Triết học cổ đại Hy Lạp

Bút Nghiên

ButNghien.com
Triết học cổ đại Hy Lạp

Khái lược những nét cơ bản về triết học Hy Lạp cổ đại

Hy Lạp cổ đại là một lãnh thổ rộng lớn bao gồm khu vực miền Nam bán đảo Ban-căng (thuộc Châu Âu), nhiều hòn đảo nằm trên biển Êgiê và cả một vùng rộng lớn ở ven biển bán đảo Tiểu á. Yếu tố địa lý tự nhiên này đã tạo điều kiện cơ bản để nền nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp Hy Lạp cổ đại phát triển từ rất sớm. Quá trình lịch sử lâu dài với không ít những thăng trầm của vùng đất Hy Lạp cổ đại gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và tư tưởng triết học của nó trong đó sự phân chia xã hội thành giai cấp , sự phân công lao động xã hội thành lao động trí óc và lao động chân tay đã dẫn tới sự hình thành một đội ngũ các nhà trí thức chuyên nghiệp chuyên nghiên cứu về khoa học, triết học. Sự xuất hiện của những trí thức khoa học và triết học trong thời kỳ này đã tạo nên một bước ngoặt lớn về nhận thức của con người, phá vỡ ý thức hệ thần thoại và tôn giáo nguyên thuỷ. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nền sản xuất, những tri thức về khoa học tự nhiên phát triển mạnh, được trình bày trong hệ thống triết học - tự nhiên của các nhà triết học cổ đại, bên cạnh đó, khoa học thời bấy giờ chưa phân ngành nên các nhà triết học đồng thời cũng là các nhà Toán học, nhà Vật lý học... Từ các yếu tố đó có thể khẳng định rằng, triết học Hy Lạp cổ đại ngay từ khi ra đời đã có sự gắn bó với nhu cầu thực tiễn và gắn với khoa học.
Triết học Hy Lạp cổ đại xuất hiện vào lúc xã hội này đã phát triển lên chế độ chiếm hữu nô lệ với hai giai cấp chủ yếu là chủ nô và nô lệ nên nó là hệ tư tưởng, là thế giới quan của giai cấp chủ nô thống trị, đồng thời nó còn là công cụ bảo vệ, duy trì địa vị, quyền lợi của giai cấp chủ nô, là công cụ nô dịch, đàn áp các giai cấp khác về mặt tư tưởng. Bên cạnh tính giai cấp rõ rệt đó, triết học Hy Lạp cổ đại coi trọng, đề cao vai trò của con người, coi con người là tinh hoa của tạo hoá. Do là một trong những nền triết học mở đường trong lịch sử triết học nhân loại hơn nữa các quan niệm triết học được rút ra trên cơ sở suy luận, suy đoán từ sự quan sát trực tiếp các sự kiện xảy ra trong tự nhiên, trong xã hội nên triết học Hy Lạp cổ đại mang nặng tính sơ khai, chất phác, ngây thơ. Tuy nhiên, từ trong sự khởi đầu đó, các nhà triết học sau này đã nhìn thấy ở triết học Hy Lạp cổ đại mầm mống của tất cả các kiểu thế giới quan sau này và xem nó là một đỉnh cao của triết học nhân loại. Tuỳ thuộc vào từng thời kỳ lịch sử, tuỳ từng không gian địa lý cụ thể mà triết học Hy Lạp cổ đại chia thành các trường phái và các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong nội dung của bài tiểu luận này, chúng ta chỉ xem xét những thành tựu của nền triết học này thông qua sự đóng góp của 4 triết gia tiêu biểu: Hêraclit, Đêmôcrit, Platon và Arixtôt.

I - Hêraclit:

Hêraclit sinh ra ở Ephedơ - một trung tâm kinh tế, văn hoá nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Ông là người say mê nghiên cứu khoa học nhưng lại là người coi phương châm nghiên cứu của mình không dừng lại ở sự thông thái, hiểu biết nhiều mà quan trọng là phải biết được cái logos (bản chất, quy luật) của sự vật. Theo đánh giá của các nhà kinh điển macxit, ông là người xây dựng nên phép biện chứng trên lập trường duy vật, sáng lập ra phép biện chứng.

Hêraclit đã đứng trên lập trường duy vật cổ đại để giải quyết vấn đề “cơ sở đầu tiên” của thế giới từ một dạng vật chất cụ thể. Ông cho rằng lửa chính là bản nguyên của thế giới, là cơ sở duy nhất và phổ biến của tất cả mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên. Ông phát biểu rằng: “Tất cả đều trao đổi với lửa và lửa trao đổi với tất cả như vàng thành hàng hoá và hàng hoá thành vàng”. Theo ông, mọi sự vật vật chất đều phát sinh từ lửa. Dưới tác động của dạng lửa, đất trở thành nước và nước trở thành không khí... và ngược lại, tuỳ theo độ lửa mà mọi vật có thể chuyển hoá từ trạng thái này sang trạng thái khác theo hai hướng: lửa - đất - nước - không khí (là con đường đi lên) hoặc chuyển hoá đi xuống theo hướng ngược lại. Heraclit cho rằng vũ trị không phải do một lực lượng siêu nhiên, thần bí nào sáng tạo ra mà nó “mãi mãi đã, đang và sẽ là ngọn lửa vĩnh viễn đang không ngừng bừng cháy và tàn lụi”. Trong quan niệm của ông, lửa không phải theo nghĩa thông thường mà là lửa vũ trị, sản sinh ra các sự vật vật chất, hiện tượng tinh thần, kể cả linh hồn con người.

Tuy chưa được trình bày dưới dạng một hệ thống các luận điểm như sau này nhưng phép biện chứng của Hêraclit đã đề cập tới hầu hết những luận điểm cốt lõi của phép biện chứng dưới dạng các câu danh ngôn mang tính thi ca và triết lý. Thứ nhất, ông quan niệm về vận động vĩnh viễn của vật chất. Theo Hêraclit không có sự vật, hiện tượng nào của thế giới đứng im tuyệt đối mà trái lại, tất cả đều ở trong trạng thái biến đổi và chuyển hoá thành cái khác và ngược lại. Ông nói: “Nước sinh ra từ cái chết của đất, không khí sinh ra từ cái chết của nước, lửa sinh ra từ cái chết của không khí” và ngược lại; “chúng ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông vì nước mới không ngừng chảy trên sông”; “ngay cả mặt trời cũng mỗi ngày một mới”. Theo quan điểm về vận động của ông, lửa chính là gốc của mọi sự thay đổi. Tất cả các dạng khác nhau của vật chất chỉ là trạng thái chuyển hoá của lửa mà thôi. Ông đã nêu lên khá rõ nét về tính thống nhất của vũ trụ: Vũ trụ là một ngọn lửa duy nhất.

Thứ hai, Hêraclit đã nêu lên tư tưởng về sự tồn tại phổ biến của các mâu thuẫn trong mọi sự vật hiện tượng. Điều đó thể hiện trong những phỏng đoán của ông về vai trò của những mặt đối lập trong sự biến đổi phổ biến của tự nhiên, về “sự trao đổi của những mặt đối lập”, về sự tồn tại và thống nhất của các mặt đối lập. Ông nói: “Cùng một cái ở trong chúng ta: sống và chết, thức và ngủ, trẻ và già, vì rằng cái này biến đổi thì thành cái kia và ngược lại”, “từ mọi vật sinh ra duy nhất, từ duy nhất sinh ra mọi vật”, “mọi vật sinh ra qua đấu tranh”, “bệnh tật làm cho sức khoẻ quý hơn, cái ác làm cho cái thiện cao quý hơn”. Như vậy, Hêraclit đã có phỏng đoán về sự phân đôi của một cái thống nhất thành những mặt đối lập, bài trừ nhau nhưng gắn liền với nhau về sự đấu tranh và thống nhất của những mặt đối lập ấy. ở thời cổ đại, xét trong nhiều hệ thống triết học khác, không có tư tưởng biện chứng sâu sắc như vậy. Đương thời, nhiều người gọi triết học của ông là “tối nghĩa” nhưng chính những tư tưởng sơ khai của ông đã được các nhà biện chứng cổ điển Đức kế thừa và các nhà sáng lập triết học macxit đánh giá cao.

Thứ ba, Hêraclit cho rằng sự vận động, phát triển không ngừng của thế giới do quy luật khách quan (logos) quy định. Logos khách quan là trật tự khách quan của mọi cái đang diễn ra trong vũ trụ. Logos chủ quan là từ ngữ, học thuyết, lời nói và suy nghĩ của mọi người. Logos chủ quan phải phù hợp với logos khách quan nhưng nó biểu hiện ở từng người có khác nhau. Người nào càng tiến gần tới logos khách quan bao nhiêu thì càng thông thái bấy nhiêu.
Những đóng góp của Hêraclit thể hiện trong quan niệm của ông về bản nguyên của thế giới, việc ông xây dựng phép biện chứng và thiết lập lý luận nhận thức. Lý luận nhận thức của ông mang tính chất duy vật và biện chứng sơ khai nhưng về bản chất là đúng đắn. Hêraclit cho rằng nhận thức bắt đầu từ cảm giác, không có cảm giác thì không có bất cứ nhận thức nào. Ông nói: “Mắt, tai là người thầy tốt nhất nhưng mắt là nhân chứng chính xác hơn tai”. Tuy coi trọng nhận thức cảm tính nhưng ông không tuyệt đối hoá giai đoạn này vì “thị giác thường bị lừa bởi tự nhiên thích giấu mình”. Nhiệm vụ của nhận thức là phải đạt tới sự nhận thức “logos” của sự vật, tức là phải nhận thức được bản chất quy luật của sự vật. Ngoài ra ông còn nêu lên tính chất tương đối của nhận thức, tuỳ điều kiện cụ thể mà thiện - ác, tốt - xấu, lợi - hại chuyển hoá cho nhau. Ông cho rằng, linh hồn là vật chất, là một trạng thái quá độ của lửa. Quan niệm này sai lầm nhưng giá trị triết học của nó nằm ở chỗ: Ông tìm bản chất của tinh thần không phải là ở ngoài vật chất mà là ở chính thế giới vật chất, giá trị ấy có tính chất định hướng cho sự tìm tòi bản chất đích thực của đời sống tinh thần.

Hêraclit đã đưa triết học Hy Lạp cổ đại nói chung và triết học duy vật cổ đại nói riêng tiến lên một bước mới với những quan điểm duy vật và những yếu tố biện chứng. Học thuyết của ông được nhiều nhà triết học sau này kế thừa. Mác và Ăng ghen coi ông là đại biểu xuất sắc của phép biện chứng Hy Lạp cổ đại, đồng thời hai ông cũng vạch rõ những hạn chế, sai lầm của Hêraclit về mặt chính trị trong quan niệm phản dân chủ, thù địch với nhân dân do ông chủ trương.

II - Đêmôcrit

Đêmôcrit là đại biểu xuất sắc nhất của nền triết học Hy Lạp cổ đại. Ông là học trò của Lơxíp và là người kế tục tư tưởng của Lơxip về nguyên tử và phát triển nó thành một học thuyết gắn liền với tư tưởng của ông. Học thuyết nguyên tử là học thuyết phản ánh rõ nhất, tập trung nhất lập trường duy vật trong hệ thống triết học của ông. Khi giải thích nguồn gốc của thế giới và vạn vật, ông không xuất phát từ một hay nhiều dạng vật chất cụ thể, hữu hình như các nhà triết học duy vật trước đó (Talet, Pitago...) mà ông cho rằng bất kỳ sự vật nào cũng được tạo thành từ nguyên tử và chân không (khoảng không, không khí). Nguyên tử và chân không giống nhau ở chỗ chúng đều là những yếu tố tạo nên vạn vật và tồn tại vĩnh cửu nhưng chúng khác nhau ở chỗ: nếu nguyên tử phân biệt, khu biệt nhau ra bằng hình dạng nhất định, là một khối đậm đặc hoàn toàn thì chân không là trống rỗng hoàn toàn và là môi trường, là điều kiện để các nguyên tử hoạt độn, va chạm không ngừng trong đó.

Học thuyết nguyên tử của Đêmôcrit khẳng định nguyên tử là căn nguyên, là cơ sở, nguồn gốc đầu tiên của thế giới vạn vật, cả linh hồn cũng nguyên tử tạo ra. Ông cho rằng: Vật được sinh ra và tồn tại là do các nguyên tử liên kết tạo thành, khi các nguyên tử phá vỡ liên kết thì vật mất đi, chuyển hoá thành sự vật khác. Theo ông, nguyên tử là phần tử nhỏ bé không thể phân chia được nữa, mắt thường không nhìn thấy được; nguyên tử tồn tại vĩnh viễn, không biến đổi thành cái khác. Nguyên tử vận động không ngừng trong không gian và trong quá trình đó chúng va chạm vào nhau, kết hợp với nhau sinh ra sự vật. Nguyên tử không màu, không mùi, không vị, nó tồn tại vĩnh viễn, chỉ có sự vật do nó tạo ra mới biến đổi, chuyển hoá. Khi giải thích tính đa dạng phong phú của thế giới, ông cho rằng đó là do các sự vật có sự kết hợp từ các loại nguyên tử khác nhau, số lượng các nguyên tử khác nhau và vị trí sắp xếp các nguyên tử khác nhau. Ông đã vận dụng những tư tưởng trên giải thích sự hình thành của vũ trụ: Các nguyên tử tồn tại khắp không gian nhưng mật độ phân bố không đề, ở chỗ có mật độ cao các nguyên tử luôn vận động tạo thành các cơn xoáy và dưới tác động của cơn xoáy, các nguyên tử to, xấu dồn vào trung tâm tạo thành Trái đất, các nguyên tử nhẹ bắn ra xa kết hợp với nhau thành các hành tinh, vì sao... Những nguyên tử nhẹ hơn nữa bị bắn ra xa hơn và tạo nên bầu trời, ta thấy bầu trời hình cong là do nó tạo nên từ các nguyên tử hình cong.

Bên cạnh học thuyết nguyên tử, Đêmôcrit còn xây dựng nhận thức luận của riêng mình. Ông cho rằng đối tượng của nhận thức là thế giới vật chất ở bên ngoài con người, sự nhận thức là sự phản ánh của con người về thế giới ấy. Theo ông quá trình nhận thức chia ra hai giai đoạn: nhận thức cảm tính và nhận thức trí tuệ. Nhận thức cảm tính là hiểu biết của con người về đối tượng thông qua tác động trực tiếp của đối tượng ấy vào các giác quan của con người vì thế có sự nhận thức khác nhau giữa các cá nhân. Tri thức thu nhận được là tri thức riêng lẻ, bộ phận. Ông đưa ra ba thuật ngữ “mờ tối”, “dữ kiện”, “dư luận” và coi tri thức “mờ tối” là sự hiểu biết về tri thức chưa chính xác, chưa đầy đủ đúng đắn, chưa cho ta biết về bản chất của sự việc, tri thức “dữ kiện” là sự hiểu biết về từng mặt, từng bộ phận của đối tượng nên chưa có tính khái quát, tính hệ thống, chỉ đem lại cho con người dữ kiện về đối tượng; tri thức “dư luận” là sự hiểu biết được chủ thể nhận thức tổng hợp một cách dễ dàng, dễ được nhiều người tán thành. Ông cho rằng, giai đoạn nhận thức cảm tính còn có nhiều hạn chế do chưa cho ta biết về bản chất của đối tượng. Theo ông, nhận thức trí tuệ là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, những hiểu biết có được không phải do sự tác động trực tiếp mà có được thông qua hoạt động tư duy (suy luận, phán đoán, phân tích... các dữ kiện, dữ liệu mà giai đoạn nhận thức cảm tính đem lại để từ đó vạch ra được bản chất của sự vật, đối tượng khách quan).

Trong quan điểm chính trị, xã hội của mình, Đêmôcrit tập trung vào các vấn đề đạo đức và nhà nước, từ đó chú tâm lý giải những động lực, sự phát triển của xã hội loại người. Ông cho rằng khi tổ tiên của loài người thoát ra khỏi thế giới động vật thì đời sống của họ hết sức mông muội, họ sống thành những bầy đàn khác nhau, bị tự nhiên chi phối hoàn toàn. Điều này dẫn tới những hệ quả: Ban đầu con người tìm kiếm thức ăn để thoả mãn nhu cầu sống, chưa có ý thức dự trữ và tích luỹ thức ăn (tư tưởng và hành động tư hữu) do vậy con người sẽ bị thiếu thức ăn vào những thời điểm mà thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt. Về sau này, dần dần người ta đã biết tích luỹ, dự trữ thức ăn và biến nó thành thói quen. Do con người sống thành những bầy đàn khác nhau, lượng tài sản tư hữu không giống nhau nên xảy ra tranh giành giữa các thành viên trong bầy đàn và giữa các bầy đàn. Con người trở nên có tư tưởng chiếm đoạt và tư hữu, đây là một bước phát triển mới của xã hội loài người. Cũng do thời tiết khắc nghiệt nên con người nảy sinh nhu cầu mặc quần áo che chắn cơ thể, đây cũng là một bước tiến đáng kể của lịch sử. Dần dần họ biết dùng lửa sưởi ấm và làm chín thức ăn. Thêm một bước nữa, họ có ngôn ngữ để cố kết các mối quan hệ, trao đổi thông tin, tiếng nói trước hết là mô phỏng âm thanh của tự nhiên, các bầy đàn khác nhau có sự mô phỏng khác nhau nên xuất hiện các ngôn ngữ khác nhau. Tất cả những bước tiến này là do hoàn cảnh sống, nhu cầu tồn tại, tính cách... tạo ra. Như vậy, dù triết học của ông còn mang tính thô sơ, chất phác, nhưng với những thành tựu triết học rực rỡ của mình, Đêmôcrit đã đưa chủ nghĩa duy vật Hy Lạp cổ đại lên một đỉnh cao mới.


III - Platôn

Platôn là một nhà triết học duy tâm khách quan. Học thuyết triết học của ông dựa trên tiền đề lý luận về cái phổ biến của Xôcrat, lý luận về tồn tại duy nhất bất biến của trường phái Êlê và lý luận về con số của phái Pitago. Ông chia thế giới làm hai loại: Thế giới ý niệm (là thế giới tồn tại chân thực, bất biến, vĩnh viễn, tuyệt đối, là cơ sở tồn tại của thế giới các sự vật cảm tính) và thế giới của các sự vật cảm tính (là thế giới tồn tại không chân thực, thường xuyên biến đổi, phụ thuộc vào thế giới ý niệm, do các ý niệm sản sinh ra).
Khác với các nhà triết học duy vật, Platôn không xuất phát từ vật chất để giải thích nguồn gốc của thế giới, ông không khẳng định thế giới này là thế giới vật chất và duy nhất. Theo ông, thế giới ý niệm là nguyên mẫu, nó có trước và thế giới vật chất là cái được sinh ra, nó là thế giới cảm tính. Thế giới vật chất chẳng qua là cái bóng, là sự mô phỏng, bắt chước thế giới ý niệm, thế giới ý niệm quyết định thế giới vật chất, không có thế giới ý niệm thì không có thế giới vật chất. Ông đã lấy ví dụ về cái hang để minh hoạ cho quan điểm duy tâm khách quan của mình: Có một đoàn người đi qua cửa một cái hang tối và qua ánh ánh sáng mặt trời chiếu vào, người ta chỉ nhìn thấy bóng của đoàn người đó in trên vách hang. Ông cho rằng, thế giới các sự vật hiện tượng chỉ là cái bóng in trên vách hang còn thế giới ý niệm mới chính là đoàn người thực đi ở bên ngoài cửa hang.

Các ý niệm, theo cách hiểu của Platôn, là các khái niệm, tri thức đã được khách quan hoá, chúng tồn tại mãi mãi từ xưa đến nay. Thế giới ý niệm là vĩnh viễn, bất biến, không phân chia được và chỉ được nhận thức duy nhất bằng lý tính. Ông cho rằng thế giới ý niệm có vô vàn ý niệm, trong số tất cả các ý niệm thì ý niệm phúc lợi là cao nhất - nó là ý niệm của các ý niệm. Theo Platôn, vật chất nói chung cũng tồn tại vĩnh viễn, nó là căn nguyên tạo ra chất liệu cụ thể của mỗi sự vật, làm cho chúng đa dạng, biến đổi không ngừng; các ý niệm là bản chất chung của mọi sự vật, là cơ sở thống nhất toàn vũ trụ, là linh hồn đem lại sinh khí cho toàn vũ trụ; còn các con số là một dạng bản chất độc lập đặc biệt chiếm vị trí trung gian ở giữa ý niệm và sự vật cảm tính, sự khác nhau giữa các sự vật là do khác nhau về quan hệ toán học, do những con số quyết định. Như vậy, tuy đứng trên lập trường duy tâm khách quan trong quan niệm về thế giới, coi sự vật chỉ là cái bóng của ý niệm nhưng ông đã thực hiện một bước tiến trong việc chuyển triết học từ tư duy ẩn dụ tới tư duy khái niệm, giải thích một hiện tượng ở mức độ khái niệm, tư duy lý luận.

Lý luận nhận thức và học thuyết về linh hồn của Platôn được xây dựng trên cơ sở bản thể luận duy tâm khách quan mà cốt lõi của chúng là học thuyết về ý niệm và học thuyết về sự tồn tại độc lập của linh hồn bất tử. Ông cho rằng, nhận thức cảm tính không phải là nguồn gốc của tri thức chân thực, mà tri thức chân thực - nhận thức ý niệm - chỉ có thể đạt được bằng nhận thức lý tính và thể hiện trong khái niệm. Theo ông, mọi tri thức phải có tính khái quát cao. Sự nhận thức của con người không phải là sự phản ánh thế giới vật chất mà là sự hồi tưởng của linh hồn bất tử, hồi tưởng lại những gì mà linh hồn bất tử đã quên đi khi nằm trong thế giới ý niệm. Linh hồn bất tử vốn thuộc về thế giới ý niệm, khi đó nó biết hết tất cả những gì thuộc về thế giới ý niệm nhưng vì thế giới ý niệm luôn vận động nên linh hồn bất tử vận động xuống mặt đất, nhập vào con người, biến con người từ một thực thể bất động vô tri, vô giác thành một cơ thể năng động và có tri giác. Nhưng cũng từ đó linh hồn bất tử quên hết những gì biết được ở thế giới ý niệm, khi nó hồi tưởng những gì đã biết tạo ra sự nhận thức. Quan niệm này của Platôn có một số yếu tố hợp lý khi ông đề cao vai trò của tư duy, sự tác động trở lại của tư duy đối với vật chất nhưng do ông đề cao quá theo hướng tuyệt đối hoá nên trở thành duy tâm; đồng thời khi thừa nhận linh hồn bất tử biết hết mọi điều trong thế giới ý niệm là ông đã khẳng định con người có khả năng nhận thức hoàn toàn về thế giới.

Platôn đã xây dựng học thuyết lý tưởng trên cơ sở học thuyết về linh hồn và học thuyết ý niệm, học thuyết đạo đức đặc biệt từ sự phê phán hạn chế của những hình thái nhà nước đã tồn tại trong lịch sử. Theo ông, đã có ba hình thái nhà nước đã tồn tại trước đó và đều xấu xa, tồi tệ. Trong đó hình thái nhà nước quân chủ được xây dựng và duy trì trên cơ sở làm giàu đến vô độ và cách thức hoạt động chủ yếu của nó là ăn cướp và đàn áp; hình thái nhà nước quân phiệt cũng hoạt động chủ yếu là ăn cướp, bóc lột và xâm lược; hình thái nhà nước dân chủ là hình thái xấu xa, tồi tệ nhất vì quyền lực của nhà nước thuộc về số đông. Theo ông, thể chế nhà nước lý tưởng nhất là nhà nước cộng hoà vì nó được xây dựng với ba đẳng cấp (tương ứng với ba loại linh hồn, ba phẩm chất đạo đức) là đẳng cấp cai trị (có linh hồn trí tuệ, phẩm chất thông thái và chủ yếu là các triết gia), đẳng cấp vệ quân (bảo vệ bộ máy cai trị và an ninh xã hội, có phẩm chất dũng cảm, trung thành), đẳng cấp nông dân và thợ thủ công (có nhiệm vụ tạo ra vật chất nuôi sống xã hội, có phẩm chất cần cù, chịu khuất phục và chế ngự dục vọng). Ông cho rằng giai cấp nô lệ không thuộc một đẳng cấp nào hếtvì họ không phải là con người, họ chỉ là một động vật biết nói tiếng người, là một công cụ biết nói, họ không có một quyền nào khác ngoài quyền được tự do làm nô lệ cho người khác.

Platôn là một trong những nhà triết học xuất sắc nhất trong nền triết học Hy Lạp cổ đại, là một trong những đại biểu của triết học duy tâm trong lịch sử triết học, là một trong những bộ óc bách khoacủa Hy Lạp cổ đại. Hệ thống triết học của ông đề cập đến nhiều học thuyết như ý niệm, nhận thức luận... và dù cho còn có hạn chế nhưng ông là người có công lớn trong việc nghiên cứu các vấn đề về ý thức xã hội, đặt nền tảng cho việc xây dựng các khái niệm, phạm trù và tư duy lý luận.


IV - Arixtôt


Arixtôt là một trong ba nhà triết học xuất sắc nhất của Hy Lạp cổ đại, là một đại diện tiêu biểu của trào lưu triết học nhị nguyên. Ông là một trong hai nhà bách khoa toàn thư của Hy Lạp cổ đại, là học trò của Platôn và là một trong những người sáng lập và giảng dạy tại Viện Hàn lâm Aten, ông từng làm gia sư cho vương triều Maxêđoan.

Arixtôt đã nêu lên học thuyết bốn nguyên nhân, trong đó ông cho rằng bất kỳ sự vật nào, nếu tồn tại bao giờ cũng xuất phát và được tạo thành từ bốn nguyên nhân: nguyên nhân hình dạng (sự vật bao giờ cũng có hình dạng của nó, hình dạng của vật không phải cái vốn có của nó mà được đưa từ bên ngoài vào), nguyên nhân vật chất (bất kỳ sự vật nào cũng có chất liệu làm nên nó, nhưng vật chất chỉ làm nên sự vật khi nó phù hợp với hình dạng của sự vật), nguyên nhân vận động (là sự phù hợp của vật chất và hình dạng, là sự tương tác, tác động giữa hai yếu tố này), nguyên nhân mục đích (sự vật nào cũng có mục đích là đáp ứng nhu cầu nào đó của con người, ý muốn và nhu cầu của con người quyết định sự tồn tại của sự vật, sự tồn tại của thế giới là tuân thủ theo ý chí của Chúa). Arixtôt cho rằng nguyên nhân hình dạng là quan trọng nhất vì hình dạng có tính tích cực, là cái tồn tại hiện thực, là cái bản chất; khi hình dạng bị thay đổi làm cho bản chất thay đổi và sự vật thay đổi còn vật chất chỉ là cái thụ động, là cái khả năng. Tuy nhiên, từ chỗ coi bất kỳ cái gì cũng đều có nguyên nhân của nó nên Arixtôt đi tới quan niệm: Cả vật chất và hình dạng đều có nguyên nhân của nó, trong đó nguyên nhân của vật chất là “vật chất phi hình dạng” sinh ra, hình dạng là do “hình hài phi vật chất” sinh ra và cả hai nguyên nhân này đều do “hình dạng phi hình dạng” sinh ra, đó là Thượng đế. Đây là nhị nguyên luận và xét về thực chất nó là một biến dạng của chủ nghĩa duy tâm.

Bên cạnh học thuyết bốn nguyên nhân, Arixtôt còn xây dựng học thuyết về linh hồn và nhận thức luận. Ông phê phán quan niệm của Platôn về linh hồn bất tử, ông cho rằng không chỉ có con người mà mọi thực thể sống đều có linh hồn và không phải mọi linh hồn đều bất tử. Theo ông có ba loại linh hồn: Linh hồn thực vật (tạo cho cơ thể khả năng sinh sôi, nảy nở và phát triển), linh hồn động vật (giúp cơ thể có khả năng thích ứng, biến đổi theo điều kiện của môi trường bên ngoài), linh hồn trí tuệ (chỉ có ở con người, nhờ đó con người có khả năng tư duy) và trong thực thể sống ngoài linh hồn đặc trưng còn bao gồm những loại linh hồn của thực thể sống có trình độ phát triển thấp hơn. ở con người, linh hồn thực vật và linh hồn động vật được tạo thành từ vật chất nên không tồn tại vĩnh viễn, chỉ có linh hồn trí tuệ là tồn tại vĩnh viễn.

Lý luận nhận thức của Arixtôt chứa đựng nhiều tư tưởng hợp lý và nhiều yếu tố duy vật. Theo ông, đối tượng của nhận thức là ở bên ngoài con người, quá trình nhận thức là quá trình phản ánh đối tượng bên ngoài ấy và trải qua nhiều cấp độ từ thấp đến cao, chưa hoàn thiện đến hoàn thiện theo trình tự : Cảm giác, biểu tượng, kinh nghiệm, nghệ thuật, khoa học. Ông coi cảm giác là khởi nguồn của mọi nhận thức, khoa học là cấp độ cao nhất của quá trình nhận thức. Từ đó ông chia ra hai cấp độ nhận thức: cấp thấp (bao gồm các khoa học cụ thể), cấp cao (bao gồm triết học và toán học), đây là đóng góp của ông trong phân loại các khoa học. Điều hợp lý trong nhận thức luận của ông còn do ông khẳng định: Mọi tri thức của con người đều do những hiểu biết về mọi mặt khách quan bên ngoài của sự vật.

Trong lĩnh vực logic học, Arixtôt là người đầu tiên sáng lập ngành khoa học này, đây là môn học về phương pháp tư duy và phương pháp suy luận. Ba quy luật đó là: Quy luật đồng nhất (yêu cầu phi tư duy nhận thức sự vật trong phẩm chất xác định thì mọi phản ánh trong nhận thức phải đồng nhất), quy luật cấm mâu thuẫn (yêu cầu khi nhận thức sự vật trong một phẩm chất xác định, thì phẩm chất đó trong cái được nhận thức và cái nhận thức cấm mâu thuẫn nhau), quy luật bài trung (khi nhận thức về hai sự vật đối lập, mâu thuẫn nhau thì không có trường hợp cả hai cũng chân thực hoặc giả dối). Ông đề ra phương pháp suy luận bằng “tam đoạn luận” có hai phán đoán bộ phận làm tiền đề và một phán đoán kết luận được rút ra từ hai phán đoán trên.

Đạo đức học của Arixtôt phản ánh rõ nhất lập trường giai cấp của ông. Ông cho rằng, đạo đức phải phục vụ quyền lợi của nhà nước, hành vi nào làm suy yếu nhà nước là không có đạo đức. Đạo đức phải gắn liền với hành vi của con người, tiêu chuẩn đánh giá một cá nhân có đạo đức không phải ở lời nói mà là ở hành động. Việc đánh giá một con người còn dựa trên quan điểm của cá nhân ấy về hạnh phúc. Theo ông, người nào tuyệt đối hoá sự hưởng thụ vật chất thì không khác gì con vật vì “hạnh phúc của con người là sự thông thái”. Vì quan niệm của con người về hạnh phúc khác nhau, đa dạng nên việc đánh giá một con người hết sức phức tạp và khó khăn. Một người có đạo đức phải có các phẩm chất như: thông thái, dũng cảm, chế ngự dục vọng... tất cả được chỉ đạo bởi lý trí và còn một phẩm chất nữa là chính nghĩa, trong đó thông thái là phẩm chất cao nhất. Nông dân có phẩm chất chủ yếu là chế ngự dục vọng, nhà nước phải tạo điều kiện cho họ phát huy phẩm chất này. Nô lệ không có phẩm chất đạo đức. Trong quan hệ ứng xử giữa người và người thì phẩm chất tối ưu là trung vị (dũng cảm, khiêm tốn, hào phóng...) là sự kết hợp của hai yếu tố đối lập nhau là liều lĩnh, khoe khoang, hoang phí... và nhút nhát, tự ti, hà tiện...

Triết học của Arixtôt tuy còn những hạn chế, dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, nhưng ông vẫn xứng đáng là bộ óc vĩ đại nhất trong các bộ óc vĩ đại của nền triết học Hy Lạp cổ đại, “là vị hoàng đế Maxêđoan” của triết học.

**
*​

Như vậy, nét nổi bật của triết học Hy Lạp cổ đại là đã đặt ra hầu hết các vấn đề cơ bản của triết học mà sau này các học thuyết triết học khác sẽ từng bước giải quyết theo nội dung của thời đại mình, nó bao chứa mầm mống của tất cả thế giới quan về sau này. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, giữa phép biện chứng và phép siêu hình được thể hiện rất rõ. Những thành tựu triết học cơ bản của nó xứng đáng ghi một mốc son trong lịch sử triết học của loài người.

Nguyễn Minh Trường, Lớp Cao học Văn K50-ĐH KHXH & NV HN​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top