Xuất siêu sang những thị trường khó tính
Các chuyên gia cho rằng, do có sự khác biệt giữa trình độ phát triển cũng như quá trình phân công sản xuất quốc tế, nên Việt Nam thường sản xuất những loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển, chủ yếu là khu vực EU, Đông Âu, Bắc Mỹ hoặc Nhật Bản. Những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng gia công và chế biến gồm: dầu thô, dệt may, thủy sản, da giày, đồ gỗ… vốn có nhu cầu tiêu thụ cao và khá ổn định trong thời gian qua. Năm 2013, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ 18,7 tỷ USD giá trị hàng hóa và mức xuất siêu trong 2 tháng đầu năm nay đạt gần 3 tỷ USD. Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với thị trường EU; đơn cử mức xuất siêu của Việt Nam sang Pháp trong năm 2013 đã đạt hơn 2 tỷ euro. Ngoài ra, việc tăng cường thâm nhập vào một số thị trường nhỏ, rải rác thuộc khu vực Nam Mỹ, châu Phi và Trung Đông cũng giúp Việt Nam thu được kết quả khả quan trong việc xuất khẩu hàng hóa, từ đó thực hiện mục tiêu quảng bá, tôn vinh hàng Việt, đồng thời tạo sự lan tỏa thương hiệu qua thời gian.
Rõ ràng, việc xuất siêu sang các thị trường có sức mua cao, lại khó tính như trên là một thành công nổi bật của Việt Nam trong những năm qua, thể hiện sự chuyển dịch và năng lực sản xuất của nền kinh tế. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, do trào lưu tiêu dùng của thế giới không thay đổi. Đây là thực tế đáng mừng để DN Việt gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất phục vụ xuất khẩu, tìm kiếm ngoại tệ kết hợp với việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện công cuộc CNH-HĐH nền kinh tế. Mặt khác, thông qua hoạt động giao thương, DN của ta cũng có cơ hội tiếp xúc, chọn lọc những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong nước, nhất là đối với dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hiện đại để từ đó triển khai việc hợp tác sản xuất, hoặc nhập khẩu về phục vụ nhu cầu trong nước.
Giảm nhập siêu từ Trung Quốc
Biểu đồ xuất, nhập khẩu của Việt Nam cho thấy, DN Việt ngày càng gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc và đó là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nhập siêu theo hướng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, với các chủng loại hàng hóa máy móc, thiết bị; nguyên, phụ liệu vật tư phục vụ sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng…, những năm gần đây, trung bình Việt Nam nhập siêu hơn 15 tỷ USD giá trị hàng hóa trong quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, 2 tháng đầu năm nay mức nhập siêu là 4 tỷ USD.
Nguyên nhân của thực tế trên là do hàng Trung Quốc có sức hút rất mạnh về giá cả, hơn nữa, mẫu mã lại phong phú, đa dạng và khá bắt mắt nên dễ dàng hấp dẫn các đối tượng tiêu thụ. Đặc biệt, do nhu cầu rất lớn về trang thiết bị, máy móc để hoàn thiện hàng loạt dự án, nhà máy đang triển khai trên phạm vi cả nước, khiến cho DN Việt sẵn sàng chấp nhận nhập khẩu hàng hóa của bất cứ quốc gia nào, miễn là đáp ứng đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, do vị trí địa lý cạnh nhau nên điều kiện vận tải hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam khá thuận lợi bằng nhiều phương thức như thông qua đường bộ, đường sắt, đường biển hoặc hàng không, cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải. Rõ ràng giá rẻ, sự đa dạng về mẫu mã, lợi thế về sự dễ dàng trong vận chuyển là những thế mạnh nổi bật của hàng hóa Trung Quốc, khiến các DN Việt Nam không thể không tận dụng.
Tuy nhiên, việc nhập siêu quá lớn từ một thị trường luôn ẩn chứa một số bất lợi không thể chủ quan. Trước hết, việc thường xuyên nhập khẩu như vậy sẽ tạo “thói quen” phụ thuộc về đầu vào đối với bên sử dụng, dẫn đến rủi ro khi có tình huống gián đoạn bất ngờ xảy ra. Cạnh đó, chất lượng hàng Trung Quốc hiện mới đạt mức trung bình của thế giới, sẽ khiến DN sử dụng hàng hóa nhập khẩu tốn thời gian, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt, một khi ở vào vị trí của bên nhập siêu sẽ đồng nghĩa với việc DN Việt thường xuyên là bên cung cấp nguồn ngoại tệ cho đối tác, trong khi đời sống KT-XH trong nước vẫn đặt ra yêu cầu tiết kiệm để cân đối ngoại tệ, đáp ứng cho nhiều nhu cầu khác. Lớn hơn cả, việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu sẽ là nguyên nhân làm mất cơ hội củng cố vị trí, làm chủ thị trường “sân nhà” của chính DN nội, từ đó làm mất cơ hội tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động và quan trọng hơn là an sinh xã hội.
Theo các chuyên gia, cần đặt diễn biến nói trên trong bối cảnh chung của thế giới, sau khi Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tức là, trong khi việc mở cửa thị trường và tuân thủ cam kết quốc tế sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa các nước tự do thâm nhập thị trường của nhau, thì với sức cạnh tranh còn hạn chế, DN Việt chưa thể đủ sức “thi đấu” với đối thủ quốc tế trong một sớm, một chiều.
Vì vậy, cần từng bước tái cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu trên cơ sở phối hợp giữa điều hành vĩ mô và DN. Trong đó, Chính phủ tạo điều kiện cho DN huy động vốn thay đổi công nghệ; triển khai hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu, nhất là vào thị trường Trung Quốc nhằm giảm mức nhập siêu. Về phần mình, mỗi DN cần chủ động gia tăng hàm lượng chế biến trong sản phẩm, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.