Hoàn cảnh xuất thân
Nguyễn Minh Châu sinh ngày 23 tháng 10 năm 1930 trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Thơi thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Là con út trong một gia đình có sáu anh chị em, Nguyễn Minh Châu được tạo điều kiện học hành khá chu đáo. Học ở quê rồi vào Huế, học tiếp đến năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp thì trở về quê thi đỗ bằng Thành Chung. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Minh Châu tiếp tục học trung học trong vùng kháng chiến. Đầu năm 1950, khi đang là học sinh chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An, Nguyễn Minh Châu tình nguyện vào quân đội. Sau một khoá đào tạo ngắn của trường Lục quân, Nguyễn Minh Châu về sư đoàn 320 làm cán bộ trung đội. Trong những năm từ 1950 đến 1954, Nguyễn Minh Châu cùng đơn vị chiến đấu và hoạt động ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau 1954, Nguyễn Minh Châu tiếp tục phục vụ trong quân đội làm cán bộ tuyên huấn tiểu đoàn.
Trích đoạn phim tư liệu "Chuyện kể về một con người" của đạo diễn Nguyễn Thanh Bình - Hãng phim truyền hình, Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam.
Anh (chị) cần chú ý : Sự xuất thân của một nhà văn quân đội từ một vùng nông thôn nghèo xứ Nghệ có ảnh hưởng đậm nét đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu : Phần lớn tác phẩm của ông khởi từ hai mạch cảm hứng rất rõ: Một là, cảm hứng về nông thôn và người nông dân; hai là, cảm hứng về chiến trường và người lính.
Những thành công bước đầu trong nghề cầm bút:
Năm 1959, Nguyễn Minh Châu đi dự hội nghị bạn viết toàn quân, 1960 được điều động về cục Văn hóa quân đội, rồi về tạp chí Văn nghệ quân đội vừa làm biên tập vừa làm phóng viên. Tại đây, Nguyễn Minh Châu bắt đầu viết văn và cho in những truyện ngắn đầu tay nhưng chưa gây được sự chú ý. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Minh Châu chỉ thật sự được khẳng định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với hai cuốn tiểu thuyết Cửa Sông (1966), Dấu Chân Người lính (1972) và tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau (1970). Nguyễn Minh Châu đã có nhiều chuyến đi thực tế chiến trường, từ Quảng Bình, Vĩnh Linh đến đường 9 Nam Lào và đặc biệt là chiến trường Quảng Trị - nơi diễn ra nhiều chiến dịch hết sức quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là nhà văn quân đội, Nguyễn Minh Châu đã phản ánh kịp thời những hình ảnh sinh động của cuộc chiến đấu và hình tượng cao đẹp của những con người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và suy ngẫm về nhiều vấn đề của đời sống xã hội và số phận con người ngay trong chiến tranh, được ông ghi lại trong nhiều trang sổ tay và sau này sẽ trở thành những vấn đề chủ đạo trong sáng tác thời hậu chiến của chính ông.
Phòng D10, khu tập thể 3B - Ông Ích Khiêm, nơi Nguyễn Minh Châu sống và viết từ năm 1976 đến năm 1988.
Sau khi xem đoạn phim, anh (chị) có cảm nhận gì về sự khổ luyện và nhân cách của nhà văn?
Nỗ lực và những thành công cuối đời của nhà văn:
Ngay sau năm 1975, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận ra những hạn chế của nền văn học thời chiến tranh và thầm lặng nhưng dũng cảm và kiên định tìm kiếm con đường đổi mới sáng tác của chính mình. Hai cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1977: Miền cháy,Lửa từ những ngôi nhà đã đem lại một sắc diện mới trong sáng tác của nhà văn. Những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu ra mắt bạn đọc ở nửa đầu những năm 1980 thực sự là những tìm tòi mới, với cái nhìn mới về hiện thực và con người, khiến Nguyễn Minh Châu trở thành một trong những người mở đường tinh anh và tài năng nhất của công cuộc đổi mới văn học. Khi công cuộc đổi mới đất nước được chính thức phát động, Nguyễn Minh Châu nhiệt thành và đầy tâm huyết với công cuộc đổi mới nền văn học nước nhà, vừa bằng những phát biểu trực tiếp, mạnh mẽ, vừa bằng những sáng tác đã đạt đến độ sâu sắc của tư tưởng và sự kết tinh nghệ thuật cao. Nhưng số mệnh nghiệt ngã với căn bệnh hiểm nghèo ung thư máu đã khiến hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu phải đột ngột dừng lại khi vừa đạt tới độ chín của tài năng. Ngày 23 tháng 1 năm 1989 Nguyễn Minh Châu trút hơi thở cuối cùng tại viện quân y 108 Hà Nội, sau gần một năm chống chọi với bạo bệnh, để lại nhiều dự định sáng tác còn đang ấp ủ. Tác phẩm cuối cùng - truyện vừa Phiên Chợ Giát - được hoàn thành ngay trên giường bệnh trước đó không lâu.
Nguyễn Minh Châu trong lòng người ở lại.
Đoạn phim lấy bối cảnh là hiện thực cuộc sống vất vả của những con người làng Kẻ Khơi - quê hương Nguyễn Minh Châu nhưng cũng được gợi cảm hứng từ một trong những truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn - truyện Chiếc thuyền ngoài xa. Người phụ nữ trong phim là bà Nguyễn Thị Doanh, người bạn đời của nhà văn.