Tiếp xúc với tác phẩm

Hide Nguyễn

Du mục số
Tiếp xúc với tác phẩm



111128tbvan1234.jpeg


Thái Bá Vân qua nét vẽ của họa sĩ Quang Tỉnh - Ảnh: internet

THÁI BÁ VÂN

ĐỜI SỐNG VẬT THỂ VÀ ĐỜI SỐNG HÌNH TƯỢNG

Vô tình tôi có một tác phẩm: Em Thúy của Trần Văn Cẩn chẳng hạn. Tác phẩm đó là một, không thay đổi. Tuy nhiên tôi nói rằng nó có hai đời sống, hai tồn tại. Một, là sự tồn tại vật thể, như một đời sống đồ vật. Mặt khác, lại là sự tồn tại tinh thần, như một hình tượng nghệ thuật, của giá trị thẩm mĩ.

Nếu tỷ dụ của tôi không quá khập khiễng, thì tôi coi nó giống như con người, có đời sống thể xác và đời sống tâm hồn. Đành rằng không bao giờ tôi có thể tách thể xác và tâm hồn một con người thành hai phần rời rạc. Nhưng nó vẫn là hai.

Và đời sống phong phú, nhân bản và trường tồn của con người cũng như của nghệ thuật, là hướng về giá trị tinh thần, Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh sống mãi, rung động từng trái tim, chắc chắn là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh như một giá trị tinh thần.

Bà Môna Liza vật thể là của nước Pháp ; bảo tàng Louvre canh giữ, nhưng bà Môna Liza hình tượng thì là tài sản của mỗi tâm hồn chúng ta.

Mục đích bao la của tác phẩm nghệ thuật cũng thế. Xưa nay vẫn là ở chỗ vượt lên trên đời sống cơ bắp có thật của mình, để đạt tới cái đẹp của hình tượng, như một giá trị tinh thần, nhiều khi còn mơ màng, xa xôi cũng được.

Trở lại bức tranh Em Thúy. Chừng nào tôi chỉ bận tâm đo đếm, rằng đó là một tấm vải, khổ 40 X 60, rằng nó được vẽ màu dầu, kiểu hội họa bác học châu Âu, rằng nó có khung bằng gỗ, v.v... thì chừng đó Em Thúy vẫn còn là đồ vật. Nhích lên, dù cho tôi thấy rằng Em Thúy rất giống thật, rằng hai tay em chắp lại trên đùi, mắt mở to, rồi tôi còn nhớ cả vài chỗ đã nứt trên mặt sơn, vài vệt sơn đã bong v.v... thì cũng vậy. Em Thúy mà tôi có thể sờ mó, gửi đi bằng bưu điện hay chở bằng xích lô đó, mới chỉ là em Thúy nguyên vật liệu.


Emthuy-4c310.jpg


"Em Thúy" của Hs Trần Văn Cẩn - Ảnh: internet


Là một tác phẩm nghệ thuật, Em Thúy còn, và buộc phải còn, một đời sống khác, bản chất hơn. Đó là Em Thúy hình tượng.

Hiện tượng phân hóa này không xảy ra trên bức tranh. Bức tranh vẫn là một. Hiện tượng này xảy ra trong ý thức tôi, ở cái khả năng trừu tượng hóa của đầu óc con người.

Tôi muốn nói rằng Em Thúy hình tượng là Em Thúy phi vật thể. Và chính đây mới là Em Thúy tác phẩm, em Thúy nội dung.

Nội dung của một tác phẩm không phải là ở cái kết cấu vật thể của nó, mà chính là ở cái hình tượng nghệ thuật mà nó chuyên chở.


2- GIÁ TRỊ CHỦ QUAN CỦA TÁC PHẨM.


Tôi không biết em Thúy thật là ai cả. Tôi chưa bao giờ gặp người đó. Tôi không hề thấy mặt mũi em ra sao, tính tình em thế nào, để kết luận như thường tình rằng bức tranh giống hay không giống, hiện thực hay không hiện thực. Và tôi tự hỏi, cái tiêu chuẩn "phản ánh đúng hiện thực", cái tầm quan trọng của đề tài và khách thể, đối với mỹ thuật, tôi nên hiểu như thế nào? Có nhất thiết tôi phải biết em Thúy là ai, như thế nào, nghĩa là nhất thiết tôi phải hiểu thấu đề tài và khách thể là cái gì, rồi tôi mới hiểu được bức tranh không? Tôi xin thưa rằng không.

Tôi không biết em Thúy là ai cả. Tôi chỉ biết có tác giả Trần Văn Cẩn. Dù đứng trước tranh, tôi cũng không thấy một em Thúy nào cả, cho rằng em được vẽ giống như ảnh chụp, ngon lành, hay kỳ quái thế nào đi nữa, mà tôi chỉ thấy có họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Rồi tôi sẵn sàng đổi chủ đề và tên gọi bức tranh, là "Tuổi thơ", hay "Học sinh tiên tiến" v.v... thì tưởng rằng giá trị thẩm mỹ, hay ý nghĩa nội dung cũng không hề thay đổi, vì bản chất hiện thực vẫn vậy, vẫn là một.

Dần lên, tôi hiểu rằng, bản chất hiện thực ở một tác phẩm không hề là cái kết cấu vật thể của đề tài, hình thù, màu sắc nằm trên mặt tranh, như thế này hay như thế khác, gọi là tên này hay tên khác, mà chính là cái hiện thực hình tượng.

Hiện thực hình tượng ở Em Thúy là cái thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn, là con mắt nhìn đời của Trần Văn Cẩn vào những năm 40 thế kỷ này. Sự ứng xử thẩm mỹ của ông là hiện thực, ở chỗ đã nói lên nỗi niềm riêng của ông trước cuộc văn minh âu hóa nước nhà, phần nhập cuộc, và phần do dự của ông, một người làm chứng, trước thế sự. Ít ra là vậy.


3- NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM ĐƯỢC NGƯỜI XEM MỞ RỘNG

Đời sống vật thể của một tác phẩm dĩ nhiên phải đẹp, nhưng không thay đổi - bao giờ cũng là một. Em Thúy vật thể vẫn vậy 45 năm nay. Sự đo đếm của mọi thời, mọi người đối với bức tranh vật thể thì ai cũng giống ai. Trong khi đó, đời sống tinh thần, thẩm mỹ của hình tượng lại không bao giờ đứng yên. Nó di chuyển, sinh động, phong phú ở từng thời, từng buổi, từng nơi chốn, trước từng con người, tùy thuộc vào tư chất và trình độ. Đời sống của Em Thúy hình tượng, Em Thúy nội dung sẵn sàng gặp những thăng trầm về giá trị, và được dẫn dắt về những miền rung động khác nhau, trước từng khán giả.

Vậy cái mà Trần Văn Cẩn đặt vào tranh, không phải là cố định.

Hiểu rằng hiện thực, nội dung của tác phẩm chính là ở cái kết cấu vật thể hữu hạn (của đề tài, màu và hình) mà người họa sĩ đặt lên tấm vải thì chưa đủ. Hiện thực và nội dung của tác phẩm còn sinh nở vô hạn trong đầu óc và con mắt người xem nữa. Tất cả chúng ta đây, đều mỗi người một khía cạnh, một cấp độ khác nhau, đóng góp thêm vào hiện thực và nội dung trên từng Hà Nội phố của Bùi Xuân Phái. Một tác phẩm hàm xúc bao giờ cũng dành cho trí tưởng tượng của người xem một cánh cửa tự do hé mở, chờ đợi ở người xem sự bù đắp chủ quan.

Tôi có cảm tưởng rằng một bức tranh, khi không có người xem giống như chiếc bật lửa có đủ ga và đá mà nằm nguội lạnh trên bàn. Phải có một ngón tay bật vào bánh xe thì ngọn lửa mới bùng cháy lên. Cái giây phút một ngón tay bật vào bánh xe để ngọn lửa bùng lên, là giống như giây phút một cái nhìn chạm vào bức tranh, để hình tượng nghệ thuật trên đó được thức tỉnh, sống lại, và sống thêm một mặt đời mới.


4- SỰ TƯƠNG ĐỒNG NỘI TÂM CỦA TÁC PHẨM.

Bức tranh chỉ có, khi có người xem.

Giả sử cả đời Em Thúy được cất giấu vào kho, hay treo trong căn buồng mù tối, không ai qua lại, thì dù được vẽ bởi ai, cách lối gì đi nữa cũng là đồ vật chết, không có hình tượng, không có nội dung, không có đời sống.

Đã vậy không phải bất cứ con mắt nào đi qua tấm vải vẽ đóng khung kia cũng thấy Em Thúy cả. Điêu khắc đình làng kia vẫn có đấy, khắp làng quê từ thế kỷ 17, thế mà các học giả thực dân sục sạo của Viện Phương Đông của nước Pháp, đóng ở thuộc địa từ năm 1902, không hề nhìn ra. Và cả chúng ta nữa, sự thật là chỉ mới vài chục năm nay từ khi đồng cảm được với nó, thưởng thức nó, thì chúng ta mới biết rằng có nó, hay nói rằng mới thấy nó, thì cũng là một nghĩa.

Lại không phải bất cứ lúc nào, và trước bất cứ tác phẩm nào, ta cũng rung động, hoan hỷ hay bùi ngùi được. Lại không phải bao giờ chúng ta cũng hiểu hết một tác phẩm. Ta chỉ gia nhập được vào tác phẩm, thấm nhuần được ý nghĩa và nội dung của nó, ở một mức nào đấy, khi ta có sự tương đồng nội tâm (1) với nó. Tương đồng nội tâm là cái mạch điện ngầm, chạy suốt, một cách hồn nhiên, từ tác phẩm đến người xem. Nó cũng là cái chứng minh thư chính xác và cao quý mà công chúng sẵn sàng cấp cho người nghệ sĩ chân chính gắn mình với vinh, nhục và số phận của con người và nghệ thuật.

Đây cũng là sự phân hóa biện chứng và tự nhiên của mọi xã hội và đồng bào, vượt ra ngoài giới hạn của đẳng cấp: nghề nghiệp, tuổi tác và trình độ văn hóa.


5 - ĐỂ PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU TÁC PHẨM.

Hơn là một người xem bình thường, nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật phải có sự tương đồng nội tâm nhạy bén và toàn điện nhất. Không phải ở mức dị ứng thẩm mỹ đúng hướng mà đủ, mà là ở toàn bộ nhân cách văn hoá của anh.

Chính cái nhân cách văn hóa buộc anh phải có nghề nghiệp đứng đắn, và nghề đứng đắn sẽ giúp anh vượt khỏi những luật lệ rét cóng trong sách vở, thuần dưỡng được những kinh nghiệm vay mượn của người khác, không tìm cơ hội để đi vào, những đòi hỏi hành chính hoặc đòi hỏi giai thoại đối với tác phẩm. Chính là do nghề nghiệp tử tế mà anh tránh được lối mổ xẻ tưởng như khoa học, một cách thô thiển: tháo rời từng chi tiết để tiêu tan hết mĩ cảm của tác phẩm.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, là để anh phân biệt được đồ thật và đồ giả, cái mà anh dễ bị trượt ngay ở lớp vỏ vật thể, hào nhoáng hay khúc khuỷu của tác phẩm, trước khi kịp bước vào ngưỡng cửa hình tượng của nó.

Chỉ bận tâm và dừng ở việc miêu tả và phân biệt kết cấu vật thể của tác phẩm thì chưa đủ, vì ý nghĩa và nội dung của nó không nằm ở đây. Đó cũng là tình trạng phê bình nghiên cứu trước đại chiến thứ 2 ở Châu Âu và Mỹ.

Bây giờ chỉ đọc quanh quẩn lẫn nhau thì không đủ khả năng để làm việc. Có lẽ các nhà nghiên cứu phê bình chúng tôi phải làm quen thực sự, và kỹ lưỡng hơn, với một số tác giả và công trình chuyên ngành trên thế giới mấy chục năm gần đây, cũng giống như các bạn nghệ sĩ đã từ lâu thông thạo tác phẩm của Picasso, hay Léger, Chagall chẳng hạn.

Một ví dụ, hiện nay đi tìm ý nghĩa tự thân hay nội dung của tác phẩm là mục đích của tác phẩm của khoa lịch sử và phê bình, và người ta đang tập họp chung quanh một học thuyết đã hai lần cho là đề tài của Hội nghị quốc tế các nhà lịch sử và phê bình mỹ thuật, một lần vào năm 1964 ở Bon, kỳ họp thứ 21, và một lần nữa, vào 1965 ở Budapest, kỳ họp thứ 22. Đó là học thuyết "Hình tượng học" - Iconologie.

Khi tiếp xúc với tác phẩm, riêng tôi, tôi vẫn đinh ninh rằng, công việc của mình không phải là để nối liền một sự vật trên tác phẩm vào một cái tên gọi - (là "cảnh chèo thuyền" "con rồng", hay "anh thương binh", "cái nhà" v.v…), mà là để nối liền một quan niệm thẩm mỹ vào một hình tượng nghệ thuật.


Hà Nội, ngày 23-1-1986
T.B.V.
(19/6-86)



--------------
1. Trong một bài viết về triển lãm toàn quốc 1980, đăng trên tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, tôi gọi là "sự đồng cảm thẩm mỹ".

Theo: Tạp chí Sông Hương
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top