Toàn cầu hóa là nỗ lực thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cùng tham gia vào một thị trường chung. Hàng hóa, vật tư, vốn liếng và công nghệ sản xuất cũng như chuyên viên lưu hành tự do xuyên biên giới quốc gia. Luật lệ của giao dịch được các bên tham gia điều đình và thỏa thuận.
Các khối kinh tế như thị trường chung Âu châu, Khối Asean, Khối Afta, Khối Nafta, Khối kinh tế Thượng hải, và nhất là WTO là những công cụ trong nỗ lực chung này.
Khi nền kinh tế VN tham dự hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới, nó tạo cho VN cơ may có thị trường khắp toàn cầu, có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và học hỏi công nghệ, nhưng ngược lại VN lại phải cạnh tranh với nhiều đối thủ kinh doanh hơn.
Biết người, biết ta, biết cái vị trí nào tốt nhất để kinh doanh trước mắt nhưng chuẩn bị cho và phát triển để có tăng trưởng lâu dài mới là thượng sách. Trong đó không thuần làm thị trường cung cấp công nhân về cơ bắp với giá rẻ, một lợi thế VN hiện giờ đang có, mà phải tăng cường từng bước tính cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh khi ưu thế công nhân rẻ mất đi. Điều này là công cuộc công nghệ hóa nền kinh tê đặc biệt là công nghệ phụ trợ (Ta chưa có khả năng chế tạo xe hơi thì chuyên làm sao làm phụ tùng tốt). Bảy mươi phần trăm dân làm nông thì làm sao công nghệ bao bì chế biến phải có để cọng thêm giá trị. Nền giáo dục phải bỏ lối học từ chương, chuộng làm thày nói mà không biết làm thành những chuyên viên biết nghiên cứu biết đóng góp thực chất cho công nghệ thực dụng.
Và chót cùng đội ngũ lèo lái nền kinh tế nên được tu nghiệp thường xuyên tại chỗ với các chuyên viên nước ngoài, kiểu có coach trong bóng đá. Không có thày bộ phận này làm tai hại cho quốc gia nhiều nhất vì hệ thống thượng tầng quốc gia thiếu hệ thống qui trách nhiệm, trừng phạt công minh. VN cần cơ cấu chính trị chở được, thích nghi được đổi thay kinh tế và xã hội trong hơn 10 năm qua và trong tương lai. Hệ thống hiện tại bộc lộ khá nhiều bất cập có tính hệ thống. Đó là những thách thức đặt lên vai các lãnh đạo chính trị trong kỳ Đại hội Đảng sắp tới.