Tìm hiểu về từ và từ vựng

bichngoc

Moderator
TÌM HIỂU VỀ TỪ VÀ TỪ VỰNG


1. Từ vựng và từ vựng học

Vựng là yếu tố gốc Hán có nghĩa cái kho, nơi chứa. Từ vựng là kho từ, vốn từ của một ngôn ngữ gồm các từ và các đơn vị tương đương với từ. Từ vựng là một hệ thống hữu hạn, là một bộ phận quan trọng của hệ thống ngôn ngữ, phát triển liên tục cùng với sự phát triển của xã hội. Mỗi từ trong hệ thống bao giờ cũng đối lập với các từ còn lại, đồng thời chỉ có giá trị khi được xét trong mối tương quan với các từ khác trong hệ thống. Từ vựng của một ngôn ngữ thường có thể gồm nhiều trăm ngàn từì. Nhưng vốn từ của một cá nhân thường không nhiều lắm. Tích lũy được khoảng 6000 đến 9000 từ đã có thể được coi là có trình độ văn hóa cao. Một nhà văn thiên tài thường cũng chỉ sử dụng vốn từ khoảng 20. 000 từ (Từ điển ngôn ngữ Puskin có 21.290 từ)

Từ vựng học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu từ vựng của một ngôn ngữ. Nó có nhiệm vụ xác định từ là gì, có cấu tạo như thế nào, được phân loại như thế nào xét về các mặt ý nghĩa, cấu tạo và vai trò của chúng trong hệ thống từ vựng. Nó cũng nghiên cứu nguồn gốc của từ và tập hợp vốn từ của một ngôn ngữ để phục vụ cho những nhu cầu sử dụng khác nhau. Do nhiệm vụ to lớn, phức tạp, từ vựng học gồm nhiều chuyên ngành hẹp.

- Từ vựng học đại cương tập trung nghiên cứu những vấn đề chung về từ vựng của mọi ngôn ngữ.

- Từ vựng học miêu tả nghiên cứu từ vựng của một ngôn ngữ trong một thời kì lịch sử nhất định.

- Từ nghĩa học nghiên cứu nghĩa, quy luật phát triển nghĩa của từ và các đơn vị tương đương.

- Từ nguyên học tập trung nghiên cứu nguồn gốc của các đơn vị từ vựng.

- Từ điển học nghiên cứu lí thuyết và kĩ thuật tập hợp vốn từ của một ngôn ngữ.

- Danh học chuyên nghiên cứu về nhân danh, địa danh.

- Thành ngữ học chuyên nghiên cứu các thành ngữ, quán ngữ...

Từ vựng học có quan hệ khăng khít với ngữ âm học, ngữ pháp học, phong cách học. Các bộ môn nói trên thường sử dụng các kết quả nghiên cứu của nhau và có chung mục đích là nhận thức ngày càng sâu cái công cụ kì diệu của con người là ngôn ngữ. Riêng vấn đề cấu tạo từ có thể được coi là phần giao giữa ngữ pháp học và từ vựng học. Không thể nào nghiên cứu cấu tạo của từ chỉ về một mặt hình thái hoặc ngữ nghĩa. Trong giáo trình này, vấn đề cấu tạo từ sẽ được trình bày một phần ở chương từ vựng, một phần ở chương ngữ pháp.

2. Từ - đơn vị cơ bản của từ vựng, của ngôn ngữ

Trẻ con học nói, phải bắt đầu học từng từ riêng lẻ. Học tiếng nước ngoài, ta phải học từ và nhớ từ. Từ là đơn vị tồn tại hiển nhiên trong trí óc của từng người bản ngữ. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi từ là gì không phải là chuyện đơn giản. Ðã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về từ, song chưa có một định nghĩa nào thỏa mãn được mọi người. Tựu trung có hai khuynh hướng. Khuynh hướng 1: Cố gắng đưa ra một định nghĩa đúng cho mọi ngôn ngữ trên thế giới. Ðây là một việc khó bởi vì như L.V Sherba đã nhận xét: Trong thực tế, từ là gì? Thiết nghĩ rằng trong các ngôn ngữ khác nhau, từ sẽ khác nhau. Do đó, tất sẽ không có khái niệm từ nói chung (1). Khuynh hướng 2: Khảo sát từ của từng ngôn ngữ riêng biệt để đưa ra một định nghĩa về từ chỉ đúng cho một ngôn ngữ. Tuy vậy, đằng sau tính đa dạng của ngôn ngữ, vẫn có những đặc tính phổ quát. B.A Serebrennikov đã viết: Ðằng sau sự đa dạng đến kinh ngạc vô cùng của các ngôn ngữ trên thế giới, ( ...) ẩn giấu những thuộc tính chung cho tất cả các ngôn ngữ ấy. Do vậy, cũng có thể chỉ ra những thuộc tính bản chất, chung cho từ của mọi ngôn ngữ. Theo V.M Solncev, những thuộc tính phổ quát ấy là:

• Từ là đơn vị ngôn ngữ độc lập, có sẵn, là chỉnh thểgồm hai mặt âm và nghĩa. Tính độc lập và sẵn có của từ thể hiện ở chỗ từ được toàn xã hội chấp nhận và sử dụng chứ không phải lâm thời được tạo nên trong quá trình giao tiếp. Nhà, xe, tập, viết, xe đạp, hoa hồng... trong tiếng Việt, hay worker, beautiful, book, chair... trong tiếng Anh là tên gọi các sự vật, tính chất... tồn tại sẵn trong óc của từng người bản ngữ; khi cần sử dụng, chỉ việc lựa chọn và nhặt ra. Chúng khác với những tổ hợp tự do như nhà rất đẹp ấy, cô ấy hiền... very beautiful, the beautiful house... Ðây là những đơn vị lâm thời được tạo nên trong lúc nói năng và sẽ bị tháo rời ngay sau khi giao tiếp kết thúc. Còn nói chỉnh thể gồm hai mặt của từ là muốn nhấn mạnh tính hoàn chỉnh của nó về cấu trúc hình thái và ý nghĩa cho dù nó có cấu tạo nội bộ. Nói theo Ðỗ Hữu Châu, đó là một đơn vị mang tính cố định, bắt buộc. Trong tiếng Việt, dùng âm [ban2] để biểu thị cái bàn là một điều bắt buộc, được toàn xã hội chấp nhận và sử dụng trong phạm vi các biến thể của nó, không ai có thể tự ý thay đổi âm ấy với nội dung ấy.

• Từ là đơn vị nhỏ nhất để tạo câu. Hình vị cũng là đơn vị nhỏ nhất có âm, có nghĩa nhưng không được sử dụng độc lập để tạo câu, chúng chỉ là các đơn vị được dùng để cấu tạo nên từ. Các thành ngữ, quán ngữ như nước đổ lá khoai, chuột chạy cùng sào, mẹ tròn con vuông, nói nào ngay... trong tiếng Việt, to get into a raw (bị khiển trách), as good as good (thật sự tốt)... trong tiếng Anh, en baver (tức lộn ruột), bayer aux chimères (mơ mộng hão huyền)... trong tiếng Pháp, nhai đàm hạng ngữ (chuyện không căn cứ), xuy mao cầu tì (bới lông tìm vết)... trong tiếng Hán v. v... cũng có tính độc lập, sẵn có, cũng có tính bắt buộc, tính hoàn chỉnh hai mặt (âm - nghĩa), cũng có thể tham gia trực tiếp tạo câu như từ nhưng lại do các từ cấu tạo nên; vì vậy chúng được coi là các đơn vị tương đương với từ. Rõ ràng từ là đơn vị nhỏ nhất để tạo câu.

• Từ là đơn vị cơ bản của từ vựng, của ngôn ngữ. Từ vựng là tập hợp toàn bộ các từ và các đơn vị tương đương: các thành ngữ, quán ngữ. Thành ngữ, quán ngữ do các từ cấu tạo nên, do đó từ là đơn vị cơ bản của từ vựng. Ðể tạo nên các câu nói, lời nói, người ta phải lựa chọn, kết hợp các đơn vị từ vựng, trong đó từ là đơn vị cơ bản nên từ cũng là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ.

Tóm lại, từ là đơn vị cơ bản của từ vựng, của ngôn ngữ, là chỉnh thể gồm hai mặt (âm và nghĩa), có tính cố định, sẵn có, bắt buộc, là đơn vị nhỏ nhất và độc lập, có khả năng hoạt động tự do để tạo câu. Trên đây mới chỉ là những nét phổ quát. Ði vào từng ngôn ngữ cụ thể, quan niệm về từ cần phải được bổ sung những thuộc tính riêng, có vậy mới đạt được tính chính xác, đầy đủ.


3. Từ vị và các biến thể.

Trên cơ sở sự phân biệt ngôn ngữ và lời nói, ở cấp độ từ, có sự phân biệt từ vị và các biến thể của từ vị.

3.1 Từ vị là một đơn vị trừu tượng của hệ thống từ vựng. Nó là sự khái quát hóa những dạng thức cụ thể của một từ nào đó trong trong thực tế giao tiếp thuộc một giai đoạn nhất định của ngôn ngữ. Từ vị là đơn vị thuộc phạm trù ngôn ngữ thường được thể hiện trong các mục từ của các từ điển. Do là đơn vị ngôn ngữ, từ vị luôn luôn được tái dụng trong nói năng, viết lách dưới dạng thức của các biến thể.

3.2 Các biến thể từ vị: Trong thực tế hành ngôn, có thể thấy những biến thể của từ sau đây:

a. Biến thể hình thái học: Ðó là những biến thể về mặt hình thái của từ để biểu thị những ý nghĩa ngữ pháp nhất định. Thí dụ, từ PARLER (nói) trong tiếng Pháp và Go (đi) trong tiếng anh có thể có nhiều biến thể hình thài học, ngoài nghĩa từ vựng, chúng còn mang các ý nghĩa ngữ pháp khác nhau.

b. Biến thể ngữ nghĩa: Mỗi từ có thể có nhiều nghĩa hoặc thành phần ý nghĩa. Khi sử dụng, chỉ một nghĩa hoặc một, hai thành phần ý nghĩa được sử dụng. Nghĩa và các nét nghĩa được dùng ấy cũng không hoàn toàn giống so với nghĩa được ghi trong từ điển. Thí dụ: Từ trường có hai thành phần ý nghĩa cơ bản: biểu vật và biểu niệm. Trong từ điển, nghĩa biểu vật của nó mang tính khái quát, tính loại (chỉ tất cả những nơi tiến hành giảng dạy, đào tạo); nghĩa biểu niệm của nó là tập hợp các nét nghĩa: nơi chốn + có nhiệm vụ giảng dạy, đào luyện con người + về một lĩnh vực chuyên môn nào đó hay toàn diện + có tính chuẩn mực, mô phạm. Tuy nhiên trong câu Trường cho ra trường, thì từ trường trước mang nghĩa biểu vật cụ thể (chỉ một trường cụ thể nào đó), từ trường sau là biến thể của nghĩa biểu niệm trong từ điển, nó nhấn mạnh đến tính chất tiêu biểu của nơi có nhiệm vụ đào tạo: đẹp đẽ, quy củ, trang nghiêm, mô phạm. Thậm chí, nhằm mục đích tu từ, đôi khi từ chuyển sang một nghĩa hoàn toàn mới, mang tính hình tượng. Trong câu Thuyền về có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền, Thuyền đã không còn chủ yếu chỉ phương tiện di chuyển trên sông, bến không còn chủ yếu chỉ nơi dừng hoặc xuất phát của thuyền bè mà hàm chỉ người con trai và con gái trong một mối tình lắm nỗi éo le.

Biến thể nghĩa của từ là một vấn đề rất phức tạp, nó liên quan đến nhiều khái niệm như nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa gần, nghĩa xa, nghĩa cơ bản, nghĩa phái sinh, nghĩa chính, nghĩa phụ, nghĩa hẹp, nghĩa rộng, nghĩa ngữ cảnh...


4. Cấu tạo của từ

Như đã biết, từ là đơn vị có nghĩa nhỏ nhất và độc lập. Nhưng các nhà ngôn ngữ học đã sớm nhận thấy trong rất nhiều từ còn có thành tố tuy không độc lập nhưng vừa có âm vừa có nghĩa nhỏ hơn. Thí dụ: Trong tiếng Anh, mỗi từ blackboard, underground, boatman đều gồm hai yếu tố vừa có âm vừa có nghĩa từ vựng, mỗi từ blackness, colorless, assimilation đều gồm hai loại yếu tố, trong đó, một loại vừa có âm vừa có nghĩa từ vựng, một loại có âm và có nghĩa ngữ pháp - loại ý nghĩa thể hiện nhận thức của người nói với thực tế được đề cập trong thành tố kia. Chúng là các đơn vị ngôn ngữ có nghĩa nhỏ nhất nhưng không độc lập, chúng chỉ là các thành tố cấu tạo từ và được gọi là các hình vị. Hình vị gồm hai mặt âm - nghĩa từ vựng được gọi là hình vị thực, hình vị gồm hai mặt âm - nghĩa ngữ pháp được gọi là hình vị hư. Dưới dây là các dạng thức của từ xét về mặt cấu tạo hình thái.

a. Từ đơn. Ðó là các từ chỉ có một thành tố cấu tạo; không ai có thể phân xuất nó thành các yếu tố vừa có âm vừa có nghĩa nhỏ hơn. Từ đơn chính là từ chỉ bao gồm một hình vị. Các từ một tiếng trong tiếng Việt; các từ book, sit, agree, small, two, he, very... trong tiếng Anh; các từ cahier, crayon, beau, deux, nous, beaucoup... trong tiếng Pháp đều là các từ một hình vị.

b. Từ phức. Ðó là các từ có từ hai thành tố cấu tạo từ trở lên. Những từ loại này bao gồm ba dạng chủ yếu: từ phái sinh, từ ghép, từ láy.

- Từ phái sinh: Ðó là các từ gồm hình vị căn tố kết hợp với một hoặc vài hình vị phụ tố. Nhìn chung, dạng thức này không có trong tiếng Việt. Thí dụ:

Trong tiếng Pháp:

Numéro: số - Numéral (-e, -aux): thuộc số
Numération: phép đếm - Numérique (-s): có tính chất số
Numériquement: bằng số - Numérateur: tử số/ khuôn dấu đóng số ...
International (-e, -aux): quốc tế - Redécider: quyết định lại


Trong tiếng Anh:

Boarder: người ăn cơm tháng, sinh viên nội trú, khách đi tàu
Boarding: việc lót ván, đóng bìa, việc ăn cơm tháng, việc lên tàu...
Boatful: vật được chở trong thuyền, thuyền (đầy)
Disagreeables: những điều khó chịu. Disappointedly: chán ngán, thất vọng


- Từ ghép nghĩa: Ðó là các từ có được do sự kết hợp của hai căn tố, có nguồn gốc là từ dơn. Dạng thức từ này có nhiều trong các ngôn ngữ. Thí dụ:

Trong tiếng Việt: gàn dở, xe cộ, tóc tai, ăn nói, sân bay, xe lửa, đầu gối...
Trong tiếng Anh: first-day, first-foot, fishpot, fishplate, fishwife...
Trong tiếng Pháp: brise-lames (đập chắn sóng), grand-père (ông), belle-mère...


- Từ láy âm: Ðây cũng là một dạng thức phái sinh của từ nhưng cơ sở của sự phái sinh này là sự láy lại bộ phận hoặc toàn bộ hình vị về mặt ngữ âm. Thí dụ: lẳng lơ, vui vui, nhỏ nhoi, nhỏ nhẻ, bệu bạo... Gần đây, những từ có sự tham gia của cơ chế láy âm nhưng trong những âm được láy lại biểu thị một ý nghĩa ngữ pháp nào đấy đã được đề xuất là các từ phái sinh về nghĩa. Thí dụ: cơm kiếc, nhà nhiếc, học hiệc...

Trên cơ sở tìm ra các dạng thức tồn tại của từ như trên, nhiều sách ngôn ngữ học đã quan niệm có ba phương thức cấu tạo từ chính sau đây: phương thức từ hóa hình vị, phương thức ghép hình vị và phương thức láy hình vị. Phương thức từ hóa hình vị là phương thức sử dụng chỉ một hình vị căn tố để cấu tạo từ và không cần thêm bớt một yếu tố ngôn ngữ nào khác. Ðây là cách thức kết hợp một hình vị căn tố với một hình vị zero theo quan niệm của các nhà ngôn ngữ học Mĩ. Kết quả của phương thức cấu tạo từ này là các từ đơn. Phương thức ghép hình vị như tên gọi của nó là phương thức kết hợp hai hay nhiều hình vị để tạo nên từ. Nếu ghép căn tố với phụ tố, ta sẽ có từ phái sinh; nếu ghép các hình vị thực ta sẽ có từ ghép. Còn phương thức láy âm lại dùng lối tác động vào một hình vị để có một hình vị mới giống nó một phần hay toàn thể về ngữ âm rồi kết hợp chúng để có một từ mới. Phương thức này cho ta những từ láy. Tuy nhiên, đó chỉ là một cách nói tiện dụng cho việc miêu tả và phân loại từ. Từ là đơn vị độc lập, có sẵn, còn hình vị là đơn vị được phân xuất từ các dạng thức của từ, không độc lập, không có sẵn, là đơn vị do trừu tượng hóa, khái quát hóa mà có. Quan niệm từ hóa hình vị, ghép các hình vị, láy các hình vị để tạo ra các từ dễ dẫn tới ngộ nhận hình vị là đơn vị có sẵn, người ta dùng chúng để tạo ra từ.

5. Ngữ cố định - Ðơn vị từ vựng tương đương với từ

5.1 Khái niệm


a. Ngữ cố định là gì? Trong nói viết hằng ngày, bên cạnh đơn vị cơ bản là từ, người ta còn dùng ngữ (hay cụm từ) cố định. Ngữ cố định là một loại đơn vị từ vựng được hình thành do sự ghép lại của vài từ, có đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa ổn định, tồn tại với tư cách một đơn vị mang tính sẵn có như từ. Thí dụ: anh hùng rơm, nuôi ong tay áo, vắt chanh bỏ vỏ... trong tiếng Việt; to have on, to join battle, to get wind of... trong tiếng Anh v.v... Những đơn vị ấy tuy do vài từ ghép lại nhưng lại có những đặc điểm giống như từ. Chúng là những đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ, hình thành trong quá trình giao tiếp từ rất lâu đời, có tính xã hội, mang tính cố định, bắt buộc và được coi là đơn vị tương đương với từ. Khi cần sử dụng trong giao tiếp, người ta chỉ việc lựa chọn và tái sử dụng chứ không phải lâm thời ghép các âm lại theo cách riêng của cá nhân.

b. Sự khác nhau giữa ngữ cố định và từ ghép

- Về mặt tính chất của các thành tố: Ngữ cố định là đơn vị do nhiều từ kết hợp lại, tuy được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ nhưng mỗi thành tố của ngữ cố định vẫn hiện rõ bản chất từ của chúng. Còn từ ghép là đơn vị hoàn chỉnh có cấu tạo nội bộ, gồm một hay nhiều hình vị. Ởí các từ ghép, hai hình vị căn tố (có nguồn gốc từ đơn) mang đặc điểm thành tố cấu tạo từ rất rõ, nhiều khi nghĩa của chúng bị mờ nhòe hẳn đi, không còn tư cách một từ độc lập nữa, nó liên kết chặt hay phụ thuộc vào yếu tố đi kèm. Thử so sánh: call-boy, call-box / to call the roll (gọi tên, điểm danh); xanh lè / ếch ngồi đáy giếng.

- Về mặt cấu tạo: Cấu tạo của từ đơn giản gồm ghép hay láy hình vị. Cấu tạo của ngữ cố định phức tạp hơn nhiều. Nó là kết quả của sự vận dụng tổng hợp những quan hệ cú pháp của từng ngôn ngữ. Thí dụ, trong tiếng Việt, Gà trống nuôi con có quan hệ chủ vị; Nuôi con lại có quan hệ chính phụ; quan hệ chủ vị và chính phụ "chồng" lên nhau. Trong Chân yếu tay mềm: chân yếu và tay mềm đều có quan hệ chủ vị. Các quan hệ chủ vị này kế tiếp nhau theo quan hệ song song. Trong tiếng Anh, mess of pottage (miếng đỉnh chung, bả vật chất), to salt down money (để dành tiền) có kết cấu chính phụ.

- Về mặt nghĩa, nghĩa của từ có chức năng định danh sự vật, hành động, tính chất... rất rõ còn ngữ cố định thường có nghĩa bóng, có hàm ý bên cạnh nghĩa từ vựng của từ. Thử so sánh: may mắn / chuột sa hũ nếp, khoe khoang / múa rìu qua mắt thợ, sự cùng đường / chuột chạy cùng sào.

c. Sự khác nhau giữa cụm từ cố định và cụm từ tự do

- Về bản chất, cụm từ cố định là đơn vị ngôn ngữ, mang tính sẵn có, cố định, bắt buộc. Còn cụm từ tự do là một tổ hợp hay kết cấu được lâm thời tạo ra trong quá trình giao tiếp.

- Về nguồn gốc, cụm từ cố định là sản phẩm của tập thể, có tính xã hội còn cụm từ tự do là sản phẩm của cá nhân.

- Về ý nghĩa, nghĩa của cụm từ cố định, đặc biệt là các thành ngữ thường là một chỉnh thể, thường vượt xa hay khác biệt so với nghĩa của thành tố cấu tạo. Thí dụ:

Tiếng Anh : to play first fiddle: đóng vai trò chủ chốt (nghĩa từng từ: chơi cây vĩ cầm số một). The fish story: chuyện cường điệu, phóng đại (nghĩa từng từ: chuyện cá). To show the white feather: hèn nhát (nghĩa từng từ: phơi bày cái lông trắng).

Tiếng Pháp : Donner sa langue au chat: không dám đoán (nghĩa từng từ: cho mèo ngôn ngữ của nó). Entre chien et loup: chạng vạng (nghĩa từng từ: giữa con chó và con sói).

Tiếng Việt : Ếch ngồi đáy giếng: sự thiển cận. Buồn ngủ gặp chiếu manh: sự may mắn (nghĩa đen: buồn ngủ và có được chiếc chiếu để ngủ).

Còn nghĩa của cụm từ tự do là hợp nghĩa của các thành tố. Người ta dễ dàng giải thích nghĩa của cụm từ tự do bằng cách giải thích tuần tự nghĩa của các thành tố.

5.2 Phân loại ngữ cố định Tùy theo tiêu chí phân loại, có các hệ thống phân loại cụm từ cố định khác nhau.

a. Dựa vào tính cố định và mức độ hòa hợp nghĩa của các từ trong cụm từ, nhà ngôn ngữ học Pháp Chalers Bally chia ngữ cố định trong tiếng Pháp ra làm ba loại :

- Ngữ cố định thông dụng (les groupements usuels).
- Ngữ cố định tổ hợp (les séries phraséologiques)
- Ngữ cố định tổng hợp (les unites phraséologiques)

Về sau, viện sĩ Liên Xô Vinogradov đã theo cách ấy đểì chia ngữ cố định tiếng Nga ra làm ba loại mà ta có thể áp dụng chung cho các ngôn ngữ biến hình:


- Ngữ vị dung hợp: các ngữ cố định có độ gắn bó về nghĩa cao nhất, không thể giải thích nghĩa của cụm từ dựa vào nghĩa đen của các thành tố. Ðây là trường hợp của các thành ngữ như to show the white feather (hèn nhát); a fish out of water (lạ nước lạ cái)

- Ngữ vị tổng hợp: các ngữ cố định có mức độ gắn bó ý nghĩa thấp hơn loại trên và nghĩa của nó cơ bản dựa trên sự hợp nghĩa của các thành tố. Thí dụ:

Tiếng Anh: as a rule (thường, nói chung), make up ones mind (quyết định)
Tiếng Pháp: sang blue (máu xanh) nghĩa bóng là dòng dõi quí tộc.

- Ngữ vị tổ hợp: các ngữ cố định có mức độ gắn bó ý nghĩa của các từ ở mức độ thấp nhất. Nghĩa của nó có thể suy ra dễ dàng từ nghĩa của các thành tố. Thường chỉ có một bộ phận nhỏ được dùng ở nghĩa bóng. Thí dụ:

Tiếng Anh: In other words (nói cách khác), quite a few (nhiều)
Tiếng Pháp: Libre comme lair (tự do như không khí)

Dựa vào cách phân loại này, các tác giả Việt nam chia ngữ cố định tiếng Việt ra làm ba loại:

- Thành ngữ: Tương tự với ngữ cố định dung hợp đã nói ở trên. Thí dụ: Ăn cá bỏ lờ, há miệng mắc quai, vắt chanh bỏ vỏ...
- Quán ngữ: Tương tự ngữ cố định tổng hợp. Thí dụ: Nói tóm lại; nói cách khác; trước hết, sau đó, một mặt thì, mặt khác thì, của đáng tội, nói nào ngay...
- Ngữ cố định định danh: Tương tự ngữ cố định tổ hợp, chúng thường được cấu tạo để định danh cho các sự vật. Thí dụ: Anh hùng rơm, chân mày lá liễu, mắt lá răm, tóc rễ tre...

b. Dựa vào cấu tạo ngữ pháp của ngữ cố định

Ða số ngữ cố định của các ngôn ngữ được tổ chức theo cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ ấy. Rất ít ngữ cố định được tổ chức ngoài quy luật trên. Theo cấu tạo ngữ pháp, có thể chia ngữ cố định ra làm hai loại:

- Ngữ cố định có kết cấu cụm từ:

Loại có quan hệ song song:

Tiếng Việt: Lên xe xuống ngựa, đỏ mặt tía tai, màn trời chiếu đất.

Tiếng Anh: The ins and outs (những chỗ ngoằn ngoèo),
Stocks and stones (những người khô khan không có tình cảm), Neither fish, flesh nor good red herring (nửa nạc nửa mỡ).

Tiếng Pháp: Le pour et le contre (lợi hại, phải trái),
Au diable vauvert hoặc Au diable au vert (xa lắc xa lơ)

Loại có quan hệ chính phụ :

Tiếng Việt: Anh hùng rơm, gởi trứng cho ác, rán sành ra mỡ.

Tiếng Anh: Jack of all trades (người khéo tay),
To make mountains out of molehill (bé xé ra to),
Make hay while the sun shines (nắm thời cơ thuận lợi)

Tiếng Pháp: Brave à trois poils (anh hùng rơm)
Forger de toutes pièces (hoàn toàn bịa đặt)
Homme de paille (người vô giá trị, bù nhìn)

- Ngữ cố định có kết cấu câu (có thể câu đơn hoặc câu phức)

Tiếng Việt: Cá lớn nuốt cá bé, trứng treo đầu gậy.

Tiếng Anh: One's heart is in the right place (có ý đồ tốt),
Enough is as good as a feast (ít mà tinh).

Tiếng Pháp: L'homme propose et Dieu dispose (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên)

c. Dựa vào nguồn gốc: Chia ngữ cố định ra làm hai loại:

- Ngữ cố định thuần: Ngữ cố định được hình thành từ chính ngôn ngữ dân tộc và trong quá trình phát triển của dân tộc. Thí dụ:

Tiếng Việt: Nợ như chúa Chổm, mẹ tròn con vuông, đi guốc trong bụng

Tiếng Anh: The blue devils: sự bi ai (nghĩa đen: những con quỉ xanh)
Out of the blue (hoàn toàn bất ngờ)

Tiếng Pháp: Colère bleue: cơn thịnh nộ (nghĩa đen: nỗi giận màu xanh)
Guerre froide: chiến tranh lạnh

- Ngữ cố định vay mượn: Ngữ cố định xuất hiện bằng con đường vay mượn hoặc dịch từ tiếng nước ngoài do sự giao lưu giữa các dân tộc.

Tếng Anh: April fish vay mượn poisson d'avril của tiếng Pháp.

Tiếng Việt: Hòn đá thử vàng, như chó với mèo vay mượn pierre de touche, vivre comme chien et chat của Pháp. Có một không hai, lá ngọc cành vàng, cưỡi ngựa xem hoa vay mượn từ độc nhất vô nhị, kim chi ngọc diệp, tẩu mã khán hoa của Trung Quốc.

Ngữ cố định là nhánh phụ nhưng góp phần quan trọng vào việc làm giàu kho từ vựng của dân tộc.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top