Tự lực văn đoàn

hoangphuong

New member
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

(Tóm tắt bài giảng của giảng viên Phạm Xuân Thạch - Khoa Văn học - ĐH KHXH & NV Hà Nội)

I. Đôi nét về tổ chức, chủ trương và hoạt động của TLVĐ

1. Tổ chức của TLVĐ


- TLVĐ là một tổ chức văn chương hiện đại được thành lập một cách tự nguyện từ sáng kiến của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tập hợp một số văn nghệ sĩ bao gồm : Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ.

- Các nhà văn là thành viên của TLVĐ là đại diện cho một tầng lớp mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam : những người trung lưu hành nghề tự do trong môi trường đô thị hiện đại, những văn nghệ sĩ, trí thức tự do. Họ mang một số đặc điểm chung

+ Về nguồn gốc học vấn và văn hóa : thuộc thế hệ được tiếp thu một cách đầy đủ văn hóa và học vấn phương Tây thông qua nhà trường Pháp Việt nhưng những mối dây liên hệ với văn hóa truyền thống (đặc biệt thông qua văn hóa gia đình) vẫn chưa bị cắt đứt. Đây là cơ sở để họ tiến hành một bước tổng hợp những giá trị văn hóa Đông Tây, truyền thống và hiện đại.

+ Thấm nhuần chủ nghĩa cá nhân hiện đại, mang một số yếu tố tích cực : tinh thần tự lập, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, hướng về tầng lớp bình dân, chán ghét danh lợi và đời sống trưởng giả

2. Chủ trương của TLVĐ về văn học nghệ thuật :

- Về văn loại : chú trọng sáng tác hơn dịch thuật, đặc biệt là các sáng tác văn nghệ (tiểu thuyết, thơ). Tên TLVĐ thể hiện quyết tâm “đoạn tuyệt” với văn học dịch và những tác phẩm phóng tác từ văn học nước ngoài của giai đoạn trước.

- Về nội dung : 1. Chủ trương dùng văn chương chống lại Khổng giáo, chống luân lý truyền thống đẳng cấp tôn ti. 2. Hướng về đời sống của người bình dân, đại chúng hóa văn chương. 3. Lấy chủ nghĩa cá nhân làm nòng cốt tư tưởng cho sáng tác văn chương, dùng văn chương bảo vệ tự do cá nhân. 4. Dùng văn chương hướng thanh niên đến tinh thần lạc quan, chống lại không khí bi thảm của văn chương trong những giai đoạn trước (điển hình là tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách). 5. Diễn tả những vẻ đẹp của đất nước, “những vẻ đẹp thuần túy An Nam” để chống lại khuynh hướng cóp nhặt, lai căng từ văn học nước ngoài. “Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả.”

- Về hình thức : chủ trương một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít dùng chữ nho, có tính cách An Nam.

3. Chủ trương về xã hội :

- Đả phá Nho giáo và luân lý truyền thống, những hủ tục của dân quê sau lũy tre làng, đả phá tinh thần bi lụy.

- Chuyển sang những mục tiêu chính trị : phê phán vua quan phong kiến, tẩy chay chế độ phong kiến bù nhìn, tố cáo bất công xã hội, đòi tự do dân chủ

- Hình thành đạo đức của con người mới (Mười điều tâm niệm – Hoàng Đạo) : theo mới, tin tưởng ở sự tiến bộ, sống có lý tưởng hành động, có tinh thần xã hội, chống thói vị kỷ, rèn luyện tinh thần và thể chất, óc tổ chức, khinh bỉ danh lợi, xây dựng sự nghiệp tương lai.

4. Cơ quan ngôn luận của TLVĐ :

- Báo Phong hóa (1932-1936) báo tin tức, châm biếm; Báo Ngày nay : từ 1936 về trước thuộc loại báo thời sự tin tức, đăng nhiều phóng sự điều tra, từ 1936 trở về sau thuộc dạng báo văn chương, cơ quan ngôn luận chính của TLVĐ.

- NXB Đời nay

5. Hoạt động của TLVĐ

- Sáng tác văn học, hoạt động báo chí, xuất bản

- Trao giải thưởng văn chương : Năm 1937 trao cho Vi Huyền Đắc (vở kịch Kim tiền) và Nguyên Hồng (tiểu thuyết Bỉ vỏ), năm 1938 trao cho Nguyễn Bính và năm 1940 trao cho Anh Thơ, Tế Hanh.

- Hoạt động xã hội, tổ chức Hội ánh sáng tập hợp nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đương thời tham gia cbải cách đời sống cho người nghèo.


II. Các giai đoạn sáng tác của TLVĐ :

- Thời kỳ thứ nhất (1932-1934) : tiểu thuyết mang màu sắc lãng mạn về đề tài tình yêu như Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng - 1933), Gánh hàng hoa (Minh – Liên – Văn - Nhất Linh - Khái Hưng - 1934); Tiểu thuyết tâm lý và tiểu thuyết luận đề về xung đột phong tục, đạo đức trong đại gia đình phong kiến, đề cao quyền tự do và hạnh phúc cá nhân : Nửa chừng xuân (Mai – Lộc - Khái Hưng - 1933), Đoạn tuyệt (Nhất Linh - 1934), Đời mưa gió (Tuyết – Chương - Nhất Linh – Khái Hưng – 1935)

- Thời kỳ thứ hai (1935-1939) : Tiểu thuyết phong tục và tiểu thuyết tâm lý, luận đề phê phán lễ giáo và đại gia đình phong kiến : Lạnh lùng (Nhung – Nghĩa - Nhất Linh - 1936), Thoát ly (Khái Hưng - 1937), Thừa tự (Khái Hưng - 1938); Một số tác phẩm đi sâu vào đời sống của những tầng lớp bình dân : Gió đầu mùa (Thạch Lam - 1937), Con trâu (Trần Tiêu - 1939); Các tiểu thuyết luận đề thể hiện khát vọng cải tạo hiện thực và những băn khoăn về giá trị sống của tầng lớp trí thức tiểu tư sản : Những ngày vui (Nhất Linh - 1936), Con đường sáng (Hoàng Đạo 1938-1939), Gia đình (Khái Hưng - 1936); Những tiểu thuyết với hình ảnh người chinh phu ở vị trí nhân vật trung tâm thể hiện khát vọng “lên đường”, “hành động” của một thế hệ thanh niên : Thế rồi một buổi chiều (Nhất Linh - 1936), Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng - 1935), Đôi bạn (Nhất Linh - 1938).

- Thời kỳ thứ ba (cuối 1939 đến 1942): Đây là giai đoạn chín muồi với những tìm tòi nghệ thuật xuất sắc của TLVĐ thể hiện những bế tắc và cuộc đấu tranh nội tâm tìm lẽ sống của tầng lớp thanh niên, trí thức trước cách mạng : Bướm trắng (Nhất Linh - 1939), Thanh Đức (Khái Hưng - 1943), Đẹp (Khái Hưng - 1939), Sợi tóc (Nhất Linh – 1940)


III. Tự lực văn đoàn trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc

1. TLVĐ đánh dấu bước trưởng thành của văn học hiện đại Việt Nam , là sự hoàn tất trong bước chuyển từ mô hình văn học truyền thống sang mô hình văn học hiện đại

- Tình hình văn học trước TLVĐ

+ Trước TLVĐ đã có một số tổ chức văn học, văn hóa tập hợp quanh những tờ báo (Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Phụ nữ tân văn...) nhưng có thể nói, chưa một nhóm nào đủ tư cách đại diện cho sức sống của văn học hiện đại như TLVĐ : tổ chức ổn định, tiêu chí rõ ràng, sức sống và ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ, cách hình dung về xã hội và văn học hiện đại và tiến bộ.

+ Những tổ chức văn học trước TLVĐ đặt vấn đề xây dựng nền quốc văn nhưng chưa thực sự tạo nên được một khối lượng sáng tác có giá trị, đủ sức đại diện cho văn học hiện đại.

+ Trước TLVĐ, hoạt động văn học chủ yếu là dịch thuật, phỏng tác, quan trọng hơn cả, chưa hình thành được một quan niệm nghệ thuật hiện đại ổn định

- Vai trò của TLVĐ

+ Quan niệm văn học cảu TLVĐ hoàn toàn khác trước (hệ thống thể loại và phương thức định danh thể loại đến TLVĐ mới thực sự định hình, đến TLVĐ văn học mới thực sự tách khỏi học thuật, khảo cứu)

+ Một nền văn học chỉ thực sự định hình khi nó có thể chứng minh sức sống của mình bằng những sản phẩm đích thực có giá trị, chiếm lĩnh được người đọc chứ không phải chỉ dừng ở những tuyên bố lý thuyết (nghĩa là một mô hình văn học phải được hiện thực hóa). Đến TLVĐ, văn học hiện đại mới thực sự đạt đến một chuẩn mực phát triển mới cả về chất lượng và số lượng đủ sức thay thế văn học truyền thống và dịch thuật.

+ Đóng góp cụ thể của TLVĐ bao gồm : 1. Đại bộ phận thành viên của TLVĐ đều là các nhà văn xuôi, họ đã có những đóng góp lớn trong việc hiện đại hóa tự sự nghệ thuật, đưa sự phát triển của truyện ngắn và tiểu thuyết lên một tầm cao mới. 2. Một số thành viên của TLVĐ cũng là những trụ cột của phong trào Thơ mới, đồng thời, tổ chức văn học này cũng nhiệt tình ủng hộ Thơ mới. 3. TLVĐ đã có công lao trong việc phát hiện ra một số tài năng của văn học Việt Nam hiện đại : Anh Thơ, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Đoàn Phú Tứ.

2. Vấn đề con người cá nhân trong văn chương TLVĐ :

- Nhân vật trung tâm trong các sáng tác của TLVĐ là con người cá nhân hiện đại và trục nội dung tư tưởng chủ đạo trong sáng tác của các tác giả này là xoay quanh các vấn đề liên quan đến sự tồn tại của con người cá nhân hiện đại, thực chất là vấn đề quyền con người : khẳng định quyền được tồn tại là một cá thể độc lập, mang tính tự trị, tự quyết định số phận của mình. Vấn đề mâu thuẫn giữa con người cá nhân và đại gia đình phong kiến cần được nhìn nhận như là sự mâu thuẫn giữa một bên là những con người cá nhân đang tự khẳng định với những thiết chế xã hội quá chật hẹp và lỗi thời.

- TLVĐ đẩy sâu tiếp những khám phá về thế giới tâm lý bên trong mỗi con người : những xúc cảm không lời, mơ hồ, cái vô thức, một thế giới tâm lý, dòng tâm lý đang vận động biến chuyển.

- Văn chương TLVĐ cũng phản ánh cả những xúc cảm có tính cộng đồng của con người cá nhân : sự bất bình trước thực tại, cảm thương cuộc đời những người nghèo, những kẻ tủi nhục, mơ hồ tinh thần yêu nước, khát vọng “lên đường”, tự giải phóng, khát vọng hành động, cải tạo thế giới. Những xúc cảm này được miêu tả như là kết quả của những trải nghiệm cá nhân.

- Trong sáng tác của TLVĐ có cả những băn khoăn, bất lực của con người cá nhân trước cuộc đời của chính mình, cuộc truy tìm ý nghĩa của hạnh phúc và niềm tin của con người cá nhân (đặc biệt trong những tiểu thuyết TLVĐ giai đoạn sau)

- Tất cả những điều trên làm nên sự khác biệt giữa TLVĐ và Tố Tâm cũng như với các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực.

3. TLVĐ bước tổng hợp những giá trị Đông Tây, truyền thống và hiện đại.

- Điều này được thể hiện trên cả hai cấp độ : hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng.

- Về hình thức nghệ thuật : trong sáng tác của các nhà văn là thành viên của TLVĐ, có thể nhận thấy dấu vết ảnh hưởng của một số môtíp cốt truyện (chủ yếu là cốt truyện tâm lý của giai đoạn đầu của văn chương lãng mạn phương Tây) và kỹ thuật tự sự (chủ yếu là kỹ thuật phân tích tâm lý vi phân của Dostoievski, M. Proust...) của phương Tây nhưng đồng thời trong đó, vẫn có cả hình dáng của tự sự truyền thống (những môtíp báo mộng, những kiểu nhân vật phụ, lối tả thiên nhiên phong cảnh....) của văn học truyền thống phương Đông.

- Về nội dung : Một mặt sáng tác của TLVĐ hướng đến việc ngợi ca những giá trị văn hóa hiện đại (tự do cá nhân) nhưng một mặt, nhiều giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn (sự đức hạnh của người phụ nữ, thái độ chán ghét danh lợi và đời sống trưởng giả...). Điều này được thể hiện đặc biệt đậm nét ở những nhà văn như Thạch Lam, Khái Hưng, những người vốn ôn hòa trong thái độ chính trị và nghệ thuật, thậm chí, có thể nói, có một vị trí khá cô lập trong TLVĐ (Thạch Lam)

4. TLVĐ là tổ chức văn học có đóng góp lớn trong việc hiện đại hóa ngôn ngữ văn học bằng tiếng Việt.

- Thành công lớn nhất của TLVĐ về phương diện ngôn ngữ nghệ thuật là đã tạo nên được một bước nhảy vọt về ngôn ngữ, đoạn tuyệt được với những ảnh hưởng của từ Hán Việt và câu văn biền ngẫu truyền thống, hình thành nên một thứ ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm và in đậm tính dân tộc.

Nguồn: thachpx​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top