Trong vai bà đỡ Trần, kể lại câu chuyện Con hổ có nghĩa

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
TRONG VAI BÀ ĐỠ TRẦN KỂ CÂU CHUYỆN CON HỔ CÓ NGHĨA

[f=800]https://server1.vnkienthuc.com/files/3/FilePDF/con_ho_co_nghia.pdf[/f]​
 
Em hãy kể lại chuyện Con Hổ có nghĩa (Văn học 6 – Tập 1)

Bài làm

Hôm ấy, đi thăm một người đàn bà trở lại, bà đỡ Trần người Đông Triều phải ghé qua huyện Lạng Giang. Bà gặp một đám đông đi đưa ma người nào đó vừa chết.

Bỗng những người đưa đám ma bỏ chạy cả. Từ xa, bà nhìn thấy một con hổ đang nhảy nhót trước cái huyệt dài và sâu đang chờ hạ quan tài. Vì đã có lần bà gặp hổ, lại vốn tính cương cường, nên bà cũng không sợ. Lần này, thấy sự lạ, bà đến gần xem sao. Thì ra là một con hổ trán trắng đang dùng đầu dụi dụi vào quan tài, gầm lên mấy tiếng vang động, chạy quanh quan tài vài vòng rồi mới bỏ đi. Hình như con hổ đến tiễn đưa người đã khuất. Nhưng người chết là ai mà hổ có tình, có nghĩa đến vậy? Bà tìm gặp những người đưa đám để hỏi.

Người đã chết là bác tiều đã cứu sống con hổ này, khi nó bị mắc khúc xương bò to như cánh tay ngang họng, máu me, nhớt dãi trào ra, sắp chết. Hổ nhớ ơn cứu mạng, đã tìm cách đền đáp cho bác tiều. Khi còn sống, kiếm được thức ăn ngon như dê, nai, nó đều tha về để ở cửa nhà bác. Và hôm nay, bác tiều qua đời, hổ lại về để tiễn biệt vong hồn bác.
Nghe kể chuyện, bà đỡ Trần chép miệng:

– Hổ mà có nghĩa, khác gì người!

Nhớ lại hơn mười năm trước, bà cũng đã từng gặp hổ. Lúc đó đêm đã khuya, nghe tiếng gõ cửa cấp bách, bà vừa mở cửa thì một con hổ chợt lao tới cõng bà đi. Ban đầu, bà sợ đến chết khiếp. Khi tỉnh lại, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối, chạy mãi vào rừng sâu. Tới nơi, hổ mới thả xuống, bà lại thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất. Cho là hổ định ăn thịt mình, bà run sợ, không dám nhúc nhích. Nhưng sau đó, hổ đực cầm tay bà, nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Nhìn kỹ bụng hổ cái như có cái gì động đậy, bà hiểu ngay rằng hổ đực nhờ bà cứu cho vợ nó đang trong tình trạng đẻ khó. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà liền hòa với nước suối cho hổ uống, lại xoa bóp bụng cho nó. Lát sau thì hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ, đùa giỡn với con, rồi quỳ xuống bên một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc. Biết hổ tặng mình, bà cầm lấy. Hổ đưa bà ra khỏi mừng, cúi đầu, vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Đi đã xa, bà còn nghe hổ gầm lên một tiếng vang động cả rừng.

Về đến nhà, bà cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa đói kém, nhờ có số bạc ấy bà mới sống qua ngày. Cũng như bác tiều yên nghỉ dưới mồ, có biết đâu, hàng năm đến ngày giỗ mình, con hổ trán trắng lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà để cúng tế.
 
Hãy kể lại truyện con Hổ có nghĩa theo lời kể của bà đỡ Trần.

Bài làm

Tôi họ Trần, người huyện Đông Triều, chuyên làm nghề đỡ đẻ. Kể ra thì cũng có đến hàng trăm đứa trẻ trong vùng được tay tôi đón chúng ra chào đời.

Một chuyện lạ đến với tôi. Một đêm nọ tôi đã lên giường ngủ, chợt nghe có tiếng gõ cửa rất gấp. Tôi dậy mở cửa thì chẳng thấy có một ai. Rồi một con hổ to như con ngựa vằn lao tới cõng tôi chạy vào rừng. Tôi sợ quá ngất đi nhưng hổ vẫn ôm tôi chạy: Tỉnh dậy, tôi đã ở trong rừng trúc thấy một con hổ cái đang quằn quại, lăn lộn, cào đất… cây cỏ ngả nghiêng, rạp mình dưới chân nó. Tôi phát khiếp, run sợ. Chợt hổ đực cầm tay tôi nhìn hổ cái nhỏ nước mắt. Rồi nó nhìn tôi như van lơn, cầu cứu. Tôi nhìn kĩ bụng hổ cái thì có cái gì như đang động đậy. Bụng hổ cái sà xuống, nó như đau đớn. Tôi hiểu ngay là hổ cái sắp đẻ. Thảo nào hổ đực cõng tôi đến đây. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, tôi hòa thuốc với nước suối cho hổ cái uống và xoa bụng cho nó. Cơn đau của hổ cái dịu dần rồi nó sinh một chú hổ con xinh xắn. Hổ đực mừng lắm, giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống trên thảm cỏ.

Tôi vẫn còn sợ sệt, bỗng hổ đực quì xuống bên một gốc cây bới lên một cục bạc lớn, nó đưa cho tôi và cúi đầu, vẫy đuôi. Biết hổ tạ ơn mình, tôi cầm lấy rồi theo hổ ra khỏi rừng. Lúc này trời cũng sắp sáng, tôi đưa tay chào nó và nói: Xin chúa rừng quay về. Hổ vẫn vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Tôi đi một quãng xa, hổ gầm lên một tiếng rồi trở vào rừng. Về nhà, tôi cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, nạn đói khắp vùng, nhờ có hơn mười lạng bạc ấy nên tôi sống được qua cơn nguy kịch.
Năm sau, tôi nghe nói ở bên Lạng Giang có người tiều phu cũng cứu được một con hổ thoát nạn. Hôm ấy, bác ta đang bổ củi ở sườn núi thì thấy dưới thung lũng phía xa có cỏ cây lay động, bác vác búa đến xem thấy có con hổ trán trắng đang giãy giụa, thỉnh thoảng lấy chân móc họng. Từ miệng hổ, máu me, nước dãi chảy trào ra. Bác tiều phu nhìn kĩ vào miệng hổ thấy có khúc xương mắc ngang họng, bàn chân hổ to quá, càng móc, khúc xương càng lún vào sâu. Bác tiều phu uống rượu say để lấy can đảm cứu hổ. Bác trèo lên cây kêu lớn:

– Cổ họng ngươi đau phải không? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương cho!

Nghe bác tiều phu nói, hổ nằm phục xuống, há mồm, nhìn bác như cầu cứu. Bác tiều phu liền trèo xuống, lấy tay móc xương cho nó. Cái xương bò to như cánh tay trong miệng hổ đã được bác lấy ra. Hổ liếm mép, nhìn bác rồi bỏ đi. Bác tiều lại nói đùa theo:

– Nhà ta ở thôn Mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé!

Sau đó một thời gian, một đêm nọ, bác tiều nghe có tiếng hổ gầm dài ngoài cửa. Sáng ra, bác mở cửa thấy có con nai chết để trước nhà, bác biết rằng hổ trả ơn mình.

Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất linh cửu bác, hổ trán trắng xuất hiện. Mọi người hoảng hốt bỏ chạy, hổ lấy đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài mấy vòng rồi lững thững đi vào rừng. Từ đó về sau, đến ngày giỗ bác tiều, hổ lại mang lợn hoặc dê đến để ngoài cửa nhà bác, mọi người đều hiểu được hổ trán trắng thật có nghĩa có tình với bác tiều. Hổ đã nhớ ơn cứu mạng, nhớ ân nhân đã đem lại sự sống cho mình.

Qua sự việc của tôi và sự việc của bác tiều, tôi nói với dân làng rằng: Tuy hung dữ nhưng hai con hổ ấy thật biết đạo, biết nhớ ân nghĩa, biết báo đáp công ơn của ân nhân đã cứu mình.
 
Hãy đóng vai bà đỡ Trần trong truyện Con hổ có nghĩa để kể lại câu chuyện này.

Bài làm

Tôi sống bằng nghề đỡ đẻ, nghề truyền thống của gia đình đã qua nhiều đời. Có rất nhiều những cô bé, cậu bé cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay tôi. Bà con gần xa đều tín nhiệm mời tôi đến đỡ với mong muốn được mẹ tròn con vuông. Khắp huyện Đông Triều, người ta đều gọi tôi là bà đỡ Trần và tôi cũng quen với cách gọi đó.

Một đêm nọ, tôi đang xếp thuốc vào túi và chuẩn bị đi ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa. Những tiếng gõ cửa vào đêm khuya như thế này với tôi không có gì lạ. Điều ngạc nhiên là khi mở cửa, không có ai cả… Những lần trước, luôn có một vài người với vẻ mặt hớt hải, vội vã đến tìm, không đợi họ nói, tôi lên đường ngay, vừa đi vừa hỏi chuyện. Như thường lệ, tôi cũng đã xếp thuốc vào túi nhưng sao lại không có ai? Tôi cảm thấy hơi lo lắng. Chưa kịp tĩnh tâm, một con hổ vụt lao tới và cõng tôi đi. Hồn vía lên mây, mắt tôi cứ nhắm nghiền lại, thỉnh thoảng mới dám hé mở. Tôi thấy hổ đi như bay nhưng rất cẩn thận, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối vào rừng sâu, không để tôi bị gai đâm trúng.

Vào giữa rừng sâu, xung quanh chỉ có cây cối um tùm, rậm rạp, Hổ thả tôi xuống. Tôi thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất, chắc là nó đói quá. Và tôi nghĩ, chắc hai con này chuẩn bị ăn thịt mình. Lòng tôi bàng hoàng, sợ hãi. Tôi đứng im không dám nhúc nhích. Hổ đực tiến lại gần tôi, nó khẽ cầm tay tôi, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt dữ tợn. Trông nó thật tội nghiệp, tôi không sợ nữa. Bình tĩnh lại, nhìn kĩ bụng hổ cái, có cái gì động đậy, tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Tôi tiến lại gần hổ cái, xoa bụng cho nó. Sẵn thuốc mang theo trong túi, tôi liền hòa với nước suối cho hổ uống. Lát sau, hổ đẻ được. Hổ cái có vẻ mệt nhưng đôi mắt của nó ánh lên niềm hạnh phúc. Hổ đực mừng rỡ, đùa giỡn với con. Lần đầu tiên trong đời tay tôi nâng niu một chú hổ con và cũng là lần đầu, tôi không nghe tiếng khóc chào đời. Nhìn gia đình nhà hổ, lòng tôi cảm thấy mãn nguyện.
Một lát sau, hổ đực tiến đến một góc cây, quỳ xuống và đào lên một cục bạc. Rất trang trọng, hổ đưa cho tôi. Sau đó, hổ đứng dậy, tôi theo hổ ra khỏi rừng. Ra đến bìa rừng, trời cũng tảng sáng, tôi khẽ nói:

_Xin chúa rừng hãy quay về.

Hổ nhìn tôi, cúi đầu vẫy đuôi làm ra vẻ tiễn biệt. Tôi đã đi khuất bỗng nghe một tiếng gầm vang động rừng xanh. Tôi cảm thấy như mình vừa trải qua một giấc mơ đẹp. Năm ấy mất mùa, đói kém, nhờ có số bạc hổ tặng, tôi sống qua được.
Một thời gian sau, tôi lại được nghe bà con kể câu chuyện này. Một người tiều phu ở huyện Lạng Giang đang bổ củi dưới sườn núi, thấy dưới thung lũng rất xa, cây cỏ lay động không ngớt. Bác tiều đến xem và thấy một chú hổ trán trắng, cúi đầu vào bới đất, nhảy lên, vật xuống, thỉnh thoảng lấy chân móc họng trông rất khổ sở. Bác tiều phu hiểu chuyện và đã giúp hổ lấy ra chiếc xương bò mắc ở cổ. Nhiều năm sau, khi bác tiều phu qua đời, người ta thấy có con hổ trán trắng đến nhảy quay quanh quan tài, hổ lại mang dê hoặc lợn rừng đến để ngoài cửa.

Nghe xong câu chuyện về bác tiều phu, nghĩ lại câu chuyện của mình lòng tôi vô cùng xúc động. Những vị chúa rừng sống thật tình cảm.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top