Thượng đế là ai???

  • Thread starter Thread starter lecong
  • Ngày gửi Ngày gửi

lecong

New member
Xu
0
Thượng Đế, ngài có không? Ngài là ai?

Đó hiển nhiên là câu hỏi khởi nguồn của mọi tín điều.

Ngài có phải là một Thiên đường bánh vẽ được dựng lên để cám dỗ những tâm hồn nhẹ dạ và lười nhác trong cuộc trường chinh dưới thế? Ngài có phải là một hỏa ngục được đốt lên để đe dọa những tâm hồn chết nhát ươn hèn? Ngài có phải là một hình bóng, mà hình bóng thì có ích gì? Ngài có phải là nỗi ám ảnh của bóng tối mở buồng phổi tham lam vô tận của mình uống lấy ngọn lửa tinh khiết run rấy của những ngọn nến nơi thánh đường? Ngài có phải là Đấng háo danh chuyên hù dọa những miệng lưỡi xinh xắn để chúng tru lên suốt ngày tiếng lầm dầm xưng tụng Ngài?

Vâng! Thượng Đế là một hình bóng chẳng ra dáng nổi một hình bóng, vậy mà nó cứ khiến linh hồn của con người bộn rộn suối dòng lịch sử. Quả là vô ích! Nhưng nếu không có hình bóng đó, thì đâu là ngọn nguồn để linh hồn khao khát tuyệt đối của ta lê lết đến và vục miệng xuống uống? Chúng ta hội tụ nhau ở thánh đường cầu nguyện để làm gì. Bạn là kẻ hành hương khốn khó, bạn có tin rằng sau khi đã nỉ non cầu nguyện trước tượng Chúa, đôi giầy thủng của bạn sẽ mới lên không? Bạn có tin rằng cơn đói tàn nhẫn đang xâu xé chiếc dạ dầy lép kẹp của bạn vì sợ bóng Chúa chúng trở nên dễ thương hơn? Bạn có tin rằng, trước cửa nhà thờ - nơi những ngọn gió bấc đang vung vẩy chiếc roi tê buốt lên đùa nghịch vì sợ âm thanh cầu xin của bạn vọng đến tai Thượng Đế, chúng ngưng nghỉ trò lật xới tơi tả đám áo xông mỏng manh rách rưới của bạn? Không! sẽ chẳng có gì hết! Nhưng bạn được gì, có phải ở nơi thánh đường nhân danh Chúa, bạn đã quỳ xuống giữa những con tim đang run rẩy thèm khát tình thương và công chính. Chính ở nơi đó, trái tim bạn đã hòa nhịp với tha nhân. Và bạn trở gót bước ra giữa gió cuộc đời với một tấm lòng đã nhen lên ngọn lửa ấm áp nhân ái, và một trái tim vọng tưởng miền đất công chính. Rồi phép lạ đã đến với bạn không phải từ tay Đấng Tối Cao, mà chính những cánh tay khẳng khiu đã từng quỳ xuống bên bạn trao cho bạn một tấm áo ấm, một mẩu bánh mì, và một ổ rơm ấm áp ngả lưng trong đêm trường buốt giá của cuộc đời. Và đến lượt bạn, chính bạn, bạn cũng gieo phép lạ: bạn xé một nửa tấm áo, một nửa miếng bánh mà bạn nhận được trao cho ai đó. Vậy đấy, Thượng Đế, Ngài chẳng là gì cả, nhưng là mạch vữa liên kết tình yêu giữa những con người.

Song con người không chỉ là đàn chiên ngoan ngoãn của Chúa, nhìn ra đời sống chúng ta thấy đức tin của Chúa bị sói lở và bồi đắp từng ngày! Tại sao vậy? Bởi lẽ con người được tự do. Con người không muốn tủi hờn bước đi dưới quyền trượng áp chế của Ngài. Hơn nữa con người là tấm gương trần gian nhức nhối - ở đó dung nhan của Ngài hiện lên; và chúng ta, những kẻ thừa hưởng dòng máu cao đạo, khí phách và khiêm nhường từ nơi Ngài, chúng ta cũng buộc Ngài phải sáng tạo trước mắt chúng ta. Nhưng trước hết, chúng ta hãy sáng tạo ra sự sáng suốt của mình. Sartre nói: “Nếu Thiên chú không hiện hữu thì mọi sự ở đời cũng vẫn thế. Chúng ta sẽ nhận thấy có chừng ấy quy luật thôi. Do đó, chúng ta sẽ làm cho ý niệm về Chúa trở thành lỗi thời”.

Đúng không? Không có Chúa thì mọi sự ở đời vẫn vậy! Người vẫn là người! Cây vẫn là cây! Nhà vẫn là nhà! Lá cờ vẫn là lá cờ! Nhưng chúng ta hãy thử ngắm xem, một lá cờ đang bay phần phật, nó tự bay hay phải bay trong gió? Và chính gió nó có tựu thành một khuôn mặt nào chăng? Còn cuộc đời của chúng ta vẫn vậy là nó đang theo đuổi hút theo một cái bóng siêu hình nào đó, hay nó vẫn vậy bởi vì chẳng đuổi theo hình bóng nào cả? Tình yêu vẫn vậy là bởi vì nó theo đuổi nỗi nhớ nhung dày vò khôn nguôi hay nó chỉ là hiện thân của những vòng tay tạm bợ? Dòng sông vẫn vậy, bởi vì nó đang chảy ra biển hay là nó ngừng lại. Chúng ta thử nghe tiếng than của Sartre sau khi đã bôi xóa đi hình ảnh của Chúa: “Thiên Chúa không hiện hữu thì thật rất phiền phức… vì ta chẳng thể nào còn có những điều thiện tiên thiên nữa, vì làm gì có một ý thức vô hạn và hoàn hảo để nghĩ đến những điều thiện đó”.

Và cuối cùng, giống như tình yêu chỉ trường cửu khi những con tim biết ấp ủ giữ cho ngọn lửa đam mê chẳng lụi tàn theo năm tháng: tín điều của chúng ta chỉ thiết thực và hằng sống khi nó luôn trở lại tinh khôi trong mỗi tâm hồn bằng một ngọn lửa sáng tạo hằng tồn “hãy trở nên mới mỗi ngày”.
 
Những câu hỏi về Thương Đế và đấng toàn năng sáng tạo ra thế giới hình thành từ quá trình đi tìm bản chất thế giới,thế giới từ đâu mà có,con người có nguồn gốc từ đâu.Và khi ngược dòng tìm kiếm : B sinh ra A,cái gì sinh ra B?C sinh ra B,thế cái gì sinh ra C ??? cứ thế sẽ dẫn tới quan niệm cho rằng phải có cái nguyên nhân đầu tiên phát động ra vạn tượng và đó là Thương Đế.

Cách thứ hai khi tìm hiểu bản chất thế giới với muôn vàn sự vật hiện tượng sẽ thấy tuy muôn hình muôn vẻ nhưng lại thống nhất với nhau ở một trật tự nào đó,ví dụ như sự vật hiện tượng nào cũng chứa trong lòng những mặt đối lập,mâu thuẫn.Từ đó lại nghĩ rằng phải có bàn tay của ai đó đã sắp xếp lập trình sẵn cho thế giới này vào quy củ và bàn tay đó là của Thượng Đế.Những quy luật trừu tượng vốn chỉ hiểu được trong tư duy ẩn sâu trong muôn vàn hiện tượng mà ta đang thấy,nó hình thành từ quá trình phân tích tổng hợp,khái quát và trừu tượng mà rút ra.Heghel gọi nó là "ý niệm" hay "tinh thần tuyệt đối" là cao nhất ,đã sinh ra thế giới,tất cả là sự thể hiện hay sự tha hóa của " ý niệm tuyệt đối ".Và khi nhìn nhận bất kì vấn đề nào cũng có câu cửa miệng:
" Đó là do ý Trời".
Còn theo cách minh triết tu luyện đến rốt ráo nội tâm để hiểu Đạo của Lão Tử thì Đạo là cái khởi nguồn ra vạn tượng,tất cả đều khuôn theo Đạo,Đạo tuy chỉ có một,hoàn toàn tĩnh tại,khắp vũ trụ đâu cũng có mặt,tất cả suy xét cho đến cùng cũng chỉ thu về Đạo,Đạo ở đây thực chất cũng là những quy luật khách quan trừu tượng,những nguyên lí cơ bản nhất về thế giới.
Bàn tay ,chân có 5 ngón,người có tứ chi ,có ngũ tạng thì trời đất có 4 mùa,có 4 phương ,có ngũ hành.Người có nam có nữ thì vũ trụ có trời và đất,có ngày có đêm,có mặt trăng và mặt trời...
Con người nếu tĩnh tâm ngẫm lại mới có thể thấy được sự huyền diệu và trật tự của tạo hóa,thế giới có một Lực sống không hề thể hiện ra nhưng có thể đi tới mọi ngóc ngách ,có trong tất cả sự vật hiện tượng,nhưng nếu tuyệt đối hóa những quy luật trừu tượng khách quan ấy sẽ dẫn tới tôn thờ một vị chúa tể,một đấng sáng tạo.Và khi nắm được cái logic của tạo hóa rồi thì lại dễ coi thường hiện tượng sinh động.
Vật chất cái này sinh ra cái kia,vô cùng vô tận.Trong quá trình tác động vào nhau có sự phản ánh của sự vật này lên sự vật kia,giống như việc truyền thông điệp thông tin hay cơ chế di truyền học trong sinh vật mà thế hệ sau tuy có thể đột biến song mang bản chất vẫn có những nét cơ bản giống thế hệ trước.

Xét theo tiêu chuẩn về sự khổ luyện tu hành để giải thoát thì Thượng Đế là cái Tuyệt Đối vô biên,không có sự phân hóa,giao tranh ...Giống với triết lí tính không của Phật Giáo.Mọi thứ chỉ là giả hợp.Gọi là nó nhưng tất cả chỉ là sự kết tập từ bên ngoài mà có,không có gì là của nó cả giống như thân ta chỉ là tinh cha huyết mẹ,hít thở khí trời...mà thành, bản thân nó là tính không tĩnh lặng.Vì có sự tác động mà hình thành hữu thể,vận động biến hóa tương đối vô thường.Chỉ có cách thoát khỏi trạng thái đó để trở về với nguyên bản tĩnh lặng của mình.Chúng ta là thương Đế,Thượng Đế trong chúng ta,khi giải thoát sẽ trở về với Thượng Đế.

Như thế Thượng Đế chỉ là phạm trù triết học ,siêu hình.Nếu có Thượng Đế tồn tại như đấng cứu rỗi chúng sinh thì Thượng Đế cũng tuân theo Đạo,nằm trong trật tự của tạo hóa,mà nếu Thượng Đế còn phải khuôn theo Đạo thì Ngài càng không thể là người sáng tạo và giữ trật tự cho thế giới này.
 
Thượng Đế, Chúa hay Phật đều tồn tại trước hết nhờ niềm tin của con người. Con người không lí giải được nhiều vấn đề của thế giới xung quanh, trong khi khát vọng hiểu biết (đôi khi cả sự sợ hãi) thôi thúc họ tìm lời giải đáp khả dĩ nhất, và những nhân vật phi thường ở trên đã ra đời như một cứu cánh cho sự bất lực đó. Sự cứu cánh, hay cũng là sự an ủi cho loài người về mặt tinh thần.
Trong bài viết, có một đoạn bạn nói về khái niệm đạo trong Đạo giáo, nhưng không phân tích mối quan hệ giữa đạo và Thượng Đế. Nếu "Thượng Đế là cái Tuyệt Đối vô biên, không có sự phân hóa,giao tranh" thì hóa ra, Thượng Đế chính là Đạo, chỉ khác về tên gọi?
Có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, nhưng theo tớ nghĩ, Thượng đế chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng, và nó đã trở thành một thế lực thực sự chi phối con người về mặt tinh thần, đặc biệt là khi Nho giáo được cải tổ, và nhà vua trở thành Thiên tử (con trời).
 

Trending content

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top