Tình yêu quê hương đất nước trong tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”

TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC TRONG TẬP THƠ
GIÓ VÀ TÌNH YÊU THỔI TRÊN ĐẤT NƯỚC TÔI” CỦA LƯU QUANG VŨ

I. Mở đầu

Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong cuộc đời sáng tác của Lưu Quang Vũ, thơ ca không phải là thành tựu nổi bật nhất của ông. Ông toả sáng ở thể loại kịch với những đóng góp to lớn cho cả một giai đoạn huy hoàng của sân khấu nước nhà. Tuy nhiên, thơ mới chính là nơi Lưu Quang Vũ thể hiện niềm say mê đắm đuối, là nơi ông sống với những khát vọng mãnh liệt của đời mình. Với hành trình sáng tác hơn 20 năm - khoảng thời gian chưa dài nhưng Lưu Quang Vũ thực sự là một thi sĩ tài năng, một cá tính thơ độc đáo của nền thơ ca Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.

Năm 2010, tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ được Nxb Hội Nhà văn ra mắt bạn đọc. Cuốn sách tập hơn 100 thi phẩm của Lưu Quang Vũ, trong đó có cả những tác phẩm chưa từng được công bố của ông.“Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” thể hiện một cách sâu sắc thế giới tâm hồn phong phú và bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ. Trong đó, tình yêu quê hương đất nước, gắn bó sâu nặng với Tổ quốc và nhân dân là nội dung tư tưởng nổi bật của tập thơ. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của cây bút tài năng này, Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải thưởng “Thành tựu trọn đời về Thơ” (2010) cho tập thơ.

II. Nội dung

1. Tình yêu thiên nhiên

Trong tuyển tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” của Lưu Quang Vũ, ta thấy chất đọng trong đó một tình yêu tha thiết, nồng nàn với thiên nhiên. Bởi với Lưu Quang Vũ, thiên nhiên luôn đồng nghĩa với quê hương đất nước. Cảm xúc của nhà thơ luôn thiên về việc đi tìm chất thơ qua hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà:
Thoảng mùi hoa thiên lí nhà ai
Một tiếng chim khuya gọi mùa vải đỏ
Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ
Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm.
(Đêm hành quân)

Hình hài đất nước hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ còn là hình ảnh của thôn Chu Hưng, nơi lưu giữ những kỉ niệm tươi đẹp, là ngọn nguồn của yêu thương, của sáng tạo thi ca:

Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao
Đường ven suối quả vả vàng chín rụng
Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao
(Thôn Chu Hưng)

Mỗi một vùng đất, mỗi một miền quê đều để lại trong lòng nhà thơ những ấn tượng khó phai bởi tình cảm gắn bó sâu nặng. Song lung linh và sống động nhất vẫn là Hà Nội - trái tim của Tổ quốc, thủ đô của “niềm tin yêu và hy vọng” chung cho tất cả mọi người và của riêng nhà thơ :
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi
(Vườn trong phố)
Như vậy, thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ luôn được chắt lọc từ những hình ảnh gần gũi, thân thương nhất của quê hương, đất nước. Thiên nhiên đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần nâng đỡ nhà thơ trong suốt hành trình cuộc đời. Và chính thiên nhiên thấm đẫm hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà đó đã giúp nhà thơ tạo được dấu ấn riêng về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc và “đắm đuối đến mê hoặc” (Vũ Quần Phương).

2. Tình yêu tiếng Việt

Với tình cảm chân thành và tha thiết với quê hương đất nước, Lưu Quang Vũ không chỉ dành tình yêu cho thiên nhiên, sông nước, quê nhà mà còn gửi gắm cả vào tiếng Việt- thứ ngôn ngữ vừa “nghẹn ngào như lời mẹ đắng cay” vừa “ trong trẻo như hồn dân tộc Việt”. Nhà thơ thấy hình hài đất nước qua từng nét chữ, âm thanh:

Tiếng tha thiết, nói thường nghe nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh
Dấu hỏi dựng suối ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
(Tiếng Việt)

Tiếng Việt là một sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại của đất nước, của dân tộc, là tâm hồn, là lịch sử, là sức sống của người dân Việt. Tìm trong tiếng Việt thấy cả một thời quá khứ còn âm vang mãi:

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc súng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Tiếng Việt còn ghi lại âm thanh quen thuộc, bình dị của cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ. Và cũng chính tiếng Việt là tiếng gọi tha thiết con người trở về với nguồn cội yêu thương, xóa bỏ mọi hận thù, cắt chia:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Tùng tôi trong tiếng Việt quay về
(Tiếng Việt)

Trong sâu thẳm tâm hồn Lưu Quang Vũ dâng lên một niềm biết ơn sâu sắc đối với ngôn ngữ dân tộc:

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nơi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…

3. Nghĩa tình sâu nặng với Tổ quốc, nhân dân

Trong tuyển tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, những vần thơ viết về Tổ quốc và nhân dân là những vần thơ thể hiện một cách sâu sắc nhất tiếng nói tri ân của Lưu Quang Vũ với Tổ quốc và nhân dân mình. Lưu Quang Vũ luôn trăn trở, thương cảm, đớn đau với số phận của đất nước, của dân tộc từng nếm trải muôn vàn thử thách, cay đắng trên những chặng đường dằng dặc của lịch sử:

Việt Nam ơi!
Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ…
…nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi.
(Việt Nam ơi)

Chúng ta có thể nhận thấy trong những câu thơ hiện đại ấy chất chứa cùng một nỗi niềm với câu thơ của Khuất Nguyên từ thời Tiên Tần “Trông về nước Sở gạt hàng lệ rơi” (Li tao) hay câu thơ Nguyễn Trãi viết từ thế kỷ XV:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông

Tất cả nỗi đau đớn của Lưu Quang Vũ cho dân tộc dồn lại trong hai tiếng gọi tên đất nước: Việt Nam. Song âm hưởng của tiếng gọi không phải là ngợi ca mà là xót xa:

Nước Việt thân yêu nước Việt của ta
sao Người phải chịu nhiều đau đớn thế
thân quằn quại mọi tai ương rách xé

Hơn ai hết Lưu Quang Vũ thấu hiểu chân giá trị, vai trò thiêng liêng và số phận của nhân dân, những con người làm nên lịch sử, làm nên đất nước. Nhà thơ luôn gửi gắm niềm tin mãnh liệt, lòng biết ơn, sự gắn bó sâu nặng với nhân dân:
Giữa đau thương, người đã nắm trong tay
Địa chỉ của Niềm Vui
Những lý do của hy vọng
Tôi tìm đời tôi trong lẽ phải của Người
Tìm lẽ phải nơi trán Người bình tĩnh
Hạt muối tôi trong biển Người vô tận
Chỉ khổ đau vì đau khổ của Người
Chỉ sướng vui trong vui sướng của Người thôi…
(Người cùng tôi)

Nhưng Lưu Quang Vũ cũng hiểu chính nhân dân là người phải gánh chịu mọi hiểm họa, đau thương. Sau này qua mười năm chìm nổi, lặn sâu xuống tận cùng nỗi đau với nhân dân, tâm trí nhà thơ luôn quay cuồng về một câu hỏi lớn:

Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi?

Lưu Quang Vũ luôn khao khát mang tình yêu và hạnh phúc để xoa dịu mọi đau thương, mất mát trên suốt dọc dài của mảnh đất hình chữ S:

“Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…”

III. Kết luận

Lưu Quang Vũ là một tài năng lớn, một người nghệ sĩ luôn hướng đến những giá trị nghệ thuật chân chính. Hơn 20 năm cầm bút, Lưu Quang Vũ đã để lại một số lượng các tác phẩm thơ tuy chưa thực sự như kịch nhưng những bài thơ của ông là tiếng lòng, cất lên từ trái tim tha thiết yêu thương, gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước và với cuộc đời.

Tuyển tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” đã thể hiện một cách đầy đủ nhất những chặng đường thơ của Lưu Quang Vũ. Ở đó, cảm xúc cá nhân luôn hoà quyện với cảm hứng dân tộc. Thơ Lưu Quang Vũ là sự tiếp nối chủ nghĩa yêu nước truyền thống nhưng đồng thời cũng là những phát hiện đổi mới về chiều sâu tư tưởng và tư duy nghệ thuật.

“Thời gian - người phán xét nghiêm minh và sáng suốt” (Khrapchenco) kiên quyết giữ lại những tên tuổi và những giá trị đích thực. Và với Lưu Quang Vũ một trong những giá trị đáng ghi nhận nhất đó là ông đã dùng chính con tim của mình để thắp sáng lòng người, thắp sáng những chân trời nghệ thuật như chính lời tuyên ngôn ông từng viết:

Trên mái nhà cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên hạnh phúc, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi…

Đào Thị Huyền -CNV- khoa Ngữ Văn- SPU2
vnkienthuc.com
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top