Bút Nghiên
Smod Trùm ^^
- Xu
- 417
Trời sinh ra bác Tản Đà
Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thì không/ Nửa đời nam, bắc, tây, đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly/ Túi thơ đeo khắp ba kỳ/ Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng" - Mấy câu "tự giới thiệu" này của Tản Đà đã đủ cho ta thấy sự khác lạ của thi nhân so với những người làm thơ đương thời. Tuy nhiên, trong thực tế, những sự khác lạ ấy không chỉ do số phận mà phần nhiều do tính cách của Tản Đà tạo nên.
Sinh thời, Tản Đà là nhân vật của nhiều giai thoại được truyền tụng trong giới văn nghệ. Cái tính ngang tàng, đôi khi trái tính trái nết nhưng thật ra lại hồn hậu, đáng yêu của thi sĩ vì thế cũng được nhiều người biết đến. Ngày 25-5-2009 là vừa chẵn 120 năm ngày sinh của ông. Nhân dịp này, xin giới thiệu với bạn đọc một số "chuyện lạ có thật" nói trên...
Thích xem gà mổ thóc
Trong những con vật có cuộc sống gần gũi với con người, thường người ta hay thể hiện tình cảm với những con vật hoặc khôn ngoan, hoặc đẹp mã như: chó, mèo..., hiếm thấy ai lại bày tỏ tình yêu thương, nhất là đến mức độ đắm đuối với một loài như loài...gà. Vậy mà điều ấy lại có ở thi sĩ Tản Đà. Theo như bạn hữu đương thời kể lại thì ông vô cùng phấn khích khi trông thấy cảnh... gà mổ thóc.
Một lần, Tản Đà theo Khái Hưng vào rạp Palace (nay là rạp Công Nhân, ở phố Tràng Tiền, Hà Nội) xem chiếu bóng. Có lẽ vì trước đó hơi quá chén, nên phim mới chiếu được một đoạn, ông đã ngồi...ngáy. Biết tính thi sĩ thích xem gà, đúng đến đoạn phim có hình ảnh một thiếu nữ ném thóc cho gà ăn, Khái Hưng vỗ vai ông:
- Này, tỉnh mà xem gà chứ.
Tức thì Tản Đà choàng mở mắt, và sau vài giây đủ để hiểu, ông thét lên cười, tiếng cười thật sảng khoái. Thế là ông tỉnh ngủ và sau đó chịu khó chăm chú xem nốt bộ phim.
Một lần khác, vẫn là chuyện Khái Hưng với Tản Đà nhưng là tại nhà riêng của Tản Đà ở làng Văn Quán. Cuộc tiệc kéo dài từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều vẫn chưa dứt. Thi sĩ nhìn ra sân, bảo bạn:
- Tạnh mưa rồi! Ta đi cho gà ăn.
Các khách mời lũ lượt đứng dậy, ra sân. ở góc sân có một chuồng gà bề thế, có hiên, có "cửa sổ" và "cửa ra vào" trông thật thoáng đãng. Thi sĩ đích thân ra mở cửa chuồng. Đàn gà theo nhau nhảy xuống đất, dễ có đến hai chục con, con nào con nấy béo tốt, tròn trĩnh. Thi sĩ ném thóc, ngô cho gà ăn và cười khoái trá, vẻ mãn nguyện hệt như hôm ông ngắm thiếu nữ cho gà ăn trên màn ảnh.
"Thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi"
Khoảng cuối những năm hai mươi (của thế kỷ XX), thi sĩ Tản Đà được ông Diệp Văn Kỳ, chủ bút tờ Đông Pháp thời báo mời tham gia làm báo, đứng coi phần "phụ trương văn chương". Riêng việc xếp đặt bài trang báo (như công việc của thư ký tòa soạn bây giờ) thì do ông Tùng Lâm đảm nhiệm.
Một lần, vì thiếu bài, ông Tùng Lâm phải đưa thêm vào phụ trương một bài thơ chất lượng thuộc loại "lá cải". Khi báo ra lò, Tản Đà biết chuyện bèn hạch ông Tùng Lâm về "tội chuyên quyền". Ông này cãi lại rằng: Bài thiếu, báo lên khuôn, ông không thể xuống tận xóm Cà để hỏi bài của Tản Đà. Tản Đà nghe vậy rất giận, mắng: "Nếu thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi. Không xin phép tôi mà cho bài thơ kia vào đấy, là ông hỗn!".
Ông Tùng Lâm nghe vậy, chỉ cười. Chuyện có thể là chuyện vui, song nguyên tắc Tản Đà đặt ra không phải là không đúng.
Cách tiêu tiền lạ đời
Tản Đà đã từng nhiều lần làm thơ bộc bạch nỗi gian truân, túng bấn của mình. Trong một bài thơ, ông đã nói về việc khất nợ tiền nhà như sau:
Hôm qua chưa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ
Tất nhiên, tiền nhà chưa đóng được bởi nhiều lý do. Nhưng chắc chắn còn một lý do nữa, đó là lối tiêu pha bốc đồng của thi sĩ. Người bạn vong niên của ông - nhà văn Ngô Tất Tố từng kể: Thời kỳ ông cùng Tản Đà vào Nam tham gia viết cho tờ Đông Pháp thời báo, lương báo trả cho Ngô Tất Tố là 80 đồng, Tản Đà là 100 đồng, tiền thuê nhà chỉ phải trả 28 đồng, vậy mà, theo như lời nhà văn Ngô Tất Tố: "Không tháng nào ông Tản Đà không phải lật đật về chạy tiền nhà".
Một hôm, vì chủ nhà thúc giục riết quá, ông Tản Đà, sau khi đã ăn tối phải thân hành đi Sài Gòn vay tiền. Vào khoảng 11 giờ đêm, Tản Đà lật đật trở về với trai rượu rum, con vịt quay và vài món khác. Mới vào tới cửa, ông đã lắc đầu than phiền: "Hỏng cả ông ạ!".
Ngô Tất Tố ngạc nhiên: "Hỏng, hỏng cái gì?", thì Tản Đà thản nhiên cắt nghĩa:
- Chỉ vay được hai chục đồng, trả tiền nhà thì vẫn còn thiếu tám đồng, đằng nào cũng vẫn còn nợ, tôi nghĩ, mua ít đồ đánh chén. Tất cả hết hơn mười đồng…
Trời ơi, đi vay rồi lại tiêu như thế này, thì đến bao giờ mới trả hết tiền nhà! Không bận tâm đến nỗi lo lắng của Ngô Tất Tố, Tản Đà gọi người đầy tớ tâm phúc của ông đem con vịt quay ra chặt. Ông thủng thẳng bảo Ngô Tất Tố:
- Cứ chén đã. Tiền nhà rồi ta lại xoay…
Thật là một cách tiêu tiền kỳ lạ.
Tản Đà vẽ tranh bày triển lãm
Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong một bài báo in ở Tao Đàn số ra ngày 9/10/ 1939 đã kể lại như sau:
Vào quãng năm 1913 - 1914, Tản Đà nổi hứng vẽ tranh và mang "tác phẩm" đó đi bày ở nhà Đấu Xảo.
Bức tranh được vẽ bằng bút nho trên giấy tàu bạch. Trong tranh, có một cành lan, trên lá có con cóc đậu. Khoảng trắng ở dưới đề mấy câu thơ:
Con cóc mà đậu cành lan
Cành ngô con phượng thế gian chuyện thường
Có ai thương cóc thì thương
Chờ đến khi cửa nhà Đấu Xảo mở, Nguyễn Công Hoan "sục" vào. Ông hăm hở tìm mãi mà không thấy bức vẽ đâu cả.
Cuối cùng thì nhà văn tương lai cũng nhận ra bức tranh. Trước nhất là vì mấy câu thơ đề ở dưới. Bức tranh của nhà thi sĩ được người ta "bày" ở một xó, như thể không muốn để ai trông thấy nó. Nguyễn Công Hoan nhìn mãi mà không tài nào nhận ra đâu là cóc, đâu là cành lan, vì mực nhòe nhoẹt chỗ đậm chỗ nhạt. Nhà văn tương lai phải bật cười.
Nhưng riêng Tản Đà - ông không cười. Ông tức lắm. Chờ khi tan cuộc, ông la rinh lên rằng bọn người kia (tức những người Tây) không biết thưởng thức nghệ thuật.
Không chụp ảnh vì sợ... "phô cái thân già gầy yếu"
Năm 1996, NXB Văn học cho ấn hành bộ "Tuyển tập Tản Đà". Mặc dù sách in dày dặn, giấy trắng, song rất tiếc là bức hình Tản Đà in đầu sách lại quá... mờ mịt. Đem thắc mắc này hỏi những người làm sách, tôi được biết, để tìm được bức hình Tản Đà, không dễ. Nó vừa quá ít, mà chất lượng cũng không đảm bảo.
Câu chuyện sau đây phần nào có thể lý giải cho sự thiếu hụt nói trên:
Một lần, nhà phê bình Lê Thanh xuống xóm Bạch Mai thăm hỏi Tản Đà và vừa xin ông một tấm ảnh để in trong một tập sách.
Nghe nhà phê bình đặt vấn đề, Tản Đà nghiêm nghị trả lời:
- Ngài xin tôi một bức ảnh in vào tập sách ngài viết để nói về thân thế và văn chương tôi. Ngài làm cho tôi giật mình: Mỗi lần có ai muốn giữ một cái gì của tôi để kỉ niệm, tôi lại tưởng tôi sắp chết đến nơi…
Hẳn thấy mình nói vậy có gì hơi sái, Tản Đà chuyển thái độ. Ông cười ha hả:
- Nói là nói cho vui, thực tình chắc ngài cũng biết cho rằng đã lâu lắm tôi không chụp ảnh, mà bây giờ thì ý tôi không muốn chụp. Cho thấy cái thân già yếu của mình, thấy sự thanh bạch (chỉ sự bần hàn) của mình, e mất cảm tình của quốc dân.
Lê Thanh cố tìm cách lay chuyển quan điểm của nhà thi sĩ, rốt cuộc, Tản Đà hứa hôm nào khỏe, ông sẽ khăn áo chỉnh tề đi chụp ảnh… Tiếc thay, ít ngày sau đó, Tản Đà chuyển xuống ngụ tại số nhà 71 Ngã Tư Sở, rồi mất. Ý định của nhà phê bình đành bỏ dở.
Tản Đà chọn người đóng vai Tây Thi
Không chỉ làm thơ, có thời kỳ Tản Đà còn mơ ước trở thành kịch tác gia. Ông từng soạn hai vở tuồng là vở "Người cá" và "Tây Thi", cho công diễn tại rạp Thắng Ý (ở phố Hàng Quạt ngày nay). Điều đáng nói là trong thời gian soạn hai vở tuồng nói trên, Tản Đà đem lòng si mê một cô gái trẻ (bấy giờ mới 16 tuổi), tên gọi là Liên. Việc Tản Đà yêu cầu người dựng vở phải để cô Liên vào vai Tây Thi đã khiến ông này rất phản ứng. Bởi tuy có nhan sắc, song cô Liên có nhược điểm là giọng the thé, điệu bộ lại cứng nhắc, thậm chí còn trơ trẽn. Từ trước tới giờ, Liên chỉ được giao vào vai phụ (chủ yếu là vai thị tì), nay được bố trí vào vai một trong "tứ đại mỹ nhân" của Trung Quốc là điều khiến anh em không bằng lòng. Nhưng rồi mọi người phải chiều ý Tản Đà, vì ông nói "rắn", nếu không để Liên thủ vai Tây Thi thì ông không cho công diễn.
Thật không ngờ, khi diễn, vở tuồng đã thu hút một lượng người xem đông đảo và khán giả tỏ ra rất ấn tượng với vai Tây Thi. Từ đó, đào Liên bắt đầu gây dựng được danh tiếng và cô nhanh chóng trở thành một trong những diễn viên trụ cột của rạp Thắng Ý.
Cợt đùa với cái chết
Nói như Axtơrốpxki thì "cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần". Lý do ấy khiến cho sự từ giã của con người khỏi thế giới này bao giờ cũng nặng nề. Nhưng suy cho cùng thì "của trời tham được có ngần ấy thôi", có ai sống trên đời được mãi ? Ý thức được điều ấy nên ngay từ năm 1921, khi mới ngoài ba mươi tuổi, Tản Đà đã nổi hứng viết bài thơ "Còn chơi". Ông ước tính đời người là "trăm tuổi", thì nay mình đã đi được một phần ba. Và ông cợt đùa với cái "hai phần ba còn lại":
Trăm năm còn độ bấy nhiêu thôi
Ngoài cuộc trăm năm tớ dặn đời
Ức triệu nghìn năm đời nhớ tớ
Tớ thôi, tớ cũng hãy còn chơi.
Câu thơ "Tớ cũng hãy còn chơi" thể hiện cái "ngông" của một nhà thơ muốn tiêu du ra ngoài cái hữu hạn của đời người. Sự thực, thời gian sống của Tản Đà không dài (chỉ 51 năm), nhưng "ức triệu nghìn năm đời nhớ tớ", những áng thơ tuyệt vời của ông sẽ tồn tại chừng nào còn con người trên trái đất này...
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)
(Ghi chú: Bài này trước đây đã đăng trên diễn đàn, nhưng đã bị mất sau vụ hack. Nay do hứng chí với người xưa mà đăng lại, cũng là sở nguyện của cá nhân. Cảm phiền mọi người vậy.)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: