Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về các thần tự nhiên
CN. Nguyễn Huy Bỉnh
Phòng Văn học dân gian
Các nhà khoa học trong khi tiến hành phân loại truyền thuyết thường ít đề cập đến loại truyền thuyết về thần tự nhiên, bởi họ quan niệm các câu chuyện kể về những vị thần này thuộc thể loại thần thoại. Tuy nhiên, xét dưới tiêu chí của thể loại truyền thuyết, chúng tôi nhận thấy có một mảng truyền thuyết xứ Bắc về thần tự nhiên khá phổ biến và được biểu hiện dưới các dạng thái khác nhau. Đó là truyền thuyết về những nhân vật nguyên dạng là thần tự nhiên và truyền thuyết về các nhân vật thần tự nhiên đã được lịch sử hoá. Các truyền thuyết này bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần linh, mà cơ sở ban đầu là sùng bái tự nhiên, đó là tín ngưỡng thờ thần Nước, thần Đá, thần Núi, thần Cây, thờ Tứ Pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp - những hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Gắn liền với các tín ngưỡng thờ thần tự nhiên này là các truyền thuyết, di tích, phong tục thờ cúng và lễ hội được lưu truyền từ xa xưa. Trong bài viết này chúng tôi trình bày truyền thuyết về thần Nước, thần Núi, thần Đá và tín ngưỡng dân gian có liên quan đến các vị thần. Còn truyền thuyết về thần Cây và Tứ Pháp với dung lượng khá lớn, xứng đáng được trình bày trong bài viết khác.Phòng Văn học dân gian
1. Truyền thuyết về thần Nước (Thủy thần)
Trong số các tín ngưỡng thờ thần ở xứ Bắc, nổi bật nhất là tục thờ thần Nước còn gọi là tục thờ Thuỷ thần. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên trong chuyên luận Bản đồ phân bố các vị thành hoàng của tỉnh Bắc Ninh(1) đã thống kê được 25 vị Thuỷ thần và phân bố như sau: huyện Gia Bình 11 vị, huyện Từ Sơn có 3 vị, huyện Thuận Thành có 3 vị, phủ Gia Lâm có 2 vị, huyện Yên Phong có 3 vị, huyện Tiên Du có 1 vị, huyện Quế Võ có 1 vị. Dựa vào thư mục Thần tích, thần sắc (lưu tại Thư Viện Viện Khoa học xã hội) của Viện Viễn Đông Bác Cổ điều tra năm 1938, chúng tôi thống kê được 27 vị Thuỷ thần được thờ ở Bắc Ninh, trong đó huyện Thuận Thành có 5 vị, nhiều hơn con số thống kê của Nguyễn Văn Huyên là 2 vị. Để tìm hiểu kỹ hơn về tục thờ thần Nước ở xứ Bắc, chúng tôi đã tiến hành điều tra theo hướng điền dã ở khu vực có những biểu hiện rõ nhất về tục thờ thần Nước, đó là phạm vi địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh(2). Kết quả cho thấy số lượng thờ Thủy thần ở đây trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với sự thống kê của Nguyễn Văn Huyên và sự điều tra của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Điều này do nhiều nguyên nhân, có thể các thời điểm điều tra thống kê không trùng nhau, trong khi các vị thần linh luôn có xu hướng phát triển theo tín ngưỡng thờ thần, nhất là thờ thành hoàng. Chính vì vậy có sự không đồng nhất về mặt số liệu cũng là điều dễ nhận thấy.
Trong đời sống tín ngưỡng dân gian Việt Nam, rắn, rồng, giao long, cá chép… là những biểu tượng linh vật thuộc về nước. Do vậy truyền thuyết và lễ tục về những con vật này đều liên quan đến tục thờ Thuỷ thần. Hiện nay dấu tích thờ cúng Thuỷ thần xuất hiện rất phổ biến dọc các dòng sông của xứ Bắc, đó là các truyền thuyết và tín ngưỡng về thần Rắn, ông Dài ông Cộc, rồng (Lạc Long Quân), Bách noãn (trăm trứng).
Truyền thuyết về thần Rắn được lưu truyền ở làng Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; truyền thuyết về ông Cộc, ông Dài được lưu truyền dọc theo sông Cầu, sông Thương, cụ thể được ghi lại trong sách Di sản văn hoá Bắc Giang phi vật thể(3) và trong sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam(4). Qua những bản kể này cho thấy, truyền thuyết về thần Rắn và ông Cộc, ông Dài đã có rất nhiều dị bản, những vị thần này được thờ cúng ở nhiều điểm khác nhau, phong phú trong địa bàn xứ Bắc. Các vị thần hiện lên với sức mạnh điều khiển dòng nước, luôn mang lại một cảm giác sợ hãi đối với cuộc sống con người.
Các truyền thuyết về thần Rắn với nghi thức thờ cúng và trò diễn dân gian đã diễn ra ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tại làng Ngọc Lâm, huyện Thuận Thành có truyền thuyết và tục thờ thần Rắn, người dân nơi đây làm mộc, ngoã cho đến các đồ thần khí đều sơn then và kiêng không có hình rồng, rắn trong các đồ chạm khắc; ở làng Liễu Ngạn (tục gọi làng Khe) huyện Thuận Thành cũng lưu truyền truyền truyền thuyết về thần Rắn và có trò chơi dân gian, tục gọi là trò Kéo rắn được tổ chức trong ngày hội làng(5).
Bên cạnh các truyền thuyết về thần Rắn, ở xứ Bắc còn có truyền thuyết về rồng là Lạc Long Quân - vị thần tổ giống nòi. Trong tâm thức người Việt thời phong kiến, rồng là biểu tượng thiêng liêng tượng trưng cho sức mạnh quyền lực của nhà vua. Nguyên thuỷ của Rồng là biểu hiện sức nước, sự hung dữ và bình yên. Tương truyền rằng: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở ra thành trăm người con trai. Năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên núi. Lập con trưởng làm vua, gọi là Hùng Vương, còn các con thứ chia nhau mỗi người cai quản một phương.
Xung quanh nhân vật Lạc Long Quân – Âu Cơ cũng đã diễn ra rất nhiều nghi thức thờ cúng khác nhau. Tại làng Ngọc Xuyên, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có truyện kể và tục thờ thành hoàng là Lạc Long Quân, hàng năm cứ vào ngày mùng 6 tháng 2 thì tổ chức lễ hội, to thì kéo dài đến nửa tháng, nhỏ thì trong vài ngày. Trước đây trong ngày hội, dân làng tổ chức tế lễ và các trò chơi dân gian, trong đó có trò Rồng lột diễn ra trong ngày cuối cùng của hội, nhằm để tưởng nhớ Lạc Long Quân. Trò diễn được tiến hành tại chùa Đại Bi tới đình Bái Thượng của làng Ngọc Xuyên(6). Ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng lưu truyền truyện kể và có đền, đình thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ. Hàng năm vào ngày 18 đến ngày 24 tháng Giêng, làng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ hai vị. Trong lễ hội có nghi thức Rước nước hay còn gọi là Phục ruộc được tiến hành như sau: Ông chủ tế là một bô lão được dân kính trọng nhất làng cùng với các quan văn, nữ quan đội khăn điều, mặc áo nâu đi thuyền ra giữa dòng sông Đuống chọn nơi trong nhất, lấy bình nước rước về đình tế lễ.
Truyền thuyết về Lạc Long Quân – Âu Cơ còn để lại những dấu vết về thờ cúng tôtem vật tổ. Theo sự công thức hoá pháp điển tôtem thành mười hai điều của S. Reinach đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới thừa nhận, thì trong đó có những điều mà truyền thuyết và các lễ tục về Lạc Long Quân - Âu Cơ có sự tương ứng(7).
Nối tiếp truyền thuyết và lễ tục về Lạc Long Quân – Âu Cơ là các truyền thuyết về các thần Bách noãn (trăm trứng) được thờ là Thuỷ thần lưu truyền phổ biến quanh vùng Luy Lâu - Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đó là truyện kể về ba vị thần Lạc Long, Lạc Bảo và Lạc Học. Ba vị có nguồn gốc con Lạc Long Quân ở làng Ngọ Xá, huyện Thuận Thành. Tục truyền ba vị rất linh ứng và đã phù hộ, giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Sau khi vua Trưng thắng giặc đã sắc phong cho ba vị là Thượng đẳng phúc thần và cấp ruộng cho dân Ngọ Xá lập đền cúng tế. Người dân nơi đây bao đời nay đã kiêng tên huý gọi Quốc là Quắc, Bảo là Biểu, Học là Hược. Trong những ngày lễ hội có tục Thả trứng. Ngoài ra còn có truyền thuyết về ba vị thành hoàng của làng Đìa, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ba vị thuộc dòng dõi Lạc Long Quân đã hiển linh báo mộng giúp Lý Bôn chống giặc.
Theo thống kê của Nguyễn Thị Huế, ngoài Á Lữ ra ở phía Nam của Bắc Ninh còn có 15 điểm thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ và 56 điểm thờ các thần Bách Noãn(8). Qua những truyền thuyết và các điểm thờ cúng trên cho thấy, vùng đất xứ Bắc từ xa xưa đã tồn tại một quần thể tín ngưỡng văn hóa về thời kỳ khởi nguyên của dân tộc Việt.
Cùng với truyền thuyết về các vị Thuỷ thần có nguồn gốc là thần tự nhiên, còn có truyền thuyết về các nhân vật nửa tự nhiên nửa lịch sử hóa được thờ là Thuỷ thần, tiêu biểu như truyền thuyết về Trương Hống, Trương Hát (Hách), hay còn được gọi là Thánh Tam Giang. Hiện nay có nhiều truyền thuyết đã được ghi chép thành thần tích nói về sự tích Trương Hống, Trương Hát.
Truyền thuyết về Trương Hống, Trương Hát đã kể về người anh hùng sinh ra từ bọc trứng với các tình tiết như: Sinh nở thần kỳ (Bà mẹ nằm mộng ra sông Lục Đầu tắm gặp thần Long quấn quanh mình rồi có thai sinh ra bọc 5 trứng, nở ra thành 4 trai 1 gái. Đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương); Nhân vật đã lập chiến công phi thường (Trương Hống và Trương Hát đánh thắng quỷ, giúp Triệu Quang Phục phá giặc Lương); Kết thúc là nhân vật đã hiển linh phù trợ và được thờ tự (Giúp Lý Thường Kiệt phá quân Tống, được thờ từ thượng ngã ba Xà đến hạ lục đầu giang dọc sông Cầu, sông Thương)...
Riêng truyền thuyết lưu truyền ở làng Gia Thượng và Cầu Lỗi, tổng Gia Thuỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh lại kể sự tích thần sông Như Nguyệt Trương Hống, Trương Hát báo mộng cho nhà vua biết sẽ giúp vua đánh giặc. Nhà vua đánh trận ấy quả thắng to, vua bèn cho lập đền thờ phụng gọi là Nhất Phương Thần, chiếu phong cho người anh làm Đại Đương Giang hộ quốc Phúc thần, lập đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt; phong cho người em làm Tiểu Đương Giang hộ quốc Phúc thần, đền thờ ở cửa Nam Bình, hương hoả bất tuyệt.
Nhận xét về hiện tượng này, Tạ Chí Đại Trường cho rằng: “Đây là hai thần sông mà qua câu chuyện báo mộng, họ cho biết Thượng Đế đã phong cho cả hai anh em, không phân biệt, chức Than hà long quân phó sứ, hiệu là Tuần Giang Đô Phó Sứ. Dùng chữ Thượng Đế có nghĩa là đẩy lùi sự kiện về lúc khởi thuỷ, xét từ bản chất của Thần: Thần là thác trên sông (than hà), hiện diện dọc theo (tuần giang) sông Thương (Vũ Bình, Nam Bình), sông Cầu (Lạng Giang). Nhận định như thế, ta có thể giải thích về nguồn gốc tên của Thần: Hống và Hát, tiếng nước réo trên thác, trên sông, một đe doạ, một quyến rũ (mà cũng hàm chứa sự lôi cuốn nguy hiểm), đầy đủ quyền uy và hấp dẫn của siêu nhiên”(9). Ông cũng đã giải thích rõ về nguồn gốc của thần Trương Hống, Trương Hát, lúc đầu chỉ có một dạng, đó là thần hợp lưu làm nên sông Thái Bình, rồi việc phân hai thần trên vùng nước dữ này bắt đầu trong lối nói ẩn dụ trong Việt điện u linh tập. Tuy nhiên tính chất “Nhị vị nhất thể” của thần vẫn được duy trì. Sông Cầu dữ dội nên có ông anh là Trương Hống làm Đại Vương Giang Thần Vương, và sông Thương dòng chảy yếu hơn phải có thần Trương Hát chịu làm em để chia nhau giữ nước…
Trong tục thờ Thuỷ thần ở xứ Bắc còn để lại những dấu vết về tục hiến tế - một tín ngưỡng tối cổ của nhân loại. Những mẩu chuyện về hiến tế là những chứng tích xa xưa, những mảnh vụn của thần thoại về thời kỳ khởi nguyên của loài người(10).
Xứ Bắc có hệ thống sông ngòi dày đặc, đó là các con sông: Dâu, Cầu, Thương, Đuống, Lục Nam, Thái Bình... Đa số dân cư nơi đây sinh sống bằng nghề chài lưới và trồng lúa nước, do vậy đối với người dân nước có vai trò hết sức quan trọng, nước vừa mang lại nguồn sống và cũng chính là thủ phạm gây nên thiên tai và đe doạ cuộc sống con người. Theo quy luật tự nhiên, để trấn áp nỗi sợ hãi, các cư dân vùng sông nước đã thờ Thuỷ thần nhằm cầu mong sông nước hiền hoà, mùa màng tươi tốt, đánh bắt được nhiều sản vật dưới sông, muôn vật và con người sinh sống và đi lại thuận lợi. Như vậy tín ngưỡng thờ Thuỷ thần ở xứ Bắc có môi trường phát triển, trước hết do nhu cầu nội tại của nó - sự bức xúc của cuộc sống sông nước. Chính vì vậy các vị Thuỷ thần thường được lưu truyền và thờ cúng dọc theo các bờ sông. Ở xứ Bắc truyền thuyết và các lễ tục về tục thờ cúng Thuỷ thần rất phổ biến và diễn ra theo hai vệt chính là: Dọc theo những dòng sông cổ ở các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh như: sông Đuống, sông Dâu, sông Cụt, sông Ngụ… ta còn thấy hàng loạt các điểm thờ và ken dày những truyện kể, những lễ tục, lễ hội về Lạc Long Quân – Âu Cơ và các thần Bách noãn, cùng với các tướng lĩnh, các vị anh hùng khác của các thời đại. Dọc theo dòng sông Cầu, sông Thương là truyền thuyết và các điểm thờ cúng Trương Hống – Trương Hát.
2. Truyền thuyết về thần Núi (Sơn thần)
Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới(11): Núi vừa tượng trưng cho chiều cao, vừa là điểm trung tâm. Với những đặc điểm: cao, thẳng đứng, gần trời, núi tham gia vào biểu tượng của các siêu tại, siêu phàm với tính cách là trung tâm của những hiện tượng hiển linh trong khí quyển và rất nhiều sự tích thần hiện, núi thuộc là biểu tượng của cái bản thể biểu hiện…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh khi nói về các Sơn thần được thờ là thành hoàng ở Việt Nam đã lý giải: “Sơn thần nước ta thể hiện thành một hệ tương đối thống nhất. Đó là hệ Sơn Tinh tức là hệ Tản Viên”(12). Rồi ông cho rằng: Sự tích về Sơn thần ban đầu được ghi chép lại trong Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư. Đến khi Nguyễn Bính biên soạn lại thần tích trên cơ sở lời khai của dân địa phương đã xuất hiện nhiều tình tiết khác về hệ Sơn thần. Bên cạnh Tản Viên sơn thánh ở ngôi tối cao, còn có Cao Sơn thống lĩnh tả bộ Sơn thần, Quý Minh thống lĩnh hữu bộ sơn thần. Ba vị Sơn thần này gắn với ba đỉnh núi Ba Vì. Lấy núi Ba Vì làm trung tâm thì Sơn thần phát triển theo hướng tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Nhánh hữu ngạn lại chia làm hai hướng từ Sơn Tây – Hà Đông – Hà Nam – Nam Định – Thái Bình – Ninh Bình, hướng thứ hai từ Sơn Tây – Thanh Hoá - Nghệ An. Nhánh tả ngạn cũng chia làm hai hướng, thứ nhất từ Sơn Tây – Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc, hướng thứ hai từ Sơn Tây - Bắc Ninh - Bắc Giang – Hưng Yên - Lạng Sơn – Cao Bằng – Tuyên Quang. Dựa trên bản đồ phân bố các vị thành hoàng ở Bắc Ninh của Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Duy Hinh đưa ra nhận định: Ở Bắc Ninh có 7 Sơn thần, còn ở Bắc Giang thì số Sơn thần không nhiều lắm.
Trên thực tế ở xứ Bắc nói chung và tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang nói riêng, số lượng Sơn thần được thờ lớn hơn rất nhiều. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hoá Thông tin nay là Sở Văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang có đến 150 nơi thờ Cao Sơn, Quý Minh trên khắp các làng xã của tỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều nơi ở xứ Bắc thờ các vị thần này nhưng chưa được thống kê.
Trong địa bàn xứ Bắc tục thờ thần Núi gắn liền với truyền thuyết về Cao Sơn, Quý Minh. Hiện có di tích chỉ thờ Cao Sơn hoặc Quý Minh, nhưng có những di tích thờ cả hai. Các di tích thờ thường là đền và đình. Theo truyền thuyết và thần tích làng Ngâm Mạc, tổng Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh: Vào đời Hùng Duệ Vương có hai vợ chồng người Hồng Châu đến chùa Thiên Thai cầu tự. Đêm nằm thấy hai ngôi sao sa xuống, từ đấy thụ thai, sau sinh ra một bọc hai con trai, mặt mũi khôi ngô khác thường đặt tên là Cao Sơn và Quý Minh, năm lên 6 tuổi đi học, năm 16 tuổi học lực tinh thông, kiêm cả tài võ nghệ. Hùng Duệ Vương cho tìm người tài, hai ngài bèn đến chầu vua. Vua phong cho làm Đô chỉ huy sứ Tướng quân. Thục Phán của bộ Ai Lao dấy quân, vua sai hai ngài đem quân đi bình giặc Thục, phong hai ngài làm Tả, Hữu tướng quân. Hai ngài cùng đức thánh Tản Viên đem quân đến núi Sóc Sơn, đạo Kinh Bắc, mới đánh một trận giặc Thục thua chạy tan tác. Vua ban cho ngài thực ấp ở đạo Kinh Bắc. Ngài về chỗ trú sở đóng quân trước, tự nhiên trời nổi cơn mưa gió, có một đám mây sa xuống dinh ngài, rồi ngài hoá vào ngày 12 tháng 11.
Biểu hiện núi, sông trong tâm thức người Việt rất rõ ràng, trên những dòng sông hung dữ đã ra đời những vị Thuỷ thần, còn trên những ngọn núi cao hùng vĩ đã xuất hiện các vị Sơn thần. Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Đức Thịnh trong cuốn Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam(13) đã giải thích tục thờ Sơn thần theo vũ trụ luận nguyên sơ của phương Đông với các cặp tương sinh tương khắc và đối lập với nhau như Sông – Núi, Đất - Nước… Những cặp đối lập này là môi trường sống quen thuộc của con người, đặc biệt là đối với cư dân nông nghiệp lúa nước ở xứ Bắc, họ sống phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên và đất, nước có vai trò vô cùng quan trọng. Trong hệ tư duy huyền thoại của người dân luôn quan niệm vạn vật có linh hồn, chính vì vậy họ luôn cầu mong sự phù hộ của các thần tự nhiên và Sơn thần là một dạng thức đó.
Trên cả một vùng xứ Bắc rộng lớn có rất nhiều núi và nơi nào có núi thường có di tích thờ Cao Sơn, Quý Minh. Bên cạnh đó còn có một vệt thờ hai nhân vật này nằm rải rác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở xứ Bắc, tục thờ Thần núi mang đặc trưng riêng, không còn là một hệ thần núi bao gồm bộ ba Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh, mà chỉ gồm có Cao Sơn, Quý Minh. Trên thực tế Cao Sơn, Quý Minh được các thần tích ghi chép lại và được truyền thuyết hoá rất nhiều nơi với những dạng thức khác nhau như được ghi chép dưới dạng thần tích theo kết cấu hoàn chỉnh: sự ra đời, chiến công và hoá thân, cũng có khi họ hiện lên dưới báo mộng, phù trợ giúp các tướng lĩnh đời sau đánh giặc ngoại xâm.