Thức khuya nhiều giảm trí nhớ! Vậy mà nhiều người thức khuya dậy sớm thường là thiên tài!

  • Thread starter Thread starter Yeutoan
  • Ngày gửi Ngày gửi
Những người có thói quen thức khuya rồi ngủ vào sáng hôm sau thường tập trung tốt hơn và lâu hơn so với người ngủ sớm.

Nhiều người nghĩ thói quen ngủ sớm và dậy sớm giúp chúng ta khỏe mạnh, minh mẫn và giàu có. Nhưng các nhà khoa học của Đại học Liege (Bỉ) đã chứng minh rằng thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.

Nhóm nghiên cứu tuyển vài chục tình nguyện viên và yêu cầu họ ngủ theo thói quen hàng ngày trong hai tối liên tiếp. Nếu tính trung bình, nhóm dậy sớm ra khỏi giường trước nhóm thức khuya 4 tiếng đồng hồ. Sau đó các tình nguyện viên thực hiện một số công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trong khi tình nguyện viên làm việc, nhóm nghiên cứu sử dụng máy chụp ảnh cộng hưởng từ tốc độ cao để theo dõi hoạt động của các vùng não liên quan tới khả năng tập trung.

Kết quả cho thấy, mức độ tập trung của tất cả tình nguyện viên là như nhau ngay sau khi thức giấc. Nhưng sau 10 tiếng đồng hồ, hoạt động trong các vùng não điều khiển sự tập trung của nhóm dậy sớm giảm rõ rệt, trong khi mức độ tập trung của nhóm thức khuya vẫn không đổi. Khi thực hiện công việc vào buổi tối, nhóm dậy sớm dễ ngủ gật hơn và thực hiện các thao tác chậm hơn so với nhóm thức khuya.

Một số nghiên cứu trước đây chứng minh rằng đồng hồ sinh học của con người được điều khiển bởi một số gene. Chính các gene này quy định việc chúng ta thích thức khuya hay dậy sớm. Những nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu này khẳng định người thức khuya sáng tạo hơn, ghi nhớ tốt hơn, thao tác nhanh hơn so với người dậy sớm. Vì thế mà họ cũng có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn.

Nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nhân loại có thói quen thức khuya. Chẳng hạn, Charles Darwin (cha đẻ của thuyết tiến hóa) và Winston Churchill (cựu thủ tướng Anh trong Thế chiến thứ hai) thường xuyên đi ngủ vào lúc 4 giờ sáng và dậy muộn. Do thói quen đó mà Winston Churchill thường chủ trì các cuộc họp của nội các chiến tranh từ buồng tắm.

Một số nhà khoa học cho rằng thói quen dậy sớm và thức khuya có nguồn gốc từ quá trình tiến hóa. Ở thời đại đồ đá, những người đảm nhận việc tìm kiếm thức ăn phải dậy sớm, còn những người đảm nhận nhiệm vụ canh gác phải thức khuya. Khi nhân loại bước sang giai đoạn chăn nuôi và trồng trọt, việc dậy sớm được coi là cần thiết, trong khi những cá nhân thức khuya thường được xếp vào diện không chăm chỉ.

Ảnh: expresstimesystems.

Bạn làm việc tốt nhất vào ban đêm? Hãy yên tâm bởi một nghiên cứu mới cho rằng những "con cú đêm" lại là những người có óc sáng tạo.

Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải đầy đủ vì sao người của đêm lại sáng tạo hơn, nhưng nó có thể là do thích nghi với lối sống khác thường.

"Ở trong một tình cảnh khác biệt với thói quen thông thường, những người hoạt động ban đêm này sẽ phát triển một tâm hồn phóng khoáng và khả năng tìm kiếm giải pháp thay thế độc đáo", giáo sư Marina Giampietro, tác giả nghiên cứu, nói.

Các nhà nghiên cứu Italy tại khoa Tâm lý học thuộc Đại học Sacred Heart ở Milan đã tìm hiểu 120 đàn ông và phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Sau khi những người tham gia được chia thành 3 dạng làm việc buổi tối, buổi sáng, hoặc trung gian, họ thực hiện 3 bài kiểm tra đo độ sáng tạo. Những người hoạt động ban đêm đạt điểm cao hơn hẳn trong các yếu tố như sự linh hoạt, khả năng phát sinh, sự lưu động, độc đáo, còn những người hoạt động ban sáng hay trung gian vất vả lắm mới đạt quá điểm 50.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy tuổi tác không ảnh hưởng tới sự sáng tạo. Những người già vẫn duy trì được khả năng sáng tạo của mình.

Hans Van Dongen, thuộc Trung tâm nghiên cứu hoạt động và giấc ngủ của Đại học bang Washington, cho biết việc một người thuộc type hoạt động ban sáng hay ban đêm là do não quy định. Họ đã tìm thấy một nhóm tế bào não gọi là suprachiasmatic nuclei gửi tín hiệu tới cơ thể đồng bộ với thời gian trong ngày. Chiếc đồng hồ sinh học này chạy sớm 2 giờ ở những người hoạt động ban sáng và 2 giờ muộn hơn ở người hoạt động ban đêm.

Ảnh: dailymail.co.uk.

Đi ngủ sớm và dậy sớm giúp bạn khỏe mạnh, giàu có và sáng suốt, đó là câu cách ngôn mà rất nhiều người biết. Nhưng một nghiên cứu cho thấy, nếu muốn có nhiều ý tưởng mới, bạn không nên ngủ quá sớm.

Các chuyên gia của Đại học Newcastle, Anh, tiến hành phỏng vấn 1.426 người trưởng thành từng có những ý tưởng hoặc phát minh mới. Khoảng một phần tư số họ cho biết những ý tưởng mới thường nảy ra vào giữa buổi tối, trong đó số người nảy ra sáng kiến vào 22h04 chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Trong khi đó, trái với suy nghĩ của nhiều nhà quản lý, rất ít người tham gia phỏng vấn nói rằng, họ từng nảy ra những ý tưởng mang tính đột phá khi làm việc tại văn phòng vào ban ngày.
Vào buổi chiều, khi phần lớn cư dân Trái đất còn làm việc, 98% người tham gia khẳng định họ "không có cảm hứng sáng tạo". Tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn cho tới tận 16h33. Vào buổi tối, sự minh mẫn quay trở lại.

Khi được hỏi về biện pháp giúp não hoạt động hiệu quả hơn trong hoạt động sáng tạo, 44% nói rằng họ tắm vòi hoa sen.

Nhiều nghiên cứu trước đây khẳng định rằng, ngay cả khi có khả năng sáng tạo bẩm sinh, hơn một nửa ý tưởng mới của một con người sẽ biến mất vĩnh viễn ngay sau khi chúng vừa xuất hiện. Khi cảm hứng sáng tạo lóe lên, 58% số người tham gia không kịp lấy bút ghi ý tưởng mới ra giấy, để rồi sau đó quên mất.

Phụ nữ tỏ ra xuất sắc hơn nam giới trong việc ghi lại ý những ý tưởng hay nhất của họ cho thế hệ sau.

Một nghiên cứu do Đại học Sacred Heart ở Milan, Italy, tiến hành cho thấy một phần ba số người ở độ tuổi trên 35 thường ghi những ý tưởng mới trên mu bàn tay và những người thức khuya luôn đạt năng suất cao hơn trong việc "sản xuất ý tưởng". Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người không chịu gò mình theo các khuôn phép xã hội có xu hướng tạo ra nhiều sáng kiến hơn.

Cũng theo một nghiên cứu mà các nhà khoa học của Đại học Newcastle tiến hành vào năm 2006 thì những người làm công việc sáng tạo, như họa sĩ và nhà thơ, tỉnh giấc nhiều hơn người bình thường 2-3 lần trong suốt cuộc đời họ.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Vậy là bạn giải thích được câu hỏi của tớ rồi đấy nhưng dù sao thức khuya thường xuyên vẫn hại sức khỏe!
 
Thức khuya hại trí nhớ, dạ dày, tim mạch

Do công việc hay thói quen sinh hoạt, nhiều người thường xuyên thức khuya. Theo nhiều nghiên cứu, thức khuya có tác động rất xấu đến sức khoẻ lẫn tinh thần của bạn.

Làm hại trí nhớ, dạ dày, tim mạch...


Quy luật tự nhiên ngày và đêm buộc cơ thể phải thích nghi và có những điều chỉnh sinh học phù hợp. Buổi tối là thời gian dành cho việc đi ngủ, cơ thể nghỉ ngơi và tái sinh, đảo lộn quy luật này sẽ dẫn đến nhiều thứ bệnh.

Nếu thiếu ngủ thường xuyên sẽ dẫn đến buồn rầu, ủ rũ, mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm xuống. Ngày hôm sau bạn đến cơ quan, đầu óc luôn căng thẳng, không tập trung được trí nhớ, những cơn đau đầu cũng sẽ hành hạ bạn. Ít ngủ có thể gây tăng huyết áp bởi nó khiến các nơron thần kinh luôn ở trong tình trạng hưng phấn, tác động ngược lại cơ thể, bao gồm cả tim và các mạch máu.



Thức khuya làm việc đêm không tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Người thức khuya thường hay ăn đêm, do cơ thể trong trạng thái tĩnh nên lượng mỡ không được giải phóng, dễ bị béo phì. Ăn vào ban đêm, không những khó ngủ mà sáng hôm sau ăn cũng không ngon miệng, gây mất cân bằng dinh dưỡng. Ăn đêm ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Vì ban ngày, cơ thể hoạt động, thần kinh giao cảm sẽ giúp cho dạ dày co bóp mạnh, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Trong khi đêm đến là lúc cơ thể được nghỉ ngơi, mức độ co bóp của dạ dày giảm đi rõ rệt, việc tái sinh tế bào niêm mạc dạ dày không diễn ra một cách thuận lợi. Ăn đêm khiến thức ăn ứ lại trong thời gian dài, dạ dày phải làm việc nhiều sẽ kích thích niêm mạc dễ dẫn đến viêm loét.

Thức khuya khiến nguy cơ mắc bệnh tim cao. Bởi đêm là lúc nhịp tim hạ, mạch máu chậm, cơ thể phù hợp cho trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra, thiếu ngủ làm mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa, ảnh hưởng rất lớn đến thính giác, nếu thiếu ngủ triền miên có thể bị điếc tai.

Da xấu và nguy cơ ung thư vú cao

Quy luật sinh học của cơ thể cho thấy, thời gian từ 10h đến 11h đêm là thời gian tốt nhất để dưỡng da. Thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn sự tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất, khiến da bị khô, sạm, không có sức đàn hồi, nhợt nhạt, thiếu sinh khí, đôi khi sần sùi và nổi mụn, mắt quầng thâm. Phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng tự nhiên còn làm cho đôi mắt mệt mỏi, thị lực giảm một cách nhanh chóng.

Phụ nữ thức khuya, đặc biệt là làm việc hay sinh hoạt dưới ánh đèn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 3 lần so với những người đi ngủ đúng giờ. Nguyên nhân là do ánh sáng của đèn đã ngăn cản cơ thể phụ nữ sản xuất ra chất melatonin - một nội tiết tố tự nhiên được sản sinh khi ngủ trong bóng tối, thường là từ 11h đêm đến 4h sáng. Chất melatonin là một trong những nhân tố chủ yếu giúp chống lại sự tấn công của bệnh ung thư vú.

Nên ngủ đúng giờ giấc

Không tôn trọng đồng hồ sinh học sẽ làm cơ thể mất cân bằng, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Từ 0h đến 1h sáng, là lúc cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục sau một ngày tiêu hao năng lượng. Đây là thời gian quyết định xem ngày hôm sau, bạn thức dậy cơ thể có sảng khoái hay không. Do vậy, bạn nên đi ngủ trước đó khoảng 2 tiếng, để vào thời gian này thì đã chìm vào giấc ngủ sâu. Với trẻ em, bạn cần phải cho đi ngủ sớm hơn, bởi thời gian sinh trưởng của trẻ tốt nhất là từ 8h đến 10h đêm.

Từ 1h đêm đến 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Nếu bạn rút ngắn hoặc có thể bỏ qua giai đoạn này, cơ thể của bạn sẽ suy sụp một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bạn thường xuyên phải thức khuya, việc ăn uống và cách thức ngủ cần phải tuân thủ theo nguyên tắc. Về ăn uống, bạn không nên ăn mặn vì nhiều muối sẽ không tốt cho da. Để không ăn quá nhiều, bạn nên chia nhỏ các bữa vào buổi tối. Nên ăn các đồ ăn dễ tiêu hoá, ít chất béo, giàu vitamin B. Bạn không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu hay thuốc lá để thức khuya, vì các chất này dễ làm tổn hại cho hoạt động của hệ thần kinh, gây căng thẳng, mệt mỏi. Cách tốt nhất là bạn nên uống nhiều nước. Nước sẽ giúp thải chất độc cơ thể, tránh hiện tượng khô mắt. Bạn có thể sử dụng nước lọc, hoặc nước hoa quả, tuy nhiên nên uống các nước hoa quả có ít đường.

Dù bạn thức khuya thì một giấc ngủ sâu sau đó cũng sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục. Ngủ sâu làm cơ thể tiết nhiều hormone để cân bằng và nâng cao sức đề kháng. Bạn nên đảm bảo phải ngủ ít nhất 4 - 5 tiếng mỗi đêm. Bạn cũng không nên ngủ nướng nhiều vào sáng hôm sau, vì không khí buổi sáng rất tốt cho việc hồi phục sức khoẻ.

Các khảo sát cho thấy, thời gian ngủ thường giảm dần theo tuổi. Chẳng hạn, em bé sơ sinh ngủ khoảng 17h mỗi ngày; trẻ lớn hơn ngủ từ 9 – 10h mỗi đêm; người trưởng thành ngủ 7 - 8h/đêm; còn người cao tuổi thường ngủ dưới 6h/đêm.

Theo BS. Lê Văn Chất
Giadinhnet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top