Tìm hiểu thơ hậu hiện đại

vanchuong83

New member
Xu
0
TÌM HIỂU THƠ HẬU HIỆN ĐẠI

Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung rất khó xác định phạm vi,thì đối với thơ hậu hiện đại càng khó khăn bội phần,vì nó không những gắn với cá tính và phong cách của từng nhà thơ ,mà còn phụ thuộc vào đặc điểm xã hội và truyền thống văn hóa của từng khu vực.Nhưng cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung,thơ ca hậu hiện đại là có thực,cần được tìm hiểu, song chỉ có thể tìm hiểu dần dần và hẵn bắt đầu từ nơi phát tích chủ yếu của nó là Hoa kỳ,tất nhiên cũng có chỗ phải “vượt biên’’khi cần thiết.

1)Một số đặc điểm thơ hậu hiện đại.
Một vấn đề có lẽ nan giải nhất là ranh giới giữa thơ hậu hiện đại với thơ hiện đại.Vậy thì phải khởi đầu bằng nhà thơ nổi tiếng được dư luận công nhận là có sự chuyển biến từ chủ nghĩa hiện đại sang chủ nghĩa hậu hiện đại,và đó là Ezra Pound. Ông vốn theo chủ nghĩa ý tượng (Imagism),một nhánh của chủ nghĩa hiện đại,rất ũng hộ và ca ngợi nhất là với sáng tác và quan niệm của T.S.Eliot( sinh trưởng ở Hoa kỳ,40 tuổi mới nhập quốc tịch Anh),nhưng dần dần quay ra công kích ,nhất là đối với quan niệm thơ ca phi cá tính của ông trùm thơ ca hiện đại này. Đặc biệt trong sáng tác,từ những bài thơ ý tượng rất súc tích ,thanh thoát,bỗng đâu E.Pound viết những bài thơ rất phồn tạp,kỳ lạ.Tiêu biểu là bài thơ dài Thi chương hàm chứa một khối lượng tri thức về văn nghệ,thần thoại, kiến trúc,kinh tế,chính trị,danh nhân cổ kim đông tây.Từ những hiền triết cổ Hy la và Trung hoa đến những lái buôn chiến tranh và chủ cho vay nặng lãi thời hiện tại,từ luân lý học Nho giáo đến chính sách kinh tế của chủ nghĩa công đoàn,từ tổng thống viết Tuyên ngôn độc lập Jefferson đến tên trùm phát-xít Mussolini.v.v..Điều không kém phần đặc biệt là thi phẩm tiếng Anh,lại xen kẻ tiếngÝ, tiếng Pháp,tiếng La tinh,thậm chí cả tiếng Hán, thật không hiểu ra làm sao cả.Nhưng có rất nhiều nhà thơ mà tiêu biểu là William Carlos Williams thì hết lời ca ngợi và noi theo,tạo nên được những thi phẩm rất khác với thơ hiện đại.Cho nên có nhà phê bình Hoa kỳ cho rằng trong thế kỷ XX, giai đoạn Eliot--Pound là thơ hiện đại,giai đoạn Pound—Williams là thơ hậu hiện đại.Vậy có thể từ thơ của Pound (giai đoạn sau),Williams và các nhà thơ cùng khuynh hướng để sơ bộ khái quát nên những đặc điểm của thơ hậu hiện đại. Tất nhiên ở đây không bàn đến những đặc điểm về cơ sở hiện thực xã hội và ý thức tư tưởng cũng như những quan niệm về cuộc đời và con người—vì nó đã và sẽ tiếp tục đề cập khi bàn về chủ nghĩa hậu hiện đại chung cho cả tiểu thuyết và kịch bản nữa—mà chỉ bàn thiên về mặt thi pháp của thể loại thơ mà thôi.

Trước hết đây là loại thơ không màng đến việc kết tinh ý nghĩa,không hẵn vô nghĩa,nhưng hiểu thế nào thì tùy.Chủ nghĩa hậu hiên đại phủ nhận bên trong hiện tượng có bản chất,bên cạnh ngẫu nhiên có tất yếu, bên dưới vô thức có ý thức, bên sau ngôn từ có ngôn ngữ.Chính vì thế cứu cánh của hành động đan dệt ngôn từ trong sáng tạo thơ không cần thiết mà cũng không thể kết tinh thành một nội dung ý nghĩa chủ đạo nào cả.Nhà thơ Andrei Codrescu viết hẵn bài thơ mang tiêu đề Phản đối ý nghĩa có những câu:”Mỗi việc tôi làm đều phản đối ý nghĩa.Phần nào có ý,nhưng phần lớn là tiềm thức”.Khi ý nghĩa bị giải trừ,thì nhà thơ cũng gần như vô tri.Nhà thơ Phillip Arthur Larkin than thở:”Quái lạ,không biết rõ một cái gì,cứ luôn nắm không chắc.Thế nào là đúng,thế nào là chân,thế nào là thực,cho nên không thể không thêm một câu:Tôi cho rằng như nhau cả”.Nhà thơ Nicanor Parra đã phải nêu ra khái niệm phản thi ca,phản thi nhân:”Thế nào là phản thi nhân? Một chủ buôn quan tài và những chiếc tiểu đựng hài cốt/Một giáo sĩ không có bất cứ tín ngưỡng nào/Một kẻ lang thang nhạo báng mọi điều/Một vị thần linh/Một kẻ ngây dại?...Thôi thì thấy câu nào đúng,cứ gạch chân ở dưới...Thế nào là phản thi ca?Một trận bão táp trong một chén trà/Một cụm tuyết trên mõm núi?Một thùng con đầy nước tiểu của nhân loại?...Thôi thì cứ đánh dấu chữ thập ở định nghĩa nào nếu bạn thấy đúng”(Trắc nghiệm).Có nghĩa là cũng như nhà thơ,thơ ca không hề có bản chất và ý nghĩa gì cả,chỉ là những ký hiệu ngôn từ trôi nổi trên bề mặt,tùy theo cảm giác và hứng thú từng nơi từng lúc cho nó thế nào thì là thế nấy mà thôi.

Chính vì không cần đan dệt ngôn từ để kết tinh thành ý nghĩa cho nên thơ hậu đại thường gây một cảm giác tản mạn rời rạc về hình thức diễn đạt,” xa vời với tính chỉnh thể,gấp gáp nhưng nát vụn ,tự đứt đoạn với chính mình”(Ian Gregson).Cho nên không phải ngẫu nhiên mà một số thi sĩ hậu hiện đại còn chủ trương những loại “thơ đứt đoạn”,“thơ quá trình”,”thơ vận động”.Thậm chí còn có cả loại”thơ lắp ráp’’ như Kenneth Koch đã đem bốn câu chuyên chả liên quan gì với nhau ghép lại thành bài thơ dài Một mùa trên quả đất ,gây nên cảm giác về một thế giới phân liệt tan rả.Đọc thi phẩm của các bậc thi hào hiện đại như Eliot,Valéry không phải dễ hiểu, nhưng vì ngôn ngữ thật tập trung,các yếu tố hình thức liên kết chặt chẽ giúp cho việc giải mã tuy khó khăn,nhưng là khả thi,nghĩa là cuối cùng hiểu được và cảm thấy thú vị.Nhưng nhà thơ hậu hiện đai P.A. Larkin rất phản đối cách diễn đạt của thơ hiện đại thường”gây trở ngại cho tác giả trong việc phát huy tính sáng tạo, và làm mất thời gian người đọc”.Trái lại thơ hậu hiện đại rõ ràng trên mặt chữ, không cần phải giải thích,mà tác giả của nó cũng cự tuyệt viêc giải thích ,chỉ cần tùy tâm thể nghiệm .Quá trình thể nghiệm như thế nào,thì ý thơ sẽ là như thế.

Cũng chính vì không cần ý nghĩa .cho nên thơ chỉ còn là trò chơi ngôn ngữ. Nhà thơ E.Gomkling với bài thơ Con chữ đã nói thẳng:”Nếu cái bóng là con chữ, con chữ thành trò chơi.Nếu trò chơi là con chữ ,con chữ thành cái bóng.Nếu con chữ là cái bóng,trò chơi thành con chữ.Nếu con chữ là trò chơi,cái bóng thành con chữ”. Đã là trò chơi thì muôn màu muôn vẻ.Nhà thơ K. Kock bắt cả lớp làm chung một bài thơ,cứ mỗi sinh viên cho một câu tùy hứng,tuần tự ghép lại,đầu Ngô mình Sở,ông nói gà bà nói vịt,đúng là chả có nghĩa gì,nhưng được một trận cười chết mệt.Nhà thơ Wallace Stevens viết bài Phong cầm cũng không biết muốn nói lên điều gì, nhưng chỉ nghe được những âm thanh réo rắt ,trầm bỗng náo nhiệt ,hoan hỉ.Cách chơi này tương đối phổ biến nhất,vì có chủ trương hẵn hoi là cần hòa trộn thơ ca với âm nhạc và các loại nghệ thuật khác ,kể cả việc phối cảnh,để có được các loại thơ âm nhạc,thơ hội họa, thơ thực thể ,có thể”nghe thấu,thấy rõ,sờ được”.

Làm thơ là một trò chơi,không cần nghĩ ngợi gì sâu xa,mà chỉ coi trọng thể nghiệm và cảm xúc trong nơi này lúc này,từ đó xuất hiện lối thơ “tức hứng”và”diễn xuất”.Nhà thơ Allen Gínsberg nói:”Quá tin vào kỹ xảo sẽ làm cho sự biểu đạt sai lạc,cho nên chúng ta phải viết ra cảm xúc của mình một cách giản dị mà trực tiếp. Nếu cảm giác đích thực đối với sự vật đủ mạnh mẽ,đủ chân xác,thì cứ viết ra sẽ đúng là thơ”(Bàn về thơ Hoa kỳ 1965).Chính vì thế mà thơ hậu hiện đại có tính chất hành vi,bởi vì viết ra thơ đúng vào lúc cảm xúc tràn đầy,không chờ nó lắng đọng,rồi trực tiếp bộc lộ ra không thể im ắng mà thường kèm theo hành động âm thanh—gào thét,la rống,và hành động hình thể--nhún nhẩy ,uốn éo,như là là đang biểu diễn ca vũ vậy.Thời ấy ở New York,San Francisco và nhiều thành phố khác ở Hoa kỳ thường tổ chức những đêm thơ ở các quán ba,thậm chí ở quảng trường.với những dàn nhạc phóng thanh.Nhà thơ thì có lúc khẳng khái ”cuồng ngâm,cuồng xướng, cuồng vũ”,có lúc bơ phờ rên rỉ kêu than,còn thính giả thì lúc khoái trá la hét, lúc rên rỉ thương cảm như bị hớp hồn.

Cuối cùng có một điều tuy không rộng khắp nhưng cũng tương đối phổ biến là thơ hậu hiện đại có xu hướng quay về phương Đông.Đằng sau hiện tượng này có ẩn chứa thái độ phản ứng với nền hậu công nghiệp và xã hội tiêu thụ,môi trường ô nhiểm,con người bị đè nén bởi chủ nghĩa kỹ trị,muốn tìm lối thoát trong viêc quay về với thiên nhiên, với các triết thuyết thiên địa nhất thể,thiên nhân hợp nhất chan chứa trong thơ ca phương Đông,nhất là Trung quốc.Chính E. Pound đã dịch rất nhiều thơ ca Trung quốc,mở rông thi nhãn cho cả một thế hệ thi nhân hậu hiện đại Hoa kỳ. Kenneth Rexroth dịch Trung quốc thi bách thủ.Ca ngợi đạo Thiền,đã từng sang Nhật nhiều năm để nghiên cứu Phật giáoThiền tông,nhà thơ Gary Snyder cho rằng Ngọn tùng, bài thơ hay nhất của mình là có chịu ảnh hưởng bài Xuân dạ của Tô Đông Pha,vì cũng có ánh trăng sáng,bầu trời xanh,sương mở,ánh sao,tùng bách, dấu chân của nai thỏ.v.v...tạo nên một bức tranh tĩnh mặc mà ý cảnh xa vời.Bài thơ Hoa cúc của Black rất giàu chất điền viên của Đào Uyên Minh,còn bài Khách sạn Larff của Robert Creeley thì đúng là một bức tranh sơn thủy.Nói rộng ra,có nhà thơ như Morgan với cả tập thơ mang tên Biến dịch quán triệt khá sâu triết lý KinhDịch

2)Một số loại thơ hậu hiện đại
Trở lên mới chỉ sơ bộ khái quát một số đặc điểm chung nhất,mà chắc chắn còn sai hoặc sót,mong đợi được sự hiệu chỉnh dần.Thật ra thơ hậu hiện đại có rất nhiều loại phồn tạp,ít nhiều mang những đặc điểm riêng-hoặc tô đậm thêm một đặc điểm chung nào đó,hoặc bộc lộ thêm một đặc điểm khác của mình.Những loại hình thơ hậu hiện đại này khá tiêu biểu,nhưng đều tập trung ở Hoa kỳ,một phần ở Đức,song không phải đồng hiện,mà tiếp nối hoăc gối đầu nhau theo tuyến lịch sử như sau:

Trước hết là loại “thơ phóng chiếu” xuất hiện ở California Hoa kỳ sau Đại chiến II ,biểu hiện tâm trạng bất mãn của “thế hệ đạp đổ” đối với xã hội tư bản, nhưng cũng không tán thành chủ nghĩa xã hội.Họ tự xưng là”những kẻ chống đối không có mục tiêu,những người tuyên truyền không có khẩu hiệu,những nhà cách mạng không có cương lĩnh”.Họ quay về “đạp đổ”bản thân từ tinh thần đến thân xác,chẳng khác nào một phong tục Nhật bản cổ xưa—tự sát trước cổng nhà của kẻ thù không đội trời chung.Tiêu biểu là nhà thơ A.Ginsberg, ngoài ra còn có K. Rexroth ,Gary Snyder.v.v...Họ không hề có chút e dè ngượng ngùng trong viêc bộc lộ những cảm xúc riêng tư thầm kín nhất của bản thân. Nguyên tắc của họ là “sáng tác tự phát”,hứng lên là làm thơ,không nhằm mục đích gì khác ngoài việc bộc lộ một cách tự nhiên trạng thái tinh thần ngột ngạt của bản thân.Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực Pháp,họ rất tôn sùng tiềm thức phi lý tính,thích tái hiện những cơn ác mộng,những trạng thái ảo giác.Cho nên họ thường viết trong men rượu hay sau cơn hút chích.Nhiều bài thơ của A.Ginsberg được viết sau khi dùng ma túy.Thơ của họ bất chấp vần điệu,có phần rời rạc,nhưng tưởng tượng phong phú,tình cảm phóng đảng.Họ kịch líệt lên án loại thơ tượng trưng sâu kín, thâm ảo của phái hàn lâm:”Chúng tôi tin rằng thơ ca là sự giao lưu ngôn từ giữa người với người,cho nên ra sức tránh xa lối trò chơi câu chữ hàm hồ không rõ nghĩa theo kiểu học giả,hoặc chất siêu hình của thế hệ trước,mà theo đuổi sự trong sáng trong ý hướng và sự giản dị trong ngôn ngữ”.Đó là lời của K.Rexroth,còn A. Ginsberg thì làm hẵn bài thơ với những câu” Cách viết phải như xương thịt thuần túy.Chớ có xài món gia vị tượng trưng.Cảnh trí chân thực,mà nhà tù cũng phải chân thực.Phải đúng như đã nhìn thấy lúc ấy cũng như bây giờ(Bình tiểu thuyết của William Burroughs). Không những chủ trương phải bộc lộ cảm xúc tự nhiên,mà còn muốn rút ngắn đến mức tối đa khoảng cách với độc giả bằng lối biểu diễn thơ,chứ không phải chỉ là đọc thơ,ngâm thơ.Họ thường nói bóng bẩy rằng mới in ra trên giấy chưa phải là thơ,mà chỉ là”nhạc phổ” của thơ,cũng như trong âm nhạc, nhạc phổ chưa phải là nhạc,nó phải được diễn tấu lên trước công chúng!

Tiếp theo là “Thơ khai phóng “ gối đầu với “”Thơ phóng xạ” xuất hiện vào giữa những năm 50 ở Học viện Hắc sơn Bắc Carolina Hoa kỳ với hai giáo sư thi sĩ Robert Duncan và Robert Creeley và người đứng đầu chính là Giám đốc Học viện, nhà thơ Charles Olson.Trong bài Thơ khai phóng với tư cách là tuyên ngôn hoặc cương lĩnh của trương phái thơ này,Ch.Olson nhận xét rằng,trừ những thi phẩm như của E.Pound và W.C.Williams ra,thì toàn bộ thơ ca Hoa kỳ lúc bấy giờ đều mang tính chất phong bế, trái lại trong thời đại bây giờ yêu cầu loại thơ khai phóng. Thơ không thể như phái Phê bình mới quan niệm là một hệ thống tự đủ đầy,mà phải là thông qua hình thức để triển khai nội dung.Ông viết:”Một bài thơ là năng lượng mà nhà thơ kết tinh được,thông qua bản thân thơ,cần truyền dẫn đến bạn đọc. Bởi thế mỗi một yếu tố của thơ đều là một kết cấu năng lượng cao độ,phải trở thành máy phát năng lượng...Thơ ca từ 1950 muốn tiến lên phía trước ,cần phải có giá trị thực chất.Tôi cho rằng phải nắm thật vững một số quy tắc và khả năng hô hấp,tức là đưa vào thơ hơi thở của người sáng tác cùng một số quy tắc và khả năng hít thở mà mình nghe được”(1).Có thể khái quát một số đặc điểm của “thơ khai

(1)Lịch sử thơ ca Hoa kỳ thế kỷ XX,Trương Tử Thanh,Nxb Cát lâm,tr.275


phóng” như sau:a)Nhấn mạnh sáng tác thơ tùy hứng và tự nhiên.Họ một mực phản đối nguyên tắc mỹ học trí tuệ của phái Phê bình mới,vứt bỏ cái gọi là ngữ pháp chính xác,lô-gic,tính chất cách luật trong gieo vần ,ngắt nhịp ,phối thanh.R.Ducan làm thơ liền một mạch theo hứng thú, xong là thôi,không bao giờ sửa chữa,nhuận sắc,thôi xao.Còn Ch.Olson trung thành với quan niệm làm thơ cũng như hít thở, xem thơ như một sức mạnh đang vận động,một quá trình hữu cơ,tình cảm thơ chỉ luôn hướng tới,không thể quay lại.Ông khuyên làm thơ trên máy chữ để như nghe được nhịp thở cũng như nhịp điệu ngôn từ của chính mình.b)Nhấn mạnh sự thống nhất giữa tự ngã với phi ngã,vừa chống quan niệm mặt nạ nhân cách của Phê bình mới,vừa khác biệt với lối biểu hiện tự ngã thuần túy của loại “”Thơ tự bạch”. c)Trong cảm nhận của nhà thơ,hiện thực có phần ngẫu nhiên,mâu thuẫn,khó lường, cho nên thơ không thể không mang tính bất định,biến hóa đa đoan,hình thức thơ,do đó cũng không thể định hình,cách luật,mà thuận theo tự nhiên,sáng nở chiều tàn, ngày đêm đắp đổi.d).Phải thấy ý nghĩa hiện đại của văn hóa cổ đại,phải trở về với trạng thái tư tưởng thời tiền sử,trở về với những quan hệ trực tiếp ,vĩnh hằng,để cảm nhận cho được tính huyền bí của thế giới.Bản thân Ch.Olson đã dày công thâm nhập vào đời sống người da đỏ Indian và nhiều tộc người bán khai khác để viết ra tập thơ Nhà khảo cổ lúc rạng đông như muốn nói cái cổ xưa mà sao rất tươi mới
Thứ ba là loại “Thơ tự bạch” xuất hiện vào cuối những năm 50 đầu những năm 60 ở Hoa kỳ qua sáng tác của John Berryman,William Dewitt Snodgras, Anne Sexton, Sylvia Plath,nhưng tiêu biểu nhất là Robert Lowell.Cũng hoàn toàn bất mãn với xã hội đương thời,nhưng khác với xu hướng thơ “phóng chiếu”của thế hệ “đạp đổ”náo nhiệt dữ dội,họ không có cương lĩnh,không có cơ quan ngôn luận,chỉ lặng lẽ sáng tác và tự nhiên gặp gỡ nhau ở chỗ phản ảnh và biểu hiện cuộc sống và tâm trạng cá nhân. Hiển nhiên là với sắc thái riêng,họ cũng chống lai quan niệm “phi ngã”của Eliot. Đặc điểm bao trùm nhất của khuynh hướng thơ này là sự thổ lộ một cách chân thành và triệt để.Hiển nhiên từ Shakespeare,Byron đến Whitman đều bộc lộ tình cảm mãnh liệt,nhưng đến phái “Thơ tự bạch”thì đặc điểm này càng phổ biến,tự giác hơn nhiều.Họ không có chút e ngại thổ lộ nhưng việc riêng tư thầm kín về tính dục,ý nghĩ về cái chết,nỗi nhục nhã,tuyệt vọng cùng những tình cảm thất thường với bố mẹ,anh em,vợ con.Khoa học kỹ thuật phát triển làm cho đời sống vật chất càng dồi dào,nhưng con người lại thành nô lệ của hàng hóa,bị đè nén bởi chủ nghĩa kỹ trị.Những năm 60,xã hội Hoa kỳ vốn chứa chất nhiều rạn nứt,lại thêm cuộc chiến Việt nam,làm sâu sắc thêm sự chia rẻ.Cuộc sống trở nên ngôt ngạt,vô nghĩa. Các nhà thơ “tự bạch” quay lại dày vò bản thân,muốn tự hủy hoai cùng với sự suy thoái của hoàn cảnh.Các chủ thể trữ tình trước kia thường kèm theo tinh thần tự tôn,tự trọng,trái lại các nhà thơ “tự bạch” lại muuốn bộc lộ ngay cái xấu,cái ác của bản thân,và lắm lúc cực đoan đến điên rồ dẫn đến chuyện tự sát.Không phải ngẫu nhiên mà trong năm nhà thơ “tự bạch”tiêu biểu có đến ba người tự sát.Sớm nhất là nữ thi sĩ S.Plath đã tự vẩn từ năm 1963 khi vừa trên ba mươi tuổi.Và trên dưới mười năm sau hai người nữa cũng tự sát,nhà thơ J. Berryman vào năm 1972, và nữ thi sĩ A.Sexton vào năm 1974.Còn nhà thơ tiêu biểu R.Lowell thì sống dở chết dở vì đi xa hơn Jean Paul Satre xem”người khác là địa ngục”,ông còn căm hận cả chình mình:”Bản thân tôi là địa ngục!”.

Có vẻ nghịch lý,nhưng”thơ tự bạch” rất giàu màu sắc lý trí.Họ tự sát không phải vì đột nhiên thất vọng về một cái gì cụ thể,mà mất lòng tin với cả cuộc đời,cho nên thường trải qua một quá trình dằn vặt về lẽ sống,tuy bế tắc không tìm ra lối thoát ,nhưng vẫn đọng lại chất phản tĩnh suy tư.Thơ vẫn là thơ, nghìa là giàu tình cảm và tưởng tượng,nhưng tiềm ẩn bên trong là chất trí tuệ.Dù lìa đời sớm,nhưng nữ thi sĩ S. Plath cũng đã từng tâm niệm:”Tôi tin rằng một con người phải có thể khống chế và điều khiển kinh nghiệm của mình,cho dù đó là loại kinh nghiệm dằn vặt đáng sợ nhất là bệnh tâm thần.Hơn nữa một con người cần phải có thể có cái

đầu trí tuệ và hiểu biết để điều khiển loại kinh nghiệm đó”(1).Rồi trong thi phẩm Cây mùa đông,cô đã nói về mình:”Tôi như con nhện ,nhả tơ giăng ra như tấm gương để nhìn lại hình ảnh của mình”.Còn J.Berryman viết Mộng ca như ghi nhật ký cho một giấc mơ,trong đó chứa đựng sự thức tỉnh đầy trí tuệ về sự thống khổ cũng như những dục vọng tiềm ẩn của con người.Và Nghiên cứu nhân sinh của R.Lowell như một khúc giao hưởng hồi tưởng với bao suy tư dằn vật về quá trình suy sụp của văn minh phương Tây,của Hoa kỳ,của gia tộc Lowel cũng như của bản thân tác giả.v.v...Gần như đồng thời với các loại thơ “khai phóng”và “tự bạch”nói trên,phần nào ở Nam Mỹ nhưng chủ yếu ở Cộng hòa liên bang Đức lại xuất hiện loại “Thơ cụ thể” với các thi sĩ Helmut Helssenbuttel ,E.Gomkling.v.v... Chịu ảnh hưởng những quan niệm tách rời giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt của chủ nghĩa hậu cấu trúc, “Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”của Martin Heidegger,“Ýnghĩa là ở cách dùng’’ của Ludwig Wittgenstein,các nhà thơ này đã hình thành nên một thứ ý thức về bản chất và chức năng ngôn ngữ rất đặc biệt: ”Chân lý không phải từ hiện thực,mà từ ngôn ngữ...Ai nắm được ngôn ngữ,thì nắm được thế giới...Không tồn tại một đối tượng chưa qua ngôn ngữ,cũng không tồn tại một ý thức chưa qua ngôn ngữ.Ngôn ngữ mang tính chất có trước và sinh thành ra tồn tại...Chúng ta thông qua những phạm trù ngôn ngữ để thể nghiệm thế giới,mà ngôn ngữ lại giúp chúng ta hình thành bản thân kinh nghiệm...Từ ngữ sáng tạo ra/hình thành nên thế giới của chúng ta”(2)Cho nên,với tư cách là nghệ thuật của ngôn từ (ngôn ngữ trong vận động),theo họ,không phải là sự phản ảnh và biểu hiện thế giới vốn có từ hai mặt hiện thực và tâm trạng,mà chỉ là kiến tạo ra một thế giới thơ ca độc lập,thú vị ,nghĩa là một trò chơi ngôn từ .Một trong những kiểu chơi này là làm thơ họa hình hay còn gọi là thơ thị giác.Loại thơ này xóa bỏ hẵn cách gieo


(1)Từ chủ nghĩa hiện đại đến chủ nghĩa hậu hiện đại, Lưu Tượng Ngu .v.v...,Nxb Giáo dục Cao đẳng,Bắc kinh 2002,tr.310
(2)Từ chủ nghĩa hiện đại đến chủ nghĩa hậu hiện đại,Lưu Minh Cửu,Nxb KHoa học xã hội Trung quốc,Bắc kinh 1994,tr.451

vần,ngắt nhịp,phối thanh,chỉ cần sắp xếp lời thơ thế nào cho ra một hình ảnh là được.Thí dụ bài thơ Tranh Nhật bản thì sắp xếp lời thơ thế nào đó thành một hình tam giác tượng trưng cho núi Phù sĩ cùng hình ảnh đối xứng của nó qua mặt biển.Có khi vứt bỏ luôn ngữ pháp,chỉ còn từ ngữ trơ trọi,miễn là cũng làm sao cho ra được một hình ảnh.Thí dụ bài thơ Quả táo thì la liệt những chữ “quả táo”nhưng được sắp xếp thành hình quả táo!.v.v.

Cuối những năm 60 ở cả hai phía Đông Tây Hoa kỳ,New York và San Francisco,xuất hiện khuynh hướng rất gần gũi với “Thơ cụ thể” của Đức vì rất giàu tính chất thực nghiệm ,nên gọi là “Thơ thực nghiệm ngôn ngữ “,hay nói gọn laị là “Thơ ngôn ngữ”.Phần lớn tác giả đều dạy Đại học,nghĩa là thuộc loại hình thi nhân học giả:Ron Silliman,Barrett Walter,Susanne Howe,James Schuyler.v.v...Họ không hò hét như khuynh hướng “phóng chiếu”,nhưng cũng không âm thầm như khuynh hướng”tự bạch”.Ngoài sáng tác ra,họ có chú ý liên kết thi giới trong và ngoài Đại học, toan làm cuộc cách tân lặng lẽ trong thơ ca Hoa kỳ.Cũng từ những nguồn ảnh hưởng của M.Heidegger,L.Wittgenstein và của chủ nghĩa hậu cấu trúc ,họ cũng cho rằng chân lý không phải từ hiện thực mà từ ngôn ngữ,cho nên ra sức giải phóng ngôn ngữ khỏi mọi loại ngục tù,thử nghiệm sử dụng loại ngôn ngữ thuần khiết đề xây dựng một thế giới thơ ca độc lập.Xóa bỏ ranh giới giữa thi nhân và độc giả, giữa thơ ca và lý luận,giữa thơ ca và văn xuôi,họ còn xóa bỏ luôn cả ngữ pháp trên hành trình thí nghiệm”Thơ ngôn ngữ” của mình. Bất chấp mối quan hệ giữa thơ ca với hiện thực từ hai mặt tồn tại và ý thức, khuynh hương thơ này rốt cuộc cũng không tránh khỏi cho làm thơ chẳng qua là trò chơi ngôn ngữ.Không phải ngẫu nhiên mà họ tung ra những lối làm thơ kỳ lạ.Như cắt dán nhiều đoạn trong tác phẩm văn hoc,văn bản khoa học ,tiểu phẩm truyền hình, truyện tiếu lâm,nhào nặn lại thành thơ!Có khi cũng đưa ra một tiêu chí thống nhất, nhưng là thống nhất một cách càng kỳ quái ,như đem những câu đầu, hoặc câu cuối trong các sách khác nhau ghép lại thành một bài thơ!Vào những năm 70 khi loại “thơ cụ thể”của Đức tràn vào Hoa kỳ, thì như được tiếp sức,”Thơ ngôn ngữ “lại càng xuất hiện ra nhiều trò chơi phức tạp khác.

Nhưng theo thiển ý ,thì trò chơi ngôn ngữ trong các khuynh hướng “thơ cụ thể “và “thơ ngôn ngữ” nhiều lắm cũng chỉ làm vui tai thích mắt .Trái lại các loại thơ phóng chiếu ,khai phóng,tự bạch,dù thế nào vẫn có ý nghĩa nhân sinh day dứt , bức xúc và cởi mở ,không nên xem thường./
Nguồn: Trích Đề tài cấp Nhà nước


Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top