Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Nhật Hoàng Minh Trị
Mutsuhito sinh năm 1852 thuộc dòng dõi Hoàng triều Nhật Bản. Ông lên ngôi năm 1867 lấy hiệu là Minh Trị có nghĩa là “đấng quân vương anh minh, sáng suốt”. Cái tên đó quả phản ánh trung thành ý tưởng của ông là cải cách lại chế độ quân chủ Nhật và đưa đất nước Nhật sớm trở thành một cường quốc với nền kinh tế phồn vinh, một nền quốc phòng hùng mạnh và một xã tắc kỷ cương, nền nếp. Tuy mới lên ngôi ở lứa tuổi 15-16 nghĩa là còn rất trẻ nhưng ông tỏ ra là một vị hoàng đế thông minh, giàu nghị lực, đầy đủ uy phong và đức độ trị vì trăm họ vì thế Lãnh chúa thứ 15 (Shogun) hùng cứ những vùng đất Nhật Bản mênh mông thời đó là Tohugawa Keiki đã quyết định trả lại quyền cai trị cho Hoàng đế, chấm dứt hoàn toàn chế độ lãnh chúa hình thành từ năm 1192 ở Nhật và cũng đồng thời chấm dứt quyền hành của tầng lớp võ sĩ hảo hán (Samurai).
Ngay sau khi lên ngôi, Minh Trị đã chủ trương cải cách lại toàn bộ nền quân chủ lạc hậu, phong kiến vốn kiềm chế sự phát triển của đất nước. Ông tuyên thệ sẽ tôn trọng ý kiến của thần dân, đẩy mạnh phát triển quan hệ ngoại giao, thương mại với nhiều nước trên thế giới. Ông học hỏi không mệt mỏi các cố vấn và tư vấn trong nước cũng như ngoài nước mặc dù kiến thức của ông hết sức phong phú và uyên bác. Ông là người dũng cảm, quyết đoán trong mọi đường lối sách lược và cũng hết sức giàu lòng thương nhân dân nên nhân dân Nhật coi ông là “đấng minh quân”.
Sau lễ đăng quang, ông quyết định rời bỏ Kyoto - cố đô để rời về Ôđô lập ra kinh đô mới với các điều kiện địa lí, kinh tế và chính trị thuận lợi nhằm dễ dàng cai trị đất nước hơn. Ngày nay Tokyo chính là Ôđô của thời tiền Minh Trị, có nghĩa là “Thủ đô phía đông” của Nhật Bản.
Hai năm sau khi Minh Trị lên ngôi, tất cả các lãnh chúa thuộc các phái Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen đều thần phục hoàng đế và trao lại toàn bộ lãnh địa của họ cho hoàng đế.
Minh Trị phong cho các đại lãnh chúa đã thần phục (Daymio) làm quạn trưởng tại lãnh địa của họ và cũng trong thời gian đó ông cho đặt đường điện thoại đầu tiên ở Nhật bản nối liền Tokyo với thành phố cảng có tầm quan trọng cốt tử nằm ở phía nam thủ đô là Yokohama. Năm 1870 ông cho bãi bỏ chế độ đẳng cấp và sự phân biệt đối xử đối với 4 tầng lớp quân nhân, nông dân, thợ thủ công và nhà buôn. Các quân nhân từ nay hoặc trở thành bộ phận của giới quý tộc như tử tước, các võ quan hoặc trở thành thường dân (Heimin), mọi đặc quyền và phong cách võ biền, kiêu binh không được chấp nhận. Việc chia lại hành chính – các lãnh địa, thái ấp lập ra trước đó gọi là “huyện” (Han) bị bãi bỏ. Nước Nhật được chia thành các “quận” (Ken) với việc phát triển các đô thị mới, để việc quản lý lãnh thổ trở nên đơn giản mà có hiệu quả hơn. Hệ thống bưu chính được cải tạo cho hiện đại hơn, phù hợp với việc mở rộng giao lưu và buôn bán quốc tế. Hệ thống tiền tệ quốc gia cũng được thống nhất ấn hành và phát hành trong cả nước. Để có đủ sức khoẻ, Minh Trị quyết định xoá bỏ chế độ ăn chay trong toàn dân. Ông nêu gương giết và ăn thịt con bò đầu tiên để thần dân cũng được ăn thịt cho có sức mà bước vào công cuộc công nghiệp hoá và hoà nhịp cùng thế giới văn minh.
Năm 1817 ông ban hành đạo dụ phổ cập giáo dục bắt buộc trong toàn dân. Các trường lớp tổ chức theo chế độ mới, cùng các chính sách khuyến học được ban hành rộng rãi nhằm lựa chọn các thanh thiếu niên ưu tú gửi sang các nước văn minh đào tạo thành những nhân tài đất nước sau này. Số đông được tuyển chọn gửi đi du học ở Phổ, Anh ,Hoa Kỳ. Mọi lý hay, điều tốt do họ mang từ nước ngoài về đều được Nhật hoàng và các cố vấn của ông phân tích, chắt lọc và áp dụng, từ các ngành khoa học tự nhiên, luật pháp, hành chính đến các ngành khoa học xã hội, nhân văn khác đều được trân trọng.
Ông cho áp dụng lịch Grêgoa (Dương lịch) trong các cơ quan công sở khi có những quan hệ bang giao quốc tế hoặc các sự kiện quốc tế . Các đơn vị đo lường (mét, kilomét…) và đong lường (gam, kilogam…) theo chuẩn mực quốc tế được thiết lập và áp dụng. Ông cũng bãi bỏ luật thanh trừng những người truyền bá đạo Kito lẫn các tín đồ Kito giáo.
Tháng 5-1874 Minh Trị tiến hành cuộc chinh phạt Đài Loan để trả đũa việc Trung Hoa tàn sát các thương gia Nhật người Okinaoa, buộc triều đình Trung Hoa phải đền bù thiệt hại cho Nhật và gia đình họ. Cùng năm đó ông cho nhập và sử dụng lần đầu tiên các khí đốt để thắp sáng kinh đô Tokyo.
Ngày 14-4-1875, ông cho thành lập Thượng nghị viện đầu tiên ở Nhật Bản (Genro-in) - một hình thức quân chủ đại nghị, tiến bộ hơn phong kiến.
Ngày 26-2 ông cho ký hiệp ước hoà hiếu với Đại Hàn để tập trung trí lực và tài lực xây dựng nước Nhật. Ngày 28-3 cùng năm ông ra chỉ dụ cấm các võ sĩ mang gươm khi đi ra đường.
Tháng 2- 1877, theo chỉ dụ của ông, trường đại học Tokyo đầu tiên được thành lập với những ngành khoa học và mục tiêu đào tạo hoàn toàn mới phục vụ cho việc hiện đại hoá đất nước. Năm 1878 các cơ sở giao dịch chứng khoán ở Tokyo tiếp sau đó là ở những thành phố lớn đã được thành lập nhằm đẩy việc kinh doanh tiền tệ, luân chuyển tư bản và kích thích các hoạt động sản xuất. Năm 1880, các hội đồng thành phố đầu tiên đã được thành lập ở Nhật. Đây là những tổ chức chính trị - hành chính mang những nét đặc trưng mới của nền dân chủ tư sản phương Tây. Cùng năm đó Đảng Dân chủ Tự do (Jiyuto) – đảng phái chính trị đầu tiên cũng được thành lập. Các hoạt động thể thao du nhập từ châu Âu như bóng đá, ném tạ, quần vợt cùng với các hoạt động nghệ thuật như nhảy Valse cũng được tiếp nhận và khuyến khích.
Ngày 11-2-1889, Minh Trị cho ban hành bản hiến pháp đầu tiên theo mô hình của bản hiến pháp nước Phổ và ngày 1-7-1890 trên toàn nước Nhật đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu các đại biểu vào Hội nghị Chính trị (một loại hình quốc hội) đầu tiên của nước này.
Ngày 16-7-1894 Nhật ký hiệp định thương mại và vận tải đường thuỷ với Anh, theo đó hai bên bác bỏ quyền miễn trừ của tàu biển quốc tế đặc biệt tàu của Trung Hoa, thế là xảy ra xung đột vũ trang Nhật – Trung.
Ngày 1-8-1895 Nhật Hoàng ra lệnh tuyên chiến với Trung Hoa và sau những trận đánh thắng lợi liên tiếp, Nhật chiếm được cảng Lữ Thuận, Liêu Đông và củng cố chỗ đứng ở đảo Đài Loan. Nhưng trước nguy cơ bành trướng của Nga và cuộc chiến tranh Nga - Nhật có thể nổ ra nên Minh Trị đã khôn khéo ký hoà ước Shimonoseki với Trung Hoa và trả lại Trung Hoa đảo Đài Loan, cùng với vùng đất Descadores và Liêu Đông. Nhưng nhân vụ hạ nhục người nước ngoài ở Trung Hoa do tổ chức buôn bán bí mật Bôxơ của Trung Hoa gây ra ở Bắc Kinh từ năm 1895 đến 1898 nên Nhật lại lấy cớ can thiệp vào nội tình Trung Hoa với danh nghĩa “ trừng trị trào lưu bài ngoại Bôxơ”. Trên thực tế, Nhật muốn phô trương thanh thế với Nga. Ở châu Âu lúc này liên minh Nga – Pháp - Đức đã hình thành và chiều hướng chuyển chiến trường về phía Viễn Đông đã rõ ràng, nên ngày 31-1-1902 Minh Trị ký hiệp ước liên minh với Anh để tập trung lực lượng chống Nga
Nhờ đường lối chiến lược sáng suốt của Minh Trị, Nhật Bản đã đánh bại hoàn toàn quân Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904- 1905) trên các chiến trường thuỷ - bộ thuộc Viễn Đông và Thái Bình Dương, họ làm chủ toàn bộ vùng đất đai rộng lớn: Mãn Châu, Đại Hàn, thành phố cảng Lữ Thuận (thuộc Trung Hoa).
Minh Trị qua đời năm 1912. Ông đã để lại cho quốc gia Nhật những kỳ tích sáng chói về quân sự, uy danh lừng lẫy trước thế giới về một nước Nhật hùng cường và nhất là ông đã để lại cho dân tộc Nhật những triều đại kế tự ông một cách xứng đáng như Taishi ( tức con trai ông - cố Nhật Hoàng Hiro Hito), Heisei (tức cháu nội ông - Nhật Hoàng Aki Hito hiện nay) và những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội mang những yếu tố thành công tất yếu.
Bài của Trần Mạnh Đạt
Nguồn : Unesco Việt Nam.
Nguồn : Unesco Việt Nam.