Trang Dimple

New member
Xu
38
NGHĨA CỦA T
1. Các ý kiến khác nhau về nghĩa của từ.

Nghĩa của từ là một vấn đề phức tạp, đã có hàng trăm ý kiến khác nhau về nó. Tựu trung có ba khuynh hướng.

1.1 Khuynh hướng coi nghĩa của từ là bản thể gồm các ý kiến chính sau:

a. Nghĩa của từ là đối tượng, là bản thân các sự vật, hiện tượng đang diễn ra trong thực tế khách quan. Thí dụ nghĩa của từ gà là con gà, nghĩa của từ nhà là cái nhà, nghĩa của từ nói là hoạt động nói... Quan điểm này bị phê phán bởi nó đã đồng nhất ngôn ngữ và thực tế khách quan. Nó dẫn ta đến một kết luận vô lí là nghĩa của từ cũng có thể bị chết, bị cháy, bị ngừng... như bản thân đối tượng.

b. Nghĩa của từ là sự phản ánh đối tượng trong thực tế khách quan vào trí não con người. J. Marouzeau cho rằng: Nghĩa của từ có thể xem là tổng hợp những biểu tượng được thể hiện bằng sự phát âm của từ mang biểu tượng ấy (1). R. Carnap trong tập Nghĩa và sự cần thiết (Meaning and Necessity) cho rằng nghĩa của từ là khái niệm, những khái niệm về sự vật, hoạt động, tính chất, số lượng, quan hệ... Nhưng biểu tượng, khái niệm... thuộc phạm trù tư duy, còn nghĩa của từ thuộc phạm trù ngôn ngữ. Tuy tư duy và ngôn ngữ có quan hệ khăng khít nhưng vẫn là hai thực thể khác biệt. Quan niệm nghĩa của từ là biểu tượng hay khái niệm chính là một biểu hiện của sự nhận thức chưa đầy đủ về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy.

c. Nghĩa của từ là sự phản ứng phù hợp của người nghe với âm nghe được từ người nói. Quan điểm này xuất phát từ chủ nghĩa hành vi mà tiêu biểu là Moris và Bloomfield. Moris đưa ra một câu chuyện để dẫn dắt cho quan điểm của mình. Một người lái ô tô vào thành phố. Những người bên đường la ó, làm cho anh dừng xe lại. Khi dừng xe, anh thấy bên đường bị sụp lở và anh rẽ ngoặt sang hướng khác. Từ đó, ông suy ra âm thanh là tín hiệu đối với người lái xe và nó đã làm nảy sinh ở ông một hành động thích hợp. Ngữ âm của từ như là một thứ kích thích. Nó tác động đến người nghe và tạo ở người nghe một phản ứng phù hợp. Phản ứng phù hợp ấy chính là nghĩa của từ. Nói cách khác, nghĩa của từ do sự tương ứng giữa người nói và người nghe xác định. Quan niệm này được biểu thị như sau:

chuong2.gif


1.2 Khuynh hướng coi nghĩa của từ là quan hệ gồm các ý kiến chính sau:

a. Nghĩa của từ là quan hệ giữa tín hiệu và đối tượng.

Locke Jone đã trình bày mối quan hệ giữa tín hiệu và đối tượng bằng sơ đồ:

chuong3.gif


Quan điểm này không được hoàn toàn tán đồng vì trong thực tế, đối tượng luôn tồn tại ở dạng cá thể và cụ thể nhưng nghĩa của từ thì chung chung, trừu tượng, thích ứng với cả một loại sự vật.

b. Nghĩa của từ là quan hệ giữa tín hiệu, khái niệm và đối tượng, Ogden và Richard minh họa quan hệ này bằng tam giác nghĩa, trong đó nghĩa của từ là quan hệ giữa khái niệm và tín hiệu. Tương quan tín hiệu từ và sự vật chỉ là gián tiếp.

chuong4.gif


c. Nghĩa của từ còn là quan hệ giữa các từ trong hệ thống. Nhìn thấy vai trò của nhân tố hệ thống của từ vựng, V.A. Zveginxev đã sửa lại tam giác nghĩa này. Trong đó có sự coi trọng mối quan hệ giữa từ ngữ âm với sự vật trong thực tế khách quan (nét liền bên trái) và quan hệ giữa từ với các từ còn lại trong hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ. Nghĩa của từ còn do vị trí của nó trong chuỗi lời nói xác định (đàn con ( con đàn, một con ( con một, the where ( where is...).Theo E.A. Nida, Biện pháp duy nhất để xác định ý nghĩa là phải miêu tả sự phân bố của nó. (1)

chuong5.gif


Còn nhiều ý kiến tranh luận quanh vấn đề này. Có người đề nghị bổ sung vào những nhân tố như lịch sử, xã hội, người dùng, chức năng, tín hiệu học...

1.3 Khuynh hướng coi nghĩa của từ là sự kết hợp nghĩa bản thể và quan hệ

Nhà ngôn ngữ học Liên Xô Vinogradov quan niệm: Ý nghĩa của từ là nội dung có tính chất thực, được tạo ra theo quy luật ngữ pháp của một ngôn ngữ và là yếu tố trong hệ thống nghĩa chung của ngôn ngữ ấy (1). Trong quan niệm này, nghĩa của từ được xem xét về ba mặt: nội dung thực, tính quy luật về ngữ pháp, mối quan hệ của từ trong và với toàn bộ hệ thống của một ngôn ngữ.

Ngoài ba khuynh hướng trên, một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ còn mượn những khái niệm, thuật ngữ của toán học, tin học, điều khiển học... để nêu lên các quan niệm khác nhau về nghĩa của từ.

2. Một cách hiểu về nghĩa của từ.



Ta đã biết, từ là một loại kí hiệu đặc biệt, chứa trong nó nhiều mối quan hệ hơn tất cả các loại kí hiệu lấy âm thanh làm cái biểu đạt. Do vậy nghĩa của từ, cái được biểu đạt trong từ là một phức thể, có được nhờ sự tổng hợp các mối liên hệ của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài ngôn ngữ. Nhân tố bên trong là toàn bộ những quan hệ về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp diễn ra trong lòng hệ thống ngôn ngữ. Nhân tố bên ngoài là toàn bộ sự vật hiện tượng của thế giới khách quan, kể cả thế giới nội tâm của con người như tư duy, ý niệm hay khái niệm. Ðỗ Hữu Châu quan niệm:

(...) nghĩa của từ là một thực thể tinh thần cùng với phương diện hình thức lập thành một thể thống nhất gọi là từ. Các thực thể tinh thần đó hình thành từ một số nhân tố, không đồng nhất với những nhân tố đó nhưng không có những nhân tố này thì không có nghĩa của từ. Các nhân tố tự mình chưa phải là nghĩa, ở bên ngoài nghĩa nhưng để lại những dấu vết trong nghĩa, góp phần nhào nặn nên nghĩa của từ. Nói một cách khác, nghĩa của từ là hợp điểm, là kết quả của những nhân tố và tác động giữa những nhân tố tạo nên nghĩa. Trong số những nhân tố đó, có những nhân tố ngoài ngôn ngữ và có những nhân tố nằm trong ngôn ngữ (1).

Dưới đây là các mối quan hệ có liên quan và các thành phần nghĩa của từ.

2.1 Quan hệ từ - sự vật và nghĩa biểu vật của từ

Thực tế khách quan chính là cơ sở của ngôn ngữ, của hầu hết các loại nghĩa. Trong quan hệ với sự vật, từ có khả năng gọi tên và gợi lên sự vật hiện tượng trong thực tế khách quan. Các danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, số từ có đầy đủ khả năng này. Riêng đại từ tuy có khả năng ấy nhưng phụ thuộc vào tình huống. Nghĩa là, đại từ trong những tình huống khác nhau có thể hàm chỉ những sự vật khác nhau. Thành phần nghĩa gọi tên, hàm chỉ sự vật, hiện tượng, hành động, thuộc tính ấy trong ngôn ngữ gọi là nghĩa biểu vật (denotative meaning). Nói khác đi, ý nghĩa biểu vật là sự phản ánh sự vật, hiện tượng... trong thực tế vào ngôn ngữ. Ðó là những mẩu, những mảnh, những đoạn cắt của thực tế nhưng không hoàn toàn trùng với thực tế (1). Nó còn được gọi là nghĩa sở chỉ.

Nói từ và sự vật có quan hệ, không có nghĩa là từ vựng là một bảng tên gọi, có bao nhiêu sự vật trong thực tế thì có bấy nhiêu từ gọi tên tương ứng trong ngôn ngữ, không có nghĩa là các từ trong các ngôn ngữ khác nhau đồng nhất về nghĩa biểu vật. Là sản phẩm của tập thể, ngôn ngữ chịu sự quy định của xã hội, bị chi phối bởi tính hệ thống của ngôn ngữ; cho nên có thể thấy có nét khác nhau trong sự phản ánh thực tế khách quan giữa các ngôn ngữ. Thí dụ: tiếng Tiệp có ba từ chỉ tay người, trong khi tiếng Anh, Pháp, Ðức lại có hai từ và tiếng Nga chỉ có một từ.

chuong6.gif


Trong tiếng Việt có sự phân biệt giữa: xách, vác, gánh, khiêng, mang, ôm, bế, cõng, địu... nhưng trong tiếng Anh chỉ có vài từ và không có sự phân biệt về cách thức hoạt động: to carry, to bring, to take, to get.

2.2 Quan hệ ngôn ngữ - tư duy và nghĩa biểu niệm của từ

Trong quá trình lao động sản xuất, con người tác động vào thiên nhiên và xã hội, đồng thời nhận thức về chúng dưới dạng các khái niệm, phán đoán, suy lí. Khái niệm phản ánh những thuộc tính chung, cơ bản của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Ngoài nhiệm vụ gọi tên sự vật trong thực tế khách quan, từ còn phản ánh những hiểu biết của con người về thực tế khách quan ấy. Thành phần nghĩa này, ngôn ngữ học gọi là nghĩa biểu niệm hay nghĩa sở biểu (significative meaning). Mối quan hệ giữa nghĩa biểu niệm và khái niệm có thể được hình dung bằng sơ đồ sau:

chuong7.gif


Các đối tượng trong thực tế khách quan có các thuộc tính. Các thuộc tính ấy phản ánh vào ngôn ngữ hình thành các nét nghĩa của từ. Tập hợp các nét nghĩa ấy trong ngôn ngữ hình thành nghĩa biểu niệm. Còn các khái niệm chỉ phản ánh các thuộc tính chung và bản chất của đối tượng. Do vậy, nghĩa biểu niệm không hoàn toàn trùng với khái niệm khoa học. Trong các lĩnh vực khoa học, nghĩa biểu niệm của các thuật ngữ có thể trùng khít với khái niệm; còn trong ngôn ngữ, nghĩa biểu niệm chỉ biểu thị những khái niệm "thơ ngộ", nó chỉ phản ánh những thuộc tính cần thiết cho sự xác lập nghĩa biểu niệm của từ theo cách riêng của từng dân tộc. Thí dụ: từ nước: là hợp chất của oxy và hydro mà trong mỗi phân tử có hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy. Còn trong đời thường, nước chỉ là chất lỏng có sẵn ở trong hồ ao, sông suối... hoặc vật có thuộc tính lỏng (chẳng hạn nước trái cây, nước mắm, nước dừa...). Sự không trùng khít giữa khái niệm và nghĩa biểu niệm còn biểu hiện ở chỗ trong hệ thống ngôn ngữ không phải từ nào cũng mang nghĩa biểu niệm. Các danh từ, động từ, tính từ mang nghĩa biểu niệm, nhưng các hư từ như phụ từ, kết từ, cảm từ không mang nghĩa biểu niệm.

Trong hệ thống ngôn ngữ, nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm có quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không trùng nhau. Nghĩa biểu vật biểu thị đối tượng sự vật còn nghĩa biểu niệm là tập hợp những nét nghĩa phản ánh những thuộc tính nhất định của đối tượng, sự vật. Theo Ðỗ Hữu Châu, sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được phản ánh vào tư duy thành các khái niệm, được phản ánh vào ngôn ngữ thành các ý nghĩa biểu vật và từ các ý nghĩa biểu vật có các ý nghĩa biểu niệm tương ứng (1) . Khi không cần có sự phân biệt rạch ròi thì nghĩa của từ chính là nghĩa biểu niệm. Phần lớn các nghĩa của các từ trong từ điển là các nghĩa biểu niệm.

2.3 Quan hệ giữa các từ trong hệ thống và nghĩa cấu trúc của từ

Các từ trong ngôn ngữ không tồn tại tách rời nhau mà tồn tại trong những mối quan hệ rất phức tạp trong nội bộ hệ thống. Thông qua những mối quan hệ nội bộ ngôn ngữ ấy, nghĩa của từ được bộc lộ và xác lập. Quan hệ giữa các từ trong hệ thống thể hiện trên hai trục: trục đối vị và trục ngữ đoạn. Mối quan hệ giữa từ với các từ trên trục đối vị làm nên nghĩa giá trị của từ còn quan hệ giữa từ với các từ khác trên trục ngữ đoạn làm nên nghĩa ngữ trị của từ. Hai loại nghĩa này được gọi là nghĩa cấu trúc của từ (structural meaning) hay nghĩa hệ thống của từ.

Trên trục đối vị, ta có thể khảo sát mối quan hệ giữa các từ trong hệ thống ở từng trường nghĩa, hay hẹp hơn, ở nhóm từ đồng nghĩa hay trái nghĩa. Việc khảo sát này giúp ta xác định được giá trị của từ. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, ứng với nghĩa biểu niệm: hoạt động + A tác động đến X + làm cho X phân rã + theo một cách thức nào đó, có nhiều từ biểu thị: cắt, chặt, xẻ, chia, bửa, chẻ, cưa, xé, bứt, chặt, hái... Giá trị của chúng không ngang nhau. Cắt" được dùng để biểu thị hoạt động làm phân rã đối tượng bằng dụng cụ, vật bị phân tách theo chiều ngang và cường độ tác động đến vật thường yếu; trong khi đó, "bửa, chặt" lại có cường độ tác động mạnh; còn "bửa", " chẻ" lại có nghĩa hoạt động làm phân rã đối tượng theo chiều dọc. Mỗi từ có giá trị biểu đạt một hành động với cách thức, cường độ, dụng cuü... tác động đến vật riêng biệt khác nhau.

Trên trục ngữ đoạn, thông qua việc khảo sát khả năng kết hợp của từ, hiểu được thói quen ngôn ngữ và tư duy của từng dân tộc, ta có một căn cứ nữa để xác định nghĩa của từ. Trong tiếng Việt, cắt chỉ một hoạt động phân chia đối tượng, do đó người ta có thể nói cắt bánh, cắt dây, cắt kiếng... nhưng đồng thời nó có thể được dùng cho những hoạt động trừu tượng, người ta có thể nói cắt hộ khẩu, cắt viện trợ, cắt quan hệ... Nhưng to cut trong tiếng Anh chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp thứ nhất mà thôi, người ta không nói: cutting relationship, cutting city district population... được. Tương tự, ta có thể khảo sát hai từ đồng nghĩa to do và to make trong tiếng Anh. To do chỉ có thể kết hợp với exercise, a favor, homework, a research... nhưng to make lại chỉ kết hợp được với an agreement, an announcement, an attempt...

Chính vì nghĩa của từ tồn tại trong hệ thống cho nên học một ngoại ngữ, một mặt cần nắm được bảng từ ngữ với các nghĩa trong từ điển, mặt khác, phải nắm được giá trị và ngữ trị của từ ngữ thuộc ngôn ngữ đó, có vậy mới tránh được sự ngô nghê, thậm chí sai sót trong việc dùng từ.

2.4 Quan hệ giữa từ với người sử dụng và nghĩa ngữ dụng của từ

Người nói, người nghe bao giờ cũng thuộc một tầng lớp, lứa tuổi, trình độ, giai cấp, địa phương, tâm trạng nhất định. Về phía người nói, từ được sử dụng thường biểu lộ tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe và với thực tế được nói tới. Ðó là nghĩa biểu thái của từ. Về phía người nghe, từ được tiếp nhận thường kèm theo liên tưởng ngữ nghĩa xa gần khác nhau làm nên nghĩa liên tưởng của từ. Thông qua từ ngữ được sử dụng, ta biết được nhiều điều về người nói. Người nghe lại làm cho nghĩa của từ phong phú thêm lên. Hai thành phần nghĩa biểu thái và nghĩa liên tưởng này làm nên nghĩa ngữ dụng của từ. Như vậy, từ trong hoạt động, ngoài thành phần nghĩa biểu vật, biểu niệm, nghĩa cấu trúc, còn có thành phần nghĩa ngữ dụng. Nghĩa biểu thái được bộc lộ qua các phụ từ tình thái và qua sắc thái khác nhau của từ được chọn dùng. Nghĩa liên tưởng của từ thường tùy thuộc vào quan hệ người nói, người nghe và vốn sống, trình độ chủ quan của người nghe nên ngôn ngữ học khó nắm bắt.

Tóm lại, từ không phải là một đơn vị biệt lập, nghĩa của từ không phải là một khối đơn nhất. Nghĩa của từ là một phức thể gồm nhiều thành tố, có thành tố nằm trong nội bộ từ , có thành tố nằm trong nhiều mối quan hệ phức tạp của hoạt động ngôn ngữ. Mối liên hệ giữa tín hiệu từ và sự vật mà nó gọi tên làm nên nghĩa biểu vật của từ; mối liên hệ giữa tín hiệu từ với tư duy làm nên nghĩa biểu niệm của từ; mối liên hệ giữa tín hiệu từ với hệ thống từ vựng, với các từ khác trên hình tuyến làm nên nghĩa cấu trúc của từ; mối liên hệ giữa tín hiệu từ với người dùng nó làm nên nghĩa ngữ dụng của từ. Các thành phần nghĩa của từ nói trên không hiện hữu như nhau trong các từ loại khác nhau của một ngôn ngữ và được bộc lộ rất khác nhau trong hoạt động. Trong các thành phần nghĩa ấy, nghĩa biểu niệm thường có vai trò tương đối quan trọng hơn. Ðó là thành phần nghĩa giàu tính xã hội nhất và thường được ghi trong các mục từ của các cuốn từ điển giải nghĩa.

3. Sự biến đổi nghĩa của từ.

3.1 Khái niệm

a. Sự biến đổi nghĩa từ là gì? Từ vựng của các ngôn ngữ lúc đầu thường thô sơ, nghèo nàn. Về sau, cùng với sự phát triển không ngừng của cuộc sống, các từ mới liên tục được đặt thêm nhiều mãi. Bên cạnh việc tạo ra các từ mới, các dân tộc đều có cách chung là dùng từ có sẵn, bổ sung, thêm bớt một vài nét nghĩa nào đấy trong các từ cũ để diễn đạt những nội dung mới xuất hiện trong cuộc sống. Việc này dựa trên cơ sở liên tưởng tương đồng hoặc tương cận giữa các sự vật, thường được lặp đi lặp lại theo hướng mở rộng dần và tạo nên hiện tượng biến đổi nghĩa của từ. Sự biến đổi nghĩa của từ là hiện tượng vỏ ngữ âm của từ không thay đổi mà nội dung của từ đổi khác đi bằng cách thêm hay bớt một vài nét nghĩa nào đấy trên cơ sở liên tưởng để từ thích ứng với một sự vật mới. Tác dụng của sự biến đổi nghĩa này là hiện tượng nhiều nghĩa, một hiện tượng hiện hữu ở mọi ngôn ngữ trên thế giới.

b. Những nguyên nhân làm biến đổi nghĩa của từ.

Sự phát triển trong đời sống nhiều mặt, quy luật tiết kiệm của việc sử dụng ngôn ngữ, sự sáng tạo trong việc dùng từ, phát triển nghĩa của từ và hiện tượng kiêng cữ của xã hội là những nguyên nhân chính dẫn đến việc biến đổi nghĩa của từ. Do mê tín dị đoan, do muốn nói bằng lời lẽ nhã nhặn, do phong tục tập quán, do quy định của kẻ có quyền uy, do nhu cầu diễn đạt mới của một chuyên ngành khoa học, của thực tế khách quan... mà nhiều dân tộc đã tìm các cách khác nhau để gọi sự vật này bằng một từ chỉ sự vật khác. Người Việt Nam gọi cọp, một con vật đáng vị nể là ông ba mươi, dùng qua đời, nằm xuống, khuất núi... để nói về cái chết, dùng chém, chặt, cắt cổ để nói việc bán giá quá cao, dùng móc bọc để nói cảnh nghèo nàn bế tắc, dùng từ nắm với nghĩa giữ một vật gì đó bằng tay để diễn đạt nội dung hiểu rõ (nắm vấn đề, nắm tác phẩm), dùng từ xuân vốn nghĩa là một mùa trong năm để nói về tuổi trẻ, người Anh, Pháp dùng từ operation/opération vốn nghĩa là sự hoạt động để chỉ cuộc hành quân trong quân sự, để chỉ cuộc giải phẫu trong y học... đều là các hiện tượng biến đổi nghĩa từ vựng của từ.

c. Chú ý: Cần phân biệt hiện tượng biến đổi nghĩa tu từ và biến đổi nghĩa từ vựng. Sự biến đổi nghĩa tu từ là sản phẩm của cá nhân, có tính chất tạm thời, lệ thuộc hoàn toàn vào văn cảnh, nó được chuyển nghĩa nhằm mục đích tạo tính hình ảnh, cảm xúc cho câu văn, sự biến đổi nghĩa từ vựng là sản phẩm của xã hội, nó có tính chất ổn định và cố định, ít lệ thuộc vào văn cảnh, có tác dụng làm giàu thêm từ ngữ mới đáp ứng nhu cầu gọi tên sự vật trong thực tế khách quan của xã hội.

3.2. Các phương thức biến đổi nghĩa của từ.

Con người ta nhận thức thế giới có thể theo lối dân dã hoặc theo con dường khoa học. Theo con đường khoa học, con người nhận thức sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan bằng khái niệm. Theo lối dân dã, con người nhận thức sự vật, hiện tượng mới bằng cách liên tưởng, đối chiếu, so sánh với sự vật cũ, xác định các nét giống nhau hoặc về hình thể hoặc về tính chất hoặc về chức năng hoặc về hoạt động hoặc về không gian, thời gian tồn tại. Sự liên tưởng tương đồng về đặc điểm, tính chất, chức năng, hình thể... của sự vật, hiện tượng trong tư duy ứng với phương thức ẩn dụ trong ngôn ngữ. Sự liên tưởng những nét gần nhau về thời gian, không gian tồn tại (liên tưởng tương cận) của sự vật, hiện tượng trong tư duy ứng với phương thức hoán dụ trong ngôn ngữ.

Ẩn dụ là sự chuyển đổi nghĩa từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật này để gọi tên sự vật khác dựa trên sự liên tưởng về nét giống nhau giữa các sự vật về tính chất, chức năng, hình thể, hoạt động...

Trong tiếng Việt, từ răng chỉ bộ phận nằm trong miệng người, dùng để nhai, được chuyển sang để chỉ những bộ phận có hình dáng tương tự như răng lược, răng cưa, răng khế . Trong tiếng Anh, từ bridle là cương ngựa, được chuyển sang để chỉ sự kiềm chế...

Phương thức ẩn dụ được chia ra thành nhiều kiểu tùy thuộc vào loại thuộc tính giống nhau giữa các sự vật như:

- Sự giống nhau về hình thức,

- Sự giống nhau về màu sắc,

- Sự giống nhau về chức năng,

- Sự giống nhau về tính chất hoặc thuộc tính...

Hoán dụ là phương thức biến đổi nghĩa của từ theo cách lấy tên gọi sự vật này để gọi sự vật khác dựa trên sự liên tưởng về nét hoặc thuộc tính gần nhau giữa các đối tượng trong không gian, thời gian. Thí dụ: Từ nhà vốn có nghĩa công trình xây dựng để ở được dùng để chỉ những người trong nhà (Một nhà sum họp trúc mai). Từ thu vốn nghĩa là một mùa trong năm được dùng để chỉ một năm (ba thu dọnlại một ngày dài ghê). Từ paper trong tiếng Anh vốn nghĩa là giấy được dùng để chỉ các sự vật ghi trên giấy như tài liệu, bài báo, bài luận.

Phương thức chuyển nghĩa hoán dụ cũng được chia thành nhiều kiểu cụ thể dựa vào các kiểu quan hệ tương cận khác nhau giữa các sự vật:

- Dựa vào quan hệ toàn thể - bộ phận,

- Dựa vào quan hệ nguyên liệu - sản phẩm,

- Dựa vào quan hệ tiếp giáp,

- Dựa vào quan hệ trước sau về mặt thời gian...

Tóm lại, có hai phương thức biến đổi nghĩa của từ, trong đó, phương thức chuyển nghĩa hoán dụ xảy ra phổ biến và có tính đồng loạt cao hơn. Sự chuyển nghĩa của từ nói chung có hướng giống nhau. Theo Stepanov, từ thiên nhiên đến thế giới nội tâm của con người, từ thân thể con người đến những phẩm chất tinh thần của họ, từ tinh thần đến thể xác, từ một hiện tượng của thiên nhiên đến một hiện tượng khác v. v... Nhưng, hướng chủ yếu của sự chuyển nghĩa ẩn dụ trong ngôn ngữ chung là từ chính con người và từ hiện thực gần gũi nhất đối với con người đến toàn bộ thế giới còn lại (1)

4. Kết cấu nghĩa của từ



4.1 Kết cấu nghĩa trong một từ. Nghĩa, trước hết là nghĩa biểu niệm, không phải là một khối bất khả phân li mà là một tổ chức có cấu trúc được hình thành bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố nhỏ hơn - các nghĩa tố (hay nghĩa vị hoặc nét nghĩa).

Nghĩa tố hay nét nghĩa được hiểu là những thuộc tính các loại của sự vật được phản ánh vào tư duy và vào ngôn ngữ như đã nói trong mục nghĩa biểu niệm của từ. Có nghĩa tố tồn tại ở rất nhiều từ khác nhau, ứng với cả một phạm trù sự vật, hiện tượng (gọi là nét nghĩa phạm trù hay phạm trù vị), có nghĩa tố tồn tại trong một số từ ít hơn tương ứng với một loạt sự vật (gọi là nét nghĩa loại hay loại vị), có nghĩa tố là thuộc tính riêng của một sự vật (gọi là nét nghĩa riêng hay biệt vị). Các nét nghĩa phạm trù, nét nghĩa loại và nét nghĩa riêng biệt có quan hệ chặt chẽ với nhau và được sắp xếp theo một trình tự nhất định, hợp lí, do đó người ta còn gọi nghĩa của từ là một cấu trúc nghĩa. Thí dụ: Trong tiếng Việt:

Chân: Bộ phận thân thể động vật + ở phía dưới cùng + dùng để đỡ thân thể đứng yên hoặc dời chỗ.

Chó: động vật + loại gia súc + có bốn chân + ăn thịt + nuôi để giữ nhà hay đi săn.

Việc phân tích để tìm ra nghĩa tố của từ là một nhu cầu bắt buộc về mặt nguyên tắc nhưng là một việc khó làm. Cho đến nay vẫn chưa có một phương pháp tối ưu để xác lập một cách đầy đủ và chính xác cấu trúc nghĩa của toàn bộ hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ .

4.2. Các kiểu nghĩa của từ đa nghĩa.

Một từ có thể có một nghĩa hoặc nhiều nghĩa. Ða nghĩa là một hiện tượng phổ biến, tất yếu trong mọi ngôn ngữ. Trong tiếng Pháp từ faire có tới 20 nghĩa, từ mettre có 4 nghĩa. Trong tiếng Anh, từ make có 14 nghĩa, nervous có 4 nghĩa. Trong tiếng Hán, từ nhất có tới 12 nghĩa... Ða nghĩa chính là kết quả của sự biến đổi nghĩa của từ. Ðó là hiện tượng cùng một hình thức ngữ âm của từ có thể thích ứng với nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau nhưng có quan hệ với nhau về nghĩa. Thí dụ: Thấp trong kích thước thấp, trình độ thấp, nhận thức thấp, sản xuất thấp, chất lượng thấp... là hiện tượng nhiều nghĩa.

Phân loại các nghĩa khác nhau trong một từ đa nghĩa, chúng ta phát hiện ra mối quan hệ giữa chúng và có cơ sở để hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ. Có nhiều cách phân loại ý nghĩa của từ đa nghĩa.

- Dựa vào tiêu chí lịch đại: nghĩa của từ đa nghĩa gồm hai loại:

Nghĩa gốc: Là nghĩa đầu tiên, vốn có đối với một từ nào đó. Thí dụ nghĩa một hành động cụ thể đưa một người nào đó cùng đi đến một nơi nào đó của từ dẫn (mẹ dẫn con đến trường).

Nghĩa phái sinh: Là nghĩa có sau được tạo nên trên cơ sở nghĩa gốc và lệ thuộc ít nhiều vào văn cảnh. Thí dụ: nghĩa hướng người khác vào một cái gì đó của từ dẫn (dẫn chương trình, dẫn thí dụ)

- Dựa vào tiêu chí đồng đại và tần số xuất hiện, nghĩa của từ gồm hai loại:

Nghĩa chính: Là nghĩa biểu vật, biểu niệm mà những người trong cùng cộng đồng ngôn ngữ thường sử dụng nhiều nhất đối với một từ nào đó, khi nó đứng một mình, ngoài văn cảnh. Nghĩa chính của từ ăn: đưa thức ăn vào miệng, nhai rồi nuốt.

Nghĩa phụ: Là nghĩa có tần số sử dụng thấp hơn, được phát triển từ một nét nghĩa nào đó của nghĩa chính, nghĩa phụ ít nhiều lệ thuộc vào văn cảnh. Thí dụ: nghĩa phụ của từ ăn: được phần hay giành thắng lợi trong cuộc thi tài nào đó (ăn cá cược), nghĩa tiêu tốn, dễ hấp thụ, hòa thấm (ăn xăng, ăn nắng, ăn ảnh)

- Dựa vào khả năng tồn tại độc lập của từ, nghĩa của từ gồm hai loại:

Nghĩa tự do: Là nghĩa có tần số xuất hiện cao nhất. Thí dụ: nghĩa nguyên liệu + kim loại + rắn + cứng + màu xám + tỉ khối 7,88 + nóng chảy ở nhiệt độ 15350 C của từ sắt (giường sắt, cầu sắt...)

Nghĩa hạn chế: Nghĩa chỉ xuất hiện hạn chế trong một hoàn cảnh nhất định. Thí dụ: Nghĩa nghiêm ngặt, cứng rắn của từ sắt (kỉ luật sắt, bàn tay sắt, bà đầm sắt).

Ðiều cần chú ý là ranh giới của các loại nghĩa trong từ không phải tách bạch, dứt khoát. Mỗi tiêu chí khác nhau có một hệ thống phân loại nghĩa khác nhau.

5. Hiện tượng đồng âm



5.1 Ðịnh nghĩa:

Hiện tượng đồng âm là hiện tượng giống nhau về ngữ âm nhưng khác nhau về ý nghĩa của nhiều đơn vị ngôn ngữ riêng biệt. Hiện tượng đồng âm có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Người ta đề cập đến các hiện tượng đồng âm ở cấp độ câu, cụm từ (The sun's rays meet đồng âm với The sons raise meat, A notion đồng âm với An ocean) nhưng phổ biến hơn cả là hiện tượng đồng âm ở cấp độ từ bởi vì đơn vị ngôn ngữ càng ở cấp độ đơn giản thì hiện tượng đồng âm càng dễ xảy ra.

Ở cấp độ từ vựng, hai từ được gọi là đồng âm khi chúng có hình thức ngữ âm giống nhau và nghĩa khác nhau. Hiện tượng đồng âm khác với hiện tượng đa nghĩa. Ở hiện tượng đồng âm, sự trùng âm mang nhiều tính chất ngẫu nhiên và giữa các nghĩa của từ không có mối quan hệ nào. Ở hiện tượng nhiều nghĩa, hình thức ngữ âm của từ không biến đổi còn nghĩa của từ thì có biến đổi, có nhiều nghĩa nhưng giữa các nghĩa của từ có quan hệ liên tưởng tương đồng hoặc tương cận. Thí dụ:

Trong tiếng Việt: đá (đá bóng), và đá (hòn đá); má (mẹ) và má (gò má).

Trong tiếng Pháp: barre (then cửa) và barres (hai mép ngựa, chỗ mắc hàm thiếc), boulette (viên nhỏ) và boulette (điều sai lầm).

Trong tiếng Anh: clap (vỗ tay) và clap (bệnh lậu), guy (gã, anh chàng) và guy (dây thừng, dây xích)...

Tuy nhiên ranh giới giữa từ đồng âm và từ đa nghĩa không tuyệt đối như hai đường thẳng song song, không có chỗ gặp gỡ. Khi một nghĩa của từ đa nghĩa bị phân hóa xa đến mức người ta khó nhận ra mối quan hệ giữa chúng, người ta có thể đẩy chúng sang hiện tượng đồng âm. Thí dụ: từ gạo và học gạo có thể xem là hai từ đồng âm. Ngoài ra theo ý kiến của nhiều nhà ngôn ngữ học, cũng nên xem là từ đồng âm ở những trường hợp chuyển nghĩa gắn liền với hiện tượng chuyển loại. Thí dụ: bào (dụng cụ) và bào (hoạt động), lift (nâng lên) và lift (thang máy). Về điểm này, có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Giải quyết chúng một cách thống nhất và toàn bộ là một yêu cầu và là một vấn đề đang còn ở phía trước.

5.2 Phân loại các từ đồng âm. Do đặc điểm riêng của từng ngôn ngữ, tình hình phân loại các từ đồng âm khá phức tạp và diễn ra khác nhau ở các ngôn ngữ trên thế giới. Có thể khảo sát một vài cách phân loại khác nhau.

· Trong tiếng Anh, người ta chia các từ đồng âm ra thành 3 loại cơ bản:

- Ðồng âm, đồng tự nhưng khác nghĩa (Homonyms): Bank: nhà băng và bank: bờ sông (I've got $50 out of the bank / We sat on the river bank and had a picnic)

- Ðồng âm nhưng không đồng tự và khác nghĩa (Homophones): Plain và plane, Sail và Sale

- Ðồng tự,û không đồng âm và khác nghĩa: tear: xé / tear : nước mắt

· Trong tiếng Việt: Căn cứ vào chỗ khác nhau về nghĩa từ vựng và phạm trù ngữ pháp, từ đồng âm tiếng Việt được chia ra làm hai loại:

- Từ đồng âm từ vựng: đường (đi)/ đường (ăn)

- Từ đồng âm từ vựng - ngữ pháp: câu (cá) / câu (nói).

Căn cứ vào nguồn gốc, từ đồng âm được chia thành ba loại:

- Từ đồng âm ngẫu nhiên

- Từ đồng âm tạo ra do sự diễn biến ngữ âm.

- Từ đồng âm tạo nên do sự phát triển và tách rời nghĩa của từ đa nghĩa.

Hiện tượng đồng âm nói chung hay từ đồng âm nói riêng là một hiện tượng khá phổ biến trong tiếng Việt. Nguyên nhân là do tiếng Việt là tiếng âm tiết tính, sự hạn chế về số lượng âm tiết và yếu tố cấu tạo từ tiếng Việt (tiếng Việt chỉ sử dụng khoảng 6.000 âm tiết làm cơ sở cấu tạo hình vị của từ). Ðiều đó lí giải tại sao trong tiếng Việt, chơi chữ là một hiện tượng đặc biệt và phổ biến.

6. Hiện tượng đồng nghĩa



6.1. Các quan niệm về từ đồng nghĩa. Kết cấu nghĩa của từ đa dạng, phức tạp. Mỗi từ bao gồm nhiều thành phần nghĩa khác nhau và trong từ lại có hiện tượng nhiều nghĩa; do vậy quan niệm về hiện tượng đồng nghĩa là một vấn đề gây nhiều bất đồng trong giới ngôn ngữ. Ðã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

- Quan niệm 1: Dựa vào ngữ cảnh, một số tác giả cho rằng từ đồng nghĩa là những từ thay thế được cho nhau trong những ngữ cảnh giống nhau mà ý nghĩa chung của ngữ cảnh không thay đổi về cơ bản. Tuy nhiên quan điểm này không giải quyết được một cách thỏa đáng hai câu hỏi sau:

1) Phải chăng tất cả các từ đồng nghĩa đều có thể thay thế được cho nhau trong một ngữ cảnh? Liệu có thể nói mồm hố, mồm hang, Hội đàn bà Việt Nam?

2) Phải chăng tất cả các từ thay thế cho nhau trong một ngữ cảnh đều là các từ đồng nghĩa? Liệu mạnh, to, nặng có là những từ đồng nghĩa trong rượu mạnh, rượu nặng, gió mạnh, gió to,?

- Quan niệm 2: Căn cứ vào đối tượng được gọi tên, một số tác giả cho rằng từ đồng nghĩa là những từ giống nhau về nghĩa biểu vật và chỉ khác nhau ở một số nét nghĩa nào đó như sắc thái biểu cảm, màu sắc, phong cách... (ba, bố, cha; mẹ, má, bầm, u... trong tiếng Việt; père, papa, mère, maman... trong tiếng Pháp). Quan niệm này có phần đơn giản và chỉ áp dụng tốt cho các từ thuộc từ loại danh từ. Với các trường hợp khác, quan niệm này tỏ ra lúng túng.

- Quan niệm 3: Dựa vào các nét nghĩa biểu niệm của từ và các nghĩa trong từ nhiều nghĩa, có tác giả cho rằng: Ðồng nghĩa trước hết là một hiện tượng có phạm vi rộng khắp trong toàn bộ từ vựng, chứ không phải chỉ bó hẹp trong những nhóm với một số có hạn những từ nhất định. Nói khác đi, đồng nghĩa trước hết là quan hệ về ngữ nghĩa, giữa các từ trong toàn bộ từ vựng, chứ không phải trước hết là giữa những từ nào đấy. Ðó là quan hệ giữa các từ ít nhất có chung một nét nghĩa. Cũng có thể nói: quan hệ đồng nghĩa bắt đầu xuất hiện khi bắt đầu xuất hiện một nét nghĩa đồng nhất giữa các từ (1) . Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nhiều mức độ tùy thuộc số lượng các nét nghĩa chung trong các từ. Mức độ đồng nghĩa thấp nhất khi các từ chỉ có một nét nghĩa chung (nét nghĩa phạm trù). Số lượng các nét nghĩa đồng nhất tăng lên thì từ càng đồng nghĩa với nhau. Mức độ đồng nghĩa cao nhất xảy ra khi các từ đó có tất cả các nét nghĩa hoặc đại bộ phận các nét nghĩa trùng nhau, chỉ khác ở một hoặc một vài nét nghĩa cụ thể nào đó (1)

Theo quan niệm này, hiện tượng đồng nghĩa có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau từ bộ phận đến hoàn toàn. Những từ đồng nghĩa hoàn toàn là những từ có nét nghĩa cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở sắc thái nghĩa nào đó mà thôi. Ðó chính là những từ đồng nghĩa thực sự.

Qua các quan niệm trên, có thể nêu lên một quan niệm tương đối về từ đồng nghĩa như sau: Từ đồng nghĩa là những từ khác âm, có cấu trúc biểu niệm giống hoặc gần giống nhau và không có nét nghĩa nào đối lập nhau.

6.2 Phân loại các từ đồng nghĩa. Căn cứ vào mức độ giống nhau của các nét nghĩa, có thể chia từ đồng nghĩa ra hai loại chính:

a. Từ đồng nghĩa hoàn toàn là những từ giống nhau ở tất cả các nét nghĩa trong cấu trúc biểu niệm. Thí dụ: máy bay/phi cơ, lợn/heo, tàu hỏa/xe lửa... Ðây là hiện tượng không có lợi cho ngôn ngữ và dần có khuynh hướng hoặc loại trừ một đơn vị ra khỏi hệ thống ngôn ngữ hoặc hình thành một nét dị biệt mới để cả hai trở thành những hiện tượng có lợi, có tác dụng làm giàu cho ngôn ngữ.

b. Từ đồng nghĩa tương đối là những từ giống nhau ở hầu hết các nét nghĩa trong cấu trúc biểu niệm, chỉ khác nhau ở một vài nét nghĩa phụ trong cấu trúc biểu niệm hay trong nghĩa ngữ dụng. Thí dụ: lạnh, rét, giá; tiết kiệm, keo kiệt trong tiếng Việt; to do, to make; to say, to tell trong tiếng Anh; tác, tố, hành... trong tiếng Hán.

Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng rất phổ biến trong các ngôn ngữ. Nó là một trong các mặt biểu hiện của sự phong phú, chính xác của một ngôn ngữ và sự nhận thức tinh tế, sắc sảo của dân tộc.

7. Hiện tượng trái nghĩa.



a. Quan niệm: Hiện tượng trái nghĩa và hiện tượng đồng nghĩa có quan hệ gần gũi và đều phức tạp. Ðã có nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này.

- Quan niệm thường thấy ở nhiều tác giảì: Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về lôgic (1). Do dựa vào khái niệm cho nên tiêu chí mối quan hệ tương liên trở thành một vấn đề cần thuyết minh và chiếm vị trí quan trọng. Thí dụ: bé, xinh trong Nhà này tuy bé mà xinh; đẹp và lười trong Cô ấy đẹp nhưng lười xuất hiện trong các cấu trúc ngữ pháp có quan hệ đối lập nhưng chúng không phải là các từ trái nghĩa vì chúng không tương liên. Nhưng tương liên là một khái niệm mơ hồ, có thể gây nhiều tranh luận khi giải quyết các trường hợp trái nghĩa cụ thể.

- Quan niệm trái nghĩa và đồng nghĩa có bản chất chung đồng thời có mặt đối lập. Cần phải thấy rằng các từ được coi là trái nghĩa điển hình thường có các nét nghĩa khái quát trong cấu trúc biểu niệm giống nhau. Chẳng hạn, các cặp từ trái nghĩa to / nhỏ - dài / ngắn giống nhau ở nét nghĩa phạm trù (đều là tính chất của vật) và nét nghĩa loại (đều là kích cỡ của vật). Nét nghĩa này có thể thay thế cho tiêu chí tương liên đã nói ở trên. Vì vậy, có thể nói như Ðỗ Hữu Châu trái nghĩa là một dạng quan hệ giữa các từ trong cùng một trường, cùng tính chất với hiện tượng nhiều nghĩa. Trái nghĩa và đồng nghĩa chỉ là những biểu hiện cực đoan của hai quan hệ đồng nhất và đối lập (2). Hiện tượng trái nghĩa xảy ra khi giữa các từ cùng trường nghĩa xuất hiện một nét nghĩa đối lập. Dài / ngắn được xem là những từ trái nghĩa vì bên cạnh hai nét nghĩa khái quát giống nhau đã nêu ở trên, chúng còn chứa đựng nét nghĩa đối lập: dài (có số đo lớn hơn so với một cái chuẩn nào đó) / ngắn (có số đo nhỏ hơn so với một cái chuẩn nào đó).

Từ đó có thể đi đến một cách hiểu về từ trái nghĩa như sau: Từ trái nghĩa là những từ có một số nét nghĩa khái quát trong cấu trúc biểu niệm giống nhau, bên cạnh đó, nổi bật lên ít nhất một nét nghĩa đối lập.

Nhưng thế nào là nét nghĩa đối lập? Trong hệ thống ngôn ngữ, tất cả các từ đều có quan hệ đồng nhất và đối lập với các từ khác trong hệ thống. Chính vì vậy, bên cạnh sự tồn tại của những nét nghĩa giống nhau, sự xuất hiện của những nét nghĩa khác nhau cũng thường xuyên và tất yếu. Vấn đề cần thiết ở đây là: để nhận diện ra hiện tượng trái nghĩa cần phân biệt cho được hai khái niệm khác nhau và đốilập. Sự xuất hiện của các nét nghĩa khác nhau không tạo nên hiện tượng trái nghĩa. Trong các từ cắt, chặt, bửa, xẻ... nét nghĩa cường độ mạnh, cường độ yếu không tạo cho các từ trở nên trái nghĩa. Trong các công trình nghiên cứu có liên quan, các tác giả trên thế giới và ở Việt Nam ( như Ch. Osgood và Ðỗ Hữu Châu) đã cố gắng tìm ra một số cặp từ mang ý nghĩa khái quát có thể dùng làm thang độ đánh giá những cặp từ trái nghĩa. Những cặp từ có thể kể ra như: cao - thấp, tốt - xấu, mạnh - yếu, phải - trái, trên - dưới, nhiều - ít, tích cực - tiêu cực, động - tĩnh... Tuy nhiên, việc áp dunûg chúng vào giải quyết từng trường hợp trái nghĩa cụ thể chưa phải đã đạt được kết quả mĩ mãn.

Trái nghĩa là hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Bên cạnh vấn đề vừa nêu, trái nghĩa có lẽ còn có liên quan đến nhiều bình diện khác như sự nhận thức logic của con người về thế giới khách quan, tư duy dân tộc, tương quan giữa đơn vị đang xét với toàn hệ thống, tính dân tộc trong ngôn ngữ... chẳng hạn có hai loạt từ đồng nghĩa sau đây:

(1): Ngay, thật thà, ngay thẳng, trung thực

(2): Gian, gian dối, dối, giả dối, gian giảo, gian trá, quanh co...

Ta thấy, giữa nhóm (1) và (2) có nhiều nét nghĩa đối lập, nhưng những cặp từ được nhìn nhận là trái nghĩa thực sự, được mọi người nhìn nhận tuyệt đối chỉ nằm ở các trường hợp sau:

Ngay/gian; Thật thà/giả dối; ngay thẳng/quanh co; Trung thực/gian trá

Nói đến ngay ít ai liên tưởng đối lập đến giả dối, cũng như nói đến gian ít ai liên tưởng đối lập đến ngay thẳng.

b. Phân loại từ trái nghĩa Từ sự khảo sát trên, ta có thể thấy hiện tượng trái nghĩa xảy ra ở hai mức độ khác nhau: trái nghĩa tuyệt đối và trái nghĩa tương đối.

· Trái nghĩa tuyệt đối (hay trái nghĩa thực sự): Ðây là trường hợp 1) Giữa các từ bên cạnh những nét nghĩa khái quát giống nhau, có chứa nét nghĩa đối lập, đó còn là các trường hợp đối lập chỉnh nhất, 2) Chúng nằm ở vùng liên tưởng nhanh nhất, mạnh nhất có tần số xuất hiện cao nhất. Nói nôm na, hễ có A là liên tưởng đối lập ngay tới B. Thí dụ:

chuong8.gif


· Trái nghĩa tương đối: Ðây là trường hợp trái nghĩa giữa các từ chỉ thoả mãn điều kiện (1) mà không có điều kiện (2), các từ nằm ở vùng liên tưởng yếu nghĩa là nói tới A ta không có sự liên tưởng đối lập ngay tới A. Thí dụ:

chuong9.gif


Trái nghĩa và đồng nghĩa là hai hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ, tuy nhiên những nghiên cứu và giải đáp về nó vẫn còn chừng mực. Những trình bày ở trên mới chỉ là những kiến thức sơ giản.

8. Trường nghĩa.



8.1 Khái niệm Trường nghĩa là một khái niệm mới, xuất hiện vào những năm 20 - 30 của thế kỉ này. Ðến nay, đã có hai khuynh hướng nghiên cứu chủ yếu:

Khuynh hướng 1: Ðại diện cho khuynh hướng này là L.Weisgerber và J. Trier. Chịu ảnh hưởng của học thuyết Humboldt cho rằng ngôn ngữ là cái phản ánh tinh thần của một dân tộc và tư tưởng của Saussure về tính hệ thống của ngôn ngữ, hai ông nêu lên quan niệm trường từ vựng là phạm vi các khái niệm mà các từ trong ngôn ngữ biểu hiện, người ta có thể tập hợp các khái niệm lại thành trường bằng các đơn vị từ vựng của ngôn ngữ từng dân tộc. Theo ông, trường từ vựng bao phủ lên trường khái niệm như một cái áo khoác hay tấm vải phủ (1). Tuy nhiên, khái niệm và ý nghĩa của từ không hoàn toàn đồng nhất. Chính vì vậy thực chất của việc tập hợp các khái niệm để lập thành các trường từ vựng của trường phái J.Trier không có liên quan gì đến ý nghĩa của từ nói riêng hay ngôn ngữ học nói chung.

Khuynh hướng 2: Khuynh hướng này gồm nhiều hướng quan niệm nhưng đều dựa vào những tiêu chí ngôn ngữ học.

· Hướng dựa vào hình thái và chức năng của từ : Dựa vào tiêu chí này, Ipsen đã thành lập các trường từ vựng - ngữ pháp. Ðây là các trường cấu tạo từ, là tập hợp các từ có cùng căn tố.

Thí dụ: measure measured measurable

measurement measuredness measureless

measurelessness measurability v.v...

Các từ trên cùng trường cấu tạo từ.

· Hướng dựa vào quan hệ ngữ pháp của từ: Theo hướng này, Muller và Porrig tập hợp các từ có đặc điểm ngữ pháp giống nhau, nghĩa là có khả năng kết hợp giống nhau với các từ khác để thành lập trường từ vựng - cú pháp. Thí dụ trường từ vựng - cú pháp gồm các từ có khả năng kết hợp ở phía trước với the hoặc a, an, hoặc this, that trong tiếng Anh; trường từ vựng - cú pháp các từ có khả năng kết hợp ở phía trước với rất, hơi, khá, khí và ở phía sau với lắm, quá trong tiếng Việt...

· Hướng dựa vào các nét nghĩa phạm trù, các nét nghĩa loại: theo hướng này, người ta dựa vào các nét nghĩa phạm trù, nét nghĩa loại để lập các trường từ vựng - ngữ nghĩa. Ðây là tập hợp các từ có quan hệ về mặt ngữ nghĩa. Thí dụ việc lập các trường từ vựng - ngữ nghĩa dựa vào nét nghĩa như màu sắc, hoặc thời gian, hoặc phương hướng, hoặc thức ăn, hoặc phương tiện đi lại trên bộ, trên nước...

· Hướng dựa vào các từ mà người nghe liên tưởng tới khi nghe được một từ nào đó. Theo hướng này, người ta lập các trường từ vựng ngữ nghĩa liên tưởng. Thí dụ, nghe từ lài, trường liên tưởng ngữ nghĩa của người Việt có thể gồm các từ sau đây: hoa, trắng trong, thơm mát, người trồng hoa, người mà bạn đã có lần gặp khi có mùi lài, những cái chỉ đẹp khi đêm xuống, kĩ nữ, gái ăn sưong...

8.2 Các loại trường nghĩa

Như đã thấy, có nhiều hướng quan niệm về trường từ vựng và ứng với các quan niệm ấy là các hệ thống phân loại trường khác nhau. Hiện nay trường từ vựng - ngữ nghĩa được quan tâm nhiều nhất. Khi nói tới trường từ vựng, người ta chủ yếu nghĩ tới ba loại trường từ vựng - ngữ nghĩa (gọi tắt là trường nghĩa) sau đây: trường nghĩa trực tuyến, trường nghĩa tuyến tính, trường nghĩa liên tưởng.

a. Trường nghĩa trực tuyến (trường nghĩa dọc) Vốn từ của một ngôn ngữî được chia thành các trường nghĩa trực tuyến (trường nghĩa dọc) thuộc nhiều cấp độ lớn nhỏ khác nhau dựa vào nét nghĩa phạm trù chung nhất đến các nét nghĩa phạm trù nhỏ hơn rồi các nét nghĩa loại, hạng và các nét nghĩa riêng biệt. Ðây là lối sắp xếp vốn từ của một ngôn ngữ theo các trường nghĩa biểu vật và biểu niệm rất có lợi cho người sử dụng. Nó tạo cơ sở cho việc soạn các từ điển không sắp xếp theo trật tự chữ cái đầu truyền thống mà theo các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

b. Trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang) Các từ trong hoạt động còn kết hợp nhau theo trật tự trước sau, nghĩa là theo chiều ngang, chiều tuyến tính. Như thế, ngoài các trường nghĩa trực tuyến lại có thể tập hợp các từ có chung khả năng kết hợp với một từ nào đó để lập nên các trường nghĩa tuyến tính của từ ấy. Thí dụ các trường nghĩa ngang của từ BÀN:

Một, hai/ vài, các, những, mọi, tất cả, mỗi... + BÀN

Làm, đóng, chế tạo, sửa, chữa, dọn, lau...... + BÀN

BÀN + này, kia, ấy, nọ/ của..., do..., để..., ở..., v. v...

BÀN + to, nhỏ, tốt, xấu/ gỗ, sắt, đá, nhựa, mi ca/ ăn, học, nước, cà phê....

c. Trường nghĩa liên tưởng Theo Charles Bally, mỗi từ phát ra là một kích thích có thể làm trung tâm của một trường liên tưởng ngữ nghĩa. Từ bò trong tiếng Pháp có thể làm nghĩa ta liên tưởng tới nhiều ý nghĩa ngoài ý nghĩa về một con bò cụ thể hay khái niệm bò với các thuộc tính đông vật có vú, loài nhai lại, có sừng, cho sữa, thịt, sức kéo... Như vậy, khi một từ được phát ra, người nghe một mặt lĩnh hội ý nghĩa của riêng từ ấy, mặt khác có thể liên tưởng tới nhiều sự kiện xã hội và cá nhân phong phú, sinh động. Toàn bộ các từ mang các ý nghĩa liên tưởng ấy họp lại thành trường liên tưởng ngữ nghĩa của từ. Lí thuyết về trường liên tưởng ngữ nghĩa có tác dụng tốt trong việc lí giải cái gọi là thơ trừu tượng của một số tác giả văn chương.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top