Trung Đông có thể là cái nôi của loài người
Việc các nhà khảo cổ phát hiện di cốt người có niên đại 400 nghìn năm tại Israel có thể buộc giới khoa học viết lại toàn bộ câu chuyện tiến hóa của nhân loại.
Một chiếc răng có niên đại 400 nghìn năm mà các nhà khảo cổ của Đại học Tel Aviv tìm thấy trong hang Qesem ở miền trung Israel. Ảnh: AP.
Từ trước tới nay giới khoa học luôn tin người hiện đại (Homo sapien) tiến hóa tại châu Phi cách đây chừng 200 nghìn năm. Sau đó tổ tiên của chúng ta di cư về hướng bắc, qua vùng Trung Đông để tới châu Âu và châu Á. Do vậy châu Phi được ví như chiếc nôi của loài người.
Gần đây các nhà khảo cổ tìm được nhiều di cốt người cổ đại tại Trung Quốc và Tây Ban Nha - hai đất nước không thuộc châu Phi. Tuy nhiên, những bằng chứng đó chưa khiến giới khoa học thay đổi quan điểm đối với giả thuyết về cái nôi của nhân loại.
Mới đây, trong lúc khai quật một hang có tên Qesem gần thành phố Rosh Ha’Ayin ở miền trung Israel, các nhà khảo cổ của Đại học Tel Aviv tìm thấy 8 răng người có niên đại tới 400 nghìn năm, AP cho biết. Đây là những di cốt người có niên đại cao nhất mà giới khoa học từng biết.
8 răng mà các nhà khảo cổ Israel phát hiện có kích thước và hình dạng giống hệt răng của người hiện đại.
Ngoài răng, các nhà khảo cổ còn tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một xã hội loài người phức tạp. Các thành viên của xã hội đó sử dụng nhiều công cụ của thời tiền sử, chẳng hạn như những mảnh đá sắc để cắt thịt hay chặt củi. Họ săn bắt thú rừng, hái lượm rau quả, khai thác đá để chế tác công cụ.
Hai nhà khảo cổ tìm kiếm di cốt người cổ đại trong hang Qesem. Ảnh: AP.
Phát hiện này, được công bố trên tạp chí Physical Anthropology của Mỹ, cho thấy có thể châu Phi không phải là cái nôi của loài người như chúng ta vẫn tưởng. Thay vào đó người hiện đại tiến hóa ở Trung Đông rồi tỏa ra các nơi khác trên trái đất.
Giáo sư Avi Gopher, một nhà khảo cổ của Đại học Tel Aviv, nói rằng ông và các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem liệu Trung Đông có phải là cái nôi của loài người hay không.
“Nếu điều đó được chứng minh là đúng, chúng ta sẽ phải viết lại toàn bộ lịch sử tiến hóa của nhân loại", Gopher nhận xét.
Paul Mellars, một chuyên gia về người tiền sử của Đại học Cambridge tại Anh, cho rằng phát hiện của nhóm Gopher rất quan trọng, song vẫn còn quá sớm để kết luận những chiếc răng thuộc về người hiện đại. Theo ông, chúng có thể thuộc về người Neanderthal, một chủng người có quan hệ họ hàng với tổ tiên của chúng ta.
Minh Long - VnExpress