Trường học Việt Nam sợ di động công nghệ cao của teen

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Trường học Việt Nam sợ di động công nghệ cao của teen

Các trường phổ thông đang siết dần kỷ luật dùng di động trong lớp sau khi hàng loạt clip và file ghi âm được học sinh tung lên mạng mà không có sự kiểm soát. Không cấm mang điện thoại đến lớp, nhưng có trường nêu rõ không khuyến khích dùng các loại điện thoại di động có chức năng quay phim, chụp ảnh, ghi âm.


Khốn khổ vì chức năng quay phim của di động


images2049470_dtdd5.jpg



Một cảnh ôm hôn đùa nghịch giữa hai HS nam trong giờ ra chơi.

Trước nhu cầu của chính phụ huynh và học sinh, ngày nay, hầu hết các trường phổ thông đều phải chấp nhận việc HS từ lứa tuổi THCS được mang điện thoại di động (ĐTDĐ) tới trường.
Khảo sát một số trường lớn ở Hà Nội, ước tính 60 - 70% HS lứa tuổi THCS có máy, trong khi 90- gần 100% HS lứa tuổi THPT có di động.

Nếu chiếc điện thoại chỉ có chức năng đơn giản là nghe, gọi được và không đi kèm các chức năng khác như quay phim, chụp ảnh... thì các trường và nhiều bậc phụ huynh đã không đau đầu trong việc quản lý.

Một hiệu phó của trường THCS ở Kim Liên, Hà Nội cho biết: "Có lần, tôi chứng kiến cảnh hai bạn nam lớp 9 hôn nhau theo kiểu đùa nghịch và một nhóm khác đấm đá như phim võ thuật để các bạn trong lớp dùng di động quay phim. Tôi biết, các em chỉ đùa cho vui. Nhưng nếu cảnh này cắt cúp rồi tung lên mạng, người ta không hiểu là đùa, lại thấy mặc đồng phục ghi rõ tên trường, thì chúng tôi biết ăn nói ra sao. Tôi đã phải tịch thu di động để xóa đoạn phim nói trên."

Trò đùa tai quái khác của một nhóm HS lớp 11 của một trường THPT ở quận Ba Đình là quay phim cảnh mang...băng vệ sinh đến tặng cho lớp bên cạnh.

Những chiếc ĐTDĐ ghi hình theo bước chân náo loạn của các "quỷ sứ" trên dãy hành lang. Nước ngọt Sting đỏ chưa đủ độ đậm màu, các trò này đã nghĩ ra chiêu dùng mực bút đỏ trộn vào. Vậy là tác phẩm "Kotex" hoàn thành. Cả hội cùng “dô” nhau mang đến dán hiên ngang lên cánh cửa lớp bên cạnh.

“Vụ này nhà trường không xử gì cả, lớp bị dán Kotex nhe răng ra cười. Sau đó, chúng nó phản đòn bằng Diana cho lớp tôi!”, cậu học trò tên Lâm lớp 11 tường thuật.

Có anh chàng trong lớp kiếm được món đồ giả miệng bằng cao su, thế là các máy quay không chuyên là di dộng lại được phen chạy theo mệt nghỉ để ghi lại cảnh bạn này “cưỡng hôn” ( tên clip do Lâm đặt) các bạn gái. Cái miệng cao su gắn lên cái miệng thật, “tóm” được bạn gái nào thì chiến hữu giữ chặt lấy cho anh chàng hôn được mới tha.

Chơi bài trong lớp, trình diễn hút thuốc lào với những màn rít thuốc, phun khói thuốc điệu nghệ, màn chơi bốc đầu xe đạp giữa phố đông người, tự sướng với thân hình đầy rồng phượng đen, đỏ xanh…tất cả đều được đội ngũ điện thoại di dộng đa chức năng hiện đại của Lâm và các trò trong lớp ghi lại.

Chỉ “tự sướng” với nhau trong lớp còn gì là ý nghĩa, hoành tráng? Các "trò tặc" còn giao phó cho Lâm nhiệm vụ tải "tất tần tật" những cuộc chơi "hoành tráng" này lên mạng Youtube.

Những clip được quay bằng ĐTDĐ và đưa lên Youtube hay lên các trang diễn đàn của giới trẻ, trường, lớp các teen không hề hiếm. Những trò nghịch ngợm, mô phỏng sex hay đua nhau chụp lại những khoảnh khắc hớ hênh, lộ hàng của nhau đều được các chú dế cật lực ghi lại, tạo thành một mốt chơi không thể thiếu trong đời sống học đường.
Mục đích chính để bố mẹ sắm điện thoại cho con để làm phương tiện liên lạc, đưa đón, kiểm tra xem đang ở đâu hoặc giúp con giải trí như nghe nhạc, xem phim lành mạnh giờ đã bị biến dạng, hoặc đã trở thành mục đích phụ.

Chỉ nên dùng điện thoại nghe, gọi được?


images2049476_Dongda.jpg



Trường THCS Đống Đa cấm sử dụng các loại điện thoại di động có chức năng ghi hình, ghi âm.

Tại một lớp học của trường THCS Giảng Võ, Hà Nội, một cô giáo chủ nhiệm cho biết: "Lớp 9 tôi dạy có gần 100% HS có di động, nhưng giờ học nào cũng phải tắt máy. Nếu HS nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần là tịch thu điện thoại, gửi nhà trường, cha mẹ phải viết cam kết thì mới trả lại điện thoại. Tuy nhiên, rất may là chưa có HS nào không chấp hành nội quy đề ra".

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 11, trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho biết: "Mặc dù nội quy của nhà trường không ghi rõ các vấn đề liên quan đến ĐTDĐ, nhưng đã học ở đây, các em đều ý thức được hình thức kỷ luật nghiêm minh nếu không chấp hành. Giờ học nào các em cũng phải tắt nguồn điện thoại".

Ông Phạm Văn Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Nội quy của trường đã ghi rõ là không sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. HS nào để chuông kêu trong giờ học, nhắn tin...bị nhắc nhiều lần sẽ bị nhà trường tịch thu. Sau một tuần, cha mẹ HS mới được đến xin về sau khi đã ký vào cam kết không cho con mình sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Hình thức cao nhất có thể là hạ hạnh kiểm.

Hiện trường Trần Hưng Đạo đang "tạm giữ" nhiều chiếc điện thoại vì cha mẹ HS không chịu đến lấy về. Họ cho biết nhà trường cứ giữ hộ lâu lâu vì bản thân họ không muốn con sử dụng di động, nhưng vì con đòi mua nên phải chiều.

Bà Đinh Vân Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Kim Liên, Hà Nội cho biết: Trong cuộc họp đầu năm với phụ huynh, nhà trường đã đề nghị HS và phụ huynh ký vào bản cam kết không sử dụng các loại ĐTDĐ có camerra và các phương tiện ghi âm, ghi hình khác. Trong tổng số 2.250 HS, có tới 70% HS có sử dụng ĐTDĐ.

"Tuy nhiên, có phụ huynh vẫn thắc mắc, dù đã ký vào bản c am kết, là có vô lý không khi cha mẹ muốn bỏ điện thoại cũ của mình cho con, mà những chiếc điện thoại này thường rất hiện đại, có đủ mọi chức năng", bà Hồng cho biết.

Thậm chí, có phụ huynh còn cho rằng, nhờ việc HS ghi âm, ghi hình "tung lên mạng" nên xã hội mới biết được sự thật trong nhà trường ra sao.

Bà Đinh Vân Hồng cho biết: "Học trò đang đi học thì việc chính là việc học tập. Các em chưa hiểu được hết những hậu quả to lớn nếu tự tung lên mạng những gì mình ghi được. Nhà trường không ủng hộ việc các em quay phim, cho dù là quay cảnh đùa nghịch đưa lên mạng. Nếu cố tình, các em phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cho dù thế nào thì việc đưa lên mạng cũng thể hiện một ý đồ không tốt.

"Sắp tới, nhà trường sẽ kiểm tra đột xuất các lớp học. Nếu HS nào vẫn mang điện thoại không đúng như cam kết thì sẽ bị tịch thu".

Bà Hồng cho biết thêm: Những chiếc di động hiện đại càng dễ tạo điều kiện cho các em tải những hình ảnh "độc hại" về xem, đó là mặt trái của nó.

Tuy nhiên, có HS lại lý sự: Có nhiều cảnh bạn bè đáng yêu lắm, nếu không có điện thoại ghi lại những hình ảnh ấy thì quá tiếc".

Theo Timesonline, năm 2009, ĐTDĐ đã bị cấm sử dụng ở các trường tiểu học ở Pháp vì sóng di động ảnh hưởng đến sức khỏe của HS.

Năm 2007, tất cả các trường công lập ở Toronto, Canada cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp học, theo một tờ báo địa phương ở đây, mặc dù nhiều cha mẹ và HS không tỏ ra hài lòng.
Theo MSNBC, năm 2010, 69% các trường THPT công lập ở Mỹ cấm HS dùng ĐTDĐ trong phạm vi nhà trường. Tuy nhiên, rất nhiều HS vẫn vi phạm quy định này vì dùng ĐTDĐ để gian lận thi cử và nhắn tin cho bạn trong giờ học.



Theo VNN.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Đúng là nên tăng cường quản lí với tình trạng sử dụng điện thoại di động của học sinh bởi nó đang có biểu hiện của tình trạng mất kiểm soát không làm chủ được trang bị kĩ thuật,sử dụng sai mục đích,thậm chí còn làm ảnh hưởng tới việc học tập.Trong quân đội hạ sĩ quan trở xuống không được dùng điện thoại di động,trong công việc phải dùng mạng điện thoại nội bộ,và cấm quay phim chụp ảnh những nơi cần bảo mật cao.
Nhưng đó là do tính chất quân sự còn đối với học sinh nên khuyến khích dùng điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi,thậm chí khi ở trong khu vực nhà trường có việc gì thì dùng máy của nhà trường để liên lạc với gia đình , tránh tình trạng quản lí không được thì cấm. Còn những việc nội bộ của nhà trường nên tự giải quyết ổn thỏa với nhau là tốt nhất,không giải quyết được mâu thuẫn nội bộ dẫn tới trì trệ kéo dài nên học sinh lại bất mãn quay phim ghi âm làm chứng cớ và đưa vụ việc lên mạng cho tất cả xã hội cùng xem xét,đánh giá rồi phê phán.Bây giờ có tình huống ngược lại là học sinh chụp lại những hình ảnh đẹp,tích cực thầy cô và nhà trường rồi giới thiệu trên mạng thì lúc đó nghĩ sao,lại ủng hộ chăng?
Vậy thì thầy cô phải định hướng cho học sinh để nó phân biệt tốt xấu,cái gì nên làm và cái gì thì phải tránh.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top