Tính võ đoán và tính hình hiệu của ngôn ngữ
- Huy HoàngTrong khoàng mấy chục năm gàn đây, ý kiến nghi ngờ tính võ đoán của ngôn ngữ ngày càng nhiều, nhiều học giả đã phủ định mạnh mẽ nguyên tắc về tính võ đoán của ngôn ngữ do F.d.Saussure đưa ra. Tuy nhiên, vẫn có rất đông các nhà ngôn ngữ học lên tiếng bảo vệ lý luận của Saussure, tạo nên một cuộc tranh luận gần như không hồi kết.
1. Tính võ đoán (arbitrariness)
Khó có thể nói chính xác tính võ đoán (arbitrariness) của ngôn ngữ được đề ra từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải đến tận thời của Saussure mới có. Triết học cổ Hy Lạp đã từng tranh cãi rất gay gắt về vấn đề này. Những nhà tư tưởng thời Chiến Quốc ở Trung Quốc cũng đã từng nêu ra vấn đề “danh” và “thực”. Tuân Tử nói: “danh vô cố nghi, ước chi dĩ mệnh, ước định tục thành vị chi nghi, dị ư ước tắc vị chi bất nghi.” (tên vốn không có sự thích hợp cố định, người ta quy ước với nhau mà đặt tên, quy ước định ra mà thành lệ thì là thích hợp, trái với quy ước là không thích hợp). Có thể nói, Tuân Tử chỉ ra đúng bản chất của tính võ đoán mà sau này Saussure tổng kết thành nguyên tắc số một của ngôn ngữ.
F.d.Saussure trong “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương” chỉ ra tính võ đoán của ngôn ngữ thể hiện ở quan hệ giữa cái biểu hiện (tức là hình tượng ngữ âm) và cái được biểu hiện (tức là ý niệm). Theo Saussure, ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu, trong đó mỗi một tín hiệu đều bao gồm 2 mặt : cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Cái biểu hiện là bản thân tín hiệu, cái được biểu hiện là một sự vật bên ngoài hệ thống tín hiệu mà tín hiệu đó đại diện. Ví dụ như tín hiệu đèn xanh là cái biểu hiện, còn cái được biểu hiện là “được phép đi”; “đèn xanh” đại diện cho “được phép đi”. Ngôn ngữ cũng vậy, âm thanh “sách” được phát ra để đại diện cho khái niệm “sách” trong não bộ con người (xin lưu ý: âm thanh “sách” đại diện cho một khái niệm trong tư duy, chứ không phải là đại diện cho sự vật “sách” ngoài đời).
Vậy tại sao cùng một khái niệm được phản ánh, nhưng người Việt Nam nói là “sách”, người Trung Quốc nói là “shu”, người Nhật nói là “hon”, và người Anh nói là “book”? Rõ ràng, không có mối liên hệ logic và tất yếu nào giữa âm thanh “sách” với khái niệm được biểu đạt cả. Đó là tính võ đoán của ngôn ngữ. Nói tóm lại, tính võ đoán của ngôn ngữ là chỉ cái biểu hiện và cái được biểu hiện không có mối quan hệ tất yếu nào, mà chỉ đơn thuần là do một nhóm người quy ước với nhau, khi quy ước được chấp nhận rộng rãi, nó sẽ được cố định. Theo Saussure, tính võ đoán là đặc trưng quan trọng nhất của ngôn ngữ.
Trong một thời gian dài, người ta ủng hộ tuyệt đối tư tưởng này của Saussure, tuy nhiên, với những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, không ít học giả đã đặt câu hỏi với tính võ đoán của ngôn ngữ. Ta hãy xem vài ví dụ:
(1) Trong tiếng Anh, trong số những từ bắt đầu bằng phụ âm kép “gl-“ có khá nhiều từ có ý nghĩa liên quan đến thị giác: glare, glint, glean, glitter, glossy, glaze, glance, glimmer,…
(2) Trong tiếng Đức, nhiều từ liên quan đến những gì bất định, dễ thay đổi, khó nắm bắt được bắt đầu bằng “w”: wind (gió), wunsch (điều ước), wehen (động từ gió thổi), wolke (mây), wirren (hỗn loạn)…
Chưa kể đến những bình diện khác như từ vựng, cú pháp, chỉ riêng bình diện ngữ âm ta đã thấy dường như có “cái gì đó” chi phối, ít ra là ảnh hưởng tới sự hình thành từ (ở đây tôi ví dụ trên bình diện ngữ âm vì Saussure nói đến tính võ đoán trên bình diện ngữ âm). Các học giả sau thời Saussure cho rằng, bên cạnh tính võ đoán, ngôn ngữ còn có tính hình hiệu (iconicity) hay là tính suy diễn (motivation), tuy nhiên để nghiên cứu tính hình hiệu của ngôn ngữ không phải việc dễ dàng, đặc biệt ở bình diện ngữ âm. Trong tiếng Đức, nhiều từ thể hiện những thứ “bất định” được bắt đầu bằng w, nhưng không phải từ nào bắt đầu bằng w cũng thể hiện ý nghĩa đó. Quan hệ đó chỉ là ngẫu nhiên, hay có tính quy luật?
2. Tính hình hiệu và quan hệ hình hiệu – võ đoán:
Tính hình hiệu dễ tìm ở bình diện ngữ nghĩa hơn là ngữ âm, vì từ một số ít từ ngữ ban đầu, chúng ta có thể tổ hợp ra rất nhiều từ ngữ mới, mà quá trình tổ hợp này buộc phải dựa trên một quy luật nhất định; còn nếu hễ gặp một sự vật sự việc mới là ta phải đặt cho chúng một cái tên “hoàn toàn mới” thì có lẽ ngôn ngữ sẽ trở thành một mớ hỗn độn. Ví dụ như ta có từ ngữ “lá” và “cỏ”, tiếp theo ta lại có từ “xanh”, “tươi” và “úa”. Từ 5 từ ngữ trên, ta tổ hợp được “lá xanh”, “lá tươi”, “lá úa”, “cỏ xanh”, “cỏ tươi”, “cỏ úa”. Sự tổ hợp này là có quy luật rõ ràng, nghĩa của những từ mới là tổng hòa của ý nghĩa từng thành tố trong từ; tất nhiên đây là ví dụ rất đơn giản, trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, người ta có thể dùng phương pháp ẩn dụ để tạo sinh một nghĩa mới cho từ – ví dụ như “hổ giấy” nghĩa là “kẻ có danh tiếng nhưng thực ra tài năng có hạn”. Theo đúng lý thuyết ngôn ngữ tạo sinh của Chomsky, thì đã “tạo sinh” là phải có quy luật, mà có quy luật tức là có tính hình hiệu.
Tuy nhiên, 100 năm nay chưa có ai dám tuyên bố là đã “đánh đổ” được lý luận của Saussure, vì tính võ đoán của ngôn ngữ vẫn rất hiển nhiên. Có chăng, các nhà ngôn ngữ học thời sau chỉ không cho rằng, tính võ đoán là nguyên tắc hàng đầu của ngôn ngữ mà thôi. Ta cũng hãy lần lượt xem xét từng ví dụ trên cả bình diện quan hệ ngữ âm – ngữ nghĩa lẫn tổ hợp ngữ nghĩa.
Quay lại với ví dụ (1), cứ cho rằng giữa những khái niệm liên quan đến thị giác và âm “gl” có một quan hệ ràng buộc nào đó, nhưng có thể thấy quan hệ đó vẫn không phải quan hệ tất yếu. Chỉ có tiếng Anh mới có mối quan hệ đó mà thôi, còn các ngôn ngữ khác thì không. Ta lại có thể lấy thêm một ví dụ rất thú vị nữa:
(3) Trong tiếng Anh, rất nhiều từ mang âm /i/ dùng để chỉ nghĩa bé nhỏ, gần: little, feeble, wee, this… và rất nhiều từ mang âm /a/ hoặc /ɔ/ mang nghĩa lớn, hoặc xa: large, that… Nhưng trớ trêu thay, từ “to lớn” thì lại là big – mang âm /i/, còn từ “nhỏ bé” thì lại là small! Difloth còn phát hiện ra rằng, trong tiếng của dân tộc Ba-na Tây Nguyên, từ mang âm /i/ mới thường có nghĩa là to lớn, còn mang âm /a/ thì ngược lại.
Ví dụ trên là thuộc về bình diện ngữ âm, còn về bình diện tổ hợp ngữ nghĩa, chúng ta cũng vẫn rất khó có thể giải thích tại sao lại tổ hợp như thế này mà không tổ hợp như thế kia. Tôi lấy một từ gốc Hán làm ví dụ cho cả tiếng Trung lẫn tiếng Việt: điện thoại. Ta có thể hiểu, “thoại” là lời nói, vì lời nói được truyền qua tín hiệu điện nên gọi là “điện thoại”, cách tổ hợp từ này rất logic, không có gì phải bàn cãi. Có điều tại sao không phải là “điện ngôn” mà nhất định phải là “điện thoại”? Điều này đành phải giải thích rằng, ban đầu có ai đó dùng 2 từ tố “điện” và “thoại” tổ hợp thành từ “điện thoại” để chỉ tên thiết bị này, sau đó mọi người chấp nhận cách gọi đó, và không xuất hiện cách gọi khác nữa. Vậy việc lựa chọn tổ hợp này thay cho tổ hợp khác cũng là một sự “võ đoán”, lâu dần thành quy ước xã hội và cố định trong ngôn ngữ – không khác gì việc lựa chọn một âm thanh nào đó để đại diện cho một ý niệm trong đầu như Saussure đã chỉ ra.
Có thể tạm kết luận rằng, trong ngôn ngữ tồn tại 2 đặc tính song song: tính võ đoán và tính hình hiệu. Hay đặc tính này thực chất là hai mặt đối lập thống nhất với nhau, tương tác lẫn nhau và không tách rời nhau. Bất kì nghiên cứu nào tuyệt đối hóa 1 trong 2 đặc tính trên đều có thể bị phản bác nhờ rất nhiều ví dụ. Với sự phát triển của ngôn ngữ học, tâm lí học, thần kinh học… rất có thể trong tương lai, con người sẽ giải thích triệt để được tính hình hiệu của ngôn ngữ, mối quan hệ giữa ký hiệu ngôn ngữ và ý niệm.
_______________________________________________
Chú thích: về khái niệm iconicity, hiện nay có nhiều cách dịch khác nhau như tính hình hiệu, phỏng hình, cụ tượng… Ở bài này thống nhất dùng cách dịch “hình hiệu”.