• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tranh Đông Hồ

small star

Moderator
Xu
94


Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:

Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà

Đặc điểm in ấn

Tranh được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu; mỗi màu dùng một bản, và bản nét (màu đen) in sau cùng. Nhờ cách in này, tranh được "sản xuất" với số lượng lớn và không đòi hỏi kỹ năng cầu kỳ nhiều. Tuy nhiên vì in trên ván gỗ một cách thủ công, nên tranh bị hạn chế về mặt kích thước, thông thường các tờ tranh không lớn quá 50 cm mỗi chiều.

Giấy in và màu sắc

Trong bài thơ Bên kia Sông Đuống Hoàng Cầm viết:

Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.

Nội dung tranh

Nội dung tranh gồm có 5 thể loại:

Tranh thờ: bộ ngũ sự
Tranh lịch sử: Hai Bà Trưng, Bà Triệu...
Truyện tranh: Thánh Gióng, Truyện Kiều, Thạch Sanh
Phổ biến nhất là chúc tụng; ví như tranh Vinh hoa-Phú quý, Nghi xuân, Gà đàn (xem thêm Bảy bức tranh gà)
Tranh sinh hoạt: Đánh Ghen, Chăn Trâu Thổi Sáo, Nhà Nông, Đám cưới Chuột, Hái dừa... Với các tranh có phần chữ Hán đi kèm thì ý nghĩa sáng tỏ hơn bao giờ hết. Ví dụ như tranh Nhân nghĩa vẽ hình em bé ôm cóc có chú thích chữ "nhân nghĩa" ấy chính là lời cầu chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân, cái Nghĩa như con cóc tía trong truyện cổ: mình mẩy tuy có thể xấu xí, bé nhỏ song dám lên kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng. Chính vì vậy tranh vẽ hình em bé ôm con cóc một cách trìu mến. Không có sự giải thích nội dung tranh sẽ trở nên khó hiểu vì ai mà bồng bế một con cóc bao giờ.
Các tranh khác, đặc biệt là tranh sinh hoạt thì có nhiều cách giải thích hơn, cho tới nay có những cách phân tích khác nhau hoàn toàn (ví dụ tranh Đánh ghen).
Tranh Đông Hồ có đặc điểm thường là những hình ảnh sung túc như đám cưới chuột, cảnh trai gái cùng nhau hái dừa, cảnh cá chép nhiều màu vẫy đuôi... thể hiện mong muốn về sự sung túc.

Thay đổi gần đây

Tranh Lợn đàn ở nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế với tranh Hàng Trống và tranh Đông HồTranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình học. Ngày nay lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: làng Đông Hồ ngày nay có thêm nghề làm vàng mã. Nghề giấy dó ở làng Yên Thế (Bưởi, Tây Hồ) cũng đã không còn. Tuy thế tranh Đông Hồ đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu.




Theo đánh giá của một số họa sĩ, tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ, nguyên nhân là người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên "thường", màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Một điểm đáng lưu ý khác nữa là một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị què cụt về mặt ý nghĩa. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ước đoán là:

Có một thời chữ Hán (và chữ Nôm) bị coi là phong kiến lạc hậu, liệt vào danh mục bài xích nên thợ in đục bỏ cho đỡ rách việc.
Thế hệ sau này không phải ai cũng đọc và hiểu được các ký tự ấy nên tự ý bỏ đi.
Cũng do không đọc hiểu được nên các ván khắc truyền lại "tam sao thất bản", đến mức còn lại các ký tự nhưng không đọc được ra chữ gì.
Về nội dung tranh, lưu ý rằng có sự gần gũi nhất định giữa nội dung tranh khắc gỗ màu của Việt Nam với của Trung Quốc, có những tranh mà cả hai nước đều có, song tranh Đông Hồ phát triển thành một hướng riêng tồn tại nhiều thế kỷ và được thừa nhận như dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.

Làng tranh Đông Hồ

Ván khắc tranh Đánh ghen (âm bản) ở nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, làng tranh Đông Hồ
Ván khắc tranh Chăn trâu thổi sáo ở nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làng tranh Đông Hồ
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (người ngồi bên trái), làng tranh Đông HồLàng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.

Quanh năm rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước đến làng tranh Đông Hồ thăm và mua tranh Đông Hồ làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho cách phòng khách, hoặc phòng ăn lớn. Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ đường gần nhất du khách thường đi là xuôi theo đường Quốc lộ số 5 (đường đi Hải Phòng) đến ga Phú Thụy, cách Hà Nội chừng 15 km thì rẽ trái, đi chừng 18 km nữa, qua các địa danh khá nổi tiếng của huyện Gia Lâm (Hà Nội) như phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu (Thuận Thành-Bắc Ninh) là đến phố Hồ-huyện lỵ Thuận Thành. Rẽ trái thêm 2 km là đến làng Hồ. Cũng có thể đi hết phố Hồ, lên đê rẽ trái, gặp điếm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ đường xuống làng Đông Hồ.

Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu "Có sông tắm mát có nghề làm tranh". Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước giờ khá xa.

Còn "làng Mái có lịch có lề" thì nghĩa là gì? Tục ngữ Việt Nam có câu: giấy rách phải giữ lấy lề. Chữ lề ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Còn dân làng Mái, dân nghệ thuật rất trọng lời ăn tiếng nói. Không như nhiều làng quê khác, người dân làng Hồ, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng. Người làng kể rằng kể cả từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau.

Do công nghệ phát triển, tranh dân gian làng Hồ bây giờ không tiêu thụ nhiều như trước. Qua nhiều thế kỷ, 17 dòng họ đã quy tụ về làng, vốn xưa tất cả đều làm tranh. Nhưng đến nay, dân làng Hồ hiện chủ yếu sống bằng nghề làm vàng mã. Hiện nay chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu là theo nghề tranh, gìn giữ di sản tranh Đông Hồ.

Hàng năm làng Hồ có hội làng vào rằm tháng 3 âm lịch. Trong hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ. Làng còn có các làn điệu dân ca như:

Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.

Theo Wikipedia
 
Tính hiện thực của tranh Đông Hồ

Về tranh Đông Hồ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thời gian quý lắm, không dám phiền hà độc giả, tôi sẽ không nói về tranh lịch sử, tranh phong cảnh, tranh tôn giáo, tranh chúc tụng hay tranh truyện...

070210Thang27.jpg

Tranh Đám cưới chuột.

Giả thiết rằng trong mấy trăm mẫu tranh tài hoa, giàu ý tưởng và đậm đà bản sắc dân tộc ấy, nếu bớt đi ba tờ tranh sinh hoạt là Đám cưới chuột, Đánh ghen và Hứng dừa thì một khoảng trống không gì bù đắp nổi. Xem bộ sưu tập tranh dân gian Đông Hồ chúng ta như lạc vào thế giới nghệ thuật mộng mơ, huyền ảo mà thật đời thường dân dã. Mảng màu tối sáng, đường viền mềm mại, bố cục cân đối, ý tưởng vừa hiện thực vừa lãng mạn, cụ thể, gần gũi mà thâm thúy, táo bạo nữa. Chẳng hạn như bức Đánh ghen. Ai dám bảo ngày xưa ông bà ta không biết chơi tranh khỏa thân? Thế xiêm y của cô vợ bé trẻ trung, tươi mát với cặp tuyết lê bốc lửa kia tình tình gió bay đâu mất?

Suy ngẫm về nạn tham nhũng làm bức xúc hàng triệu người dân lao động lương thiện, tôi phục nghệ nhân làng Đông Hồ quá! Tưởng như những bàn tay vàng và khối óc thâm thúy ấy không phải vẽ bức tranh Đám cưới chuột từ ba bốn trăm năm trước mà vẽ vừa ráo mực, vẽ về hiện thực đời sống hôm nay! Sao con mèo béo thế? Là mèo sao không bắt chuột? Chim trời cá nước là đặc sản chuột hối lộ rồi! Hai cái kèn tàu mà hai con chuột đi sau thổi ta cũng đừng nghĩ ngây thơ chỉ là nhạc cụ. Đấy là bọn xã hội đen rót đường, rót mật ong vào tai kẻ thoái hóa biến chất-kẻ đã bán linh hồn để lấy đô-la và biệt thự đấy!

Nhưng bức Hứng dừa mới đáng xếp ở hàng đầu, hàng số một. Lãng mạn mà thanh nhã, sống động hồn nhiên mà không dung tục. Cuộc sống hài hòa, an bình, hạnh phúc cùng thiên nhiên tràn vào bức tranh tươi rói. Mỗi nhân vật có tiếng nói riêng, sắm một vai không ai thay thế được. Cây dừa như cây gia hệ. Người chồng khỏe mạnh, gương mặt đầy đặn, đức độ và trong sáng. Anh có nhiệm vụ gặt hái hạnh phúc hoa thơm quả ngọt. Người vợ là nội tướng, phải nhạy cảm, giữ thăng bằng để đừng diễn ra cảnh “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” mà thân bại danh liệt cho chồng hạ cánh an toàn, “tri chỉ, tri túc” (biết dừng, biết đủ). Hai đứa con (chứ không ba, bốn, năm đâu nhé, giỏi không?), không tranh nhau chí chóe nhặt dừa mà đứa như thử sức leo cây, học bố, đứa lại như động viên. Thật là một gia đình tràn đầy hạnh phúc: Cha ra cha, con ra con, vợ ra vợ, chồng ra chồng. Bản sắc dân tộc, cội nguồn văn hóa có trong một bức tranh toàn bích.

Xuân này, bạn có cùng tôi qua cầu Hồ mới bắc, trở lại Đông Hồ và du khảo vùng quê Kinh Bắc.

Nguyễn Văn Chương
 
Tranh Đông Hồ “níu giữ” hồn dân tộc


26-1.jpg



Nằm ấp mình bên bờ đê phía nam của dòng sông Đuống hiền hoà, nghiêng trôi một “dòng lấp lánh”, làng tranh Đông Hồ đã trải qua biết bao những thăng trầm để giữ cho “hồn dân tộc” mãi được “sáng bừng trên giấy điệp”.Hồi ức làng tranh - một thời thăng trầm
Làng Mái là tên gọi dân gian xưa kia của làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) bây giờ. Vào thế kỷ XVI tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết được có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Từ cuối thế kỷ XIX đến 1944 là thời kì cực thịnh của làng tranh. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất thảy đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp….Không khí trong làng rộn rạo từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế.

Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra xếp gọn lại bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ tranh bán. Đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh, mà có cả những người hâm mộ nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa xuân. Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất của người dân làng tranh.
Trong những năm kháng chiến chống pháp, khi cả nước điêu linh, Đông Hồ cũng rơi vào cảnh đạn bom lay lắt, làng tranh bị giặc đốt phá tan hoang, người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Nghề tranh từ đó cũng bị gián đoạn. Hoà bình lập lại (1954) làng tranh được khôi phục. Nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập, đây cũng là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu sang các nước XHCN đạt kết quả cao. Nhưng từ năm 1985- 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn. Người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề tranh như: gia đình ông Nguyễn Đăng Chế, gia đình ông Nguyễn Hữu Sam… Đến nay, nhờ công gìn giữ của các nghệ nhân ấy mà tranh dân gian này được khôi phục lại. Cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ, tranh dân gian Đông Hồ lại chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến mảnh đất văn vật hữu tình này.

Đậm chất dân gian của văn hoá Việt
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Không phải tự nhiên tranh Đông Hồ được nhà thơ Hoàng Cầm nhắc đến đầy tự hào và kiêu hãnh trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” như một đặc sản nghệ thuật của vùng quê Kinh Bắc. Cái làm nên nét đặc sắc độc đáo của tranh Đông Hồ chính là chất liệu làm tranh, được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên: Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc… Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày ... như “bừng” sáng trên giấy dó. Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kì, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp.
Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Một vài tờ tranh bên cạnh mâm ngũ quả ngày Tết sẽ là thứ mà các bà, các chị không thể quên khi đi chợ trong những ngày áp Tết. Đó là thói quen, là tâm linh, tín ngưỡng gắn kết trong tư duy của mọi người dân Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã giải thích cho chúng tôi hiểu thêm về ý nghĩa của việc dùng màu sắc sao cho phù hợpvới mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình …
Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn, như trên bức tranh Hứng Dừa là “Trong như ngọc, trắng như ngà / Đây chèo đấy hứng cho vừa lòng nhau; trên tranh Đánh ghen là “Thôi thôi một giận làm lành / Chị đừng tức giận cho nhục lòng ta”… Cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là giờ đây tranh Đông Hồ không còn mang tính “thuần Việt” như thời xưa mà đang dần bị thương mại hoá. Đến với chợ tranh Đông Hồ bây giờ, người ta không còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như ngày xưa nữa. Các thế hệ sau cũng ít muốn học và theo nghề tranh truyền thống của cha ông vì quá vất vả mà lại ít lợi nhuận. Du khách đến làng tranh bây giờ vẫn thấy cảnh phơi giấy nhưng đó lại là giấy để làm hàng mã chứ không phải giấy dó in tranh...
Mặc dù gần đây đã có nhiều dự án khôi phục lại làng nghề, phát triển du lịch làng nghề truyền thống song làng tranh dân gian Đông Hồ vẫn chỉ đang tồn tại ở mức độ "phảng phất", chưa thực sự được quan tâm đầu tư để phát triển. Hi vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam./.
Theo TQ​
 
Nhắc đến nghệ thuật hội hoạ truyền thống Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới tranh sơn mài, tranh lụa và không thể bỏ qua tranh dân gian Đông Hồ.

Tranh Đông Hồ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước không chỉ bởi chất liệu đặc biệt, phương pháp in độc đáo mà còn bởi nội dung phong phú.

01.jpg

Chất liệu tranh Đông Hồ bắt nguồn từ các sản phẩm của thiên nhiên, gắn bó gần gũi với đời sống người Việt Nam như vỏ cây dó dùng để làm giấy, lá tre, viên sỏi, hoa hiên, bột nếp dùng làm màu, gỗ thị làm bản khắc,… Nhìn vào một bức tranh dân gian Đông Hồ, người xem không khỏi trầm trồ, thú vị trước những màu sắc phong phú, tươi tắn; những hình khối, đường nét tuy đơn giản nhưng sống động, thực mà hư, hư mà thực, gần gũi với đời sống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Những người nghệ nhân Đông Hồ đã chứng tỏ sự tài hoa, sáng tạo khi làm ra những bức tranh như vậy. Mỗi bức tranh có từ bẩy đến tám màu nhưng mỗi màu phải in theo một trình tự nhất định: đầu tiên là màu đỏ, rồi xanh, tiếp đến là trắng, hồng hoặc vàng và cuối cùng là màu đen (bản nét). Mỗi một màu của bức tranh lại đi kèm với một bản khắc bằng gỗ thị. Ví dụ như bức tranh Đám cưới chuột có bốn màu đỏ, xanh, vàng và đen thì có bốn bản khắc các chi tiết khác nhau đi kèm với các màu tương ứng.


05.jpg

Với những màu sắc tươi sáng, các nhân vật sống động, tranh dân gian Đông Hồ chuyển tải nhiều nội dung sâu
s ắc về tín ngưỡng, đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Mảng đề tài tranh đời sống, sinh hoạt có rất nhiều bức tranh nổi tiến g như Hứng dừa, Đánh đu, Mục đồng thổi sáo hay Hiếu học... Tuy nhiên, tranh Đông Hồ còn có một mảng đề tài khá đặc sắc mà í t người chú ý là mảng tranh có ý nghĩa tín ngưỡng là tranh thờ. Bộ tranh hoà n chỉnh bày trên bàn thờ gia tiên gồm 8 bức, trong đó có bộ tranh chủ (5 bức) và 3 chữ đại tự (3 bức). Bộ tranh chủ là đôi câu đối Tứ thời xuân tại thủ - Ngũ phúc thọ vi tiên (Trong nhà bốn mùa là mùa xuân – Nhà có năm thế hệ cùng chung sống là có phúc). Ba chữ đại tự có thể là 3 chữ Thọ hoặc Phúc – Mãn - Đường, Tích - Thiện - Đường hoặc Đức – Lưu – Quang. Đặc biệt, các chữ này đều được vè theo kiểu long – ly – quy - phượng, bốn con vật cao qúy trong tín ngưỡng của người Việt.

07.jpg

Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ có thói quen mua tranh Đông Hồ về treo. Trong số những bức tranh ấy, không thể thiếu được là hai bức Vinh hoa – Phú quý vẽ hai em bé trai và gái hôm hai con gà vịt. Ý nghĩa của hai bức tranh tưởng chừng đơn giản này thực ra rất độc đáo: mong năm mới gia đình được bình yên, làm ăn khấm khá hơn, có con cái thì phải có đủ cả trai lẫn gái, hay “có nếp có tẻ” như cách nói của các cụ xưa.


damcuoichuot2.jpg

Đám cưới chuột

chuotvinhquy.jpg
+

Chuột vinh quy

chuoruocrong.jpg




Chuột rước rồng

Năm 2008 là năm Mậu Tí, năm con chuột, chúng ta hãy cùng điểm lại những bức tranh chuột của nghệ nhân Đông Hồ. Được nhiều người biết tới nhất là bức tranh Đám cưới chuột có từ 500 năm trước - một bức tranh vừa hài hước vừa châm biếm sâu xa. Hài hước ở chỗ, chuột nào lại có chuột đi rước dâu, lấy vợ; nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hoá con chuột để nó mang dáng dấp con người. Châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghênh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ. Bức tranh chuột thứ hai là bức Chuột vinh quy. Chuột tuy đỗ tiến sĩ (hai chữ này được đề trên tấm biển) vinh quy về làng (hai chữ Vinh quy trên lá cờ) vẫn phải cống nạp cho mèo (ba chữ Mưu thủ lễ). Có người cho rằng, bức tranh này nói tới việc phép vua thua lệ làng trong xã hội xưa. Hai bức tranh chuột nói trên có lẽ được biết tới nhiều hơn bức tranh thứ ba Chuột rước rồng. Hai chữ Rước rồng cũng xuất hiện trên bức tranh đi liền với hình ảnh hội hè vui vẻ. Có thể nói, chỉ với hình ảnh con chuột nhưng người nghệ nhân dân gian bằng óc tưởng tượng sáng tạo, độc đáo của mình đã vẽ nên ba bức tranh chuột với ba đề tài khác nhau hết sức đặc sắc.

So với tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ mộc mạc, ít cách điệu hơn, dễ hiểu, rất gần gũi với đời sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nét đẹp của tranh Đông Hồ góp một phần không nhỏ vào sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

t1.jpg


Bịt mắt bắt dê


t3.jpg


Đánh đu


t5.jpg


Đấu vật


Sưu tầm.
 
Xem tranh Đông Hồ, ngẫm về văn hóa Việt



a2406df348a84e88a52e20c94a416e27.jpg


(Maudantoc):
Lisa Spivey, tốt nghiệp Đại học Santa Barbara ở California và học viện ngôn ngữ Bắc Kinh. Cô là giám đốc điều hành của một công ty thương mại ở Hong Kong. Lisa Spivey từng viết nhiều bài về văn hóa Việt Nam như “nghệ thuật múa rối nước”, "tranh Tết Đông Hồ"... Cô rất yêu thích tranh Đông Hồ và đã có dịp tới thăm làng tranh truyền thống này ở Bắc Ninh và dưới đây là những cảm nhận của cô sau chuyến đi này.

Có thể trước đây, bạn đã từng nhìn thấy những bức tranh Đông Hồ ở một nơi nào đó. Trong các nhà hàng của người Việt ở khắp nơi trên thế giới vào mỗi dịp xuân về, các chủ cửa hàng thường dùng những bức tranh dân gian này để trang trí. Ở Việt Nam cũng vậy, tranh Đông Hồ là một trong những đồ trang trí không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là vào dịp năm mới.

Tôi và bạn bè đã tìm mua được một vài bức tranh Đông Hồ trong các cửa hàng ở Hà Nội và thực sự chúng tôi rất muốn đến thăm ngôi làng, nơi đã làm ra những bức tranh đó. Chúng tôi đã quyết định thuê một chiếc ô tô, một người lái xe kiêm hướng dẫn viên để đến làng Đông Hồ.

Nghề cha ông

Làng Đông Hồ nằm ở Bắc Ninh, miền bắc Việt Nam. Người lái xe đưa chúng tôi ra khỏi Hà Nội và đến với một làng quê có khung cảnh tuyệt đẹp. Nếu thành thạo đường, bạn chỉ phải mất hơn một giờ đồng hồ để đi đến ngôi làng này từ Hà Nội.

Đến gần ngôi làng, vì không biết đi đường nào tiếp theo, chúng tôi dừng lại hỏi đường. Một người nông dân chỉ cho chúng tôi con đường trên triền đê dẫn đến làng Đông Hồ. Khi đến gần hơn, chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà san sát nhau, trong đó có một vài ngôi nhà lớn hơn, rõ ràng mới được xây lại gần đây. Chúng tôi đi tới ngôi nhà lớn có một chiếc cổng và một cái sân trong.

Người chủ ngôi nhà mở cửa và đón chúng tôi. Toàn bộ nơi này bị bao trùm bởi tiếng ồn ào của việc làm tranh. Một mẻ tranh đang được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Một số khác đang được sơn sửa với những màu sắc khác nhau, trong một ngôi nhà thoáng mát.

Tôi ra khỏi xe và đứng lại một phút để chờ tất cả mọi người cùng ra. Chúng tôi ai cũng chờ đón giây phút được chiêm ngưỡng một ngôi làng mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác với những người thợ thủ công ngày ngày làm ra những bức tranh có từ thế kỷ XVII.
Sau một cuộc nói chuyện vui vẻ với một vài chén trà, người chủ nhà, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đề nghị dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh khu sản xuất của ông để quan sát quá trình làm ra một bức tranh Đông Hồ.

Những bức tranh được khắc trên ván gỗ, sau đó ấn những ván gỗ này lên giấy. Giấy làm tranh được gọi là “giấy điệp”. Sau khi đã được sơn màu (thông thường tranh Đông Hồ chỉ dùng 5 màu chính), các bức tranh được mang ra phơi khô.

Các khuôn gỗ được làm từ cây thị, một loại gỗ có thớ nhẹ. Khuôn gỗ được sử dụng để làm khuôn in, mỗi khuôn ứng với một màu, một lần in và một kích cỡ. Trong phòng tranh có một gian lớn chứa hàng trăm khuôn gỗ như thế này.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chỉ cho chúng tôi một khuôn gỗ cổ mà theo như lời ông thì đã có từ cách đây 200 năm. Các khuôn gỗ này được xem là “báu vật” truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình ông, một gia đình làm tranh Đông Hồ qua nhiều thế hệ.

Ông tự hào chỉ cho chúng tôi ba người con trai và một vài người con gái của ông, những người dù khó khăn đến đâu cũng không bỏ nghề, cố gắng làm việc, học nghề gia truyền từ cha mình và tiếp nối truyền thống gia đình.

Tất cả các bức tranh đều được làm trên giấy dó (loại giấy làm từ vỏ cây dó) và con điệp. Người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển rồi trộn bột đã nghiền với hồ (có lẽ là bột gạo nếp nấu lên). Sau đó dùng chổi là thông quét hồ điệp lên giấy dó, thế là có giấy điệp.

Những bức tranh này đươc vẽ bằng bút làm từ lá cây vân sam khô buộc lại với nhau. Bút vẽ có rất nhiều kích cỡ và được làm tại một ngôi làng không xa Đông Hồ.

Những bức tranh dân gian này có một đường viền khá đơn giản và những màu sắc tự nhiên được làm từ các loại cây cỏ sẵn có. Màu được để trong những chiếc lọ đất nung lớn. Mỗi người thợ thủ công có một công thức trộn màu riêng. Màu đỏ của bức tranh được làm từ sỏi son, một loại đá mềm có sẵn trong vùng. Màu xanh được làm từ lá chàm...

Màu vàng thường được làm từ cây hòe, một loại cây có hoa nhỏ như hạt gạo. Hoa của chúng được rang trong một chiếc chảo cho đến khi chuyển sang màu nâu vàng. Khi thêm nước vào hỗn hợp đó và đun sôi lên, mầu vàng sẽ xuất hiện. Chất lỏng được lọc ra và bã bỏ đi. Mầu tím được làm từ quả mồng tơi. Mầu đen được làm từ cây tre. Lá tre đốt thành than, sau đó rắc vào nước, rồi trộn với hồ gạo nếp, chúng ta sẽ có màu đen.

Câu chuyện qua tranh

Mỗi bức tranh phản ánh một câu chuyện có ý nghĩa riêng. Chúng cũng được xem như là công cụ để lưu giữ một nét lịch sử văn hóa của người Việt, dạy dỗ thế hệ trẻ qua những câu chuyện tái tạo lại trong tranh. Chủ đề chính của những bức tranh là hạnh phúc, may mắn, giàu có, thành công và thịnh vượng.

Năm mới là khoảng thời gian mà tất cả các gia đình trong ngôi làng bận rộn với việc làm tranh. Nhưng ngày nay, làng tranh Đông Hồ thật sự đã khác xưa rất nhiều, có lẽ không còn mấy nhà tiếp tục kế thừa truyền thống làm tranh này nữa.

Làng Đông Hồ giờ trù phú, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo và ngô, chỉ còn một vài gia đình tiếp tục gắn bó với nghề làm tranh quanh năm, vận chuyển chúng lên Hà Hội bán cho những người mua buôn, rồi từ những người này, tranh Đông Hồ sẽ được phân phối đi khắp cả nước, góp phần giữ gìn một nét truyền thống văn hoá Việt Nam.

(Nguồn: VietNamNet)
 
Thi nhân và tranh Tết Đông Hồ




Năm nay chúng ta đón mừng “Tết Thăng Long Hà Nội nghìn năm tuổi”. Mọi người ôn lại quá khứ hào hùng, nhớ một thời Tràng An thanh lịch: “Thăng Long tráng lệ nghìn xuân tuổi/Xênh phách cầm ca dậy sắc cờ”. Và ở nơi Thăng Long tráng lệ ấy còn có một dòng tranh mà sức sống mãnh liệt còn tồn tại cho đến bây giờ. Dòng tranh Tết - Đông Hồ.


DH.jpg


Người làng Đông Hồ rất tự hào với loại tranh độc đáo, từ đề tài, cấu trúc, chất liệu đến màu sắc bằng nguyên liệu thiên nhiên thảo mộc như giấy dó, giấy điệp hoa hoè, tàn rơm rạ. Dòng tranh đó đã đi vào ca dao, thơ ca và qua cả những câu hát ghẹo vui của người phụ nữ Kinh Bắc tài ba, khéo léo, tế nhị.


Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà, lợn thi nhau đẻ nhiều

Nhà thơ kiêm hoạ sĩ Nguyễn Gia Thiều đã từng cảm phục bộ Tố Nữ qua nét bút tinh xảo của bàn tay nghệ nhân:


Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ
Mắt buồn trông trên cửa nghiêm lâu

Từ đầu tháng chạp âm lịch, chợ bán tranh được mở ở đình Đông Hồ, điếm canh trên đê, chợ đình Đạo Tú (một ngôi đình đồ sộ bậc nhất Tổng Đốc Hồ, hai bên có hai dãy giải vũ mấy gian lợp ngói xây tường sạch sẽ, thoáng rộng. Phiên chợ tranh đã đông, người bán tranh đủ loại).


Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ

(Đoàn Văn Cừ)


Các cháu nhỏ chen chúc nhau vào mua tranh, đôi khi rách cả áo, mồ hôi toát ra như tắm mà vẫn vui, vẫn thích.


Áo cu Tý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi

(Đoàn Văn Cừ)


Phiên chợ không chỉ có tranh, mà còn là chợ Tết. Không chỉ trong tranh có gà, mà bên ngoài đàn gà cũng lục tục kiếm mồi. Náo nhiệt đông vui, nhưng vô cùng thanh bình yên ả.


Trưa hè bóng lặng nắng soi
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con

(Bàng Bá Lân)


Đặc biệt, thi sĩ Hoàng Cầm, khi viết về quê hương cũng không quên nhắc tới dòng tranh này:


DH2.jpg

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp


Kỷ niệm Đại lễ Thăng Long Hà Nội nghìn năm tuổi, lớp cháu con sau này lại thấy vô cùng biết ơn các vị nghệ nhân dân gian Đông Hồ đã sáng tạo nên một dòng tranh độc đáo, sâu lắng, tình cảm. Hy vọng rằng, dòng tranh này sẽ tiếp tục được lớp cháu con kế thừa, bồi đắp và sáng tạo.




Theo An ninh Thủ đô
 
Ôi, Tết năm nay mình lại quên mua tranh ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ rồi ... Quýnh quáng quên mất việc quan trọng này...:((

Có ai ở Hà Nội hay mua tranh Đông Hồ mà giá cả "Sinh viên" không ? Chỉ giúp Hide với !!

Hide cảm ơn trước, hi
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top