Trần Văn Giàu - từ nhà cách mạng đến sử gia

Hide Nguyễn

Du mục số
GS Trần Văn Giàu đã sang bên kia cuộc đời, để lại phía sau một câu chuyện cách mạng bi tráng, một cuộc đời lỗi lạc.

17h20 ngày 16-12, giáo sư Trần Văn Giàu qua đời tại TP. Hồ Chí Minh. Đánh giá về sự tổn thất này, báo Tuổi trẻ viết "Đất nước Việt Nam mất đi một người con ưu tú, Đảng CSVN mất đi một chiến sĩ cách mạng kiên trung, giới khoa học Việt Nam mất đi một người thầy lỗi lạc. Cả nước Việt Nam mất đi một anh hùng". Xin có một đôi lời về sự nghiệp của ông.

Nhà cách mạng lỗi lạc

Năm 1934 Toà án Nam Kỳ xét xử một thanh niên về tội âm mưu phiến loạn. Quan toà nạt nộ:
- Anh khai cho rõ ràng, đầy đủ, anh đã học qua những trường nào ?

Người thanh niên cười nhạt, ngạo nghễ:

- Trước khi tôi nói, xin ông hãy giữ vững tay ghế ngồi. Tôi đã học ở Trường Đại học phương Đông!
Lời nói như một tiếng sét giữa trời quang. Những người tham dự phiên toà giật mình, sửng sốt. Đó là một cơ sở của Quốc tế Cộng sản, đóng tại Thủ đô Liên Xô, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, lò đào tạo những nhà lãnh đạo phong trào cộng sản cho các nước, đặc biệt những nước thuộc địa, nơi lãnh tụ cộng sản Việt Nam lừng danh Nguyễn Ái Quốc, các Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đã từng học.

Người thanh niên đó là Trần Văn Giàu. Gia đình anh và gia đình vợ là những đại điền chủ giàu nhất nhì Nam Bộ ("ruộng thẳng cánh... tàu bay bay" như anh kể) nhưng anh lại tự nguyện làm cách mạng vô sản mà một trong những mục tiêu là "lấy ruộng đất của người giàu chia cho người nghèo". "Phản bội" lại giai cấp của mình, đứng vào hàng ngũ những người đối lập, thì điều ấy đã đủ nói lên, người ấy là một nhà cách mạng chân chính.

daituongvonguyengiap1.jpg


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh:
Pháp Luật TP.HCM

Trần Văn Giàu sinh năm 1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An, nay là Long An, Nam Bộ. Học xong trung học ở trường Tây Chasseloup Laubat ở Sài gòn, năm 1928 anh được gia đình cho sang Pháp học. Trước khi lên đường, anh hứa sẽ thực hiện nguyện vọng của hai gia đình vì anh đã hứa hôn: lấy bằng được hai tấm bằng Tiến sĩ Luật và Tiến sĩ văn chương, rồi về nước mở văn phòng luật sư và viết báo đấu tranh cho công lý.

Song sang Pháp, anh thấy thực tế không đúng như câu châm ngôn "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" người Pháp thường tuyên truyền. Được đọc một quyển sách bị cấm ở Đông Dương "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc, những dự định của anh đột ngột thay đổi. Anh gia nhập Đảng Cộng sản Pháp (1929) và chàng thanh niên 18 tuổi lòng đầy nhiệt huyết quyết định từ bỏ con đường đã vạch ra để rẽ sang một con đường mới: đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.

images2610223a2.jpg



Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và chúc tết Giáo sư Trần Văn Giàu
vào dịp Tết Mậu Tý. Ảnh: SGGP

Năm 1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. 13 nhà lãnh đạo khởi nghĩa bị kết án tử hình. Trần Văn Giàu từ nơi anh đang học ở Toulouse lên Paris biểu tình phản đối trước dinh Tổng thống Pháp, đòi xoá bỏ bản án cho những nhà ái quốc Việt Nam, nên bị bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis và kết tội là "phần tử nguy hiểm đối với chế độ" rồi tháng 6 năm 1930, anh bị trục xuất về nước. Anh không chút ân hận về việc làm của mình, chỉ áy náy về sự thất hứa với gia đình trước lúc lên đường. Thế nhưng "tứ thân phụ mẫu" chẳng một lời trách mắng. Thậm chí ông già vợ còn trầm ngâm bảo: "Thế là tốt. Trung cũng là hiếu, có sao!". Nỗi day dứt được giải toả, anh yên tâm lao vào những hoạt động cách mạng đầy sóng gió, hiểm nguy.

Ngay cuối năm ấy, Trần Văn Giàu bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, anh được Đảng cử sang học Trường Đại học phương Đông và được đào tạo rất bài bản về Triết học, và lý luận cách mạng... Anh tốt nghiệp xuất sắc với bản luận văn "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương" và được các bạn bè quốc tế - sau này nhiều người là lãnh tụ cao cấp các nước Đông Âu - rất nể phục.

Về nước, Trần Văn Giàu phụ trách công tác đào tạo cán bộ cho Đảng. Rồi ông bị bắt và bị xử tại phiên toà đã nói trên. Từ đó là một chuỗi ngày gian khổ của một nhà cách mạng: 4 lần vào tù ra khám, 8 năm bị giam cầm đầy ải trong các nhà lao khét tiếng man rợ như Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài.
Ông thường xoay trần trên nền xi măng của xà lim, cặm cụi, bí mật soạn ra hàng chục tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Vượt qua sự rình rập, đòn roi khủng bố của mật thám, vị "giáo sư đỏ" - cách gọi ông của những cai tù người Pháp - ngày ấy đã hăm hở tham gia giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng ở trong tù, góp phần trang bị cho nhiều lớp cán bộ, đảng viên những tri thức lý luận và kỹ năng tuyên truyền, tổ chức cốt yếu nhất.

Nhiều "học viên" của "trường đại học cách mạng" ấy sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ)...

Năm 1941, Trần Văn Giàu và các bạn tù vượt ngục Tà Lài để tham gia chỉ đạo phong trào vì sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) do sự khủng bố của Pháp, cac cơ sở Đảng gần như tan ra. Trong lúc bị địch truy nã gắt gao ông vẫn đi các địa phương gây dựng lại các tổ chức Đảng, phát động lại phong trào, đúng như một tài liệu tìm thấy sau này tại Sở Mật thám Vinh (Nghệ An) nói về ông "cực kỳ nguy hiểm. Y đi đến đâu, các tổ chức chống đối mọc lên đến đấy". Với uy tín rất cao, năm 1943, Trần Văn Giàu được bầu làm Bí thư xứ uỷ Nam Kỳ. Trong những ngày tháng gấp rút chạy đua với thời gian, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945, đích thân Bí thư xứ uỷ soạn ra nhiều cuốn sách nhỏ làm tài liệu huấn luyện, tuyên truyền trong công nhân và nhất là trong giới trí thức, công chức cao cấp, để qua đó, bằng lý luận và nhiệt huyết, thuyết phục, lôi kéo họ về phía cách mạng.

Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội. Nhân danh bí thư, Trần Văn Giàu triệu tập Hội nghị xứ uỷ mở rộng để bàn cuộc khởi nghĩa. Hội nghị quyết định chọn tỉnh Tân An (quê hương ông) thí điểm giành chính quyền để rút kinh nghiệm phát động trên toàn Nam Bộ và bầu ông làm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa. 3h chiều ngày 21/8/1945, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời thị xã Tân An. Khởi nghĩa thành công ở Tân An đã phát đi tín hiệu cho khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn và toàn bộ Nam Kỳ vào ngày 25/8/1945. Ông được cử đứng đầu chính quyền mới với chức danh Chủ tịch Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

xh258gsGiauIN.jpg


Bí thư Thành ủy TP HCM trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Đất Việt
Ngày 2-9-1945, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Hàng triệu đồng bào Nam Bộ tập trung tại một cuộc mít tinh lớn ở Sài Gòn để nghe tiếp âm bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc tại cuộc mít tinh lớn nhất xưa nay tại Vườn hoa Ba Đình từ Thủ đô truyền vào. Song vì thời tiết xấu, kỹ thuật truyền thanh trục trặc, lời của Bác không đến được với đồng bào Sài Gòn. Ban Tổ chức liền phân công ông thay mặt Chính phủ ra phát biểu. Vừa bất ngờ, vừa xúc động, ông ứng khâu bài diễn văn mà nhà báo Trần Bạch Đằng kể: "Bí thư xứ uỷ Nam Kỳ Trần Văn Giàu bí quá, ứng khẩu nói những điều mà chính cái hồn cách mạng đã cho phép ông mang được tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn độc lập đến với phần đất xa xôi nhất của Việt Nam này".

Rồi 23-9-1945, khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn trở lại ở Sài Gòn, nhân dân lục tỉnh dao kiếm, súng kíp, gậy tầm vông vạt nhọn trong tay, nhất tề đứng lên chặn bước tiến quân thù, ông lại đứng đầu sóng ngọn gió với trọng trách Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ...

Cách mạng mới thành công, tình hình chính trị trong nước rất khó khăn, phức tạp. Quốc dân đảng theo chân quân Tàu ra sức phá phách, tổ chức những vụ khủng bố, bắt cóc, âm mưu giành lại chính quyền bằng vũ lực. Trong chuyến ra Bắc vào tháng 10 năm 1945 để báo cáo công tác với Trung ương, người cộng sản Trần Văn Giàu với tài hùng biện của mình, thường đăng đàn diễn thuyết ở Hà Nội, kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng và các buổi tranh luận với các nhân vật "tai to mặt lớn" của Quốc dân đảng. Ông luôn đánh gục họ bằng lý luận sắc bén trước công chúng, khiến họ rất căm tức, đồng thời để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân thủ đô qua những câu chuyện gần như huyền thoại.

Giáo sư Hoàng Như Mai, lúc đó là phóng viên một tờ báo kể lại:

Chính hôm ông sẽ diễn thuyết tại Nhà hát lớn Hà Nội, phe Quốc dân đảng bắn tin trên tờ báo Việt Nam của họ: Nếu tối nay Trần Văn Giàu còn diễn thuyết nữa, họ sẽ giết. Lời nhắn tin làm cho buổi diễn thuyết tối hôm ấy đông thính giả hơn các buổi trước bội phần. Người ta muốn đến xem Trần Văn Giàu có dám đến diễn thuyết nữa hay không. Nhà hát chật ních người ngồi, kẻ đứng.

Càng lúc, không khí càng căng thẳng. Đã đến giờ mà chưa thấy diễn giả. Hội trường im phăng phắc. Nhóm Quốc dân đảng đắc chí và bắt đầu có tiếng xì xào: "Sao diễn giả chưa xuất hiện ? Hay là...". Đúng lúc ấy tiếng vỗ tay nổi lên. Trần Văn Giàu đàng hoàng bước ra sân khấu, trên tay cầm tờ báo có đăng lời đe doạ kia, vừa đi vừa dõng dạc đọc, đoạn tỏ vẻ khinh miệt, gấp tờ báo, vứt xuống sàn rồi tiến đến trước micro bắt đầu nói rất hùng hồn như các tối trước, hơn các tối trước.

Bọn Quốc dân đảng đã thực hiện lời đe đọa. Một quả lựu đạn cháy chậm nổ ở trước xe ô tô đợi ở ngoài đường để đưa diễn giả về nhà. Nhưng ông chưa ra đến xe, chưa lách ra khỏi đám đông thính giả còn đang xúm lại vây quanh để hoan hô.
Khí phách Trần Văn Giàu là thế!


Nguồn: VNN

(còn tiếp)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top