Tiểu sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hide Nguyễn

Du mục số
Tóm tắt tiểu sử-Đại tướng Võ Nguyên Giáp




1. Họ và tên: VÕ NGUYÊN GIÁP

2. Năm sinh: Ngày 25/8/1911.

3. Cấp bậc, chức vụ cao nhất: Đại tướng, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

4. Quê quán: Làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình

5. Trú quán: Phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

6. Thành phần: Nhà nho yêu nước.

7. Năm tham gia cách mạng: Năm 1925.

8. Năm nhập ngũ: Năm 1944.

9. Ngày vào Đảng – Chính thức: Năm 1940.

10. Năm phong quân hàm cấp tướng: Đại tướng năm 1948.

11. Quá trình tham gia cách mạng


Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925 khi mới 14 tuổi. Năm 1929, đồng chí tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đảng Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Không có chứng cớ, cuối cùng, chúng buộc tha đồng chí. Đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng trên mặt trận văn hoá, viết bài cho những tờ báo công khai như: Tin tức, Nhân dân, Tiếng nói của chúng ta, Lao động, làm biên tập viên cho các tờ báo của Đảng, dạy sử, địa cho Trường tư thục Thăng Long.

Năm 1934, đồng chí kết duyên với Bà Nguyễn Thị Minh Thái, một Đảng viên Cộng sản, cộng sự đắc lực của đồng chí. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, hai vợ chồng đồng chí sống ở số nhà 46 phố Nam Ngư, Hà Nội. Sau này, Bà Nguyễn Thị Minh Thái bị thực dân Pháp bắt, giết chết bà trong ngục nhà tù Hoả Lò. Từ năm 1936 đến 1939, đồng chí tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, biên tập viên các tờ báo của Đảng, Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội.

Năm 1939, đồng chí cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được sự dìu dắt của Người, năm 1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5 năm 1941, đồng chí trở về Cao Bằng, tham gia gây cơ sở cách mạng, lập ra Mặt trận Việt Minh, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Năm 1942, đồng chí phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, tại một khu rừng ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã uỷ nhiệm cho đồng chí đứng ra tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đồng chí được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy.

Tháng 3/1945, đồng chí đưa Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến xuống phía Nam, hội quân với đội Cứu quốc quân của đồng chí Chu Văn Tấn ở vùng chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam giải phóng quân.

Ngày 4/8/1945, đồng chí là Uỷ viên Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, làm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân, tham gia Uỷ ban Chỉ huy Lâm thời khu Giải phóng Việt Bắc.

Đồng chí được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II, cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Uỷ viên Thường vụ ban Chấp hành Trung ương, tham gia Uỷ Ban Khởi nghĩa toàn quốc, Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Lâm thời.

Tháng 1/1946, đồng chí được cử là Chủ tịch quân sự, Uỷ viên hội đồng trong Chính phủ Liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Pháp tại Hội nghị ở Đà Lạt. Năm 1946, đồng chí kết hôn với Bà Đặng Thị Bích Hà (Con gái cố Giáo sư Đặng Thai Mai).

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL, phong đồng chí làm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 27/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết: “Lập chế độ chính trị uỷ viên, đại diện chỉ huy kiêm Chính uỷ. Tháng 6/1950, có Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ Quốc phòng, đồng chí là Tổng tư lệnh, Tổng chính uỷ, Bí thư Quân uỷ Trung ương. Đồng chí đảm nhiệm các cương vị trên từ năm 1945 đến năm 1975.

Về Đảng, đồng chí liên tục được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá II (năm 1951), đến khoá VI (Ngày 20/12/ 1986), làm Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá từ khoá II đến khoá VI. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá I (năm 1946) đến khoá VI (Năm 1986). Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn: Biên Giới năm 1950, Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí cùng Bộ Chính Trị chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1980, đồng chí thôi giữ chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rút khỏi Bộ Chính trị năm 1982. Cuối năm 1983, đồng chí được cử làm Chủ tịch Uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Cuối năm 1993, đồng chí được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đồng chí là tác giả của nhiều tác phẩm và sách lý luận quân sự được xuất bản trong và ngoài nước. Từ năm 1948 đến nay, đồng chí có gần 70 đầu sách trong đó có sách văn học, có sách viết về đề tài khoa học kỹ thuật, kinh tế, có cuốn tái bản đến 5,6 lần. Ngoài ra còn có 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị.


12. Phần thưởng được Đảng, Nhà nước trao tặng:

- Huân chương Sao vàng.


- Hai Huân chương Hồ Chí Minh.

- Hai Huân chương Quân công hạng nhất.

- Huân chương Chiến thắng hạng nhất.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.

- Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.


Đồng chí được Nhà nước Lào tặng Huân chương vàng Quốc gia Lào, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng Co. Đồng chí được Đảng, Chính phủ các nước tặng nhiều Huân chương cao quý.







Tư liệu sưu tầm.
 
Quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng
admin_01.gif

admin_03.gif
admin_05.gif
"Hơn chục ngày đêm suy nghĩ để đưa ra chiến thuật cuối cùng, Đại tướng hầu như không ngủ. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng", Trung tướng Phạm Hồng Cư kể về quyết định có tính chất bước ngoặt của chiến dịch Điện Biên.

Hồi ức người quay phim Điện Biên

Trong căn phòng làm việc rộng chưa tới 6m2, Trung tướng Phạm Hồng Cư say sưa kể, vẽ sơ đồ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chốc chốc, vị tướng đã ngoài 80 phải ngừng lại lấy sức.

- Thực dân Pháp đã có sự chuẩn bị và tổ chức rất kỹ lưỡng với mục tiêu lôi kéo quân chủ lực của ta vào trận địa Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Tại sao nắm rõ ý đồ của địch mà quân ta vẫn quyết đánh, thưa trung tướng?




Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

- Việc xây dựng "tập đoàn cứ điểm" ở Điện Biên Phủ là hình thức cuối cùng của Pháp nhằm chống lại quân Việt Minh sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường. Có 2 lý do khiến quân ta quyết tâm đánh và tiêu diệt cứ điểm Điện Biên. Thứ nhất, với kế hoạch này, thực dân Pháp đặt ta vào thế buộc phải đánh. Nếu không, địch sẽ dần chiếm lại những địa bàn mà ta hi sinh bao nhiêu xương máu giành giật được trước đó. Thứ hai, toàn Đảng, toàn quân ta lúc đó xác định, muốn thắng lợi trong cuộc kháng chiến thì chỉ bằng cách tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm, tạo cán cân có lợi trên bàn đàm phán Geneva.

Tuy được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá bất khả xâm phạm nhưng việc Pháp xây dựng cứ điểm ở Tây Bắc lại chính là thời cơ cho ta. Với đặc điểm là một lòng chảo nằm biệt lập trên vùng núi cao Tây Bắc, nếu bao vây và cắt được đường tiếp tế hàng không, Điện Biên Phủ sẽ bị cô lập. Lúc đó, quân ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt cứ điểm này. Thực ra, nếu có một Điện Biên Phủ ở đồng bằng, tình thế sẽ khó khăn hơn cho quân ta nhiều. Sau khi nhận định rõ tình hình, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã hạ quyết tâm phải đánh.

- Suốt nhiều tháng trời chúng ta xây dựng phương án "đánh nhanh thắng nhanh". Vậy tại sao đến thời điểm quyết định, 50.000 quân đã dàn trận, đạn đã lên nòng chỉ chờ hiệu lệnh tấn công, ta lại chuyển sang "đánh chắc thắng chắc"?

- Ban đầu chúng ta vạch ra kế hoạch "đánh nhanh", nghĩa là lợi dụng lúc quân địch đứng chân chưa vững ập vào tấn công cả 4 mặt và có một mũi thọc sâu. Đây là gọi là "oa tâm chiến thuật", đánh thẳng vào trung tâm - sở chỉ huy của tướng De Castries. Vào thời điểm thay đổi phương án, kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Tuy nhiên, sau khi thị sát nắm rõ tình hình thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi. Lý do là đánh nhanh không chắc thắng. Chỉ trong thời gian ngắn, địch đã tăng cường không phải là lâm thời phòng ngự nữa mà đã trở thành tập đoàn cứ điểm kiên cố. Trong khi đó, trình độ thực tế của bộ đội Việt Nam lúc bấy giờ chưa thể áp dụng được cách đánh nhanh thắng nhanh.





Hàng chục khẩu pháo vượt đèo lôi suối sẵn sàng nhả đạn đã được rút trở ra sau khi phương án tấn công thay đổi. Ảnh tư liệu. Hơn nữa, lực lượng của ta xây dựng trong những năm kháng chiến, lúc đó bước vào năm thứ 8 mới có sáu đại đoàn, trừ Đại đoàn 320 ở đồng bằng và Đại đoàn 325 ở Trung bộ, còn lại bốn đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 tập trung hết ở Điện Biên Phủ và một Đại đoàn công pháo mới thành lập, lúc này ta được chi viện 24 khẩu pháo 105 và 24 khẩu cao xạ. Toàn bộ chủ lực xây dựng trong 8 năm kháng chiến đều dồn hết vào trận đánh này. Nếu trận này ta thua thì coi như hết vốn.

- Khi thay đổi cách đánh vào thời khắc cuối cùng đó, chắc hẳn áp lực sẽ là rất lớn đối với người ra quyết định?

- Đây là một quyết định dũng cảm và sáng suốt. Đại tướng gần như đã đi ngược lại quan điểm của cố vấn nước bạn và Đảng ủy lúc đó. Ông dám nghĩ, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm.

Theo tôi, đưa ra quyết định này trước hết bắt nguồn từ lời dặn, cũng là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường ra mặt trận, Bác dặn Đại tướng: "Trận này rất quan trọng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh". Các nhà sử học sau này bình luận, lời dặn của Bác rất có ý nghĩa bởi thời điểm lúc đó sắp họp hội nghị Geneva, nếu thắng trận này sẽ tác động lớn đến tình hình và hội nghị.

Tôi biết, hơn chục ngày đêm suy nghĩ để theo dõi tình hình trước quyết định, Đại tướng hầu như không ngủ được. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, làm cho đồng chí y sĩ phải buộc nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt. Về sau, Đại tướng có kể lại việc này trong cuốn "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" ở chương "Quyết định khó khăn". Và tôi biết, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của ông.

- Với thay đổi như vậy, các vấn đề khác như lương thực, vận chuyển vũ khí... được xử lý như thế nào?

- Đây là điểm thể hiện rõ nhất tính chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một cuộc chiến tranh nhân dân. Toàn bộ sức dân gần như đã được huy động vào thời điểm đó. Vùng tự do Thanh Hóa, Thái Bình... hay bà con ở Tây Bắc đã vét sạch gạo, ngô cho bộ đội, đến nỗi trong nhà không còn một hạt. Hàng vạn người dân đi dân công hỏa tuyến, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội ta...

Quả thực, nếu không có sức dân, chiến dịch không thể nào tiến hành chứ chưa nói đến việc giành thắng lợi.

Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng. - Theo ông, nếu lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thuyết phục được cố vấn, Đảng ủy và kế hoạch "đánh nhanh" vẫn được thực hiện thì liệu kết quả trận đó như thế nào?

- (cười) Nói một cách dễ hiểu, nếu vẫn theo phương án ban đầu, thế hệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như chúng tôi chắc không còn ai sống đến ngày hôm nay. Với hỏa lực mạnh và thế trận chủ động phòng ngự của địch, nếu cố đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chúng ta sẽ gánh lấy kết cục bi thảm. Điện Biên Phủ sẽ trở thành cái "cối xay thịt" thực sự với quân ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa biết lúc nào mới kết thúc.

Sau này, nhân dịp 10 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số tư lệnh đại đoàn mới dám bày tỏ với với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói rằng, nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ. Còn đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ bộc bạch: "Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ đánh nhanh, giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể phải kéo dài thêm 10 năm".

- Vậy theo ông, điểm mấu chốt làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?

- Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều yếu tố dẫn đến thắng lợi lịch sử này như sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế... Nhưng tất cả đều đồng ý với nhau ở một điểm, yếu tố quyết định chính là cách đánh, là phương án "đánh chắc thắng chắc" mà ta kịp thời áp dụng. Nói một cách chính xác thì điểm mấu chốt nằm ở quyết định thay đổi khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Là một trong không nhiều những nhân chứng còn lại của chiến dịch Điện Biên Phủ, điều gì khiến ông cảm nhận rõ nhất cho đến ngày hôm nay?
- Bất cứ người cựu chiến binh nào đến dịp kỷ niệm như thế này đều trào dâng niềm vui, phấn khởi và cả nỗi nhớ. Như tôi, những ngày này, tôi nhớ người anh trai hi sinh ngay trước khi ta bắt sống tướng De Castries chỉ vài giờ, nhớ những gương mặt đồng đội đã không còn... Một niềm vui chiến thắng đi liền với nỗi đau mất mát. Chiến tranh là thế...

Sinh năm 1926, lúc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trung tướng Phạm Hồng Cư là Phó chính ủy Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308, trấn giữ cánh đồng phía tây Điện Biên. Ông cũng vinh dự được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 với tư cách Cục trưởng Cục Văn hoá, Phái viên Tổng cục Chính trị.


Tư liệu sưu tầm.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top