Từ bài thơ "Đàn ghita của Lorca" của Thanh Thảo nghĩ về tiếng nói tri âm trong văn học

Đàn ghi ta của Lorca – một khúc tri âm

Đàn ghi ta của Lorca – một khúc tri âm

- Cát Văn -​

“Ở nước nào cũng thế thôi, sự chia sẻ, cảm thông giữa người đọc và người viết là trên hết” (Bùi Hiển) .Sự chia sẻ, cảm thông đó chính là tiếng nói tri âm trong văn nghệ. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” ra đời giống như một khúc tưởng niệm , khúc tri âm của Thanh Thảo với nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha – Lorca.

Khúc tri âm Lorca đã được Thanh Thảo thể hiện bằng một hình thức độc đáo. Đọc bài thơ ta có cảm xúc như được nghe 1 bản giao hưởng với 2 bè: bè cao thánh thót và bè trầm bi tráng, cuối cùng là sự giao thoa giữa 2 bè: Ngay tên thi phẩm “Đàn ghi ta ..” đã gợi chất nhạc rồi. Và không phải ngẫu nhiên, bài thơ lại mở đầu bằng câu “những tiếng đàn bọt nước” như một thứ chủ âm cho 1 nhạc phẩm. Và chạy dọc theo bài thơ , liên tiếp là những từ gợi những âm thanh của 1 khúc ca:

“hát nghêu ngao…
Tiếng ghi ta nâu…
Tiếng ghi ta lá xanh…
Tiếng ghi ta tròn…
Tiếng ghi ta ròng ròng…
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang…”

Phép điệp này vừa dẫn dắt mạch thơ, liên kết các khổ thơ, vừa tạo nên độ luyến láy của 1 bản nhạc. Thú vị và bất ngờ nhất là Thanh Thảo đã “cấy”, “khảm” vào mạch thơ chuỗi âm thanh li la li la li la . Nó như một cú vê ghi ta của người nhạc công, như phần dạo đầu cho ca sĩ bắt đầu trình diễn. Rồi chuỗi âm thanh đó lại khép lại bài ca li la li la li la tựa như tiếng đàn cuối cùng tạo dư âm sau khi lời hát đã ngừng. Nó có ý nghĩa như khúc ca của Thanh Thảo tiễn Lorca đi vào bất tử.

Không phải ngẫu nhiên bài thơ lại có dáng dấp 1 ca khúc. Lorca – 1 thi sĩ lớn kiêm nhạc sĩ – thường đi khắp xứ sở như một gã Digan đơn độc mà hát lên những bài thơ của mình. Ông được xem như là “con họa mi Tây Ban Nha” . Khi viết về Lorca mà dùng hình thức ca khúc như vậy thì quả xứng là tri âm .

Vậy chất nhạc nảy sinh từ đâu? Theo Thanh Thảo “chính nhạc tính trong bài thơ của Lorca đã dẫn dắt tôi viết bài thơ này. Thanh Thảo đã dùng lại một vài theme nhạc trong thơ Lorca và ở một mức độ nào đó, ông đã thành công. Nhưng theo tôi, chất nhạc đó còn vang lên từ tâm hồn thơ Thanh Thảo khi ông muốn cất lên lời ca để ca ngợi nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại này . Sự hòa trộn, vang hưởng của hai nguồn nhạc trên đã làm lên một ca khúc thơ độc đáo. Chất nhạc này đã thực sự tạo nên 1 hình tượng thơ tiếng đàn đầy sức ám ảnh:

Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li la li la li la
Đi lang thang về miền đơn độc
Dưới vầng trăng chếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn

Những thi ảnh trong đoạn thơ giúp ta hình dung ra không khí thờ Lorca sống. Đó là cái nền ảm đạm để xuất hiện hình ảnh Lorca - chàng kị sĩ cô đơn. Những hình ảnh này còn có ý nghĩa tượng trưng cho khung cảnh một đấu trường đặc biệt cho người chiến sĩ Lorca với nền chính trị độc tài, của người nghệ sĩ Lorca cho khát vọng cách tân nền nghệ thuật già nua cằn cỗi của xứ sở Tây Ban Nha. Những hình dung từ : chếnh choáng, mỏi mòn, đơn độc gợi hình ảnh Lorca cô đơn trong cuộc đấu tranh ấy. Phải chăng đó cũng là bi kịch chung của những người chiến sĩ tiên phong? Đây là những hình ảnh tượng trưng, siêu thực giàu biểu tượng, thể hiện theo phương pháp tương giao và nhất là được viết theo lối sắp đặt gợi sự tương phản giữa âm thanh nhỏ bé với sắc màu gay gắt; giữa tiếng đàn nghệ sĩ với áo choàng đấu sĩ; giữa vẻ khiếm nhường với sự ngạo nghệ ; giữa nghệ thuật với bạo lực; giữa số phận con người với hiện thực dữ dội.

Cả bài thơ là những khúc nhạc mơ hồ, những thi ảnh lãng đãng về thơ Lorca viết theo bút pháp tượng trưng siêu thực. Riêng sau dòng thơ này, nhà thơ lại chen mấy dòng tự sự làm cho hình ảnh cái chết của Lorca hiện rõ

Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du

Có lẽ Thanh Thảo đã quá xúc động trước cái chết thương tâm của Lorca . Nó làm chấn động mạnh tâm hồn, hiện rõ mồn một trong tâm trí nhà thơ và trên trang thơ. Từ “áo choàng đỏ gắt” trở thành “áo choàng bê bết đỏ”. Từ đỏ gắt gợi ngọn lửa tranh đấu , gợi khát vọng đấu tranh đã chuyển thành “bê bết đỏ” – màu của máu – gợi cái chết thương tâm bi tráng, đầy ấn tượng:

Tiếng ghi ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
Tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy

Tiếng ghi ta được điệp lại và mở đầu những dòng thơ tiếp theo này như diễn lại cảm xúc mãnh liệt và đa chiều về thơ Lorca đồng thời khẳng định nội dung phong phú kì diệu của thơ Lorca . Tiếng ghi ta – nghệ thuật của Lorca – lại được viết theo lối sắp đặt trong quan hệ tương phản : sự sống- cái chết , vình hằng – nhỏ nhoi; nâu – xanh – đỏ như muốn ngợi ca thơ Lorca là sự biểu hiện những thái cực tương phản của sự sống và của tâm hòn Lorca . Tiếng đàn của Lorca cũng được diễn tả theo phép tương giao , trở thành những biểu tượng giàu chất triết lí, âm thanh được cảm nhận qua màu sắc, quan hình khối, trở thành biểu tượng nghệ thuật của Lorca, gắn bó với cuộc đời, thiên nhiên.

Đỉnh điểm của lời tri âm có lẽ là 2 câu thơ:

Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng

Câu thơ viết theo lối sắp đặt – bị lược bỏ những quan hệ từ làm cho bạn đọc tha hồ liên tưởng, sáng tạo cùng tác giả. Có bạn giải thích đây là lời ca ngợi thơ Lorca – là tiếng nói của tình yêu và cái đẹp – đẹp như ngọc ngà , lung linh như ánh sáng sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm hồn bạn đọc. Có người lại muốn hiểu đó là nỗi xoát xa – giọt nước mắt – của Thanh Thảo trước vầng trăng nghệ thuật của Lorca . Nhưng có một điều không thể phủ định: rằng đây là một tứ thơ đẹp. Nước mắt biểu tượng cho tình thương, cho sự tri âm, cũng giống như giọt nước mắt mà Tố Như đã từng để khóc thương đồng cảm cho nàng Tiểu Thanh, nàng Kiều.
Vầng trăng – biểu tượng cho cái đẹp, cho nghệ thuật (của Lorca). Tình yêu và cái đẹp trong thơ Lorca đã kết thành thứ ánh sáng kì ảo vĩnh hằng trong tâm hồn bạn đọc.

Đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc

“Đường chỉ tay đã đứt” – biểu tượng cho định mệnh phũ phàng . Định mệnh hữu hạn đã đặt dấu chấm hết cho số phận một con người. “Dòng sông rộng vô cùng” là biểu tượng cho dòng sông số phận và cùng là ranh giới giữa cuộc sống và cái chết. “Chiếc ghi ta màu bạc” – cái đẹp nghệ thuật, nó trở thành con thuyền chờ Lorca đi vào cõi siêu sinh bát tử.

Chàng ném trái tim mình
Vào lặng yên bất chợt
Li la li la li la…


Lorca đã mang cái đẹp, tinh yêu đến giáp mặt với cái chết, hòa vào sự chết để mở ra những nẻo đường kì ảo cho cuộc sống, cho tâm hồn con người (Thanh Thảo). Nhà thơ đã ươm những hạt giống của mình vào tận trong lòng sự chết để cuộc sống có thể nở hoa. Li la li la li la…- chuỗi âm thanh kết thúc bài thơ là sự giao thoa giữa thanh âm và thi ảnh. Nó không chỉ gợi một cú vê ghi ta vang vọng sau khi lời ca đã ngừng mà còn gợi hình ảnh những đóa hoa Tử đinh hương nờ rộ. Đó là hoa của Thanh Thảo, hoa của người đời dâng trướctượng đài Lorca, hay đó là những đóa hoa thể hiện sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của thi sĩ – chiến sĩ, của sự sống bất diệt của nghệ thuật Lorca . Như vậy , khúc tri âm này chẳng những tri âm qua chính thơ Lorca mà còn tri âm bằng chính những thủ pháp gần gũi với nghệ thuật thơ Lorca .

Có lần Thanh Thảo đã nói: “ Tôi viết bài thơ này trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái vô thức chiếm lĩnh tôi tọng vẹn”. Vậy phải chăng bài thơ là sản phẩm gần gũi với quan niệm về thơ của trường phái siêu thực, có một cách thể hiện mới mẻ, hiện đại?
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top