từ được cấu tạo nhờ các hình vị. Nói cách khác, từ được tạo ra nhờ một hoặc một số hình vị kết hợp với nhau theo những nguyên tắc nhất định. Ví dụ:
Từ tiếng Anh Antipoison = anti + poison Từ tiếng Nga nucaтeль = nuca + тeль​
Vậy hình vị là gì?

Quan niệm thường thấy về hình vị, được phát biểu như sau:
Hình vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa và/hoặc có giá trị (chức năng) về mặt ngữ pháp.

Quan niệm này xuất phát từ truyền thống ngôn ngữ học châu Âu vốn rất mạnh về hình thái học, dựa trên hàng loạt các ngôn ngữ biến hình. Chẳng hạn, trong dạng thức played của tiếng Anh người ta thấy ngay là: play-ed. Hình vị thứ nhất gọi tên, chỉ ra khái niệm về một hành động, còn hình vị thứ hai biểu thị thời của hành động đặt trong mối quan hệ với các từ khác trong câu mà played xuất hiện.

Các hình vị được phân chia thành những loại khác nhau. Trước hết là sự phân loại thành các hình vị tự dohình vị hạn chế (bị ràng buộc).

Hình vị tự do là những hình vị mà tự nó có thể xuất hiện với tư cách những từ độc lập. Ví dụ: house, man, black, sleep, walk… của tiếng Anh; nhà, người, đẹp, tốt, đi, làm… của tiếng Việt.

Hình vị hạn chế là những hình vị chỉ có thể xuất hiện trong tư thế đi kèm, phụ thuộc vào hình vị khác. Ví dụ: -ing, -ed, -s, -ity… của tiếng Anh; ом, uх, е… của tiếng Nga.
Trong nội bộ các hình vị hạn chế, người ta còn chia thành hai loại nữa: các hình vị biến đổi dạng thức (các biến tố) và các hình vị phái sinh.

- Hình vị biến tố là những hình vị làm biến đổi dạng thức của từ để biểu thị quan hệ giữa từ này với từ khác trong câu. Ví dụ:

cats, played, worked, singing ... trong tiếng Anh доме, pуку, читаю ... trong tiếng Nga​

- Hình vị phái sinh là những hình vị biến bổi một từ hiện có cho một từ mới.

kind – kindness; merry – merryly, (to) work – worker… của tiếng Anh hoặc như trường hợp дом – дом; nucать – nucателъ của tiếng Nga.

Lĩnh vực nghiên cứu về cấu tạo từ chú ýe trước hết đến các hình vị tự do và hình vị tái sinh.

Nếu căn cứ vào vị trí của hình vị trong từ, người ta có thể phân chúng thành hai loại lớn: gốc từ (cái mang ý nghĩa từ vựng chân thực, riêng cho từng từ) và phụ tố (cái mang ý nghĩa ngữ pháp, chung cho từng lớp, nhiều từ). Tuỳ theo phụ tố đứng ở trước gốc từ, trong gốc từ hay sau gốc từ, người ta gọi chúng lần lượt là tiền tố, trung tố và hậu tố.

2.b Từ trong các ngôn ngữ được cấu tạo bằng một số phương thức khác nhau. Nói khác đi, người ta có những cách khác nhau trong khi sử dụng các hình vị để tạo từ.
1+ Dùng một hình vị tạp thành một từ. Phương thức này thực chất là người ta cấp cho một hìnhvị cái tư cách đầy đủ của một từ, vì thế, cũng không có gì khác nếu ta gọi đây là phương thức từ hoá hình vị. Ví dụ các từ: nhà, người, đẹp, ngon, viết, ngủ,… của tiếng Việt; các từ: đây, tức, phle, kôn,… của tiếng Khmer, các từ: in, of, with, and,… của tiếng Anh là những từ được cấu tạo theo phương thức này.

(Thật ra, nói “dùng một hình vị tạo thành một từ” hoặc “từ hoá hình vị” là không hoàn toàn chặt chẽ về logic, vì điều đó ngụ ý rằng hình vị phải là cái có trước từ. Trong khi đó, xét tới ngọn nguồn và tổng thể ngôn ngữ thì từ phải là cái có trước, còn đơn vị mang tư cách hình vị và những “hình vị được từ hoá” chỉ là các kết quả có được ở hậu kì. Do vậy, đây chỉ là cách nói cho giản tiện trong việc phân loại và miêu tả mà thôi).

2+ Tổ hợp hai hay nhiều hình vị để tạo thành từ.

2.a. Phương thức phụ gia

a.1. Phụ thêm tiền tố vào gốc từ hoặc một từ có sẵn.

Ví dụ: tiền tố y- npu- беэ-… trong tiếng Nga: бежать – убежать, npuбежать; лететь – npuлететь…

Tiền tố anti-, im-, un-… trong tiếng Anh: foreign – antiforeign, possible – impossible
Tiền tố ch, -m trong tiếng Khmer: (trên) – chlơ (đặt lên trên); hôp (ăn) – mhôp (thức ăn)…

a.2. Phụ thêm hậu tố

Ví dụ: Hậu tố -uк, -ка, -шuк… của tiếng Nga trong các từ дом, студентка, каменшuк.

Hậu tố -er, -ness, -less, -li, -ity… của tiếng Anh trong các từ player, kindness, homeless

a.3. Phụ thêm trung tố

Ví dụ: Trung tố -uзн-, -uв- của tiếng Nga trong các từ болuзна, красый… Trung tố -n của tiếng Khmer trong các từ kout (thắt, buộc) – khnout (cái nút), back (chia) – phnack (phần bộ phận)… Trung tố -el, -em trong tiếng Indonesia ở các từ gembung (căng, phồng lên) – gelembung (mụn nước, cái bong bóng) guruh (sấm, sét) Œ gemuruh (oang oang)…

2.b. Ghép các yếu tố (hình vị) gốc từ


Phương thức này cũng gọi là phương thức hợp thành.

Ví dụ:
trong tiếng Anh: homeland, newspaper, inkpot
trong tiếng Việt: đường sắt, cá vàng, sân bay… Ở đây không phải chỉ kể những trường hợp ghép các hình vị thực gốc từ, mà còn kể cả trường hợp ghép các hình vị vốn hiện diện là những từ hư, những "từ ngữ pháp" như bởi vì, cho nên… trong tiếng Việt.

2.c. Phương thức láy

Thực chất của phương thức này là lặp lại toàn bộ một phần của từ, hình vị ban đầu trong một số lần nào đó theo quy tắc cho phép, để cho một từ mới. Ví dụ như những từ:
- co ro, lúng túng, giỏi giang, vành vạnh… của tiếng Việt.
- thmây thây, thlay thla, srâu sro… của tiếng Khmer. Trên đây đã trình bày một số phương thức cơ bản để cấu tạp từ trong các ngôn ngữ. Sự thật thì các phương thức ấy có những biểu hiện còn đa dạng hơn và đôi khi chúng đan xen vào nhau. Mặt khác, cũng cần lưu ý là các phương thức tạo từ không hiện diện và hoạt động đồng đều trong mọi ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong các ngôn ngữ Ấn-Âu, phương thức phụ gia có hiệu lực mạnh bởi một trong những lí do là ở các ngôn ngữ này, sự đối lập hình vị gốc từ với các phụ tố là nét nổi bật; và chúng có những hệ hình thái cực kì phát triển. Trong khi đó tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, không biến hình, lại chủ yếu dựa vào phương thức hợp thành và phương thức láy. Kết cục là trong mỗi ngôn ngữ tồn tại một tình trạng gần như là đắp đổi, bù trừ giữa các phương thức cấu tạo từ: phương thức này ít hoạt động thì gia tăng phương thức kia để "bù lại".

Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 139–142.

Nguồn :Ngonngu.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top