Tiêu hoàng hậu: Mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa là ai?

uocmo_kchodoi

Moderator
TIÊU HOÀNG HẬU
Mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa hay nỗi oan thấu trời xanh

Nhắc đến những mỹ nhân nổi tiếng Trung Quốc đầu tiên người ta thường nghĩ ngay tới tứ đại mỹ nhân là Tây Thy, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Nhưng có một người, là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc khiến trái tim của 6 bậc quân vương say đắm.

Sở hữu dung nhan tuyệt sắc và sinh vào ngày, giờ đặc biệt nên ngay từ nhỏ, nàng công chúa Tây Lương này đã khiến thầy tướng số thốt lên tám chữ "mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa". Sau này, cuộc đời của vị Tiêu mỹ nhân này ứng nghiệm đúng theo tám chữ của thầy tướng số

1. Xuất thân và lý do Tiêu Thị được chọn kết thông gia với nhà tùy

Theo “Tùy Thư” quyển thứ 36, Tiêu Hoàng hậu sinh vào tháng 2 năm 566, là con gái của Hiếu Minh Đế Tiêu Khuy nhà Tây Lương. Mặc dù sinh ra trong hoàng tộc song thời bấy giờ, người vùng Giang Nam cho rằng, con gái sinh vào tháng 2 sẽ mang theo điềm dữ.

Do vậy, sau khi Tiêu Hoàng hậu chào đời, Minh Đế đã gửi cô con gái của mình cho một người em nuôi dưỡng ở bên ngoài cung. Không lâu sau đó, Tiêu Hoàng hậu lại được chuyển tới sống nhờ nhà người cậu ruột là Trương Hà Phủ. Tại đây, Tiêu Hoàng hậu phải làm việc để kiếm sống như tất cả những cô gái thường dân khác.

Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm Khai Hoàng thứ nhất, tức năm 581, khi Dương Quảng được Tùy Văn Đế phong làm Tấn Vương và bắt đầu tính tới chuyện tìm cho con trai một vương phi thật ưng ý. Lúc bấy giờ, các nước có thể trở thành thông gia với nhà Tùy bao gồm: Bắc Ngụy, Nam Tề, Nam Trần và Tây Lương.

Sau khi cân nhắc, cuối cùng, nhà họ Tiêu ở Tây Lương được chọn. Đối với một nước đang đứng bên bờ vực diệt vong như Tây Lương, việc nhận được đề nghị kết thành thông gia với nhà Tùy là một cơ hội lớn để hồi sinh đất nước. Do vậy, khi thông tin được truyền tới, vương tộc Tây Lương ra lệnh lập một danh sách gồm toàn của các công chúa trong vương tộc bao gồm cả lá số tử vi để đưa cho sứ giả của Tây Lương lựa chọn.

Khi đó, Tiêu Hoàng hậu được cho là đứa con mang lại điềm dữ, hơn nữa, từ nhỏ đã được đưa ra khỏi cung sống nhờ nhà cậu, do vậy không được đưa vào danh sách lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi rà đi soát lại nhiều lần, những công chúa trong vương tộc Tây Lương không ai có lá số phù hợp với Dương Quảng.

Việc kết thân với nhà Tùy có thể bị đổ bể nếu như Tây Lương không tìm ra được một công chúa phù hợp. Trong lúc đang bí thế chưa biết phải làm thế nào thì Minh Đế nhớ đến cô công chúa xấu mệnh sống ở bên ngoài cung.

Chẳng ai ngờ lá số của cô công chúa này lại rất “đẹp đôi” với Dương Quảng. Chính vì thế, trong năm ấy, cô công chúa họ Tiêu kết thúc chuỗi ngày sống phiêu dạt bên ngoài cung, trở thành Tấn Vương phi của nhà Tùy. Năm đó cô 13 tuổi.

2. Cuộc đời thay đổi

Cuộc hôn nhân này về sau cũng rất hạnh phúc; Tiêu thị yêu thương trượng phu của mình với tình cảm chân thành, thuần khiết và trong sáng nhất. Về phần Dương Quảng, do đã nghe trước về lời tiên đoán "Mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa", lại thêm Tiêu thị sắc nước hương trời nên cũng vô cùng sủng ái người vợ trẻ tuổi.

Sau này, Dương Quảng lập mưu giết anh trai, ám hại cha và chính thức bước lên ngai vàng, trở thành Tùy Dạng Đế. Tiêu thị cũng nhờ đó mà được sắc phong làm Hoàng hậu, trở thành bậc "mẫu nghi thiên hạ".

Sau khi lên ngôi, Tùy Dạng Đế nhanh chóng sa đà vào thói ăn chơi trụy lạc khiến cho thiên hạ đại loạn. Đến năm 50 tuổi, Tùy Dạng Đế bị chính đại thần trong triều - Vũ Văn Hóa Cập giết chết, kết thúc triều đại nhà Tùy. Sau đó, chính Vũ Văn Hóa Cập dùng tính mạng của con trai Tiêu thị làm chiêu bài, ép bà trở thành thiếp của hắn.

Không lâu sau, Vũ Văn Hóa Cập bị thế lực cát cứ của Đậu Kiến Đức lật đổ; và Tiêu thị lúc này lại trở thành sủng thiếp cho Đậu Kiến Đức. Khác với Vũ Văn Hóa Cập, Đậu Kiến Đức tỏ ra rất tôn trọng Tiêu thị, thậm chí còn cử hành lễ tang cho người chồng trước của nàng là Dương Quảng.

Vào lúc này, thế lực của người Đột Quyết ngày càng mạnh mẽ; trước tình hình đó, Nghĩa Thành công chúa - em dâu của Tiêu Thị đang có hôn ước với Khả Hãn Đột Quyết đã yêu cầu Đậu Kiến Đức gửi Tiêu thị đến chỗ mình. Do thực lực không đủ để đấu lại, Đậu Kiến Đức đành ngậm ngùi giao nộp mỹ nhân.

Đến Đột Quyết, nhờ vào nhan sắc khuynh thành, Tiêu thị khiến hai đời Khả hãn là Xử La và Hiệt Lợi đều sủng ái; nhờ đó bà được sống những ngày tháng đầy đủ, no ấm nơi đất khách quê người.

Mãi cho đến khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân đánh bại người Đột Quyết thì Tiêu thị mới được trở về quê hương. Lúc này, tuy đã 48 tuổi và đang mang thai, Tiêu thị vẫn khiến cho Lý Thế Dân say mê. Nghiễm nhiên, bà nhập cung nhà Đường và trở thành Chiêu Dung dù hơn nhà vua đến 18 tuổi.

Nhờ vào sự khéo léo mà Tiêu Chiêu Dung rất được Lý Thế Dân yêu thương, chiều chuộng. Lịch sử kể lại rằng, trong một yến tiệc ở Hoàng cung, khi được nhà vua hỏi yến tiệc đêm nay so với yến tiệc năm xưa ở nhà Tùy thì như thế nào, bà đã trả lời rằng: "Bệ hạ là Hoàng đế khai quốc, sao lại đem mình đi so sánh với một vị vua làm mất nước?". Câu trả lời đó khiến Đường Thái Tông rất mực hài lòng và càng sủng ái bà hơn trước.

Vào năm 648, Tiêu thị qua đời sau 18 năm sống trong hậu cung nhà Đường, hưởng thọ 67 tuổi.

Như vậy, lời dự đoán "mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa" đã ứng chính xác tới từng bước đi trên đường đời của Tiêu thị từ năm 13 tuổi làm vợ của Dương Quảng, trở thành Hoàng hậu nhà Tùy, sủng thiếp của Vũ Văn Hóa Cập và Đậu Kiến Đức, Vương phi của hai đời Khả Hãn Đột Quyết và cuối cùng là Chiêu dung của Đường Thái Tông.

3. Nỗi oan của nàng Tiêu Thị

Tuy nhiên, Tiêu thị sau này lại bị người đời cho là một người phụ nữ dâm loạn với tiếng xấu ăn nằm, hầu hạ tới 5 vị hoàng đế của 5 vương triều khác nhau.

Tuy nhiên, các nhà sử học gần đây cho rằng, trong suốt nhiều trăm năm qua, người ta đã đổ oan cho Tiêu Hoàng hậu. Sử sách chép rằng, sau khi Vũ Văn Hóa Cập giết chết Tùy Dạng Đế, Tiêu Hoàng hậu trách mắng Hóa Cập, đòi Hóa Cập phải mai táng cho Dạng Đế theo nghi lễ của một đế vương.

Sau đó, Tiêu Hoàng hậu bị Vũ Văn Hóa Cập bắt ép theo quân đội của y để làm con tin chứ hoàn toàn không có chuyện lập Tiêu Hoàng hậu làm Thục phi như trong nhiều câu chuyện dã sử. Đến khi Đậu Kiến Đức đánh bại quân của Vũ Văn Hóa Cập tại Liễu Thành, đã mặc tang phục để khóc Tùy Dạng Đế rồi vào bái kiến Tiêu Hoàng hậu, xưng là thần.

Tiếp đó, Đậu Kiến Đức phát tang Tùy Dạng Đế, úy lạo các quan văn võ của nhà Tùy bị buộc phải theo Vũ Văn Hóa Cập. Nói như vậy, nghĩa là Đậu Kiến Đức tuy sau này có xưng vương nhưng đối với Tiêu Hoàng hậu và Tùy Dạng Đế thì vẫn coi như chủ nhân. Do vậy, việc Đậu Kiến Đức nạp Tiêu Hoàng hậu làm thiếp là khó có khả năng xảy ra.

Năm 619, Công chúa Nghĩa Thành của nhà Tùy được gả cho vua nước Đột Quyết. Tại đây, Công chúa Nghĩa Thành nghe tin một số tông thất nhà Tùy vẫn còn đang ở chỗ của Đậu Kiến Đức. Vua Đột Quyết theo lời của Nghĩa Thành Công chúa phái người tới chỗ Đậu Kiến Đức đón Tiêu Hoàng hậu và một số tông thất khác tới Đột Quyết. Đó là chuyện xảy ra vào năm 621 và điều này một lần nữa cho thấy, Đậu Kiến Đức không hề nạp Tiêu Hoàng hậu làm thiếp.

Trong suốt 10 năm sau đó, nhờ có Nghĩa Thành Công chúa, Tiêu Hoàng hậu được đối xử rất tốt ở Đột Quyết. Cho tới năm Trinh Quán thứ 4 đời nhà Đường, tức năm 630, quân Đường đánh bại quân Đột Quyết. Đường Thái Tông Lý Thế Uyên cung kính đón Tiêu Hoàng hậu về kinh đô Trường An, đối đãi rất trọng hậu. Lúc bấy giờ, Đường Thái Tông mới chỉ ngoài 30 tuổi, còn Tiêu Hoàng hậu thì lúc đó ít nhất cũng ngoài 60 tuổi. Vì vậy, nói rằng, Đường Thái Tông vì háo sắc mà chiếm đoạt Tiêu Hoàng hậu thì thật vô lý.

Vậy vì sao Tiêu Hoàng hậu lại bị người đời sau vu cho tiếng xấu là “dâm loạn”, là “một hoàng hậu ngủ với 5 hoàng đế”? Thực tế, trong suốt quãng thời gian hơn 10 năm bà lưu lạc, sử sách không có bất cứ ghi chép nào về hoạt động của Tiêu Hoàng hậu. Chính quãng thời gian mập mờ này là mảnh đất trống màu mỡ cho những câu chuyện tưởng tượng phong phú nhất.

Thêm vào đó, vào thời nhà Minh và nhà Thanh, hình ảnh của Tùy Dạng Đế dần được “ác ma hóa”. Người ta coi Tùy Dạng Đế như một bạo chúa tàn bạo không kém gì Vua Kiệt, Trụ thời xưa. Và để giải thích cho sự tàn bạo này của các vị hoàng đế, theo cách truyền thống, người Trung Quốc đã lấy một người phụ nữ ra để “chịu trận”. Và người phụ nữ được chọn không ai khác thích hợp hơn chính là Tiêu Hoàng hậu - người phụ nữ đã gắn liền cuộc đời mình với Tùy Dạng Đế.

Như vậy, trải qua bao đắng cay, gian truân nhưng cuộc đời Tiêu thị không giống với tứ đại mỹ nhân Tây Thy, Dương Quý Phi, Vương Chiêu Quân và Điều Thuyền. Tiêu thị có thể nói là may mắn hơn khi được hưởng vinh hoa phú quý, sống trong sự yêu chiều của các vị quân vương cho tới khi ra đi, cũng không bị đem ra làm quân cờ chính trị.

Nguồn: Sưu tầm, tổng hợp​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top