Thư muộn cho thầy

Hide Nguyễn

Du mục số
3044620107_f100fd5af8.jpg



Con vừa nhận được tin thầy ra đi sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Căn bệnh mà nhiều người nghĩ rằng: “Thầy đã gắn với phấn trắng bảng đen quá nhiều năm nên…”. Con không nghĩ vậy bởi có bao người không tiếp xúc với bụi phấn vẫn bị ung thư.

Con thấy thương thầy hơn bao giờ hết, con vẫn còn nhớ như in ngày xưa con bé được học thầy…

Ngày xưa, nói cho xa xôi thế chứ chỉ cách đây chừng 15 năm. Con là đứa học trò nhút nhát và thầy là ông thầy tuổi đã 50. Quê con nghèo, vậy mà thầy từ thị trấn lên đó quyết bám trụ đến 20 năm. Từ một anh giáo trường làng thầy được giao cho nhiệm vụ quản lý, nhưng rồi nhớ lớp, nhớ học trò quá nên thầy xin thôi và chấp nhận làm ông giáo bình thường để được đứng lớp dạy dỗ các em… Việc làm này của thầy mãi đến bây giờ con mới nhận ra được giá trị của nó, bài học về việc từ bỏ chiếc ghế lãnh đạo, bài học cống hiến và chia sẻ kiến thức.

Nói đến sự sẻ chia, có lẽ thầy không giữ nhiều thứ cho riêng mình. Đồng lương giáo viên không cao nhưng thầy luôn trích ra để treo thưởng cho học trò từng quý, từng học kỳ. “Em nào học giỏi, ngoan thầy thưởng riêng 10 cuốn tập. Nhà trường sẽ thưởng thêm!”. Con nhớ năm học lớp 5 cũng đã cố gắng nhận phần thưởng danh dự đó của thầy.

10 cuốn tập ấy con dùng để chép bài thật sạch đẹp trong năm học lớp 6. Đến giờ này những tập vở thời học trò con vẫn còn lưu giữ. Mỗi lần xem lại những kỷ niệm ấy, con nhớ thầy khôn nguôi.

Con lớn lên đi học, đi làm xa. Mỗi năm về thăm thầy được một lần nhân dịp tết. Mồng 3 tết thầy, con và các bạn lớp 5D hồi xưa lại quây quần bên thầy, nghe thầy kể chuyện dạy và học. Tết rồi con về thăm thấy thầy tiều tụy nhưng con không dám hỏi. Vậy mà thầy vẫn nắm chặt tay con dặn dò: “Tụi con dù có lớn mấy, làm gì cũng cần phải học, học nữa, học mãi để cập nhật kiến thức và làm người tử tế. Thầy thấy bây giờ nhiều người học giỏi, làm giàu giỏi nhưng lại phạm pháp, luồn lách, đánh mất phẩm hạnh”.

Con có ngờ đâu đó lại là lời dạy dỗ sau cuối con nhận được từ thầy. Lời ấy của thầy có lẽ sẽ theo con suốt hành trình sống, làm việc, để con biết rằng mình cần phải bổ trợ thêm nhiều thứ, nhất là trong cách sống, làm người nhân nghĩa, có tình có lý trong giao tiếp, đối đãi.

Con viết những dòng này khi vừa đọc được hai câu trong bức thư pháp: “Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng/ Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”. Vâng, thầy ơi, con gọi thầy lần này nữa, và mãi mãi tiếng ấy chỉ là thanh âm con gọi một mình trong nỗi nhớ. Ơn thầy muôn kiếp khó đáp đền, khó tỏ bày hết qua một bài viết, một lá thư. Con chỉ có thể tâm niệm thầm cố gắng sống như những lời thầy dạy và thầy đã sống: tận tụy, nhiệt thành, giản dị và khoan dung.

Gửi những dòng này, con xin đốt một nén hương lòng gửi về quê tiễn thầy về với đất lạnh, thầy đi bình an, đi theo đúng quy luật sanh - trụ - dị - diệt của kiếp nhân sinh. Con nhận diện được nhưng sao vẫn nghe cay sè nơi khóe mắt. Con nuốt nước mắt vào trong khi nghe bài hát “Người thầy” vang lên từ chiếc radio nhỏ:


“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/ Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhoè trang giấy/ Để em đến bên bờ ước mơ/ Rồi năm tháng sông dài gió mưa/ Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa…”.

Con viết thư này với những bộc bạch chân thành dành cho thầy. Dù đã muộn nhưng con vẫn viết, để giao cảm với thầy, để khắc trong tim mình hình bóng một người thầy khả kính! Thầy ơi.
Tác giả: Lưu Đình Long Nguồn: Tuổi Trẻ
 
tận tụy, nhiệt thành, giản dị và khoan dung.

một bài viết rất hay và ý nghĩa, mong những người thầy Việt Nam sẽ mãi giữ được những đức tính tốt đẹp đó :) và cũng cảm ơn những người đã dành cả cuộc đời mình vẫn âm thầm đưa đò qua sông :)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top