• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Tính hình tượng của nghệ thuật ngôn từ

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
Tính hình tượng của nghệ thuật ngôn từ

Trong nghiên cứu văn học, từ " hình tượng" được xem xét theo 3 nghĩa: hình tượng như là một chi tiết có màu sắc, hình ảnh, một ẩn dụ, hoặc một hình thức chuyển nghĩa khác gắn với nghĩa bóng; hình tượng như là nhân vật văn học và hình tượng như một kiểu đặc biệt của nhận thức và phản ánh thế giới khách quan.


Trong ngôn ngữ học, đặc biệt trong phong cách học , tính hình tượng theo nghĩa rộng nhất có thể xác định là thuộc tính của lời nói thơ (lời nói nghệ thuật) truyền đạt không chỉ thông tin logic mà còn cả thông tin được tri giác một cách cảm tính (cảm giác, tri giác, biểu tượng) nhờ hệ thống những hình tượng ngôn từ. Còn bản thân hinh tượng ngôn từ đầu tiên có thể được xác định như mảnh đoạn của lời nói (từ hoặc cum từ) mang thông tin hình tượng , mà ý nghĩa hình tượng này không tương đương với ý nghĩa của những yếu tố được lấy tách riêng ra của mảnh đoạn đó cộng lại.


Biểu hiện của tính hình tượng :


- Ở cấp độ ngữ âm
+ Vần:
VD: "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp"
tràng giang : 2 âm "ang" liên tiếp nhau tạo nên âm hưởng ngân vang gợi nên hình ảnh một dòng sông trải dài miên man , vô tận, không gian rộng lớn, mênh mông
+ Thanh điệu
VD. Chập chùng tác Lửa , thác Chuông
Thác dài, thác khó, thác ông , thác bà
T B T T T B
T B T T T B T B
8 thanh trắc trong đó có 6 tiếng được láy lại vị trí đầu (thác) gợi nên hình tượng những con thác nối tiếp nhau, gập ghềnh trắc trở


- Cấp độ từ vựng
Khác với ngôn ngữ thông thường , trong văn bản nghệ thuật từ thi ca có 2 bình diện theo khuynh hướng nghĩa của mình: có mối tương quan đồng thời cả những từ của ngôn ngữ văn hóa chung cả với những yếu tố của cấu trúc ngôn từ của văn học nghệ thuật
VD. Buổi chiều ứa máu
Ngổn ngang những vũng bom
<Nguyễn Đình Thi>
"vũng" có nét nghĩa thường trực "có nước" mà từ "hố" không nhất thiết phải có, Chính nét nghĩa có nước này tạo sự cộng hưởng giữa vũng + máu gợi ra hình tượng lên tưởng có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của quân giặc: những vũng bom đạn Mỹ trút xuống làng quê ta, cũng là những vũng máu mà người dân ta đã đổ xuống .

- Cấp độ ngữ pháp
VD. Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
-> Tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc về hình tượng Mã giám sinh lỗ mãng, vô học.....
Các biện pháp nghệ thuật sử dụng để tạo hình tượng (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ...)
VD: Bài thơ "Bánh trôi nước" - Hồ Xuân Hương - hình tượng về chiếc bánh trôi nước trắng tròn, thơm ngọt -> hình tượng người phụ nữ đẹp, phẩm chất sắt son , chung thủy nhưng bị "nhào nặn", bị phụ thuộc vào chồng, cha, con...không thể tự quyết định số phận. ...
 
H

HuyNam

Guest
Văn học là nghệ thuật ngôn từ, nhưng cho đến nay trong hầu hết các tài liệu l‎í luận văn học ở Việt Nam đều chỉ hiểu ngôn từ như một phương tiện biểu đạt, một công cụ bề ngoài, chưa đi sâu tìm hiểu bản chất xã hội, thẩm mĩ của nó, và do đó cũng chưa đi đến hiểu rõ bản chất của ngôn từ văn học.

Có nhiều nguyên nhân tạo thành tình trạng đó. Một là truyền thống xem văn học là sự phản ánh các hiện tượng hiện thực vào ý thức bằng hình tượng, ngôn từ chỉ là phương tiện bề ngoài. Định nghĩa của L.I.Timôpheev về hình tượng văn học không nói đến yếu tố ngôn từ (1). Khái niệm ngôn từ của G.N.Pospêlov đưa ra vào những năm 70 chỉ thuần túy là phương tiện biểu đạt (2). Mặt khác, các nhà l‎ý luận hình thức Nga, phê bình mới Anh, Mỹ và chủ nghĩa cấu trúc lần đầu tiên chú trọng đến vai trò đặc biệt của chất liệu ngôn từ, một yếu tố mà lí luận văn học và mĩ học truyền thống thường xem nhẹ, song họ lại có ảo tưởng chỉ xác lập đặc trưng văn học bằng cấu trúc thuần túy ngôn từ, bằng đi tìm “tính văn học”, “chất văn học” trong ngôn từ. Đó lại là một phiến diện nữa.

Sau hơn nửa thế kỉ tìm tòi đặc trưng văn học từ phương diện ngữ học, cuối cùng, theo nhà lí luận văn học Mỹ J.Culler trong bài Về tính văn học (1989) (3) cho biết: cả R. Jakobson và Tz. Todorov đều thừa nhận rằng cái “tính văn học” mà họ chủ trương dễ dàng tìm thấy trong các văn bản phi văn học! Todorov trong bài Về khái niệm văn học cũng thừa nhân, con đường tìm tòi trước đây của ông về “tính văn học”, trên thực tế chỉ có nghĩa là “phủ định tính hợp pháp của khái niệm cấu trúc văn học, phủ định sự tồn tại của một ngôn từ văn học đồng chất” (4).

Con đường đúng đắn để tìm hiểu ngôn từ văn học phải xuất phát từ sự thống nhất không tách rời giữa ngôn từ và ý thức. Marx và Engels hiểu ngôn từ (ngôn ngữ) như là biểu hiện của ý thức về thực tại trong giao tiếp: “Ngôn ngữ cũng xưa như ý thức. Ngôn ngữ chính là ý thức thực tế, thực tiễn, tồn tại cả đối với những người khác, vậy lần đầu tiên cũng tồn tại đối với chính tôi” (5). Ở đây ngôn từ và ý thức không tách rời, giống như âm thanh và ý nghĩa không tách rời trong kí hiệu ngôn ngữ. Đồng thời, ngôn ngữ với tư cách là ý thức về thực tại, thực tiễn, tồn tại trong giao tiếp xã hội, chứ không phải là trong từ điển. M. Bakhtin là người đã nhìn ra khá sớm vấn đề ngôn ngữ và ý thức trong giao tiếp, và ông không nghiên cứu cấu trúc ngôn ngữ theo kiểu Saussure, mà nghiên cứu ngôn từ trong đời sống đích thực của nó. Trong công trình Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ (kí tên V. Volosivov), M. Bakhtin khẳng định: “Cấu trúc biểu đạt là một cấu trúc xã hội thuần túy”, là “sản phẩm của quan hệ song phương của người nói và người nghe, của quan hệ xã hội vàhình thái ý thức xã hội”. Trong công trình Những vấn đề thi pháp Dostoievski (1929, 1963) Bakhtin khẳng định: “Sự giao tiếp đối thoại là lĩnh vực đích thực của đời sống ngôn từ”, mà đối thoại ngôn từ, thực chất là đối thoại về ý thức xã hội (6). Từ quan niệm đó Bakhtin đề ra hướng nghiên cứu xã hội học ngôn từ. Trong tiểu luận Ngôn từ đời sống và ngôn từ nghệ thuật (kí tên V. Vôlasinov) Bakhtin viết: “Phương pháp xã hội học hầu như chỉ vận dụng để phân tích các vấn đề lịch sử, mà hầu như không động chạm đến các vấn đề lí luận văn học, hình thức nghệ thuật, phong cách v.v… Một số nhà nghiên cứu xem xã hội học chỉ liên quan đến nội dung, còn hình thức thì độc lập tự thân, không liên quan gì đến xã hội. Đó là quan điểm mâu thuẫn với tư tưởng mácxit” (7). Ông xem tác phẩm văn học như là sản phẩm và sự kiện của sự tác động qua lại của người nói và người nghe, người sáng tác và người thưởng thức, và chỉ trong quan hệ tác động qua lại đó văn học mới có được tính nghệ thuật.

Tuy nhiên vấn đề bản chất xã hội, thẩm mĩ của ngôn từ văn học phải đợi đến M. Foucault nêu ra khái niệm discours thì mới hiện ra rõ rệt thêm một bước. Theo ông, nhược điểm lớn của F. de Saussure là qua sự đối lập ngôn ngữ (langue) và lời nói (parole), ông đã bỏ qua thành phần thứ ba là ngôn từ (discours). Và do ảnh hưởng to lớn của Saussure mà vấn đề ngôn từ bị để quên quá lâu. Trong các công trình Từ ngữ và đồ vật, Khảo cổ học tri thức, M. Foucault đưa ra khái niệm discourse để phê phán chủ nghĩa cấu trúc ngôn ngữ học. Theo ông, “ngôn từ (discours) do kí hiệu tạo thành, nhưng điều nó làm được còn lớn hơn nhiều sự biểu đạt, cái nhiều hơn đó không thể qui về ngôn ngữ và lời nói” (8). Ý kiến của Foucault đã được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên discours trong quan niệm của Foucault là một từ khó giải thích và khó dịch. Trong ngôn ngữ học discours chỉ một đoạn lời truyền đạt một thông tin, cho nên thường dịch là “văn bản”, “ngôn bản” hay “diễn ngôn”. Nhưng khái niệm của M. Foucault có ý nghĩa đặc biệt, chỉ một hình thái, một kiểu lời nói do những yếu tố của đời sống xã hội, lịch sử qui định, có thể dịch thành “ngôn từ”, để phân biệt với ngôn ngữ, với lời nói và với diễn ngôn của các nhà ngữ học.

Trước đây các nhà phê bình mới Anh, Mỹ cũng đã dùng thuật ngữ ngôn từ với nghĩa là loại hình ngôn từ, để phân biệt ngôn từ thơ, ngôn từ văn xuôi… nhưng Foucault nêu ra bình diện mới. Theo ông, đem văn học mà chỉ qui vào văn bản tất yếu sẽ tước bỏ mất các điều kiện đã hình thành và tạo thành văn bản, kết quả là gạt bỏ các nhân tố tạo nên ý nghĩa của văn bản. Ông phê phán chủ nghĩa cấu trúc đã cô lập văn bản để nhìn nó một cách tĩnh tại. Ông cho rằng sức mạnh kinh tế, chính trị, hình thái ý thức và cả chế độ văn hóa chi phối quá trình biểu đạt ý nghĩa của ngôn từ. Do đó ngôn từ không phải là diễn ngôn trong ý nghĩa của ngôn ngữ học, mà là hoạt động thực tiễn chủ yếu của con người (9). Ngôn từ là hình thức biểu hiện ngôn ngữ của một quần thể người trong một điều kiện xã hội, lịch sử nhất định. Nó không có tác giả riêng biệt, mà chỉ là một kiểu logic tiềm tại, được cất giấu trong ý thức của quần thể, ngầm chi phối ngôn ngữ, tư tưởng, phương thức hành vi của mọi người trong quần thể. Đó là cái cơ chế ràng buộc, qui định mọi người nói chung trong các điều kiện xã hội, lịch sử được nói gì và nên nói như thế nào. Foucault nói: “Anh tưởng là anh đang nói, kì thực là lời nói đang nói về anh!”; “Một người không phải bất cứ lúc nào, ở đâu, muốn nói cái gì thì nói”. Như vậy ngôn từ là hình thức biểu đạt của ngôn ngữ, chịu sự chi phối của một mô hình tư duy, một kiểu giải thích, một cơ chế ràng buộc nhất định.

Sự phân tích ngôn từ trong từng xã hội đã cho thấy cái logic nội tại, cái cơ chế thầm kín chi phối ngôn từ đó là hình thái ý thức xã hội, trạng thái tri thức của con người và cơ chế quyền lực trong xã hội. Ở đây, ngôn từ với các yếu tố nội tại kể trên có tác dụng nhào nặn con người và cầm tù con người mà văn học, nghệ thuật có sứ mệnh giúp con người vượt thoát ra. Tác giả Trung Quốc Nam Phàm đã vận dụng tư tưởng này của Foucault để xem xét ngôn từ và các hình thức tu từ trong văn học (10). Vận dụng vào văn học Việt Nam ta cũng thấy có sự phù hợp. Ví dụ, ở thời trung đại Việt Nam, chữ Hán với tư cách ngôn ngữ quan phương và ngôn ngữ khoa cử đã có một sức mạnh và hấp dẫn gấp bội ngoài phạm vi một ngôn ngữ. Việc phân biệt “nói chữ” và “nói nôm” buộc mọi người khi phát ngôn phải ý thức rõ về thân phân, địa vị, tri thức của mình. Những kẻ “hay chữ” mở miệng là trích dẫn thánh hiền, ngâm nga danh cú, “chi, hồ, giả, dã”, đã khiến cho người bình dân không có chữ ở vào địa vị mất tiếng nói. Chính đó là tình huống làm cho người bình dân nổi đóa, kể ra truyện cười Dốt đặc còn hơn hay chữ lõng, bề ngoài là chửi kẻ “hay chữ lõng”, mà thực chất là phán ứng lại thứ ngôn từ đã đặt họ vào địa vị mất tiếng nói.

Lịch sử đã chứng kiến các cuộc đổi thay ngôn từ do các nhân tố ý thức hệ, trạng thái tri thức và hệ thống quyền lực thay đổi. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở Việt Nam đã diễn ra cuộc đảo lộn ngôn từ dữ dội. Đó là lúc nhà thơ Tú Xương đã than: “Nào có ra gì cái chữ Nho! Ông nghe ông cống vẫn nằm co!”. Công cuộc xây dựng nền văn xuôi mới gắn với tầng lớp trí thức Tây học, hệ thống tri thức mới tiếp nhận từ phương Tây, áp lực thống trị của Pháp. Bây giờ nói tiếng Tây là sang, dẫn ngạn ngữ tây, điển tích Tây là lịch sự. Cuộc xung đột thơ cũ thơ mới thực chất là xung đột ngôn từ, có hạ bệ ngôn từ thơ cũ thì thơ mới mới rộng đường phát triển. Cuộc xung đột giữa Vũ Trọng Phụng và một số nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng có tính chất như vậy. Cuộc cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm tiếp theo cũng kéo theo cả một cuộc đảo lộn ngôn từ mới. Khẩu hiệu địa chúng hóa, học tập ca dao dân ca, học tập lời ăn tiếng nói của quần chúng công nông binh đã làm thay đổi ngôn từ nặng về sách vở của trí thức Tây học cũ. Nhưng cuộc đấu tranh ý thức hệ đã hầu như chính trị hóa toàn bộ đời sống tinh thần xã hội. Người có văn hóa thời này phải thường xuyên sử dụng các thuật ngữ chính trị như tư sản, vô sản, giai cấp đấu tranh, chuyên chính, cách mạng, dân tộc, tập thể, dân chủ tập trung… Muốn cho lời nói có sức nặng thì trích dẫn văn kiện Đảng hay trước tác của Marx, Engels, Lenin, Plekhnov, thậm chí cả Timôpheev v.v… Ý thức xã hội, trạng thái tri thức, hệ thống quyền lực đã làm cho ngôn từ trong đời sống hoàn toàn thay đổi, mặc dù ngữ pháp và vốn từ vựng cơ bản không đổi thay đáng kể. Vấn đề là vị trí, trật tự, sắc thái các lớp từ đổi thay, ý nghĩa xã hội lịch sử đổi thay. Ví dụ về nghĩa đen các từ trí thức, nông dân, công nhân trong từ điển không đổi, song về xã hội, từ nông dân, công nhân nghe sang hơn, tự tin hơn hai chữ trí thức. Trong các bản khai lí lịch, mấy từ tiểu tư sản, thương nhân từng gây một cảm giác tội lỗi, thua lép cho những ai mang chúng.

Có khái niệm ngôn từ đời sống như trên ta mới hiểu thực chất ngôn từ nghệ thuật (văn học). Khi một hệ thống ngôn từ đời sống lên ngôi thì nó trở thành một áp lực chi phối toàn bộ đời sống công cộng, chi phối ngôn từ cá nhân. Các hiện tượng kiêng húy, các phép tu từ đặc trưng (nói tăng, nói giảm, nói tránh…) xuất hiện. Khi đó các ý nghĩ, tình cảm độc lập, thành thực của các cá thể người bị đè nén, ức chế, rơi vào tình trạng mất tiếng. Nhà triết học mácxit phương Tây là Eric Fromm đề xuất khái niệm “vô thức xã hội” để chỉ tình trạng đó. Ông viết: “Mỗi xã hội chỉ cho phép một số tư tưởng, tình cảm nào đó có thể đạt đến trình độ ý thức, còn một số khác thì chỉ tồn tại trong trạng thái vô thức”. Nói chung mọi kinh nghiệm của con người chỉ trở thành ý thức khi nào được đưa vào các khái niệm, phạm trù có trong ngôn ngữ. “Toàn bộ ngôn ngữ đều bao hàm một thái độ đối với đời sống, xét từ một phương diện nào đó mà nói, ngôn ngữ là một sự biểu đạt xơ cứng đối với đời sống kinh nghiệm” (11). Ngoài ra, các nhân tố khác khiến kinh nghiệm trở thành ý thức là các qui luật suy luận lôgic thịnh hành, cái lí áp đảo của thời đại và đặc biệt là các luật cấm kị, quyền lực và sự sợ hãi, trước hết là sợ hãi bị cô lập và bài xích, đã làm cho các kinh nghiệm thực tế né tránh ý thức. Câu chuyện Bộ áo mới của hoàng đế cho thấy quyền lực và cấm kị đã làm tê liệt kinh nghiệm thực tế của các đại thần, cận thần, chỉ trừ đứa bé ngây thơ, do vô tri mà thoát khỏi. Trong xã hội càng có nhiều điều bất hợp lí tồn tại thì sự đè nén kinh nghiệm thành thực của con người càng lớn. Ranh giới giữa ý thức xã hội và vô thức xã hội tùy điều kiện mà phân biệt và chuyển hóa cho nhau. Nói chung, theo Fromm thì “ý thức đại diện cho con người xã hội”, “vô thức đại diện (…) cho con người nhân loại, tức con người toàn diện, con người được tự nhiên hóa, mà tự nhiên đó là tự nhiên được người hóa” (12). “Vô thức xã hội” là một khái niệm mang nội dung tư tưởng xã hội rất sâu sắc. Sự tiến bộ và lành mạnh của đời sống đòi hỏi biến cái vô thức thành ý thức. Sứ mệnh của khoa học và nghệ thuật là đưa trạng thái tư tưởng của con người từ vô thức trở thành ý thức. Marx, Engels đã thấy rõ vai trò của lí luận khoa học trong đời sống xã hội. (Ví dụ, Hệ tư tưởng Đức, Chủ nghĩa xã hội phát triển từ không tưởng đến khoa học). Sứ mệnh của nghệ thuật là làm cho con người ý thức được trạng thái vô thức của mình, biến nó thành ý thức bằng ngôn từ nghệ thuât. Freud nói, “nhận thức cái vô thức là phương pháp chữa trị bệnh tinh thần” (13). Fromm nói thêm, giải tỏa, giải phóng mọi uất kết trong đời sống xã hội là nhận thức cái vô thức xã hội. Đối với Fromm vô thức xã hội là cả một thế giới tư tưởng, tình cảm chưa được lên tiếng, chưa có tiếng nói công khai giữa cuộc đời. Khát vọng của vô thức xã hội là rất thiết tha và mãnh liệt, nó muốn trở thành kẻ đại diện cho ngôn từ xã hội một thời. Hoài Thanh đã có lần diễn đạt rất chính xác khát vọng cội nguồn sinh ra thơ mới: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đối mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca (lưu ý hai tiếng “cởi trói” này 45 năm sau các nhà văn sẽ nhắc lại trong cuộc gặp mặt với đồng chí Nguyễn Văn Linh năm 1986 – TĐS) chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm – u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn” (Thi nhân Việt Nam). Chính vào thời kì thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, mọi tình cảm yêu nước đều bị cấm đoán, văn chương cách mạng bị xem là “cấm vật” (Hồ Chí Minh), tình yêu nước đã thể hiện khúc xạ qua tình yêu tiếng Việt, yêu làng quê, nhớ tiếc quá khứ, tiếng thở dai… Phần lớn thơ ca công khai, từ thơ Tản Đà đến thơ Trần Tuấn Khải, đến thơ mới, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết hiện thực, phóng sự v.v… đều thể hiện cho tinh thần nồng nàn yêu nước của người Việt. Từ sau Cách mạng tháng Tám tinh thần yêu nước từng bị cấm đoán suốt tám mươi năm vẫn là sức mạnh chủ yếu làm nên tinh thần của văn học cách mạng. Vô thức xã hội đóng vai trò rất lớn trong văn học cách mạng. Đây là điều mà Engels đã từng lưu ý đới với các nhà xã hội học dân chủ Đức thế kỉ XIX.

Xét về mặt lịch sử thì nói chung, mọi người đều thừa nhận là nghệ thuật, thi ca có trước ngôn ngữ. Nhưng một khi hình thành, ngôn từ đời sống có tác dụng đè nén vô thức xã hội, làm cho ngôn từ nghệ thuật biểu hiện nó luôn luôn ở vào địa vị phân biệt, thậm chí đối lập với nó. Tất nhiên nghệ thuật không chỉ biểu hiện vô thức xã hội, nhưng đó là một phần sâu sắc nhất của đời sống con người xã hội. Ở đây các qui luật “lạ hóa”, các cấu trúc đặc thù, các phép tu từ văn học có giá trị rất lớn.

Mặt khác ngôn từ nghệ thuật, một khi trở thành hiện tượng phổ biến của ý thức xã hội thì nó lại hòa đồng với ngôn từ đời sống thịnh hành, lại phát sinh mâu thuẫn với phần vô thức xã hội còn lại, và con người lại có nhu cầu vượt qua ngôn từ nghệ thuật cũ để tạo thành ngôn từ nghệ thuật mới. Điều đó lại tạo thành mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ ngôn từ nghệ thuật. Do vậy, sự vận động của văn học suy cho cùng là sự vận động của ngôn từ, hình thái ngôn từ này chống lại hình thái ngôn từ có trước. Ở phương Tây, khi ngôn từ chủ nghĩa cổ điển trở thành qui phạm lí tính sáo mòn, tách rời đời sống cảm tính của con người, thì ngôn từ lãng mạn xuất hiện với tất cả tính chủ quan, sức tưởng tượng, sự tự thổ lộ, giải bày, nhằm bù đắp chỗ thiếu hụt của chủ nghĩa lí tính. Khi ngôn từ lãng mạn dấn sâu vào sầu, mộng, tưởng tượng, phù phiếm, cách xa thực tại thì ngôn từ hiện thực chủ nghĩa, miêu tả đời sống dưới “hình thức của đời sống” xuất hiện. Ngôn từ hiện thực đã chống lại mọi sự áp đặt của lí tưởng chủ quan, đề cao óc quan sát, phân tích. Khi chủ nghĩa hiện thực trở thành sự kể lại giản đơn các sự thực đời sống, thì ngôn từ tượng trưng, siêu thực ra đời. Con người muốn biểu hiện những bản chất sâu xa, mơ hồ đằng sau bề mặt của thực tại. Ở Việt Nam, ngôn từ thơ mới thành thực đã xuất hiện thay thế ngôn từ thơ cổ đầy niêm luật, điển cố sáo mòn. Ngôn từ trần tục kiểu Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng đối lập lại ngôn từ thi vị hóa của các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoan. Trong thời kì văn học đổi mới giữa những năm 80 thế kỉ XX, ngôn từ văn học sử thi nghiêng về ngợi ca ngọt ngào, thiêng hóa, đang dần dần bị thay thế bởi một ngôn ngữ tỉnh táo, cộc lốc, sắc lạnh trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và những người khác. Ngôn từ theo truyền thống thơ mới cũng đang được thay thế dần bởi một kiểu ngôn từ thơ kiểu khác, nhiều ám thị hơn, “bụi” hơn v.v…

Chức năng của văn học không giản đơn là phản ánh đời sống, mà còn là sáng tạo ngôn từ cho những điều chưa biết nói, chưa được nói, chưa thể nói. Nói được những điều đáng nói là khoái cảm vô biên của văn học. Vô thức xã hội có thể nói là nguồn khám phá, tìm tòi vô tận của văn học. Nam Cao tỏ ra am hiểu sâu sắc nghề văn khi đặt vào miệng nhân vật của mình cái ý nghĩ: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có…”/ Những nguồn chưa ai khơi ấy chủ yếu nằm trong đại dương vô thức xã hội.

Trong vô thức xã hội chứa đựng biết bao điều ngộ nhận, biết bao căn bệnh tinh thần, biết bao điều khao khát chưa được ý thức. Nhân thức cái vô thức xã hội, biến nó thành ý thức, chẳng những góp phần giải tỏa tâm lí con người mà còn góp phần nâng cao dân trí. Truyện ngắn Sêkhốp đã phơi bày tất cả sự nhầm chán của một cuộc sống đầy mâu thuẫn nhưng không chịu biến đổi. Truyện ngắn Lỗ Tấn phơi bày phép thắng lợi tinh thần, sự vô tri của đám đông đã kìm hãm bước tiến của một dân tộc vĩ đại.

Ngôn từ nghệ thuật có cấu trúc khác với ngôn từ đời sống, nhưng không bao giờ chỉ có như thế. Nếu thế thì đâu là động lực làm cho ngôn từ nghệ thuật thay đổi? Ngôn từ nghệ thuật phải là ngôn từ tạo hình cho những cái chưa thành hình, phát ngôn cho những điều đang ấp úng, đặt tên cho các hiện tượng chưa có trong từ điển. Đó là thực chất xã hội, thẩm mĩ của ngôn từ nghệ thuật mà ở đây chúng tôi mới chỉ trình bày đôi điều khái lược.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top