• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại làng Phù Lai, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Truyền thống văn hóa, văn chương của quê hương và gia đình là những nhân tố quan trọng trong sự hình thành hồn thơ Tố Hữu.

tác giả tố hữu.png
I. NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ TIỂU SỬ VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT :

1) Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại làng Phù Lai, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Truyền thống văn hóa, văn chương của quê hương và gia đình là những nhân tố quan trọng trong sự hình thành hồn thơ Tố Hữu.

- Năm lên 12 tuổi, mẹ mất. Năm 13 tuổi, vào trường Quốc học (Huế). Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng Cộng sản qua sách báo tiến bộ của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh, Goocki... kết hợp với sự vận động, giác ngộ của các Ðảng viên ưu tú bấy giờ (Lê Duẩn, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), người thanh niên Nguyễn Kim Thành sớm nhận ra lý tưởng đúng đắn. Gia nhập Ðoàn thanh niên, hăng hái hoạt động, được kết nạp Ðảng năm 1938.

- Tháng 4/1939, bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao. Trong tù, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi luôn giữ vững khí tiết, tiếp tục hoạt động cách mạng ở mọi hoàn cảnh.

- Cuối 1941, vượt ngục (về hoạt động bí mật ở Hậu Lộc - Thanh Hóa). Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, là Chủ tịch Uíy ban khởi nghĩa của thành phố Huế. Năm 1946, là bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, luôn giữ những trọng trách trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Ðảng và nhà nước (1948 : Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam ; 1963 : Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ; tại đại hội Ðảng lần II/02-1951 : Ủy viên dự khuyết Trung ương ; 1955 : Ủy viên chính thức ; tại đại hội Ðảng lần III/9-1960 : vào Ban Bí thư ; tại đại hội Ðảng lần IV/1976 : Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương ; từ 1980 : Ủy viên chính thức Bộ Chính trị; 1981 : Phó Chủ Tịch Hội đồng Bộ Trưởng).

2) Thơ Tố Hữu là đỉnh cao thơ trữ tình chính trị Việt Nam (Trần Ðình Sử). Có thể tìm thấy ở đó những nét tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng.

- Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng ; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu, cái ác. Tóm lại, phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

- Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học. Với Tố Hữu, thơ là Tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí ; làm cho người ta không còn thấy giới hạn của câu chữ, khi cái tình thật mãnh liệt. Màu sắc dân tộc đậm đà cũng là yêu cầu hàng đầu đối với thơ hay, cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Dân tộc mà hiện đại, hiện đại trên cơ sở dân tộc, truyền thống.

II. QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC :

* Tác phẩm của Tố Hữu :

- Thơ : Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và Hoa (1977) ; Một tiếng đờn (1993).

- Tiểu luận : Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta (1973), Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981).

1. TỪ ẤY :

- Tập thơ đầu tay, gồm 71 bài, sáng tác trong 10 năm (1936-1946).

- Chia thành ba phần, phản ánh rõ nét quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Máu lửa gồm 27 bài, là thơ của thời kỳ Mặt trận Dân chủ ; tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến ; đòi hòa bình, cơm áo ; vấn đề quyền sống con người và cách mạng giải phóng dân tộc. Xiềng xích gồm 30 bài, viết trong tù ; thể hiện nỗi buồn đau và ý chí, khí phách của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù. Giải phóng gồm 14 bài, viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập ; chủ yếu ngợi ca lý tưởng, quyết tâm đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.

- Trong Từ ấy, không chỉ có tiếng chim rộn rã và hương hoa của niềm vui vừa bắt gặp lý tưởng, mà còn có lời an ủi, động viên chân tình đối với những số phận bất hạnh. Và sau cùng, nhân danh cách mạng, Từ ấy là tiếng thét đầy hờn căm, là hồi kèn xung trận thôi thúc mọi người xông lên, vào trận chiến mất còn với kẻ thù để giành lại quyền sống.

- Tập thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng : khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng cộng sản trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo bước ngoặt lớn cho quá trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. Tố Hữu không phải là nhà thơ của riêng tôi, mà là nhà thơ của tất cả thanh niên, nhà thơ của tương lai (K và T trên báo Mới, 1/5/1939).

- Những bài thơ tiêu biểu : Mồ côi, Hai đứa bé ; Ði đi em ; Vú em; Dửng dưng ; Tiếng hát sông Hương ; Từ ấy ; Tâm tư trong tù ; Trăng trối ; Dậy mà đi ; Hồ Chí Minh ; Vui bất tuyệt,....

2. VIỆT BẮC :

- Sáng tác chủ yếu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), gồm tổng cộng 24 bài (trong đó có 06 bài dịch, 03 bài sáng tác sau 1954).

- Là bức tranh tâm tình của con người Việt Nam trong kháng chiến, thể hiện quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước. Cuộc kháng chiến thật nhộn nhịp, hồ hởi nhưng vô cùng gian khổ, đau thương. Nổi bật nhất là hình ảnh quần chúng nhân dân, những người gánh cả cuộc kháng chiến trên vai. Ðó là anh Vệ quốc quân hiên ngang như thiên thần, là em bé liên lạc Mồm huýt sáo vang. Như con chim chích. Nhảy trên đường vàng. Trên hết là hình ảnh Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu - vừa cao cả, lớn lao vừa bình dị, gần gũi.

- Ðánh dấu một bước phát triển của thơ Tố Hữu về giọng điệu, ngôn ngữ. Chất dân tộc đậm đà trong thi liệu bình dị, thể thơ quen thuộc.

- Những bài thơ tiêu biểu : Phá đường, Bà mẹ Việt Bắc ; Bầm ơi ; Lượm ; Sáng tháng Năm ; Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên ; Việt Bắc ; Ta đi tới.

3. GIÓ LỘNG

- Gồm 25 bài, sáng tác trong 06 năm (1955-1961) ; tập trung vào hai nhiệm vụ chiến lược : xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ Ngụy, thống nhất đất nước ở miền Nam.

- Tập thơ mở ra niềm vui lớn vì nửa nước được giải phóng, nhưng là niềm vui chưa trọn vẹn vì :

Ðường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong nước lửa sôi
Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời núi sông
(Ba mươi năm đời ta có Ðảng)

Cái tôi trữ tình sôi nổi được bộc lộ trên nền hiện thực hoành tráng của cuộc sống mới. Gió lộng còn là thơ của lòng tri ân, nghĩa tình đối với Ðảng, Bác Hồ, với nhân dân. Tinh thần quốc tế vô sản cũng được đề cập (qua tình cảm đối với Liên Xô, Lê Nin).

- Giọng anh hùng ca ngày càng khẳng định, đề tài có sức bao quát hiện thực, ý thơ mang tầm tư tưởng cao.

- Những bài thơ tiêu biểu : Trên miền Bắc mùa xuân ; Với Lê Nin ; Người con gái Việt Nam ; Thù muôn đời muôn kiếp không tan ; Em ơi ... Ba Lan ; Ba mươi năm đời ta có Ðảng ; Tiếng ru ; Bài ca xuân 1961 ; Mẹ Tơm.

4. RA TRẬN

- Gồm 31 bài, sáng tác trong 10 năm chống Mỹ (1962-1971).

- Hai dòng thơ mở đầu (ở bài thứ nhất) thể hiện cảm hứng chủ đạo của cả tập thơ :

Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh
Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy

Vốn là hồn thơ của yêu thương, nghĩa tình, Tố Hữu ao ước được làm thơ ngợi ca thanh bình. Nhưng khi miền Nam, rồi cả nước, chìm trong nước sôi lửa bỏng thì Có thể nào yên, có thể nào khuây.... Dành phần lớn tâm huyết để ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, do đó, giọng điệu tập thơ thấm đẫm chất hùng ca.

Những bài thơ tiêu biểu : Có thể nào yên ; Miền Nam ; Trên đường thiên lý ; Hãy nhớ lấy lời tôi ; Tiếng hát sang xuân ; Chiếc áo xanh ; Mẹ Suốt ; Êmily, con...; Kính gửi cụ Nguyễn Du ; Tấm ảnh ; Bác ơi ; Theo chân Bác.

5. MÁU VÀ HOA

- Gồm 13 bài, sáng tác trong 06 năm (1971-1977) ; có ý nghĩa tổng kết quá trình phát triển của dân tộc, của Cách mạng Việt Nam - một hành trình đầy máu, đầy hoa, Năm mươi năm máu đỏ thành hoa.

- Máu : biểu tượng của nỗi đau uất hận trong hàng nghìn năm nô lệ và sự hi sinh, xả thân vì nghĩa lớn, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ. Hoa : biểu tượng cho vẻ đẹp của lý tưởng cộng sản, của chủ nghĩa anh hùng và niềm vui ngày chiến thắng.

- Xuất hiện nhiều bài thơ trường thiên với cảm xúc tổng hợp, bao quát hơn nửa thế kỷ đấu tranh (Nước non ngàn dặm; Với Ðảng, mùa xuân).

- Những bài thơ tiêu biểu : Việt Nam máu và hoa ; Nước non ngàn dặm; với Ðảng, mùa xuân ; Một khúc ca xuân.

6. MỘT TIẾNG ÐỜN :

- Gồm 72 bài, xuất bản năm 1993 ; được giải thưởng của Asian.

- Là những dòng tâm tư, trăn trở từ mạch cảm xúc trong thời hòa bình. Ðời thôi lửa cháy, nên xuất hiện những dòng thơ tươi xanh - mang đậm cảm hứng thế sự. Ðề tài thơ phong phú, đa dạng : ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, con người ; công cuộc xây dựng đất nước đầy phức tạp ; tình yêu và số phận con người ; ... Âm hưởng thơ bớt vang xa (hướng ngoại) mà vọng sâu hơn (hướng nội)

Em ơi nghe đó, trong đêm lạnh
Ðằm thắm bên một tiếng đờn

- Ngoài giọng anh hùng ca vốn có, thêm giọng trầm lắng, đôi khi xót xa :

Mới bình minh đó, đã hoàng hôn
Ðang nụ cười tươi, bỗng lệ tuôn
Ðời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn !
(Một tiếng đờn)

- Những bài thơ tiêu biểu : Một khúc ca ; Ðêm cuối năm ; Ðêm thu quan họ; Ðảng và thơ ; Một tiếng đờn ; Lạ chưa ? ; Xuân hành 92 ; Ta lại đi ; Anh cùng em.

Nhận xét

1) Con đường thơ của Tố Hữu và quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam là song hành. Bám thật chắc vào hiện thực đời sống, ở những khúc quanh, những bước ngoặt quan trọng, thơ Tố Hữu thường tỏ ra thích ứng rất nhanh nên cắm được nhiều cột mốc lịch sử. Tố Hữu là người viết sử Việt Nam hiện đại bằng thơ.

2) Tố Hữu là hình ảnh tiêu biểu của một kiểu nhà thơ mới - nhà thơ trữ tình chính trị. Giữa nhà thơ - chiến sĩ ấy và quần chúng nhân dân không có một khoảng gián cách không gian hoặc tâm tưởng nào. Nhưng không phải một sớm một chiều, cái tôi trữ tình của Tố Hữu có được ngay sự hòa hợp nhuần nhị tuyệt vời với đời sống. Cần một quá trình lâu dài, với nỗ lực không ngừng của bản thân và sự hỗ trợ từ cuộc sống mới tốt đẹp Người yêu người sống để yêu nhau.

III. NHỮNG ÐẶC ÐIỂM CHÍNH CỦA PHONG CÁCH THƠ :

1) Ðỉnh cao của thơ trữ tình chính trị trong văn học Việt Nam hiện đại.
Ở đó, có sự kế tục truyền thống thơ văn yêu nước thời Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh ; kết hợp với những cách tân nghệ thuật theo xu hướng hiện đại hóa. Thơ Tố Hữu là tiếng lòng của một kiểu nhà thơ mới, đứng giữa lòng cuộc sống mà cất lời kêu gọi đấu tranh. Qua tâm hồn chan chứa yêu thương của nhà thơ, các vấn đề và sự kiện chính trị liên quan tới vận mệnh cả dân tộc - đều thành nguồn xúc cảm nghệ thuật mãnh liệt. Do đó, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn bao trùm phần lớn sáng tác của Tố Hữu. Nhân vật trữ tình luôn nhân danh Ðảng, nhân danh cộng đồng ; tập hợp những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp ; được nâng lên tầm vóc mới - nên nhiều khi mang vẻ đẹp phi thường.

2) Thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn.

+ Thế giới quan của Tố Hữu, ngay từ buổi đầu, đã mang bản chất cách mạng. Khi được Mặt trời chân lí chói qua tim, nhà thơ nhận ra con đường giải thoát duy nhất cho dân tộc Việt Nam : Cách mạng Vô sản. Bao chông gai thử thách đang chờ đón, nhưng có hề gì, người thanh niên ấy đã nguyện Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa. Lý tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại làm sục sôi nhiệt huyết trong trái tim chan chứa yêu thương. Giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho mọi người đã trở thành sự nghiệp, lẽ sống tha thiết, thôi thúc nhà thơ hiến dâng trọn cuộc đời. Quyết tâm dấn thân vì nghĩa lớn và lòng trung thành tuyệt đối tạo nên chất men say kỳ diệu, có sức lôi cuốn tự nhiên, lâu bền.

+ Thơ Tố Hữu thể hiện niềm vui, nỗi buồn và thái độ yêu-ghét đúng đắn. Ðó là tâm trạng của một người nguyện gắn bó máu thịt với nhân dân. Là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Thơ ấy, đã vui thì vui bất tuyệt, còn đau khổ thì Có khổ đau nào đau khổ hơn. Trái tim tự xát muối, cô đơn. Nhân sinh quan của Tố Hữu cũng mang bản chất cách mạng sâu sắc : yêu đất nước, con người và cái Thiện ; ghét kẻ thù phi nhân, ghét cái Aïc. Nhưng không phải kiểu yêu - ghét suông có màu sắc cải lương, bao giờ cũng dẫn đến hành động quyết liệt : tranh đấu tới cùng để bảo vệ chính nghĩa ; lên án, tiêu diệt những thế lực phản cách mạng, thù địch với con người.

3) Giọng điệu tâm tình ngọt ngào, tha thiết, hồn nhiên.

+ Dù là những dòng thơ tươi xanh hay những dòng thơ lửa cháy, giọng thơ Tố Hữu vẫn một điệu sôi nổi, mãnh liệt. Nhà thơ đặc biệt rung động với nghĩa tình cách mạng sâu nặng, luôn hướng đến đồng bào đồng chí mà chân thành giãi bày tâm sự, kêu gọi, nhắn nhủ. Giọng thơ có cái duyên riêng của hồn thơ xứ Huế.

+ Sống và chiến đấu, tất cả cho Tổ quốc, Tố Hữu không mảy may so hơn tính thiệt cho riêng mình. Mối quan hệ giữa nhà thơ với quần chúng bao giờ cũng rất mực gần gũi, thủy chung, tin yêu tuyệt đối. Do đó, trong ước vọng về một thiên đường trên mặt đất - "Người yêu người sống để yêu nhau, tiếng lòng của nhà thơ được bộc lộ một cách hồn nhiên.

4) Nghệ thuật thơ vừa giàu tính dân tộc vừa rất hiện đại.

Dân tộc chủ yếu ở hình thức (thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu). Hiện đại chủ yếu trong đề tài, tư tưởng chủ đề (các giá trị truyền thống được cảm nhận và thể hiện trên tinh thần mới mẻ).

IV. KẾT LUẬN CHUNG

+ Tố Hữu là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Trải qua một khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, tiếng thơ ông đã có tác động sâu xa đến tư tưởng và tình cảm của độc giả nhiều thế hệ. Con đường thơ ấy là hành trình đi tìm và bắt gặp sự kết hợp diệu kỳ giữa Cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật thơ ca.

+ Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Tố Hữu là một bộ phận không thể thiếu trong vốn văn hóa tinh thần của quần chúng Cách mạng. Từ góc nhìn, thời điểm khác nhau, sẽ phát hiện những tầng ý nghĩa khác nhau của kho tàng nghệ thuật ấy. Có thể đôi chỗ còn thô ráp, thiếu sự gọt dũa cần thiết hoặc ồn ào, sáo mòn. Nhưng trên đại thể, bằng quan điểm cụ thể lịch sử và lập trường Cách mạng, hoàn toàn có thể khẳng định: thơ Tố Hữu là một giá trị. Tất nhiên, nó sẽ bất tử.


( Sưu tầm )
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
TÁC GIẢ TỐ HỮU


I. Vài nét về tiểu sử

- Tố Hữu (1920- 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.

- Quê : Làng Phù Lai, Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế nơi có truyền thống văn hoá và đấu tranh cách mạng.

- Gia đình : có truyền thống Nho học và rất yêu chuộng văn chương.

- Tố Hữu được giác ngộ cách mạng từ rất sớm (18 tuổi được kết nạp Đảng) và hoạt động cách mạng qua nhiều thời kỳ lịch sử.

- Tố Hữu đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của bộ máy Nhà nước và của Đảng (Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.

II. Đường cách mạng, đường thơ

Đối với Tố Hữu, con đường hoạt động cách mạng và con đường thơ của ông có sự thống nhất không thể tách rời. Mỗi tập thơ của ông là một chặng đường cách mạng.

1. Tập thơ Từ ấy (1937 - 1946)

- Là một chặng đầu tiên tương ứng với 10 năm đầu hoạt động cách mạng của Tố Hữu.

- Tập thơ gồm 3 phần : Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng.

- Nội dung : Từ ấy là niềm hân hoan của tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” đã gặp được lý tưởng, tìm thấy lẽ sống.

- Phần Xiềng xích được đánh giá cao hơn cả vì đã thể hiện được sự trưởng thành của người thanh niên cộng sản và bước phát triển mới của hồn thơ Tố Hữu (Tâm tư trong tù, Nhớ đồng, Trăng trối,…).

- Giá trị : thể hiện chất men say lý tưởng, chất lãng mạn trong trẻo, tâm hồn nhạy cảm, sôi nổi, trẻ trung của một cái tôi trữ tình mới (cái tôi gắn với cộng đồng, dân tộc).

2. Tập thơ Việt Bắc (1947 - 1954)

- Đánh dấu bước chuyển của thơ Tố Hữu trong chặng đường này : Hướng vào thể hiện quần chúng cách mạng, mang tính sử thi đậm nét.

- Nội dung :

+ Là bản hùng ca về cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp với những chặng đường gian lao anh dũng và thắng lợi.

+ Thể hiện thành công hình ảnh và tâm tư của quần chúng cách mạng.
+ Kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt Nam kháng chiến mà bao trùm và thống nhất mọi tình cảm là lòng yêu nước.

- Giá trị : là một trong những thành tựu xuất sắc của văn học chống Pháp.

3. Tập thơ Gió lộng (1955- 1961)

Có sự kết hợp thể hiện cái tôi trữc tình công dân khi khai thác các đề tài lớn : Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước, tình cảm quốc tế vô sản.

4. Tập thơ Ra trận và tập thơ Máu và hoa

- Cổ vũ, động viên, ca ngợi cuộc chiến đấu.

- Mang đậm tính chính luận - thời sự, chất sử thi và âm hưởng anh hùng ca.

5. Các tập thơ còn lại

- Thể hiện những chiêm nghiệm, đúc kết của tác giả về những chặng đường cách mạng của dân tộc và con đường hoạt động của bản thân.

- Giọng thơ trầm lắng, suy tư và có màu sắc triết lý.

III. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

1. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình - chính trị


Đây là đặc điểm bao quát nhất trong sự nghiệp thơ Tố Hữu.

- Tố Hữu là một thi sĩ - chiến sĩ, thơ là sự thống nhất giữa tuyên truyền cách mạng và cảm xúc trữ tình.

- Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, từ hoạt động cách mạng và tình cảm chính trị của bản thân tác giả.

- Lý tưởng cách mạng là ngọn nguồn mọi cảm hứng nghệ thuật của Tố Hữu. Lý tưởng thực tiễn cách mạng ở mỗi thời kỳ là đề tài, chủ đề sáng tác của nhà thơ.

Ví dụ : Việt Bắc gắn liền với cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp.

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, nhà thơ của lý tưởng cộng sản. Con đường thơ bắt đầu cùng lúc với sự giác ngộ lý tưởng cộng sản, quá trình sáng tác gắn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Thơ Tố Hữu thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

- Thơ Tố Hữu tập trung thể hiện những vấn đề cốt yếu của đời sống cách mạng và vận mệnh dân tộc. Cảm hứng hướng về lịch sử, dân tộc chứ không hướng về đời tư, hướng về những lẽ sống lớn tình cảm lớn, niềm vui lớn.

- Nhân vật trữ tình luôn đại diện cho những phẩm chất của giai cấp, dân tộc thậm chí là của lịch sử và thời đại.

Ví dụ : Chị Trần Thị Lý trở thành Người con gái Việt Nam, anh Nguyễn Văn Trỗi là “Con người như chân lý sinh ra”.

- Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là cái tôi - chiến sĩ, cái tôi - công dân sau đó là cái tôi nhân danh dân tộc, cách mạng.

- Những con người trong thơ Tố Hữu luôn có vẻ đẹp của lý tưởng cách mạng. Đó chính là sự thể hiện cảm hứng lãng mạn.

3. Thơ Tố Hữu có giọng tâm tình ngọt ngào

- Cách xưng hô gần gũi thân mật (bạn đời ơi, đồng bào ơi, anh chị em ơi) với đối tượng trò chuyện.

- Tố Hữu tuyên truyền, vận động cách mạng nói chuyện chính trị bằng giọng tâm tình.

Ví dụ : Cuộc chia tay giữa Đảng, chính phủ với quần chúng cách mạng được thể hiện qua lời đối đáp giữa “mình” và “ta” trong Việt Bắc.

- Giọng tâm tình ngọt ngào chính là “chất Huế” trong hồn thơ Tố Hữu.

4. Thơ Tố Hữu mang tính dân tộc đậm đà

- Về nội dung : Thơ Tố Hữu phản ánh đậm nét hình ảnh con người Việt Nam và tình cảm Việt Nam trong thời đại mới, tiếp nối với truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lý của dân tộc.

- Về nghệ thuật : Tố Hữu sử dụng thành công các thể thơ thuần dân tộc (thơ lục bát, thơ bảy chữ), ngôn ngữ thơ gần với lối nói quen thuộc của dân tộc, thơ giàu nhạc điệu.

IV. Tổng kết

- Vị trí thơ Tố Hữu : là một thành công xuất sắc của thơ cách mạng, thơ trữ tình - chính trị, kế tục truyền thống lớn của thơ ca dân tộc.

- Thơ Tố Hữu là sự kết hợp của 2 yếu tố : cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật.

- Sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu là ở niềm say mê lý tưởng và tính dân tộc đậm đà.

( Sưu tầm)
 

HungNQ_95

New member
Xu
0
Những topic trong 4rum rất hay, vd như topic này nhưng sao mình thấy ít thank thế nhỉ ?
sweat.gif
 

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
1. Những nhân tố tác động đến con đường thơ của Tố Hữu :

- Quê hương: sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, một vùng đất nổi tiếng đẹp, thơ mộng , trầm mặc với sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẫm cổ kính,… và giàu truyền thống văn hóa, văn học bao gồm cả văn hóa cung đình và văn hóa dân gian mà nổi tiếng nhất là những điệu ca, điệu hò như nam ai nam bình . mái nhì, mái đẩy…
- Gia đình: Ông thân sinh ra nhà thơ là một nhà nho không đỗ đạt nhưng rất thích thơ phú và ham sưu tầm văn học dân gian. Mẹ nhà thơ cũng là người biết và thuộc nhiều ca dao, tục ngữ. Từ nhỏ Tố Hữu đã sống trong thế giới dân gian cùng cha mẹ. Phong cách nghệ và giọng điệu thơ sau này chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian xứ Huế.
- Bản thân Tố Hữu: là người sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng, tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, bị bắt và bị tù đày từ năm 1939- 1942, sau đó vượt ngục trốn thoát và tiếp tục hoạt động cho đến Cách mạng tháng Tám, làm chủ tịch ủy ban khởi nghĩa ở Huế. Sau cách mạng ông giữ nhiều trọng trách ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng vẫn tiếp tục làm thơ.

2. Con đường thơ của Tố Hữu :

Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng Việt Nam từ những năm 1940 cho đến sau này.

a. Tập thơ Từ ấy(1946) gồm 71 bài sáng tác trong 10 năm (1936 – 1946). Tác phẩm được chia làm ba phần:
- Máu lửa (27 bài) được viết trong thời kì đấu tranh của Mặt trận dân chủ Đông Dương, chống phát xít, phong kiến, đòi cơm áo, hòa bình…
- Xiềng xích (30 bài) được viết trong nhà giam thể hiện nỗi buồn đau và ý chí, khí phách của người chiến sĩ cách mạng.
- Giải phóng (14 bài) viết từ lúc vượt ngục đến 1 năm sau ngày độc lập nhằm ngợi ca lí tưởng, quyết tâm đuổi giặc cứu nước và thể hiện niềm vui chiến thắng.
Những bài thơ tiêu biểu:Mồ côi, Hai đứa bé, Từ ấy,…

b. Tập thơ Việt Bắc (1954)
- Gồm 24 bài sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Việt Bắc là bức tranh tâm tình của con người VN trong kháng chiến với những cung bậc cảm xúc tiêu biểu: tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, lòng thủy chung cách mạng. Đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước.
- Những bài thơ tiêu biểu: Phá đường, Việt Bắc, Bà mẹ Việt Bắc, Bầm ơi, Ta đi tới,…

c. Gió lộng (1961)
:
+ Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
+ Phong trào đấu tranh chống Mĩ - Ngụy ở miền Nam.
- Tác phẩm thể hiện niềm vui chiến thắng, cuộc sống mới với những quan hệ xã hội tốt đẹp. Còn là lòng tri ân nghĩa tình đối với Đảng, Bác Hồ và nhân dân.
- Những bài thơ tiêu biểu: Trên miền Bắc mùa xuân, Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Mẹ Tơm, bài ca mùa xuân 1961,…

d. Ra trận (1971), Máu và Hoa (1977)

Phản ánh cuộc đấu tranh của dân tộc kêu gọi cổ vũ tinh thần chiến đấu của dân tộc . Ca ngợi Bác Hồ, tổng kết lịch sử đấu tranh.

3. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

- Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị thể hiện nồng nhiệt tự hào lý tưởng cách mạng, đời sống cách mạng của nhân dân ta.
- Thơ Tố Hữu chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, màu sắc lịch sử được diễn tả bằng bút pháp lãng mạn, hình tưởng thơ kì vĩ, tráng lệ.
- Nét đặc sắc trong thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng. Thơ liền mạch, nhất khí tự nhiên, giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết.
- Nghệ thuật thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Phối hợp tài tình ca dao, dân ca các thể thơ dân tộc và “thơ mới”. Vận dụng biến hoá cách nói, cách cảm, cách so sánh ví von rất gần gũi với tâm hồn người. Phong phú vần điệu, câu thơ mượt mà, dễ thuộc dễ ngâm.
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Những bài thơ hay Nhất Của Tố Hữu

1, Từ Ấy
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…


Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời


Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…


Tháng 7-1938

2, Khi Con Tu Hú
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…


Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!


Huế, tháng 7-1939

3, Lượm
Ngày Huế đổ máu,
Chú Hà Nội về,
Tình cờ chú cháu,
Gặp nhau Hàng Bè.


Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh,


Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…


– “Cháu đi liên lạc,
Vui lắm chú à.
Ở đồn Mang Cá,
Thích hơn ở nhà!”


Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
– “Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần…


Cháu đi đường cháu,
Chú lên đường ra,
Ðến nay tháng sáu,
Chợt nghe tin nhà.


Ra thế,
Lượm ơi!


Một hôm nào đó,
Như bao hôm nào,
Chú đồng chí nhỏ,
Bỏ thư vào bao,


Vụt qua mặt trận,
Ðạn bay vèo vèo,
Thư đề “Thượng khẩn”,
Sợ chi hiểm nghèo!


Ðường quê vắng vẻ,
Lúa trổ đòng đòng,
Ca-lô chú bé,
Nhấp nhô trên đồng…


Bỗng loè chớp đỏ,
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ,
Một dòng máu tươi!


Cháu nằm trên lúa,
Tay nắm chặt bông,
Lúa thơm mùi sữa,
Hồn bay giữa đồng.


Lượm ơi, còn không?

Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh.


Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…


1949

4, Việt Bắc
– Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.


– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…


– Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


– Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…


Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…


Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.


Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.


Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà…
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miềm
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.


Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…


Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào.


– Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về?
Mình về, ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về, xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.


– Nước trôi, lòng suối chẳng trôi
Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non
Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà.
Nứa mai mình gửi quê nhà
Nước non đâu cũng là ta với mình
Thái Bình đồng lại tươi xanh
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…


– Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?


– Ðường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái trường ngói mới đỏ tươi.
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi
Còn non, còn nước, còn trời
Bác Hồ thêm khoẻ, cuộc đời càng vui!


– Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…


– Lòng ta ơn Ðảng đời đời
Ngược xuôi đôi mặt một lời song song.
Ngàn năm xưa nước non Hồng
Còn đây ơn Ðảng nối dòng dài lâu
Ngàn năm non nước mai sau
Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng.


Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.


10-1954

5, Bầm Ơi!
Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…


(1948)

6, Một Tiếng Đờn
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi lệ bỗng tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.


Ôi kiếp trăm năm được mấy ngày
Trời xanh không gợn áng mây bay
Thủy chung son sắt nên tình bạn
Êm ấm lòng ta mỗi phút giây.


Còn khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim luôn sát muối oán hờn
Còn đây một chút trong đêm lạnh
Đầm ấm bên em một tiếng đờn.


(20-2-1991)

7, Tạm Biệt
Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất,
Sống là cho. Chết cũng là cho.


7.1, Dửng Dưng
Du khách bảo đây vườn kín đáo
Với hương dìu dịu, ý ngàn xưa
Thời mây xanh nhạt màu hư ảo
Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ…


Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng,
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ven bờ sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai…


Thành quách trăm năm sầm mặt lạnh
Ngọn cờ uể oải vật vờ lay
Lâu đài đường bệ màu kiêu hãnh
Áo gấm hài nhung cánh phượng bay.


Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi…


Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu lá sắp rụng trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa ?
Cây hết thời xanh đến tiết vàng!


Ai tưởng ngàn năm nương đất ấy
Mầm non thêm nhựa, lá thêm tươi
Ôi mỉa mai hồn ta chỉ thấy
Rêu hèn sống gửi nhánh khô thôi.


Ai tưởng thiên đường sao nhấp nhánh
Tài hoa tinh kết, ngọc long lanh
Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh.


8, Bác Ơi!
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!


Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!


Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!


Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay…


Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.


Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…


Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già


Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.


Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.


Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.


Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều


Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác – Lênin, thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!


Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.


(6-9-1969)

9, Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên
I


Tin về nửa đêm
Hoả tốc hoả tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa…


Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!
Sét đánh ngày đêm
xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của
chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ
sao vàng vĩ đại


Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!


Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà vui chung.


II

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,
ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm
giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta
lên chiến trường tiếp viện


Và những chị, những anh ngày
đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị, của chúng ta
không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…


III

Lũ chúng nó phải hàng, phải chết
Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!


Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta
Chúng bay chỉ một đường ra
Một là tử địa, hai là tù binh
Hạ súng xuống rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy
Trên đầu bay thác lửa hờn căm
Trông: Bốn mặt luỹ hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!


Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo…
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông!


IV

Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập hoà bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ
xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”


(5-1954)

10, Việt Nam Máu Và Hoa
Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ
Một trời êm ả, xanh không tưởng
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ


Đây cuộc hồi sinh, buổi hoá thân
Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân
Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu
Người vươn lên, như một thiên thần!


Thế này chăng? Thuở xưa hoang dã
Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thuỷ Tinh
Càng dâng nước, càng cao ngọn núi
Chân Trường Sơn, đạp sóng Thái Bình,


Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm.


Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc, và cho tất cả
Lá cờ này là máu là da
Của ta, của con người, vô giá.


Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt rơi, làm nhoà mặt quân thù
Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ.


Tình thương lớn, mạnh hơn lửa thép
Trận địa đây xây giữa lòng người
Dầu mưa nắng, trái đất tròn vẫn đẹp
Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời.


*

Cút sạch đi, bầy sói hôi tanh!
Đã đến buổi cuối cùng phán quyết
Trả về ta đất rộng trời xanh
Cho bay, những hố bom làm huyệt.


Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi
Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô
Cả bốn biển hoan hô Hà Nội
Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ.


Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi
Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc
Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người
Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc.


Không nỗi đau nào của riêng ai
Của chung nhân loại chiến công này.
Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau, thắm những ngày?


*

Chưa dễ lành đâu, những vết thương
Nửa mình còn nhức, hỡi quê hương!
Song mùa vui đã mang xuân tới
Đã tắt hôm nay lửa chiến trường.


Rừng núi đã xanh màu giải phóng
Hãy trào lên, ơi sóng Cửu Long
Quét phăng những rác bùn ứ đọng
Những thép gai ngăn mặt, cắt lòng.


Ta lại về ta, những đứa con
Máu hoà trong máu, đỏ như son
Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi
Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!


(28-1-1973)
 
Sửa lần cuối:
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top