Chia Sẻ Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ

Trang Dimple

New member
Xu
38
Ngày 15-8-1945, giữa cao trào của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Nhật đầu hàng Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ). Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế bắt đầu phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại thoái vị được giao cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đảm trách.

Ngày 17-8, Bảo Đại ban hành dụ số 105 chấp nhận bàn giao chính quyền cho Việt Minh, song vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách mời các các lãnh tụ Việt Minh về Huế thiết lập nội các mới. Chiều ngày 22-8-1945, Bảo Đại nhận được một bức điện tín từ Ủy ban Dân tộc Giải phóng với nội dung: “Trước ý chí đồng nhứt của toàn thể dân chúng Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn nền dộc lập quốc gia, chúng tôi thành kính xin đức Hoàng đế hãy làm một cử chỉ lịch sử để từ bỏ ngai vàng”.

Như vậy, trước cao trào của cuộc cách mạng, nhân dân đã chọn cho mình con đường đi theo cách mạng. Bảo Đại phải chọn cho mình con đường hòa hợp với chính số mệnh của toàn thể nhân dân. Nếu như tháng 3-1945, sự tồn vong của lịch sử đất nước đòi hỏi Bảo Đại ở ngôi thì tháng 8-1945, cũng vì sự tồn vong của đất nước, Bảo Đại phải đi theo nhân dân. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn quyết định thoái vị, như nhân dân đã đòi hỏi. Là hoàng đế, Bảo Đại đã dấn thân cho nền độc lập và thống nhất của tổ quốc, cho nên không thể đi ngược lại con đường đã mở ra cho đất nước. Bảo Đại gửi điện tín cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi vì sự nghệp chung và yêu cầu người của Ủy ban sớm đến Huế để nhận bàn giao. Tối ngày 22-8-1945, đài phát thanh Huế vang lên lời tuyên bố thoái vị của nhà vua: “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cũng một lòng hy sinh như Trẫm”.
bảo đại thoái vị.jpg

Đêm ngày 22-8, với sự trợ giúp của Hoàng thân Vĩnh Cẩn, Bảo Đại soạn Tuyên ngôn thoái vị. Sáng 23-8, Huy Cận và Trần Huy Liệu đến cung điện để tiếp thu bàn giao. Trần Huy Liệu hội ý với Huy Cận rồi bày tỏ mong muốn Bảo Đại tổ chức một buổi lễ vắn tắt công khai tuyên bố cho mọi người được biết. Ngày 25-8, Tuyên ngôn thoái vị của Bảo Đại được công bố và vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn sẽ làm lễ thoái vị vào ngày 30-8 ở Ngọ Môn, chính thức chấm dứt nhà Nguyễn và chế độ quân chủ ở Việt Nam.

Sáng 27-8-1945, Phái đoàn Chính phủ lâm thời lên đường từ Hà Nội vào Huế tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại. Phái đoàn do Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, cùng với hai thành viên là Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng.

+ Ủy ban Dân tộc Giải phóng được bầu ngày 7-8-1945 nhằm lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó chuyển Ủy ban Dân tộc Giải phóng thành Chính phủ Cách mạng lâm thời.

+ Trần Huy Liệu (1901-1969) bấy giờ là Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Nguyễn Lương Bằng (1904-1979) lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, Thường trực Ủy ban Dân tộc Giải phóng. Cù Huy Cận (1919-2005, Hà Tĩnh) bấy giờ là Ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng.

Sáng ngày 29-8, đoàn tới Mỹ Chánh (phía Nam thị xã Quảng Trị), Tố Hữu – bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế ra đón. Gần trưa, đoàn tới sân vận động Chợ Cống (phía Đông kinh thành Huế) trước sự chào đón của khoảng 4 vạn đồng bào. Đổng lý văn phòng triều đình Huế Phạm Khắc Hòe chuyển lời Bảo Đại mời phái đoàn vào tiếp kiến. Bảo Đại bày tỏ sung sướng được tiếp phái đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời, Trần Huy Liệu cũng bày tỏ vui mừng vì nhà vua đã chấp nhận thoái vị. Bảo Đại đề nghị với phái đoàn ba nguyện vọng: một là xin Chính phủ cách mạng không phân biệt đối xử với mọi người trong Hoàng gia và quan lại trong triều, hai là xin Chính phủ tạo điều kiện cho cách quan lại trong triều được tham gia vào những công việc của đất nước tùy khả năng và hoàn cảnh của từng người, ba là xin Chính phủ đối xử với lăng tẩm, đền miếu của triều Nguyễn cho có sự thể.

Chiều ngày 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Đại được chính thức tổ chức ở Ngọ Môn trước sự có mặt của 5, 6 vạn đồng bào Huế. Đi cùng nhà vua có Phạm Khắc Hòe và Hoàng thân Vĩnh Cẩn. Bảo Đại bận triều phục đại lễ, đọc lời tuyên bố thoái vị. Lá cờ quẻ ly của triều đình trên đỉnh Ngọ Môn được hạ xuống, thay bằng lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng. Bảo Đại làm lễ trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời, chính thức trở thành một công dân bình thường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chiếc kim ấn truyền quốc Bảo Đại trao cho đại diện Chính phủ lâm thời làm bằng vàng ròng, nặng gần 10kg, Trần Huy Liệu vốn sức yếu phải gồng lên mới cầm nổi. Quốc kiếm của nhà vua vỏ ngoài dát vàng nạm ngọc, Huy Cận thuận tay rút kiếm ra xem, ai dè bên trong lưỡi kiếm đã bị rỉ, Huy Cận hồn nhiên nói vào micro: “Thưa đồng bào, kiếm nhà vua rỉ hết rồi!” – mọi người và Bảo Đại đáp lại bằng một trận cười giòn giã.

Nền độc lập dân tộc từ tháng 8-1945 được Bảo Đại tuyên hô “Muôn năm!” trong lời cuối của Tuyên ngôn thoái vị khác hẳn với nền độc lập mà cũng chính ông đã tuyên cáo trong dụ ngày 11-3-1945 cùng với lời cam kết sẽ hợp tác toàn tâm toàn ý với Đế quốc Nhật Bản. Cuối cùng, Bảo Đại đã nhận ra nền độc lập thật sự khác hẳn với nền độc lập được Nhật “trao trả” trong bối cảnh Nhật đảo chính Pháp để giành quyền kiểm soát Đông Dương. Đây là một cố gắng cuối cùng của Nhật trước khi thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến với lực lượng Đồng minh.

Ý nghĩa của sự kiện vua bảo đại thoái vị

Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến tồn tại hơn 10 thế kỷ, đồng thời cũng gián tiếp công nhận tính hợp pháp của chính quyền dân chủ nhân dân. Với việc tuyên bố tự nguyện thoái vị, Bảo Đại buộc phải nhận ra và thuận theo sức mạnh không thể chống lại của nhân dân trong cuộc cách mạng mang ý chí của toàn dân tộc. Cuộc cách mạng của toàn dân đã thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng dân chủ của toàn dân. Bước ngoặt này đã làm nên sự khác biệt căn bản về bản chất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc.

Sự thoái vị của Bảo Đại cũng đã góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám bởi sự yên bình hiếm có khi quyền lực chính quyền chuyển về tay nhân dân. Trong công cuộc giải phóng dân tộc, chống ách phong kiến, cách mạng ở đâu nếu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua (Pháp), có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong nhiều năm. Nhưng, nước Việt Nam vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối để mưu cầu nước nhà được độc lập. Sự kiện Bảo Đại thoái vị đã đặt dấu mốc hoàn thành mục tiêu của cuộc đấu tranh gian khổ suốt 87 năm (1858-1945) của dân tộc: phản đế quốc, bài phong kiến, diệt phát xít.

Bảo Đại sau ngày thoái vị

Sau khi thoái vị, tháng 9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là một thành viên trong Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tháng 1-1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa dầu tiên. Không lâu sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Vĩnh Thụy thay mặt Chính phủ đi một chuyến qua Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ để giới thiệu chế độ mới, vận động họ công nhận nước Việt Nam độc lập. Cố vấn Vĩnh Thụy ra nước ngoài ngày 16-3-1946. Dù được Hồ Chủ tịch rất tin tưởng, song Vĩnh Thụy vốn là người nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẫy của mật thám Pháp nên ông đã bị Pháp mua chuộc, trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, Vĩnh Thụy vẫn không giấu được những tình cảm tốt đẹp về Bác Hồ, về kháng chiến.

Bảo Đại qua lời kể của A.13

Nguyễn Văn Hoàng (bí danh A.13, quê Bình Dương) là một điệp viên của cách mạng được Quốc trưởng Bảo Đại tin dùng [sau khi bị mua chuộc, thực dân Pháp xây dựng chính quyền bù nhìn, đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng từ năm 1949; Nguyễn Văn Hoàng lúc bấy giờ được cách mạng giao nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo từ trong lòng địch]. Trong một lần tiếp xúc năm 1950, Bảo Đại không ngại ngần chia sẻ với A.13: “Tôi đã từng sống cạnh Cụ Hồ, nghe Cụ nói chuyện, cùng Cụ đi công cán hay chủ tọa nhiều phiên họp nội các, từng chứng kiến đức độ của Cụ, coi Cụ như cha và cũng được Cụ thương yêu như con. Những điều đó đã để lại trong lòng tôi không ít kỷ niệm đẹp, và có thể nói nó chi phối không ít những việc làm của tôi kể từ ngày tôi xa Cụ tới nay”.

Cuối tháng 9-1945, với sự hỗ trợ của quân Anh, Pháp tái xâm lược Việt Nam. Năm 1947, nhằm xây dựng một chính quyền đối lập với chính phủ cách mạng, thực dân Pháp cùng các lực lượng, phe phái chính trị thành lập Mặt trận thống nhất Quốc gia Liên hiệp. Cũng trong năm đó, Pháp cùng Bảo Đại ký Hiệp ước Vịnh Hạ Long vào ngày 7-12 về việc thành lập Quốc gia Việt Nam và mời Bảo Đại làm Quốc trưởng. Từ đầu tháng 3-1949, Bảo Đại trở thành người đứng đầu Quốc gia Việt Nam.

_____________________________

PHỤC LỤC: Tuyên ngôn thoái vị (Chiếu thoái vị) của Bảo Đại

Chiếu rằng:

Hạnh-Phúc của dân Việt-Nam

Độc-Lập của nước Việt-Nam

Muốn đạt mục-đích ấy, Trẫm đã tuyên bồ sẵn-sàng hy-sinh hết thảy, và muốn rằng sự hy-sinh của Trẫm phải lợi ích cho Tổ-quốc.

Xét tới sự đoàn-kết toàn-thể quốc-dân trong lúc này là điều tối cần thiết, Trẫm đã tuyên-bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi trong giờ nghiêm-trọng của Lịch-Sử Quốc-Gia: Đoàn-Kết là sống, Chia rẽ là chết.

Nay thấy nhiệt-vọng dân-chủ của quốc-dân Bắc-Bộ lên cao, nếu Trẫm cứ yên vị đợi một Quốc-Hội thì e rằng khó tránh được sự Nam-Bắc tương tàn, đã thống khổ cho quốc-dân lại thuận-lợi cho người ngoài lợi dụng.

Mặc dầu Trẫm đau đớn nghĩ đến công lao Liệt-Thánh đã vào sinh ra tử đã gần 400 năm để mở mang non-sông đất nước từ Thuận-Hoá tới Hà-Tiên. Mặc dầu Trẫm buồn rầu nghĩ tới 20 năm qua Trẫm ở trong cái cảnh không thể thi-hành được việc gì đáng kể cho nước nhà như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả-quyết thoái-vị nhường quyền điều-khiển quốc-dân cho Chính-phủ Dân-Chủ Cộng-Hoà.

Sau khi thoái-vị, Trẫm chỉ mong ước có 3 điều:

– Đối với Tôn-Miếu và Lăng-Tẩm của Liệt-Thánh Chính-phủ mới nên giữ-gìn cho có trọng thể.

– Đối với các đảng-phái đã từng tranh-đấu cho nền Độc-Lập Quốc-Gia nhưng không đi sát phong-trào dân-chúng, Trẫm mong Chính phủ mới ôn hoà mật-thiết xử-đối để những phần-tử ấy cũng có thể góp sức kiến-thiết quốc-gia và để tỏ ra rằng chính thể mới xây đắp trên sự đoàn-kết của toàn thể quốc-dân.

– Trẫm mong tất cả các đảng phái, các giai-từng xã-hội, các người trong Hoàng Tộc nên hợp nhất ủng-hộ triệt-để Chính-phủ Dân-chủ để giữ vững nền Độc-Lập nước nhà.

Riêng Trẫm trong 20 năm Ngai vàng Bệ-ngọc, đã biết bao lần ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước Độc-Lập, quyết không để ai lợi-dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của Hoàng-Gia mà lung-lạc quốc-dân nữa.

Việt-Nam Độc-Lập muôn năm!

Dân-Chủ Cộng-Hoà muôn năm!

Khâm Thử: BẢO ĐẠI.

_________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nghiêm Kế Tổ (1954), Việt Nam máu lửa, NXB Mai Lĩnh, Sài Gòn.
  2. Bảo Đại (1990), Con rồng Việt Nam – Hồi ký chính trị 1913-1987, NXB Xuân Thu.
  3. Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung (2015), Cách mạng tháng Tám vá sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
  4. Lê Thái Dũng (2016), Những chuyện thú vị về các vua triều Nguyễn, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  5. Những ngày làm vua cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại – Kỳ 2: Thông điệp gửi tướng De Gaulle, Báo điện tử Thanh niên, http://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-n...-2-thong-diep-gui-tuong-de-gaulle-604356.html, truy cập ngày 15/8/2017.
Nguyễn Trọng Lạc
 
Ngày 17.8.1945, nhà vua triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời và quyết định gửi thông điệp đến người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật Bản. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại viết: “Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi”.
bao-dai-d_wgay.jpg



Ngày 17.8.1945, nhà vua triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời và quyết định gửi thông điệp đến người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật Bản. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại viết: “Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi”.

Huế tháng 8
Sang đầu tháng 8, những người Pháp bị người Nhật bắt giam trong nhà lao được chuyển về Mang Cá giam chung với tù binh. Họ chủ yếu là nhân viên Sở Mật thám mà người Nhật coi là những phần tử nguy hiểm.
Ngày 8.8, có khoảng 150 tù binh là sĩ quan Pháp giam ở Mang Cá bị giải vào Sài Gòn đi qua trước cửa khách sạn Morin. Số lớn khác chia thành nhiều toán đi ngả khác ra ga Huế.
Sau khi tù binh được chuyển đi, kiều dân Pháp ở Huế cảm thấy như bị bỏ rơi. Khu phố Tây càng thêm vắng. Rồi có tin người Mỹ đã ném bom nguyên tử trên đất Nhật. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki có lẽ đã biến thành tro bụi. Một tin đồn khác mau chóng ập tới: Việt Minh đã làm chủ phần lớn lãnh thổ miền Bắc, đã hạ quân lệnh khởi nghĩa.
Mới ra mắt quốc dân được mấy tháng, ngày 5.8, Nội các Trần Trọng Kim xin từ chức: 3 bộ trưởng xin từ nhiệm, Bộ trưởng Vũ Ngọc Anh qua đời vì trúng bom máy bay Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bất lực, không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật đồng ý.
Vua Bảo Đại chấp nhận cho Thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức nhưng yêu cầu thủ tướng ở lại lập nội các mới. Giao nhiệm vụ xong, theo thường lệ, nhà vua tiếp tục đi săn ở mạn Quảng Trị.
Việc lập nội các mới gần như vô vọng. Thủ tướng Trần Trọng Kim cố sức liên hệ, tiếp xúc, vận động các nhân sĩ, trí thức nhưng họ đều khước từ cộng tác.
Cùng thời gian đó, nhà vua được người Nhật trao lại các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam kỳ thuộc địa. Ngày 14.8, Bảo Đại ra sắc chỉ giao Nguyễn Văn Sâm sung chức Khâm sai Nam bộ. Quan Khâm sai đại thần chưa kịp lên đường thì hôm sau, ngày 15.8 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh.
Thủ tướng Trần Trọng Kim cáo bệnh. Ông nói bị tăng huyết áp và không ra khỏi nhà.
Một không khí u ám bao trùm lên cả Đại nội. Hoàng hậu Nam Phương triệu tập Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đến gặp. Ông Hòe kể lại: Bà lo lắng về chiều hướng phát triển của tình hình, chán nản than vãn về đức vua vẫn chứng nào tật ấy, say mê chơi bời, cờ bạc, săn bắn... Bà hỏi xem có cách nào “cứu vãn tình hình” được không?
Thông điệp gửi nước Pháp “với tư cách người bạn”
Ngày 17.8, quần chúng Hà Nội hạ cờ quẻ ly, dựng cờ đỏ sao vàng, biến cuộc mít tinh của Tổng hội công chức Đông Dương ủng hộ nhà vua thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Hai ngày sau, quần chúng Hà Nội chiếm dinh Khâm sai Bắc bộ, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.


Lúc này, vua Bảo Đại quyết định hành động. Cùng ngày 17, nhà vua triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời, ra quyết định: nhà vua gửi thông điệp đến những người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa, kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật Bản. Trong thông điệp gửi tướng De Gaulle có đoạn viết:
“Tôi nói với nhân dân nước Pháp, nơi tôi đã sống thời niên thiếu, tôi muốn nói với tư cách một người bạn, chứ không phải người đứng đầu nhà nước.
Các vị đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm đầy tang tóc dưới chế độ chiếm đóng, nên không thể không hiểu rằng dân tộc VN có hai mươi thế kỷ lịch sử đầy vinh quang trong quá khứ, không muốn và không thể chịu đựng được nữa bất kỳ một sự đô hộ nào, của nước ngoài.


Các vị sẽ hiểu rõ hơn nếu các vị có thể chứng kiến những sự kiện đang diễn ra ở đây, thấy rõ ý nguyện độc lập của nhân dân VN đã ấp ủ tận đáy lòng và không một sức người nào có thể kìm nén được. Ngay dù các vị có thể lập lại trên đất nước này sự thống trị của Pháp thì cũng không có ai nghe theo: mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ của các vị sẽ là một kẻ thù, và các quan chức, các kiều dân Pháp sẽ chỉ đòi thoát khỏi bầu không khí nghẹt thở này. Mong các vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của VN, từ bỏ mọi ý nghĩ lập lại chủ quyền hoặc bất cứ một hình thức cai trị nào của nước Pháp trên đất nước này. Chúng ta có thể dễ dàng thỏa thuận với nhau nếu các vị từ bỏ ý định trở lại làm ông chủ của chúng tôi”.

Khi đó, tướng De Gaulle, người đứng đầu nước Pháp đang ở Washington để hội kiến với Tổng thống Truman. Lúc này, Tổng thống Mỹ dứt khoát công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Vì vậy, lập trường của De Gaulle là không thể chấp nhận Đông Dương độc lập. Người đứng đầu nước Pháp chỉ tuyên bố: “Do thái độ trước kẻ xâm lược và trung thành với nước Pháp, dân chúng Đông Dương xứng đáng được sống sung túc và tự do hơn”.
Như thế là nước Pháp không có ý định trao trả độc lập cho VN.


Nguồn: Trích từ Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam
(tác giả Daniel Grandclément)

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top