Tính đa dạng của văn hóa

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Tính đa dạng của văn hóa

Hỏi: Cuốn sách Văn hóa và Con người của ông là một cuốn sách rất thú vị, nó mang đến cho người đọc nhiều nhận thức về văn hóa. Dường như cuốn sách này là một sự gợi ý rằng nhận thức về văn hóa và vai trò của nó là một trong những vấn đề cơ bản của xã hội chúng ta hiện nay. Theo ông có đúng thế không?

Trả lời: Hoàn toàn đúng. Phải nói rằng trong quá trình tổ chức ra nền chính trị Việt Nam, có ba vấn đề mà những người cộng sản tiền bối của Việt Nam để tâm một cách rất chi tiết. Vấn đề thứ nhất là xây dựng Đảng, vấn đề thứ hai là xây dựng lực lượng vũ trang và vấn đề thứ ba là xây dựng nền văn hoá cách mạng Việt Nam. Những tác phẩm đầu tiên và lớn nhất của các nhà chính trị tiền bối thể hiện rất rõ điều đó. Thứ nhất là các tác phẩm viết về vấn đề xây dựng con người, xây dựng lực lượng cán bộ như tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chủ tịch. Thứ hai là các tác phẩm về chiến tranh cách mạng mà người chắp bút chủ yếu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ ba là các tác phẩm bàn về văn hoá Việt Nam và tổ chức nền văn hoá Việt Nam mà người chắp bút chủ yếu là Tổng bí thư Trường Chinh. Vấn đề xây dựng đảng, xây dựng lực lượng vũ trang chúng ta không bàn ở đây, vì mục tiêu của chúng ta là bàn về văn hoá. Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu tiên của cách mạng Việt Nam, các nhà tiền bối của chúng ta đã nghĩ đến các vấn đề văn hoá, đến vai trò cực kỳ quan trọng của văn hoá trong việc tổ chức ra đời sống chính trị Việt Nam. Nhưng rất đáng tiếc, trong quan niệm của họ có một số nhầm lẫn rất căn bản về khái niệm này.

Hỏi: Nhầm lẫn ấy là do chủ quan hay khách quan?

Trả lời: Thường thì cả hai. Bởi vì, việc theo đuổi một mục đích nào đó đôi khi dẫn người ta đến những nhầm lẫn. Trong quyển sách "Văn hóa và Con người", tôi đã nói rằng văn hóa là sự kết tinh tự nhiên của đời sống. Nếu một nền văn hóa hình thành theo cấu trúc được thiết kế bởi một lực lượng nào đó hoặc bởi một ý định nào đó thì nền văn hóa ấy là không tự nhiên. Xã hội của chúng ta được hình thành trên cơ sở chỉ có một tổ chức chính trị lãnh đạo xã hội, tức là chỉ có một lực lượng có quyền tác động lên xã hội, cho nên, xã hội không giữ được sự cân bằng của mình. Chính vì vậy, nền văn hoá của chúng ta không phải là sản phẩm của sự cân bằng tự nhiên của đời sống mà nó là kết quả của sự phổ biến các ý chí chính trị của một đảng chính trị. Và người ta gọi nền văn hoá ấy là nền văn hoá vô sản. Như vậy, cùng một lúc ở xã hội chúng ta song song tồn tại hai nền văn hoá, một nền văn hoá tự nhiên (vì cái tự nhiên vẫn tồn tại, không ai có thể làm gì được nó) và một nền văn hoá nữa có chất lượng chính thống, có chất lượng thống trị, có chất lượng lãnh đạo, được gọi là nền văn hoá vô sản. Đấy chính là một trong những yếu tố nguồn gốc tạo ra các mâu thuẫn, các khúc mắc, các rắc rối có quy mô xã hội.

Hỏi: Trong quá trình phát triển, đến một giai đoạn nào đó, liệu hai nền văn hoá này có nhập vào làm một không, thưa ông?

Trả lời: Không. Hai nền văn hoá này không bao giờ nhập làm một được. Văn hóa vô sản không hoà nhập được bởi nó không phải là kết quả của tự nhiên, nó là kết quả của một ý muốn, nó không được cân bằng bởi gì cả và nó trở thành nền văn hoá chính trị duy nhất. Văn hoá không phải là kết quả của một ý muốn mà là kết quả của sự cân bằng nhiều ý muốn khác nhau. Chúng ta không có các ý muốn chính thống khác, không có những ý muốn đủ lành mạnh, đủ mạnh mẽ khác để cân bằng, cho nên, nền văn hóa này trở nên lấn át. Nói tóm lại, nền văn hoá của chúng ta là tổ hợp của hai nền văn hoá, nền văn hoá chính trị vô sản và nền văn hoá thông thường của xã hội. Các nền văn hoá này ít có năng lực hoà trộn với nhau.

Hỏi: Theo như cách ông nói thì xã hội phong kiến có lẽ cũng tạo ra một nền văn hoá không tự nhiên như vậy, thế nhưng tại sao ông chỉ đề cập đến nền văn hoá vô sản?

Trả lời: Xã hội phong kiến không đủ năng lực can thiệp sâu sắc, không có một bộ máy nhà nước đủ sâu sắc, không có các lực lượng đủ sâu sắc, thậm chí không có cả lý thuyết đủ sâu sắc để tác động vào đời sống xã hội và tạo ra một nền văn hoá có chất lượng thống trị đời sống tinh thần. Và bằng nền văn hoá cách mạng, chỉ trong một thời gian rất ngắn, khoảng 50-70 năm, chúng ta đã xoá sạch vai trò của nền văn hoá cũ. Có thể nói, chúng ta sử dụng một lực lượng có chất lượng nhà nước khổng lồ để truyền bá các quan điểm văn hoá với một sức mạnh có năng lực tẩy xoá toàn bộ cái nền văn hoá không hoàn toàn đúng đắn, thậm chí sai trái mà các bạn gọi là nền văn hoá phong kiến.

Nhieu%20bong%20hoa.jpeg


Hỏi: Điều đó có nghĩa là nhà nước vô sản nhận thức được vai trò quan trọng của văn hoá và đã dùng văn hoá như một phương tiện?

Trả lời: Không hoàn toàn như thế. Nhà nước vô sản đã dùng một sức mạnh to lớn để truyền bá văn hoá của mình. Bằng một lực lượng đông đảo được trang bị những lý luận tương đối có hệ thống, những người cộng sản Việt Nam đã xây dựng nền văn hoá vô sản bằng một sức mạnh khổng lồ so với các sức mạnh khác của xã hội. Trong xã hội phong kiến trước đây, nhà nước vẫn thừa nhận đời sống của xã hội dân sự, ở đó vẫn có "thái ấp của ta" và "vườn, ruộng của các ngươi". Nhưng trong thời đại của chúng ta, trong thể chế của chúng ta thì chỉ có "tài sản của xã hội chủ nghĩa", không có "thái ấp của ta" mà cũng chẳng có "vườn, ruộng của các ngươi".

Hỏi: Ông nói rằng nền văn hóa đó là nguồn gốc tạo ra các mâu thuẫn xã hội. Xin ông đưa ra những phân tích cụ thể?

Trả lời: Văn hoá là môi trường tinh thần của con người, nó phải đa dạng, và vì nó đa dạng cho nên khi thời đại thay đổi, khi các điều kiện thay đổi thì các yếu tố có khả năng thích nghi trở thành yếu tố trội. Ví dụ, trên một cánh đồng, người ta không chỉ trồng lúa mà còn trồng sắn và nhiều loại cây khác, để khi các điều kiện thời tiết không hỗ trợ việc trồng lúa thì người ta vẫn có thể thu hoạch sắn hay các hoa màu khác. Nhưng nếu chúng ta phá bỏ tất cả và chỉ trồng một loại duy nhất thì khi mất mùa, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Có thể nói, đa dạng tinh thần là đặc trưng quan trọng nhất của một nền văn hoá được hình thành một cách tự nhiên. Chúng ta không có sự đa dạng tinh thần ấy. Chúng ta truyền bá một nền văn hoá lấy tập thể làm cái cốt lõi của đời sống tinh thần. Chúng ta phê phán các khái niệm, các vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và chúng ta làm biến mất cá nhân, làm biến mất các module để hình thành ra cấu trúc xã hội.

Do đó, các cá nhân trong xã hội trở thành những người suy giảm hệ miễn dịch đối với các điều kiện biến thiên của đời sống tự nhiên. Gần đây chúng ta ồ ạt truyền bá, phổ biến và biểu dương sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân, nhưng 20 năm trở về trước thì chính thương nhân là lực lượng bị tấn công một cách không thương tiếc bằng tất cả các hoạt động tuyên truyền trong xã hội. Khi chúng ta bài xích thương nhân thì chúng ta làm cho xã hội mất đi lớp người như vậy và đến khi chúng ta buộc phải làm kinh tế, buộc phải phát triển kinh tế thị trường thì chúng ta không có lực lượng đó. Đấy chính là một trong những bằng chứng cho thấy nếu văn hóa không được hình thành một cách tự nhiên thì sự đa dạng của đời sống không được tôn trọng, và khi đời sống bắt đầu thay đổi, khi các điều kiện vĩ mô thay đổi thì xã hội sẽ thiếu những lực lượng để ứng phó và xã hội phải đối mặt với rủi ro.

Hỏi: Nhưng hình như xã hội nào cũng có tình trạng như vậy?

Trả lời: Không, ở các xã hội thừa nhận tự do cá nhân không có điều ấy. Người ta có thể không biểu dương nhưng người ta không tiêu diệt. Có những lúc người ta biểu dương các nhà thơ nhưng người ta không bài xích những người viết văn xuôi, hoặc người ta biểu dương những người lính nhưng người ta không tiêu diệt thương nhân. Cho nên, có thể trong một giai đoạn nào đó thương nhân không có địa vị lịch sử, địa vị xã hội nhưng lực lượng này không biết mất.

Hỏi: Vậy theo ông những người cầm quyền phải làm gì để có một nền văn hóa lành mạnh?

Trả lời: Họ phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự đa dạng tinh thần.

Hỏi: Ông có thể nói về kinh nghiệm của những người cầm quyền ở các nước khác không?

Trả lời: Để giữ được quyền thống trị của mình và khống chế tự do của con người nhưng vẫn đạt được một số thỏa thuận về mặt xã hội nào đó thì kinh nghiệm của những người cầm quyền ở Singapore là tốt. Để khẳng định quyền lực của mình, biến quyền lực của mình và sự ổn định quyền lực của mình thành khát vọng của con người thì kinh nghiệm của Putin là tốt. Còn để làm cho các cộng đồng người khác nhau có thể chung sống được với nhau thì phải nói đến kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nước thể hiện những kinh nghiệm hay nhất về việc kết hợp nhiều nền văn hóa với nhau. Có một số người đã nhầm lẫn khi cho rằng nước Mỹ không có văn hóa. Sở dĩ người ta không thấy rõ nền văn hóa Mỹ bởi vì nó bao gồm nhiều nền văn hóa khác nhau, nó cũng có nền văn hóa chung nhưng nền văn hóa chung ấy không trở thành đặc trưng lấn át các nền văn hóa thành phần. Đấy chính là kinh nghiệm vĩ đại của Hoa Kỳ, tức là cái chung không hiện hữu thành những hình hài cụ thể đến mức lấn át các đặc trưng khác.

Hỏi: Theo ông, người dân có nhận ra sự bất hợp lý của nền văn hóa mà ông vừa phân tích không?

Trả lời: Tầng lớp trí thức có thể nhận ra sự phi đa dạng, nhưng nhân dân thì không đủ trình độ để nhận thấy. Nhân dân là sản phẩm tự nhiên của sự đa dạng, nhưng do ảnh hưởng của nền văn hóa ấy, họ đa dạng một cách không tự giác và họ không có năng lực biến các khả năng vốn có của mình trở thành hữu ích vào những thời điểm thích hợp. Ví dụ, thị trường chứng khoán chẳng hạn, nghe nói buôn bán chứng khoán có lợi là mọi người đều lao vào. Cái mà người ta gọi là hiệu ứng số đông ấy chính là hiện tượng không cân bằng về mặt văn hóa.

Hỏi: Xin ông phân tích những biểu hiện xã hội của sự không đa dạng mà ông vừa nói?

Trả lời: Biểu hiện xã hội của nó là sự đơn điệu về nhận thức, sự đơn điệu trong việc chuẩn bị năng lực và sự đơn điệu của các bộ điều kiện để sử dụng và phát triển các năng lực. Bắt nguồn từ sự không đa dạng về nhận thức, con người trở nên không đa dạng về tinh thần, trở nên không đa dạng về năng lực và con người gặp rất nhiều rủi ro trong quá trình dịch chuyển của mình. Ví dụ, các nhà chính trị muốn có một xã hội phi kinh doanh nên con người chỉ chuẩn bị những năng lực phi kinh doanh để sống trong xã hội đó. Nhưng cuộc sống thì luôn luôn thay đổi, khi cuộc sống đòi hỏi phải kinh doanh thì những con người của xã hội đó không có năng lực kinh doanh. Hiện nay, các phương tiện truyền thông của chúng ta đang mô tả doanh nhân một cách hết sức mâu thuẫn. Người ta mô tả những hình ảnh mình muốn thấy chứ không phải những hình ảnh đời sống cần. Ví dụ, người ta mô tả thương nhân là phải có cái tâm và cái tài, cái tài thể hiện bằng làm ăn, cái tâm thể hiện bằng từ thiện. Đấy là một quá trình giản lược đến mức đáng kinh ngạc. Khi các nhà chính trị của chúng ta thấy cần những người kiếm tiền thì họ khích lệ thương nhân, nhưng khi có nhiều người kiếm tiền rồi thì sự chênh lệch giàu nghèo sẽ tăng lên, do vậy, họ lại kêu gọi cái tâm để san bớt khoảng cách giàu nghèo. Tức là các nhà chính trị mới chỉ nhìn thấy nhu cầu về tiền và sự phân phối một cách hài hòa đồng tiền cho nên họ đặt ra tiêu chuẩn cho thương nhân là phải có tâm và có tài mà không biết rằng thương nhân còn cần rất nhiều phẩm chất khác. Khi người ta kiếm tiền mà không có văn hóa kiếm tiền, không có một bộ quy tắc để kiếm tiền thì không thể gọi là tài được.

Như vậy, chúng ta cần cái gì thì tuyên truyền cái đấy, và vì xã hội chúng ta chỉ có một tiếng nói khống chế nên mọi sự chuẩn bị khác, mọi sự gợi ý khác đều biến mất. Tuy nhiên, xã hội không để cho sự biến mất ấy diễn ra, cho nên, mới có sự vô chính phủ của hoạt động báo chí. Trước đại hội X, khi nhà cầm quyền cho phép báo chí nói thì báo chí nói nhiều quá và nói lớn tiếng quá mà không để ý đến các điều kiện của đời sống chính trị. Cho phép nói thì người ta nói, nhưng người ta không có kiến thức để hiểu rằng một tiếng nói phải cân bằng với những tiếng nói khác, và mỗi một tiếng nói phải tự cân bằng với chính mình. Khi không có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để nói thì người ta nói theo ý muốn chủ quan của mình và tạo ra trạng thái không tự cân bằng được.

Da%20dang%20cuoc%20song.jpg


Hỏi: Trong khi phân tích về sự đa dạng, ông đã đề cập tới đa dạng về nhận thức, vậy sau nhận thức là gì?

Trả lời: Đầu tiên là nhận thức, sau đó đến khả năng, rồi đến ham muốn. Nếu không có nhận thức thì rất khó để có khả năng, có khả năng rồi mà không có ham muốn thì khả năng ấy cũng chẳng dùng để làm gì cả. Ham muốn chính là chỉ ra những khả năng khác nhau của một tập hợp đa dạng các khả năng mà người ta cần sử dụng.

Hỏi: Xin ông mô tả rõ hơn tính đa dạng của văn hóa được hình thành như thế nào từ ba yếu tố nhận thức, khả năng và ham muốn?

Trả lời: Khi chúng ta nói đến nội hàm của khái niệm đa dạng về mặt văn hóa thì chúng ta phải phân tích yếu tố nhận thức, yếu tố khả năng và yếu tố ham muốn, cả ba yếu tố ấy đều phải phong phú, đều phải đa dạng và phải cân bằng, tức là ý thức về sự cân bằng có chất lượng đạo lý phải thấm vào cả ba khu vực này. Nếu ham muốn mà phi đạo lý thì tạo ra hiện tượng lộng hành của ham muốn. Ở xã hội chúng ta có những dấu hiệu lộng hành của sự ham muốn không đếm xỉa đến đạo lý. Những sự sai lệch về mặt văn hóa trong ham muốn đã tạo ra những động lực phá hoại một cách khủng khiếp trên những khía cạnh rất thiết thân đối với đời sống và sự ổn định xã hội.

Khi đến làng Đồng Kỵ tôi mới hiểu sức tàn phá của sự ham muốn và của kỹ thuật khủng khiếp như thế nào. Ở đó tôi thấy có những tấm gỗ dầy khoảng 40cm, rộng 2,5m và dài tới 15m. Một tấm gỗ như vậy có thể tạc được một cái ghế salon có tay liền mà đường kính của cái tay vịn ấy to bằng bắp đùi của một người béo tốt. Chúng ta thử nghĩ xem khi người ta đốn những cây gỗ như vậy thì người ta đã tàn phá loại rừng nào và tại sao họ lại phải tàn phá những cái cây lớn đến như thế? Rõ ràng khi những ham muốn không được nghiên cứu, không được phân tích thì nó tạo ra động lực sai trái của toàn bộ sự phát triển.

Hỏi: Dường như trong xã hội chúng ta người ta chưa nhận thức được những nguy cơ như vậy?

Trả lời: Nếu không nghiên cứu cấu trúc đa dạng của văn hóa gồm có nhận thức, khả năng và ham muốn thì chúng ta sẽ không thể nào lường được mức độ phá hoại của yếu tố này đối với đời sống con người. Những gì người ta bày bán ở làng Đồng Kỵ là minh chứng của sự tàn phá thiên nhiên một cách khủng khiếp bằng sự không chuẩn mực trong khát vọng, trong nhu cầu. Ở đấy người ta triển lãm tất cả những sự kết hợp một cách lố bịch, kệch cỡm các chi tiết tinh xảo để thỏa mãn những nhu cầu hoàn toàn không cân bằng. Ở đó tôi còn thấy có một cái bàn làm việc dài 2m mà người ta gọi là bàn làm việc đời Minh được làm bằng gỗ sưa có giá 350 triệu. Liệu có nhà khoa học nào có đủ 350 triệu để mua cái bàn làm việc ấy? Ở Việt Nam không có bất kỳ một trí thức nào có đủ tiền để mua cái bàn làm việc với giá như vậy. Vậy thì ai đặt hàng? Chỉ còn hai khả năng là các quan chức và các thương nhân. Tôi không nghĩ là các thương nhân có thừa thì giờ để ngồi vào cái bàn ấy. Tôi cũng không tin rằng có một nhà chính trị cấp trung ương nào thiếu trí tuệ đến mức có thể ngồi vào cái bàn 350 triệu ấy. Vậy ai dùng? Những người bán hàng bảo rằng có người đã mua phiến gỗ dầy 40cm, rộng 2,5m, dài 15m ấy, đó là những quan chức địa phương, những tay địa chủ hiện đại.

Ngay cả các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng không cảnh giác. Một nhà lãnh đạo của một quốc gia công nhận các tiêu chuẩn văn minh không thể lên ti vi mà lại ngồi vào một cái ghế có cái tay vịn to đến như vậy. Nhìn vào đó ai cũng biết chắc chắn rằng nó là gỗ tự nhiên và người ta phải đục, đẽo, khoét toàn bộ thiên nhiên ra mới làm được những chiếc ghế đó. Và những hình ảnh như vậy sẽ khuyến khích người ta tàn phá thiên nhiên. Chính sự ham muốn quyền lực đã làm hạn chế trí tuệ và làm họ mất cảnh giác chính trị. Việc ngồi vào một cái ghế bằng gỗ tự nhiên với kích thước to như thế thể hiện rằng họ chưa bao giờ biết nếu mặc một cái áo lông thú tự nhiên ở Mỹ, ở châu Âu thì người ta sẽ phản đối như thế nào. Như vậy là sự tàn phá thiên nhiên được biểu dương bằng thẩm mỹ, bằng ham muốn không cân bằng của nhà chính trị.

Khi tôi đến Đan Mạch làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Đan Mạch, ông chủ tịch của ngân hàng ấy khoe rằng, dân tộc họ có một nền văn hóa công sở mà tất cả các vật dụng của nó đều được sản xuất bằng gỗ ép, trong khi Đan Mạch là một nước có mật độ rừng lớn. Tôi đang cần mua một số bàn ghế, giường tủ, tôi đến rất nhiều nơi để tìm những thứ mà tôi thích, trong đó có làng Đồng Kỵ. Sau hai ngày lặn lội ở đó, tôi cũng tìm thấy một số thứ, nhưng khi đi ra khỏi cái làng ấy thì tôi không mua gì cả. Tôi không muốn tham gia vào nhóm người phá hoại thiên nhiên một cách khủng khiếp đến như vậy.

Xem cách xã hội chúng ta dùng ô tô cũng thấy sự mất cân bằng ấy. Tỷ lệ những người Việt Nam mua ô tô đắt tiền nếu xét theo mức thu nhập thì lớn gấp mấy lần thế giới. Không ở đâu nhiều xe second hand như ở New York, một nơi giầu có nhất thế giới, nhưng cũng không ở đâu nhiều xe đắt tiền như Sài Gòn. Tóm lại, chúng ta có một sự mất cân bằng, thậm chí là có dấu hiệu đạo đức về nhu cầu. Cho nên, tôi mới nói rằng cần phải tác động vào nhận thức, tác động vào khả năng và tác động vào ham muốn. Nếu không có khả năng thì chúng ta sẽ dùng nguyên liệu thật tạo ra hàng rởm, tạo ra phế phẩm. Nếu không có ham muốn lành mạnh thì chúng ta hướng dẫn toàn bộ nền kinh tế lệch lạc. Và nếu không có trí tuệ thì chúng ta không ra khỏi hai cái ấy được.

Tại sao một con người bình thường mà lại làm cái ghế to như cái lồng hổ để ngồi vào đấy, để chứng tỏ sự bé bỏng, sự nhỏ nhoi của mình? Vậy giữa cái ghế và giá trị con người thì cái nào hơn? Anh ham muốn vượt quá giá trị của anh, vượt quá sự đóng góp của anh đối với sự phát triển của đời sống tức là anh mất cân đối. Cho nên, cần phải đa dạng hóa yếu tố ham muốn, tự do hóa các yếu tố ham muốn để chúng có thể chỉ trích lẫn nhau nhằm hạn chế bớt sự lộng hành của một khuynh hướng ham muốn.

Nói tóm lại, chúng ta phải tác động để tạo ra sự đa dạng và sự tự cân bằng ở cả ba khu vực nhận thức, khả năng và ham muốn. Chúng ta phải tạo ra sự phong phú của từng con người, bởi vì mục tiêu cuối cùng là sự phong phú và sự tự cân bằng của từng người. Mỗi một người đưa ra quyết định mà các quyết định không phản ánh sự tự cân bằng của mỗi người thì quyết định ấy trở lên lộng hành. Chính vì thế, tôi cho rằng không thể bàn đến vấn đề gì nếu không có tự do.

Hỏi: Vậy theo ông làm thế nào để xã hội có tự do? Và trong việc này truyền thông có vai trò gì?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc này. Trong những điều kiện hiện tại, truyền thông hoàn toàn có thể tác động bằng những cách rất khéo léo.

Sự thiếu tự do ở đây mới là thiếu tự do bên ngoài, thiếu môi trường vĩ mô của tự do, nhưng tự do ở bên trong thì khác, không ai hạn chế được tự do của một con người cụ thể trong ý nghĩ của người ta. Cho nên, trong khi chờ đợi hội tụ đủ điều kiện để có không gian tự do về mặt pháp chế thì chúng ta hãy trở thành con người tự do trong ý nghĩ của mình trước đã. Nếu không làm như vậy thì khi có điều kiện tự do về mặt thể chế chúng ta sẽ không có năng lực để sử dụng hết cái không gian tự do ấy. Cho nên tôi mới nghiên cứu về vấn đề tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chưa phải là dân chủ, nhưng trong khi chưa có dân chủ thì chúng ta phải tổ chức và rèn luyện nó.

Hỏi: Nhưng không có không gian đủ tự do thì làm sao có thể liên kết được các cá nhân với nhau?

Trả lời: Con người đã bắt đầu có những miền ảo rồi. Trên thực tế pháp luật không thừa nhận báo chí tư nhân, nhưng trên các blog cá nhân hiện nay người ta đã đưa tất cả mọi chuyện lên.

Truyền thông mà không phân tích được các nhóm ham muốn khác nhau, các nhóm trí tuệ khác nhau, các nhóm khả năng khác nhau, tức là không phân tích được tính phân nhóm của cấu trúc xã hội thì truyền thông sẽ không biết tác động vào đâu. Cho nên toàn bộ nghệ thuật để truyền thông có thể tác động một cách hiệu quả nhất là phân tích cấu trúc của đời sống xã hội từ nhận thức, cho đến khả năng, đến ham muốn. Khi anh phân tích các nhóm như vậy rồi thì anh mới tìm cách tác động lên nó bằng cách hỗ trợ nó, và những kẻ được anh hỗ trợ sẽ là đồng minh của anh.

Hoa%20huong%20duong%202.jpg


Hỏi: Theo ông, truyền thông nên tác động như thế nào vào các yếu tố của sự đa dạng mà ông đã phân tích?

Trả lời: Truyền thông có thể tác động vào tất cả các khâu. Truyền thông phải hỗ trợ sự đa dạng về nhận thức bằng cách tạo điều kiện để phổ biến nhiều loại kiến thức khác nhau, nhiều loại quan điểm khác nhau, nhiều loại khuynh hướng khác nhau của đời sống nhận thức. Tức là truyền thông phải tự do. Điều kiện để truyền thông tác động một cách tích cực vào đời sống nhận thức là tự do. Chính sự tự do của truyền thông trong việc truyền bá các khuynh hướng khác nhau của đời sống nhận thức tạo ra sự đa dạng nhận thức. Sự đa dạng nhận thức là tiền đề ban đầu để hình thành sự đa dạng năng lực. Truyền thông cũng phải phổ biến những kiến thức cơ bản cho việc chuẩn bị nhiều loại năng lực khác nhau. Ví dụ, có một thời dài kỳ truyền thông của chúng ta rất hạn chế nói đến vấn đề tình dục, và chỉ đến khi người ra sực tỉnh về sự thất bại trong chính sách sinh đẻ có kế hoạch thì người ta mới cho rằng truyền thông được nói hoặc nên nói về chuyện đấy.

Sự đa dạng năng lực được hỗ trợ thông qua truyền thông bằng việc truyền bá nhiều quan điểm kỹ thuật khác nhau, tôi nói ở mức kỹ thuật bởi năng lực gắn liền với kỹ thuật (kỹ thuật ở đây không phải là khoa học kỹ thuật mà là các quan điểm về quản lý, quản trị…, nó có nhiều trường phái khác nhau). Chính sự truyền bá không đa dạng các quan điểm kỹ thuật đã tạo ra sự thiếu hụt năng lực hay sự lệch pha của năng lực. Ví dụ, vào những năm 60, khi tôi học ngành cầu đường thì ngay cả trong môn cơ học đất người ta cũng nói là có trường phái cơ học đất tư sản. Tức là, việc không truyền bá một cách đa dạng các trường phái kỹ thuật khác nhau trên cùng một vấn đề sẽ tạo ra tính không đa dạng về năng lực.

Hỏi: Nhưng thường thì truyền thông mô tả xã hội mà xã hội không có sự đa dạng thì làm thế nào truyền thông có thể truyền bá một cách đa dạng được?

Trả lời: Truyền thông không chỉ mô tả xã hội mà truyền thông còn truyền tải những kinh nghiệm của xã hội khác vào xã hội mà nó chịu trách nhiệm. Nhưng truyền thông của chúng ta không đa dạng trong việc truyền tải những kinh nghiệm của những xã hội khác nhau, bởi vì chúng ta chỉ truyền bá một loại kinh nghiệm mà chúng ta cho là phải, chỉ truyền bá hình ảnh và kinh nghiệm của xã hội mà chúng ta coi là hình mẫu. Cho nên, mức độ thứ hai mà truyền thông có thể đóng góp là làm phong phú các kinh nghiệm có tính chất kỹ thuật để hình thành các loại khả năng khác nhau.

Mức độ thứ ba là ham muốn. Ham muốn là nguồn gốc của một quy luật rất quan trọng, đó là phát triển nhu cầu. Chúng ta không phát triển nhu cầu thì không thể có phát triển kinh tế. Muốn phát triển nhu cầu thì trước hết phải đa dạng hóa nhu cầu. Ví dụ, ngày xưa rừng của chúng ta chiếm một tỷ trọng rất cao cho nên chúng ta thường ngụy trang bằng mảnh vải dù có màu xanh của lá. Nhưng khi ở sa mạc thì người ta không thể ngụy trang bằng màu xanh của lá được mà người ta phải ngụy trang bằng màu của cát. Cho nên, nếu chúng ta vẫn quan niệm đã là ngụy trang thì phải là màu xanh của lá thì chúng ta sẽ không có khả năng tác chiến trên sa mạc. Nếu có chiến tranh mà vẫn quan niệm phải ngụy trang bằng màu xanh thì sẽ không ngụy trang được ở những vùng đất bị sa mạc hóa. Thay vì định nghĩa ngụy trang là một cách thức để người ta lẫn vào với thiên nhiên, thì chúng ta lại định nghĩa ngụy trang một cách cụ thể là khoác lên mình miếng vải màu xanh lá cây.

Tóm lại, phát triển nhu cầu là quy luật số một của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cho nên, vai trò của truyền thông là làm đa dạng hóa các nhu cầu. Ví dụ, phụ nữ Việt Nam trước đây rất sợ mặc áo màu đen vì họ cho rằng đó là màu tang tóc, nhưng thực ra màu đen lại là một trong những màu cơ bản và là một màu rất đẹp. Đôi khi truyền thông của chúng ta truyền bá một loại ý thích có giá trị khống chế đối với hoạt động của mình mà quên mất rằng nhiệm vụ của truyền thông là làm phong phú nhu cầu của đời sống, hoặc gợi ý để góp phần phát triển sự phong phú, sự đa dạng của nhu cầu.

Hỏi: Ông cho rằng truyền thông có thể tác động vào nhận thức, vào nhu cầu, vào năng lực. Vậy có cần thiết phải đi theo trình tự nhận thức, năng lực rồi đến nhu cầu không?

Trả lời: Không. Phải làm song song trên tất cả những khía cạnh đó, vì điểm bắt đầu của người A là từ nhận thức nhưng điểm bắt đầu của người B chưa chắc đã phải là nhận thức vì trước đó, người ta đã có vốn liếng, người ta không thể chờ những người khác học xong bài nhận thức rồi mới bắt đầu rèn luyện kỹ năng. Xã hội lúc nào cũng có những cấp độ nhu cầu khác nhau, cho nên, phải làm song song. Tôi lấy ví dụ, giới truyền thông muốn phổ biến các văn kiện hay các tài liệu bằng tiếng Anh thì phải phổ biến cả kiến thức về tiếng Anh nữa, nhưng không phải là dạy tiếng Anh trước rồi mới làm việc đó. Phải làm song song cả hai việc, vừa dạy tiếng Anh vừa truyền đạt văn bản bằng Tiếng Anh.

Cần nhớ rằng luôn luôn có một sự chủ động từ phía những người hưởng lợi từ truyền thông, họ sẽ khai thác theo nhu cầu của mình. Có nhiều người cho rằng nếu tôi không có nhu cầu thì tôi không cần chú ý, tôi không cần đầu tư để có khả năng và tôi cũng không có cả nhu cầu nhận thức. Những người tiếp cận từ nhu cầu, từ đòi hỏi thực tế như vậy là rất đông, cho nên, cần phải có những cách thức để làm tăng trưởng các nhu cầu.

Hỏi: Theo ông, trong xã hội Việt Nam để tác động một cách có hiệu quả nhất thì giới truyền thông đầu tiên nên chọn nhóm đối tượng nào?

Trả lời: Người ta thường chia xã hội ra làm ba tầng, tầng thấp, tầng trung lưu và tầng thượng lưu, trong đó tầng lớp nhạy cảm nhất là tầng lớp trung lưu. Tại sao lại như vậy? Bởi tầng lớp trung lưu là tầng lớp đã giải phóng mình ra khỏi các khó khăn cơ bản, ra khỏi các vấn đề để tồn tại, nhưng nó chưa bền vững đến mức tự mãn như tầng lớp thượng lưu. Và sức mạnh phá hoại của nó cũng không bằng tầng lớp thấp, vì con người càng hiểu biết bao nhiêu càng ít liều bấy nhiêu. Chúng ta vẫn cho rằng chỉ tầng lớp thấp là cần sự lãnh đạo, nhưng thực ra lãnh đạo tầng lớp ấy khó hơn rất nhiều. Khó hơn vì nó phong phú hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn và nó không có nền tảng cơ sở. Cho nên phải nói rằng đảng Cộng sản là một đảng dũng cảm vì đã nhận vai trò hướng dẫn một lực lượng khó hướng dẫn nhất và đưa tầng lớp ấy trở thành tầng lớp lãnh đạo.

Hỏi: Theo ông tầng lớp trung lưu có đặc điểm gì? Tác động vào tầng lớp này có những khó khăn nào?

Trả lời: Đó là tầng lớp có đủ nền tảng để nhận thức, họ chưa đủ thành đạt, chưa đủ mạnh để có thể bảo thủ và họ còn có chỗ để vươn lên. Tác động vào tầng lớp này khó vì họ là những người hiểu biết nên nếu anh nói sai thì họ sẽ phản ứng. Đại bộ phận các phản ứng đối với những thông tin không chính xác hoặc là những khuynh hướng truyền bá không chính xác của giới truyền thông là từ tầng lớp trung lưu. Cái khó chính là ở chỗ họ có hiểu biết cho nên họ không dễ chấp nhận chân lý một cách mù quáng, một cách vô điều kiện. Còn tầng lớp thượng lưu, nhất là tầng lớp thượng lưu chính trị thì họ không chấp nhận gì cả ngoài cái họ muốn và cái họ cần. Cái bế tắc của xã hội hiện nay là làm thế nào để họ chấp nhận cả những cái khác, chính vì thế nên tôi mới viết sách. Viết sách là để cải tạo giới thượng lưu mà muốn cải tạo giới thượng lưu thì không phải là dạy khôn họ mà phải chỉ ra cho họ thấy rằng nếu họ không chấp nhận điều A, điều B, điều C thì họ sẽ phải đối mặt với một cuộc cách mạng, đối mặt với sự thất thiệt.

Hỏi: Nhưng dường như đó là một điều không tưởng?

Trả lời: Không, nó không hề không tưởng. Chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng của quan điểm đấu tranh giai cấp mà không nhận ra rằng giới thượng lưu của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tự cải tạo mình. Họ muốn tiếp tục ở trên tầng thượng lưu thì họ phải đo đạc sự phản ứng của những người ở dưới và phải có giải pháp phù hợp với những người này, đấy là bản chất của hoạt động được gọi là xây dựng chính sách.

Hỏi: Tại sao ông lại cho rằng nên tác động đến tầng lớp trung lưu mà không phải là tầng lớp thấp?

Trả lời: Bây giờ, nếu chúng ta đào tạo 100 tiến sĩ hoặc tăng tín dụng cho học sinh đại học thì chưa biết chương trình nào tốn kém nhiều hơn. Cho nên, việc tác động vào đâu phải được cân nhắc dựa trên những đánh giá về hiệu quả của đầu tư. Có thể nói giới thượng lưu là những nhà đầu tư bởi họ là giới chịu trách nhiệm về vận mệnh của xã hội, về vận mệnh của thể chế mà họ đang đại diện, nên họ phải nghiên cứu các cấu trúc xã hội để quyết định đầu tư. Còn tầng lớp thấp thì sao? Tầng lớp thấp là tầng lớp có khả năng khủng bố. Chúng ta có thấy giới trung lưu đi biểu tình đâu? Giới trung lưu chỉ viết báo, viết sách chỉ trích, còn đi biểu tình, phá phách, hoặc lấy cắp thì không phải giới trung lưu. Tất nhiên mỗi một lực lượng xã hội đem lại một nguy cơ khác nhau và do đó, chính sách cũng phải đối mặt với những nguy cơ khác nhau. Có những chính sách để hạn chế nguy cơ A và song song với nó cũng có những chính sách để kìm hãm nguy cơ B. Chính sự nhận thức xã hội bằng những nội hàm phức tạp như vậy cũng tạo ra tính đa dạng trong một chính sách. Qua tất cả những chuyện như vậy chúng ta có thể rút ra một kết luận là những người làm chính sách phải rất có trình độ.

Hỏi: Khi tác động đến tầng lớp trung lưu thì liệu có tạo ra hiệu ứng ngược lên tầng lớp thượng lưu hay không, thưa ông?

Trả lời: Có, vì tầng lớp trung lưu bao giờ cũng muốn vươn lên để thay thế tầng lớp thượng lưu và bao giờ cũng có nguy cơ rơi xuống tầng lớp thấp. Vì thế họ luôn luôn phấn đấu để không rơi xuống tầng thấp và có thể vươn lên tầng thượng lưu. Hiện tượng rơi xuống được gọi là hiện tượng tha hoá, hiện tượng vươn lên được gọi là hiện tượng phát triển.

Hỏi: Vậy theo ông để tác động vào tầng lớp trung lưu phải dùng phương pháp nào?

Trả lời: Gợi ý. Bởi vì nếu nghĩ hộ thì chúng ta sẽ làm biến mất tầng lớp trung lưu, tức là chúng ta thụ động hoá tầng lớp trung lưu. Đấy cũng chính là thất bại của chính sách giáo dục, chính sách văn hoá của xã hội chúng ta. Chúng ta vẫn phổ biến các tín điều, chúng ta không khuyến khích tư duy độc lập nên chúng ta không có một tầng lớp trung lưu đủ năng động để vươn lên thượng lưu mà chúng ta có một tầng lớp trung lưu luôn luôn có nguy cơ rơi xuống tầng thấp, rơi xuống từng phần và rơi xuống phổ biến nhất là trong đời sống vật chất.

Gợi ý có thể được thực hiện bởi rất nhiều cách: gợi ý, động viên, khích lệ, ca ngợi... Gợi ý là một triết lý chứ không phải là một phương pháp. Tôi cho rằng bản chất của khoa học là gợi ý, còn ai đó nghĩ rằng mình có thể nghĩ hộ thiên hạ thì đấy là ảo tưởng.

Hỏi: Nếu theo cách phân nhóm khác, chẳng hạn phân nhóm theo thế hệ thì theo ông nên chọn đối tượng nào đầu tiên?

Trả lời: Đầu tiên nên chọn lớp trẻ, lớp trẻ là rất quan trọng. Văn hoá có thể được truyền bá đến tận trẻ sơ sinh. Nếu chỉ cho đứa trẻ ăn sữa bột công nghiệp thôi thì nó sẽ xa tự nhiên, nó bị cắt đứt quan hệ với tự nhiên ngay từ bầu sữa mẹ. Con người càng gắn với tự nhiên bao nhiêu càng đúng đắn bấy nhiêu, càng nhiều nhân tính bấy nhiêu. Vì thế, gợi ý với lớp trẻ càng sớm càng tốt. Giữa việc chữa một cái nhà nứt được thiết kế một cách xấu xí với việc đập nó đi để xây một cái nhà mới, chưa biết cách nào tốn kém hơn. Đối với bọn trẻ, chúng ta cần phải thiết kế và xây dựng ngôi nhà mới, nhất là xét theo quan điểm đa dạng tinh thần thì càng sớm càng tốt. Tôi nhận ra khuyết điểm của con trai tôi từ khi nó còn bé. Nó chỉ thích mặc đồng phục. Đến trường mặc đồng phục, về nhà cũng mặc đồng phục, ngày nghỉ cũng mặc đồng phục. Tôi nói với nó rằng nếu con không thay đổi thì con sẽ hỏng, bởi vì con chỉ mặc một thứ tức là con chỉ thích thứ ấy, con chỉ thích thứ ấy thì con sẽ nhầm lẫn trong việc đánh giá những đối tượng quan hệ với con và con làm cho các đối tượng có thể quan hệ với con trở nên đơn điệu.

Hỏi: Nếu theo phân loại nghề nghiệp thì sao, thưa ông?

Trả lời: Nghề nghiệp không phải là con người cụ thể mà nghề nghiệp là những chức năng xã hội, vì thế cho nên truyền bá những kiến thức để hoàn tất, để hoàn chỉnh những chức năng xã hội thì nó sẽ làm cho con người có tiêu chuẩn rõ ràng trong việc lựa chọn nghề nghiệp của mình, lựa chọn tương lai của mình. Đó là một cách tốt.

Muốn tác động theo nghề nghiệp thì phải rất linh hoạt bởi vì các nghề nghiệp cũng có sự phân hoá. Ví dụ, nghề luật sư chẳng hạn, khi chúng ta có một hệ thống luật pháp chung chung thì luật sư là những người biết các thứ chung chung. Nhưng đến một mức nào đó, chúng ta bắt đầu chuyên môn hoá thì chúng ta có luật sư hình sự, luật sư dân sự, luật sư giải quyết tranh chấp kinh tế, luật sư giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ... Trong nhóm những luật sư về sở hữu trí tuệ chẳng hạn thì có luật sư chuyên về sáng chế, luật sư chuyên về các nhãn hàng hoá… Các chức danh nghề nghiệp như vậy lệ thuộc vào sự phát triển, sự phân hoá của các nghề nghiệp. Cái đó phải cập nhật thường xuyên.

Truyền thông hiện nay đang làm tốt về chuyện này, tuy nhiên, vẫn chạy theo xã hội chứ chưa gợi ý, thấy xã hội để ý đến nghề gì thì nói nhiều đến nghề ấy. Truyền thông cần phải cố gắng để gợi ý, phải quan sát sự biến động của nhu cầu. Không quan sát được sự biến động của nhu cầu đời sống xã hội trong quá trình phát triển của nó thì anh rất khó để gợi ý cho sự xuất hiện của các nghề nghiệp mới cũng như hoàn chỉnh các tiêu chuẩn của một nghề nghiệp cũ.

Hỏi: Ông nói rằng nên tác động vào tầng lớp trung lưu bởi vì đấy là tầng lớp nhạy cảm nhất. Xin ông phân tích cụ thể hơn là nên chọn những nhóm nào trong tầng lớp ấy?

Trả lời: Tầng lớp trung lưu trong xã hội chúng ta có 3 nhóm. Thứ nhất là các quan chức trung cấp của chính phủ, thứ hai là nhóm công chức, nhóm thương nhân và thứ ba là nhóm các nhà khoa học. Đấy là 3 nhóm nhỏ thuộc về tầng lớp trung lưu.

Hỏi: Trí thức thông thường mà không phải nhà khoa học thì sao?

Trả lời: Rất khó để gọi họ là tầng lớp trung lưu, họ được xếp vào các bộ phận bên rìa của nhóm, mà muốn tác động đến các nhóm bao giờ cũng phải tác động đến hạt nhân của nó. Nói đến trí thức lớp dưới là rất khó, vì bây giờ bằng thật, bằng giả lẫn lộn, cho nên phải nói đến các nhà khoa học, bởi vì tất cả những người có học thật đều muốn vươn lên. Chúng ta không truyền bá đến tầng lớp không có lý tưởng, không có khát vọng, không có ham muốn. Trí thức mà không ham muốn thì không thể vươn lên. Quan chức, công chức hay thương nhân mà không ham muốn thì cũng không thể vươn lên được. Chúng ta phải tác động vào cái nhóm muốn vươn lên ấy và phải để cho các phần tử không vươn lên rơi tự do xuống tầng thứ ba, bởi vì đấy chính là quy luật đào thải.

Hỏi: Vậy theo ông, có thể xác định tầng lớp trung lưu bằng những tiêu chuẩn nào?

Trả lời: Có quốc gia lấy thu nhập, có quốc gia lấy học vấn, có quốc gia lấy chức tước làm tiêu chuẩn để định nghĩa tầng lớp thượng lưu hay trung lưu. Thế giới cũng không có định nghĩa thống nhất về chuyện này. Người ta chỉ ang áng trung lưu là có hiểu biết tương đối, có học vấn tương đối, có thu nhập tương đối và có lý tưởng phát triển một cách tương đối. Không ai chỉ ra một cách cụ thể người này là trung lưu, người kia là thượng lưu được và nếu làm như thế thì chúng ta lại rơi vào lý thuyết giai cấp của Marx trong quá trình phân loại.

Trong xã hội chúng ta, người ta thường xem trọng hai tiêu chuẩn xã hội một cách có truyền thống là chức tước và học vấn. Gần đây người ta mới kết nạp thêm nhóm thương nhân, tức là thêm tiêu chuẩn tài sản. Tài sản chính là kết quả của việc sử dụng một cách có hiệu quả, một cách đúng đắn các kiến thức, cho nên, cần phải chấp nhận nhóm có tài sản tốt là nhóm trung lưu. Thậm chí, khi xã hội phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thừa nhận nó là tầng lớp thượng lưu.

Hỏi: Nhưng có lẽ khi xem xét như là đối tượng tác động của truyền thông thì người ta sẽ chọn học vấn?

Trả lời: Không phải như vậy. Hiện nay truyền thông đang chọn một cách rất tự nguyện tầng lớp thương nhân vì lý do có thể kiếm được tiền từ họ. Truyền thông cũng là một loại hình dịch vụ kiếm tiền. Sở dĩ giới truyền thông chọn phục vụ nhà nước là bởi vì họ là sở hữu của nhà nước. Có thể nói, giới truyền thông chọn nhà nước bởi vì họ sợ, chọn trí thức bởi vì họ nể và chọn thương nhân bởi vì họ cần. Chúng ta cần phải nhận thức rất rõ ràng những quy luật vụ lợi của truyền thông. Hiện nay mật độ tác động đến giới thương nhân và cho giới thương nhân đang chiếm trên 50% thời lượng của truyền thông, thậm chí còn lớn hơn.

Hỏi: Có một quyển sách tên là "Điểm bùng phát" mới xuất bản có nói rằng có thể chọn những nhóm đối tượng nhỏ nhưng nó có tác động lan truyền và sức ảnh hưởng rất lớn.

Trả lời: Tôi chưa đọc quyển sách ấy nhưng kết luận ấy là kết luận rất lý thuyết, nó đúng với những xã hội mà tất cả các quy luật đã bắt đầu chuẩn, tức là quy luật truyền dẫn đã được thừa nhận một cách khách quan cho nên có thể chọn một nhóm nhỏ. Ở Việt Nam để chọn một nhóm nhỏ mà có tác động truyền dẫn nhất thì tốt nhất là chọn những người trong lãnh đạo và như vậy thì chúng ta lại rơi vào trạng thái đơn điệu. Cho nên, về mặt kỹ thuật truyền thông mà nói, chọn một nhóm nhỏ đối tượng có ảnh hưởng lớn là đúng nhưng sự lựa chọn ấy rất rủi ro.

Hỏi: Quay trở lại vấn đề lúc trước ông nói là phải giải quyết ba khâu là nhận thức, khả năng và nhu cầu. Xin ông cho biết cần phải tiếp cận như thế nào để giải quyết tốt cả ba khâu đó?

Trả lời: Đấy là ba khâu khác nhau của một công nghệ tác động, là ba vùng khác nhau để hình thành sự phát triển. Có nhiều cách tiếp cận. Ví dụ, đối với tầng lớp trung lưu, nếu chọn giới trí thức thì phải bắt đầu từ nhận thức, chọn giới chính trị thì bắt đầu từ ham muốn, chọn giới thương nhân thì phải bắt đầu bằng tất cả. Giới chính trị là tập hợp những con người ham muốn nhiều nhất. Ham muốn là động lực cơ bản của đời sống chính trị. Sự ham muốn của giới chính trị là ham muốn tổng hợp vì chính trị là một đối tượng, một khái niệm tổng hợp. Trong thời đại hiện nay có một thuật ngữ để mô tả trạng thái tổng hợp của các ham muốn chính trị, đó là phát triển, đây là trạng thái lành mạnh. Còn trạng thái không lành mạnh của ham muốn chính trị là phát triển quyền lực. Hay nói cách khác, phát triển sức mạnh của một nhà nước, của một thể chế là mặt tiêu cực của sự phát triển của nhu cầu chính trị, còn phát triển các giá trị xã hội, giá trị cá nhân là mặt lành mạnh. Biểu hiện của sự lành mạnh của các nhu cầu chính trị là phát triển xã hội dân chủ.

Hỏi: Nhưng giới chính trị bao giờ cũng ham muốn quyền lực?

Trả lời: Quyền lực luôn luôn là ham muốn của mọi giới chính trị ở mọi thời đại và mọi quốc gia. Vấn đề đặt ra là thể chế nào thì sinh ra loại ham muốn quyền lực ấy. Những ham muốn của người đánh cờ thì phải đi theo quy tắc của luật chơi cờ, những ham muốn của người soạn nhạc phải đi theo các quy luật của âm nhạc. Tóm lại là thừa nhận các lẽ phải truyền thống, các quy tắc truyền thống thì mọi ham muốn đều lành mạnh cả.

Hỏi: Ông có nói về một thực tế là giới truyền thông thuộc sở hữu của nhà cầm quyền nên họ phải tuyên truyền những gì mà nhà cầm quyền muốn, trong trường hợp này thì truyền thông có phát huy tác dụng được không, thưa ông?

Trả lời: Nó có tác dụng với nhà cầm quyền, nhưng chưa chắc đã có tác dụng đối với sự phát triển của xã hội. Nó chỉ có tác dụng với cả hai trong trường hợp nhà cầm quyền muốn xã hội phát triển. Giới truyền thông trong những xã hội lành mạnh luôn thuộc về xã hội, thuộc về nhân dân. Giới truyền thông phải là một tổ hợp đa dạng, phong phú phản ánh các nguyện vọng, các nhu cầu, các đòi hỏi. Nó có nghĩa vụ phát triển các nhu cầu, các loại năng lực, các loại hiểu biết của các lực lượng khác nhau của xã hội.

Hỏi: Đa phần các chương trình truyền thông của chúng ta hiện nay đều có sự khấp khểnh giữa cái sự thật mà người ta muốn biết với cái định hướng. Theo ông, cần phải giải quyết sự khấp khểnh đó bằng cách nào?

Trả lời: Phải xác lập quyền tự do truyền thông và không gọi nó là tự do ngôn luận theo nghĩa cổ điển mà phải xem nó như tự do thông tin.

Khi chúng ta định giải quyết những vấn đề vĩ mô trong những điều kiện cụ thể như thế này thì chúng ta không thể đòi hỏi có đáp số nhanh, có đáp số trông thấy được. Chúng ta phải chờ đợi và kỳ vọng hay là chúng ta phải xấp xỉ về kết quả, vì thế nên chúng ta phải đòi tự do. Trước khi chúng ta đòi thêm tự do thì chúng ta phải khai thác hết cái quyền tự do đã có, cho nên, phải nghĩ ra các loại ngôn ngữ, các loại câu hỏi, các loại giải pháp trong phạm vi vùng tự do chúng ta đang có. Khi nói những chuyện như thế này là chúng ta đang nói về vấn đề rất lớn trong những điều kiện rất hạn chế. Tôi không dám tự mãn để nói rằng đấy là một sáng tạo, nhưng đấy có thể được coi là một sáng tạo về mặt phương pháp tác động xã hội. Tôi đã đưa ra nguyên lý "tự do sinh ra con người", có nghĩa là không có tự do thì không có con người. Thay vì đòi tự do thì chúng ta đòi làm người, và tự nhiên nó sẽ dẫn đến tự do.

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
Đối thoại với tương lai
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top