Trận đánh úp Trân Châu Cảng

Trang Dimple

New member
Xu
38
Trận đánh úp Trân Châu Cảng

7h50 Chủ Nhật 7.12.1941 (theo giờ Hawaii, hoặc 3h19 Thứ Bẩy 8.12 theo giờ Tokyo), 183 máy bay Nhật cất cánh từ các tàu sân bay bắt đầu ném bom Trân Châu Cảng. Lúc này lính Mỹ trong cảng đang ngủ say sau một tối Thứ Bảy vui vẻ. Cùng ngày, Nhật tấn công Philippines, Hongkong, Malaysia, đảo Guam.

Chiến tranh Thái Bình Dương đã bùng nổ. Đây là cuộc chiến đặc biệt khó khăn đối với Mỹ, trong 1-2 năm đầu Mỹ thiệt hại rất lớn, khác hẳn cuộc chiến Mỹ-Đức đang tiến hành ở châu Âu. Quân Nhật cuồng tín liều chết kiểu Võ Sĩ Đạo và có chuẩn bị chiến đấu trước, hơn hẳn Mỹ về trang bị vũ khí và kinh nghiệm tác chiến, và đánh ngay vào các căn cứ quân sự của Mỹ. Bộ Chỉ huy quân Nhật lắm thủ đoạn ranh ma xảo quyệt.

Để tránh bị mang tiếng là đánh trộm, Nhật quy định thời điểm công kích Trân Châu cảng chỉ được bắt đầu 30 phút sau khi Đại Sứ Nhật tại Washington trao “Thông điệp cuối cùng” của Nhật cho Chính phủ Mỹ. Nhưng thực tế là 20 phút sau khi trái bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng, Đại sứ Nhật tại Washington mới tươi cười trao thông điệp cho Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Cordell Hull – tức là muộn 50 phút so với dự định của Nhật. Hull đã biết Trân Châu Cảng bị ném bom, nhưng Tổng thống Roosevelt yêu cầu Hull giả vờ chưa biết gì, cứ tiếp khách, nhận thông điệp và tiễn khách về.

Đoạn thứ 14 trong thông điệp của Nhật viết: “...Trước thái độ của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Đế Quốc cho rằng cho dù sau đây có tiếp tục đàm phán cũng không thể đạt được thoả thuận. Nay xin thông báo Chính phủ Mỹ biết và rất lấy làm tiếc.” Đọc xong Thông điệp, Hull giận giữ nói: “Tôi làm việc 50 năm nay chưa bao giờ thấy có một Chính phủ đê tiện như vậy và một văn bản xuyên tạc trắng trợn như vậy.” Do tấn công trước khi chính thức tuyên chiến, Chính phủ Nhật từ đó bị mang tiếng xấu là “đánh trộm”. Khi biết chuyện này, Yamamoto ngửa mặt lên trời thở dài vì ý định để lại tiếng thơm cho đời sau của ông ta thế là tan thành mây khói. Việc Nhật Bản đánh trộm Trân Châu Cảng đã gây nên một làn sóng cực kỳ căm phẫn khắp nước Mỹ.

Thế nhưng tai hoạ vẫn chưa chấm dứt. 8h40, đợt tấn công thứ 2 của Nhật bắt đầu. 171 máy bay Nhật cất cánh từ các tàu sân bay vượt 1 giờ 25 phút bay đến Trân Châu Cảng. Sau khi bắn hạ hết các máy bay Mỹ lên ứng chiến, bom Nhật bắt đầu rơi xuống 3 sân bay và các tàu chiến Mỹ. Do đã có chuẩn bị sau đợt công kích 1 nên lần này pháo cao xạ Mỹ bắn lên dữ dội, hạ được 20 máy bay Nhật.

Trận kỳ tập Trân Châu Cảng diễn ra trong có 1 giờ 45 phút. 96 tàu chiến các loại của Mỹ đỗ trong cảng cùng hàng trăm máy bay hoàn toàn không kịp phản ứng. Phía Mỹ 4 thiết giáp hạm bị đắm, 1 thiết giáp hạm, 3 tàu tuần dương và 3 tàu khu trục bị thương nặng, 11 tàu các loại bị thương nhẹ, 260 máy bay bị phá hỏng, 63 bị thương, chết 2334, mất tích 916, bị thương 1341 người – tóm lại hạm đội Thái Bình Dương mất một nửa số tàu chiến và 70% máy bay. Rất may là trước đó vài hôm các tàu sân bay Mỹ vừa được di chuyển đến nơi an toàn, nếu không thiệt hại còn lớn nữa. Phía Nhật chỉ mất 32 máy bay và 133 người, 6 tàu ngầm.

Một điều trớ trêu là kẻ vạch kế hoạch đánh úp Trân Châu Cảng – đại tướng hải quân Yamamoto trước đó lại chính là người hăng hái nhất phản đối việc Nhật giao chiến với Mỹ. Yamamoto từng học ở Mỹ rồi làm tham tán quân sự tại Mỹ nhiều năm, rất hiểu tiềm lực công nghiệp hùng hậu của Mỹ. Năm 1940, Yamamoto từng trình lên Chính phủ Nhật một bản ý kiến, trong có viết: “Giao chiến với Mỹ nghĩa là ta tự tạo cho mình một kẻ địch mới rất hùng mạnh, sẽ làm nước ta thiệt hại nặng; lẽ nào mục tiêu ta theo đuổi chỉ là kiếm một chút hư danh ư ?” Yamamoto cũng phản đối việc ký hiệp ước đồng minh với Đức, Ý, với lý do 80% vật tư chiến lược Nhật nhập khẩu từ Anh và Mỹ, nếu Nhật đồng minh với Đức thì sẽ mất nguồn vật tư đó. Nhưng sau khi Thiên Hoàng và Chính phủ Nhật quyết định giao chiến với Mỹ thì với dòng máu Võ Sĩ Đạo “trung hiếu” trên hết, Yamamoto lại rất nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương này. Tuy vậy, Yamamoto cũng chỉ giới hạn mục tiêu là đánh tan hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ để ép Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến tranh với Nhật, chứ không mong thắng Mỹ.

Thất bại cay đắng của Mỹ tại Trân Châu cảng trước hết là do chính sách nuôi ong tay áo của Chính phủ Mỹ: trước Đại chiến II, Mỹ luôn tìm cách để phát xít Đức và Nhật gây chiến với Liên Xô, khiến cho hai bên đều thiệt hại, Mỹ “ngư ông đắc lợi”. Trước chiến tranh, Mỹ bán cho Nhật rất nhiều vật tư chiến lược như vũ khí và dầu mỏ, sắt thép, hy vọng Nhật sẽ Bắc tiến chứ không Nam tiến. Nhật đã lợi dụng sự ngây thơ chính trị này để giáng cho Mỹ bài học nhớ đời. Thứ hai, sau Đại chiến I, đa số người Mỹ muốn theo “chủ nghĩa cô lập”, không giúp đỡ các nước khác chống xâm lược. Quốc hội Mỹ mạnh mẽ phản đối tăng chi phí quân sự, do đó Mỹ thiếu sự chuẩn bị chiến tranh về tinh thần và vật chất. Trên vùng Thái Bình Dương, Mỹ chỉ có 3 tàu sân bay, 9 thiết giáp hạm, 22 tàu tuần dương và 54 tàu khu trục; trong lúc đó phía Nhật tương ứng có 10, 10, 38 và 113. Các máy bay chiến đấu của Nhật đều có chất lượng trội hơn hẳn máy bay Mỹ. Thứ ba, tư tưởng chủ quan khinh địch, bảo thủ về chiến lược chiến thuật. Trong khi Yamamoto ra sức xây dựng binh chủng hàng không hải quân thì Bộ Chỉ huy tối cao Mỹ vẫn sa đà với lý luận quân sự cũ rích của Alfred Mahan (1840-1914), cho rằng thiết giáp hạm là lực lượng chính quyết định việc giành quyền kiểm soát biển, mà chưa kịp thời chuyển sang dựa vào tàu sân bay, luôn tuyên bố Trân Châu Cảng “nằm ngoài tầm bắn của hạm đội Nhật”, cho rằng chiến tranh với Nhật sẽ là cuộc đại chiến đấu pháo giữa các tàu chiến.

Thất bại vô cùng cay đắng này đã khiến Tổng thống Roosevelt có một quyết định bất ngờ: không ngồi xe lăn mà để con trai vực ra diễn thuyết 6 phút trước Thượng viện và Hạ viện. Roosevelt nói ngay vào vấn đề: “Hôm qua, ngày 7 tháng 12, nước Mỹ đã bị tấn công mạnh mẽ với chủ định từ trước. Ngày này sẽ mãi mãi là ngày quốc xỉ của chúng ta ! ...” cuối cùng ông nói: “Tôi yêu cầu Quốc Hội tuyên bố : từ ngày Chủ Nhật mồng 7 tháng 12 năm 1941, bắt đầu từ cuộc tấn công vô cớ và hèn nhát của Nhật Bản, giữa Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ với Nhật Bản đã tồn tại trạng thái chiến tranh.” Hai viện nhanh chóng nhất trí thông qua yêu cầu của Tổng thống.

Thủ tướng Anh Churchill cả mừng khi nhận được tin này. Thời gian qua ông ra sức kéo Mỹ vào cuộc chiến mà cũng chỉ được Mỹ “Cho vay và cho thuê” (Lend-Lease) vũ khí và vật tư quân sự, bây giờ Nhật đã giúp ông kéo được gã khổng lồ Mỹ trở thành đồng minh của Anh. Ngay hôm ấy Anh cũng tuyên chiến với Nhật.

6 h sáng ngày 8.12, đại bản doanh Nhật phát thông cáo tin tuyên chiến ngắn có 3 phút. 11 h lại phát bản tin số 2:“Sáng sớm hôm nay, hải quân Đế Quốc đã tiến hành một cuộc tập kích lớn bằng máy bay vào hạm đội và binh chủng hàng không Mỹ tại Trân Châu cảng, chiến quả huy hoàng.” Cả nước Nhật chìm trong không khí hân hoan chiến thắng. Những kẻ cuồng chiến tung hô “Đế Quốc muôn năm”. Riêng đại tướng Yamamoto thì bình thản nói với các tướng sĩ đến chúc mừng ông: “Chúng ta chẳng qua chỉ đánh thức được một gã khổng lồ đang ngủ say mà thôi !”

Trận đánh úp Trân Châu cảng do Yamamoto vạch kế hoạch được coi là một trận thắng kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới. Tuy vậy, xét về mặt quân sự, Nhật cũng phạm những sai lầm lớn. Do hạn chế thời gian tấn công trong 1 ngày và phạm vi ném bom rất hẹp, vì vậy các mục tiêu chiến lược quan trọng (như tàu sân bay) của Mỹ đều còn nguyên vẹn; Nhật đã bỏ qua cơ hội tuyệt hảo này để tấn công tiếp các mục tiêu khác, do đó Mỹ nhanh chóng phục hồi tinh thần chiến đấu. Trên đường về, hạm đội Nhật với lý do thời tiết xấu đã không tấn công đảo Midway, mặc dù Yamamoto có hạ lệnh, do đó trong trận Midway tháng 6.1942, Nhật bị thiệt hại nặng.

Thực ra Trân Châu Cảng không phải là trận mở màn Đại chiến II, mà trước đó gần 2 giờ, Nhật đã tấn công Malaysia và đổ bộ miền Nam Thái Lan nhằm thực hiện mục tiêu chính là Nam Tiến, vì chỉ có chiếm Đông Nam Á, Nhật mới cướp được nguồn dầu mỏ, cao su v.v... phục vụ chiến tranh. Trở ngại Nam Tiến là các căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng, Philippines và hạm đội Viễn Đông của Anh đóng tại Singapore. Bởi vậy, Nhật đồng thời tấn công các mục tiêu đó.

Philippines là nơi đóng Đại Bản doanh của G. Marshall Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Viễn Đông, có các đơn vị lục quân và một hạm đội. Marshall rất chủ quan coi thường Nhật, ngay cả khi biết Trân Châu Cảng bị ném bom. Trưa 8.12, khi 500 máy bay Nhật cất cánh từ Đài Loan ập tới đây, Marshall mới ngã ngửa ra. Sân bay Clark bị ném bom hơn 60 phút. 55 trong số 72 máy bay Mỹ tan xác; phía Nhật mất có 7. Ngày 10, Nhật lại ném bom 2 giờ liền căn cứ hải quân Jami gần trụ sở của Marshall. Trong 1 tuần, gần hết lực lượng không quân Mỹ ở Philippines bị diệt, chỉ còn vài chiếc máy bay ném bom B-17 kịp sơ tán sang Úc, hạm đội châu Á của Mỹ cũng rút đi. Vài tuần sau, Nhật đổ bộ Philippines, ngày 2.1.1942 chiếm thủ đô Manila. Quân Mỹ rút về bán đảo Bataan cố thủ. Ngày 9.4, sau 3 tháng chống cự, 75 nghìn lính Mỹ ở Bataan đầu hàng. Ngày 7.5, Nhật chiếm xong Philippines.

Ngày 10.12.1941, máy bay Nhật cất cánh từ Sài Gòn phát hiện và tấn công dữ dội hạm đội Viễn Đông của Anh có căn cứ tại Singapore. 2 thiết giáp hạm Anh bị đánh chìm, 840 lính Anh thiệt mạng, kể cả đô đốc Philip Tư lệnh hạm đội. Trong đó, thiết giáp hạm “Hoàng tử xứ Wales” hiện đại nhất của Anh – kỳ hạm của hạm đội Viễn Đông, từng được dùng để Churchill và Roosevelt ký Hiến chương Đại Tây Dương nổi tiếng hồi tháng 8.1941– bị chìm là thất bại đau nhất của hải quân Anh.

Tiếp đó, Nhật tiến xuống Indonesia. Tại đây đã diễn ra các trận đánh ác liệt với quân Mỹ-Anh-Úc, kết quả Nhật đều thắng. Ngày 1.3.1942, Nhật đổ bộ đảo Java, sau đó chiếm nốt các đảo còn lại. Ngày 12.3, Tổng đốc Indonesia đầu hàng Nhật.

Nguồn : sưu Tầm
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top