- Xu
- 0
Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí sẽ xúc tiến tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay, tổ chức hội đàm ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc bốn bên có thêm sự tham gia của Trung Quốc.
Trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm có các nội dung hai miền Nam-Bắc khẳng định mục tiêu chung là xây dựng bán đảo Hàn Quốc không hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa toàn diện, tích cực nỗ lực để nhận được sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, vì phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã khép lại, song, một cuộc chiến ngoại giao quyết liệt dự kiến sẽ diễn ra giữa các nước liên quan.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã công bố tài liệu giải thích về Tuyên bố Bàn Môn Điếm, nhấn mạnh vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc có mối liên quan mật thiết với Mỹ, nên những nội dung này sẽ được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hặc Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều-Mỹ.
Như vậy, "chiến trường ngoại giao" đầu tiên sẽ là tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, dự kiến được tổ chức vào tháng 6.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ hối thúc Bắc Triều Tiên đồng ý thiết lập thời hạn đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, sẽ kết thúc vào tháng 1 năm 2021.
Ngoài ra, Seoul dự kiến sẽ đề nghị Washington nhanh chóng xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng nếu như đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa sớm. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung đề nghị Mỹ và cộng đồng quốc tế có các biện pháp bảo đảm an toàn cho thể chế của miền Bắc.
Song song, các quốc gia cũng bày tỏ quan điểm về sự kiện chính trị vừa xảy ra.
Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27/4 đánh giá Tuyên bố Bàn Môn Điếm là một thành công lớn. Thành quả tích cực mà hai miền Nam-Bắc đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh vừa rồi sẽ giúp ích cho hòa giải và hợp tác liên Triều, hòa bình và ổn định bán đảo Hàn Quốc, giúp giải quyết các vấn đề chính trị trên bán đảo Hàn Quốc. Trung Quốc chúc mừngvà hoan nghênh tuyên bố chung liên Triều lần này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bày tỏ hoan nghênh về việc hai bên đã thảo luận một cách chân thành về việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, đạt được bước tiến mới nhằm phi hạt nhân hóa. Thủ tướng Abe kỳ vọng Bắc Triều Tiên sẽ có những hành động tích cực trong tương lai.
Người phát ngôn Điện Kremlin (Nga) Dmitry Peskov cho biết Mát-xcơ-va đánh giá tích cực về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và kết quả nhất trí giữa hai bên.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ hy vọng việc BắcTriều Tiên nắm tay Hàn Quốc không chỉ là hình ảnh mang tính biểu tượng mà sẽ trở thành sự thật trong thời gian tới.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng đánh giá tích cực về việc lãnh đạo liên Triều thông qua Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Hàn Quốc, kỳ vọng hai bên sẽ có các biện pháp cụ thể để tiến hành phi hạt nhân hóa.