Từ các khái niệm "tính khả độc", "tính khả tả", "tính khả truyền", thử tìm hiểu hai tác phẩm "Kim Vâ

Hide Nguyễn

Du mục số
GS.TS Hà Kim Lan

Đại học Đạm Giang, Đài loan


1. Văn pháp và dịch âm

Nhiều năm trước đây, một lần lên lớp giảng môn “Hán học trên thế giới”, tôi có giới thiệu với học sinh về “chữ Nôm” của Việt Nam. Sinh viên nêu một chuyện, rằng cách đây không lâu họ tham gia một cuộc hội thảo, trong đó có hai vị giáo sư đưa ra ý kiến khác nhau về hai chữ “nam tự 喃字” (chữ Nôm). Điều gây tranh luận là một vị cho rằng “chữ Nôm” phải được viết thành “Nam tự 喃字”, còn vị kia thì lại cứ nhất định là phải viết thành “Tự nam字喃” và nhấn mạnh vào trật tự của hai chữ là phải như thế mới đúng. Tôi có một ấn tượng sâu sắc về điều tranh luận đó. Và tôi lập tức giải thích cho sinh viên rằng “Nam tự” là dùng theo ngữ pháp Trung văn. Còn “chữ Nôm” (tự nam) thì viết bằng chữ Việt Nam “chữ Nôm” mới đúng, vì đây là theo ngữ pháp tiếng Việt. Điều tôi chưa rõ là không hiểu vị giáo sư chủ trương viết thành “Tự nam” kia đã căn cứ vào lý luận nào.

Vấn đề phiên dịch hoặc dịch âm như vậy luôn luôn gặp phải trong nghiên cứu học thuật và trong cuộc sống hàng ngày. Gần đây, trong một lần thi vấn đáp ở Học viện Pháp văn, tôi thấy có hai vị giám khảo hỏi thi hoàn toàn không hiểu từ “Watson’s” được dịch thành “Khuất thần thị”. Đã nhiều năm nay, mỗi khi lên lớp môn “Phiên dịch Pháp văn”, tôi thường giới thiệu và giải thích cho sinh viên ngay từ tuần đầu hoặc tuần thứ hai về vấn đề dịch âm như thế này. Nếu phát âm “Khuất thần thị” bằng tiếng Phổ thông thì rõ ràng là khác hẳn âm “Watson’s”. Song nếu biết rằng xuất xứ của âm dịch “Khuất thần thị” là ở Hồng Kông, mà người Hồng Kông phần lớn nói tiếng địa phương Quảng Đông, tiếng địa phương này đọc âm “Khuất thần thị” hoàn toàn giống với âm “Watson’s” của tiếng Anh. Ở Hồng Kông có rất nhiều đường phố, cửa hiệu, bảng hiệu, đồ ăn, vật dụng hàng ngày... nếu là tiếng nước ngoài được viết thành tiếng Trung Quốc thì đều phiên âm theo tiếng địa phương, có nghĩa là lấy ngôn ngữ của dân địa phương làm cơ sở để tìm âm dịch.
Hai thí dụ trên có chỗ giống với đối tượng nghiên cứu trong luận văn này của chúng tôi, đó là vấn đề then chốt giữa phiên dịch và văn bản, vấn đề tác giả, hoàn cảnh, tác phẩm, độc giả, rồi tính chủ quan, tính khách quan... Những vấn đề này đều có thể có những khác biệt lớn do hoàn cảnh văn hóa, vốn hiểu biết văn học, hoàn cảnh xã hội, rồi điều kiện chính trị của tác giả và độc giả (bao gồm cả người nghiên cứu) có khác nhau.

2. Truyện Kiều hay Đoạn trường tân thanh với Kim Vân Kiều truyện

Do nhiều nhân tố như địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,... giữa hai nước, nên Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đã có những mối quan hệ vô cùng mật thiết. Việt Nam từ thời cổ đại đã dùng chữ Hán làm văn tự ghi chép chính. Song tiếng Việt thuần túy trong ngôn ngữ Việt không thể hoàn toàn ghi lại bằng chữ Hán được, nhất là tên người, tên đất, từ chuyên biệt, từ trỏ các sự vật trong dân gian, trong cuộc sống thường ngày, thí dụ như trỏ phong tục tập quán, đồ ăn thức uống, đồ vật dụng... Vì vậy, những người trí thức Việt Nam thấy cần sáng tạo ra một loại chữ để ghi lại những sự vật đó, và thế là “chữ Nôm” ra đời. Loại chữ này được manh nha vào khoảng giữa thế kỷ thứ VIII-X, đến thế kỷ XI, vào thời Lý, thì hình thành, rồi được sử dụng nhiều vào đời Trần vào thế kỷ XIII. Thời kỳ phát đạt nhất của chữ Nôm trong sáng tác văn học là từ đời Trần đến thời Hậu Lê, tức từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII. Và thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ Nôm là từ Trịnh - Nguyễn phân tranh đến thời Pháp thuộc, tức là từ thế kỷ XVII đến năm 1883. Thơ ca viết bằng chữ Nôm gọi là “thơ chữ Nôm” hoặc “thơ Nôm”.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820) được xem là kiệt tác vĩ đại nhất. Thiên trường thi viết bằng chữ Nôm này có vị trí rất cao, ảnh hưởng rất sâu rộng, không những có sức mạnh trong toàn bộ lĩnh vực thơ ca và văn học Việt Nam, mà đồng thời có sức mạnh trong tâm hồn và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Mọi người đều yêu thích, thậm chí thuộc lòng Truyện Kiều. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Truyện Kiều trên thực tế là “Kinh Thi” của Việt Nam, đã mở ra, đã xới lên nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao nhà thơ, nhà viết kịch, nhà nghệ thuật ở các đời sau.

Truyện Kiều của Nguyễn Du đầu tiên được tác giả gọi là Đoạn trường tân thanh. Sau được Phạm Quý Thích khắc in, đổi thành Kim Vân Kiều tân truyện. Hai vị Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim lại đổi thành Truyện Thúy Kiều. Nguyễn Khắc Hiếu thì đổi là Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện. Còn mọi người nói chung quen gọi là Truyện Kiều. Tác phẩm trường thi mà nhân dân Việt Nam ai cũng biết, có ảnh hưởng sâu rộng đối với giới văn học, giới trí thức và toàn xã hội Việt Nam này lại có nguồn gốc từ một bộ tiểu thuyết là Kim Vân Kiều truyện của một vị tên là “Thanh Tâm Tài Nhân”, người thời cuối Minh đầu Thanh (không rõ tên họ thật và ngày sinh, ngày mất). Chỉ riêng một điều là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân rất ít được biết đến trong lịch sử văn học và lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, còn Truyện Kiều của Nguyễn Du thì được đánh giá rất cao và có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam, đã khiến độc giả và các nhà nghiên cứu kinh ngạc và tò mò muốn biết: vì sao hai “tác phẩm” có cùng một bối cảnh câu chuyện, cùng một nhân vật, tình tiết và kết cấu giống nhau lại nhận được những phản ứng tiếp nhận của người đọc khác xa nhau như vậy? Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến ý kiến của nhà bình luận nổi tiếng người Pháp Roland Barthes (1915-1980). Ông đã nêu lên vấn đề “tính khả độc” (có thể hiểu là “tính hấp dẫn” của tác phẩm) và “tính khả tả” (tính khơi gợi cảm hứng để viết về nó) của văn bản. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du, ngoài “tính khả độc” và “tính khả tả” ra, “tính khả truyền” dường như còn đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình truyền bá và lưu truyền lại. Nó làm cho văn bản có điều kiện để được tiếp nhận mạnh mẽ và có được ảnh hưởng trong những thời gian, không gian và lĩnh vực khác nhau.

3. Lý luận cơ bản của “tính khả độc”, “tính khả tả” và “tính khả truyền”

Roland Barthes năm 1968 có viết một bài là Cái chết của tác giả, đặc biệt nhấn mạnh rằng lúc bắt đầu viết chính là lúc tác giả đi vào chỗ chết, vì rằng “viết là sự mất hết của mọi loại âm thanh và mọi sự khởi nguồn”. Độc giả ra đời trên cái chết của tác giả. Phê bình văn học không còn như trước kia, chỉ lấy tác giả làm chính, mà phải xem độc giả là trung tâm, phải đem đến cho độc giả thứ văn học có tác dụng tích cực và sáng tạo. Barthes nêu ra khái niệm mới mẻ như vậy, chủ yếu là do từ khái niệm “hỗ văn tính” (intertextualité – liên văn bản) của Julia Kristeva (sinh 1941). Ông đã nhiều lần đề cập đến “liên văn bản”. Năm 1967, trong một chuyến viếng thăm, ông còn dùng câu nói của Kristeva: “Đối với văn học, điều mà chúng ta có thể nói đến không phải là “liên chủ thể” (intersubjectivité) nữa, mà là “liên văn bản”. Nguyên nhân khiến cho Barthes thay đổi hướng nghiên cứu là do cuối năm 1965, bà Kristeva sang Paris, sau khi dự một lớp giảng của Barthes, bà có viết một bài báo cáo về chủ nghĩa cấu trúc trong thời kỳ cuối của những năm 60. Barthes đặc biệt chú ý bài này. Kristeva dẫn cả đến tác phẩm của Mikhail Bakhtin (1895-1975), nhà hậu hình thức chủ nghĩa của nước Nga mà khi đó ở Pháp chưa từng biết đến. Bà nhấn mạnh rằng: “Phương pháp của Bakhtin rất đáng chú ý, vì ông đã xem văn bản học là nhiều cách phát âm của một tiếng nói bên trong nó, cho dù là của Rabelais hay của Dostoevsky thì cũng vậy”.
Đối với khái niệm quan trọng “liên văn bản” này, Kristeva đã nói rất rõ ràng: “Một văn bản được hình thành cũng giống như một bức tranh hoa ghép, đều hấp thu nhiều văn bản khác đã được chuyển hóa mà thành. Khái niệm “liên văn bản” dần dần đã thay thế khái niệm “liên chủ thể”. Bà đã chân thành ca ngợi Barthes – một vị giáo sư đã nghe theo báo cáo của học trò để thay đổi hướng nghiên cứu. Bà nói: “Tôi thấy Barthes đã có vai trò vô cùng quan trọng. Đây là một người, theo tôi biết, là một người duy nhất có thể đọc người khác. Đây là một vị giáo sư tuyệt vời, vì thông thường thì các giáo sư chỉ đọc những thứ của riêng họ mà thôi”.

Từ ảnh hưởng của khái niệm “liên văn bản”, năm 1970, Barthes đã hoàn chỉnh công trình S/Z. Ông đã lấy một truyện ngắn của Balzac là Sarrasine làm đối tượng phân tích. Truyện ngắn này chỉ có 30 trang, viết vào năm 1830. Barthes đã viết bài nghiên cứu 215 trang. Chính vì có lý luận mới từ khái niệm “liên văn bản” nên ông đã có thể phân tích một cách kỹ lưỡng và đặc sắc như vậy. Trong cuốn S/Z, ông đặc biệt chỉ ra rằng văn bản có thể phân thành hai loại: “khả độc tính” (lisible) và “khả tả tính” (scriptible). Văn bản “khả độc tính” thuộc loại văn bản “đã chết”, không còn “sức sản xuất” nữa. Còn văn bản “khả tả tính” thì lại là một sự chú giải văn bản “có tính sản xuất”, tức là loại văn bản có nhiều loại âm thanh, mở ra nhiều hướng đi, là loại văn bản có tính luận bàn chung. Loại văn bản “khả tả tính” không phải là một vật phẩm, chúng ta khó tìm thấy chúng trong hiệu sách. Huống hồ đó là mô hình sản xuất (chứ không phải là có tính chất trình bày nữa). Nó có thể phá hủy mọi sự phê bình, vì phê bình lại có tính sản xuất nên có thể lẫn lộn với văn bản khả tả tính... Văn bản khả tả tính là những truyền kỳ không cần tiểu thuyết, là những thơ ca không có bài thơ, là những luận văn không có luận thuật, là những quá trình kết cấu không có kết cấu.

Lý luận của Barthes được trình bày rất rõ ràng trong những thí dụ thực tiễn mà chính ông đã thực hiện. Mối quan hệ giữa “sự chủ động/ tác giả” và “sự bị động/ độc giả” mà giới phê bình văn học truyền thống thường nêu lên, trong sách của Barthes hoàn toàn bị thay đổi. Độc giả cuốn Sarrasine của Balzac là ông Barthes chẳng những đọc kỹ văn bản mà còn dựa vào đó để “viết ra” một văn bản khác. Ông đã dùng hình thức và phương thức “Đọc - Viết” để hoàn thành sự phân tích của mình. Qua thí dụ trên, có thể thấy văn bản sở dĩ hình thành được, phần lớn là do sự hấp thu và chuyển hóa những văn bản khác.

Từ luận điểm này của Barthes, chúng tôi khảo sát hai văn bản mà luận văn này muốn tìm hiểu, Kim Vân Kiều truyệnĐoạn trường tân thanh, để thấy rõ “khả độc tính”, “khả tả tính” và “khả truyền tính” của chúng.

4. “Khả độc tính” của văn bản và “khả độc tính” của bản dịch

Trước hết, chúng tôi muốn tìm hiểu “khả độc tính” của hai văn bản này và những nhân tố liên quan với chúng.

Kim Vân Kiều truyện được hoàn thành vào cuối đời Minh đầu đời Thanh. Thế nhưng suốt cho đến trước thế kỷ XX “dường như” chưa từng thấy xuất hiện trong thư tịch, văn hiến nào cả, chưa từng có một lời bình phẩm nào cả. Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng đây là theo các tư liệu bằng Hán văn ở Trung Quốc. Năm 1932, sau khi cuốn Thư mục tiểu thuyết thấy được ở Tokyo Nhật Bản của Tôn Khải Đệ ra đời, các độc giả Trung Quốc mới nhìn thấy văn bản này. Theo lời đánh giá của Tôn Khải Đệ, có thể thấy “khả độc tính” của tác phẩm như sau: “Theo chuyện của Thúy Kiều thì rất hay... Cứ lấy đó mà viết thành văn thì có thể mở ra một thế giới mới cho loại tiểu thuyết thương tâm. Tiếc rằng bút lực của tác giả quá yếu, không thể đem lại sức sống cho nhân vật Thúy Kiều. Vương Thúy Kiều nhảy xuống sông tự tử vốn là một kết cục tự nhiên, có thể viết thành rất hay thì lại cố ý xóa bỏ sự thực và nói thành Kiều được cứu sống, được đoàn viên với gia đình. Những hành động khí tiết của người xưa không may rơi vào ngòi bút dung tục thì sẽ thành ra như vậy”.

Những câu “bút lực quá yếu”, “không thể đem lại sức sống cho nhân vật Thúy Kiều”, “ngòi bút dung tục” đều là những lời bình trực tiếp nói rằng “khả độc tính” của Kim Vân Kiều truyện không cao. Có điều là sự tiếp nhận của độc giả đương nhiên không phải ai cũng giống nhau. Vì vậy, chúng tôi không hề thấy ngạc nhiên khi tiếp xúc với những cảm thụ khác nhau của các nhà nghiên cứu hoặc học giả đối với tác phẩm này, thí dụ như Lý Trí Trung khi thảo luận về giá trị nghệ thuật của Kim Vân Kiều truyện, từng chỉ ra một số ưu điểm: “Về mặt nghệ thuật, Kim Vân Kiều truyện không phải là một tiểu thuyết xuất sắc, song trong loại tiểu thuyết nói về tình người ở thời Minh – Thanh thì đó cũng không phải là tác phẩm dở nhất. Trái lại, về các mặt như kết cấu, ngôn ngữ và xây dựng tính cách nhân vật có lẽ còn có nhiều điểm mạnh hơn so với các tác phẩm cùng loại đồng thời. Trước hết, tình tiết cốt truyện của tác phẩm này tương đối hoàn chỉnh, kết cấu tương đối chặt chẽ, thứ lớp rõ ràng, mạch lạc sáng sủa”.

Lý Trí Trung cho rằng văn bản này “không thể xem là xuất sắc”, “cũng không thể xem là dở”, rồi sau khi nêu lên mấy ưu điểm, trong phần kết luận, ông đặc biệt nhấn mạnh: “Trên đây chỉ là nêu lên một số ưu điểm chứ không phải nói rằng đây là tác phẩm thực sự thành công”.

Qua ý kiến trên, ta thấy rõ văn bản này, qua việc đọc của Lý Trí Trung, cũng có một chút “khả độc tính” và có một số điểm hay, song không phải là “thật sự thành công” hoặc là “xuất sắc”.
Song, Đổng Văn Thành lại đánh giá rất cao Kim Vân Kiều truyện và tác giả của nó. Trong bài “So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam”, ông viết: “Tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cần phải được đánh giá lại. Ảnh hưởng quan trọng của nó trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc và lịch sử văn học thế giới cần phải được thừa nhận và đánh giá công bằng”(1).

Đổng Văn Thành còn hết sức tán dương tài hoa văn chương của Thanh Tâm Tài Nhân: “... đã thẳng tay vạch trần và chế nhạo chua cay những cái thối nát vô dụng của bọn quan quân tướng soái”, “... miêu tả rành rẽ và nổi bật sự đối lập giai cấp”, “mặc dù cách miêu tả này chỉ như làn mây thoảng bao phủ lên những núi hiểm hang sâu trong toàn tác phẩm, song rốt cuộc vẫn có tác dụng đề cao thuyết định mệnh”.

Trong bài viết của Đổng Văn Thành, ta thấy toàn là những lời bình luận tốt về Thanh Tâm Tài Nhân và tác phẩm của ông, không hề có một lời chê bai nào. Vì vậy, văn bản của Thanh Tâm Tài Nhân đối với nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành có “tính khả độc” rất cao.

Nhưng, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là bài viết của Đổng Văn Thành lấy tựa đề “So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam” (bài 1, bài 2), sau khi so sánh lại có lời bình khen chê không thống nhất. Đó là vì, chúng tôi chú ý thấy Đổng Văn Thành chưa từng đọc Đoạn trường tân thanh viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du, cũng chưa từng đọc bản dịch sang chữ Quốc ngữ sau này. Ông chỉ đọc bản Đoạn trường tân thanh dịch sang Hán văn. Chỉ đọc bản dịch sang Hán văn thì đương nhiên sự so sánh cũng chỉ là giữa hai văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và bản dịch sang Hán văn tác phẩm của Nguyễn Du. Vậy mà, trong bài viết, Đổng Văn Thành nhiều lần chê tài năng Nguyễn Du và giá trị của Đoạn trường tân thanh, như vậy là đối tượng đọc và phê phán không thống nhất.

Quá đáng hơn nữa, bất cứ chỗ nào trong tác phẩm của Nguyễn Du có chi tiết khác với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đều bị Đổng Văn Thành chê bai và khẳng định: “Nói chung, những chỗ Nguyễn Du miêu tả chi tiết khác với tiểu thuyết không nhiều, song tuyệt đại bộ phận đều thua kém so với trình độ tư tưởng và trình độ nghệ thuật của nguyên tác”.

Việc làm của Đổng Văn Thành khiến chúng tôi kinh ngạc, song điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều hơn là ý kiến và kết luận đó của ông đã được phát huy, nhấn mạnh trong luận văn thạc sĩ “Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu” của Vương Thiên Nghi. Và lý do thì rất giản đơn: “Nguyễn Du... thiên trường thi tự sự này đã được Hoàng Dật Cầu tiên sinh dịch sang Trung văn... Tôi không thể tìm được bản dịch của Hoàng tiên sinh và cũng không so sánh được những chỗ hay dở dị đồng của hai bản Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam, chỉ đành căn cứ vào bài “So sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam” của Đổng tiên sinh đại để nói rằng nhân vật và tình tiết chủ yếu trong hai văn bản hoàn toàn giống nhau, ngay cả kết cấu chuyện cũng không có gì thay đổi. Chỗ khác nhau chỉ là của Trung Quốc có bản 20 hồi và bản 12 hồi, còn của Việt Nam chỉ có bản 12 quyển. Xét về nội dung thì tác phẩm của Nguyễn Du là đem nguyên xi Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc chuyển thành thiên trường thi của Việt Nam. Về mặt cốt truyện và cuộc đời của nhân vật không có gì là sáng tạo mới mẻ, chỉ là chuyền thuật lại một cách trung thực Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân”.

Hoàn toàn chưa đọc văn bản, thậm chí ngay bản dịch cũng chưa được nhìn thấy, Vương Thiên Nghi ngoài phần lược thuật ý kiến bình luận của Đổng Văn Thành còn nêu kết luận rằng: “Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du được xem là tác phẩm mẫu mực nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, nhưng hào quang và sức hấp dẫn của nó hoàn toàn là của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc. Do chỗ Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc từ lâu bị mai một không ai biết đến nên tác phẩm kiệt xuất này đã bước vào văn đàn thế giới với tư cách là đại biểu của văn học Việt Nam”.

Đổng Văn Thành đã đặt Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vào loại có “tính khả độc” (tính hấp dẫn) cao, và đặt văn bản so sánh là Truyện Kiều của Nguyễn Du vào hàng “không có tính khả độc”. Căn cứ để so sánh là “bản dịch sang Hán văn” Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kết luận của ông sau khi đưa vào luận văn của Vương Thiên Nghi đã trở thành một ý kiến rất mạnh mẽ, đến nỗi ngay “bản dịch Hán văn” cũng chưa được đọc, chưa được phân tích mà Vương lại có thể khẳng định rằng: “Hào quang và sức hấp dẫn của Truyện Kiều của Nguyễn Du có được là từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân”, và “tác phẩm kiệt xuất của Thanh Tâm Tài Nhân đã đứng vào văn đàn thế giới với tư cách đại biểu của văn học Việt Nam”.

Chúng tôi có hoài nghi trước kết luận của Đổng Văn Thành và nhận định của Vương Thiên Nghi. Hai vị đã đặt hai văn bản khác nhau vào hạng thứ khác nhau về “tính khả độc” như vậy, chúng tôi thấy nên có sự phân tích từ nhiều góc độ và nhiều nhân tố khác nhau đã, rồi sau hãy khẳng định. Giả như bản thân người bình luận đã tinh thông ngôn ngữ văn hóa của hai nước (ở đây là Trung Quốc và Việt Nam), đồng thời lại là nhà phê bình chuyên nghiệp, thì sau khi đọc kỹ nguyên văn tác phẩm rồi tiến hành so sánh cụ thể, phân tích tỉ mỉ, như vậy, kết luận rút ra được sẽ có sức thuyết phục hơn. Nếu chỉ qua bản dịch để so sánh thì làm sao có thể thấy được “trình độ miêu tả”, “trình độ thuật chuyện”, “trình độ nghệ thuật” của Nguyễn Du trong toàn bộ tác phẩm Đoạn trường tân thanh của ông.

Chúng tôi cần đặc biệt nêu ra một điểm là văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm. Như chúng tôi đã nói ở trên, chữ Nôm ra đời là để ghi chép lại tiếng Việt thuần túy, chứ không phải là “tiếng Hán Việt”. Vì vậy, bản thân văn bản Nôm có mang những sắc thái dân tộc của Việt Nam. Văn bản này là một truyện thơ dài viết theo “thể lục bát”. Tác giả hoàn thành tác phẩm trong một thời đại, một bối cảnh chính trị, bối cảnh xã hội nào đó, đó là “kết quả” của những cảm xúc của tác giả. Sao lại có thể hoàn toàn bỏ qua không tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác của tác giả, lại lấy thời điểm và bối cảnh sáng tác của một tác giả khác để đòi hỏi đối với một “sản phẩm” giống nhau? Chúng tôi càng phải nhấn mạnh thêm rằng bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du được xuất hiện bằng Hán văn, và hình thức không phải là thể thơ lục bát. Dịch thuật không phải chỉ là đem một ngôn ngữ hoặc một văn tự này chuyển đổi sang một thứ ngôn ngữ hoặc văn tự khác. Nó còn là thành quả của sự “sáng tác khác”. Tại sao lại có thể đem so sánh trực tiếp với bản dịch trong khi hoàn toàn không am hiểu gì về văn tự Việt Nam, cũng chưa hề tìm hiểu những chỗ khác biệt giữa bản dịch và bản nguyên văn? Chúng tôi cho rằng phân tích như vậy tức là so sánh văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang Hán văn (tức bản dịch của Hoàng Dật Cầu) chứ không phải là so sánh trực tiếp tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân với tác phẩm của Nguyễn Du. Kết quả đánh giá lại trực tiếp quy vào văn bản của Nguyễn Du cũng không suy nghĩ gì về hoàn cảnh phiên dịch và hoàn cảnh sáng tác của họ. Như vậy là thiếu chu đáo và thiếu công bằng đối với Nguyễn Du và cả đối với dịch giả.

5. Do độc giả thuộc dân tộc khác nhau, tính hấp dẫn của tác phẩm có thể khác nhau

Chúng tôi cho rằng người bình luận sau khi so sánh với bản dịch đã trực tiếp quy kết quả hay dở vào văn bản của Việt Nam, hoàn toàn bỏ qua những ảnh hưởng trên bản địa Việt Nam, như vậy là thiếu công bằng với Nguyễn Du. Điều này còn có thể chứng thực từ một góc độ khác. Tức là nếu độc giả thuộc dân tộc khác nhau, quốc tịch khác nhau, thì sau khi đọc cùng một văn bản, phản ứng tiếp nhận rất có thể sẽ ngược nhau.

Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn học và văn hóa Trung Quốc rất sâu. Có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp lấy từ văn học Trung Quốc. Mà Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm đã trực tiếp lấy từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Về điểm này, tác giả Nguyễn Du và nhiều nhà nghiên cứu đã có nói, chưa hề có sự phủ nhận. Về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du, học giả Việt Nam Hoài Thanh đã từng nhấn mạnh: “Nên nhớ rằng, nếu không có Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì không thể có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thanh Tâm Tài Nhân đã gợi ra cho Nguyễn Du sự quan sát tinh tế hơn, sự cảm thụ sâu sắc hơn, đã đưa đến cho Nguyễn Du một cốt truyện có thể mượn để viết, để biểu đạt những cái bi thương, căm hận, mộng tưởng, lo âu mà trong hoàn cảnh đương thời không thể biểu đạt bằng cách khác được”. Cho dù đã nhấn mạnh sự cống hiến của tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân đối với tác phẩm của Nguyễn Du, chúng ta cũng cần chú ý tầm quan trọng của mấy chữ “để biểu đạt những cái... mà trong hoàn cảnh đương thời không thể biểu đạt bằng cách khác được...”, đặc biệt là bốn chữ “hoàn cảnh đương thời” đủ để chỉ ra cái bối cảnh thời gian, không gian của Nguyễn Du bấy giờ. Đó cũng là hoàn cảnh sáng tác của Nguyễn Du. Vì vậy, Hoài Thanh nêu tiếp vấn đề quan trọng nhất của sáng tác là cái hồn, ông chỉ ra rằng: “Nguyễn Du tái sáng tác, chủ yếu dùng nguyên liệu của chính mình, đó là những tài liệu do ông cảm nhận và suy ngẫm từ những điều ông nghe thấy, nhìn thấy trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam ở thời đại ông. Cái hồn của truyện là tình cảm của chính bản thân Nguyễn Du”. Hoài Thanh đã ở tư cách học giả Việt Nam để phân tích tác phẩm của Nguyễn Du. Tuy ông thừa nhận tầm quan trọng của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du, song khi kết luận, ông lại nhấn mạnh là trong Truyện Kiều, “cái hồn của truyện là tình cảm của chính bản thân Nguyễn Du”. Điểm này chúng tôi cần đặc biệt nói rõ thêm rằng: mỗi một tác giả khi viết đều có thể chịu nhiều ảnh hưởng, ảnh hưởng của hoàn cảnh khách quan bên ngoài đối với chủ thể bên trong của mình, bởi vậy, tuy có được Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân gợi ý, song khi bắt đầu viết và trong quá trình viết, Nguyễn Du ở trong hoàn cảnh hoàn toàn khác với Thanh Tâm Tài Nhân ở cuối đời Minh đầu đời Thanh. Văn bản của Nguyễn Du khi hoàn thành, tính khả độc của nó sẽ khác tính khả độc của văn bản Thanh Tâm Tài Nhân. Nếu độc giả lại là người Việt Nam thì trình độ tiếp nhận của họ nhất định mạnh hơn người dân tộc khác. Khi phân tích văn bản của Nguyễn Du, họ cũng nhất định đứng từ góc độ khác. Khi đọc văn bản của Nguyễn Du, sự cảm thụ của họ đối với việc sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật biểu đạt của tác giả sẽ mạnh hơn so với người khác dân tộc. Độc giả Việt Nam cảm nhận và xúc động trước những ý thơ và tấm lòng của Nguyễn Du gửi gắm vào văn bản cũng có khác với độc giả thuộc dân tộc khác.

Tình cảm và tấm lòng của Nguyễn Du trong tác phẩm được các nhà nghiên cứu coi trọng, đó là vì Nguyễn Du đã sống qua ba triều đại khác nhau: triều Hậu Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn. Sau khi triều Lê mất, Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn trong tâm trạng bất đắc dĩ. Sự đau khổ của ông được phản ánh rõ trong Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Du sinh ngày 3-I- 1766, mất năm 1820. Về thời gian có liên quan tới sự hoàn thành Truyện Kiều của ông, có hai ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất là Hoàng Xuân Hãn, căn cứ vào những ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện, cho rằng tác phẩm được viết vào khoảng từ năm 1814 đến năm 1820. Ý kiến thứ hai là của Đào Duy Anh, ông căn cứ vào lời đề tựa cuốn Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng – bạn thân của Nguyễn Du, trong đó gọi Nguyễn Du là Đông các, chứ không phải là Lễ bộ hữu tham tri là chức khi Nguyễn Du mất năm 1820, do đó mà đoán định rằng Truyện Kiều được viết khi Nguyễn Du làm Đông các học sĩ, tức khoảng từ năm 1805 đến 1809. Phần lớn học giả Việt Nam tương đối tán thành ý kiến của Đào Duy Anh.

Học giả Việt Nam đánh giá rất cao Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bối cảnh của truyện tuy là từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, song sự thực những điều Nguyễn Du viết lại là những tâm sự đau buồn nhất của bản thân ông: ông vốn là một ông quan triều Lê, song sau khi Lê mất lại phải làm quan với triều mới, cũng giống như Vương Thúy Kiều, nhân vật chính trong tác phẩm, vì gia biến mà phải bán mình, không còn giữ được tiết trung trinh nữa. Dương Quảng Hàm đã chỉ ra rằng văn bản của Nguyễn Du hoàn toàn không phải chỉ đem tiểu thuyết bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân đem phiên dịch thành “thiên trường thi văn vần”, mà trái lại còn có “những nét đặc sắc sáng tác, Nguyễn Du đã sắp xếp các tình tiết theo những phương thức khác nhau để câu chuyện hợp lý hơn hoặc tránh được sự trùng lặp. Về cảnh ngộ của nhân vật trong truyện cũng miêu tả tinh tế hơn, đồng thời còn chú ý loại bỏ những chi tiết thô tục hoặc dư thừa, để kết cấu truyện được hoàn chỉnh hơn. Hai câu mở đầu tác phẩm và triết lý tài mệnh tương đố quán xuyến trong toàn truyện càng nói rõ cho cuộc đời dâu bể truân chuyên của nhân vật Thúy Kiều.

Một học giả khác là Nguyễn Lộc đưa ra cách phân tích tỉ mỉ hơn. Ông chỉ ra rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân tuy cốt truyện có giống nhau, song vị trí chúng thì khác nhau xa. Kim Vân Kiều truyện trong văn học Trung Quốc không phải là tác phẩm xuất sắc, nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du lại được xem là kiệt tác vĩ đại. Vì vậy, tuy hai tác phẩm có cốt truyện giống nhau song Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là mô phỏng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, lại càng không phải là bản dịch. Nguyễn Lộc cho rằng Nguyễn Du quả có giữ lại những tình tiết sự kiện quan trọng trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, song không phải là toàn bộ. Thực tế thì Nguyễn Du đã loại bỏ đi 1/3 những chi tiết trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, những chỗ rườm rà vô nghĩa và những đoạn miêu tả thô bỉ. Đồng thời với việc cắt bỏ cái dở, ông còn đưa vào nhiều tình và cảnh để miêu tả tính cách và tâm trạng của nhân vật. Loại bỏ và thêm vào không phải là nét đặc sắc duy nhất trong văn bản của Nguyễn Du. Điểm sáng tạo nhất của ông là ở chỗ: khi bảo lưu những tình tiết của tác phẩm Kim Vân Kiều truyện, ông còn dùng ngòi bút chân chính của nhà thơ để viết ra những điều ông nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận thấy, những điều ông đã quan sát lại, cảm thụ lại và sắp xếp lại.

Qua sự phân tích và bình luận của Dương Quảng Hàm và Nguyễn Lộc, có thể thấy rõ những phản ứng sau khi đọc và phần lớn những ý kiến bàn luận của độc giả và các nhà nghiên cứu Việt Nam đều đặt văn bản thơ dài 3254 câu này ở vị trí cao nhất về phương diện “tính khả độc”.
Một học giả khác là Hà Như Chi trong cuốn Việt Nam thi văn giảng luận đã hết sức ca ngợi thủ pháp nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du, cho rằng ông đã có kỹ xảo nghệ thuật của nhà văn cổ đại của Việt Nam, lại có cả cái mỹ và cái chân mà các nhà nghệ thuật cổ điển phương Tây rất chú trọng, đồng thời lại có cả chất mộng tưởng và nồng nàn của chủ nghĩa lãng mạn. Vì vậy, thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Du có đầy đủ những nét đặc sắc vừa lý tưởng vừa điển hình, vừa lãng mạn vừa tả thực(2). Một bạn Việt Nam cùng với chúng tôi từ Việt Nam sang Đài Loan năm 1969 và nghiên cứu ở Trường Đại học quốc lập Đài Loan là Trần Quang Huy, trong luận án tiến sĩ của mình nhan đề Nghiên cứu mối quan hệ giữa truyện Nôm của Việt Nam và tiểu thuyết Trung Quốc, đã so sánh và phân tích rất kỹ lưỡng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trần Quang Huy cho rằng Truyện Kiều xuất sắc hơn Kim Vân Kiều truyện nhiều. Truyện Kiều viết bằng văn vần nên bị bó buộc bởi thể tài, lại phải viết theo truyền thống truyện Nôm của Việt Nam, cho nên chủ yếu là miêu tả tình cảm và cảnh vật, chỉ giữ lại những tình tiết đặc sắc nhất trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân. Hay hơn nữa là Nguyễn Du có khi thay đổi đôi chút, kết quả là hiệu quả nghệ thuật cao hơn so với tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân. Tài miêu tả khiến nhân vật dưới ngòi bút Nguyễn Du rất quen thuộc với mọi người Việt Nam, khác với Thanh Tâm Tài Nhân chỉ miêu tả nhân vật rất sơ lược. Một so sánh rõ rệt nhất là Thanh Tâm Tài Nhân chỉ miêu tả những nghịch cảnh mà Thúy Kiều gặp phải, còn Nguyễn Du thì đi sâu thêm, miêu tả mỗi cảnh ngộ đều mang ý nghĩa nhân sinh, do đó, bi kịch của Thúy Kiều trở thành bi kịch nhân sinh. Nói cách khác, vấn đề mà Nguyễn Du lo âu và suy nghĩ chính là vất đề mà chúng ta lo âu và suy ngẫm. Trần Quang Huy cuối cùng đã kết luận: “Từ một bản gốc Kim Vân Kiều truyện bình thường, Nguyễn Du đã viết thành một tiểu thuyết bất hủ. Thành tựu về mọi phương diện của Đoạn trường tân thanh là sự biểu hiện sức sáng tạo của Nguyễn Du. Năng lực sáng tạo thiên tài này không biểu hiện trên những tình tiết của chuyện mà biểu hiện trên phương diện nghệ thuật biểu đạt”(3).

Tổng hợp tất cả những lời bình luận của các vị học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam nói trên, chúng tôi thấy ra rằng: mặc dù văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Trung Quốc, mặc dù Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du lấy gốc từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, song sau khi đọc văn bản Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du viết bằng văn tự Việt Nam, chúng tôi thấy rõ sắc thái dân tộc chan chứa trong tác phẩm. Nhà Hán học Pháp M. Durant khi phân tích văn bản của Nguyễn Du đã nói: “Bút pháp của ông, cách dùng từ của ông, sự phân tích tình cảm và xây dựng nhân vật của ông đều mang đậm chất Việt Nam thuần túy và nồng hậu”(4). Điều muốn nói ở đây chính là cái tình điệu dân tộc mà trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không có.

Vì vậy, như trên đã nói, tuy là cùng một văn bản nhưng khi người Việt Nam đọc thì đánh giá khác với người dân tộc khác. Độc giả không phải người Việt Nam cho rằng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có “tính khả độc” cao, còn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du thì không “khả độc” lắm. Ngược lại, độc giả Việt Nam thì cho rằng Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là tác phẩm kiệt tác, vĩ đại nhất, có “tính khả độc” cao, văn bản của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ cung cấp một bản gốc về cốt truyện mà thôi, vì không phải là tác phẩm xuất sắc nên “tính khả độc” của nó không cao.

Người làm nghiên cứu khi nhận xét đánh giá văn bản phải chăng là nên chú ý đến sự “đọc” và trình độ “tiếp nhận” của người thuộc dân tộc khác nhau?

6. “Tính khả tả” của văn bản

“Tính khả độc” của Kim Vân Kiều truyệnĐoạn trường tân thanh cao hay thấp là do người đọc khác nhau, người thuộc dân tộc khác nhau đánh giá. Còn về “tính khả tả” thì văn bản của Thanh Tâm Tài Nhân được hoàn thành, ngoài một số chỗ sáng tác ra, ông đều căn cứ vào sử liệu. Ông lấy những nhân vật có thật trong lịch sử làm nhân vật của tiểu thuyết, do đó ông đã từ những tư liệu “khả tả tính” trong sử liệu, đọc kỹ, rồi phát triển thành văn bản Kim Vân Kiều truyện của ông.

Còn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du thì như chúng ta biết, sau khi đi sứ Trung Quốc, ông đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Truyện đã xúc động lòng ông, gợi cho ông viết Đoạn trường tân thanh. Như vậy, từ điểm này mà xét thì đối với Nguyễn Du, Kim Vân Kiều truyện là một văn bản có “tính khả tả”.

Như chúng tôi đã nói ở trên, Kim Vân Kiều truyện không được ghi chép trong văn học sử Trung Quốc, song lại được một nhà thơ thuộc dân tộc khác quốc gia làm rõ “tính khả tả” của nó.

Hai ví dụ này giống nhau ở chỗ: người viết có thể căn cứ vào một văn bản – có thể không xuất sắc lắm – để hoàn thành một văn bản xuất sắc. Dùng hai chữ “xuất sắc” để nói về văn bản Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là xác đáng. Vừa kể một câu chuyện, vừa nói lên triết lý nhân sinh, rồi kết cấu chuyện, sắp xếp các tình tiết, khắc họa nhân vật, miêu tả tình, ý, cảnh vật, đã thể hiện nghệ thuật sáng tạo bằng một thủ pháp thích đáng, lại sử dụng thể thơ lục bát mà dân tộc Việt Nam rất ưa thích để viết thành một thiên trường thi dài đến 3254 câu. Trong văn bản này, tác giả lại đưa vào những điều đau đớn “mà trong hoàn cảnh đương thời không thể dùng phương thức biểu đạt khác được”. Thơ dài, nghệ thuật, tâm sự, ba cái đó trong văn bản của Nguyễn Du đều được biểu hiện thật tuyệt. Xét về thể lục bát thì câu thứ nhất 6 chữ, câu thứ hai 8 chữ. Chữ cuối trong câu thứ nhất phải vần với chữ thứ 6 trong câu thứ hai 8 chữ, chữ cuối trong câu thứ 2 lại phải vần với chữ thứ 6 trong câu thứ 3...

Đoạn trường tân thanh dài tất cả 3254 câu, rất khó viết, muốn hơi thơ đi một mạch cần phải có khí phách hồn thơ mạnh lắm. Rồi các thủ pháp và mức độ diễn tả: mềm mại, cứng rắn, hợp lý, thú vị, trong sáng, giàu chất thơ, kỹ xảo nghệ thuật, sử dụng từ ngữ, triết lý sâu sắc, tình cảm nồng hậu... cần phải tùy lúc thể hiện, trau chuốt quá thì sẽ thành giả tạo mà sơ lược quá thì thành kém tài hoa, nhưng sâu xa quá lại có thể khiến độc giả khó tiếp nhận. Huống hồ toàn thiên thơ lại cần phải chú ý từng câu áp vận, nếu không phải là nhà thơ có thi tài cao siêu thì sao có thể khiến cho Đoạn trường tân thanh ra đời làm chấn động toàn quốc và có ảnh hưởng sâu xa như thế trong văn học, trong nghệ thuật, trong xã hội và trong cuộc sống thường ngày của nhân dân Việt Nam?

Chính vì Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du có ảnh hưởng rất lớn, đã mở đường rộng rãi cho nhiều lĩnh vực và mọi tầng lớp ở Việt Nam, nhất là ở các phương diện thơ ca, văn học, nghệ thuật và học thuật, “tính khả độc” của văn báu Nguyễn Du đã khiến cho lịch sử văn học, lịch sử học thuật, lịch sử nghệ thuật Việt Nam có được những công trình “viết” đáng quý sau khi đã đọc văn bản đó.

Từ tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã viết với những căn cứ sử liệu, từ tác phẩm Đoạn trường tân thanh mà Nguyễn Du đã viết ra sau khi đọc văn bản của Thanh Tâm Tài Nhân, từ biết bao văn bản của các nhà thơ nhà văn, nhà nghệ thuật viết ra sau khi đọc Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, có thể thấy rằng giữa việc đọc và việc viết không phải chỉ đơn thuần dựa vào tư liệu là được, mà phải có bao nhiêu nhân tố phức tạp xen nhau như thời đại, hoàn cảnh, điều kiện chính trị, cảm xúc, những sự kiện phát sinh ra từ mỗi lúc, mỗi thời, rồi những điều nhìn thấy, những chữ nghĩa, tranh ảnh, những nơi đã đi qua, những người đã gặp mặt, v.v... đều là những gợi ý nho nhỏ để sản sinh ra văn bản. Vì vậy, thí dụ mà chúng tôi nêu đã chứng tỏ rõ ràng, đó là: mỗi một văn bản được hình thành cũng giống như một bức tranh hoa ghép bởi nhiều mảnh đoạn rồi khảm viền lại. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là như vậy, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du cũng như vậy, và mọi văn bản được hoàn thành sau Nguyễn Du do sự gợi ý của “tính khả độc” trong văn bản của ông cũng là như vậy.

7. “Tính khả truyền” của văn bản


Ở trên, chúng tôi đã mấy lần nói đến, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mới được phát hiện tung tích từ thế kỷ XX, sau năm 1932, song không được đọc nhiều. Trái lại, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du sau khi hoàn thành là lập tức được truyền tụng. Hơn nữa, tác phẩm lại viết bằng chữ Nôm, mới đầu truyền tụng trong tầng lớp trí thức, sau truyền tụng trong nhân dân nói chung, cho đến thế kỷ XXI này, ảnh hưởng của nó trong xã hội và nhân dân Việt Nam chẳng những sâu xa mà còn lâu dài nữa.

Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân được hoàn thành vào thời kỳ tiểu thuyết Minh –Thanh đang hết sức phát triển. Đem so nó với các tác phẩm tiểu thuyết ưu tú cùng thời thì khó tránh khỏi cách đánh giá như của Tôn Khải Đệ: “Tiếc rằng bút lực của tác giả quá yếu, không thể đem lại sức sống cho nhân vật Thúy Kiều;... không may rơi vào ngòi bút dung tục thì sẽ thành ra như vậy”. Tuy rằng về sau có được Đổng Văn Thành đề cao, tán dương, song “tính khả độc” của nó vẫn không tăng là mấy. Ngoài điểm không bằng so với các tác phẩm ưu tú ra, thể loại văn xuôi của nó cũng không dễ dàng đọc thuộc và truyền bá rộng rãi như thể thơ trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.

Đoạn trường tân thanh thì được hoàn thành vào thế kỷ XIX. Đó là thời kỳ thịnh hành của văn học chữ Nôm và truyện Nôm. Chữ Nôm ghi lại thứ ngôn ngữ chung mà nhân dân Việt Nam vẫn dùng, thể lục bát lại là thể thơ quen thuộc nhất trong nhân dân, lại thêm tình tiết truyện hay, kết cấu chặt chẽ, nhân vật giống như thật, tình của tác giả biểu hiện tràn đầy mà lại giàu sắc thái dân tộc, thủ pháp biểu hiện là kỹ xảo nghệ thuật thơ ca, có thể thuộc, có thể ngâm. Vì vậy, độc giả của nó hầu như là tất cả nhân dân Việt Nam, bất luận là người có trình độ cao hay thấp, nghề nghiệp sang hay hèn, là người trí thức hay kẻ bán hàng rong, đều có thể “đọc” trực tiếp hoặc “tiếp nhận” gián tiếp văn bản của Nguyễn Du. Không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và học thuật mà trong cuộc sống thường ngày, người nào cũng có thể rất tự nhiên, rất linh hoạt vận dụng những chi tiết của câu chuyện hoặc nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Du vào trong câu chuyện hàng ngày.

Cuối thế kỷ XIX, các giáo sĩ phương Tây đã làm một sự thay đổi căn bản cho văn tự Việt Nam: Latinh hóa. Văn tự Việt Nam sau khi Latinh hóa rất dễ viết, dễ nhớ, và quan trọng nhất là dễ đọc.
Sau khi Đoạn trường tân thanh được chuyển thành chữ Việt Latinh hóa thì không còn như trước là nhất định phải là các văn nhân, học giả, hoặc trí thức mới có thể đọc được, mà chỉ cần người có học qua loại chữ Việt Nam “thể mới” này là đều có thể đọc tự do không khó khăn gì, và rồi tự do hấp thu, tự do tiếp nhận. Do đó, từ sau khi loại văn tự được gọi là “Quốc ngữ” này được thông dụng thì chẳng những “tính khả độc” và “tính khả tả” của tác phẩm được tăng lên, mà “tính khả truyền” càng được sâu rộng hơn vì nhân dân có thể đọc được. Bây giờ chúng ta đem so sánh chữ Nôm với chữ Latinh hóa sẽ dễ dàng thấy rõ: Đoạn trường tân thanh ngoài chỗ là thơ ca thì dễ nhớ, dễ ngâm ra, lại còn văn tự dễ ghi, dễ học, dễ đọc, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến “tính khả truyền” dễ dàng tăng lên.

8. Nhân tố quyết định “tính khả độc”, “tính khả tả” và “tính khả truyền”

Trong khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng văn bản của Nguyễn Du không có mấy “tính khả độc”, thì các nhà nghiên cứu Việt Nam từ lâu đã kết luận: Kim Vân Kiều truyện tuy là bản gốc của sáng tác của Nguyễn Du, song trên phương diện năng lực sáng tạo và trình độ nghệ thuật của tác giả thì không phải là sự biểu hiện bình thường của văn bản Thanh Tâm Tài Nhân có thể so sánh được. Điều quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu Việt Nam khi nghiên cứu đã đọc văn bản nguyên văn Hán văn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và văn bản nguyên văn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Điều này khác hẳn với các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi nghiên cứu, do đó, kết luận của hai bên ngược nhau. Các nhà nghiên cứu Việt Nam phần lớn cho rằng “tính khả độc” của Đoạn trường tân thanh là cao nhất trong các văn bản văn học Việt Nam, còn Kim Vân Kiều truyện thì do rất bình thường nên không có “tính khả độc” hoặc “tính khả độc” rất thấp.

Về “tính khả tả” của hai văn bản cũng có những chỗ giống như vậy. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì dựa vào sử liệu và tác phẩm nói về chuyện Vương Thúy Kiều. Còn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du thì dựa vào những tình tiết chuyện trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Căn cứ vào hoàn cảnh cá nhân của Nguyễn Du và tình hình ông đọc Kim Vân Kiều truyện khi đi sứ Trung Quốc, thì có thể tin rằng ông cũng đã từng tiếp xúc với các sử liệu và tác phẩm văn học. Do đó, cũng giống như tình hình hình thành của nhiều văn bản, ở đây rõ ràng có vấn đề “liên văn bản”. Các văn bản khác đều có “tính khả tả” đối với văn bản của cả hai ông.

Song “tính khả tả” của văn bản của hai ông lại có kết cục hoàn toàn khác nhau: tuy rằng sau khi Kim Vân Kiều truyện ra đời, ở Trung Quốc cũng có xuất hiện các tác phẩm có liên quan đến Vương Thúy Kiều, nhưng văn bản có “tính khả tả” mà các tác giả đó dùng có lẽ rất ít là do Kim Vân Kiều truyện.

Đoạn trường tân thanh là văn bản được viết ra sau khi đọc Kim Vân Kiều truyện, rồi từ “tính khả tả” của tác phẩm này mà trực tiếp “đọc/viết” thành. Song “tính khả tả” của văn bản Nguyễn Du khác hẳn với văn bản của Thanh Tâm Tài Nhân. Nó là cái nguồn vô tận về “tính khả tả”, mãi mãi không bao giờ hết được trong lịch sử văn học, nghệ thuật và học thuật Việt Nam và cả trong toàn bộ xã hội, văn hóa Việt Nam. Về các mặt kết cấu, tình tiết, nhân vật, cảnh vật,... đều rất dễ xúc động lòng người, vì vậy rất hấp dẫn độc giả. Văn bản viết theo thể thơ ca, nhất là thể lục bát, lại càng làm cho “tính khả tả” thêm sâu rộng hơn. Đó chính là một loại sắc thái dân tộc đặc biệt.
“Tính khả tả” sau khi biến thành nguồn cảm hứng của văn hóa dân tộc, sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới “tính khả truyền”. Chúng ta thấy rõ là sự truyền bá Đoạn trường tân thanh là trực tiếp, nhiều mặt, rộng rãi và phổ biến chứ không phải chỉ một số trí thức mà thôi. “Tính khả truyền” này sâu xa, lâu dài, không phải một nơi một lúc, mà là toàn đất nước, toàn xã hội, toàn dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc của nó.

Trong thời gian, không gian có thay đổi, nhưng cho đến ngày nay, đến thế kỷ XXI này, đó vẫn là văn bản có “tính khả độc” cao nhất, “tính khả tả” lớn nhất và “tính khả truyền” rộng nhất. Trong khi đó, “tính khả truyền” của văn bản Kim Vân Kiều truyện rất thấp, lý do là vì những văn bản có cùng mô thức với nó rất nhiều, như về nhân vật, cốt truyện, thể tài, tác phẩm, v.v... mà nó lại chưa thể vượt trội hơn các văn bản kia, chỉ có thể liệt vào loại “tính khả độc” không cao, “tính khả tả” không lớn, “tính khả truyền” cũng không rộng.

Sau khi làm công việc so sánh, chúng tôi thấy rằng các mặt có liên quan với tính khả độc, tính khả tả và tính khả truyền rất là phong phú, phức tạp: nào là tính dân tộc, văn hóa dân tộc, tâm lý dân tộc, bối cảnh thời gian không gian của dân tộc, văn bản nguyên văn, văn bản phiên dịch, sự biến đổi hình thái xã hội, sự diễn biến của ngôn ngữ văn tự, và đương nhiên bao gồm cả hoàn cảnh sáng tác của tác giả (liên quan đến vấn đề dân tộc, thời đại, văn hóa, chính trị, cảnh ngộ bản thân, tình hình xã hội...). Rồi hoàn cảnh đọc của độc giả (cũng liên quan đến những vấn đề như trên). Rồi hoàn cảnh nghiên cứu của người nghiên cứu (cũng giống như hai loại trên). Rồi các phương tiện biểu hiện của văn bản (kết cấu, nhân vật, tình tiết, từ ngữ, văn tự, bút pháp, kỹ xảo nghệ thuật biểu đạt...). Rồi hoàn cảnh xuất hiện của văn bản (thời gian, không gian khác nhau có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa biểu hiện). Rồi tính “liên văn bản” của văn bản cũng có thể làm cho sau khi “đọc/ viết” sẽ có những văn bản nhiều trình độ khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ người nghiên cứu nên để sau khi đã bình tĩnh lý giải và phân tích kỹ lưỡng những phương diện nói trên hãy nhận xét về “tính khả độc”, “tính khả tả” và “tính khả truyền” của văn bản. Chỉ có như vậy, mọi kết luận và đánh giá mới có thể xem là khách quan, đúng đắn và công bình.

Phạm Thị Hảodịch
(Theo bản thảo tác giả)
______________
(1) Đổng Văn Thành: So sánh “Kim Vân Kiều” Trung Quốc và Việt Nam (thượng và hạ), Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, Xuân Phong xuất bản xã, Tập IV, 1986; Tập V, 1987. In lại trong Thanh đại văn học luận cảo, Xuân Phong văn nghệ xuất bản, Thẩm Dương, 1994. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Tú Châu, in trong 200 năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.1542-1575 (BBT chú).
(2) Hà Như Chi: Việt Nam thi văn giảng luận. Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1951; 316 trang (BBT chú).
(3) Trần Quang Huy: Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết quan hệ chi nghiên cứu. Tiếng Trung. Đài Loan, 1974 (BBT chú).
(4) M. Durand: “Liste par titre” Melanges sus Nguyễn Du, EFEO, Paris, 1966 (BBT chú).


Tạp chí nghiên cứu Văn học số 2.2008
Nguồn :Viện Văn học Việt Nam
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top