TRÌNH BÀY CÁC THẾ MẠNH VỀ VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
* Trả lời:
1. Thế mạnh về vị trí địa lí.
- Đông Nam Bộ là vùng chuyển tiếp giữa vùng kinh tế Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển nhất đất nước.
- Phía Bắc, Đông Nam Bộ giáp với Tây Nguyên (vùng giàu cây công nghiệp và là nơi có tài nguyên lâm sản lớn nhất nước) và với duyên hải Nam Trung Bộ (vùng giàu thuỷ sản).
- Đông Nam Bộ nằm kề với đồng bằng sông Cửu Long (vùng lương thực thực phẩm lớn nhất của cả nước). Nhờ có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ thống đường bộ phát triển, giữa hai vùng đã có sự giao lưu tốt.
- Phía Đông và Đông Nam của Đông Nam Bộ là vùng biển giàu thuỷ sản, tiềm năng dầu khí lớn..
- Liên hệ thuận tiện với các tỉnh khác trong toàn quốc (đầu mối giao thông vận tải là thành phố Hồ Chí Minh). Nhờ đó các ngành sản xuất trong vùng Đông Nam Bộ có thể dễ dàng mở rộng vùng cung cấp nguyên liệu, vật liệu và vùng tiêu thụ sản phẩm ra các vùng khác trong nước.
- Bằng đường bộ, có thể giao lưu dễ dàng với Campuchia, Cụm cảng Sài Gòn (đường hàng không và đường biển) và Vũng Tàu là cửa ngõ cho vùng mở ra nước ngoài, giao lưu kinh tế thuận lợi với các nước trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới.
2. Thế mạnh về tài nguyên.
- Ở Đông Nam Bộ có các vùng đất badan khá màu mỡ (nối tiếp miền đất badan ở Nam Tây Nguyên), đất xám bạc màu (phù sa cổ) tuy nghèo dinh dưỡng hơn đất badan nhưng vẫn có thể trồng trọt quanh năm. Đất xám chiếm 40% diện tích của vùng, đất nhẹ, thoát nước tốt, dễ trồng trọt. Trên vùng đất này, cây cao su được trồng rộng rãi (diện tích trồng đứng đầu cả nước), ngoài ra còn có các cây cà phê, đậu tương, lạc, mía, điều và các cây ăn quả. Trong vùng Đông Nam Bộ đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả.
- Về tài nguyên khoáng sản, nổi bật là dầu khí trên vùng thềm lục địa. Khai thác dầu khí ở đây có quy mô ngày càng lớn.
- Thuỷ điện: Trên các sông, nhất là hệ thống sông Đồng Nai tiềm năng thuỷ điện khá lớn (nhà máy thuỷ điện Trị An trên trên sông Đồng Nai, nhà máy thuỷ điện Thác Mơ trên sông Bé). Sông Đồng Nai – Sài Gòn chiếm 20% dự trữ điện năng cả nước.
- Tài nguyên sinh vật biển phong phú. Vùng biển thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu nối liền với vùng biển Bình Thuận, Ninh Thuận là một trong những ngư trường lớn nhất nước ta, có trữ lượng cá phong phú.
- Tài nguen rừng ở Đông Nam Bộ không lớn nhưng nguồn cung cấp gỗ dân dụng cho thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, là nguồn nguyên liệu giấy cho Liên hiệp giấy Đồng Nai. Rừng ở đây còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng hộ cho cây công nghiệp dài ngày.
3. Thế mạnh về điện kiện kinh tế - xã hội.
- Đông Nam Bộ là địa bàn thu hút mạnh lực lượng lao động có chuyên môn cao (chiếm hơn 80% lao động ở phía Nam). Lực lượng này tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có ở Biên Hoà, Vũng Tàu, ở đây có các công nhân lành nghề, nhiều kĩ sư, các nhà khoa học, các nhà kinh doanh.
- Đây cũng là địa bàn có sự tích tụ lớn về vốn và kĩ thuật, tiếp tục thu hút sự đầu tư từ nước ngoài và trong nước (xuất hiện nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp). Hai khu chế xuất Linh Trung và Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) là hình ảnh sinh động về sự thành công của nước ta trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài.
+ Các trung tâm công nghiệp là thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu tạo thành một tam giác tăng trưởng, tạo ra sức hút kinh tế mạnh mẽ.
- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật vào loại tốt nhất.
+ Giao thông vận tải và thông tin liên lạc phát triển.
+ Cơ sở năng lượng được chú ý phát triển với đường dây siêu cao áp xuyên Việt chạy qua, với các nhà máy thuỷ điện Trị An, Thác Mơ đã hoạt động và sẽ khai thác nguồn thuỷ năng trên sông La Ngà, với các nhà máy điện chạy bằng tuốc bin khí ở Bà Rịa.
– Vũng Tàu đã và đang tiếp tục được xây dựng……
+ Có thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, một đầu mối giao thông rất quan trọng (cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, xa lộ Sài Gòn – Biên Hoà….).
+ Là vùng có nền kinh tế hàng hoá sớm phát triển và cơ sở vật chất kĩ thuật hoàn thiện nhất cả nước, nên Đông Nam Bộ có cơ cấu kinh tế công nghiệp phát triển hơn so với các vùng khác trong cả nước, thu nhập theo đầu người cao nhất nước.
** Xem thêm: Hướng dẫn trả lời một số câu hỏi về 7 vùng kinh tế ở nước ta
NGUỒN: Diễn Đàn Kiến Thức - Trích từ Sách Hướng dẫn Ôn tập và trả lời các câu hỏi Địa Lí *
(Xin vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn bài viết này. Cảm ơn!)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: