Tổng hợp truyện ngắn Tô Hoài

small star

Moderator
Xu
94
Mãi Rồi Cũng Đâm Quen

Ban ngày và cả ban đêm, ở ngoài phố, chốc chốc lại nghe rao "Khúc ơ! Khúc ơ!". Cái xe đạp thồ bánh khúc nóng đã kẽo kẹt lẫn vào bóng tối, vẫn còn văng vẳng... Khúc ơ.., khúc ơ... Chắc cũng chẳng mấy ai còn biết cây lá bánh khúc thế nào. Cây lá khúc, khi mùa đông tới, chi chít mọc hoang ở những thửa ruộng đồng cao bên chân tre. Lá non mốc trắng, hoa khúc li ti vàng, như hoa cải. Gió bấc đã thổi, thế là đến mùa làm bánh khúc rồi. Người trong xóm ra hái ca lá cả hoa ôm về bỏ vào cối đá giã như giã cua, rỏi trộn với gạo nếp, nhân đậu xanh với miếng mỡ lợn, nặn từng cái bánh để vào chõ đồ lên.
Người ta hay nấu ngô bung và làm bánh khúc ăn chơi vào những ngày mưa dầm rét mướt. Nhưng bây giờ các ruộng cao trồng màu quanh làng đều đã xây làm lò gạch hay đắp nền xây nhà ở cả. Có lẽ chỉ những nơi xa lắm mùa rét mướt dài ngày mới còn cây lá khúc, bánh khúc. Thế mà ở Hà Nội cứ quanh năm rao “bánh khúc”. Mùa hè nóng vãi mỡ vẫn bánh khúc, bánh khúc. Cái bánh khúc vẫn còn nhân đậu xanh như cũ, nhưng miếng nỡ đã chảy đâu mất và lá khúc thay bằng cọng rau muống già, nghiền ra.
Đáng lẽ gọi là bánh rau muống mới đúng nhưng cái tên bánh khúc đã quen và người ăn cũng chẳng biết lá khúc và lá rau muống khác nhau như thế nào, rồi cũng quen.
Ngày trước, trong bát vằn thắn (hoành thánh) nhất thiết phải rắc lá hẹ và cũng chỉ có lá hẹ làm gia vị mới nổi mùi vằn thắn. Bây giờ các vườn rau quanh thành phố chẳ ng ai trồng lá hẹ, người ta thay lá hẹ bằng lá củ kiệu, lá củ kiệu cũng lăn tăn xanh như lá hẹ. Kiệu trồng để lấy củ, củ kiệu muối, kiệu ngâm giấm ăn với thịt quay. Cây hẹ chỉ có lá, nên không "kinh tế", thế là lá kiệu thành lá hẹ.
Cô hàng vằn thắn bảo: Lá hẹ đấy! Tôi nói: “Lá kiệu thôi, không phải lá hẹ”. Thấy ông khách đứng tuổi, có vẻ “người ngày xưa" cô bán hàng cười hiền lành: "Nói thực, cháu cũng chẳng trông thấy cái lá hẹ bao giờ. Khách có hỏi, cháu cứ nói bừa là lá hẹ, người ta cũng ăn tất!”. Tôi cũng ăn tất, tôi ăn lá kiệu đã lâu, hôm ấy hỏi chơi thế thôi. Còn như bây giờ muốn biết mặt lá hẹ có lẽ phải lên tận các làng người Nùng ở huyện Chợ Rã cạnh hồ Ba Bể ngoài sân ảng mỗi nhà bắc một mảnh vầu trong trồng mấy khóm hẹ, đôi khi ngắt vào ăn với tiết canh lợn. Nhung ai mà cất công đi và về mấy trăm cây số lên hồ Ba Bể, lên thác Bản Giốc hái vài lá hẹ về bỏ vào bát vằn nhắn.
Cái lá mùi tầu vốn là cỏ, lên Tam Đảo thấy có này mọc từng đám khắp các bãi. Bây giờ người ta ăn phở ở Hà Nội thích lá mùi tầu hơn cả húng Láng lai húng Sơn Tây và rau mùi. Ở Sài gòn khách ăn bỏ cả cành lá mùi tầu vào bát phở. Tài thật không biết từ bao giờ ông tổ sư nghề rau nào đã hoá phép biến cái cỏ thành cái rau và đặt tên nó là mùi tầu
Rau cũng như cỏ, rau cỏ mà, rau thế thì thịt cũng đại khái thế. Mấy năm trước, người ta ăn thịt vịt chỉ chén tiết canh vịt, khinh thịt ngan chê thịt ngan tanh, xương ngan rắn. Bây giờ thịt ngan đã lên ngôi, các quán đã treo bảng: phở ngan, miến ngan, cháo ngan tiết canh ngan. Người vào ăn đông lắm.
Có gì đâu, chỉ vì ngan thì nuôi đàn, ngoài chợ có ngan bán quanh năm. Còn vịt lệ thuộc vào mùa vụ cấy hái, ruộng gặt quang rồi mới thả vịt và vịt chỉ được ra đồng khi ruộng xếp ải, cày bừa, cho nên con vịt ra chợ có lứa, không phải lúc nào cũng sẵn. Bây giờ người ăn sáng, người ăn tối lắm quá, các nhà hàng làm ảo thuật cho vịt biến thành ngan, thực khách xơi tuốt.
Một hôm, tôi ăn phở trưa, một hàng phở bình thường ngoài phố. Đã qua lúc đông khách, cửa hàng vắng không còn ai. Một cái xe máy tã thủa xe "cá vàng" phành phạch đỗ. Một người mũ cát, áo ka ki như ở trong làng ra, anh ta bê vào một túi ai lông, đổ ra hai cái rổ sảo thịt và xương bò.
Người bán thịt đã đi rồi, tôi hỏi chủ quán:
- Xương trâu hay xương bò?
Chủ quán chép miệng:
- Lẫn lộn cả, trâu hay bò thì cũng thế.
Tôi nói đùa:
- Mày vẫn cho tao ăn phở thịt trâu à?
Anh ta cười:
- Ai lại dám hỗn với ông, ông đã ăn các thứ phở ở phố này từ thời còn sống phở Chí với cà phê Hoà ở gốc si kia mà.
Tôi không được dị tướng như bác Nguyễn, mà nhà hàng cũng nhớ, kể cũng quý.
Thế rồi anh ta tồng tộc ruột ngựa nói luôn với khách thân:
- Chẳng phải chỉ thịt trâu mà thịt ngựa cũng có. Trâu già, ngựa ốm ngựa què, bọn lò mổ tận trong Thanh Oai đem ra đây cũng thành thịt bò cả.
- Thế khách có biết không?
Anh hàng phở kêu lên:
- Ối giời ôi, bây giờ người ta ăn như mưa rào. Mà cái gì cũng đâm ra quen hết.

Tô Hoài
 
Cõi đất hoang cuối làng Hạ ngay bên bãi tha ma. Chỗ đất trống ấy bỏ um tùm vì nhà nào có mồ mả cũng không muốn để sát vào luỹ tre bên xóm có người ở trong. Chỗ này mọc lên những bụi cây ké, cây lá cối xay, cây dướng và bụi lau. Đôi khi, con trâu đi qua quơ mõm chẳng có cỏ rả nhai được, lại lảng ra.
Thế mà vẫn có người ở. Chỗ tận cùng nào chẳng có người ở. Nhưng trong làng không bao giờ coi đấy là xóm, là ngõ, kẻ đến kẻ đi không biết thế nào. Chỉ những người lưu lạc đến đây ngụ cư, trai tráng không có tên trong sổ đinh, không được đóng hàng giáp. Thằng mõ làng còn được chia phần ngồi một mình ngoài cửa, chứ người ngụ cư thì chưa được bằng cu mõ. Ấy thế nhưng hàng năm khi nước sông Cái lên to, trên phủ sức về lấy đinh đi hộ đê thì ông phó lý lại tróc đến cái xóm hoang này. Mày đến nương nhờ đây, mày uống nước giếng đầu làng đây thì mày phải làm thân con lừa cõng việc quan sai. Lão ta trôi giạt đến bãi hoang từ bao giờ. Người ta gọi lão là lão, tên lão là lão hay đấy là cái tiếng để gọi người già mà lão già từ khi nào lão cũng không nhớ.
Chẳng mấy lúc đã đến ba mươi tháng chạp. Phiên chợ áp Tết, tiếng à à chợ búa nháo nhác đằng cây đa bên kia cánh đồng đã vang động từ sớm. Tiếng vịt cạc cạc, tiếng bò rống, tiếng người chửi nhau... Có xào xạc thế mới ra ngày chợ vét. Bởi vì sớm mai đã mùng một năm mới rồi. Ai dư dả tiền thì chúng họ thong dong đi sắm sửa từ những ngày chợ trong năm. Phiên chợ này của người cố cùng mới chạy được vài tiền, vội nhoáng nhoáng đi vơ cút rượu, thẻ hương, miếng thịt lợn cúng, lẻ gạo nếp... Lão cũng chẳng đào đâu ra đồng nào mà mó đến những thứ sắm sửa ấy. Lão chẳng màng đến phiên chợ. Cái Tết, lại cái Tết, rồi lại cái Tết, những tết nhất thờ Ơ qua đi.
Khốn khổ, ấy thế mà lão, chỉ có lão, lão thuộc tất cả ruộng lúa, ruộng màu, ruộng đồng cao, đồng xa của mọi nhà trong làng. Bởi vì lão quanh năm đi làm thuê đã cày bừa tát nước tháo nước nhẵn các mặt ruộng.
Bây giờ thì lão đi cuốc. Ruộng trồng màu phải cuốc mới kỹ được đất. Để cắm dây khoai lang, khoai nghệ, lại cải thìa.., lắm giống mới quá. Ruộng huệ hoa trắng lôm lốp như đứa chít khăn đại tang. Chúng nó hoá rồ đến nơi, trồng các cái ăn cái uống linh tinh. Chẳng bận đến lão. Lão chỉ biết bổ nhát cuốc, lão mong được có việc làm suốt giêng hai. Nhưng đến năm cùng tháng tận thế này thì cũng chẳng nhà nào còn mướn cuốc ruộng nữa. Lão không làm dối, mà có lẽ bởi lão cuốc chậm. Cái già đã hất miếng cơm của lão. Nhưng chẳng cần, lão có việc khác, lão ối việc, có người thì có việc. Nhà kia gọi sửa bờ rào, đóng cổng ngăn, đào cái rãnh tát nước dưới ao, lại đánh gộc tre và không đi làm thì lão đi đặt đó, đánh lờ, kéo vó tôm, câu ếch, lão không đi chợ, nhưng thấy người ta đi chợ Tết thì lão cũng nghĩ có khi ta nên đi chợ đong lẻ gạo nếp, mua thẻ hương, khốn khó đến thế nào thì cũng phải lo nhớ đến các cụ. Nhưng chỉ nghĩ chứ chưa Tết nào lão đong được bát gạo, mua được thẻ hương, rồi cái nghĩ nhạt dần, rồi thôi, mà cứ mùng một Tết, lão múc bát nước mưa đem vào đặt lên hòn gạch ông đồ rau trong bếp cúng ông vải và vua bếp, lão cúng chay.
Ờ thì cũng phải đi chợ một cái xem làng nước họ chợ búa ra sao. Cái phiên chợ chửi nhau, đánh nhau, cướp giật của nhau cũng vui mắt đấy. Vẫn còn hàng lá dong, lạt giang bởi vì cũng chẳng thiếu nhà tối ba mươi mới luộc được đôi bánh chưng. Bác hàng dừa bày lên mặt gánh một đống gáo dừa có chuôi cả sọ, có cái đã đẽo thành muôi, chỉ một chốc đã bán hết nhẵn. Thiên hạ mua gáo, mua muôi làm gì mà đổ xô vào thế. Tết nhất lắm thứ phải đong, phải múc, phải khảo chăng. Có đứa bảo sọ dừa già gọt làm quân xóc đĩa còn nảy rền trong bát hơn quân vỏ diêm. Chẳng biết thế nào, chỉ biết vào những tháng củ mật tháng ăn chơi thế này thì đâu cũng có đám thò lò, đám xóc đĩa.
Dãy hàng tranh lơ thơ chỉ còn mớ tranh tiền rẻ nhất. Tờ giấy hồng điều đỏ khé in từng chuỗi hình mười đồng tiền. Một chinh Khải Định được lấy mười tờ tranh tiền.
Có năm lão đã mua chơi tranh tiền. Lão dán các cột lều, ngoài cửa, trong bếp. Để bói xem năm mới có tiền vào nhà không. Nhưng không khi nào có tiền vào nhà, cũng không có tiền đội nón ra đi, chẳng thấy gì cả.
Lão vào bãi bán trâu bò. Lúc nãy chắc có nhiều trâu, nhiều bò, bởi cái bãi lầy bùn còn in vết móng trâu, lại lắt nhắt móng dê hay móng chó. Lúc này thì chợ trâu bò vắng tanh, chỉ còn mỗi một người mổ bò thuê đương cọ mấy con dao trong cái xảo thả dưới ao làng. Trong cái xảo còn có bốn cái móng bò đen gồ ghề nổi lơ lửng trên mặt nước.
Lão nói:
- Này đằng ấy cho tớ bốn cái móng bò nhé. Tớ xin cái móng chứ không xin cái vó đâu!
Bác đồ tể mặt còn đỏ lựng. Dáng hẳn lúc nãy vừa mổ, vừa xả thịt vừa nốc rượu. Bác đồ tể nói to:
- Có cái bong bóng nữa. Định đem vứt cho chó gặm, người có tết thì cũng phải cho chó cái tết chứ. Lão giơ hai tay như can đôi bên đánh nhau. Ấy chết. Ấy chết, đừng phí của giời. Cái móng bò ninh lên cũng được nồi nước xuýt. Cái bong bóng thì đem phơi nắng may ra bán cho con mẹ hàng rượu. Một đống tiền cả đấy. Ông ơi!
Người đồ tê cười hề hề:
- Ờ thì cái bong bóng để đấy chốc nữa bán cho con mẹ buôn rượu. Còn cho bố cầm cái guốc bò này về, của thằng con rể sêu tết đấy nhé.
Câu tán dại đâm ra mất cái bong bóng. Phải mau mau kẻo nó không cho cái móng bò nữa thì có mà ăn mày. Lão vơ đâu được cái giỏ mất hom, nhét cả bốn cái móng bò còn dính lầy nhầy lông và bùn lấm. Rồi tất tả đi ngay.
Ra khỏi chợ, lão nhìn lại cài giỏ móng bò mới thực yên tâm. Chẳng có đồng mốc nào, đi chợ cũng được những thứ này. Cái xương, cái móng cứ đun mãi tất phải ra sụn ra nước xuýt. Thế là có tết rồi.
Đến cái quán giữa đồng, lão ngồi buộc lại giỏ. Bà hàng nước đã nghỉ dọn hàng quán trống gió thổi ào ào vào lều. Lão trói vào lại tháo ra, lại cầm từng cái móng bò lên ngắm, ngắm chán rồi lại đâm nghĩ ngợi lấn thẩn. Khốn nạn thân ông, cái móng bò không phải là cái vó bò, cái vó bò thái ra chấm tương gừng, nhai rau ráu, cái móng thì... thôi thôi ông cứ đắp bùn hầm cho mấy ngày mấy đêm thì đến sừng trâu móng trâu cũng phải chảy ra nước xuýt. Thuở xưa thằng vua còn ninh mầm đá ra ăn cơ mà...
Ngoài ruộng, một đàn quạ khoang xúm xít trên một luống đất cày ải. Bọn chim chóc trộm ngày này đương chơi trò tranh nhau cái gì đây. Lũ quạ thoáng thấy người ra bay rào rào lên, lão trông thấy trong luống đất một chiếc bong bóng lợn, à mà không phải bong bóng lợn cái bong bóng trâu mới to ngồn ngộn lên thế. Không biết bọn quạ tha ở đâu về hay là đứa nào ném ra đây.
Thằng mổ bò kia không cho ông thì ông cũng được giời cho, giời cho ông cái bong bóng trâu còn to bằng mấy cái bong bóng bò. Thật là của giời cho.
Những con quạ chết đói lại táp xuống. Có con nhảy vào mổ cái bong bóng. Có con táo tợn đậu xuống vai ông lão, như toan quào vào mặt cái thằng người đến cướp cơm của nhà quạ. Những những con quạ khoang địch sao được lão ông mà túm được con nào thì ông cũng cho chúng mày vào nồi tất. Tết này ông ăn tết thịt bò ông ăn thịt quạ. Lập tức, lão huơ tay lên. Những con quạ khôn ngoan đã đọc được cơn giận nổi đùng đùng trên mặt lão. Cả lũ bay biến đi. Thế là lão nhặt cái bong bóng nhét vào giỏ. Lão nhổ cái cỏ xước tết làm lạt buộc những cái móng bò xách một bên tay.
Lão chợt lắng tai. Tiếng chuột kêu chí chí ở góc tường đất. Không phải tiếng chuột nhắt đuổi nhau. Hình như tiếng chuột nhút nhít mới đẻ chưa mở mắt, đương chen nhau trong ổ, lão rón chân bước lại. Lão nhấc hòn gạch vồ.
Một ổ chuột tý nhau lúc nhúc đỏ hon hỏn. Con chuột mẹ nằm giữa chưa kịp ngoái đầu lên, bàn tay lão đã chít cổ lôi ra. Con chuột mẹ giãy được mấy cái, tắc thở. Thế là cả chuột mẹ chuột con lão dốc tuột vào giỏ. Đã có thịt bò, lại thêm thịt chuột, được quá
Lão về đến những túp lều cái xóm người ngụ cư. Cái lều của lão như đống rạ lởm chởm. Gió rét ngăn ngắt. Tự dưng, lão lẩm bẩm một câu bơ vơ: "À à thế này mới là Tết" lão đương hả hê ta đây. Mấy cái lều ở ngoài chưa thấy hơi hướng ai về. Gió thổi kẽo kẹt như có ma ở các ngôi mộ đằng kia lên đánh đu trên bụi tre.
Người ta đi đâu, lão không biết, lão cũng chẳng để ý Chúng nó trốn tết hay chạy tết, có khi kéo nhau bỏ đi luôn cũng nên. Ở ngoài tha ma có nhà nào đi sửa mộ cuối năm. Gió tạt vào mùi hăng hắc hương đám ma. Nhưng trong đầu lão chỉ đương có những cái mừng. Nước xuýt luộc bò, cho thêm cái bong bóng này vào thì ngon ngọt đứt đuôi rồi. Lại còn xó rượu đấy, rượu nhắm với thịt chuột bao tử nướng.
Lão đã tưởng ra tiếng pháo xa xa, tiếng trống đình, tiếng chuông chùa nối lên. Ba ngày tết qua rồi, đã có người gọi hẹn mừng tuổi lão từ trong năm, mùng bốn vào dọn vườn động thổ. Hôm ấy thì được chén tuỷ luý thẳng thừng rồi.
Lão nhìn cái bờ rào cúc tần. Để những thức ăn sống sít này chỗ cao ráo cho khỏi con kiến bò vào, không khéo thì có khi cả con chó đến ngoạm mất. Nhìn trước nhìn sau, rồi lão gài cái giỏ chuột vào hốc thân cây dướng. Bốn cái móng bò và cái bong bóng trâu thì treo trên cành cây dường ở ngay cửa lều, trông ra thấy ngay.
Lão vào bếp thổi lửa, vơ mấy cái que củi đốt sưởi rồi ngả người xuống ổ rơm.
Lão cứ nghĩ vơ vẩn toàn những cái vui, tưởng như vừa được một buổi sắm sửa bận rộn rồi lại đã cơm no rượu say ngoài chợ. Hai con mắt lão gà gà díp lại trong tiếng pháo lạch tạch đâu đây.
Lão chợp mắt một lúc. Tiếng gió lùa rào rạt trong vòm trời âm u, trở dậy không biết sắp tối hay còn ban ngày. Lão ngồi dậy lò dò ra đem các thứ vào bếp.
Trong hốc cây dướng để cái giỏ chuột. Bốn cái móng bò, cái bong bóng trâu thì treo trên. Nhưng chẳng thấy các thứ ấy đâu cả. Đứa nào đã thón mất. Hay con cầy, con cáo tha rồi.
Lão nhìn quanh xem như còn có cái gì rơi xuống đất. Không thấy. Lão đứng tần ngần, cũng chẳng nghĩ ngợi ra sao.


Tô Hoài
 
Dạo ấy, phong trào Ái hữu đương bồng bột và tôi đã tham gia phong trào ở làng tôi. Nhưng cuộc vận động Ái hữu thợ dệt ở Vạn Phúc nổi nhất trong tỉnh Hà Đông. Làng Vạn Phúc có cả chủ và thợ vào hội Ái hữu. Chủ và thợ các xóm La, xóm Mỗ đều bảo nhau đóng tiền, đến trụ sở đọc sách báo Mặt trận Dân chủ. Có những ngày chợ Đơ người các nơi về, tận Bùng và Trinh Tiết gần chùa Hương cũng ra. Người ta hỏi về thể lệ lập Ái hữu trong các làng tơ cửi. Điều này chúng tôi đã không làm nổi khi trụ sở Ái hữu thợ dệt Hà Đông còn đặt ở đầu chợ Bưởi ngoài vùng tôi.
Đất Vạn Phúc đã từng sôi sục phong trào đưa yêu sách của chủ và thợ nghề tơ lụa tỉnh Hà Đông cho thanh tra lao động Gô-đa, ở bên Pháp sang. Rầm rộ nhất là cuộc đi đón Ônen, đại biểu Đảng Cộng sản Pháp. Hầu như cả làng kéo đi.
Rồi mấy trăm thanh niên Vạn Phúc trói tay mình ra thị xã chống thuế, đứng trước cửa toà sứ... Tiếng đồn những chuyện như thế ở Vạn Phúc, chúng tôi cứ kể truyền đi. Thế mà làng Tây Mỗ còn rầm rầm phong trào hơn nữa..
Người giỏi như anh Khánh, anh Hiền - anh Hiền mà nói về chủ nghĩa cộng sản và Liên bang Xô-viết thì đêm này qua đêm khác ai cũng còn muốn nghe.
Các làng La, làng Mỗ và Vạn Phúc đã đứng lên chống thuế.
Ở ngoài Bưởi, chúng tôi cũng chống thuế, chống phù thu lạm bổ bắt chước Vạn Phúc. Nhưng không sôi nổi hút vào như vùng trong.
Cái trụ sở lâm thời của hội Ái hữu thợ dệt Hà Đông đã chuyển từ dốc chợ Bưởi vào chợ Mỗ. Tôi và Điều cũng theo vào Cái xe tay bánh sắt lộc cộc chở chiếc bảng gỗ kẻ biển, tôi ngồi ôm cái thành nó.
Nghề cửi dệt thoi tay hồi ấy đã đổi sang dệt máy “dắc-ca”, đương sầm uất. Làng nào cũng đông vui thợ thuyền.
Nhưng ở đâu cũng thế, người thợ dệt vẫn chỉ cái quần mài mòn đít trên đòn ngồi. Phong trào Ái hữu lên, chúng tôi hô hào học chữ, có học chữ mới tiến tới được nghiệp đoàn, mới đấu tranh lên "thế giới đại đồng” được. Anh nào cũng ham học chữ. Tôi được thêm chân dạy học. Như ông đồ ngồi bảo trẻ con trong xóm. Nhờ vào tiền đóng học, tôi có lương ăn. Tôi đã đi và ở vài nơi khác, nhưng đi đâu rồi cũng lại quay về ở Vạn Phúc. Vạn Phúc lúc nào cũng sôi nổi, cho mình thấy hăng hái.
Năm đó, tôi mười bảy tuổi. Từ khi đến Vạn Phúc cũng là thực sự những ngày lang bạt và cảm thấy xa xa cái gia đình u ám của tôi.
Tôi trọ một nhà đầu cầu Am. Nhưng không thật còn nhớ quang cảnh chỗ cầu Am rẽ xuống làng Vạn Phúc ngày ấy như thế nào.
Trong tưởng tượng, mờ mờ có một cây đa sần sùi. Những lết trâu cọ mình làm cho gốc cây mòn vẹt như bị ai buộc cho thót lưng lại. Rồi tiếng những bụi tre phờ phạc nghiến ken két dai dẳng suốt mùa đông, làm cho buổi chiều, xám ngắt trông ra các cánh đồng làng La, làng Mỗ càng buồn bã hơn.
Một câu hát ru con trong vách nhà ai vừa cất lên, như lời đồng dao, cứ ngẩn ngơ và mênh mang ý nghĩa gì không biết.
Con cò mày đậu cành tre
Thằng tây bắn súng cò què một chân...
Những đêm đi vận động lập Ái hữu, từ vùng Vân Đình trong Bùng ra cầu Am, trời rét buốt đến nỗi những mảnh sao sáng trên trời cũng long lanh nhọn hoắt, như cứng hẳn lại.
Để tránh giá và cho người ấm lên đỡ rét, chúng tôi hò nhau đẩy hộ những cái xe bò ngất ngưởng chở nón Chuông, chở nồi niêu Canh Hoạch, như cả cái nhà đi nghênh ngang giữa đường.
Ra tới cầu Am vừa nghe gà gáy. Tiếng gà gáy bạt đi giữa tiếng gió hú, như những chấm đèn đóm vừa nhấp nháy lên.
Hàng tráng bánh cuốn le lói lửa bếp trong vách. Lão hàng bánh này dậy sớm nhất các nhà. Lão thật khác thường. Lão mặc yếm, búi tóc, chít khăn vuông. Người ta gọi lão là "cô".
Những người đàn ông "mình cao số nặng" này không lấy vợ đi hầu cửa đền cửa phủ, làm đồng cô, thường như thế.
Việc đồng bóng là việc của lão, chúng tôi không để ý.
Chúng tôi chui vào vách ngồi sưởi đợi bánh và trêu lão, đánh cuộc xem lão là đàn ông hay đàn bà, đòi lão cho bóp xem có phải là "cô" thật không. Lão ta làm điệu ngoảy đi, rồi vừa múc bột lên cái vải lọc đặt trên miệng chậu, vừa giả bộ dửng dưng và ư ử đọc những câu không đầu không đuôi, như cách nói thơ tiên(1) của những người đồng cô bóng cậu.
Tôi cũng còn nhớ trên cầu Am có mấy ngôi hàng nước một lò may, hàng cắt tóc và những túp lều nối vách đứng dựa vào nhau của những người đi làm thuê ngoài thị xã Hà Đông suốt ngày cài cửa im ỉm, cứ xẩm tối mới thấy dò về lập loè đèn lửa.
Bác chủ nhà tôi trọ làm "cu-ly san"(2) nhà thương tỉnh.
Bác gái ở nhà thổi cơm và có khi có người gọi đi làm mướn những việc tạp trong làng.
Những tối phiên chợ lụa thường đông thợ cửi trong làng ra cho tôi bảo học. Họ dệt cửi băm bổ cả ngày, tối nào cũng lên đèn đầu hôm đến khuya gà gáy sang canh đã lại dậy lao vào khung. Năm hôm quần quật cả đầu hôm gà gáy, chỉ nghỉ mỗi tối ngày phiên. Thế mà tối ngày phiên lại chịu khó ngồi chúi mũi quanh ngọn đèn tù mù học chữ, đọc sách báo.
Chúng tôi lúc ấy thích hiểu biết, ham chơi, thật hăng và táo tợn. Những cuộc bàn cãi và đọc sách báo ồn ào suốt đêm những cuộc đi chơi lang thang ngoài đường cũng suốt đêm.
Những việc làm say sưa. Ở Bưởi, chúng tôi chống mê tín tối nào cũng đi trêu những đám lên đồng. Chúng tôi khiêng trộm, bỏ lên đầu chợ những con voi giấy, ngựa giấy hàng mã đầu chợ làm cho các đám làm chay. Lấy chuông, lấy hài, lấy nón trong "rừng ông Cụ" đem treo lung tung các nơi. Thằng Tiếp, thằng Hĩ với tôi, nửa đêm đem cứt trát vào mặt các tượng gỗ vừa đẽo xong ở chùa Ký Bo, ngôi chùa của một nhà giàu. Mạo hiểm, nghịch tinh, thật thích.
Vào Vạn Phúc, đêm đến, cả bọn kéo lũ lên thị xã, đi rình gây sự với đội xếp. Chân tay lúc nào cũng ngứa ngáy muốn đánh đấm ai đây. Trước chưa giác ngộ chẳng mấy phiên tơ mà người Vạn Phúc không ra tỏ vẻ anh chị ngoài chợ Đơ. Có khi trai Vạn Phúc thách đánh nhau giữa chợ, rồi chung tiền thuê hẳn một chuyến xe hàng đi hơn ba chục cây số vào Bùng, đánh nhau với trai làng ấy rồi lại ra ô tô về.
Bây giờ hiểu biết rồi, gặp ai cũng châu đầu lại, bàn chống thuế, vào hội Ái hữu, làm cách mạng, lên thế giới dại đồng!
Những ngày cầu Am sôi nổi, hăng hái của tôi.
***
Một hôm, Hồ đưa một anh thợ cửi đến cầu Am.
- Giới thiệu với các đằng ấy, cậu này là cậu Đành muốn học quốc ngữ. Đồng chí Đành cũng giác ngộ giai cấp công nhân như chúng mình.
Có lẽ cái tên là Đành mà trông anh ta đượm vẻ hiu hiu vậy Thợ dệt vùng gần tỉnh như Vạn Phúc, Nghĩa Đô, khác thợ vùng trong. Tuy lắm khi một xu không dính túi, kiết lõ đít, nhưng chúng tôi ăn mặc vẫn bảnh công tử như thường.
Các cô thợ tơ bộ cánh hồ lơ, ác lót phin trắng khoét cổ tròn. Những cô không cổ xẻ thì yếm cổ xây, thắt lưng lụa đào và đội nón kinh. Thanh niên hay thắng sơ mi lụa mỡ gà vạt so le, quần gấp nếp ống sớ, - tuy là gấp đầu giường và mặc áo the dài sáu khuy, đầu chải tóc uốn sừng. Một hồi có mốt đi tối cầm ba toong song và cầm đèn "đe mông” hai, ba pin. Còn cái anh cu Đành này, người thấp lè tè, da mai mái. Tấm áo nâu da bò bạc trắng hai vai mồ hôi dầu. Quần buông cạp lá toạ rộng thùng thình, đúng như kiểu cũng quần thợ cửi mài đòn ngồi, phải đụp hai lần vải gốc dầy kệp như mo nang mà bọn thợ cửi vùng ngoài không ai mặc thế nữa. Anh thật thà, chậm, hỏi cái gì mới nói, không ma mãnh, như mọi người quen đi nếm cơm thiên hạ.
Đành bỏ Bùng ra đây, mới xin được chân dệt trong làng. Anh quen Hợi, Hợi nhờ Hồ đưa đến xin học tôi và đóng tiền vào Ái hữu. Tuy lù đù đụn rạ thế nhưng Đành thích đọc sách báo bao giờ cũng chăm chú nghe bàn cãi về chính trị, ham những chuyện về Liên bang Xô viết, chuyện Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Đành quả quyết Ái hữu thợ dệt phải tiến lên nghiệp đoàn thợ dệt Bắc Kỳ gia nhập liên đoàn thợ dệt Đông Dương... Anh đã đọc, viết được, tôi bảo học đỡ khó nhọc.
Mấy cậu thợ cửi ngoài này, tán như khướu, diện ngất, nhưng học buổi đực, buổi cái a, b, c... ra rả như cuốc kêu mà chưa sang được vần trắc. Rồi lại biết Đành đã đi trong đoàn thể thợ dệt Hà Đông ra Hà Nội dự mít tinh 1 tháng,5 ở nhà Đấu Xảo Đành hay đến báo Tin Tức nghe các anh toà báo nói chuyện.
Đành không phải vừa.
Chúng tôi hy vọng Đành sẽ là tay hoạt động. Ái hữu phát triển đang cần người. Như thế, dần dần, trông Đành thấy mất vẻ quê kệch mà đã là người đứng đắn, kín đáo.
Một hôm, Điều sừng sộ đến. Vừa thấy mặt tôi, đã chửi:
- Mẹ cái thằng Đành!
- Gì thế?
- Thằng ma bùn thế mà thằng Hồ dám tha nó ra đây.
- Thế nào?
Điều vẫn dóng một:
- Nó làm phềnh bụng con nhà người ta rồi nó cõng nhau đi.
Tôi hơi hiểu.
- Ồ, mà trông cái thằng đù đờ.
- Mày đù đờ thì có? Nó ôm gái đến ký ngay cạnh nách mà không biết.
Quả thật, tôi cũng để ý có một ả vừa đến ở gian trong ngôi hàng nước sát vách nhà này. Nhưng không ngờ... Chúng tôi đâm ra bực thằng Hợi, thằng Hồ - những đứa đưa Đành đến. Cái thằng Hồ lơ mơ bao giờ cũng đoảng vị.
Tôi biết Hồ cách đây ít lâu. Vùng tôi năm ấy chớm có phong trào thanh niên. Chúng tôi thích tìm bạn, kết bạn. Ở Nghĩa Đô không có cơ sở cách mạng cũ, nhưng khi trào lưu bình dân đưa những tư tưởng mới đến, thanh niên bắt rất nhậy. Chúng tôi thèm nghe những chuyện xa lạ, những lý luận mới, những tin tức thợ thuyền, dân cày hoạt động và tình hình thế giới - tất cả những gì khác cái tẻ nhạt, cái khốn đốn cái ốm mòn thường ngày.
Hồ mặc áo "tanh quát"(3) trắng. Người dong dỏng dáng nghiêng nghiêng, gầy gầy. Chúng tôi thì thầm đoán Hồ là một người chính trị cao và bí mật. Hồ hay nói chủ nghĩa cộng sản. Nhưng cũng lại hay bàn kinh Phật và nói về chùa chiền.
Hồ hay ngâm bài thơ Trường tình của Tchya, giọng buồn não nùng... Gặp em đêm ấy em xinh thắm. Em mỉm cười duyên với thế gian. Cảnh đổi nước trôi em vẫn trẻ. Cái già như sợ cái hồng nhan... Ngày nào anh cũng đi, nhưng đi đâu, đến đâu không ai biết. Mỗi lần gặp anh lại thấy một cái lạ mình chưa hiểu. Và anh cũng khéo giữ lâu với mọi người cái vẻ khác thường ấy. Lúc đầu chúng tôi rất phục. Rồi tôi cũng được vài lần đi lông bông với anh. Những cuộc đi kỳ quặc, tôi theo anh, lòng hồi hộp, kính cẩn "tầm sư học đạo”. Khi đã đi với anh mấy chuyến, mới nhận ra rằng dù đi đâu, xa tận tỉnh khác, Sơn Tây hay Bắc Ninh, lần nào chúng tôi cũng tìm đến chui vào nhà người mõ đầu làng.
Những nhà mõ tiếp đãi chúng tôi rất quý, có khi thịt gà cơm rượu cẩn thận, ở nhà mõ này vài bữa, chúng tôi lại sang nhà người mõ khác, làng khác, vùng khác.
Tôi biết Hồ là người quê Đốc Tín - làng Đốc Tín gần chùa Hương, có tiếng là làng nhiều người thường bỏ quê đi thiên hạ làm mõ kiếm ăn. Người ta lại bảo rằng đất Đốc Tín có cái hèm, chi họ nào cũng phải có người đi ăn mày, đi làm mõ thì trong họ mới khấm khá được. Chẳng biết có phải thế không chỉ thấy có người đi làm mõ, rồi kiếm ăn được, lại buôn bán ngoài Kẻ Chợ giàu có, đem tiền về tậu ruộng, làm nhà ở quê.
Như các cụ nhà bà Niêm Mõ được gọi là hiệu buôn Tín Mỹ (Đốc Tín Mỹ Đức) người thiên hạ đến làm mõ rồi sinh cơ lập nghiệp ở vùng tôi.
Người mõ trong làng vốn bị khinh thường nhất mà nhà mõ lại có khách, có "cậu Hồ" mặc áo "tanh quát" vai vuông long đình đến chơi thì nhất định là gà qué phải lăn ra rồi.
Cũng dần dần, tôi nhận ra Hồ có nhiều cái trái ngược, vẫn khó hiểu. Hồ hay nói về xã hội và thế giới. Anh cắt nghĩa cho chúng tôi nghe Ái hữu khác nghiệp đoàn thế nào. Nhưng anh không hoạt động Ái hữu. Anh giải thích về ngày quốc tế lao động mà anh lại không ra Hà Nội biểu tình ngày 1 tháng 5 ở Đấu Xảo. Anh bảo anh viết sách chính trị. Tôi chưa thấy đâu chỉ biết anh viết cho chùa Hương quyển Trỏ nẻo chùa Hương quảng cáo, giới thiệu cảnh đẹp với khách chơi chùa. Không rõ có phải anh viết thuê cho nhà chùa không. Anh hùng hồn đọc thơ của Hồ Xanh đăng trên báo Tin Tức, nhưng anh cũng thuộc bài Trường tình lâm ly. Hồi ấy, chúng tôi cũng thường gặp có những anh chàng bí hiểm và phất phơ "rũ áo phong sương" như Loan Dũng trong tiểu thuyết Nhất Linh và những thằng cha xưng là đệ tứ quốc tế cứ hùng hục, cứ hung hăng, mặt đỏ đòng đọc, cái gì cũng chửi tuốt.
Những thanh niên thích hành động đương háo hức như chúng tôi dần dần nhìn Hồ một cách chế diễu. Chúng tôi đã hạ xuống gọi anh là "thằng Hồ". Tuy vẫn quý, nhưng anh đã hết thiêng.
Lại lần này. Nhưng giá thằng Điều có bực lên mà chửi đánh Hồ thì cũng thế vậy. Cái khó là phải lo thế nào việc thằng Đành đây. Bởi đối với Đành, lại khác. Chúng tôi đã quen, bắt đầu mến. Đành là thợ cửi giỏi, rất tốt, chắc chắn hiểu biết, chăm học, chịu khó. Đành là một người tin cậy được Chúng tôi thương Đành. Nhưng việc này rồi thì rầy rà.
Chúng tôi thường bàn nhau phải giữ cho đoàn thể Ái hữu trong sạch, không tai tiếng, cả làng cả vùng phải phục, có thế mới dúng tinh thần giai cấp công nhân như các anh ở toà báo Tin Tức thường nói. Thế mà xảy ra việc này? Chưa biết sao nhưng ai nấy đều tưởng rồi sẽ lôi thôi, những lôi thôi khác sự doạ nạt của lão Nguyễn Hữu Trí, tri phủ Hoài Đức hôm chúng tôi vào xin phép lập hội Ái hữu. Chúng tôi lo...
Vào những chiều tối, cả xóm cầu Am bao phủ cái rét xám ngăn ngắt. Trong nhà bên, đi ra một người con gái, đầu tùm hụp chiếc khăn vuông lấp xuống gần kín mặt. Thế mà cơ hồ chưa yên tâm, sợ người ta có thể giằng ra xem mặt, người ấy còn đưa một bàn tay xanh rớt lên giữ cổ áo. Tôi đoán đấy là ả người yêu của Đành. Ả đi rờn rợn như ma đi trong câu hú của trẻ gọi ma, khi mặt trời đã lặn: Mặt trời đã lặn, chó cắn đã khuya... Ả đi đâu, ả tìm Đành hay ả đi ra bờ ao nào, ngồi than khóc. Đến lúc ả về, trời đã tối hẳn, tôi phải nhận mãi mới ra cái bóng đen lủi thủi nhoà vào bóng tối.
Nhưng sao trông bụng cô ta không khác. Ả chửa hoang cơ mà. Có lẽ vì cô mặc tấm áo dài vải đồng lầm, thắt vạt quả găng, lại thêm cái chiếc áo bông lửng, thêm nữa, mớ thắt lưng nhiễu mộc chuội hoa cau loè xoè ngoài cùng. Tuy nhiên, cái dáng len lét vội vã đi như phải đội xếp đuổi, và nước da xanh nhợt sắp đem nhuộm nghệ được kia đã phơi bầy sự thể thế nào rồi. Lại có lúc tôi cho là chúng nó đoán mò. Sao người chửa mà bụng không to?
Thế rồi, những việc rắc rối cứ dần dần xảy tới. Ngày kia tôi thấy ở nhà bên có thêm một bà, trông dáng dấp và váy áo như mấy bà trong Bùng vẫn đeo tay nải lụa ra chợ Đơ. Tấm áo sồi nâu với hai vạt túi cứng cành cành bên cái hầu bao đũi tơ sống xùm xoè trên tấm váy nái rườm rà đủ mười vuông vững chãi. Dầu cho đấy là người có năm khung cửi mười mẫu ruộng, ra chợ chưa bán hàng mà tiền giắt theo đã chặt hầu bao thì cũng quê kệch cục mịch khác người nghề tơ cửi tỉnh thành ngoài này.
Thằng Hợi đã dệt cửi ở Bùng, nó biết bà ấy là mẹ lão lý đương, nhà giàu nứt đố đổ vách. A, mẹ lý đương. Hay là mẹ đi tìm con. Ả kia là em gái lý trưởng làng Bùng. Chẳng lẽ thế ư? Nếu không thế, bà lão ra đây làm gì?
Không biết bà ấy đến từ hôm nào. Có một hôm, tôi tình cờ ra sau nhà, mảnh sân sau vừa bằng sải chân, che phên kín trên vừa bếp vừa làm cầu rửa, tối mò một đường cống tháo xuống ao thông luôn suốt mấy gian. Tôi nghe bên sân nhà hàng nước có tiếng thút thít khóc.
Người con gái đương ngồi trước mặt bà lão. Ở trong nhà người con gái ấy chít khăn vuông. Trông mờ mờ khuôn mặt trắng trẻo, rõ ra gái nghề canh cửi, quanh năm không bắt mưa bắt nắng. Con gái các làng dệt, nức tiếng tay chân trắng như ngó sen. Bởi các cô chỉ ở trong nhà tối ngày quay tơ, đánh suốt, mắc cửi, đến phiên chợ lụa đeo đẫy hàng đi chợ. Gái nghề nông chân lấm tay bùn bao giờ cũng thèm, cũng ghen với cái nhàn hạ tưởng tượng của các cô làng tơ cửi.
Một hôm khác, tôi lại trông thấy người mẹ ngồi trước mặt con. Hai tay người con gái bưng cái gì tựa cái chậu - đúng, cái lon da lươn, như lon cho vịt. Hai mẹ con ngồi trong bóng tối nhạt nhẽo âm sâm từ bao giờ, tôi không biết lúc ấy người con gái cúi mặt, khuôn mặt trắng xanh, bợt như giấy và cả hai mảng tóc rẽ đường ngôi cũng xoã ra che kín cái lon. Người con gái vục mặt như thế một lúc thật lâu, cho đến khi buông cái lon, ngẩng lên, hầu như hai tay cùng quăng rũ xuống đất còn người thì lờ đờ ngất ra, ngã vào vách. Người mẹ vẫn yên lặng, mặt nghiêm như đá.
Hôm sau tôi rón rén nhòm sang, chứng kiến lại nguyên cái cảnh ấy.
Có hôm, đã tối, vẫn còn thấy người con gái bưng cái lon rồi vục mặt xuống. Người con gái cứ uống ừng ực hàng lon nước như thế uống hàng lon như thế, không biết ngày mấy lần. Mà lần nào người mẹ cũng ngồi trước mặt trông cho con uống, lạnh ngắt, như tượng, như người ngây.
Có một lúc, người mẹ cúi cúi, loay hoay cởi thắt lưng con cởi hết lần ngoài, cả hầu bao, và bên trong vẫn quấn bao nhiêu lần gì nữa. Rỡ ra, đầy một đống dây dợ, lùm lùm trước mặt. Người mẹ sờ hai tay vào nắn bụng con gái. Một lúc, bà lại buộc bụng lại cho con. Bà ném gá một đầu thắt lưng vào cột, rồi bà đứng vổng lên, đè ấn cả người xuống như néo cửi làm cho cái lằn thắt lưng người con gái thít lại, thít chặt ngang bụng. Lúc ấy, người con gái cứ dưới lên, có lúc tay cũng nén ấn vào bụng, có lúc đau quá, quờ quạng quào quào vào vách phên nứa, tiếng nức nghẹn trong cổ. Người mẹ vẫn lẳng lặng thít qua thít lại, buộc cẩn thận mấy chục vòng quanh bụng con, cuối cùng mới nhẹ nhàng thắt đến cái giải yếm, cái hầu bao cái thắt lưng nhiễu loè xoè ngoài cùng.
Mỗi ngày, ngày nào mẹ cũng rỡ thắt lưng ra nắn bụng nén bụng con gái như thế. Và hàng ngày người con gái uống hàng chậu, hàng chậu nước cho ra thai như thế.
Thằng Điều nóng tính hăng hái, cái gì cũng muốn tức khắc. Anh em hay chế nó tính hăng máu vịt tờ rốt kít. Nó sốt ruột, kêu: "Cứ ngồi bàn bạc với tiểu thương, tiểu chủ thế này thì đời nào lên được thế giới đại đồng. Nếu đứa nào nói: "Mày là thằng tờ rốt kít", nó tống quai hàm ngay. Nó bảo nó cũng ghét bọn tờ rốt kít hay nói phét.
Trong việc này, Điều lại sôi nổi:
- Chờ anh Hiền về thì lâu quá.
Nhưng nếu không chờ anh Hiền, cũng không biết làm thế nào?
Từ hôm người mẹ trong Bùng ra tìm được đến tận nơi, thằng Đành không dám dàn mặt bà lão, cứ chặp tối nó ở trong làng ra đón đường gặp ả nọ ở đầu xóm.
Rồi Đành đến khóc với chúng tôi. Chúng tôi bối rối thương bạn. Làm thế nào nghĩ được cách giúp cho Đành dứt người con gái ra khỏi tay mẹ rồi cõng nhau trốn biệt đi. Hay thuyết phục thế nào để bà lão nhà giàu gả con gái cho Đành.
Biết trước là không ăn thua, ai cũng ngại. Còn trốn đi ư, cái khó bó cái khôn, không đứa nào trong túi có nổi một xu. Tôi cũng chỉ hơn anh em một dúm chữ, chứ tôi còn kiết hơn tất cả.
Cứ bàn rồi lại thôi, chẳng xoay chuyển gì được.
Điều nói:
- Tao nghĩ phải vào việc mới xong.
- Vào việc thế nào?
- Vào việc mẹ con nhà ấy.
Chưa ai hiểu.
- Chúng ta sẽ thuyết phục cho mụ già trọc phú này hiểu được tình hình thế giới, phải biết rằng thời buổi này chủ nhà gả con gái cho thợ dệt là một việc cách mạng, không có gì xấu.
- Nghe được đấy.
- À, thế là ăn thua, có phải không? Rồi chúng ta sẽ làm nhà trai, đứng ra xin cưới cho thằng Đành. Đám cưới không mất một đồng gẫy. Một đám cưới hoàn toàn mới.
- Hay đấy!
Thật tình cũng chưa ai hiểu cái hay cái dở trong mưu kế của Điều. Nhưng cứ thấy nói sẽ đi thuyết lý, đi giảng giải, thế là đứa nào cũng hăng hái. Chúng tôi thích tranh luận, thích cãi cọ thích thuyết lý. Ở đâu có như thế, tìm đến ngay. Người nào cũng háo hức mong mỏi một sự giải quyết gì ngoài cuộc sống này, tâm lý chung của chúng tôi.
- Sang luôn bây giờ nhé. Tao với mày thôi à?
- Tao với mày thôi. Cú đầu thế đã, rồi còn nghe, mới kế hoạch tiếp tục. Ta cứ làm tự nhiên, đừng nói cho Đành biết vội.
Chúng tôi sang ngay. Ngôi nhà hàng nước hàng xóm, lèo tèo trên mặt chõng dăm nải chuối trứng cuốc, một xâu bánh gai, nồi nước chè tươi ủ trong cái khố tải, sau lưng bờ đất thấp, đặt ngang mảnh vầu làm ghế khách ngồi.
Bác hàng nước ấy với mẹ con bà trong Bùng kia vốn chẳng phải họ hàng bàng sang với nhau. Vợ chồng bác hàng nước chỉ "cứu nhân độ thế” mà chứa "cái của nợ" ấy. Nhưng cũng phải tốn kém đấm mõm nhiều mới được, chắc vậy.
Chúng tôi vào thẳng ổ rơm trong bếp. Bác hàng nước mau miệng, đon đả:
- Các anh ấy sang chơi, bà ạ.
Người mẹ quay mặt, vái ra:
- Con lạy chư ông...
Điều nói luôn:
- Chúng tôi sang thưa với bà về việc anh Đành.
Rồi Điều trổ một thôi những lý nhẽ dông dài mà cứ trông cái cung cách hai người chịu chuyện cũng biết chẳng ai hiểu gì cả Người con gái ngồi tựa vách nứa, không ngẩng mặt.
Trông bóng gian nhà âm thầm, thấy lù lù biết chỗ ấy có người mà thôi. Còn bà già cứ như người dở điên, dở dại, vừa chắp tay lạy, vừa mếu:
- Thằng Đành nào kia ạ? A thằng Đành ăn cháo đái bát ấy à? Thằng Đành nó giết cả nhà chúng con. Thằng Đành rồi thì tù mọt gông. Cắn rơm cắn cỏ lạy chư ông, chư ông tha cho mẹ con nhà con.
Câu van xin ấy đay đi đay lại, giọng cầu khẩn mê muội ngẩn ngơ như lên đồng, mà cái ý nghĩa thật của câu nói là một lời rủa ráy đau đớn độc địa đến thối xương.
- Thằng Đành giết cả nhà chúng con.
- Thưa bà, thời thế ngày nay, xã hội đấu tranh giai cấp.
Bà lão lại nhắm mắt:
- Con cắn rơm cắn cỏ lạy chư ông.
Như bà lão dương van lạy bọn cướp đã lọt vào nhà. Sợ hãi cay đắng lẫn lộn với sự thù hằn quyết liệt khiến bà lão u mê sắp phát rồ. Bà lão cứ vừa van nài vừa rủa xả liên liền như thế, chúng tôi không chen được hết một câu. Sau cùng, sốt ruột, bực bội, không nhẽ cứ ngồi trơ ra đấy, hai đứa lẳng lặng ra.
Mọi dự định đều tắc tỵ. Người con gái nọ vẫn hàng ngày uống ừng ực hàng lon lá lẩu gì đó cho ra thai. Lại càng uống nhiều, uống gấp hơn trước. Bà lão cởi thắt lưng nắn bụng con rồi lại gò người lên, thít bụng con lại. Không dám kêu, người con gái quằn quại, chới với, tay quơ lên vách.
Bác chủ trọ nhà tôi và bác hàng nước chốc chốc lại sang thì thào với nhau. Họ không nói với bọn tôi. Nhưng những con mắt phân vân nhìn cũng như thông cảm sao đó với tình bạn và nỗi khó khăn của chúng tôi.
Câu chuyện kín đã bắt đầu hở. Người ở cầu Am và người trong làng ra, ai đi qua cũng có ý ghé nghiêng hoặc tạt vào vờ mua bát nước. Lão đồng cô tráng bánh lân la sang ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Cả cái xã hội con con ở đây tò mò như muốn rỉa rót bươi câu chuyện xấu ra.
Tôi giữ ý không nói với Đành. Nhưng Điều bộp chộp đã kể lại tất cả. Đành chỉ khóc. Điều lại càng cáu. Không làm gì được ai, trông thấy Hợi, nó quát: “Mày phải đem thằng Đành đến tận mặt con mẹ ấy mà tế cho nó một mẻ! Cười trừ à? Đồ hèn! Phải rủ cả thằng Hồ đến tranh đấu nữa!”
Giữa lúc ấy, Hồ nghiêng nghiêng vai áo "tanh quát", bước vào, Điều hét lên:
- Mày tha thằng Đành đến đây, mày phải ở đây cùng chúng ông tranh đấu cho nó.
- Gì mà rối lên. Phải có phương pháp...
- Phương pháp của tao là hô hào anh em Ái hữu thợ dệt làm mít tinh chống hủ tục, vạch mặt mẹ giết con. Thuyết không được thì phải tranh đấu. Mày lại sắp bàn ngang chứ gì?
Hồ lúng túng:
- Được rồi, phương pháp...
- Phải mít tinh, phải lên đả đảo.
Tôi nói:
- Việc vận động anh chị em thợ ta phải đợi anh Hiền về không được nóng nảy.
Tôi đã gạt đi như thế. Tôi nghĩ, không thể bạ gì cũng mít tinh được.
- Bàn với anh Hiền đã.
Điều có dịu. Còn Hồ bám lấy lối thoát thân quen thuộc khen tôi nói phải. Tuy Hồ vào hùa với tôi, nhưng tôi lại khó chịu vì cái ý trốn tránh của Hồ mà ai cũng thừa biết. Tôi mát ruột nghe Điều quay ra văng tục, chửi Hồ. Tưởng Hồ giận nhưng Hồ chỉ cúi xuống lấy cái điếu cày. Và trong lúc ngửa mặt lên thở khà khói thuốc lào. Hồ cất tiếng rên rỉ câu thơ mà anh hay ngâm:
Lệ non tưới mãi bể tình
Mắt xanh khóc mãi ngày xanh cũng mờ.
Rồi vừa ư ử thế, Hồ đã xốc vạt áo "tanh quát", đứng lên đi thẳng.
Chúng tôi nóng ruột đợi anh Hiền về. Không phải chỉ bàn chuyện Đành. Hồi ấy, những ngày 1938 sôi nổi đã qua. Chiến tranh thế giới chống phát xít đã nổ ra rồi - dù rằng đến phút cuối cùng, sứ thần Nhật Bản mang cờ hoà bình giả, giở đòn bịp đi ngang Sibêri sang châu Âu thuyết khách, lừa cho thế giới tưởng phát xít cũng chỉ muốn yên ổn hoà bình.
Ngày đêm bàn bạc chính trị mà chúng tôi không biết Đức nổ súng tiến vào Ba Lan lúc mấy giờ, ngày nào. Nhưng chiến tranh châu Âu đã nhanh chóng phả hơi độc sang đây và cứ liếm dần vào đời sống con người Đông Dương - thật đen tối thật khốn khổ. Tơ lụa Hà Đông trước kia, nơi tiêu thụ chính là ở Nam Kỳ. Bây giờ tàu hoả vào Sài Gòn nghẽn, rồi tắc. Nhà binh Pháp, nhà binh Nhật sung công hết tàu hoả. Tơ Tàu bên Quảng Đông cũng không sang được. Những ngày chợ tơ đông vui đã tàn. Các nhà giàu Hàng Ngang, Hàng Đào Hàng Gai buôn lụa, buôn tơ bấy lâu nắm cái sống của các làng tơ cửi, bây giờ chuyển vốn sang buôn gạo, buôn xi măng và dây thép gai bán qua biên giới phía bắc cho Tưởng Giới Thạch trên Trùng Khánh. Phiên chợ Đơ, người đeo đẫy vào chợ, dù cho lụa tốt mấy, lái buôn cũng cứ đo nát hàng ra rồi trả lại. Vài ba phiên hàng ế, thế là những nhà một hai khung cửi vỡ nợ, trắng tay.
Khắp các làng, từ Bùng ra Mỗ, La, Vạn Phúc tới vùng Bưởi Cầu Giấy, công việc cạn như ao mùa đông kiệt nước. Thợ cửi thợ tơ chạy nháo đèn cù đi moi việc, dào việc, càng khan việc.
Đám anh em thợ cửi đói việc bỏ đi vãn trông thấy. Cái bảng Ái hữu treo trong chợ Mỗ tự dưng bị đội xếp thị xã vào vác đi mất. Giá bây giờ là năm trước, chắc đã đánh nhau.
Nhưng tình thế đã khác. Bây giờ lính Tây ở thị xã đeo súng lắp lưỡi lê đi tuần đêm thay đội xếp ta. Toà báo Tin Tức ngoài Hà Nội bị đóng cửa đã lâu rồi. Không còn chỗ đi lại, hỏi han nữa. Ai cũng ngơ ngác.
Thằng Điều đã nói đến chuyện bỏ đi đâu đi đâu. Anh đồ Địch trong Vạn Phúc, nhà Điều dệt cửi, chỉ còn vốn mắc cửi ngắn, dệt ba ngày đã vét cuốn cửi. Rồi Điều xuống Hải Phòng vào sở mộ phu đi Nam Kỳ. Còn Hợi, tự nhiên thấy ăn tiêu ung dung hơn mọi khi, không hiểu tại sao. Có bận, tôi chưa đưa được tiền ăn đầu phiên chợ cho bác "cu-li san" chủ nhà Hợi mở cái ví da rắn vằn vằn mới sắm, rút một tệ bạc, lấy hai đồng cho tôi. Một lần khác. Hợi cho tôi hẳn tờ con công(4) mới.
Hợi dặn:
- Đem ra chợ Đơ mà đổi. Nhớ đổi ở chỗ đông.
Tôi nhìn lại tờ bạc rồi hỏi khẽ:
- Giấy giả phải không?
- Không phải.
Nói xong, Hợi lấy tay ấp vào miệng tôi.
Sự thể gay go đến nơi rồi. Cuộc sống xung quanh đều trở nên hốt hoảng, không cứ gì việc thằng Đành.
Chờ anh Hiền về xem nào.
Anh Hiền đã trở nên một mong mỏi và chờ đợi của mọi người. Anh Hiền không có chân trong ban “lâm thời Ái hữu”.
Nhưng chúng tôi tin một cách tự nhiên và nghiễm nhiên coi anh là người chỉ bảo cho chúng tôi. Bởi vì anh Hiền là chính trị phạm. Những người chính trị phạm ở các nhà tù được tha về thời kỳ ấy, trong con mắt háo hức của những thanh niên mới lớn ham hiểu biết là một hình ảnh thiêng liêng. Chúng tôi hay đọc đi đọc lại những câu thơ không biết thơ của ai nhưng thật đã tỏ nỗi lòng và mơ ước mênh mông của mình:
Từ thuở quăng thân vào gió bụi...(5)
Quang thân vào gió bụi...
Gian nan cách mạng gió bụi đường đời!
Anh Hiền vẫn chưa về. Chúng tôi biết anh đương đi làm công việc bí mật. Từ khi có chiến tranh châu Âu, anh thường hay đi vắng lâu.
Xẩm tối, bác hàng nước bên cạnh sang, thì thào bảo tôi:
- Bà ấy nhắn cậu sang chơi.
- Tôi à?
- Phải.
- Liệu bà lão có xiêu không?
- Biết được - Thế bác có vun vào hộ thằng Đành không?
- Nhưng mà...
- Sao?
- Thôi cậu cứ sang thì biết, sang ngay nhé.
Tôi sốt sắng sang luôn, ờ, sao những chuyện buồn khổ đời người lại hay xảy ra vào lúc chiều chiều thế này. Bóng tối mờ, cái xó bếp có người ở mà cứ lạnh như không. Tôi lại thấy người con gái ngồi một kiểu như từ mấy hôm trước vẫn ngồi nguyên thế, ở trong xó, mặt gục xuống đầu gối.
Người mẹ cất tiếng hỏi tôi:
- Anh đã sang à?
Giọng bà khác hẳn. Cũng một tiếng nói của bà già hôm trước, một người cố chấp đến ghê người, bây giờ vẫn bà già ấy, mà khác hẳn, dịu dàng, mềm mỏng, yếu ớt...
Bà vờn vỡ tôi:
- Anh ngồi xuống. Tôi hỏi thăm các bác ở đây, tôi cũng biết gia cảnh anh rồi. Bây giờ, nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, tôi cho anh con Bảy đấy.
Tôi chưa kịp đôi hồi thế nào, bà lão cứ lặng lẽ, đều đều nói tiếp:
- Nó là cái út nhà tôi. Nói để anh biết, anh em nó đều làm vô làm việc, nên ông nên bà cả. Rồi vợ chồng anh muốn làm ruộng, tôi lo cho ruộng, hay muốn bay nhảy chợ búa tỉnh thành tôi bắc cho một khung, hai khung cửi. Anh thích trông nom nhà cửa hay muốn ngồi bảo học ở ngay làng nhà. Anh lý đương nó bảo ban thu xếp cho. Anh muốn thế nào cũng được.
Tôi thật sự lúng túng về những lời mặc cả rành rõ, đầy đủ, thật khêu gợi, và đột ngột. Bà lão mỗi lúc một rì rầm khẩn khoản:
- Anh ơi, anh rửa mặt cho chúng tôi. Tôi nói có quỷ thần hai vai, cứu nhất nhân đắc vạn phúc, anh thương mẹ con tôi anh thu xếp đi. Ngày mai vào chợ tỉnh mua bán sắm sửa đến chiều ta ra xe ô tô hàng về, anh ạ.
Người con gái vẫn ngồi nguyên như thế giữa cuộc đặt giá.
Tôi nghĩ làm thế nào bây giờ? Tôi choáng cả người. Trong cái xã hội mà nén bạc đâm toạc tờ giấy, nhà giàu và đồng tiền lúc nào cũng trói người ta, từ trong cách đối xử với nhau hàng ngày tới mọi thói quen, thì một con người đương bơ vơ vơ vẩn như tôi, bỗng dưng đương thằng nên ông, có nhà ngói cây mít có của ăn của để, có ngôi thứ, và cái chuyện lấy vợ chửa sẵn thì cuối cùng chỉ đem tiền ra bôi son đánh phấn là xoá đi được tất cả, êm đẹp tất cả. Cái hoàn cảnh vừa hiếm lại vừa dễ mà biết bao người rỗng túi thèm nhạt bỗng bắt được của rơi.
Có thể tắc lưỡi được.
Còn như cái lý tưởng mà tôi đang mơ ước, thật sôi nổi mà cũng thật mênh mang góc biển chân trời trong khi hàng ngày chỉ kiếm sống trợ thời này thì sao. Nghe miên man lắm. Bác gái "cu-ly san" thổi cơm cho tôi, mà việc Ái hữu bác ấy thường cho là chuyện đàn đúm trai gái và chuyện thiên đường âm phủ đâu đâu. Thường ngày, bác khuyên nhủ, như rỉa rói tôi:
- Cậu mà cứ ngồi a, b, c giắt dê đi ỉa giống ông đồ vườn thế này thì dài lưng tốn vải thật, cậu ạ. Cậu phải đi dệt cửi hay cậu có dăm ba chữ như thế, dại gì mà chúi xó ở đây.
Ngày nào bác cũng nói đi nói lại như thế.
Tôi ở trọ đây với Điều. Thằng Điều dệt cửi trong nhà anh đồ Địch. Anh đồ Địch vừa thích cách mạng cũng vừa hay thơ. Thỉnh thoảng, cứ gà gáy nhà hàng đầu cầu Am giết lợn đi chợ, anh ra mua lòng tiết canh về dựng chúng tôi dậy đánh chén, gật gù ngâm thơ "thời thế". Tuy vậy, ăn cơm chân liền ở đấy thì không tiện, Điều ra trọ với tôi ở nhà bác "cu-ly san".
Điều phục phịch, tôi thì mảnh khảnh. Lúc đầu, bác chủ nhà khen tôi tướng học trò. Sau thấy tôi lẻo khoẻo mà lại ăn nhanh ăn khoẻ, bác đặt tên tôi là cậu "gầy thầy cơm". Bác trai làm cu-ly nhà thương mỗi bữa xoáy về một miếng xà phòng giặt dở. "Nếu cậu được chân thầy ký hay loong toong thì lấy được nhiều thứ của Tây chứ không phải chỉ miếng xà phòng đen thế này đâu” - Bác gái bảo thế. Tính bác gái vừa vui vừa lắm nhời.
Mỗi phiên chúng tôi đưa tiền ăn, mọi việc vẫn như thường. Duy cái điều bác hàng ngày vừa khuyên bảo vừa diếc móc kia gây cho tôi những day dứt và tôi càng đo được đồng tiền phân bạc cùng cuộc sống bấp bênh còn so le bao nhiêu với những hy vọng của tuổi trẻ mà chúng tôi mong mỏi.
Những ý nghĩ buồn bã chỉ thoáng qua. Bởi vì lòng tôi chứa chan tình bạn đối với Đành. Lý tưởng và những mơ ước của tuổi mười tám đương rạo rực thật cao, thật xa, những rắc rối, quanh quẩn lèo nhèo thế này không thể đem so sánh được.
Tôi đứng dậy bước ra.
Tôi không nói lại chuyện ấy với Đành. Tôi sợ Đành tủi.
Hôm sau, Đành đến, nước mắt ràn rụa:
- Nó đau bụng lắm, chết mất, anh ơi!
Tôi nói cho Đành yên lòng. Tôi bỗng xót xa, thương yêu Đành hơn hẳn mọi ngày. Tôi nói: "Yêu nhau thì phải lấy được nhau. Người thanh niên có tư tưởng không chịu để phong kiến bóp cổ”. Tôi nói cứng thế, nhưng trong lòng cũng dường như còn cái gì khó nói, cái gì phải chống trả chứ không mỗi chốc đã khước từ, đã bỏ qua ngay được. Những điều ấy đương dày vò cả chính mình.
Câu chuyện tự dưng dính tôi vào đấy lại trở thành xích mích giữa hai người hàng xóm. Bác hàng nước thậm thọt sang thì thào với tôi, bác "cu-ly san" ghét lắm. Về việc này mỗi bác một ý.
Bác "cu-ly san" bảo:
- Có chữ, có mẽ như cậu, quơ đâu chẳng được vợ, dại gì phải ăn thừa lại mang tiếng cướp vợ người ta. Này cậu bảo thật, cái giống chửa hoang này nó cũng như đứa ăn vụng ăn một lần rồi quen thân ăn mãi, chết cũng không chừa đâu.
Bác hàng nước thì nói:
- Tôi tính chẳng mất đi đâu, cậu ạ. Danh giá có, tiền của sẵn, ta như người đi đường nghỉ chân, hãy cốt lấy chỗ dựa đã. Phấn xoa mặt rồi phấn xoa chân cũng thế. Sau này có tý toáy món của chua vợ lẽ thì có quyền, chẳng ai nói vào đâu được.
Bác "cu-ly san" cười mũi nói chua:
- Người ta thu xếp khéo nhỉ!
Bác hàng nước như không để ý, vẫn tính toán trước mặt tôi.
Về trong ấy, cưới xin xong lại cho nhà nó ra đây. Trơn lông đỏ da rồi mới về hẳn, còn đứa hài nhi để tôi nuôi làm phúc cho.
Bác "cu-ly san" hỏi kháy:
- Cậu để người ta thu xếp cho thế có được không?
Tôi gai người nghe những tranh cãi, tính toán, sắp đặt số phận con người thành từng đồng bạc, từng việc. Tôi đâm ngại cả mỗi lúc bác hàng nước sang, cũng như khi nghe bác "cu-ly san" mát mẻ người láng giềng. Tôi càng sợ cứ đôi chốc, phía phên vách lại vẳng nghe đến rợn gáy tiếng người ỳ ọp vừa thở vừa uống những lon thuốc, trong khi tôi tưởng cũng đương nhúng tay vào tội ác ghê gớm này. Tôi không dám nhìn sang, nhưng không thể nào ngơ đi. Có nhắm mắt, có bơ đi thì trong óc tôi cũng thấy hiện lên cái người mẹ tai ác cởi thắt lưng bụng con, rồi một đầu buộc ghé thắt lưng vào cột, bà đè cả người xuống để thít thật thẳng bụng con lại và người con gái đau quá, cứ dưới lên, hai tay chơi vơi quào vào vách.. Mà ngoài kia là cả một trời đất bao la âm u, những con người “có tội” ấy không biết chạy trốn vào đâu được.
Giữa lúc ấy, có người của anh Hiền mang về một bó truyền đơn in thạch. Từ hôm đội xếp vào rỡ cái bảng Ái hữu ở chợ Mỗ, anh Hiền đi chưa về. Chúng tôi mang máng cảm, thấy một tình hình mới, vừa sốt ruột chờ đợi, vừa hoang mang và đến hôm nay, trông thấy tờ truyền đơn của Mặt trận dân tộc phản đế, bé bằng bàn tay. Truyền đơn phân tích thực dân Pháp ở Đông Dương, ngoài mặt làm bộ cứng, nhưng bên trong nó hèn hạ, đã xẻo đất Cao Miên cho quân phiệt Xiêm và nó lại đương sửa soạn quỳ gối dâng Đông Dương cho phát xít Nhật... Nhân dân ta phải chịu hai tầng đè nén... Mặt trận dân tộc phản đế ra đời.
Đọc truyền đơn xong, trông ra đâu đó chỗ nào cũng thấy cách mạng. Tờ truyền đơn len lỏi trên đồng lúa, trong xó nhà giữa chợ, khắp nơi, cả thế giới... Khí thế cách mạng, với sức tưởng tượng của chúng tôi làm cho cảm thấy cách mạng không tan vỡ mà thật sự to lớn.
Chúng tôi nhìn nhau.
- Đây là công tác bí mật!
Công tác bí mật? Người của anh Hiền mang truyền đơn về bảo cách dán. Chúng tôi náo nức nghe anh nói. Mẩu chuối xanh phết lên mặt tường, ập tờ truyền đơn vào, nhựa chuối xanh dính chặt hơn hồ nếp.
Ngay đêm sau, chúng tôi chia nhau đi rải truyền đơn.
Bọn ra thị xã Hà Đông, bọn đi La, Mỗ. Tôi và Điều đem truyền đơn về Bưởi. Nhưng Điều không thể bỏ được buổi làm.
Bây giờ một mình Điều đóng xuất ăn cho cả tôi. Anh em ra học loạc choạc, không đủ tiền cơm cho tôi.
Rồi chỉ mình tôi đem truyền đơn về. Tôi buộc bó truyền đơn vào trong lưng, cuốc bộ ra tỉnh, rồi tắt đường Thanh Xuân, qua quán Bún chợ Mọc. Không có động tĩnh gì khiến phải tránh đường lớn, nhưng theo phương án giữ bí mật mới học được, tôi làm thế. Tôi không ra Cầu Giấy, mà men ben này bờ sông Tô Lịch, về làng. Truyền đơn được phân phối cho các cậu Miễn, cậu Hợp, hai anh em ấy và cả Hộ nữa.
Qua một đêm rải truyền đơn khắp nơi, ném vào tận trong Võng, Cả vùng biết có Mặt trận dân tộc phản đế rồi. Có anh còn lấy truyền đơn bọc vào hòn sỏi, "cả cái" như đánh đáo lỗ xuống chân người lính khố xanh gác cổng đồn Bưởi. Lính khố xanh cũng phải biết Mặt trận dân tộc phản đế của nhân dân Đông Dương đã ra đời.
Tôi làm một cuộc mít tinh bí mật lúc chập tối trên dốc Luỹ, đầu làng Bái, tuyên truyền Mặt trận dân tộc phản đế.
Cũng làm đúng cách thức tổ chức mới biết. Một anh chàng khênh tôi lên nói. Ba Hĩ và anh nữa cầm gậy tự vệ hai bên.
Một anh ra gác tận đầu tường đồn, lúc ấy, vừa cơm chiều người ra đường, thợ chưa vào khung cửi dệt tối. Xóm Luỹ xóm Cầu Sau bên Yên Thái cũng đổ ra, xúm đông lại ngay.
Mấy hôm sau, tôi trở lại cầu Am. Bao nhiêu chuyện hoạt động tưng bừng kể lại.
Bác hàng nước vẫy ngay vào:
- Cậu ơi, cái nhà cô Bảy đi trẫm mình rồi.
Đêm trước, người con gái nọ đã lẻn ra nhảy xuống cái ao sau nhà thương tỉnh. Người ta kể, nghe tiếng cô ấy ngồi khóc trên bờ ao làng đến gần sáng, cứ ngỡ dế kêu. Hôm sau, chỗ cỏ cô ngồi, còn hằn rõ vết chân.
Cả xóm thì thào ao này có ma, trẻ con không đứa nào dám chơi gần sợ ma rút chân, bởi vì lâu lâu lại có người đến trẫm mình.
Nhớ lại những ngày ở cầu Am, tôi chỉ nhớ phảng phất nhưng những nét xoáy vào kỷ niệm cứ như những nhát khía.
Tiếng bụi tre nghiến răng. Cái gốc đa xù xì, con trâu cọ lưng.
Câu hát ngẩn ngơ... Thằng Tây bắn súng... cò què... Người con gái tùm hụp chiếc khăn vuông, bàn tay trắng xanh chỉ trông thấy hiện ra vào lúc sẩm tối. Lão đồng cô bán bánh cuốn, bác hàng nước. Mọi người đều tốt bụng đều khổ và có người khổ đến phải đi trẫm mình vào cái ao có ma đằng sau nhà thương tỉnh. Nhà bác hàng nước vẫn cãi nhau với vợ bác "cu-ly san", nhưng đôi lúc lại rơm rớm nước mắt. Lão đồng cô mua vàng hương đem ra bờ ao cúng, làm cái thang bằng bẹ chuối thả xuống nước, bắc cầu giải oan cho người chết trèo lên...
Anh Hiền(6) về nghe chúng tôi kể lại chuyện ấy. Anh nói:
- Chúng ta phải làm cho sau này không có người chết uất ức thế nữa.
Đành nghe anh Hiền nói rồi Đành ra nhà bác hàng nước vào cái ổ rơm bên cạnh vách nứa mọi khi người con gái nằm.
Đành ở một đêm rồi hôm sau, theo anh Hiền đi mất. Không bao giờ tôi gặp Đành nữa.
Được ít lâu, mật thám Hà Nội về vây làng Vạn Phúc. Đồ Địch bị bắt, phải án đày đi Côn Lôn. Cơ quan bí mật ở Ngọc Trục bị lộ. Ô tô mật thám bắt người, mang ra được hai mảnh in đất, những lọ mực đầu đen, một bó giấy - Kiêm cũng bị bắt lần ấy.
Chúng tôi mỗi đứa tan tác mỗi nơi và thời gian cứ qua.
Điều xuống Hải Phòng, vào sở mộ phu cao su Dầu Tiếng. Hợi bị Tây tóm ở chợ Đơ, về tội tiêu tờ giấy bạc giả. Anh Hiền bị bắt ở thị xã Hà Đông. Mật thám Tây lai Luýt tra điện anh suốt đêm. Một lúc, điếu thuốc lá đương hút nó dí vào mặt anh. Không thấy anh nhúc nhích. Anh đã chết trong xà lim sở Liêm phóng Hà Nội, - sau này, Xuân Thuỷ đã kể cho tôi biết như thế.

Chú thích:
(1) Ngày trước có lối "bói thơ tiên". Thầy bói thắp hương rồi nói thành thơ để đoán số.
(2) Người làm việc quét dọn trong bệnh viện.
(3) Một kiểu áo khoác ngoài, thường bằng vải ka-ki trắng nhạt, thời ấy thịnh hành.
(4) Giấy bạc năm đồng, thời thuộc Pháp, có vẽ hình con công.
(5) Câu đầu bài thơ Trăng trối (1940) của Tố Hữu. Nguyên văn: Từ thuở ấy quăng thân vào gió bụi.
(6) Anh Hiền tên thật là Nguyễn Hữu Hưng, người làng Tây Mỗ.
 
Suối Bình Châu

Nhớ lại ngày ấy, tôi còn thấy cái trường tôi như hòn non bộ chon von giữa đám chậu cây cảnh. Hồi bấy giờ tên là trường Nordemann, nhưng ai cũng gọi là trường Yên Phụ.

U tôi đưa tôi đi men Hồ Tây lên ô Yên Phụ. Khỏi một cái dốc, dừng lại, trông xuống bên tay phải thấy cái sân sâu và rộng ra tận hai mép hồ Trúc Bạch, có cây lạc tây, cây mít, cây sung và ngổn ngang những mái đình cong. Nếu không thính tai nghe trong ấy vang ra tiếng đập thước gõ nhịp cho học trò đọc đều không thể ngỡ đấy là trường học.

Đã lâu tôi ở nhà, bấy giờ quá tuổi phải làm khai sinh giả bớt ba tuổi mới vừa vào học lớp bét. Ông trưởng phố Yên Quang ở phố Quán Thánh được đút năm đồng nên ông đóng cái triện khai sinh giả rút tuổi tôi xuống.

Tôi đã lớn. Tôi biết làm đỡ nhiều việc nhà. Ông ngoại tôi đưa chiếc bút đại tô kim nhũ ra cho tôi ngồi tập đồ giấy. Ông bảo ông truyền nghề vẽ giấy sắc của họ Lại cho tôi.

Họ Lại làng Nghè ở Nghĩa Đô có nghề làm giấy sắc tiến vua. Ngày xưa, các triều vua đều thửa giấy sắc họ Lại để phong thần. Những tờ giấy dó khổ rộng, quét nước hoa hoè vàng thậm. Khi tôi biết, chỉ còn thấy cái huy hoàng nghề giấy sắc họ Lại trong những câu chuyện bà tôi kể mà thôi. Từ đời nảo đời nào nhà vua không thửa giấy sắc phong thần nữa.

Dưới đáy cái cũi tre đựng xống áo tã trong xó nhà tôi còn lủng củng những miếng khắc nẹp, những mẩu gỗ tròn in con long con ly, con quy, con phượng...

Tuy vậy, những nhà có nghề giấy sắc vẫn kiếm được chút ít Các hàng tranh dưới Hàng Phèn, Hàng Mành đôi khi đặt giấy lệnh - giấy vàng vẽ rồng làm tranh thờ. Ông tôi lại có việc và tôi cũng được giúp một tay.
Tôi biết đồ những chỗ dễ, vẽ kim nhũ vào vảy con quy râu rồng, đuôi phượng, còn mây rỡn chùm hay cánh phượng múa, mình ly vằn vèo, tôi đưa bút còn ngượng.

Dù sao, những việc khó ấy cũng không khó như phải đi học. Bây giờ lại phải đi học. Không biết tại sao lại phải đi học. Thật là khổ cực.
U tôi bảo:

- Mai đi Kẻ Chợ.
- Đi Kẻ Chợ làm gì, hả u?
- Đi học.
- Lại xuống nhà chú Tưởng ạ?
- Không, thầy Lâm đã xin học trường công cho con không phải thi.
- Không đi đâu

Nhưng rồi không đi không được. Năm ấy, vào quãng năm 1930, tôi lên chín tuổi.

U con tôi lên bến tàu điện từ tinh mơ. Thầy Lâm đã đứng đón ở đền Quán Thánh rồi dắt xe đạp đi đằng sau. Như trong chuyện cổ tích, tôi đương phải cố nhớ đường về có các lối rẽ để có lúc còn trốn yêu tinh mà về.

Đi qua hồ đến cái dốc, ngổn ngang ngã tư, rồi vào cái cổng cao xuống cái đình hay cái chùa, ấy là trường Yên Phụ đấy. U tôi đứng lại đợi. Thầy Lâm dẫn tôi vào.

Một ông ra ngoài thềm gặp thầy Lâm. Ông ấy có bộ ria vểnh, hai con mắt nhau nháu nhìn người nói chuyện. Tay ông cầm chiếc roi quấn đuôi da lòng thòng như roi của người dô-kề vụt ngựa khi phóng ra roi, mà tôi đã thấy những hôm đi xem thi ở Quần Ngựa. Bởi vậy, tôi không thể ngờ đấy lại là ông giáo.

Tôi ngồi bàn đầu. Trước mặt tôi, một hàng dài những chiếc chén mực tím nhoe nhoét. Cái bàn thấp, lưng bọn học trò cao như con bò có bướu vai. Chúng nó còn nhớn hơn tôi nhiều. Có lẽ cũng lậu tuổi như tôi cả. Đứa nào cũng mặc áo dài thâm, áo the, chít khăn lượt, như thầy giáo. Tôi sợ đờ người ra, không dám khóc, cũng không dám nghĩ trốn về.

Trống tan học nện bần bật từng hồi, rung mái đình. Các lớp trong sân, nhốn nháo, inh ỏi, la hét trong tiếng trống.

Xung quanh như cả học trò và bàn ghế cũng nhấp nhổm sắp à lên. Nhưng khoan khoan, cái roi da thầy đã phất đuôi roi hất vút vút. Tất cả im, đứng dậy, khoanh tay. Thầy đập một roi xuống đầu bàn. Trăm miệng bật kêu váng:

- Giơ mơ le vơơơ...(1)
Đầu roi lại đập xuống. Trăm cái miệng tròn vo lại réo đinh tai:
- Ô rơ-voa mông mét-tờ-rơơơ...(2)

Rồi đầu roi trỏ ra cửa. Đàn rồng rắn học trò xếp lại, tuốn lên cổng trường. Ra tới bãi cỏ chân đê, cái cảnh vỡ chợ mà tôi tưởng lúc nãy bây giờ mới thật sự loạn xạ. Bên gốc bàng những cái cặp, những quyển sách với mũ, nón, áo và quần nữa, tất cả quăng lung tung. Nhiều đám trần truồng ra. Đánh nhau vật nhau cởi trần truồng như thế không sợ rách quần áo - bố mẹ không biết. Đằng kia, bác hàng bánh tôm đương co kéo bắt mũ, bắt cặp của chú học trò ăn chịu. Có chú sợ hàng quà, khôn hơn, trèo tường cổng sau ra. Nhưng, vừa nhảy xuống đất, đã trông thấy ngay bác hàng kẹo đứng chăm chắm ở chân tường, giơ tay nhấc luôn chiếc mũ của cậu bé còn nợ, lẳng lặng nhét đáy hòm rồi nói: "Bao giờ có tiền trả thì chuộc mũ".

Cái cảnh ấy cũng có tôi sau này, bởi chẳng bao lâu, tôi cũng từng trải cung cách trèo tường trốn nợ hàng kẹo, hàng bánh tôm hay là có hôm ngồi hóng cửa trường đợi thằng bạn nào ăn bánh tây xin ngoạm một miếng, có khi ngoạm cả vào ngón tay nó đặt làm cỡ.
Tôi loanh quanh giữa đám hỗn độn. Không thấy u tôi đâu. Tôi bối rối đến nỗi thầy Lâm đứng trước mặt mà không trông thấy.
Thầy Lâm bảo:

- Cháu ra đây tôi đèo...
Tôi khóc to:
- Không... không...
Rồi rống lên. Thầy Lâm dỗ:
- Đèo xe đạp về nhà mà.

Thấy nói được về nhà, tôi thôi khóc và quên ngay cái cảnh sợ hãi đám học trò vừa rồi.

Thầy Lâm đèo tôi mấy buổi đi học như thế. Tôi chỉ nhớ ngồi trước mặt thầy trên khung xe đạp, lưng tôi gò xuống. Về đến đầu chợ Bưởi, thầy buông chân xuống đất làm phanh hãm, hai đầu gối thầy thúc lên đít tôi. Cái xe đạp “pi-nhông” đứng khựng.

Cái nhà thầy Lâm ấy, chẳng phải người làng, người họ nhà tôi đâu. Tôi biết thầy dạy học, chỉ vì thấy cả nhà gọi là thầy giáo. Nhưng không biết là thầy giáo bên đạo hay thầy giáo, thầy đồ ngồi bảo chữ nho, chữ quốc ngữ ở các làng. Cũng không biết tại sao dì Niêm tôi quen... Nhà thầy ấy ở đâu không rõ. Hình như là người Kẻ Chợ. Và hình như thầy Lâm và dì Niêm gặp nhau ở hội làng Hồ tháng tư rồi phải lòng nhau. Bây giờ thầy giáo Lâm xin học cho tôi để có cớ đi lại.

Vùng tôi chưa có trường sơ học. Làng trên có trường vỡ lòng, tôi đã học hết chữ của thầy giáo Đức, thày giáo Cộng thầy giáo Thạch từ lâu. Nhưng xin học ngoài phố không phải dễ. Năm trước định vào trường Cửa Đông, tôi phải ra ở phố Hàng Mã. Thi trượt vì chẳng may cuống quít làm ngược cái tính trừ đấy?

Thỉnh thoảng, thầy Lâm lại đón đường đưa tôi một cái thư.
Tôi chẳng phải tò mò xem trộm. Bởi vì rồi dì Niêm sẽ bảo tôi đọc hộ, dì tôi sẽ ngồi kể cho tôi viết trả lời. Những lá thư tình bao giờ cũng bắt đầu vài ba câu Kiều lẩy Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn... rồi mới đến: Cậu ơi! Ngày sáu khắc đêm năm canh... thư nào cũng một câu như vậy, dì tôi chưa đọc, tôi cũng cứ viết sẵn. Cậu ơi! Ngày sáu khắc... rồi ngồi đợi.

Một hôm chủ nhật, dì Niêm cho tôi đi Kẻ Chợ. Lần đầu tiên, tôi được vào xem tuồng Tàu ban ngày trong đình Hội quản phố Hàng Buồm. Tiếng thanh la nhức óc hơn tiếng hét "lốc bốc xoảng... lốc bốc xoảng... xoảng xoảng...". Tôi ngơ ngẩn vào nhìn. Thầy Lâm và dì tôi đứng đằng xa. Tôi chưa hiểu đó là cách hai người yêu hẹn nhau trong đám xem tuồng Tầu lạ lùng như thế, để tránh gặp người quen, khó ai bắt gặp.
Đến trưa, dì cháu tôi ra về, đứng đợi tàu cửa chợ Đồng Xuân.

Một người đàn bà ngồi trong bọn những người làm nghề đổi tiền cửa chợ, bỗng đứng dậy, xăm xăm tới. Mặt xám ngoét, vành khăn vấn hất lên quá nửa mái tóc, cái đuôi gà chổng ngược. Vẻ cong cớn, táo tợn lắm. Mụ cắp cái thúng nhòi đến trước mặt dì tôi, chống nạnh bên sườn, xỉa tay luôn một thôi:

- Con đĩ Bưởi, con đĩ Bưởi kia, mày quyến rũ thằng Lâm đi đâu? Mày là con mẹ mìn à? Trêu tay bà, bà xé xác mày ra... Con đĩ Bưởi kia!
Mấy mụ khác cũng te tái, xô ra. Những người làm nghề đổi tiền có tiếng nặc nô cửa chợ.

Tôi lo quá. Tôi nhìn quanh không đâu có hòn đá hay cái que, cái gậy... Mấy mụ chới với tay vít tóc dì tôi. Nhưng họ còn vướng trong tay cái thúng tiền. Lúc ấy, tàu Bưởi đã xuống, tàu lên bắt đầu chạy. Hai dì cháu tôi ù được lên tàu. Cửa tàu hẹp, không toang hoác như cửa toa. Cái tàu "leng keng huý huý" lăn bánh.

Mấy mụ đổi tiền đuổi theo bám lên chỗ tay vịn bằng đồng ngoài cửa. Dì Niêm tôi đã lẩn được vào trong. Giữa đám bề bộn người vừa lên, tôi cứ cào phứa vào tay các con mụ. Tiếng chu chéo. "A, thằng ranh con? Thằng ranh con..." Nhưng tàu đã chạy. Chắc mụ nọ sợ nhỡ buổi chợ hoặc mất cái thúng tiền hơn là đi đánh ghen thuê, thế là tụt xuống. Cũng chưa thôi họ còn rảo theo, trỏ lên tàu, réo:

- Cha tiên nhân con đĩ Bưởi... Bà để tội cho mày...

Tôi định nếu thầy Lâm mà còn đón tôi nhờ đưa thư, tôi sẽ ném cái thư xuống đất. Nhưng từ hôm ấy, không gặp lại cái nhà thầy ấy lần nào nữa.

Mà tôi quen đường đi học rồi. Từ làng tôi ra trường Yên Phụ xa bảy, tám ki lô mét. Thế mà tôi chỉ toàn chạy. Chẳng mấy khi tôi chịu về kém tàu điện. Có hôm tôi chạy về tận Quần Ngựa, nhìn xuống đường dưới Thuỵ Khuê, thấy chiếc tàu điện lúc nãy gặp ở Quán Thánh bấy giờ mới ló lên đến cống Đõ, đương ken két ầm ĩ vào chỗ tránh "qua di măng” ở Cổng Rong. Có khi gặp cái xe bò đi không, chúng tôi được người kéo xe cho bám - kéo xe không thì nhẹ quá khó kéo.

Thế là đứa ngồi, đứa đẩy, thay nhau về đến đầu dốc đường Thành, trời chưa tối.

Tôi đi học từ tờ mờ đất. Ra đến Hồ Tây vẫn còn mù mịt sương. Trên đường gặp đến lắm chó đi rông. Trong cặp tôi đựng toàn những hòn đá vừa tay. Chẳng bao lâu, tôi đã thạo ném chó. Chó chạy nhanh, chạy chậm tôi có thể ném đón, tôi định cho trúng vào mõm hay vào bụng, trúng cả.

Mỗi sớm tôi đem theo một nắm cơm u tôi đã nắm chiều hôm trước. Buổi trưa ăn cơm nắm với một xu thức ăn miếng đậu rán hay vài cái kẹo bột. Có khi, dúm muối vừng, miếng cá, con cua mặn. Ăn nhệu nhạo xong, chạy ra cái máy nước đầu ngõ Trúc Lạc nghiêng cổ tu một hơi rồi lên bãi đá bóng.

Tôi ném bộp nụ hoa gạo, ném sấu vườn Bách Thảo, ném con cánh quít ẩn trong kẽ lá bàng trên đê, chém nhựa đa đường Cổ Ngư làm bóng. Mùa nào thứ ấy, bốn mùa chơi.

Ngày ngày đi học, chẳng nhớ bài, chỉ nhớ những chơi bời dông dài như thế.

Tên thầy giáo tôi là thầy giáo Tỏi. Tôi nghĩ không phải tên thầy. Ai lại tên là Tỏi. Nhưng đứa nào cũng bảo đích tên thầy là Tỏi. Chúng nó kể: trong ngăn kéo trên bàn thầy lúc nào lục trộm cũng thấy nhiều củ tỏi, thầy nghiện ăn tỏi từ thuở bé nên được bố mẹ đặt tên cho là Tỏi, thầy giáo Tỏi. Tên trường là Nóc-đơ-man mà ai cũng gọi là Yên Phụ. Vậy thì tại sao thầy giáo tên là Tỏi cũng thế. Vả lại cái roi da thầy Tỏi lúc nào cũng cầm ở tay không phải là thầy chỉ dứ roi trên đầu mà thầy còn quất thật lực vào đít, vào lưng chúng tôi.

Mỗi hôm vào lớp, một anh lớn cầm quyển sách đã có bài chép sẵn từ những năm học trước, anh ấy trông sách rồi chép lên bảng. Còn thầy giáo thì cầm roi đi đi lại lại không phải làm gì cả. Buổi nào cũng thế. Tôi lại biết thêm tính thầy, đứa nào có tội thế nào thầy cứ quất phủ đầu cho mấy roi rồi thầy mới bảo. Nếu ngơ ngác chưa hiểu, thầy lại quất nữa. Suốt cả buổi học, tiếng roi da khô khan cứ đen đét. Đầu lớp, cuối lớp chỉ có cái roi làm việc. Trông vào ánh nắng các khe cửa, bụi quần áo ăn đòn, bốc mù mịt khắp lớp.

Thấm thoắt, đã áp Tết. Thầy giáo tôi dặn cả lớp:

- Hôm nay hai mươi ba cúng ông Táo công lên chầu giời. Còn bốn hôm nữa thì nghỉ. Năm nay thầy về quê ăn Tết, đứa nào tết thầy thì đem tiền đến, đừng biếu bánh trái, thịt thà như mọi năm...

Thế là lễ tết thầy tôi năm nay đưa bằng tiền. Nhưng tôi không dám xin tiền u tôi. Những ngày cuối năm, thường nhà tôi u ám những trận cãi nhau, mặc dầu tôi sợ thầy mà đành hậm hực buồn bã, không hỏi xin tiền ai ở nhà.

Ra giêng khai trường, cứ nghĩ đến ngọn roi da của thầy giáo, tôi thót lưng, buồn đắng cả miệng. Có thể, không có tiền lễ tết, thầy đánh cũng nên.

Mùng bảy tháng giêng khai trường, bồn chồn quá...

Rồi tôi phải đòn thật. Năm mới, đã đen quá. Nhưng cả lớp tôi cũng phải đòn. Đầu tiên, thầy giáo gọi một đứa ngồi đầu bàn lên. Thầy quệt mạnh ria mép một cái như muốn kéo soạt bộ ria đi. Đấy là lúc thầy giận lắm.
Thầy dang thẳng tay, tát thằng ấy một cái. Rồi thầy lại tát ngược bàn tay lại. Tôi trông thấy mặt thằng bé lật lên chao đi giữa hai cái tát đốp đốp nảy đom đóm mắt.

Thầy ra lệnh:

- Về chỗ. Tát thằng bên cạnh như thầy vừa tát ra mẫu thế, nhe!
Thầy đứng xem cả lớp tát nhau, đứa nọ tát đứa kia từ bàn đầu đến bàn bét, kiểu như thầy đã làm ra mẫu. Phút chốc, lớp tôi vang lên những tiếng bốp bốp khô khốc. Tôi tê dại cả hai má. Thằng hàng xóm không thù tôi, nhưng hắn không dám tát khẽ. Đứa nào tát nới tay, thầy giáo đến tát lại cả hai đứa. Những đứa vẫn đợi dịp đòn thù nhau thì khác. Chúng bặm môi, giơ tay tát trái như đấm quai hàm, có đứa toé máu cam xuống bàn.

Cả lớp lại im phắc. Chúng tôi đợi nghe xem đầu năm mà đã có tội gì. Tiếng thầy rè rè, đều đều như có dây cót vặn của cái đồng hồ chẩm cầm báo thức:

- Đứa nào... lấy cái roi... của thầy?

Thì ra thầy tôi mất cái roi. Năm mới, thầy tôi mất cái roi da mọi khi vẫn dắt đằng sau mặt bảng đen. Đứa độc ác nào lấy cái roi da của thầy. Nó không nghĩ rồi thầy hành tội cả lớp. Có thể đứa lớp khác sang lấy trộm. Có thể trong lúc nghỉ Tết, trẻ con ngoài đường vào ăn cắp. Nhưng đằng nào cũng mất cái roi của thầy tôi và chúng tôi đã phải ăn đòn.

Lớp vẫn im phắc. Giọng thầy lại lên rè rè:

- Mỗi đứa đóng một xu để thầy mua roi mới. Nhớ nhe mỗi đứa một xu. Nhớ nhe, mỗi hôm trước khi chép bài, cả lớp lại phải đòn như hôm nay, cho đến hôm nào có roi mới mới thôi nhe.

Thế mà cũng phải mất mấy hôm những thằng đầu bàn mới thu đủ tiền. Đứa nào cũng sợ đòn, nhưng có đứa bảo: “Mấy khi được tát nhau, thích thật”. Nó nói liều thế, chắc vì một xu nhà cho đóng tiền mua roi đền thầy đã chót chén quà mất rồi. Đành chịu. Học trò đi học, gặp thầy dữ đòn hay thầy giáo hiền cũng như người đi đường gặp mưa gặp nắng, không biết thế nào mà tránh.

Rồi mùa xuân đi, mùa hạ đến. Ngày tháng nhạt nhẽo, oi ả, khó nhọc. Chúng tôi đá bóng suốt trưa trên bãi ven đê. Nhiều đứa xa nhà cũng ở lại, lang thang vơ vẩn bờ bụi hè phố.

Một dạo, tôi thôi đá bóng. Tôi đẽo chạc ổi, mua dây cao su làm được cái súng chạc cao su. Suốt đường Cổ Ngư, vàng ối những quả đa. Chim vàng anh về từng đàn, đậu lẫn trong quả đa, rúc ráy mổ quả đa, nếu cái đầu chim không đụng đậy, không ai biết. Nháy mắt, tôi đã bắn được một con, hai con, ba con.

Rồi đứa đi vơ rác, đứa vặt lông, tôi lấy mảnh sành rạch bụng chim, làm lòng. Thui một tí, đã thơm phức. Vàng anh hay con sáo sậu, chúng tôi đều thui rồi xé thịt chim chấm muối ăn. Vừa ăn vừa hò hát: Vàng ảnh, vàng anh, có phải vợ anh thì chui vào tay áo... Sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em sáo sậu...

Hương sen thơm suốt quãng đường hai bên hồ. Những chiếc lá sen tròn đồng tiền, mơn mởn nghển lên khỏi mặt nước. Chúng tôi lội xuống hái những nụ mới nhú bằng ngón tay. Nụ sen ăn ngòn ngọt. Rồi trải lá sen lên bờ cỏ, chúng tôi nằm ngủ dưới gốc đa, trong gió hồ buổi trưa hây hẩy bát ngát.

Tàn mùa quả đa, cây cũng vãn tiếng chim. Tôi vào tìm bắn chim trong Bách Thảo. Nhưng những cây sấu rậm lá kín bưng, chim chui vào không thở được, chẳng thấy con nào.

Một hôm, đương ngồi trong lớp, nghe những tiếng chẹc chẹc hai bên tai. Từ hôm ấy, tôi nhận ra ở trường có nhiều chim sẻ. Dễ thường chim sẻ nhiều hơn cả học trò. Chúng nó ở đây cả ngày cả đêm, cả chủ nhật và khi học trò vào lớp, chim sẻ xuống chơi đầy sân, bay từng đàn nâu loang loáng. Những lúc khác, chim sẻ đứng đầu tường, cãi nhau hay trò chuyện làm sao mà biết được. Chỉ biết nó cứ ra rả chẹc chẹc. Chim ngủ ngay trên khe ngói, hóc cột. Sáng nào chúng tôi cũng phải dọn cứt chim cứt dơi trên mặt bàn ghế ngồi. Cả trong nách, trong bụng, và sau vành tai hai ông hộ pháp đứng sừng sững chỗ cửa lớp ba trông xuống cây sung ở sân dưới cũng có chim sẻ ngủ và ỉa đêm.

Chúng tôi rình bắn chim sẻ quanh tường để nướng ăn thịt.

Tan học, người gác trường vừa quăng cái xích sắt khoá cánh cửa gỗ, tiếng nhốn nháo của đám học trò sắp hàng đã dồn ra ngoài cổng, tan loang trên đê, đàn chim sẻ sà xuống nhảy loạn cả vào các cửa lớp.
Vào giờ chơi buổi sáng. Bên cây lạc tây to ở cửa sân trên đứng thay cái cột gôn tự nhiên, có đám chơi đá cầu. Nắng vàng choé một mảng tường sát dường cái, vươn lên cái cột xi măng có bậc. Những đứa đi học muộn, cửa trường đã khoá cứ trèo cột đèn này vào sân.

Bỗng tôi trông thấy một cái đầu người nhô lên trên cột. Những con chim sẻ đương đứng vụt bay vào tường chùa. Người trèo cột đèn ném theo. Nhưng không phải ném chim. Những mảnh giấy trắng lả tả rơi xuống bọn đá cầu và khắp sân trường. Thế là đám học trò chạy túa ra.
Cả cái sân trên nhốn nháo, người sân dưới cũng dồn hết lên.

Tiếng lao xao:

- Giấy hội kín, anh em ơi!
- Đâu? Đâu?

Nhiều đứa xô đến, đương nhặt xem. Trên cổng con, xộc vào mấy người đội xếp Tây và đội xếp ta lố nhố xuống theo.

Sân dưới, sân trên, cổng trước, cổng con, mỗi cửa lớp một người đội xếp đứng. Tự dưng, trống ra chơi vào sớm. Cái sân trường phút chốc vắng ngắt. Cả lớp im phắc. Không còn biết những gì xảy ra ngoài sân. Những đàn chim sẻ dạt vào góc tường kêu chẹc chẹc. Như vậy, tôi biết dưới sân còn người - chim sẻ xuống, thấy động, lại bối rối bay lên.
Chúng tôi vào lớp hôm nay không phải đọc đều những tràng tiếng Tây như mọi khi: Chúng tôi đã vào lớp... Chúng tôi ngồi xuống... Chúng tôi ngồi im... Mặc dù lớp trật tự thế, thầy giáo Tỏi cũng nói một câu. Giọng thầy dịu dàng nhưng vẫn rè rè, người ta bảo người nghiện rượu khản cổ, khi nào tiếng cũng rè rè thế.

- Hội kín ném giấy cộng sản vào trường ta. Ngồi im, cứ ngồi im đấy. Thôi không học bài hôm nay, bài mới thì chiều chép nhân thể.
Im đến nghe cả tiếng muỗi ro ro trong xó tối, thì phải biết là im thế nào. Câu thầy tôi nói đầy bí hiểm và ghê ghê.

Không biết chúng tôi còn phải cúi mặt chăm chắm như thế đến bao giờ. Thầy giáo cũng ngồi im lặng trên ghế. Cái roi da đặt ở mặt bàn. Thầy nhìn ra cửa chờ đợi, chốc chốc lại nháy ria mép. Điều gì sốt ruột, nhưng chẳng biết điều gì cả.

Tan học, nghe tiếng trống, các lớp cứ tự nhiên tan.

Không còn gì ngoài sân trường; không thấy những tờ giấy lúc nãy ở chân tường. Bọn đội xếp đã biến mất. Các thầy giáo trông cho học trò xếp hàng qua cổng rồi chạy theo ra giữa phố đuổi bọn đứng tụ lại, ngấp nghé, bàn tán. Nhưng đuổi quãng ấy, chúng tôi lại tụ tập đằng xa.

- Tao trông thấy thằng đội xếp xích tay thầy Bảo?
- Cả thầy giáo Tân?
- Nói phét?
- Chẳng tin ra hỏi cái thằng lớp nhì mà xem.
- Anh Kính con thầy Tỏi lớp mình cũng bị xích tay.
- Nói phét quá!
- Chẳng tin đến chiều hỏi xem.

Buổi chiều, tôi nhòm vào lớp, thấy cả hai lớp nhì thầy Bảo và thầy Tân đều vắng thầy thật. Thế mà lạ sao, học trò đông đủ trong lớp ngồi im, không nhúc nhích. Tôi trông thấy nhiều đứa mắt đỏ hoe. Chúng nó thương thầy giáo bị Tây bắt.

Nhà thầy giáo Tỏi ở một gian gần cổng sau trường. Hai gian thông luôn, trước cửa có bụi cây hoa hồng che kín. Qua bụi cây thì trong nhà có gì cũng trông thông thống thấy hết.

Cô giáo thường ngồi têm trầu ở phản trong. Anh Kính cởi trần, quay mặt ra, chăm chú đọc sách ở cái ghế đẩu bên cạnh cửa. Mọi khi, hôm nào cũng thấy thế.

Hôm nay, chúng tôi đi qua, nhớn nhác nhìn vào. Sau bụi hồng, gian nhà vẫn toang cửa như mọi hôm. Nhưng không thấy một ai. Cái thanh vắng cứ rờn rợn. Những bông hồng ta đỏ hoe, rữa cánh, như hoa hồng ma. Có lẽ anh Kính bị Tây bắt thật. Cả cô giáo cũng bị bắt rồi, chưa ai biết cũng nên.

***

Buổi trưa, vẫn những buổi trưa, trường tôi lại bình thường oi ả như mọi trưa hè. Đàn chim sẻ than vãn ra rả, mỏ há khát nước trong ánh nắng mới gay gắt đầu mùa. Trên đường đê, những người kẻ Sù, kẻ Gạ quẩy đôi sọt dưa hồng vào thành phố, tiếng dép kẻ Noi lê quèn quẹt, mồ hôi nhỏ giọt xuống mặt đường đá. Ven bãi cỏ, bọn học trò nhà xa, mặt cháy nắng, cời bắt những con cánh quạt trong kẽ lá bàng xanh non và trong cỏ. Chúng nó mải đá bóng, hò hét, một chốc, đã khản đặc cổ, lại chạy đùng đùng xuống máy nước.

Rồi mùa hạ đã tới. Gần đến kỳ nghỉ hè. Trong sân trường, lúc vào học, tan học và giờ chơi vẫn tấp nập những quen thuộc hàng ngày.
Sáng thứ hai, bao giờ cũng có những đám xúm xít dưới gốc mít và trên thềm cửa lớp, khoác lác kể lại chuyện ngày chủ nhật: đá bóng, đánh nhau, thi xe đạp, xem “xi-la-ma” và những chuyện lông bông khác nữa. Tôi ở trong làng, ngày chủ nhật đi bẫy chim, đi bẻ trộm nhãn, đi hun bắt chuột đồng. Chỉ đứng nghe chúng nó nói, tưởng cũng biết cả chuyện khắp thành phố.

Sân trên, rối rít hai đám đá cầu, đám của lớp nhất, giữa hai cây lạc tây. Học trò lớp nhất lớp nhì cao lênh khênh chít khăn mặc áo the chẳng khác thầy giáo. Nghe nói có đứa cũng có vợ bằng thầy giáo rồi. Sân dưới hẹp, lố nhố những bọn đánh đáo lỗ, đáo tường, gieo tiền đánh “rồi” lại có đám đánh bất, đám đánh ít xì xúm xít sát phạt nhau ngồi tận trong gốc chuối. Dưới bóng cây sấu, la liệt mấy thúng quà của người nhà bác gác trường. Mỗi mùa mỗi thức, khoai lang luộc, mận dưa chuột, sấu chín, mẹt mơ với một bát muối trắng rắc những miếng ớt đỏ tươi... Chỗ chơi, chỗ gọi ăn, chỗ chạy, nhốn nháo.

Thầy giáo Tỏi cầm cái roi vung vẩy, đi bách bộ sân trên xuống sân dưới. Chẳng phận sự gì, nhưng thầy vẫn quen đi thế, cũng như thầy đã quen cầm cái roi da. Chỗ nào có xô xát cả chỗ đá cầu trong đám học trò lớp nhất cao lêu đêu, thầy cũng quất roi tiến vào. Thầy đánh tuốt.
Chúng nó kể rằng thầy giáo Tỏi dạy lâu nhất trường này và ngày trước thầy mình dạy lớp nhất. Sau có nhiều thầy giáo tốt nghiệp trường "Nóc-man"(1) ra thì thầy giáo mình lùi xuống dạy lớp nhì rồi xuống lớp ba, rồi lùi mãi cho đến khi tụt xuống dạy lớp bét như bây giờ.

Thầy giáo không được dạy lớp nhất nữa, đã lâu. Nhưng thầy giáo tôi vẫn mặc áo ma-ga tơ đen, tấm áo từ ngày dạy lớp nhất, lại chúng nó bảo thế, - chỉ khác, đôi ống tay rách đã thay nhiều lần. Dù sao, vẫn là cái áo ma-ga tơ đẹp ngày thầy dạy học trò lớp nhất kia.

Buổi trưa, nóng nực, im ắng. Tôi rình bắn chim sẻ. Những con chim sẻ bị đạn nhiều, biết bảo nhau khôn hơn hoặc vì bờ tường dãi nắng quá, chim chỉ nhớn nhác đến, lại vù bay đi. Bắn mấy phát, toàn bắn đuổi không trúng. Những hòn đạn cuội tròn xoe, tôi phải công phu tìm tận trên đường sỏi vườn Bách Thảo. Mà mấy hôm chẳng bắn được mống chim nào.

Tôi đương nấp nấp, hó háy mắt lên tường. Bỗng chưng hửng, tôi đứng thẳng. Thầy giáo tôi đã mở cái cổng con ra từ lúc nào. Sau lưng thầy giáo có một người Tây lực lưỡng cởi trần. Mình người Tây lông lá và đỏ hắt như thằng người lên sởi. Người Tây trỏ tôi, nói một lô xích xô, tôi nghe ù ù cạc cạc.

Thầy giáo tôi hất đầu roi vào tôi, quát:

- Lại đây!

Tôi từ từ bước lại. Tôi nghiêng nghiêng lưng. Tôi biết tôi có tội gì rồi nên toan có cách đỡ. Tôi giơ sẵn cái lưng tôi. Roi da nện vào lưng, đỡ buốt hơn bị quất vào đít.

Thầy tôi quát:

- Sao mày bắn chim làm rơi gạch xuống mái nhà, làm cho Tây người ta không ngủ trưa được?

Tôi còn biết trả lời thế nào. Cái súng cao su tôi cầm trong tay đây, ăn nói làm sao.

- Thưa thầy... thưa thầy...

Thầy giáo tôi vút cái đuôi roi lướt phựt phựt qua mặt tôi.

Tôi chớp mắt lia lịa. Thầy tôi nói, từng tiếng, rè rè, dịu dàng:

- Lại đây... lại đây.. thầy bảo. Từ giờ... buổi trưa... muốn bắn chim... thầy cho vào trong sân trường mà bắn...

Tôi lạ quá, bắn ở đầu tường còn rơi đạn xuống nóc nhà Tây cơ mà. Bắn trong sân trường nhất định hòn cuội vẫn rơi xuống nhà Tây. Có thật thầy tôi vừa nói câu ấy không. Hay tai tôi nghễnh ngãng? Từ bây giờ... muốn bắn chim... vào sân trường... thầy cho... Thầy tôi vẫn nói. Thầy giơ dựng đứng chiếc roi đương ve vẩy như đuôi trâu. Như trả lời cho cái lo trong bụng tôi.

- Nhớ nhe, sang phía này bắn thì đạn chỉ rơi lên mặt đê mà không xuống nhà Tây được. Mà kệ bố nó? Thầy sẽ rào cái cổng đằng bờ hồ, thằng Tây này không sang hoạnh hoẹ được nữa.

Rồi thầy tôi vút vút ngọn roi lên:

- Còn đứa nào nữa? Vào cả trong sân mà bắn? Chúng mày bắn chim cho thầy nhắm rượu, nhe? Cái giống chim sẻ đem rán phi tỏi, phi thật nhiều tỏi, hay đấy, nhe!

Thầy giáo tôi cứ vừa vút roi, vừa nói. Thằng Tây nọ có lẽ tưởng thầy tôi đương chửi tôi, sắp đánh tôi về tội dám bắn chim làm đạn rơi vào nóc nhà nó, khiến nó không ngủ trưa được Thằng Tây đứng im. Mồ hôi nhễ nhại trên cái ngực lông lá mẩn đỏ. Nhưng nó cũng không đứng im được lâu. Nó còn phải ngủ trưa. Nó cũng không thể đứng bêu nắng thế được.

Nó lại xà lù... cu song(1) mấy câu gì, rồi nó cung cúc xuống men hồ, đi về nhà.

Trưa hôm sau, một bọn chúng tôi được vào sân trường bắn chim, thật sự. Trống tan học, thầy giáo vẫy roi ra hiệu một cái. Chúng tôi xuống nhà thầy. Rồi ra sân bắn chim.

Được chim, chúng tôi làm thịt rán biếu thầy. Có khi chúng tôi ngồi mở cơm nắm ra cùng ăn thịt chim rán với thầy. Lạ thay từ hôm ấy, thầy giáo tôi vẫn cầm cái roi da nguyên như mọi khi mà tôi thấy thầy giáo không ác tý nào.

Thầy tôi treo cây roi lên sợi thép phơi quần áo trước cửa. Đã lâu không thấy cái quần áo nào phơi. Thầy giáo tôi bây giờ chỉ ở một mình.
Mấy hôm, bạo dạn hơn, tôi hỏi:

- Thưa thầy, cô con đi đâu ạ?
Thầy giáo nói:
- Cô mày đi “ hí hí”.... “ hí hí”...

Rồi thầy dang tay ra, giơ lên giơ xuống cắt nghĩa, vẫn như lúc đứng giảng bài:

- Thế là lên đồng, nhe. Cô mày đi kêu "tam phủ ngũ huyện" cho nhà thầy được tai qua nạn khỏi, nhe.

Thế ra ai mách chỗ Cửa ông, Thác Bà linh thiêng ở những nơi bóng nước phương trời nào, cô giáo tôi đều đi đến đấy cầu cúng.
Thầy nói khàn khàn:

- Cậu Kính phải Tây bắt rồi, con biết chưa?

Tôi lễ phép, sợ sệt:

- Con biết rồi ạ!

Trưa hôm ấy, chúng tôi đi quanh sân, tìm chim sẻ bắn một lúc rồi mới xuống nhà thầy. Tôi không thấy thầy lúi húi thổi cơm trong bếp như mọi khi. Thầy nằm đắp chiếu trên giường, rên hừ hừ. Vừa rên, thầy vừa nói trong chiếu ra:

- Con đấy à?

Chúng tôi tranh nhau thưa:

- Thầy xơi cơm để con thổi?

Rồi líu tíu kể:

- Được chim rồi, thầy ạ. Chúng con chỉ giã có bốn phát mà được ba con, thầy ạ.

Thầy vẫn rên trong chăn ra:

- Đừng thổi... thầy sốt... Thầy không ăn cơm. Rán chim đi... nhiều tỏi, nhiều tỏi nhe? Đứa nào chạy mua cho thầy cút rượu chai chỗ kia. Tiền thầy để trên cái thắt lưng ở cột trong...

Chúng tôi vặt lông chim, rồi thui, rồi rán phi tỏi, nhiều tỏi, như mọi khi, cố làm ngon hơn mọi khi. Tôi đã biết cách rán chim không cần mỡ mà thịt chim không bị sát chảo. Hôm trước thầy đã khen tôi ngày sau thằng này đi làm bếp cao lâu thì tốt. Chỉ loáng mắt, đã thơm ngào ngạt.

Tôi rón rén đến đầu giường:

- Con mời thầy dậy xơi rượu ạ?

Thầy giáo dậy tựa lưng vào hòm phản. Tôi ngắm nghía thấy thầy giáo tôi già quá. Ngày nào tôi cũng nhìn thầy giáo thế mà hôm nay nhìn lại không nhận ra thầy mình mọi khi.

Thầy bỏ cái khăn lượt xuống, tóc thầy đã ngả màu muối tiêu. Hàng ria vểnh chênh vênh vàng ám khói như ai đính vào đấy. Thầy nhom nhem gầy rộc, thầy chỉ còn hơi giống thầy mọi khi. Ngồi cạnh, tôi ngửi thấy mùi tỏi, mùi rượu nằng nặng, mùi hôi ẩm quần áo lâu không thay và cái hơi người ốm sùng sũng từ hai bàn chân mọng nề ra.

Chúng tôi mở gói cơm nắm. Tôi ra lấy chiếc đĩa ngoài trạn. Phần chúng tôi chia nhau cái đầu, cái cổ, cái chân. Cứ thẳng thừng ra thì cả chỗ chim rán ấy mỗi đứa chỉ làm một đớp biến cả xương. Thế mà tôi đã chặt riêng rẽ từng miếng lườn, từng cái đùi chim ngay ngắn đặt lên đĩa, lại vun tú ụ đám tỏi vào một góc.

Thầy giáo nhắp từng ngụm rượu. Thầy lấy tay xé thịt chim, thầy từ từ nhai và mắt thầy lại nhìn đi đâu. Thầy xơi thêm một miếng cơm nắm của chúng tôi. Thấy thầy nhai cơm chúng tôi nhìn nhau, nhìn thầy, sung sướng cung kính. Tôi bỗng thương xót thầy với một tình cảm lạ lùng, tôi muốn khóc.

Thầy tôi bảo:

- Chúng mày rửa kỹ bát, gài mớ rửa bát lên cọc, gài cẩn nhận nhe. Úp bát vào trạn, úp khéo chả vỡ. Treo chảo lên cái đinh thứ ba ngoài tường bếp rồi xuống sân sau chơi cho thầy nghỉ, nhe.

Lát sau, ở dưới sân sau lên lấy cặp học bài, thấy thầy giáo vẫn ngồi tựa mép hòm như thế.

Buổi học chiều, thầy ra dây thép xách cái roi đi lên lớp.

Thầy tôi lù khù đi. Cái roi ve vẩy. Tôi có cảm tưởng mới mẻ: thầy đương cầm chơi cái que và không có gì đáng sợ.

Sau nghỉ hè năm ấy, tôi không thấy thầy giáo tôi dạy nữa. Thầy đi đâu, thầy chết hay thầy bị mật thám, bị thằng Tây cạnh trường sang bắt đi, như anh Kính. Hay thầy dạy học kém cứ tụt mãi, không còn lớp nào để tụt, người ta đuổi thầy giáo ra khỏi trường rồi. Bây giờ nhớ lại chuyện thầy giáo, nhớ lại anh Kính bị bắt, nhà thầy tan nát, còn biết bao nhiêu chuyện thương tâm nữa. Nhưng ngày ấy tôi không hiểu gì hơn.

Cái nhà thầy ở, về sau nhà trường lấy một góc làm chỗ để xe đạp của thầy giáo các lớp. Vài cái xe đạp ra vào mấy hôm đã rập cả bụi hoa hồng. Mấy hôm nữa, rụi nốt bụi sói, thế là trống hốc ra.

Một thầy giáo khác đến dạy lớp bét, cũng về ở đấy. Thầy giáo Hướng, Đặng Đình Hướng. - bao năm sau, tôi mới biết thầy Hướng là anh ruột nhạc sĩ Đặng Đình Hưng. Thầy Hướng ở một mình, chỉ có tấm phản kê lẫn bên những cái xe đạp. Thầy mặc áo the dài, đội mũ trắng, thầy nói thầy là người bên đạo Tin Lành. Thầy bước tất tả, cầm cái quạt, tay che miệng, hay thì thào một mình. Có khi đương đi, thầy bỗng đứng im một lúc lâu, mắt nhìn lơ láo hai bên, như tìm gì trong suy nghĩ.


Chú thích:
(1) Tiếng Pháp: Tôi đứng dậy.
(2) Tiếng Pháp: Tôi chào tạm biệt thầy giáo tôi
(3) Tiếng Pháp: trường sư phạm.
(4) Tiếng Pháp: những câu chửi rủa.


Tác Giả: Tô Hoài
 
Suối Bình Châu

Từ bờ biển Vũng Tàu đến Bình Châu hơn sáu mươi cây số. Bình Châu cách Sài Gòn hơn một trăm cây. Tôi từ Vũng Tàu lên Bình Châu, cưỡi ngựa xem hoa một ngày.
Đường qua Long Đất, Xuyên Mộc đương mở lớn song song với những bãi biển mênh mông từ Vũng Tàu sang Long Hai rồi liên tiếp tới Bình Châu. Cơ ngơi tương lai vùng nghỉ mát và an dưỡng này không còn tính một Bãi Sau. một Long Hải mà là cả trăm cây số trải dài một bên là biển Đông, sau lưng trùng điệp rừng núi miền cuối Đông Nam Bộ giáp với Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên.
Vùng rừng biển núi nguyên sinh đại ngàn Bình Châu, chân rừng ra tới mép biển sâu vào những bãi hoang ngập nước mọc những cây trắc dại vỏ trắng loang lổ, giống cây lai sức này chịu nắng chịu nước mới có thể trồi lên từ trong bùn thành đại thụ.
Suối nước nóng Bình Châu được hình thành có lẽ cũng khác thường. Không như những dòng nước nóng từ các hẻm núi đá tuôn ra thành suối như ở Lai Châu. Ở Sơn La hay suối Kênh Gà ở Ninh Bình, suối Kim Bôi ở Hoà Bình. Mang trong lòng đất vùng này, dưới chiều sâu cả chục nghìn thước có những dãy núi lửa. nước nguồn chảy vào sôi lên rồi lại trào ra theo mạch sủi nước nóng lên mặt bùn. Suối nước nóng ở Bình Châu ẩn hiện từng quãng, từng quãng như những mỏ nước giữa rừng hoang nước lợ. Bây giờ người ta đào cho nước nóng dâng vào lòng giếng. Rồi những lạch nước có bờ đê cao hai bên đưa nước chay đến các nhà nghi, các hồ bơi các bến ngâm chân, các phòng tắm bùn. Có một vùng hoang vắng hôm nay và mai kia sẽ nguy nga lên cả trăm, mấy trăm cơ ngơi an dưỡng. Đã đến vườn rừng nước nóng Bình Châu. Thoạt trông cũng chẳng khác dọc đường, nếu không có cái cổng chào đồ sộ tết lá hai chữ Bình Châu to tướng.
Một cái nhà con con như cái lô cốt, cái bốt gác, nhưng đấy là trạm thu lệ phí xe và người vào cổng, trong khi trông ra quanh mình chỉ là rừng là rừng. Rồi lác đác nhà mái gỗ một tầng - nhà nghỉ, nhà trọ, nhà bán hàng lưu niệm. Nhưng đồ này quá sơ sài ở Sài Gòn, ở Vũng Tàu cũng chẳng thiếu những thứ ấy. Đặc sản Bình Châu có mỗi cái mũ lưỡi trai vải trắng in hai chu Bình Châu. Ai cũng mua để mang ky niệm khoe ta mới ở Bình Châu về.
Trên bãi có, mấy chiếc xe ngựa gỗ hóng khách, xe độc mã xe song mã. Người lác đác tùng bọn đi chơi. Chẳng trông thấy người nào quần đùi cởi trần, khoác áo tắm như ở bãi biển. Vào một bể tắm cửa đóng, khoá xích, treo bảng “nghỉ”. Không có ai mà hỏi. Thế thì tha thẩn ngắm phong cảnh trời nước và rừng cây. Có những con đường nho nhỏ trong lùm cây chỗ xếp đá, chỗ lát gạch quanh co khúc khuỷu một cách cố ý có chỗ lại cheo leo qua chiếc cầu nhỏ. Những con đường hữu tình này chắc dẫn đến các nhà nghỉ.
Chẳng buồn đi tìm bể tắm nữa, chúng tôi đến một nơi mà ai tới Bình Châu cũng phải biết chỗ ấy. May, nơi vui chơi này không "nghỉ"đóng cửa và không phải trả thêm lệ phí. Ấy là một cái giếng giữa bãi ngập nước, thành giếng cao tròn, đường kính ước khoảng một thước. Người ta mua sẵn trứng gà mang đến, bỏ vào cái giỏ để đấy rồi dòng dây xuống giếng. Những người đã đến chơi đây bảo chỉ bảy phút trứng chín, kéo lên, đập ăn “la cooc” rất được.
Tôi trông những cái giỏ đặt xếp hàng dưới đáy giếng trong làn nước lặng tờ, không biết nước nóng hay nước lạnh mà chỉ bảy phút trứng ăn được.
Nhiều người cũng có vẻ nghi ngờ như tôi. Quãng bảy, tám phút, ai cũng kéo giỏ trứng lên xem sao. Rồi đem trứng ra cái chòi lợp lá cạnh đấy, cái chòi giả cổ, ghế và bàn bằng gốc cây, thân cây, tự nhiên như giữa rừng. Ấy thế mà thật những quả trứng đã nóng hổi ăn được. Tôi khẽ đập hai đầu trứng, dúm lấy hạt muối, hút tụt vào miệng. Đặc biệt, lòng đỏ chín trước, lòng trắng còn lờ đờ, ăn thế đương ngon. Nhiều người bóc vỏ trứng, húp từng thìa.
Rồi ra ngồi trên bờ thành suối thả chân xuống làn nước nóng chảy ra. Nước nóng hẳn hoi. Mấy chục người ngồi ngâm chân, Mặt nghiêm nghị như ngâm nước thánh, tưởng bệnh gì trong người cũng đương khỏi. Lại nhớ ngày nào nước suối Kênh Gà, trông thấy ở ga Hàng Cỏ cả trăm người xếp hàng mua vé tàu vào Ninh Bình, vai đeo sẵn cái vò đựng nước, nước suối Kênh Gà chữa bách bệnh, có người quảy cả đôi thùng.
Đấy là chuyện trẻ con một thời.
Tôi ước ao và tôi tin một ngày kia Bình Châu sẽ có bệnh viện ngâm tắm bùn nóng chữa bệnh. Nước suối nóng và bùn suối nóng chữa dược nhiều bệnh, nhiều nước trên thế giới được sông suối thiên nhiên ưu đãi đều có những nhà nghỉ, nhà an dưỡng, bệnh viện quý như vậy. Vùng Bình Châu của Bà Rịa Vũng Tàu đương hên doanh xây dựng với Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh, chắc sẽ đến một ngày đẹp như thế. Nhưng mà đến được ngày ấy, của cải và sức người còn phải bỏ ra không biết bao nhiêu. Những nơi có thắng cảnh trở thành của báu đều phải có công sức lớn lao của người mới nên được. Bình Châu tuyệt đẹp còn đang hoang dã. Rừng Bình Châu có hơn mươi loài thú, có beo lửa, gấu chó... rắn cạp nong, hổ mang chúa... Con hổ con voi trong rừng sâu không dám lai vãng ra, nhưng bây giờ đi vào những bãi cỏ lau, những đồng hoang ngập nước chắc cũng vẫn sẵn những con hổ mang hổ lửa.

Tô Hoài
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top