• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Triết học Đức thế kỷ 18 trước Kant

Chị Lan

New member
Triết học Đức thế kỷ 18 trước Kant


Brigitte Sassen
Hoàng Phú Phương dịch​


Ở Đức, thế kỷ 18 là thế kỷ Khai minh, tức thế kỷ kêu gọi đòi độc lập cho lý tính. Dù nét đặc biệt của thời đại này đã tìm thấy sự phát ngôn rõ ràng nhất (và chắc chắn là nổi tiếng nhất của nó) hướng về cuối thế kỷ nơi Immanuel Kant và Triết học phê phán của ông, [nhưng] Kant không phải là người đầu tiên đưa ra lời kêu gọi này. Thay vào đó, nhiệm vụ này rơi vào Christian Thomasius (gọi tắt là Thomas) vào cuối thế kỷ 17.

Sau đó, nó được tiếp tục và phát triển xa hơn trong một chiều hướng thần học (dòng pietist) bởi một số các nhân vật nhỏ, các nhà Thomas, và được Christian Wolff và các môn đệ của ông đưa ra lại trong một chiều hướng duy lý vào đầu và giữa thế kỷ 18. Sự phát triển của (các) lập trường của họ cũng như (những) sự nhất trí trên phương diện triết học của họ rốt cục đã diễn ra tại Đại học Halle và chống lại ngữ cảnh của thuyết Pietist.

1. Christian Thomasius (1655–1728)

Mặc dù Thomasius ngày nay hầu như đã bị lãng quên, ông đã là một nhân vật nòng cốt trong tư tưởng Khai minh thế kỷ 18. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh này, ông còn là một nhân vật phần nào mơ hồ. Một mặt, ông hầu như là một nhà cách tân. Vừa là luật sư vừa là một giáo sư triết học, ông đã biện hộ cho sự sử dụng độc lập lý tính lành mạnh, đấu tranh chống lại thành kiến, chống lại niềm tin trong bất kỳ niềm tin nào về những sự mê tín đang thịnh hành thời ấy, chống lại mọi hình thức thanh trừng (tôn giáo), chống lại sự lùng giết phù thủy và sử dụng sự tra tấn, và nói chung, chống lại mọi hình thức không khoan dung. Ông tranh cãi về sự phụ thuộc vào uy quyền và sự phụ thuộc của triết học nhà trường vào tam đoạn luận [syllogism]. Ông giảng bằng tiếng Đức hơn là bằng tiếng Latinh theo truyền thống hoặc sau này là tiếng Pháp thời thượng, và là người đầu tiên, ở Đức, đã thành lập một Nguyệt san bình dân, tờ Monatsgespräche (Những Đàm luận hàng tháng), viết phần lớn bằng tiếng Đức, dành để phê bình sách. Mặt khác, đặc biệt là khi nói đến những vấn đề về luân lý, ông phần nhiều là một nhà theo truyền thống. Ở đây, ông giữ lại những ý niệm không-Khai minh một cách riêng biệt, nhất là niềm tin vào một ý chí ma quỷ và niềm tin vào tính tất yếu của sự cứu rỗi của Thượng đế.

1.1 Tiểu sử/ Công việc

Qua bối cảnh cuộc đời của Thomasius va Wolff, có điều quan trọng cần ghi chú là nước Đức thế kỷ 18 là một đất nước bị chia cắt thành nhiều tiểu quốc, mỗi tiểu quốc có chính quyền riêng của nó. Không có chính phủ trung tâm nào. Choáng váng vì những tác động của cuộc chiến 30 năm, nhiều tiểu quốc của nó đã không có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, hoặc, vấn đề là không có một văn hóa “dân tộc”, mặc dù được mang lại từ nhiều chính phủ quốc gia đa dạng, một số tiểu quốc tương đối có nhiều tự do hơn các tiểu quốc khác. Vì thế, việc Christian Thomasius có thể đưa ra sự kêu gọi đến Khai minh vào cuối thế kỷ 17 có vẻ gây ngạc nhiên, dù không hoàn toàn ngạc nhiên là cả Thomasius và Wolff đều qui phục quyền lực chính trị chuyên quyền.

Con trai của luật sư và triết gia Jakob Thomasius, Christian theo học tại đại học Leipzig và văn bằng luật của ông tại đại học Frankfurt an der Oder (miền Đông nước Đức) năm 1679. Ông trải qua phần sự nghiệm thời kỳ đầu nơi quê nhà của ông là Leipzig (trong nước Saxony), như một luật gia và giảng viên (tư) tại đại học ở đó, nhưng những quan niệm gây tranh cãi của ông và cách thức biểu đạt chúng, đặc biệt, trong Nguyệt san Monatsgespräche, đã dẫn đến việc cấm xuất bản và giảng dạy (tư và học thuật) ở Leipzig (và Saxony) năm 1690. Tuy nhiên, ông được chào đón ở thành phố láng giềng và tương đối có tinh thần cởi mở hơn là Halle (thuộc quốc gia Brandenburg / Phổ), và là phương tiện trong việc thành lập đại học ở đó năm 1694. Ông ở lại Halle cho đến hết cuộc đời, từ chối một lời mời trở về Leipzig năm 1709.

Khung công việc của Thomasius có thể phân đại khái thành 3 phần. Trong những năm đầu ở Leipzig , ông quan tâm chủ yếu đến những vấn đề về luật, nhất là, đi theo cha mình, về lý thuyết luật tự nhiên của Pufendorf. Thời kỳ này kết thúc khoảng năm 1688 với việc xuất bản cuốn Institutiones jurisprudentiae divinae [Những thể chế của Luật học thần thánh], trong đó ông tìm cách hoàn tất dự án của Pufendorf về việc tách luật tự nhiên ra khỏi Thần học. Cũng trong năm này, người ta còn thấy ông xuất bản cuốn Introductio ad philosophiam auliam [Dẫn nhập vào Triết học Tòa án], một bản văn có tên gọi được đặt phần nào không đúng, vì nó ít liên quan đến cách cư xử đúng đắn hoặc thậm chí tư tưởng ở tòa hơn là sự sử dụng riêng của lý tính, một chủ đề mà Thomasius hẳn sẽ tiếp tục làm chi tiết hơn nhiều trong cuốn Introduction to the Doctrine of Reason [Dẫn nhập vào Học thuyết về Lý tính] của ông năm 1691.

Nhìn chung, năm 1687–1688 dường như đã đánh dấu một điểm kết tồi tệ và bắt đầu giai đoạn lớn thứ hai, giai đoạn có nhiều tính triết học rõ ràng hơn, trong cuộc đời của Thomasius. Thậm chí dù ông vẫn ở lại Leipzig thêm 2 năm nữa, ông rõ ràng đã chia tay với truyền thống từ năm 1687, khi ông bắt đầu giảng dạy và xuất bản ở Đức. Năm 1688, ông bắt đầu xuất bản Nguyệt san gây tranh cãi Monatsgespräche (số ra hàng tháng từ tháng 4 năm 1690), và chuyển sự quan tâm của mình đến những vấn đề triết học lý thuyết và triết học thực hành. Ở đây, hai loại tập sách, cuốn Einleitung [Dẫn nhập] và Ausübung der Vernunftlehre [Sự áp dụng học thuyết về lý tính], và Einleitung [Dẫn nhập] and Ausübung der Sittenlehre [Sự áp dụng lý thuyết luân lý], xuất hiện ở Halle giữa năm 1691 và 1696 đánh dấu giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp của ông. Được viết phần lớn bằng tiếng Đức với một lượng tối thiểu thuật ngữ kỹ thuật, những sách này có ý định không phục vụ cho một giới độc giả chuyên gia, mà thay vào đó, như tiêu đề phụ của cuốn Introduction to the Doctrine of Reason đã chỉ ra, là dành cho một giới độc giả chung gồm “mọi con người có lý tính thuộc bất kỳ vị thế xã hội và giới tính nào…”

Suốt cuối thập niên 1690 (và sau một cuộc khủng hoảng tôn giáo đã dẫn đến ít nhất một sự (tái-)khẳng định tạm thời các niềm tin theo thuyết Pietism của ông), Thomasius đã đưa ra hai tác phẩm về Siêu hình học xác nhận một sự đa dạng huyền học về thuyết Sinh lực (Vitalism). Trong những năm tiếp sau, những quan tâm của ông chuyển trở lại với những vấn đề về luật. Đây là giai đoạn thứ 3 trong cuộc đời của ông và sẽ không được xem xét xa hơn trong bài viết này.

1.2 Triết học

Thế đứng triết học của Thomasius là một thế đứng duy nghiệm, chứ không phải là thuyết Duy lý mà chúng ta nhận thấy ở phần lớn truyền thống triết học và nơi Wolff. Đúng là niềm tin của ông vào lý tính con người tự nhiên và năng lực của nó trong việc tìm kiếm chân lý gợi ra một thuyết Duy lý ôn hòa, nhưng Thomasius căm ghét những ý niệm bẩm sinh và khăng khăng rằng mọi nhận thức, mọi tư tưởng, đều bắt đầu với sự tri giác cảm giác. Thuyết duy cảm [sensationism] mạnh mẽ này (có những điểm tương tự với lập trường của Locke) được nối kết, như đã chú thích, với một thế đứng Khai minh, theo nghĩa là nó bị chi phối bởi sự xác tín rằng nhận thức, chân lý và luân lý là nhãn quan của mọi người, chứ không chỉ của một ít người ưu tú. Cái sau đặc biệt nổi rõ trong sự dị biệt hóa giữa Gelehrtheit [Giới học giả] với Gelahrtheit [Giới học nghề] mà ông đã đưa ra ngay đầu cuốn Introduction to the Doctrine of Reason. Gelehrtheit hay giới học giả là lĩnh vực của các chuyên gia quen thuộc với Logic học tam đoạn luận, siêu hình học, nhận thức luận và thần học, nhưng Gelahrtheit hay giới học nghề là có giá trị đối với tất cả những ai có một lý tính lành mạnh đang theo đuổi nhận thức không vì chính nhận thức mà vì giá trị sử dụng của nó trong đời sống hàng ngày.

Những sự xác tín Khai minh của Thomasius cũng rõ ràng giống vậy trong thuyết Tinh tuyển [Electicism] của ông. Dù nhìn chung được xem là một thế đứng tiêu cực, nhưng điều này không đúng với Thomasius. Ông xem xét nó một cách tích cực như một cái hiệu chỉnh đối với mọi hình thức thuyết giáo điều bè phái. Qua nghiên cứu riêng của mình, ông chịu ảnh hưởng bởi nhiều người tiền bối của ông, nổi tiếng ở Đức là Grotius và Pufendorf, và ở Anh là Hobbes và Locke, và ông rút ra từ những lý thuyết của họ mà ông thấy là có ích cho mục tiêu tổng thể của mình những phương diện như sau: sự mở rộng của nét đặc biệt của Khai minh, ở đây được hiểu như dự án đảm bảo cho một lý tính lành mạnh, một dự án có thể khám phá ra chân lý, có thể tách ra những mâu thuẫn và đấu tranh chống lại những thành kiến.

Cứ cho là những tiền giả định cơ bản của Thomasius về nơi mà nhận thức có vẻ như được tìm thấy (tức trong cuộc sống hàng ngày hơn là nơi sự tư biện trừu tượng) và về người có vẻ có khả năng nhất trong việc đạt đến được nó (tức người có một lý tính lành mạnh, chứ không phải một người bị suy đồi bởi những thành kiến), thì có vẻ như không ngạc nhiên gì là nhận thức luận của ông không phải là một nhân thức luận lý thuyết. Hai tác phẩm của ông về triết học lý thuyết, cuốn Introduction to the Doctrine of Reason và Application of the Doctrine of Reason, đều là những cuốn sách bàn về chân lý. Tuy nhiên, chúng không phải là những sách bàn về chân lý theo nghĩa truyền thống. Thomasius không phát triển một quan niệm triết học về chân lý hay về điều kiện cho khả thể của nó. Ông dường như đã đơn thuần nuôi dưỡng một lý thuyết tương hợp về chân lý và đã xem sự hài hòa của tư tưởng và sự vật như một điều cho sẵn. Chắc chắn, sự hài hòa ấy không phải là vấn đề đối với ông như nó là vấn đề cho tư tưởng thế kỷ 17 và sau này lần nó sẽ lại là vấn đề cho nửa sau thế kỷ 18 (với Wolff, Knutsen và Kant). Điều có ý nghĩa với Thomasius là thuyết Lạc quan Khai minh cho rằng chân lý là có thể có và hơn nữa là mọi người ai cũng tiếp cận được. Vì vậy, cuốn Introduction của ông được viết ra như đã nói rõ qua tiêu đề phụ của nó, là đưa ra phương tiện mà qua đó “mọi con ngưới có lý tính, thuộc bất kỳ vị thế xã hội và giới tính nào, đều được chỉ ra theo một cách thái có thể hiểu được, và không cần sự trợ giúp của các tam đoạn luận, về việc làm thế nào dị biệt hóa giữa cái Đúng, cái Có thể và cái Sai, và cách tìm kiếm những chân lý mới”. Đây chính là một cuốn sách hướng dẫn sự sử dụng lý tính lành mạnh một cách riêng và đúng đắn.

Cuốn Application của ông tiếp tục chủ đề này, dù lần này là bằng việc mang lại cho mọi người phương tiện tránh sai lầm. Tránh sai lầm bao hàm việc loại bỏ những thành kiến vốn là những nguyên nhân gây ra sự suy đồi của lý tính. Điều này, đến lượt, được hoàn tất thông qua cái mà ông nhận diện như sự hoài nghi giáo điều, chứ không phải hoài nghi kiểu Descartes vốn xem mọi thứ là sai lầm cho đến khi tìm thấy một nguyên tắc đầu tiên không thể hoài nghi được, mà theo Thomasius đó là một công việc vô ích. Hoài nghi giáo điều là hoài nghi về những sự vật, những niềm tin, và những tư kiến đặc thù, và đây là điều mà ông đã tìm thấy có ích và lành mạnh để phòng tránh sai lầm.

Tuy nhiên, những sự xác tín Khai minh của Thomasius không xuất hiện thẳng ra như nó có thể. Ông thực sự tin vào năng lực của lý tính tự nhiên để vuợt qua sự suy đồi, nhưng thậm chí như ông đã trung thành với quan niệm này, ông tin rằng một ý chí ma quỷ sẽ nằm tại gốc rễ của sự suy đồi ấy, và [do đó] chúng ta cần đến ân sủng của Thượng đế. Sự xung đột này đặc biệt rõ trong triết học luân lý của ông. Trong khi sự trình bày lần đầu của ông là một sự khẳng định lạc quan về khả năng tồn tại (viability) của một lập trường luân lý, ông đã nhận diện một tình yêu chứa đựng “tình yêu thuần lý” (vernünftige Liebe) như phương tiện duy nhất để đi đến một “cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và nhã nhặn”, như được chỉ ra trong tiêu đề phụ của cuốn Introduction to Moral Theory năm 1696, ông đã trở nên mất hứng thú với quan niệm này. Tính vị lợi của con người và một ý chí ma quỷ vẫn chắn ngang con đường của nó.

Lý thuyết luân lý của Thomasius là một lý thuyết về ý chí. Ông tin rằng trong những vấn đề luân lý, ý chí thống trị lý tính. Dù con người có tự do lựa chọn nếu không bị hạn chế từ bên ngoài, ý chí là không tự do. Đúng hơn, nó bị thống trị bởi những tác động của con người: những đam mê, xung lực và ham muốn của ta. Giống như Hobbes, Thomasius tin rằng dù qui phục trước những hạn chế bên trong (tâm lý), ý chí vẫn lựa chọn (nhờ sự trợ giúp của lý tính); nó muốn một cách có ý thức. Và một lựa chọn có ý thức chính là cái cần được đòi hỏi cho một hành động (tốt) để được xem là có luân lý, một bản năng tốt hoặc những xu hướng tốt có thể làm chúng ta trở nên tốt, thậm chí có thể đáng ham muốn, nhưng tự nó, điều này không đủ để làm chúng ta có luân lý. Luân lý đòi hỏi một hành vi có ý thức của ý chí. Vấn đề với luân lý nảy sinh vì ý chí bị qui định bởi những ham muốn xấu, đặc biệt là tính dâm dục, tham vọng và thói hám lợi. Mặc dù cũng có những tình cảm thanh cao cũng ảnh hưởng giống như vậy đến ý chí, chúng xung đột với những tâm thế tiêu cực. Sự xung đột có thể được mang đến một kết luận tích cực chỉ bằng việc viện đến ân sủng thần thánh (tức sự cứu rỗi của Thượng đế).

Ngoài sự mập mờ nước đôi và sự quay trở lại với Thần học, lập trường luân lý của Thomasius là một lập trường thú vị. Lý thuyết về tình yêu thuần lý được đặt cơ sở trên tính bình đẳng nền tảng của con người cũng như năng lực của họ trong việc suy tưởng và lựa chọn một cách độc lập (với uy quyền). Cuối cùng, đạo đức học của Thomasius là một đạo đức học xã hội. Lý thuyết ấy được định hướng đến người khác (other-directed), và được mang lại sự khiếm diện của các luật và các nguyên tắc, cấu tạo nên một sự tương phản đẹp với đạo đức học phổ quát luận hình thức luận của Kant vốn sẽ được phát triển vào cuối thế kỷ tiếp sau. Cùng lúc, sự thiếu mọi cách thức để làm cho lý thuyết này có thể áp dụng được trong một ngữ cảnh bị chi phối không phải bởi những sự quan tâm giống như vậy mà thay vào đó là bởi những sự quan tâm có tính xung đột, tạo ra cái gì đó như là một đạo đức học hình thức luận, một tính không thể tránh được. Cuối tác phẩm Introduction to Moral Theory, thậm chí Thomasius còn thừa nhận rằng “tình yêu thuần lý” sẽ thực hiện chức năng chỉ trong những ngữ cảnh hài hòa tương đối, trong những ngữ cảnh khác, nhất là những ngữ cảnh được đặc trưng bởi những lập trường quyền lực bất bình đẳng, thì sự công bằng rất có thể sẽ được đạt đến.

2. Christian Wolff (1679–1754)

Không nghi ngờ gì là Christian Wolff là triết gia Đức quan trọng nhất thời kỳ đầu và giữa thế kỷ 18. Đối với tinh thần của ông, không thỏa mãn với thuyết Tinh tuyển chuyên quyền được Thomasius và “trường phái” của ông ủng hộ, và không thỏa mãn cũng bằng như vậy với siêu hình học kinh viện trường ốc mà ông nghĩ là thiếu sự nghiêm ngặt, ông đã đưa ra một hệ thống triết học có hệ thống để đáp trả lại. Thực tế, triết học của ông được cho là đã tạo ra tổng thể có hệ thống gắn kết nhất có được trong thế kỷ 18 trước Kant. Với tư cách là một nhà tư tưởng Khai minh, dù cũng là một nhà duy lý, ông, giống như Thomasius, đã tận tâm với sự giáo dục công. Ông xem triết học, được ông quan niệm như sự hiền minh-thế giới (Welt-Weisheit), như phương tiện để khai minh công khai và, theo cùng tâm thức của thời đại, nhãn quan của mọi nguời, chứ không chỉ của các triết gia hay các chuyên gia. Để làm cho triết học có thể tiếp cận được, ông viết bằng tiếng Đức, ít nhất là trong suốt những năm ở Halle , và giới thiệu phần lớn thuật ngữ triết học tiếng Đức mà ngày nay vẫn còn được sử dụng (như khái niệm Bewußtsein, Vorstellung, và Begriff có nguồn gốc của chúng ở đây).

2.1 Tiểu sử/ Công việc

Nơi sinh của Wolff là Breslau (lúc đó nằm ở miền Đông nước Đức, bây giờ là Phần Lan). Ngay từ sớm, bất mãn với thần học chính thống, ông đã chuyển qua nghiên cứu toán học như đưa ra phương tiện tốt nhất cho sự chắc chắn. Ông nghiên cứu thần học và toán học tại Đại học Jena và đạt bằng Tiến sĩ ở Leipzig năm 1702. Chịu ảnh hưởng bởi von Tschirnhaus và trong khi làm việc tại Leipzig như một giảng viên tư, ông viết một luận văn tìm cách áp dụng phương pháp toán học cho những vấn đề triết học thực hành. Điều này làm cho Leibniz chú ý đến ông. Họ bắt đầu trao đổi thư từ cho đến khi Leibniz qua đời năm 1716. Được Leibniz và von Tschirnhaus bảo trợ, ông được bầu làm Giáo sư toán học và Khoa học tự nhiên tại Đại học Halle năm 1707.

Vì chức vụ của ông ở Halle chủ yếu là như một giảng viên toán – một công việc vốn là sở trường của ông – Wolff không bắt đầu giảng và viết về những vấn đề triết học cho mãi đến năm 1710. Trong Toán học, ông soạn các sách giáo khoa, một lịch sử 4 tập về toán học năm 1710 và một từ điển toán học năm 1711. Những bài giảng triết học của ông lúc đầu là những sự trình bày về triết học Leibniz, đã dẫn những đối thủ của ông (những đại diện là “trường phái” Thomasius) đồng nhất triết học của ông như triết học Leibniz-Wolff, một tên gọi vẫn được giữ lại bất chấp sự phản đối của ông. Ông bắt đầu một chuỗi mở rộng những ấn bản, bằng tiếng Đức và thường được xem như những tác phẩm Đức của ông, về những chủ đề triết học – “German Logic” [Logic học Đức] năm 1713, “German Metaphysics” [Siêu hình học Đức] năm 1719, “German Ethics” [Đạo đức học Đức] năm 1720, “German Politics” [Chính trị học Đức] năm1721, “German Cosmology” [Vũ trụ học Đức] năm 1723, và “German Theology” [Thần học Đức] năm 1724, cùng với vô số bài luận ngắn. Sau khi gặt hái được thành công của ông như một thầy giáo và danh tiếng của ông như một tác giả, ông đạt được danh tiếng nổi bật ngày càng tăng ở Halle, nhiều điều đã gây mất tinh thần cho những “nhà Thomasius” vốn đã ngự trị sự hướng dẫn triết học ở đó. Điều đã không đóng góp cho một mối quan hệ đại học êm ái là Wolff không thích triết học tinh tuyển của Thomasius và ông không che giấu sự không thích của ông. Những vấn đề đã lên đến cao trào năm 1721 khi thủ đoạn chính trị nào đó về phía phần các đối thủ của ông (những “nhà Thomasius” và những nhà Pietism) có vẻ như bị kích động bởi danh tiếng ngày càng tăng của chính ông và việc các sinh viên yêu mến ông, cùng với với nhân cách khó tính rành rành của ông, đã khiến ông làm cho hoàng đế, Friedrich Wilhelm I, ở Berlin để ý, và vị hoàng đế đã trục xuất ông khỏi nước Phổ năm 1723 với lời đe dọa sẽ treo cổ ông.

Sau khi được mời lúc đầu đến Đại học Marburg , ông đã nhận vị trí ở đó. Vào thời gian ấy, Marburg là một nơi chốn có tính cộng đồng thế giới hơn Halle , và lúc này Wolff có sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác. Ông xem mình như phát ngôn cho các nước châu Âu, chứ không chỉ cho nước Đức, và bắt đầu viết bằng tiếng Latinh. Thực tế, ông viết một loạt sách thứ hai, bằng tiếng Latinh và được xem như các tác phẩm tiếng Latinh của ông, xem xét lại cùng nội dung chủ đề mà ông đã xử lý trong các văn bản tiếng Đức của ông, nhưng chi tiết hơn. Dù nhiều tính kinh viên hơn các văn bản tiếng Đức trước đây, các sách này đã đóng góp vào danh tiếng của ông trong một ngữ cảnh rộng hơn nhiều (châu Âu hơn là nước Đức). Năm 1733, Friedrich Wilhelm I mời ông quay lại nước Phổ, nhưng Wolff đã từ chối lời mời này. Ông ngày càng trở nên có uy tín tốt, đến nỗi một chỉ thị nội các năm 1739 đã yêu cầu các ứng cử viên cho chức bộ trưởng phải nghiên cứu các sách của Wolff, nhất là Lôgic học của ông. Nói ngắn gọn, người ta có thể thấy các nhà Wolff và các hội Wolff ở khắp nơi, thậm chí ở nước Phổ. Năm 1740, Frederick the Great triệu tập ông trở về nước Phổ, đề nghị một chức thành viên vĩnh viễn trong Học viện Berlin. Thay vì chấp nhận lời mời đến Berlin , ông đã quay về Halle với sự ca ngợi hết mức và sự tán thành của công chúng. Tuy nhiên, đối với sự thất vọng của ông, tâm thức ở Halle đã thay đổi, những nhà Wolff ở đó, đặc biệt là Baumgarten, đã bắt đầu phát triển tư tưởng của ông, và các bài giảng của ông đã không thành công. Sau khi than phiền về chất lượng kém cỏi của các sinh viên, ông ngừng giảng nhưng vẫn tiếp tục viết.

2.2 Triết học

Wolff không phải là một triết gia nguyên nghĩa, mà là một nhà hiện đại hóa và nhà hệ thống hóa. Thay vì phản bác thẳng thừng triết học kinh viện trường ốc, như Thomasius đã làm, ông đã hiện đại hóa và hệ thống hóa nó (và triết học như một cái tổng thể). Hệ thống hóa triết học có nghĩa là tích hợp những ý niệm khác nhau từ truyền thống triết học – khái niệm của Descartes về bản thể, chẳng hạn, và lý thuyết của Leibniz về sự hài hòa tiền-định (pre-established). Nhưng trong khi có tính tinh tuyển theo nghĩa này, không giống tư tưởng của Thomasius, tư tưởng của Wolff là mọi thứ trừ tính chuyên chế. Đúng hơn, ông nối kết những nguyên liệu ấy thành một hệ thống bao quát dựa trên mô hình toán học. Toán học, theo Wolff, là một khoa học có hệ thống thao tác bằng định nghĩa và sự chứng minh tam đoạn luận, và đây là phương pháp mà ông nhằm làm cho có thể áp dụng được vào triết học. Trong triết học, phương pháp ấy bị đem ra theo một cách thức phân tich/ tổng hợp được nối kết. Các định nghĩa được đạt đến một cách phân tích – sự phân tích là thuộc về những vấn đề thường nghiệm và phải truyền tải những ý niệm đơn giản thông qua một tiến trình của sự làm sáng tỏ, trừu tượng hóa và phân tích. Những tiến trình này sau đó được nối kết thành các định nghĩa. Các định nghĩa phải đóng chức năng như những nguyên liệu trong các tam đoạn luận vốn quay trở lại, bằng sự tổng hợp, đến xuất phát điểm thường nghiệm, dù có lẽ ngày nay nó được hiểu tại sao các sự vật như chúng là, một sự hiểu biết, đối với Wolff, là mục tiêu của triết học.
 

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Bản văn triết học đầu tiên mà Wolff đưa ra là “German Logic” (Vernünfftige Gedancken von den Kräften des menschlichen Verstandes und ihrem richtigen Gebrauche in Erkenntnis der Wahrheit). Lôgic học có tầm quan trọng trung tâm đối với Wolff, vì nó xác lập những qui tắc cho tư tưởng, là năng lực của giác tính trong việc rèn giũa những sự nối kết, mà theo Wolff là một năng lực con người độc nhất. Mọi con người đều có giác tính tự nhiên, nhưng chỉ nó không thì không đủ. Lôgic học hay “nghệ thuật chứng minh” đóng vai trò chau chuốt năng lực tự nhiên ấy và cũng đóng vai trò như điều kiện của khoa học. Từ điểm nhìn của Khai minh, ở đây nó có tính hướng dẫn mà Wolff đã khẳng định, như Thomasius đã khẳng định trước ông, rằng sách và sự rèn luyện trí nhớ không phải là cái giống như nhận thức. Điều này đòi hỏi sự sử dụng các quan năng của giác tính, và trên hết, phần lớn sự thực hành trong nghệ thuật của tư tưởng. Dù bẩm sinh, nhưng các năng lực của giác tính phải được mài dũa thông qua sự thực hành/ kinh nghiệm.

Khảo luận triết học thứ hai của Wolff, “German Metaphysics” (Vernünfftige Gedancken von Gott, der Welt und der Seele des Menschen, auch allen Dingen überhaupt) xuất hiện khoảng 7 năm sau “German Logic”. Ngay khi cuốn đó xác nhận bộ môn Lôgic học chống lại những công kích Khai minh sơ kỳ, thì điều đó cũng xác nhận bộ môn siêu hình học, được hiểu như “khoa học về cái có thể như cái có thể”. Sau một chương dẫn nhập ngắn chỉ ra thế đứng Descartes của ông bằng các liên kết sự hiện hữu với ý thức (chúng ta phải hiện hữu vì chúng ta có ý thức về chúng ta), “German Metaphysics” luận giải Hữu thể học, Tâm lý học thường nghiệm, Vũ trụ học, Tâm lý học thuần lý và Thần học tự nhiên. Trong chương hai, Wolff xây dựng hai nguyên tắc (theo phái Leibniz) chi phối tư tưởng triết học của ông: nguyên tắc mâu thuẫn (“cái gì đó không thể vừa tồn tại vừa cùng lúc đồng thời không tồn tại” §10, 6) và nguyên tắc lý do đầy đủ (“mọi sự vật tồn tại thì phải có một lý do đầy đủ giải thích tại sao nó tồn tại” §30, 17). Hai nguyên tắc này có ý nghĩa không những từ điểm nhìn của tư tưởng Wolff mà còn trong ánh sáng của vai trò mà chúng sau này sẽ đóng nơi Kant sơ kỳ – sự phê phán. Trong chương bàn về Tâm lý học thuần lý (chương 5), ông biện hộ cho quan niệm của Leibniz về sự hài hòa tiền định (§765, 478-9) và, trong chương cuối bàn về Thần học tự nhiên, ông cho độc giả biết rằng thế giới phản ánh sự hoàn hảo của Thương đế (§1045, 648). Đây là những phương diện của lập trường của Wolff mà những nhà Thomasius (phái Peitism) sẽ tranh cãi.

Sau khi “German Metaphysics” xuất hiện, Wolff xuất bản mỗi cuốn 1 năm để xử lý và tích hợp vào hệ thống của ông những vấn đề triết học trung tâm khác: đạo đức học năm 1720, Chính trị học năm 1721, Vật lý học năm 1723, Mục đính luận năm 1724 và Sinh học năm 1724.

Đạo đức học (Vernünfftige Gedancken von der Menschen Thun und Lassen, zu Berförderung ihrer Glückseligkeit) gồm 4 phần: một phần lý thuyết xử lý nền tảng của triết học thực hành và 3 phần thực hành trình bày một học thuyết về các bổn phận mà con người có đối với bản thân họ, đối với Thượng đế, và đối với những người khác. Không ngạc nhiên gì, cứ cho rằng Wolff tin thế giới phản ánh sự hoàn hảo của Thượng đế, thì vấn đề tranh cãi trong Đạo đức học cũng là sự hoàn hảo chứ không phải, như với Thomasius, là hạnh phúc (điều này được dành cho Chính trị học của ông). Sự hoàn hảo luân lý là nguyên tắc chỉ đạo mà nhờ đó chúng ta phải lựa chọn giữa hai (hoặc hơn) hành động có thể có một cách ngang bằng. Tức là, khi đưa ra một lựa chọn tự do, chúng ta phải xem xét liệu hành động “sẽ thúc đẩy sự hoàn hảo của trạng thái bện trong hay bên ngoài chúng ta” (§2, 5) và điều đó nghĩa là phải xem xét liệu trạng thái của linh hồn và cơ thể hòa hợp với trang thái có trước hay mâu thuẫn với nó. Kết quả có sự hoàn hảo lớn hơn nhiều trong chừng mực nó đóng góp cho “trạng thái con người tự nhiên” liên tục “và sự bảo tồn hài hòa của nó qua thời gian” (§2, 5). Trạng thái con người tự nhiên mà Wolff hình dung là trạng thái của linh hồn trong những nỗ lực đa tạp của nó để tìm kiếm chân lý, và mọi sự vật phải được thực hiện để gia tăng cực độ trạng thái ấy (xem “German Metaphysics” §152, 79). Rất thường xảy ra rằng đây cũng là có nơi hạnh phúc, và như Wolff chỉ ra vào cuối cuốn Đạo đức học, phận sự của con người là phải đảm bảo không chỉ sự hoàn hảo/ hạnh phúc riêng của mình, mà phải “đóng góp càng nhiều càng tốt cho hạnh phúc của những người khác” (§767, 539).

Trong “German Politics” (Vernünfftige Gedancken von dem gesellschaftlichen Leben der Menschen und insonderheit dem gemeinen Wesen), ông tiến hành nghiên cứu những sự đa dạng của các xã hội con người và chỉ ra làm thế nào chúng phải được tạo ra để “thúc đẩy sự tiến bộ không bị ngăn cấm đối với cái tốt nhất thông thường” (§3, 3). Một xã hội phải hài hòa với các qui luật của tự nhiên, nếu không nó không thể được xem là một xã hội, và hài hòa với các qui luật của tự nhiên chắc chắn có nghĩa là sự hoàn hảo/ hạnh phúc.

Các tác phẩm tiếng Latinh của Wolff xuất hiện với sự đều đặn ngang nhau trong năm 1730, với “Latin Logic” (Philosophia rationalis sive logica) bắt đầu một chuỗi năm 1728. Bất chấp tính trọn vẹn hơn nhiều của chúng, hoặc có lẽ vì nó, chúng không được đọc rộng rãi trong nước Đức hoặc châu Âu như một tổng thể. Trái lại, các văn bản tiếng Đức được in lại nhiều lần (14 lần cho Lôgic học, 10 lần cho Siêu hình học), “Latin Logic” chỉ được in lại 3 lần, và một số văn bản tiếng Latinh khác có lẽ chỉ 2 lần. Vào thập niên 1730, các văn bản tiếng Đức đã tạo ra sự ảnh hưởng của Wolff và các văn bản Latinh hầu như ít làm gì để thay đổi điều đó. Vì vậy, chúng sẽ không được xem xét xa hơn trong bài viết này.

3. Ngữ cảnh, những sự ảnh hưởng và các môn đệ


Cả Thomasius và Wolff đều có các môn đệ. Trong trường hợp của Thomasius, điều này là trái với sự kiện rằng ông đã tuyên bố là không có ham muốn có các môn đệ hay lập một trường phái. Nhưng sau khi ông có ảnh hưởng lên những người cùng thời, hẳn sẽ ngạc nhiên gì nếu không có bất kỳ ai xem mình như đi theo những bước chân của ông, và quan trọng hơn, áp dụng sự nghiệp của ông (chống lại Wolff). Giữa những người cùng thời đã làm như vậy của Thomasius có Franz Budde (1667–1729), Joachim Lange (1670–1744), Andreas Rüdiger (1673–1731), and Adolf Friedrich Hoffmann (1707–1741). Christian August Crusius (?1715–1775), một môn đệ về sau (sinh viên của Hoffmann), đã xuất hiện trong triết học khi phái Wolff đã bắt đầu suy tàn rồi.

Các môn đệ của Wolff có lẽ đa dạng hơn những người đi theo và phản bác Thomasius. Thực tế, vào thập niên 1740, phái Wolff đã trở thành triết học dẫn đạo Đức và đã trải rộng đến các trường Đại học lớn ở Đức: đến Halle (với Wolff, A.G. Baumgarten, dù ông đã chuyển đến Frankfrut an der Oder), G. F. Meier, và J. A. Eberhard, người nổi tiếng đặc biệt vì vai trò mà ông đóng nơi thuyết phê phán của Kant sơ kỳ), đến Marburg nơi thực sự mỗi nhà hàn lâm đều là một nhà Wolff học, đến Giessen (với J. F. Müller, và Böhm), đến Tübingen (với Georg Bernhard Bilfinger, Israel Gottlob Ganz và Gottfried Plouquet), đến Leipzig (với Gottsched và Ludovici), đến Jena (với Johann Peter Reusch và Joachim George Darjes), và đến Königsberg (với Knutsen, thầy của Kant). Sự chấp nhận triết học Wolff thú vị không chỉ trong quan niệm về sự chấp nhận rộng rãi của nó, mà còn trong ánh sáng của các cuộc tranh cãi mà nó tạo ra và những phát triển xa hơn mà nó khơi ra. Cuộc tranh luận chính yếu giữa các cuộc tranh cãi là 1) sự công kích của những nhà Pietism (Budde và Lange) dẫn đến việc Wolff bị bãi chức ở Halle và 2) sự công kích của các nhà Thomasius (Hoffmann và Crusius). Những phát triển xa hơn của triết học Wolff có thể được thấy đặc biệt trong lĩnh vực Mỹ học với Gottsched và Baumgarten.

3.1 Thuyết Pietism

Sự phát triển của tư tưởng Khai minh sơ kỳ và thậm chí trung kỳ thế kỷ 18 ở Đức tiến hành tay trong tay với khuynh hướng tôn giáo (tin lành) tương đối mới lúc ấy: thuyết Pietism. Giống như sự bất đồng giữa những người đại diện cho Khai minh sơ kỳ với uy quyền và, ít nhất là trong những năm đầu, đời sống trí tuệ, những người đại diện cho thuyết Pietism tranh cãi với tính chính thống (tôn giáo) và thuyết duy trí của nó. Hơn nữa, thay vì tán thành sự phục tùng và tính tuân giáo đối với tổ chức, phong trào pietism nhấn mạnh phương diện chủ quan của đức tin: kinh nghiệm, tình cảm của một người, và trên hết, sự tham gia cá nhân của người ấy vào những vấn đề và những sự thực hiện tôn giáo. Sự nhấn mạnh lên tính chủ quan và cá nhân, và lên sự tham gia thực tế của con người trong tôn giáo đã biến thuyết Pietism thành một bạn đồng hành lý tưởng cho tư tưởng Khai minh sơ kỳ. Vấn đề tranh cãi ở đây không phải là năng lực học thuật, cũng không phải phương diện nhận thức của tôn giáo, mà là phương diện tác động của nó với sự nhấn mạnh lên lòng mộ đạo và sự phụng sự thực hành, giống như cái đang tranh cãi trong Khai minh sơ kỳ không phải là phương diện trí tuệ của lý tính, mà là sự thực hiện và phục vụ thực tế của nó. Và cả hai phong trào này được đặc trưng bằng một sự cam kết với chủ nghĩa bình quân [egalitarianism].

Điều này không có nghĩa là sự phát triển song song đã luôn hoặc thậm chí nhất thiết hài hòa. Ở Halle , đại diện chính của thuyết Pietism là August Hermann Francke (1663–1722), người mà Thomasius đã mang theo đến đó. Nhưng Thomasius và Francke không đồng ý với nhau trên mọi vấn đề. Trong khi Thomasius tán thành thuyết chủ động [activism] thực hành của Francke (ông là người thành lập trại mồ côi Halle), ông chia tay với Francke vào năm 1699, sau khi phê phán những chính sách gío dục của Francke đối với việc tạo ra “những con người không được giáo dục, u sầu, hoang tưởng, cứng đầu, ngoan cố và đầy thù hận” (trích trong Beck, 253). Người ta không rõ là Thomasius đã có, nếu có, những lý do triết học nào để quay qua chống lại Francke. Tuy nhiên, các chi tiết của sự bất đồng là không quan trọng đối với sự phát triển tư tưởng Khai minh thế kỷ 18.

3.2 Những nhà Thomasius

Budde và Lange, cả hai đều là giáo sư Thần học chính yếu ở Jena (Budde) và Halle (Lange), đã phát triển tư tưởng của Thomasius theo một đường hướng thần học (của thuyết Pietism). Tức là, cả hai, trong đó Lange nhiều hơn Budde, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự cứu rỗi trên một mức độ lớn hơn nhiều so với Thomasius, như họ đã tuyên bố rằng nguồn suối của cái Ác là ý chí và nguyên nhân gốc rễ của cái Ác là tội nguyên thủy. Dù ta có thể thấy rằng Thomasius cũng tin vào những quan niệm ấy, đặc biệt trong suốt thời gian ông hoàn thành tác phẩm Application of Moral Theory của mình, [nhưng] sự khác biệt giữa hai người kia với Thomasius là ở sự nhấn mạnh mà họ đặt lên những quan niệm ấy. Ngoài ra, trong tác phẩm chính của mình, cuốn Medicina Mentis, Lange dành một sự quan tâm lớn để chỉ ra làm thế nào có thể chữa lành ý chí và tinh thần xấu hoặc suy đồi.

Điều thú vị là có những sự khác nhau không chỉ từ kích thước thần học của tư tưởng của Thomasius, mà còn trên phương diện triết học. Ở đây, đặc biệt cần ghi chú là trong những bản văn triết học của mình, Budde đã tìm kiếm một tổng thể có hệ thống và không bằng lòng đi theo phong cách tinh tuyển nhiều hơn của Thomasius. Dù ông tuyên bố là một nhà tinh tuyển, ông nghĩ điều này có nghĩa là ông không thể đưa ra một cái Tổng thể thống nhất. Cái tổng thể này được đưa ra qua 3 cuốn sách của ông về triết học. Triết học lý thuyết có thể được nhận thấy trong cuốn Institutiones Philosophiae Eclecticae xuất bản thành hai phần ở Halle năm 1703. Hai phần này là “Elementa philosophiae theoreticae,” hầu như làm một Siêu hình học, và “Elementa philosophiae instrumentalis,” tức Lôgic học của Budde. Cùng với tác phẩm sớm hơn về triết học thực hành, cuốn Elementae Philosophiae Practicae, được xuất bản nguyên bản năm 1697 nhưng đã được duyệt lại quan trọng cho ấn bản năm 1703, những bản văn này tạo nên hệ thống triết học của Budde.
Rüdiger, Hoffmann, và Crusius được liên kết thông qua những mối quan hệ thầy trò, Rüdiger dạy Hoffmann, rồi Hoffmann lại dạy cho Crusius. Xem phần các Tranh cãi bên dưới về vai trò mà họ, đặc biệt là Crusius, đã đóng trong sự bất đồng của Thomasius với Wolff.

3.3 Các nhà Wolff

Thuyết Duy lý Khai minh của Wolff đã tạo ra một tác động quyết định lên quang cảnh triết học ở Đức trong thập niên 1720. Qua những năm giữa thế kỷ 18, và chống lại những phản bác từ cả những nhà Thomasius và thuyết Pietism, phái Wolff đã nắm quyền thống trị, ít nhất là trong một thời gian. Chắc chắn, những sự kiện dẫn đến sự trục xuất Wolff khỏi Halle đã đóng góp cho sự tai tiếng và danh tiếng của ông. Các triết gia đi theo sự nghiệp của ông trên thực thế trong mọi đại học ở miền Đông và miền Bắc nước Đức, đôi khi phát triển hệ thống triết học của ông theo nhiều hướng khác nhau. Trong những người đại diện chính cho phái Wolff có J. C. Gottsched (1700–1766) ở Leipzig, Alexander Gottlieb Baumgarten (1714–62) và H. F. Meier, những người đóng ai trò chính yếu trong việc tạo nên Mỹ học, ở Frankfurt am Main, và ở Königsberg có người thầy của Kant là Martin Knutsen (1713–51). Phái Wolff còn đóng một vai trò trung tâm trong những phê phán sơ kỳ của triết học phê phán của Kant. Ở đó, nó được đại diện chủ yếu bởi Eberhard, Maaß, và Schwab, và trong tạp chí phê bình lớn thời ấy, tạp chí Allgemeine deutsche Bibliothek của Nicolai' (Xem Allison, The Kant-Eberhard Controversy). Không nghi ngờ gì là phái Wolff đã ngự trị các trường đại học Đức trong suốt thập niên 1720 đến 1740, dù nó nhanh chóng phân rã trong chừng mực nào đó sau khi Wolff mất năm 1754 với, giữa những sự phát triển khác, sự phát triển về Mỹ học.

3.4 Các tranh cãi

Căn cứ vào hai lối tiếp cận khác nhau tận căn trong việc đưa ra sự kêu gọi Khai minh đối với sự sử dụng lý tính một cách độc lập mà chúng ta nhận thấy ở thế kỷ 18, thì không ngạc nhiên gì là thời đại ấy phải có phần của mình trong các cuộc tranh cãi. Điều này đặc biệt thấy rõ trong những sự bất đồng quanh Wolff và phái Wolff. Như đã chỉ ra ở trên là hai sự công kích quan trọng đã nổi lên là 1) sự công kích dẫn đến việc Wolff bị trục xuất khỏi Halle và 2) sự công kích được đưa ra bởi Hoffmann và Crusius.

Sự công kích thứ 1 được đưa ra bởi các môn đệ theo thuyết Pietism của Thomasius. Họ, nhất là Budde và Lange, tập trung sự đối lập của họ với thuyết Wolff quanh thuyết Định mệnh và thuyết Spinoza mà họ cho là hệ thống của Wolff đã chứa đựng. Ngoài ra, sự phụ thuộc của Wolff vào phương pháp toán học và sự phụ thuộc của ý chí thần thánh vào tính tất yếu cũng bị đặt thành vấn đề. Tương tự, học thuyết của Leibniz về sự hài hòa tiền định của linh hồn và thể xác mà các nhà phê bình đã gán cho Wolff cũng được cho là lập dị với khả thể của ý chí tự do, và với đó, là trách nhiệm đối với các hành động của ta. Nếu sự tương tác qua lại giữa linh hồn và thể xác phải được quyết định trước (pre-ordained) hay tiền định (pre-established), thì không thể nào có chuyện chúng ta có thể hành động cách nào khác hơn là việc ta bị qui định để hành động, và những khái niệm về trách nhiệm và tội sẽ chỉ là một điều hão huyền. Ở đây, cần thêm vào rằng sự phê phán về niềm tin vào một ý chí tự do đã được biện minh. Wolff đấu tranh với khả thể này cũng nhiều như Leibniz đã làm, và hoàn toàn không rõ là giả thử họ trung thành với sự hài hòa tiền định, thì liệu một người có thành công trong việc giải quyết câu hỏi hắc búa trên cấp độ hữu thể học không.

Có một cước chú thú vị cho những cuộc tranh cãi này là trong khi bản thân Thomasius không tham dự vào các cuộc tranh cãi ấy, thi Wolff lại tham dự. Năm 1724, ông xuất bản một sự hồi đáp chi tiết cho sự phê phán của Budde và Lange về Siêu hình học Đức (Kleine Kontroversschriften mit Joachim Lange und Johann Franz Budde) và ông cũng tiếp tục các quan tâm của họ trong cuốn Anmerkungen cho Siêu hình học Đức.

Sự công kích thứ hai được đưa ra bởi các nhà Thomasius không dựa trên nền tảng thuyết Pietism của họ là: Andreas Rüdiger (1673–1731), Adolf Friedrich Hoffmann (1707–1741), và Christian August Crusius (?1715–1775). Rüdiger và Hoffmann công kích Wolff về một số các vấn đề (chẳng hạn như mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác mà họ xem như tạo nên một sự thống nhất [nhất thể], chứ không phải hai bản thể riêng biệt, sự phân biệt giữa phương pháp toán học và phương pháp triết học, và vấn đề về vai trò của ý chí trong Đạo đức học). Ít nhất, một số vấn đề tranh cãi đã được Crusius tiếp tục, ông cũng là nhà Thomasius cuối cùng chống đối Wolff.

Crusius làm triết học ở Leipzig vào thập niên 1740 trước khi đảm nhiệm chức giáo sư Thần học năm 1751. Giống như những nhà Thomasius trước đây, ông tra vấn việc Wolff xem ý chí phụ thuộc vào lý tính, khi lập luận cho sự tự do của cái trước chống lại cái mà ông xem là thuyết Định mệnh của Wolff, dù ông sẵn lòng thừa nhận rằng ý chí cần phải có giác tính. Có lẽ phương diện ý nghĩa nhất trong tư tưởng của Crusius là sự dị biệt hóa của ông giữa phương pháp triết học và phương pháp toán học. Trái với việc toán học được cho là được đặt nền tảng trên nguyên tắc mâu thuẫn, thì điều này không đúng với triết học. Triết học phải làm việc với những đối tượng có thực, với Tự nhiên, các cấu trúc và các lực của nó, chứ không phải với những khái niệm trừu tượng và giả tạo của Toán học. Cùng lúc, ông cũng cho rằng Toán học có một vai trò trong sự phân tích về Tự nhiên – nó có thể mang lại những khái niệm về các vật thể và những mối quan hệ của chúng. Dĩ nhiên, như những người đương thời của ông đã chỉ ra, một người sẽ băn khoăn không biết tại sao Toán học lại có một vai trò trong sự nghiên cứu về thế giới “hiện thực” nếu bản chất của sự trừu tượng hóa của nó làm cho nó khác biệt với thế giới hiện thực (cụ thể). Crusius không có câu trả lời cho những câu hỏi ấy, nhưng đây là một chủ đề mà Kant phải đảm nhiệm trong dự án tiền-phê phán của ông.

4. Vượt khỏi Wolff

Với sự suy tàn của phái Wolff sau năm 1754, triết học Đức đã nhàn rỗi trong một thời gian. Sự suy tàn ấy bị thúc đẩy không những bởi những phê phán mà các nhà Thomasius đưa ra, mà còn bởi những sự phát triển bên trong của phái Wolff được nhiều môn đệ của Wolff đề xuất. Chẳng hạn, Hermann Samuel Reimarus (1694–1768) đã phát triển một phê phán duy lý về sự thiên khải, khi lập luận ủng hộ cho việc tôn giáo cá nhân thuần lý phải được đặt cơ sở trên lý tính (Apologie oder Schützschrift für die vernünftigen Verehrer Gottes, được xuất bản ẩn danh). Những người khác bắt đầu mở rộng thuyết Wolff thành nhiều lĩnh vực mà bản thân Wolff chưa xem xét đến, qua đó đóng góp cho sự phát triển quan trọng. Ở đây, lĩnh vực Mỹ học là nổi rõ nhất. Ngoài ra, vào giữa thế kỷ 18, triết học Pháp và Scottland thuộc Anh (đặc biệt) (Inquiry của Hume, Essay của Locke, cùng với những văn bản khác của Hume, Reid, Hutcheson, Beattie, Condillac) đã bắt đầu có các bản dịch, vì thế đưa ra một sự lựa chọn thay thế rõ ràng cho thuyết Duy lý của phái Wolff. Những bản văn này cực kỳ có ảnh hưởng. Hãy nhớ lại tuyên bố của Kant rằng hồi ức của ông về David Hume đã đánh thức ông khỏi giấc ngủ giáo điều (Prolegomena, Ak. IV, 260). Các nhà Duy nghiệm, chẳng hạn như Feder và Garve cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự Phê phán sơ kỳ của Kant (xem Sassen, Kant's Early Critics). Nhìn chung, triết học Đức thế kỷ 18 sau năm 1750 và trước năm 1781 [năm Kant ra mắt cuốn Phê phán Lý tính thuần túy – Nd] là một thời kỳ không có trường phái nào ngự trị, nhưng thuộc về những cá nhân có liên kết lỏng lẻo với một số khuynh hướng khác nhau. Trong các cá nhân không thể được quy vào bất kỳ nơi nào có Johann Heinrich Lambert, Moses Mendelssohn và Johann Nikolaus Tetens. Không phải là nhà Thomasius và cũng không là nhà Wolff, họ phải được xem như nằm trong quan hệ với triết học tiền- phê phán và triết học phê phán của Kant, không phải từ điểm nhìn của triết học Đức trước Kant.

4.1 Mỹ học

Dù Wolff đã tìm cách tích hợp trên thực tế mọi phương diện của triết học vào hệ thống của ông, ông không có gì để nói về triết học về nghệ thuật. Theo cách nào đó, điều này không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta xem xét rằng trong nước Đức của Khai minh sơ kỳ, các nghệ thuật, nhất là thơ ca và văn học, hầu như là không hiện hữu. Những nhà văn vĩ đại Đức thậm chí còn chưa sinh ra khi Wolff viết các bản văn tiếng Đức của ông (Lessing sinh năm 1729, Herder năm 1744, Goethe năm 1749). Người đầu tiên phát triển một lý thuyết về các nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca, là Johann Christoph Gottsched (1700–1766), người đã xuất bản ‘Critical Poetry’ của ông (Versuch einer critischen Dichtkunst vor die Deutschen) năm 1730. Sau khi luận giải thơ ca một cách khoa học, ông tạo ra một nhóm các qui tắc nhằm hướng dẫn sáng tác. Căn cứ theo quan niệm của ông về cái gì là một bài thơ (một truyện luân lý), và cũng dựa theo ý niệm của ông về cái gì được chứa đựng trong sự sáng tác nó (một nhóm các qui tắc), ở đây có rất ít chỗ trống cho cái Đẹp và càng ít hơn nữa đối với tình cảm và cảm hứng [sáng tác]. Nhưng tình cảm và cảm hứng chính là đường hướng mà trong đó thơ ca sẽ đang đi vào giữa thế kỷ. Triết học phái Wolff của Gottsched về thơ ca, vì vậy, nhanh chóng bị chiếm chỗ bằng cuốn Critische Abhandlung (1740) của Johann Jakob Breitinger, một cuốn sách nhấn mạnh kinh nghiệm hậu nghiệm của thơ ca, chứ không phải sự sáng tác theo qui tắc của nó.

Một sự tổng hợp có vẻ như theo phái Wolff về hai lối tiếp cận ấy được Alexander Gottlieb Baumgarten (1714–1762), có lẽ là môn đệ nổi tiếng nhất của Wolff, đưa ra. Baumgarten đưa ra hai bản văn lớn, Siêu hình học của ông năm 1739 (Metaphysica) mà Kant đã dùng như một sách giáo khoa, và Mỹ học của ông (Aesthetica) năm 1750 và 1758. Việc ông tạo ra thuật ngữ “aesthetics” [Mỹ học] để chỉ triết học về nghệ thuật, đặc biệt là về thơ ca, hẳn khó được cho là quan trong nếu ông không làm việc gì khác nữa. Tuy nhiên, trong khi phát triển “lĩnh vực” Mỹ học, ông cũng đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu về các giác quan. Trái với việc Wolff quan niệm các giác quan chỉ đơn thuần như mang lại chất liệu thô cho tiến trình xử lý, một công việc được Giác tính thực hiện và bị chi phối bởi các qui tắc lôgic, Baumgarten nghĩ rằng các giác quan có các qui tắc riêng của nó và có sự hoàn hảo riêng của nó, các qui tắc và sự hoàn hảo khác với các qui tắc lôgic và nhận thức phát sinh bởi tiến trình lôgic. Các qui tắc của cảm giác được nghiên cứu bởi khoa học về tri giác, mà Baumgarten gọi là Mỹ học. Nhưng Mỹ học còn là ngành nghiên cứu về thơ ca. Trong Reflections on Poetry [Những nhận định về Thơ ca], ông xác lập khái niệm về tính rõ ràng thẩm mỹ. Dù những biểu tượng thơ ca là những biểu tượng không phân minh (§14, 42), chúng có tính rõ ràng cảm tính. Baumgarten nhận diện tính rõ ràng ấy như tính rõ ràng về quảng tính để dị biệt hóa nó với tính rõ ràng về cường độ của Lôgic học (§17, 43). Khi kêu gọi đến các giác quan, biểu tượng thơ ca có thể có tính khai minh nhiều hơn các biểu tượng được tạo ra bằng tiến trình và suy luận lôgic học. Hơn nữa, khi kêu gọi đến những xúc động, những biểu tượng ấy được nối kết với sự vui sướng. Người ta chỉ có thể thấy ảnh hưởng mà Baumgarten dường như đã tác động lên triết học phê phán của Kant – sự xác minh của các giác quan xuất hiện lại theo một cách thức Kant cố hữu trong cả Cảm năng học siêu nghiệm của của cuốn Critique of Pure Reason [Phê phán lý tính thuần túy] và cuốn Critique of Judgment [Phê phán năng lực phán đoán].

Hoàng Phú Phương dịch

Nguồn: plato.stanford.edu
 
H

HuyNam

Guest
CƠ SỞ XÃ HỘI ĐỨC CUỐI THẾ KỶ XVIII PHẢN ÁNH TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC KANT

Xã hội Đức cuối thế kỷ XVIII còn là một nước lạc hậu so với các nước Tây Âu chung quanh. Tập đoàn phong kiến Đức đang thống trị vững mạnh. Giai cấp tư sản Đức còn yếu đuối, nhỏ mọn, chưa có điều kiện lên nắm chính quyền. Giai cấp tư sản chưa đòi thực hiện nhân sinh quan của nó trong thực tế khách quan, trong xã hội thực tại; mà trong thực tế khách quan là thực tế xã hội phong kiến Đức, tư sản không thể tìm tiêu chuẩn để hoạt động được.

Trong khi đó, ảnh hưởng cách mạng tư sản các nước xung quanh, nhất là cách mạng tư sản Pháp, đã vang dội mạnh vào tư tưởng của giai cấp tư sản Đức; giai cấp tư sản Đức cũng đặt vấn đề cách mạng, nhưng trong tư tưởng thôi, chứ không phải là trong thực tế.

Lý tưởng đó thực hiện như thế nào, cái gì bảo đảm cho lý tưởng đó có thể thực hiện được? Kant chỉ nêu ra nhận xét là có lý tưởng đã thực hiện được, như có tác phẩm mỹ thuật hay trước tác tự nhiên có giá trị, thành công, thì sao trong thực tế xã hội lại không thực hiện được. Chẳng qua những tác phẩm mỹ thuật thống nhất được lý tính và cảm giác, lý tưởng và thực tế chỉ là một sự gặp gỡ ngẫu nhiên, không có một nguyên lý gì làm cơ sở cho sự thành công chắc chắn cả. Kant còn cho nó nguồn gốc của sự điều hòa đó là Thượng đế.

Sau khi đã phê phán mọi mặt hoạt động chủ quan của người ta, sau khi đã chứng minh không thể để hoạt động của người ta ngoài thực tế (phủ định huyền học), thì Kant lại trở lại tôn giáo, không có cách gì thực hiện khác. Sự bất lực trong tư tưởng của Kant phản ánh sự bất lực của giai cấp tư sản Đức nằm trong một hệ thống Châu Âu đã tiến bộ nhiều, đã hoặc đang làm cách mạng tư sản. Tính chất bất lực ấy phản ánh trong quan niệm bị động về nhận xét thẩm mỹ, cho nó là sự gặp gỡ giữa lý tính và cảm giác, có mục đích mà không tiến tới mục đích.

III - ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC KANT

Giai cấp tư sản Âu Tây sau khi làm cách mạng thành công, sau khi đã nắm chính quyền thì nó hết vai trò của nó. Lực lượng kinh tế của nó đã được thỏa mãn, đồng thời nó đang phải e sợ, chống đối với một lực lượng xã hội mới đang lên là giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản trở thành lạc hậu, phản động. Những mục đích cao xa mà nó đề ra khi đứng lên làm cách mạng như công lý, bình đẳng, bác ái... chỉ còn là lý tính, lý tưởng, không phải là cái để thực hiện nữa. Những mục đích đó chỉ còn được nhớ lại như một lý tưởng, một lý tưởng cần thực hiện và là một lý tưởng có thể thực hiện được.

Tư tưởng triết học Kant ở cuối thế kỷ XVIII đã phù hợp với tư tưởng giai cấp tư sản Âu Tây của thế kỷ XIX và sang thế kỷ XX này. Triết học Kant thành tư tưởng thống trị, mang dạy trong các trường học ở Âu châu, đến nỗi sách giáo khoa tư sản Âu Tây phân hai giai đoạn tư tưởng nhân loại về cổ điển và cận đại, lấy Kant làm mốc.

Ba cuốn phê phán của Kant tương đương với 3 phần trong Triết học: triết học lý thuyết, triết học thực tiễn, triết học thẩm mỹ; nó nghiên cứu ba vấn đề căn bản: giá trị của Chân lý, Luân lý, Mỹ cảm.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top