Tín hiệu thời đại nền tảng của đổi mới tư duy

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Trong cuộc sống của loài người ngày nay đang xuất hiện những thực tiễn mới, sáng chói những hào quang trí tuệ. Thực tiễn mới đó luôn bật ra tín hiệu, giúp con người tiên tiến nắm bắt, giải mã, tạo ra những làn sóng đổi mới tư duy, đổi mới hành động để dần dần tạo ra một thực tiễn mới đại trà.

Đổi mới tư duy là yếu tố tiên quyết cho đổi mới toàn diện. Và hiệu quả của đổi mới tư duy thường phụ thuộc vào chỗ có đứng vững hay không trên nền tảng của thực tiễn mới thông qua những tín hiệu thời đại.
Vậy những tín hiệu thời đại đã tạo ra những nhận thức nền tảng gì cho tư duy đổi mới.

1. Kinh tế thị trường là một tiến bộ lịch sử, là sản phẩm của nhân loại, không phải của riêng chủ nghĩa tư bản. Nó là một yếu tố mạnh, tạo ra sự phát triển gia tốc cho xã hội loài người. Nó có sức thu hút lớn và lan tỏa nhanh; những hoạt động khoa học, giáo dục, văn hóa và báo chí... cũng bị chi phối bởi cơ chế của kinh tế thị trường. Ít có những hoạt động đứng ngoài nền kinh tế thị trường hoàn toàn mà hoạt động suôn sẻ, thuận lợi.

Cần hiểu đúng đắn, đầy đủ hơn ý nghĩa tích cực của những từ "thương mại", "dịch vụ", "hàng hóa", "giá trị gia tăng"... vận dụng nó vào tư duy một cách thông thoáng, thích hợp với thời hiện đại.

2. Quyền sở hữu cá nhân, vai trò của cá nhân trong cuộc sống cần được tôn trọng; không coi đó là hiện tượng xấu, đối lập với quyền của cộng đồng, đối lập với tập thể.

Vẫn coi trọng quyền sở hữu toàn dân và vai trò của tập thể nhưng không cường điệu lên thành ưu việt tuyệt đối.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giàu lên bằng cách lao động chính đáng, cho mỗi cá nhân phát huy hết tài năng sáng tạo của mình thì đất nước mới mạnh mẽ, phồn thịnh.

3. Không đối kháng với các nước tư bản; coi mọi chế độ khác nhau trên thế giới là sự tồn tại tự nhiên, khách quan; tôn trọng tất cả mọi người, mọi cộng đồng... thân ái hợp tác, bình đẳng dưới mái nhà chung của hành tinh.

Lịch sử là dòng chảy của sự phát triển; mỗi người, mỗi cộng đồng đều có quyền tự do lựa chọn cho mình môi trường sống thích hợp. Quan hệ giữa người và người là bạn, là tình đồng loại. Hòa bình hữu nghị, hợp tác là lẽ sống đẹp của thế giới ngày nay.

4. Cần có một cơ chế mở, một chính sách mở, tạo thuận lợi cho sự hội nhập. Cần phá vỡ cơ chế hành chính bao cấp, khép kín, hẹp hòi.

Trong khi khoa học, kỹ thuật phát triển nhanh như vũ bão, thực tiễn mới sáng chói xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới thì tôn tại một nền kinh tế tự cấp, một nền kinh tế bảo thủ là quá lỗi thời.

Cuộc hành trình toàn cầu hóa của nhân loại đang vẫy gọi. Dù có không ít yếu tố tiêu cực, dù có không ít thử thách đặt ra, nhưng tiếng nói chính thức của chúng ta là hội nhập. Đó là tiếng nói khó khăn nhưng đúng đắn, thức thời.

5. Trong thời đại ngày nay, có cạnh tranh thậm chí có lúc quyết liệt nhưng tính chất của cạnh tranh không giống trước đây. Nó không diễn ra với kết cục tất yếu là một mất một còn, phủ định lẫn nhau mà đa phần là kích thích phát triển, cùng nhau bước lên tầng cao.

Khi mặt bằng trí tuệ được nâng cao thì cạnh tranh là một hiện tượng phổ biến không chỉ trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh.Trong các giải pháp cạnh tranh có hàm lượng chất xám cao hơn và tâm địa xấu ít hơn. Chính vì vậy mà trong cạnh tranh bây giờ có khi có nơi có cả yếu tố hợp tác xen lẫn, lồng ghép vào nhau.

6. Chân lý, lẽ phải đang phụ thuộc dần vào trí tuệ không phụ thuộc nhiều vào quyền lực (từ chức vụ, tiền bạc) như trước. Trí tuệ đã trở thành động lực mạnh của mọi sự phát triển.

Trí tuệ là chìa khóa vạn năng. Nó không chỉ tạo ra nền tảng sản xuất hàng hoá, cơ chế thị trường, tạo ra nhà nước pháp quyền, tạo ra một xã hội dân chủ... mà nó còn làm sáng tỏ biết bao chân lý mà lâu nay bị lớp bụi thời gian phủ mờ, trả lại sự công bằng cho những lẽ phải mà lâu nay bị đối xử oan. Trí tuệ đã trở thành sức mạnh vô địch giải phóng con người.

7. Tư duy của con người, nhất là các nhà nghiên cứu khoa học cần được giải phóng. Đối tượng của tư duy đổi mới là rất rộng lớn. Không có chuẩn mực nào là tuyệt đối, nhất là khi nó đang là đối tượng nghiên cứu của nhà khoa học. Nhà nghiên cứu không bị hạn chế trong tư duy của minh họa, tư duy triển khai thực hiện mà phải được khuyến khích tư duy sáng tạo, có thể đề xuất, điều chỉnh, bổ sung thậm chí xóa bỏ những điều đã khẳng định, đã trở thành lý thuyết kinh điển.

Với tư cách công dân ta phải chấp hành nghiêm túc mọi điều đã quy định trong pháp luật, trong thể chế nhưng với tư cách nhà nghiên cứu thì mọi vấn đề đều còn nghi vấn, đều cần được hoàn thiện. Đối với nhà nghiên cứu có tâm thì không có vùng cấm, có thể đi đến tận cùng1).

8. Tương lai thuộc về những người năng động sáng tạo, có tư duy đổi mới.
Trong thời đại trí tuệ, xã hội không phát triển hoàn toàn theo quy luật tự nhiên như lâu nay vẫn quan niệm, càng không phát triển theo ý muốn chủ quan của những người điều hành bảo thủ, lạc hậu.
Tương lai không còn là hình ảnh tù mù, rủi may. Con người ngày nay có thể kiểm soát được hướng đến và tốc độ đến của tương lai.

Tóm lại, tín hiệu thời đại là nền tảng tư tưởng của tư duy đổi mới. Không nắm bắt, giải mã được tín hiệu mới thì không thể có tư duy đúng đắn, sáng tạo.

Trường Giang
Tạp chí Trí tuệ, 2006
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top