• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trần Nang-Nữ tướng thời Trưng Vương

Trang Dimple

New member
Xu
38
Trang Toàn Liệt có nàng con gái xinh đẹp nổi tiếng tên là Ả Nang. Tóc Ả Nang dài và óng như tơ, đen như mun, buông thành bím sau lưng như tất cả các cô gái chưa chồng khác trong vùng. Da Ả Nang hồng và mát như cánh hoa sen thắm, môi Ả Nang tươi đỏ, mắt Ả Nang láy đen. Ả Nang đứng trong vườn dâu, ngón tay búp măng thoăn thoắt bứt lá, giọng hát mềm mại cất lên hoà tiếng gió rì rào lúc bổng lúc trầm như cánh én mùa xuân lướt bay trên bầu trời lồng lộng. Người làm vườn cũng phải dừng tay cuốc, người đánh cá trên sông ngơ ngẩn buông chài, con trai chống cày để trong chốc lát lắng nghe giọng hát Ả Nang.

Ả Nang xinh đẹp chính là con gái ông Trần Hậu, một vị hương trưởng. Hai ông bà đều hiền lành phúc hậu, chăm chỉ căn cơ. Nhà chỉ có ba người nhưng không quạnh. Trai gái trong làng thường đến chơi với Ả Nang. Các cụ già cũng đến ăn trầu uống nước cùng hai vợ chồng Trần Hậu nên lúc nào nhà cửa cũng đông vui ấm cúng.

Năm Trần Nang mười sáu tuổi, có hào trưởng Đinh Công Dũng đến hỏi làm vợ. Đinh Công Dũng tuổi đã bốn mươi, mắt như mắt diều hâu, mặt dơi, mồm chuột, nhà giàu bậc nhất trong ba mươi sáu trang bên sông Mê Linh. Họ Đinh nuôi thủ hạ trên một trăm tên đầu trâu mặt ngựa. Bọn này lúc nào cũng tay đao tay gậy hung hăng đi các làng thu lúa thu nợ, hãm hiếp dân lành, có khi bắt con gái có sắc về cho chủ, có khi bôi mặt bật đuốc cướp phá trang trại các hào mục kình địch với họ Đinh. Bọn quan cai trị nhà Hán qua lại vùng này đều rẽ vào trang trại Đinh Công Dũng nghỉ ngơi chè chén.

Đinh Công Dũng đã có mười vợ, nhưng mê sắc đẹp Trần Nang và cậy quyền thế, y mượn người mối đến hỏi xin cưới nàng. Mối nói với ông bà Trần Hậu rằng nếu họ Đinh cưới được Trần Nang sẽ tôn nàng làm chính thất, giao cho cai quản dinh cơ điền sản và sẽ hết lòng phụng dưỡng hai ông bà.

Cha mẹ Ả Nang lựa lời chối khéo, nói là con gái mình còn thơ dại, vả lại nhà nghèo, không dám sánh với họ Đinh.

Vài ngày sau, họ Đinh thân chinh đem trâu rượu trầu cau đến hỏi. Cha mẹ Trần Nang cho con gái ra tiếp. Trần Nang cự tuyệt thẳng lời cầu hôn. Đinh Công Dũng nuốt giận ra về.

Quá mê nhan sắc Trần Nang, Đinh Công Dũng không thể bỏ qua nên lại sang nhà Trần Nang hết cầu khẩn lại dọa nạt. Trần Nang vẫn một mực chối từ. Đinh Công Dũng bước ra khỏi nhà Trần Nang, tuốt kiếm chém vào cột cổng, đe dọa sẽ có dịp rửa hờn.

Mọi người đều lo sợ cho ông bà Trần Hậu. Cô gái Trần Nang thưa với cha mẹ : " Xin cha mẹ chớ quá lo nghĩ, con sẽ cùng với các tráng đinh nghiêm phòng thôn xóm, vả lại con cũng biết đôi ba đường đao mũi kiếm, há sợ gì họ Đinh ! ". Trần Nang lại nói với các bạn trai bạn gái : " Đinh Công Dũng ngang tàn bạo ngược, mưu cướp tôi, nó sẽ phá trang Toàn Liệt. Chúng ta hãy cùng nhau tuần phòng nghiêm ngặt, sẵn sàng đánh lại bọn hung thần ác quỷ ấy ". Con trai con gái cùng nói : " Không khi nào trang Toàn Liệt ta lại chịu mất Ả Nang xinh đẹp ".

Thời bấy giờ tại bộ Thượng Hồng (nay thuộc Hải Hưng) có bộ chủ Hùng Trọng là người khoan hoà nhân hậu, trọng nghĩa khinh tài, được nhân dân mến phục, làm bạn với bà Vũ Đường. Quê của Hùng Trọng ở làng Thái Lai, bộ Vũ Tuyên, gần làng Toàn Liệt là quê Ả Nang. Hùng Trọng và Trần Hậu là chỗ bạn thân, mỗi khi về thăm quê, Hùng Trọng và Vũ Đường không quên sang thăm ông bà Trần Hậu. Hai ông bà Hùng Trọng và Vũ Đường cũng gặp cảnh hiếm muộn, tuổi đã cao mới sinh được một trai, đặt tên cho là Hùng Bảo.

Năm Hùng Bảo mười chín tuổi, bố mất, Hùng Bảo được thế tập quyền thay cha. Tuy còn trẻ tuổi nhưng được mẹ bảo ban, được những người thân cận và quan chức dưới quyền tin yêu hết lòng giúp đỡ. Hùng Bảo dần thông thạo công việc, xét đoán sáng suốt, lại nhân hậu và quý người, gặp các cụ già thì chào hỏi, gặp người tàn tật thì nâng đỡ. Dân chúng trong bộ hạt đều ca ngợi. Năm hai mươi hai tuổi, Hùng Bảo cùng mẹ về quê quán ở trang Thái Lai. Về tới quê hôm trước thì hôm sau hai mẹ con Hùng Bảo sang thăm ông bà Trần Hậu. Năm ấy Ả Nang cũng vào tuổi mười bảy đang thì con gái tươi đẹp. Ông bà Trần Hậu cũng cùng con gái sang chơi trang Thái Lai, ở chơi từ sáng đến chiều.

Từ lúc Hùng Bảo gặp Trần Nang tự thấy không xa Nang được nữa, còn Trần Nang cũng thầm mến Hùng Bảo lễ độ phiêm cung, khôi ngô đẹp đẽ. Trong lúc mời trầu, Trần Nang bọc trầu vào khăn thêu trao cho Hùng Bảo, Hùng Bảo giữ lấy khăn không trả lại mà Trần Nang cũng không đòi. Hùng Bảo được biết chuyện Trần Nang cự hôn Đinh Công Dũng càng quý trọng nàng, mới thưa với mẹ cho được hỏi Trần Nang làm vợ. Ông bà Trần Hậu vui vẻ nhận lời mà Trần Nang cũng ưng thuận. Mùa xuân, tháng giêng làm lễ cưới. Trong buổi đón dâu tại Toàn Liệt, đang lúc hai họ cỗ bàn hát xướng, khách khứa ra vào tấp nập, chợt Đinh Công Dũng đem lâu la đến phá đám cưới và bắt cô dâu. Đinh Công Dũng cưỡi ngựa cầm đao, hò hét Hùng Bảo mau mau cúi đầu đem nộp Trần Nang thì được tha mạng. Bọn lâu la đi theo cũng hoa chân múa tay kêu thét ầm ĩ. Hùng Bảo liền cầm đao lên ngựa cùng vài quân thủ túc ra khỏi trại, vừa nhìn thấy Đinh Công Dũng liền múa đao xông tới đánh luôn. Đinh Công Dũng giật mình vội lui ngựa lại quát thủ hạ tiếp cứu. Trần Nang sợ Hùng Bảo bị nguy cũng lên ngựa cầm kiếm ra đánh với Đinh Công Dũng. Các tráng đinh Toàn Liệt gọi nhau mang giáo mác tiến ra các ngã.

Trần Nang đang giao chiến với họ Đinh thì Hùng Bảo quất ngựa lao tới, thét to một tiếng, lưỡi đao vừa đưa lên, đầu họ Đinh đã rụng. Bọn lâu la tan tác chạy dài. Sau trận đánh thắng, đám cưới lại càng vui hơn trước. Ngày mộng một tháng tư, mùa hạ, vợ chồng Hùng Bảo, Trần Nang cùng nhau xuôi về Thượng Hồng.

Dư đảng họ Đinh tụ họp nhau theo quân Hán nhũng nhiễu nhân dân. Chúng thừa cơ Trần Nang đã theo Hùng Bảo về xuôi, biết là trang Toàn Liệt không còn người trí dũng cầm đầu mới kéo nhau đến đánh phá tan hoang giết cha nàng Trần Nang.

Trần Nang ở Thượng Hồng nhận được tin dữ, cấp tốc đem gia đình về Toàn Liệt thì sự đã rồi, chỉ còn biết than khóc kêu trời, rồi đem thi hài cha chôn cất ở Thái Lai. Nàng ở luôn lại đó trông nom phần mộ phòng sự lăng nhục của dư đảng họ Đinh và phụng dưỡng mẹ già.

Hùng Bảo nhân dịp này cũng muốn trở về quê quán mưu sự lâu dài. Chàng vẫn nung nấu trong lòng nhiều nỗi bất bình trước sự lấn lướt của bọn quân Hán. Chàng đã đôi ba lần chống lại những lệnh bạo ngược của kẻ thống trị dị tộc. Hùng công nói với các người thân tín rằng : " Làm kẻ trượng phu mà không gỡ được nạn nước, cứu được sinh dân khỏi cảnh cơ cực, khỏi kiếp ngựa trâu, lại còn vì chút danh lợi mà còng lưng cúi đầu chịu sự sai khiến của kẻ ngoại tộc, hỏi còn đáng sống ở đời nữa hay không ? ". Có bộ tướng người cùng quê là Lê Đức Hoàng nói rằng : " Ta về quê chăng ? Ở đó có thể tính chuyện lâu dài được ". Hùng Bảo bèn bỏ quan, về bản hương.

Một buổi, nàng Trần Nang nói với Hùng Bảo : " Thù cha canh cánh bên lòng, thiếp lẽ nào ngồi yên được. Xin chàng giúp đỡ cho thiếp rửa mối thù này ". Hùng Bảo khen rằng : " Nàng tuy là gái mà có chí khí của kẻ anh hùng ", lại nói : " Nàng chỉ nghĩ đến dư đảng Đinh Công Dũng hay sao ? Còn ta lại muốn tuốt thanh kiếm báu, quét sạch giặc Hán, rửa hờn cho cả trăm họ, nàng nghĩ thế nào ? ". Trần Nang mừng mà rằng : " Nay cả nước đều trong cảnh đau thương sầu oán, dân chúng Giao Chỉ như đàn trâu gầy còng lưng kéo cày nuôi bọn thống trị nước ngoài, đổ mồ hôi, sôi máu cho chúng phè phỡn làm giàu. Các quan ta đều ngậm hờn nuốt giận mà nhìn sinh dân trong cảnh lầm than. Thiếp nghe hào kiệt các nơi cũng đã nhiều người đứng dậy rồi ! Từ khi Đặng công Thi Sách bị bêu đầu ở cổng tthành Luy lâu thì đất Giao Chỉ ta đã thấm máu anh hùng mà chuyển động. Nếu chàng tuốt gươm chính nghĩa trừ kẻ bạo tàn, thiếp xin theo chàng làm một viên tì tướng sống chết cùng chủ soái ". Hùng Bảo vui lòng, lại hỏi : " Nếu chúng ta muốn tuốt gươm vùng dậy, nàng có kế sách gì hay thử nói ta nghe ". Trần Nang nói với chồng : " Nay Toàn Liệt đã bị dư đảng họ Đinh phá phách, chợ Toàn Liệt trên bến dưới thuyền là nơi đông vui, tứ xứ về đổi chác cũng bị mất rồi. Theo thiếp trước hết ta hãy cho người đi khắp ba mươi sáu trang báo cho biết ta sẽ mở lại chợ, rồi mở hội bảy ngày. Đó chính là dịp tìm người vũ dũng đấy ". Hùng Bảo khen là kế hay. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc thật là tâm đầu ý hợp. Mấy ngày sau, vợ chồng Hùng Bảo, Trần Nang đem chuyện mở chợ bàn với các cụ, các cụ đều vui vẻ hưởng ứng, liền cho người mang trầu cau báo cho các lang chạ trong vùng biết sẽ mở hội dựng lại chợ Toàn Liệt, và hội mở bảy ngày bắt đầu từ ngày rằm tháng chín. Tới ngày mở hội, dân chúng các làng nô nức kéo về Toàn Liệt. Thuyền đỗ đầy bến, trai gái chen nhau, nơi này đánh đu, nơi kia đấu vật, có chỗ chạy cướp cờ, có nơi đứng kéo co. Ngày thì vui chơi, tối thì hát đúm. Cứ trời vửa bảng lảng bóng đêm về, ngôi sao hôm hiện ra long lanh trên bầu trời thu trong sáng là con trai con gái lại tìm đến với nhau, hát suốt tới sáng.

Làng Thái Lai có cô gái một buổi sáng ba lần chạy thì đều chiếm được cờ đỏ. Mọi người reo mừng. Trần Nang đích thân trao thưởng, người con gái chưa kịp nhận, chợt có tiếng nói to : " Chớ lấy giải vội, hãy thử sức với ta xem thế nào ! ". Mọi người ngoảnh lại nhìn thì là một chàng nước dạ như sành, mình beo đùi dế, đóng khố bỏ dải, chít khăn đầu rìu. Trần Nang cho hai người chạy thi với nhau, bốn chân cùng phóng như sao băng gió thổi, vụt chốc cùng đến bên ngọn cờ đỏ, hai cánh tay vươn ra, một cánh tay nâu thẫm gân guốc, một cánh tay trắng nõn nà như ngó sen, cùng giằng ngọn cờ. Trần Nang can rả rồi cho hai người chạy lại lần nữa. Lần này cô gái bị thua một bước chân, chịu nhổ ngọn cờ xanh đem về. Trần Nang trao thưởng cho hai người rồi nói với người con trai rằng : " Ả Lúa sức không thua ngươi đâu, chỉ vì đã chạy luôn ba bốn lần rồi. Lần thứ tư ả thi với ngươi mới lần đầu chạy mà ả còn giằng lá cờ đỏ, thế chẳng phải là tài giỏi đó sao ? ". Người con trai chịu lời nói của Trần Nang là phải. Trần Nang hỏi tên họ quê quán rồi cho mời tất cả các người đã giật được cờ đỏ cờ xanh trong các lần thi chạy đến gặp Hùng Bảo.

Sau bảy ngày hội, Hùng Bảo - Trần Nang biết được trên ba mươi người đều là gái tài trai giỏi, bấy giờ mới cho người tìm gặp tận làng, đến thăm tận nhà, kết giao với họ. Trong số những người được Hùng Bảo để ý có một người tuổi vừa ba mươi tên là Trương Hoành giữ giải vật không ai địch nổi. Hùng Bảo tiếp đãi ân cần, sau Trương Cần xin ở lại làm thủ hạ của Hùng Bảo.

Từ đó, vợ chồng Hùng Bảo chiêu mộ dân phiêu tán các nơi về, nói là để mở mang trại ấp, kỳ thực là nuôi binh tích trử lương thực. Trần Nang cũng họp các cô gái khỏe mạnh nhanh nhẹn lập một đội nữ binh. Một năm sau, vợ chồng Hùng Bảo đã họp được vài trăm người, trong đó có 42 người ở Thái Lai, Toàn Liệt là quân thủ túc cắp giáo đeo gươm theo bên chủ tướng. Tiếng tăm Hùng Bảo - Trần Nang từ đấy bắt đầu nổi lên, người các nơi theo về càng ngày càng thêm đông.

* * *

Trưng Trắc biết Hùng Bảo - Trần Nang cũng mang thù sâu cùng Tô Định, lại có tài thao lược, có chí xoay chuyển thời thế, mới cử Trưng Nhị đem hịch đến vời, Hùng công và Trần phu nhân tiếp được hịch, vui mừng chỉnh đốn quân mã. Hùng Bảo chọn tuyển 230 dũng sĩ đặt làm quân nội thị đều là người hai trang bản quán, giao cho Lê Đức Hoàng quản lĩnh. Cử Trương Hoành và Trần Mãng (là người chạy đua cùng nàng Lúa) làm tướng, chia tám trăm nghĩa binh làm bốn đội, còn đội nữ binh là quân riêng của Trần Nang không thuộc quyền Hùng Bảo. Ngày 11 tháng tám, vợ chồng Hùng Bảo mở tiệc khao quân, ngày 13 tháng tám cất quân lên đường, Trần Nang đôi mắt long lanh, miệng cười hớn hở, cưỡi ngựa hồng, mang kiếm báu, áo trắng yếm đào, thắt dải xanh thêu chim én đùa mây, cổ đeo vòng bạc, tay đeo vòng ngọc, 24 cô gái xinh tươi khỏe mạnh cưỡi ngựa cầm giáo đi trước, theo sau có 251 nữ tốt hùng dũng oai phong. Trống dóng nhịp nhàng, cờ bay phấp phới, đạo nữ quân từ từ tiến theo quân của Hùng Bảo về hội với Trưng nữ chủ.

Tại thành Bạch Hạc quân các đạo kéo về, khao quân lớn. Trưng nữ chủ tế các vua Hùng ở núi Thứu rồi họp binh ở bãi Trường Sa, phong Hùng Bảo làm tướng quân trưởng lĩnh quân cơ, phó tướng tiền quân theo Bát Nạn đại tướng quân đốc lĩnh tiền đạo, còn Trần Nang được cử làm trưởng lĩnh trung quân nữ tốt. Trưng nữ chủ lại sai Trần Nang đi chiêu dụ nghĩa quân trong 15 ngày về bái mệnh. Trần Nang vâng lệnh chiêu dụ được vài trăm người chia làm hai đội. Sau đó, nghĩa quân về hội tụ ở Hát Môn.

Trưng nữ chủ ra quân đánh Luy Lâu, Tô Định bỏ thành mà chạy. Nghĩa quân tới đâu, giặc tan tới đó. Chưa đầy một năm, Trưng nữ chủ đã thu hồi 65 thành cõi Lĩnh Nam, đóng đô ở Mê Linh, dựng nền độc lập, xưng là Trưng nữ vương. Hùng Bảo được phong Thiên Bảo Hộ quốc công, Trần Nang được phong là Hoàng công chúa; Từ đó, trăm họ được yên ổn làm ăn, hưởng cảnh thái bình, cùng nhau dựng xây đất nước. Người đời sau có thơ ca ngợi Trưng nữ vương như sau :

" Nhất trận phá tan Tô tặc tướng,

Ức niên hương hỏa nữ vương danh.

Anh hùng hào kiệt giai quy phục,

Thế thượng đồng xưng thử nữ anh ".

(Tạm dịch nghĩa :

Một trận đánh tan tướng giặc họ Tô,

Danh tiếng nữ vương mãi mãi ngàn đời thờ phụng.

Anh hùng hào kiệt đều kính phục mà theo về,

Người đời một lời tôn xưng nữ vương là bậc quần thoa anh kiệt).

Trưng Vương cho Hùng Bảo lấy trang Thái Lai làm thực ấp và Trần Nang lấy trang Toàn Liệt làm thực ấp, khi sống là nơi nghỉ ngơi, khi chết là nơi thờ tự. Hùng Bảo, Trần Nang về trang trại ở bên sông, giao cho vợ chồng Trần Mãng - Ả Lúa lập hai trại hai bên bảo vệ cho nơi quán sở. Từ đó vợ chồng Hùng công bàn cách làm ăn với dân trang, người cày ruộng người nuôi tằm, dân chúng được an cư lạc nghiệp.

* * *

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược do Mã Viện cầm đầu, Hùng Bảo được cử về đuổi giặc ở Thượng Hồng, còn Trần Nang cũng về Hải Dương xứ cự giặc.

Ngày mồng một tháng mười, Hùng Bảo cử tướng điểm quân rồi mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, phụ lão và dân trang. Đang lúc tiệc vui, Hùng Bảo nói với các phụ lão rằng : " Ta với dân trang tình sâu nghĩa nặng như cá với nước, dân trang với ta một dạ thủy chung, nay phải chia tay nhau, ai chẳng thương nhớ. Nhưng nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, giặc ngoài đã kéo vào đánh phá các nơi, ta là người tướng không thể ngồi nhìn. Nay vâng lệnh quân vương cầm quân đuổi giặc, ta coi cái chết nhẹ như lông hồng, coi nợ nước nặng như núi Thái. Các cung sở của vợ chồng ta xin giao lại cho phụ lão và dân trang giữ gìn trông nom. Nếu sau này vợ chồng ta không trở về nữa thì lấy đó làm nơi phụng tự lâu dài ". Các cụ đều vâng lời.

Từ ngày ấy, Hùng Bảo và Trần Nang mỗi người cầm quân một nơi, cùng một lòng tận trung báo đền nợ nước. Cầm cự với giặc được ba tháng. Mùa đông, Trần Nang bị giặc dùng kỵ binh đánh úp. Lúc ấy là trống canh tư. Lửa cháy đỏ một góc trời, giặc hò hét điên cuồng xông vào phá trại Trần Nang. Trại lớn bị lửa bắn bốc cháy ngùn ngụt. Ả Lúa cướp giáo, cướp khiên giặc mà che đỡ cho Trần Nang, hai người mở được một đường máu chạy khỏi vòng vây, ngoảnh lại quân không còn một ai. Dừng ngựa nghĩ lại, Trần Nang nói : " Chỉ còn hai chúng ta thôi ! Ta làm tướng mà để quân thua, trại mất, còn mặt mũi nào gặp lại Nhà Vua nữa ". Lúc ấy giặc tìm được tới chỗ hai người. Trần Nang nói với Ả Lúa : " Em hãy cùng ta giết quân chém tướng cho chúng biết đàn bà Giao Chỉ là như thế nào, dù ta có chết chăng nữa cũng phải làm cho giặc khiếp sợ ! ". Nói dứt lời, phi ngựa xông ra, Nang đánh một phía, Lúa đánh một phía, dữ tợn mạnh mẽ như mãnh hổ, thây giặc đổ ngổn ngang, tướng giặc xác nằm dưới vó ngựa. Giặc chạy tan đi. Nang và Lúa chống đao nghỉ, máu ướt đẫm mình. Lúc ấy, phương đông mây đã ửng hồng.

Giặc lại ồ ạt kéo đến. Trời sáng rõ, chỉ có hai người con gái áo thẫm đỏ máu. Chúng lại hò nhau vây đánh. Ngựa của Ả Nang đã nằm xuống không dậy được nữa. Nang và Lúa đều đi đất, đấu lưng vào nhau mà đánh.

Lúa, tóc xổ tung trên lưng, áo quần đều rách, tay phải cầm đao đã bị chém xệ xuống, còn một tay trái múa khiên che đỡ cho Nang. Giặc khiếp sợ, rãn cả ra mà nhìn, không hiểu trước mắt là thần hay người. Một viên tướng giặc nói : " Ta theo Mã tướng quân đánh hàng trăm trận chưa hề gặp tướng nào vũ dũng như hai người con gái Giao Chỉ này, dù Phàn Khoái và Bạch Khởi có giáng sinh cũng không hơn được ! ", bèn gọi hai nàng bảo đầu hàng sẽ được trọng đãi.

Tay trái Lúa nhấc thanh đao cắm bên chân phóng thẳng tới, viên tướng giặc lập tức ngã nhào xuống ngựa. Giặc lại hét nhau xông vào. Chợt sấm sét nổi lên vang đồng, mưa đổ như trút, Nang và Lúa cùng tuẫn tiết. Giặc rút hết.

Ba ngày sau, Hùng Bảo và Trương Hoành cũng đều hy sinh tại trận. Trần Mãng và Lê Đức Hoàng cướp xác hai người đem về chôn cất tại Toàn Liệt rồi rút quân về Thái Nguyên tiếp tục chống với Mã Viện(1).

Chú thích

1. Đôi vợ chồng anh hùng Hùng Bảo - Trần Nang được các triều đại trước kia phong là " thượng đẳng thần ", được thờ ở Toàn Liệt (nay về xã Tự Lập huyện Yên Lãng, Vĩnh Phú), và ở Thái Lai (nay về xã Tiến Thịnh, Yên Lãng). Thái Lai còn thờ cả ông Trần Hậu là cha nàng Trần Nang vì đây là nơi Trần Hậu được chôn cất tại Vườn Quàn.

Theo Nữ tướng thời Trưng Vương-Tác giả: Nguyễn Khắc Xương
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top